Chương I

Họ vẫn chẳng để tôi yên.

Mười năm nhốt trong trại cho người ngớ ngẩn kia, mười năm sống bên những kẻ dở hơi, những người động kinh, những người lão suy, những kẻ lủng sọ, những thiên tài bất đắc chí. Mười năm với đám người bạch tạng, những khuôn mặt bệch như sáp chỉ tỉnh thức để lăng mạ tôi, và, vào đôi lúc sáng suốt hiếm hoi, gọi tôi là Mặt-Khỉ.

Thoát, tôi tưởng tôi thoát chứ. Vậy mà lại bị mấy cái gien túm lại. Vậy mà một cái thư lại nhắc tôi phải nhớ tới cái gia đình đã cán dẹp bộ não tôi, hủy diệt tuổi trẻ tôi, phá hư đời tôi. Một cái thư. Cái thư của một con bé kiêu kì (chứ sao, coi tuồng chữ phóng túng, lối đặt câu, cách dùng tiếng Pháp của nó là thấy ngay : làm như tôi biết, tôi, kẻ học tiếng Pháp giữa đám người điên và học chỉ cốt để yêu cầu mấy người y tá đừng táng mạnh quá, cho tôi thêm một cái chăn, làm như tôi, tôi biết thưởng thức những tinh tế trong cái tiếng Pháp đẹp đẽ kia, cái ngôn ngữ con bé sử dụng như một tay tập giết người sử dụng con dao làm bếp.)

Tất nhiên, cả tôi nữa, tôi cũng đã lao mình vào công cuộc khai phá văn hoá ấy. Năm năm trong thư viện thành phố đọc bất cứ cái gì vớ được. Văn hoá đấy, tôi tự bảo. Văn hoá bằng bất cứ giá nào, phải có cái đầu vững vàng chứ.

Ấy vậy mà trong thư viện tôi thư thái lắm. Tôi xếp sách theo thể loại và theo mẫu tự. Tôi tới lui giữa các kệ sách, tra xét, kiểm kê, trường hợp có quyển nào để không đúng chỗ. Đôi khi người ta nhờ tôi đảo lộn hết. Hai ngày liền, tôi khuân, tôi vác. Tôi giả bộ thán phục hệ thống phân loại mới. Tôi biết thừa náo động lắm rồi cũng chẳng đi đến đâu, rồi cuối cùng cũng sẽ trở lại lối cũ. Xếp sách chán thì có thể đi thẩn thơ, chẳng làm gì cả, ra ngoài hành lang hút một điếu thuốc. Nhưng tôi, tôi chúi vào một xó thư viện đọc sách. Tôi chẳng đọc hết một quyển nào bao giờ. Tôi chọn sách đủ mọi thể loại. Tôi nhảy từ tiểu thuyết qua tài liệu, từ sử kí sang nhật kí. Cốt là để luôn luôn có hết chữ này tới chữ khác dưới mắt. Bà quản thủ thư viện đem tôi làm gương. Một gã điên, một tên Chà Chệt đâm chịu đọc sách. Văn hoá cứu vớt...

Tối về phòng mình, tôi vừa ăn vừa đọc, trước khi ngủ cũng vẫn đọc. Thế mà họ đã nhốt tôi dường như vì tôi dễ mất bình tĩnh. Tôi không ngờ lại có thứ thuốc an thần hạng nhất này – văn hoá.

Tôi yên thân. Một mình trên đời, hả hê một mình trên đời, và yên thân. Với những quyển sách giúp tôi sống, những quyển sách cơ thể tôi ngày chịu được ngày không, như những liều thuốc cứu ta nhưng khiến ta tháo tỏng và đầu thì nhức như búa bổ. Tôi một mình và yên thân. Số mệnh lại khiến con bé đỏng đảnh kia quấy rầy tôi. Nhắc tôi rằng tôi có một gia đình. Rằng do cái gia đình ấy cổng nhà thương điên đã mở ra đón tôi. Rằng gia đình ấy đã nhét tôi vào đấy, vào nhà thương điên vùng Corrèze này. Chuyện đùa hay quá thể ! Chắc họ đã cười lăn cười lộn khi nghĩ tới cái vố họ chơi tôi này.

Muời lăm năm nay chúng tôi đâu còn liên lạc gì. Tôi đã quên phứt có con bé trên đời này. Mấy đứa cháu gái thế nào rồi cũng tái xuất hiện. Còn nhỏ thì chúng giơ đùi giơ vế với mấy chiếc răng khểnh, đi qua là để lại phảng phất mùi thói hư dồn nén. Đến tuổi chanh cốm chúng không ngó tới ta nữa, nhưng có chuyện khủng hoảng là tức thì chúng đòi ta bào chữa cho kiếp sống của chúng. Chúng kêu đến ông cậu như một nữ danh ca kêu đến người hâm mộ già nhất của mình.

Con bé với tôi chỉ có một điểm chung : sách vở. Đó là thương nghiệp của nó, cách kiếm ăn của nó, kích thích của nó, khiến nó tiến tới được. Còn với tôi, sách vở là thuốc dịu đau. Nhờ sách, tôi giả chết.

Ngày gia đình đẩy tôi lên máy bay sang Pháp, sang cái nhà thương điên vùng Corrèze này, con bé đâu chừng mười, mười hai tuổi. Nó đến xứ này vài năm sau tôi. Nó thành nhà văn. Chưng cất thuốc dịu đau. Chế biến thuốc an thần. Làm bà chủ chứa chữ nghĩa không đủ sao mà nó lại quấy rầy tôi ? Biết đâu có ngày tôi sẽ đọc sách của nó. Vậy mà nó không để tôi yên. Nó kiếm cái gì ? Chắc cô ả cạn cảm hứng rồi.

Tôi không nói ngoa đâu : con bé quấy rầy tôi. Làm như tôi biết được chuyện gì, làm như trí nhớ tôi còn nguyên vẹn. Mười năm sống giữa đám người điên, rồi bất chợt bị chỉ đích danh là người nắm chân lí. Nó đặt vào tay tôi một cuộc đời, đời nó. Nếu tôi nảy ý kể điều này thay vì điều kia, cuộc đời ấy sẽ đổi khác. Con bé ngu quá, tôi tự nhắc mình. Có ngu mới đi nhờ người điên chỉ đường. Nó giở chứng gì đây ? Hay là nó thích liều ? Nó có óc lãng mạn ? Nó bảo tôi, Cậu là người duy nhất trong gia đình cháu muốn có liên hệ. Có liên hệ ! Ai lại nói như thế bao giờ ! Tôi kích thích trí tò mò của nó, vì trong cái bộ lạc ấy tôi là thằng điên duy nhất bị nhốt. Những người khác, được tự do, tiếp tục gây tàn hại.

Cái thư tới đã năm ngày nay và từ năm ngày nay tôi nhức đầu. Tôi không đọc nữa. Tôi nguệch ngoạc viết. Hễ xếp sách xong tôi chuồn ngay vào cái xó trong cùng thư viện của tôi và tôi viết vào tập vở này, một tập vở lớn bìa xám, mềm. Tôi cũng chẳng biết tôi viết những gì nữa. Hẳn là một báo cáo. Một báo cáo để gửi cho con bé, để nó hiểu rằng tôi làm sao nhớ được chuyện gì. Tôi viết báo cáo. Về đời nó. Về đời tôi. Báo cáo về sự phản bội. Người thân của tôi đã phản bội tôi thế nào. Đến lượt nó, nó phản bội họ thế nào. Cứ như nó trả thù cho tôi. Họ đã cưỡng bách tôi lưu đày. Nó thì tự ý ra đi, hoan hỉ chuyện chuyển di mà nó linh cảm, nó hi vọng, sẽ giải thoát nó khỏi di truyền gia đình. Tôi đã phải học tiếng Pháp giữa đám người điên. Còn nó, con bé, tiếng Pháp đã trở nên ngôn ngữ duy nhất của nó, khí cụ của nó, vũ khí cuả nó. Vũ khí nó sử dụng chống gia đình, chống Đất Nước. Có vũ khí ấy, bao giờ nó cũng sẽ một mình. Nó là dân Chà Chệt viết văn bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp với nó giờ đây chẳng khác nào bệnh điên với tôi trước nay : một cách để thoát khỏi gia đình, để bảo vệ sự cô đơn, sự toàn vẹn tâm thần. Tôi đâu có gì để nói với nó. Nó muốn tôi thành đồng lõa của nó. Tôi nhớ gì về nó nhỉ ? Gầy gò, tóc thưa, có ánh đỏ. Lúc nào cũng lẵng nhẵng đi theo cha nó – vừa là người hướng dẫn vừa là bạn chơi, vừa là rào cản.

Cha nó, chuyện lớn của đời nó.