- I -

Gió cừu thổi lạc ngàn mây,

Ôi! Vàng võ lắm cho gầy nét thu.

Đời buồn như kẻ chinh phu:

Lên yên! Vó ngựa cầu thu nhịp đều...

Thẩm Thệ Hà

- I -

Tiếng nguyệt cầm

Vừa đến một ngõ rẽ, Thái dừng ngựa lại, bảo Sơn:

- Chúng ta hãy tạm biệt. Ba tháng sau sẽ gặp nhau lại trên đường về Bắc Sơn.

Sơn ngần ngại:

- Bạn về đâu?

- Tôi còn một người mẹ. Mười năm trời có lẽ mái tóc sương đã mỏi mòn tựa cửa.

- Vậy thì chúc bạn hãy trở về may mắn.

Thái giật cương ngựa cho tiến tới. Chàng quay lại mỉm cười chào Sơn, rồi cho ngựa phi nước đại về phương bắc.

Sơn đứng tần ngần nhìn theo. Làn bụi bốc sau đuôi ngựa, dậy bừng lên như một cơn loạn gió. Mây và trời đìu hiu. Tiếng vó câu rộn ràng, hờ hững vời nỗi niềm cô tịch.

Chàng thờ thẩn thúc ngựa. Nhưng biết về đâu? Đêm dần muộn màng cũng đã trở về trên cảnh vật. Vầng trăng mờ lơ lửng trên đầu non. Mảng mây hồng núp sau núi giải tràng san đã nhuộm màu tím thẳm.

Gió lên. Gió cướp đi những tờ lá và làm ríu rít những đàn chim. Gió thu gieo nặng một u buồn và làm lạnh lòng người độc mã. Sơn dõi mắt nhìn ra xa, cố tìm một bóng đèn. Nhưng bốn phương chỉ những bức màn tối. Chàng đành lỏng cương ngựa, mặc cho nó muốn đi đâu thì đi, muốn đến đâu thì đến...

Bỗng trong đêm trường tịch mịch, dường thoang thoảng một tiếng đàn. Sơn lắng tai. Tiếng vi vu buồn một cách lạ thường, không thể là tiếng gió. Dư âm đưa sang từ phương bắc, triền miên trong một điệp khúc tràng giang.

Sơn cho ngựa đi lần về phía tiếng đàn. Qua khỏi một rặng cây, chàng đã thấy một ánh đèn lấp lánh. Thanh âm càng rõ rệt, Sơn nhận ra là những tiếng nguyệt cầm. Đó là những tiếng khoan hòa trong nhung gấm, những tiếng đã biểu lộ một cái gì đài các phong lưu, đã gói ghém cả một thời xa xưa phong kiến. Những tiếng du dương lưu lệ ấy, sao lại còn vẩn vương ở một gốc rừng xanh? Sơn còn ngẩn ngơ, thì một tiếng hát trong veo như tiếng suối đã buông ra trong khoảng tối. Lòng người lữ hành bị hấp dẫn trong một tràng cảm giác lê thê...

Lô xô gió cuốn lá vàng,

Bóng chiều đổ xuống, dò ngang tắt rồi.

Đêm nay ngủ đổ nhà ai?

Buồn sa mạc quá, ngân dài tiếng lau.

Ngàn cây khói nước một màu,

Súng xa xa nổ rừng sâu đượm buồn...

Lời ca yêu kiều trong gió, quyện một nỗi buồn man mác. Rõ ràng là tiếng của một nàng thiếu nữ. Sơn có cảm tưởng như vừa lạc đến một động đào.

Dừng cương trước cổng, Sơn nhảy xuống ngựa. Tiếng vó câu làm cho cung đàn im bặt. Trong nhà có tiếng rộn rịp. Sơn toan gọi cổng, thì một người nhà vừa chạy ra. Trông thấy Sơn, gã nghiêng đầu chào, hỏi với giọng kinh ngạc:

- Ông đi đâu giờ này? Và hình như là ông từ xa đến?

Sơn cũng nghiêng đầu chào:

- Tôi từ xa đến. Tưởng rằng phải ngủ một đêm trong rừng thẳm; may quá, cũng nhờ tiếng đàn mới tìm được đến đây.

- Ông chờ tôi vô bẩm lại.

Dứt lời, người nhà chạy vào. Một lát, cánh cửa mở rộng. Một ông cụ trạc 60 tuổi bước ra. Lão tươi cười bảo Sơn:

- Không ngờ tiếng đàn của con bé lại hướng dẫn đặng một người khách quý. Vậy mời cậu cứ vào.

Sơn cung kính:

- Vì lỡ bước nên làm phiền đến cụ.

- Ở nơi lâm sơn hẻo lánh này, đặng tiếp một người khách là một cái hân hạnh. Có gì là phiền.

Lão nói xong, cười ha hả, nắm tay Sơn kéo vào. Sơn bước theo, lòng thấy lâng lâng như tiếng nguyệt cầm trong sương lạnh.

Căn nhà khách bày biện một cách trang hoàng, cổ kính. Chính giữa là một chiếc tràng kỷ. Ánh đèn tọa đăng buông ra những tia sáng dịu dàng. Cụ già trỏ ghế mời Sơn. Cụ cũng ngồi xuống đâu mặt với Sơn, đoạn ôn tồn hỏi:

- Cậu đến từ miền trên hay miền dưới? Sao giờ này lại còn cô thân độc mã giữa rừng khuya?

- Thưa cụ, cháu vừa vượt biên giới. Cháu đi với một người bạn, nhưng bạn cháu vì bận nên đã lên đường ngay buổi xế.

Lão chăm chú nhìn Sơn. Đôi mắt già sánh lên, trông quắc thước như một lão tướng. Sơn đã nhận thấy ở lão một cái gì khác thường. Trong lúc Sơn đang hồi hộp vì tia mắt của lão, lão bỗng nghiêm nghị vỗ mạnh vào vai Sơn:

- Ở đây, khách quý của lão nếu không là đạo tặc thì là tráng sĩ. Người ta bảo Kinh Kha rất hiếm, mà lão thì lão được tiếp rất nhiều. Hôm nay lại thêm quý khách nữa, thật quả lão có rất nhiều hạnh ngộ.

Sơn chợt hiểu. Chàng thấy mạch máu sôi lên một nguồn cảm khí, đôi mày xanh dựng lên, cười dưới ánh đèn. Chàng khiêm tốn:

- Bảo sự hạnh ngộ ấy là của cháu thì phải hơn. Nửa đời lang bạt, những phút ấm cúng của đời cháu là những phút ngồi dưới ánh đèn, cạnh bên những tâm hồn đồng chí. Nếu cháu không lầm, cụ vốn là một bậc chí sĩ. Bỏ nơi phồn hoa đô hội, về rừng xanh hẳn có dụng ý gì chăng?

Lão hơi chếch đôi mày. Nét răn trên trán sa sầm một phút. Lão không trả lời, nhưng Sơn cũng đã hiểu. Đối với những tâm hồn tri ngộ, thì một cử chỉ cũng là muôn tiếng nói của lòng.

Chợt một tiếng động làm Sơn ngẩng đầu lên. Chiếc mành trúc rung rinh, mặc dầu không một tí gió. Chàng nghĩ thầm: “Tiếng nguyệt cầm!” rồi thấy lòng say sưa như thoảng qua một mùi hương êm ái. Nhưng từ đấy, cử chỉ chàng không còn tự nhiên nữa.

Sơn có ý tọc mạch muốn hiểu rõ hành động của nhà chí sĩ, nhất là của “Tiếng nguyệt cầm”. Nhưng tính trầm mặc của cụ già làm cho Sơn khó chịu. Chàng đưa mắt nhìn lên tường, hoạ ra tìm được một dấu vết gì phản ảnh rõ tâm hồn của chủ nhân nó chăng?

Trên tường bốn bức tranh thủy mạc phô diễn những nét vẽ u huyền và linh hoạt. Phía bên mặt, một bức vẽ Trận Đống Đa, một bức vẽ Trận Chi Lăng. Bên trái, một bức vẽ giải hoàng thành, một bức vẽ giải Hoành Sơn. Dưới mỗi bức đều ghi rõ lời chú thích bằng chữ hán. Hai bên bức vẽ đầu có hai câu đối:

Chân quyết tự lòng Mao thị đắc,

Ân ba ưng hứa Đổng đình quy.

Phía hai bức tranh kia cũng có hai vế đối:

Vân gian đông lỉnh thiên trùng xuất,

Thụ lý nam hồ nhất phiến minh.

Sơn lẩm nhẩm đọc, lòng thấy chơi vơi trong một bầu không khí cổ kính. Chàng đang phân vân với ý nghĩa của mấy câu đối. Tại sao lại: “Phép quyết chơn thuyên do tự nhà họ Mao học được?” Tại sao lại: “Làn sóng ân trạch của nhà vua cho qua hồ Động Đình mà về?” Rõ ràng cái ẩn ý cần vương từ nơi phương Bắc. Hai câu dưới u ẩn hơn: “Núi phía đông do trong đám mây ngàn trùng mọc ra; Hồ phía nam do trong chòm cây rạng sáng”.

Phải chăng đó là cái ý chiêu mộ phương đông và khởi nghĩa ở miền sơn cước phương nam?

Sơn chắc chắn là mình không lầm nữa. Nhà chí sĩ ấy là một đảng viên của phái Quốc gia thuần túy. Cái mộng cần vương còn ôm ấp trong tâm hồn nhà chí sĩ, đợi một trận Chi Lăng khôi phục lại cơ đồ. Trước vẻ khí khái của cụ già, Sơn đem lòng kính phục, mặc dầu chàng không đồng quan niệm. Tuy vậy, Sơn càng muốn đi sâu vào tâm hồn lão để tìm hiểu chiến thuật của một phái đối lập. Chàng cung kính và với một giọng rất thành thật:

- Thưa cụ, mười năm trời phiêu bạt, đây là lần thứ nhất cháu trở lại cố đô. Chẳng hiểu nước nhà có gì lạ chăng? Có phương pháp nào cứu vãn giang sơn chăng?

Lão già thở ra mà rằng:

- Cứu vãn giang sơn, người ta đã dùng nhiều phương pháp rồi. Biết bao cuộc vận động Cần vương đều tan rã.

- Đem lực lượng cô lập mà chống với cường quyền đế quốc, đó là một việc tự sát. Sự ấy rất dĩ nhiên.

- Và cũng rất đau thương, cậu ạ! Nhưng những cuộc vận động đều thất bại cũng để lại cho ta một bài học. Nhờ đó mà có Phong trào Đông du. Các nhà cách mạng thay đổi chiến lược là vận động cho thanh niên Việt Nam du học. Họ ra đi nhiều, và chính lão là người đã từng tiễn chân tráng sĩ.

Sơn nhìn ra ngoài trời tối tăm để gợi lại những ngày dạn dày sương gió. Chàng thấp giọng, dường như để tự hỏi lấy mình:

- Nhưng họ đã làm được những gì?

Lão đưa tay vuốt chòm râu bạc, đôi mắt trầm ngâm. Ngừng một lúc, lão tiếp:

- Họ làm gì được, khi mà họ vẫn thấy mình cô lập? Cả một dân tộc đang chìm trong giấc mơ, phải làm sao cho họ bừng tỉnh dậy. Chỉ có một chiến lược là gây nên một phong trào duy tân văn hóa.

- Với quan niệm nào và với phương pháp nào?

- Họ có hai quan niệm và hai phương pháp. Nhóm Dân chủ chủ trương quan niệm cách mạng văn hóa và thi hành phương pháp tam dân. Nhóm Quốc gia chủ trương quan niệm cải lương văn hóa và thi hành phương pháp dân lực, dân trí, dân đức.

Sơn mỉm cười:

- Vậy theo ý cụ, nên theo bên nào?

Một lần nữa, lão đưa tay lên vuốt râu, giọng lão trở nên rắn rỏi:

- Dân tộc ta chưa thể nào thi hành Tam dân chủ nghĩa được. Cái năng lực của một dân tộc là phải tuần tự nhi tiến. Vậy muốn mưu việc phú cường cho dân tộc, phải một là mạnh sức dân, hai là mới đức dân, ba là mở trí dân. Dân đã có đủ sức, đủ trí, đủ đức rồi, lo gì mà không độc lập.

Sơn lại mỉm cười, một nụ cười chua chát:

- Liệu có thực hành được như vậy hay không?

Lão cũng đưa mắt nhìn Sơn, nhưng lão không thể nhích một nụ cười nào được. Lão đang đi sâu vào lý tưởng, tìm cái viễn ảnh tốt đẹp của ngày mai, để thắm dịu lại những ngày lao khổ. Câu ngờ vực của Sơn làm u ám tấm lòng tự tín của lão. Sơn vô tình gieo một ám ảnh vào cái mộng đẹp của lão. Lão im lặng, nhưng thấy lòng rộn lên những ý niệm bùi ngùi.

Sơn không đồng ý với lão, cũng như những tâm hồn cách mạng không thể nào dung hòa được những tâm hồn thuần túy cổ kính. Sơn chỉ thấy trước mặt con đường sáng của mình. Lời của lão - nếu có hiệu quả - chỉ dẫn Sơn đi ngược lại một thời dĩ vãng. Mười năm về trước, Sơn theo Phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng vượt sang Trung Quốc. Chàng ra đi với một bầu nhiệt quyết, hy vọng một ngày kia phất lại ngọn cờ khởi nghĩa ở quê hương. Nhưng được rèn đúc tinh thần cách mạng, chàng thấy chủ nghĩa quốc gia thuần túy đã phá sản. Chàng thay đổi quan niệm, và đứng trong hàng ngũ của phái đối lập. Hôm may, ở trong bầu không khí của mười năm xưa, trước một tin tưởng bất di dịch của mười năm xưa, chàng vẫn thấy ở tâm hồn cằn cỗi kia một cái gì cao quý, mặc dầu họ đã bước đi những bước muộn màng. Sơn thấy lòng nôn nao với nhiều cảm xúc mới lạ khi đứng trước cái khung cảnh cũ, cái khung cảnh đã nung đúc ra một Sơn rắn rỏi, cương quyết và yêu đời. Sơn thấy có bổn phận là phải giác ngộ những tâm hồn cao quý ấy, cho họ nhận thức con đường tiến hóa của nhân loại.

Sơn đang vơ vẩn, thì tiếng đàn lại nổi lên. Tiếng nguyệt cầm dìu dặt nổi lên, ngân dài trong sương lạnh. Sơn không có cảm giác đó là một tiếng thở dài ủy mị nữa. Trái lại, đó là những điệp khúc thiên về tiết tấu, để đón người độc hành lỡ bước và tiễn người tráng sĩ lên đường. Tiếng nguyệt cầm ấy đã từng đón bao nhiêu người và tiễn bao nhiêu người trên đường tranh đấu.

Nhưng Sơn khẽ chặc lưỡi, bảo thầm:

- Tiếc thay! Tiếng đàn hãy còn đài các quá!