Thay Lời Tựa

Cuộc chiến giữa Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và lực lượng cộng sản Trung hoa bắt đầu từ năm 1928. Phe cộng sản lúc đầu do Trương Quốc Ðào và Mao Trạch Ðông lãnh đạo. Trương Quốc Ðào và Mao Trạch Ðông là những sáng lập viên cộng đảng Trung Hoa tại Thượng Hải năm 1921. Ðảng cộng sản đưa ra những mục tiêu rất hấp dẫn đối với nông dân nghèo, chẳng hạn như tịch thu ruộng đất của địa chủ đem chia cho nông dân, và bãi bỏ mọi bất công xã hội. Chính vì thế đảng cộng sản đã thu hút được một số đông đảo nông dân, tình nguyện chiến đấu cho mục đích cao cả giải phóng cho nước Trung Hoa nhiều tệ đoan thối nát, khỏi những áp bức của ngoại bang, và giải phóng cho chính bản thân của họ đang bị đàn áp bóc lột.
Ý thức được vai trò và quyền lợi của mình, người cộng sản Trung Hoa trở thành những binh sĩ có tinh thần cao. Trong khi đó, người lính Quốc dân đảng Trung Hoa nổi tiếng tham lam tàn ác, đến nỗi người Trung Hoa thường nói: "Sắt tốt thì không dùng làm đinh, và người tốt thì không thể là lính." Một số lớn quân đội của các sứ quân dưới quyền của Tưởng Giới Thạch vừa thiếu kỷ luật vừa nghiện hút bạc nhược, không có tinh thần chiến đấu, chỉ mong hưởng thụ cầu an. Nhiều đạo quân trong quân đội Quốc dân đảng được gọi là những đạo quân "hai súng", có nghĩa là họ đeo một khẩu súng thiệt, và một khẩu súng thứ hai là tẩu hút thuốc phiện. Các binh sĩ này mang theo bàn đèn thuốc phiện trong ba lô, và mỗi ngày phải ngả bàn đèn ít nhất là hai cữ. Tại Bắc Việt năm 1945, khi "quân đội chiến thắng" của Trung Hoa do tướng Lư Hán chỉ huy, sang tước khí giới của quân Nhật bại trận, chúng ta cũng đã có dịp kinh ngạc khi được chứng kiến một "quân đội chiến thắng" mà lại có thể ô hợp, thiếu tác phong đến như thế.
Vào đầu năm 1930, Tưởng Giới Thạch bắt đầu lo ngại trước sự bành trướng mau lẹ và mạnh mẽ của hồng quân, nên tung hết sức mạnh vào việc tiêu diệt cộng sản. Nhưng quân đội Quốc dân đảng cứ tiếp tục bại trận. Chiến thuật của hồng quân Trung hoa theo đúng khẩu hiệu:
Khi địch tiến, ta lui.
Khi địch dừng lại và đóng trại, ta quấy rối.
Khi địch không muốn giao chiến, ta tấn công.
Khi địch rút lui, ta truy kích.
Nhờ chiến thuật này, hồng quân thắng được hai đợt bao vây tiêu điệt đầu tiên của Quốc dân đảng. Năm 1931, Tưởng tập trung một lực lượng hùng hậu trên 300 ngàn binh sĩ, với ý định tràn ngập căn cứ sô viết Giang Tây chỉ có 30 ngàn hồng quân. Nhưng may mắn cho hồng quân, chính lúc đó quân Nhật tiến chiếm Mãn Châu, khiến Tưởng Giới Thạch phải tạm hoãn chiến dịch bao vây lần thứ ba, để lo đối phó với quân xâm lăng Nhật Bản. Nhờ vậy, hồng quân có đủ thời giờ dưỡng sức và bồi dưỡng, đủ sức đánh bại được đợt bao vây lần thứ tư vào mùa đông năm 1933.
Hitler rất quan ngại đến sự bành trướng của cộng sản thế giới, nên cử tướng Hans von Seeckt sang Trung Hoa giúp Tưởng Giới Thạch tiêu diệt cộng sản. Hans von Seeckt áp dụng một chiến thuật bao vây tiêu diệt bằng cách thiết lập hàng loạt pháo đài và xa lộ bao vây khu vực cộng sản. Vòng vây này cứ từ từ xiết chặt lại, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế quân nhu thực phẩm từ bên ngoài. Chiến lược bao vây như vậy rất là tốn kém, nhưng gây thiệt hại lớn lao cho phe cộng sản và dân chúng sống trong vùng cộng sản kiểm soát. Người ta ước tính ít nhất trên một triệu người Trung Hoa trong khu sô viết Giang Tây đã bị tiêu diệt, hoặc bằng bom đạn hoặc vì thiếu thuốc men và lương thực.
Nga sô thấy thế nguy của cộng sản Trung hoa nên phái một danh tướng cộng sản, cũng người Ðức, tướng Otto Braun, sang giúp phe cộng. Otto Braun lấy tên Trung hoa là Lý Ðức. Phe cộng sản thành công tránh né được bốn đợt bao vây tấn công của Quốc dân đảng, và Mao chủ trương bỏ thành thị lấy thôn quê làm điểm tựa cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Cuối tháng 10 năm 1933, Tưởng động viên toàn lực, tung ra cuộc tổng tấn công lần thứ năm. Cuộc bao vây tấn công này kéo dài trong nhiều tháng và kết quả đã gây khốn quẫn cho phe cộng sản, đặc biệt là thiếu muối ăn. Chính quyền Nam Kinh tin tưởng nỗ lực tiêu diệt trọn vẹn cộng sản sắp thành công, vì địch quân bị bao vây và không đường trốn thoát. Trong đợt bao vây tấn công lần thứ năm, 50 ngàn quân cộng sản tử trận, cả khu vực bị tàn phá, dân chúng hoặc bị xử tử hoặc bị bắt buộc phải di cư đi nơi khác.
Cuối cùng Lý Ðức đành phải thay đổi chiến lược, bỏ chiến thuật du kích, tung 180 ngàn quân đánh chiếm và giữ thành phố, và đương đầu với quân Quốc dân đảng bằng trận địa chiến, nhưng bị quân cơ giới của Tưởng đánh bại. Cuối cùng phe cộng sản chỉ còn lại 90 ngàn quân. Sau 7 năm chiến đấu tại sô viết Giang Tây, các lãnh tụ cộng sản chỉ còn hai lựa chọn: hoặc đầu hàng Quốc dân đảng hoặc phải rút lui lẩn tránh đại quân của Tưởng. Bằng một quyết định táo bạo, các lãnh tụ cộng sản quyết định dẫn đám tàn quân trốn lên vùng hoang giá của miền bắc Trung Hoa, để tránh bị tiêu diệt và chờ cơ hội phục thù.
Ngày 16-10-1934, các lãnh tụ cộng sản và đám tàn quân bắt đầu cuộc rút lui lịch sử mà ngày nay người ta gọi là cuộc Vạn Lý Trường Chinh, hay là cuộc Trường Hành, một cuộc chạy trốn dài 6 ngàn dậm, bắt đầu từ Giang Tây và Phúc Kiến, tiến về phía tây tới Tây Tạng rồi đi ngược lên phía bắc, tới tận Diên An của tỉnh Thiểm Tây ở miền bắc hẻo lánh của Trung Hoa. Trong lịch sử Trung Hoa cũng đã có một cuộc rút lui tương tự của Lưu Bang vào đất Ba Thục, đốt đường sạn đạo để tránh bị Hạng Võ tiêu diệt, và chờ ngày phục hận.
Tuy nhiên cuộc Vạn Lý Trường Chinh của người cộng sản Trung Hoa gian nan gấp bội lần cuộc rút lui của Lưu Bang vào đất Ba Thục. Không những con đường của họ dài hơn nhiều, mà trên đường chạy trốn, những người cộng sản bại trận luôn luôn bị đại quân của Tưởng Giới Thạch đuổi theo truy kích. Không những thế, họ còn phải đương đầu với những khó khăn kinh hồn của thiên nhiên, núi cao sông rộng, đói khát, bệnh tật và tuyết lạnh. Khi khởi đầu cuộc rút lui, hồng quân có 90 ngàn người, nhưng một năm sau khi tới Diên An thì chỉ còn 7 ngàn người sống sót.
Sự nguy hiểm của hồng quân trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh thật khủng khiếp. Chu Ân Lai phải xác nhận: "Ðối với chúng tôi, giờ phút đen tối nhất của lịch sử là cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhất là khi chúng tôi phải băng qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang gần Tây Tạng. Hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó thật tuyệt vọng. Không những chúng tôi không có gì để ăn, mà chúng tôi không có cả nước uống. Vậy mà chúng tôi vẫn thoát hiểm và chiến thắng." Mao Trạch Ðông cũng kể lại: "Mỗi giấc ngủ của tôi phải trả giá bằng sự hy sinh của một đồng chí."
Người cộng sản hãnh diện nhắc nhở đến cuộc Vạn Lý Trường Chinh như là một thiên anh hùng ca độc nhất trong lịch sử nhân loại. Họ vượt qua được mọi trở ngại vô cùng to lớn, để rồi chiến thắng làm chủ lục địa Trung Hoa. Người ta không thể phủ nhận rằng đây là một cuộc "trường chinh" vĩ đại, nhưng huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Các lãnh tụ cộng sản không hề cho binh sĩ biết sự thực của cuộc rút lui. Cán binh cộng sản chỉ tưởng cuộc rút lui là một chiến dịch tấn công mới, chứ không hề hay biết họ sẽ phải dấn thân vào một cuộc ra đi đầy nguy hiểm, mười người không sống sót được một. Trên đường rút lui, khi tới những nơi có thể dừng lại được, các lãnh tụ cộng sản tịch thu lương thực tài sản của nhà giầu, gọi là để chia cho người nghèo, nhưng phần lớn là để cho quân cộng sản dùng. Rồi cộng sản tổ chức chế độ cộng sản, chia ruộng cho nông dân và đấu tố địa chủ và giai cấp cai trị. Khi quân cộng sản bị áp lực của quân Quốc dân đảng phải rút đi thì các nông dân vừa mới được hưởng "phú quý" vài ngày lâm vào thế kẹt. Nếu họ ở lại thì họ sẽ bị địa chủ và quân Quốc dân đảng trừng phạt. Những nông dân này chỉ còn một con đường duy nhất là phải đi theo hồng quân. Các lãnh tụ cộng sản cần rất nhiều quân lót đường để họ đi tới đích. Như vậy số quân rút lui bị thiệt mạng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh không phải chỉ có gần 90 ngàn người lúc ban đầu ra đi từ Giang Tây, mà còn có thêm hàng trăm ngàn dân bị đặt vào thế kẹt mà phải đi theo hồng quân ở dọc đường.
Trên đường trốn chạy, trong lúc binh sĩ phải trèo núi vượt sông đầy gian lao nguy hiểm, thì các lãnh tụ cao cấp được nằm trên cáng gần như suốt lộ trình, hoặc người khoẻ thì được cưỡi ngựa. Khi leo núi không dùng được cáng thì các lãnh tụ được binh sĩ khoẻ mạnh cõng trên lưng. Chuyến đi tuy gian nan vất vả và nguy hiểm, nhưng đối với các lãnh tụ cao cấp thì tương đối nhàn nhã bình yên. Binh sĩ không ai được đem theo vợ con, nhưng các lãnh tụ hoặc cấp chỉ huy quân sự cao cấp đều đem theo vợ. Lãnh tụ nào không có vợ thì dọc đường cũng tìm được người bầu bạn giải khuây. Khi các bà vợ của các lãnh tụ mang thai và chửa đẻ thì binh sĩ phải quây lều vải ngay trên đường đi để các "bà lớn" có chỗ lâm bồn. Ðó là tình "huynh đệ chi binh" và chủ trương "đồng lao cộng khổ" kiểu Trung cộng. Chính vợ Mao Trạch Ðông đã sinh đẻ hai lần trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Sau khi vợ đẻ xong, Mao gửi con cho các nông dân tại địa phương nuôi dùm, dự định sau này sẽ trở lại tìm kiếm. Nhưng về sau các nông dân nghèo bị chiến tranh xua đuổi lạc lõng khắp nơi, hoặc chết đói chết đạn nên hai đứa con của Mao mất tích luôn.
Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày tất cả những điều chưa được nói đến trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và cuộc đời thầm kín của các lãnh tụ cộng sản Trung Hoa.


Tẩu Vi Thượng Sách

Buổi chiều ngày 9-10-1934, Chu Ân Lai đến thăm Trần Nghị tại một quân y viện của hồng quân Trung hoa, và báo cho Trần Nghị một tin không vui. Ủy Ban Trung Ương đã quyết định trong vài ngày nữa, lực lượng chính quy của hồng quân sẽ rút lui khỏi căn cứ sô viết tại Giang Tây, cố gắng phá vòng vây của quân Quốc dân đảng, rồi tiến về phía tây lập một căn cứ mới. Hồng quân đang lâm vào thế quẫn bách, không thể chống lại được quân Quốc dân đảng, và bắt buộc phải lui binh để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn, trước Chiến Dịch Tiêu Diệt Quân Cướp Ðỏ của Tưởng Giới Thạch.
Trần Nghị lúc đó đang bị thương nặng. Trong một trận giao chiến với quân Quốc dân đảng một tháng trước đó, Trần Nghị bị trúng một viên đạn vào mông, xương hông bị vỡ, và vết thương nhất định không chịu lành. Các điều kiện của quân y viện quá nghèo nàn, không có máy chiếu điện nên các y sĩ không biết tình trạng xương hông của Trần Nghị ra sao. Trần Nghị là một tướng trẻ có tài, gốc người Tứ Xuyên. Tuy mới 33 tuổi mà Trần Nghị đã tạo được nhiều thành tích chiến đấu lẫy lừng, và được coi là một viên tướng thông minh nhất của hồng quân Trung hoa. Sau này Trần Nghị được phong chức thống chế, và một thời gian giữ chức ngoại trưởng của Trung cộng.
Chu Ân Lai còn cho Trần Nghị biết thêm rằng, tình trạng sức khoẻ của Trần Nghị không cho phép Trần Nghị di chuyển theo đại quân. Trần Nghị được giao phó trọng trách ở lại, áp dụng chiến thuật du kích, khuấy phá hậu phương của địch. Trần Nghị đã từng chiến đấu tại Tỉnh Cương Sơn với Mao Trạch Ðông và Chu Ðức từ năm 1929. Họ Trần rất am tường địa hình địa vật của chiến khu này. Trần Nghị và Mao cùng với Chu Ðức thành công mở rộng khu vực sô viết lên đến 33 quận tại Giang Tây, tới sát biên giới Phúc Kiến. Dân chúng sống dưới quyền kiểm soát của cộng sản lên đến ba triệu người.
Trần Nghị là một người thực tế. Viên tướng cộng sản này biết rất rõ trong một năm gần đây, hồng quân đã chịu những tổn thất rất nặng nề. Trong đợt bao vây lần thứ năm của Quốc dân đảng, hồng quân thua hết trận này đến trận khác, và đã hy sinh 60 ngàn quân chính quy. Bây giờ hồng quân phải chấp nhận chiến bại, và phải đương đầu với một cuộc rút lui vô cùng nguy hiểm. Hồng quân không thể rút ra biển hoặc về đồng bằng được, vì những khu vực ấy hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tưởng Giới Thạch. Hồng quân bắt buộc phải đi vào chỗ nguy hiểm nhất, đi vào chỗ chết để tìm sự sống. Sinh lộ duy nhất của hồng quân là tiến vào các khu vực núi non hiểm trở, lấy thiên nhiên che chở chống lại chiến dịch tiêu diệt của quân Quốc dân đảng.
Quân số dưới quyền Trần Nghị chỉ còn vào khoảng 30 ngàn người, trong đó có trên 10 ngàn bị thương nặng như Trần Nghị. Quân số này sẽ phải ở lại với Trần Nghị, lẩn vào rừng núi và áp dụng chiến thuật du kích tiêu hao chiến, chống lại một kẻ thù đông gấp bội và được trang bị đầy đủ. Quân số thực sự có thể chiến đấu được của Trần Nghị chỉ có vào khoảng 16 ngàn người, trong đó chỉ có bảy ngàn được huấn luyện như quân chính quy, số còn lại chỉ là dân quân du kích, phần lớn chưa hề được dùng súng, chỉ được cung cấp dao và lựu đạn. Một lực lượng như thế phải đương đầu với 200 ngàn quân của Tưởng Giới Thạch, được cơ giới hóa, trang bị đầy đủ quân nhu và lương thực. Trần Nghị không dám hỏi Chu Ân Lai xem lực lượng ở lại của mình sẽ được tiếp tế đầy đủ vũ khí đạn dược không. Trần Nghị cũng biết dù có đòi hỏi thì Ủy Ban Trung Ương cũng không thể làm gì được. Ngay quân chính quy còn phải chịu thiếu thốn quân trang và vũ khí thì quân du kích làm sao có đủ được.
Chu Ân Lai cũng biết Trần Nghị không hào hứng lắm với mệnh lệnh và nhiệm vụ mới được giao phó. Tuy nhiên Chu Ân Lai cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trần Nghị. Trước hết quân du kích của Trần Nghị có nhiệm vụ cầm chân quân Quốc dân đảng để cuộc rút lui của hồng quân có thể thực hiện thành công. Trong số các tướng của Trung cộng thì không ai sánh bằng Trần Nghị trong nhiệm vụ ở lại. Không một khe núi, một nhánh sông nào trong vùng mà Trần Nghị không biết rõ. Trần Nghị cũng có uy tín lớn đối với dân chúng trong khu vực. Trần Nghị ở lại sẽ nâng cao tinh thần chiến đấu của quân và dân.
Trần Nghị không phải là người duy nhất Chu Ân Lai thông báo quyết định rút lui. Trước đó Chu Ân Lai đã cho mời Mao Trạch Ðông từ Vu Ðô tới trụ sở của Ủy Ban Trung Ương tại Thụy Kim và báo cho Mao biết quyết định trên. Mao lúc đó vừa đúng 40 tuổi và đang ở trong tình trạng thất thế. Gần một năm rồi, Mao bị bệnh sốt rét hành hạ, và không được tham gia vào các cuộc họp quan trọng của đảng. Mao hầu như sống trong tình trạng bị giam lỏng tại gia. Ủy Ban Trung Ương gồm có ba người: Lý Ðức, tư lệnh hồng quân, Bác Cổ, tổng bí thư đảng, và Chu Ân Lai, chủ tịch Ủy Ban Quân Sự và phụ trách các vấn đề hành chánh. Lệnh rút lui này là của Lý Ðức và được Bác Cổ mau lẹ chấp thuận. Lý Ðức và Bác Cổ là người của Nga sô và liên kết với nhau. Chu Ân Lai chỉ là tiếng nói thiểu số. Phe thân Nga đang lấn át tất cả những đảng viên không được huấn luyện tại Nga sô, như trường hợp Mao Trạch Ðông.
Nhóm thân Nga chủ trương trục xuất Mao ra khỏi đảng, và không muốn Mao tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Hai năm trước Mao bị loại ra khỏi các chức vụ quân sự và chính trị, và chỉ được giữ một chức vụ tượng trưng, là chủ tịch đảng tại quận Vu Ðô, một thị trấn có khoảng 10 ngàn dân. Nhiệm vụ của Mao lúc ấy là chủ tọa các cuộc họp của ủy ban địa phương tại Vu Ðô. Mao cư ngụ trong một căn nhà tại phía bắc Vu Ðô, cùng với Hạ Tử Trân, người vợ thứ hai, 24 tuổi, và đang có thai đứa con thứ tư. Mao bị cô lập, không được liên lạc với các giới chức cao cấp về quân sự và chính trị.
Hai tháng trước cuộc bao vây tiệu diệt lần thứ năm của Quốc dân đảng, Mao đã đề nghị tung những lực lượng chủ yếu của hồng quân đánh sâu vào khu vực Giang Tô - Triết Giang - An Huy - Giang Tây, với Triết Giang là trung tâm và quét sạch một vùng rộng lớn giữa Hàng Châu, Tô Châu, Nam Kinh, Ngũ Hồ, Nam Xương và Phúc Châu, biến thế phòng ngự chiến lược của hồng quân thành thế tấn công chiến lược, uy hiếp những trung tâm trọng yếu của Quốc dân đảng, và tìm những trận đánh tại những vùng rộng lớn, không có những lô cốt bao vây như tại Giang Tây. Mao cho rằng bằng cách như vậy, hồng quân có thể buộc quân Quốc dân đảng lúc đó đang tiến vào phía nam Giang Tây và phía tây Phúc Kiến, phải quay về bảo vệ những trung tâm trọng yếu. Mao tin rằng hồng quân có thể phá vỡ được cuộc bao vây tấn công lần thứ năm của Quốc quân vào khu sô viết Giang Tây. Lần khác Mao đề nghị tiến quân đánh Hán Khẩu và tiến thẳng tới Nam Kinh. Nhưng tại Bộ Chính Trị chẳng ai nghe lời của Mao. Lý Ðức còn đề nghị đưa Mao sang điều trị bệnh sốt rét tại Nga sô, một hình thức loại trừ. Nhưng Nga sô thấy còn cần đến uy tín của Mao đối với dân chúng, nên bác bỏ đề nghị của Lý Ðức. Mao cũng kịch liệt chống đối việc phải sang chữa bệnh tại Nga sô, vì Mao biết một khi ra khỏi Trung hoa thì Mao sẽ không có cơ hội trở về, và mất hẳn quyền chính trị. Bệnh sốt rét đã hủy hoại sức khỏe và thân thể của Mao rất nhiều, nhưng lúc nào Mao cũng cố giữ vững tinh thần cho minh mẫn, và cảnh giác trước những âm mưu hãm hại của kẻ thù là những lãnh tụ cộng sản thân Nga sô, đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong đảng và chính quyền. Chính vì thế khi Chu Ân Lai thông báo lệnh rút lui thì Mao chỉ im lặng chấp nhận. Lúc nào Mao cũng đề phòng Bác Cổ kết tội rồi thủ tiêu.
Ngoài Mao Trạch Ðông và Trần Nghị, Chu Ân Lai còn thông báo quyết định quân sự tối mật này cho 5 tư lệnh các quân đoàn, trong đó có Lâm Bưu và Bành Ðức Hoài. Lâm Bưu tìm cách lén đến nơi cư ngụ của Mao Trạch Ðông, và hỏi ý kiến Mao về cuộc rút lui. Mao dè dặt khuyên Lâm Bưu: "Tướng quân nên tuân lệnh trên và phải đi tới nơi đã được chỉ định." Mao biết địa điểm phải tới, nhưng đây là một mật lệnh quân sự, Mao không dám nhắc đến địa danh đó, dù với Lâm Bưu, một người có vẻ trung thành với Mao. Mao thận trọng tránh không tiết lộ bí mật quân sự để Bác Cổ không có lý do hãm hại mình. Một số người thân tín của Mao Trạch Ðông phải ở lại, như vợ chồng em ruột của Mao như Mao Trạch Ðàm có vợ là em ruột Hạ Tử Trân, và một số bạn thân của Mao. Hình như tất cả những người Mao đề nghị cho đi theo đều bị Lý Ðức và Bác Cổ từ chối. Tuy cuộc rút lui vào nơi hoang dã đã nguy hiểm, nhưng số phận những người ở lại khi quân Quốc dân đảng tiến tới còn nguy hiểm gấp bội, cơ hội sống sót trong trường hợp này không bằng một phần mười. Chính Mao Trạch Ðàm, em của Mao, và thân phụ của Hạ Tử Trân đã là những người đầu tiên bị quốc quân hành quyết, khi khu vực sô viết Giang Tây lọt vào tay quốc quân.
Theo chương trình của Ủy Ban Trung Ương thì hồng quân sẽ tập trung và tấn công quốc quân tại mặt trận phía tây, rồi từ đó tiến về một căn cứ mới do tướng Hạ Long đã thiết lập được tại vùng tây bắc, nằm giữa biên giới hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc. Quân số còn lại của hồng quân sẽ rút lui có khoảng 86 ngàn, trực thuộc năm quân đoàn. Ngoài năm quân đoàn này ra còn có thêm 30 phụ nữ và hai lộ quân gồm chín ngàn người, thuộc Ủy Ban Quân Sự và Lộ quân Trung ương. Ðệ nhất quân đoàn do Bành Ðức Hoài chỉ huy có nhiệm vụ đi tiên phong, mở đường máu cho đại quân đi sau. Ðệ nhất quân đoàn của Bành Ðức Hoài thành công trong nhiệm vụ giao phó, nhưng đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.

° ° °

Buổi chiều ngày 10-10-1934, một đám đông bắt đầu tụ tập trước trụ sở Ủy Ban Trung Ương tại Thụy Kim để chuẩn bị lên đường. Hôm đó là một ngày rất đẹp trời và ấm áp. Những người tập hợp tại đây không phải là quân nhân; có khoảng một trăm đàn ông và vài chục phụ nữ. Tất cả được xung vào đoàn "dưỡng nhân" - những người yếu đuối hoặc già cả, bệnh tật hoặc bị thương, và đàn bà. Mỗi người mang theo một cái mền, một bao lương thực, mười cân gạo đủ dùng cho mười ngày, một túi quần áo và các đồ vật dụng hàng ngày. Mỗi người còn nhét vào thắt lưng một chiếc ly sành, trong đựng một bàn chải đánh răng và một chiếc khăn tay nhét đầy cái ly. Một số người được cưỡi ngựa, như Mao Trạch Ðông, Sử Thế Ly vị sư phụ 57 tuổi từng dậy Mao tại trường Sư Phạm Trường Sa trước kia, Ðổng Tất Vũ một đảng viên cộng sản đầu tiên 48 tuổi, Hạ Tử Trân vợ của Mao đang mang bầu sắp tới ngày sinh, và một số phụ nữ.
Cái đám đông lếch thếch ấy sau đó được phân thành từng đội nhỏ, và đặt dưới quyền chỉ huy của Ðặng Phát, chỉ huy trưởng ngành an ninh của đảng. Những người thuộc đoàn "dưỡng nhân" này được đi trước. Riêng Mao Trạch Ðông chưa đi ngay, vì Mao còn phải làm một vài công việc cần thiết, và việc khó khăn nhất là đọc một bài diễn văn trước các cán bộ tại Vu Ðô và dân chúng ở lại. Mao muốn chỉ dẫn cho những người ở lại một vài ý niệm về những gì sẽ xảy tới, và phải đối phó thế nào khi hồng quân đã rút hết và quốc quân tới nơi. Tuy sức khỏe suy nhược, Mao đã cố hết sức nói một cách đầy tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng, mặc dầu những khó khăn to lớn mà hồng quân hiện đang phải đối phó. Các lãnh tụ Trung cộng đều có biệt tài tuyên truyền. Chính Mao cũng không chắc sống sót được trong cuộc chạy trốn, nhưng Mao vẫn hùng hồn nói đến chiến thắng cuối cùng, và kêu gọi dân chúng tiếp tục hy sinh chiến đấu!
Trong khi đó hồng quân ra sức tuyển mộ những thanh niên tình nguyện, bổ xung thêm quân số. Tất cả hồng quân được lệnh chuẩn bị cho một cuộc hành quân quan trọng nhằm phá vỡ vòng vây của địch quân. Mỗi người phải mang theo lương thực đủ dùng cho mười ngày. Mọi người tưởng sắp sửa tham gia một trận đánh mới, nên họ rất đỗi ngạc nhiên khi được lệnh phải đem theo quần áo ấm mùa đông, mặc dù thời tiết tháng mười chưa lạnh lắm.
Ngày 12-10, tất cả các cán bộ mọi cấp rút lui từ Thụy Kim về Vu Ðô. Họ đi ban đêm để tránh sự nghi ngờ của quốc quân. Hàng ngàn phu khuân vác đem theo tất cả những gì có thể đem theo được, kể cả những dụng cụ rất nặng nề, như máy in, những tủ đựng hồ sơ, những chiếc rương lớn chứa đầy vàng bạc thuốc men, các cỗ súng nặng, các bộ phận phát thanh và điện thoại. Ngày 16-10 là ngày hồng quân chính thức rút lui. Từng đoàn quân từ nhiều nơi khác nhau tiến ngang qua Vu Ðô, vượt qua con sông Vu Giang để tới An quận về phía nam.
Mãi chiều tối ngày 18-10, Mao Trạch Ðông và đoàn tùy tùng khoảng hai mươi người, gồm cả thư ký và vệ sĩ, mới bắt đầu lên đường, gia nhập vào Lộ Quân Trung Ương. Mao mang theo một túi đựng đầy sách, một chiếc dù gẫy cán, hai cái mền, và một áo choàng đã rách. Tất cả di chuyển một cách âm thầm kín đáo, hy vọng các oanh tạc cơ của quốc quân không khám phá ra họ. Kể từ Lý Ðức và Bác Cổ trở xuống, không ai biết chắc hồng quân sẽ thành công đi đến đâu. Nhiều người nghĩ rằng cuộc rút lui vào nơi hoang dã, bỏ lại các căn cứ đã được tổ chức thành công từ nhiều năm qua là một hành động tự sát. Vì mang theo quá nhiều đồ nặng nề, nên có những phu khuân vác mỗi ngày chỉ tiến được vài dậm.
Một tiểu đoàn công binh bắc năm cây cầu nổi qua con sông Vu Giang. Nước sông chảy về phía đông nam ra biển cả, trong khi hồng quân đi ngược chiều của dòng sông, đi về phía tây bắc, tới những ngọn núi cao chìm vào mây. Phần lớn hồng quân là những nông dân, những người vốn nặng lòng quyến luyến quê hương làng mạc và gia đình cùng lối xóm. Lần ra đi này, mọi nguời linh cảm ít có hy vọng trở lại làng cũ và gặp lại cha mẹ, vợ con. Tới bờ sông, nhiều người quay lại nhìn con đường cũ, rồi im lặng nhìn nhau và cùng hoang mang cảm thấy một nỗi buồn xót xa.
Về mùa này nước sông rất thấp, nhiều chỗ quân sĩ có thể lội qua được. Mao và đoàn tùy tùng đi dọc theo bờ sông. Mặt sông phẳng lặng và bóng loáng dưới ánh trăng. Mọi người qua con sông nhỏ một cách dễ dàng. Sự im lặng, ánh trăng và tiếng nước vỗ nhẹ vào các cây cầu nổi đã gây cảm hứng và nâng cao tinh thần mọi người. Bỗng một vài người bắt đầu cất tiếng hát. Tiếng hát của họ có vui tươi hùng hồn, nhưng không khỏi cảm khái bùi ngùi. Họ biết họ đang tiến vào một con đường vô định, với một mục tiêu còn rất xa vời.