Giới thiệu

Tên sách: Trường Tương Tư

Tác giả: Đồng Hoa

Nhà Xuất Bản: Thời Đại

Giới thiệu:

Cuộc sống là những lần gặp gỡ và biệt ly, là những lần lãng quên và bắt đầu, nhưng luôn có những chuyện, một khi đã xảy ra, sẽ để lại dấu vết; và luôn có người, một khi đã tới, sẽ không thể nào quên.

Cuộc gặp gỡ ở trấn Thanh Thủy đã thay đổi vận mệnh của mọi người, thậm chí thay đổi cả vận mệnh của Đại Hoang. Chỉ vì ham muốn một chút ấm áp, một chút bồi bạn, một lúc nào đó quyết một lòng tiêu tan. Tương tư là một chén rượu ngon có độc, vào cổ họng thì thơm ngọt, hồn nát xương tan, cho đến khi vào tim vào phổi, sẽ không thuốc nào giải được, độc phát tác là lúc tê liệt tim phổi, chỉ có nụ cười của người yêu mới giải trừ được, cùng nhau giải trừ, nếu không được, thì chỉ còn lại tương tư khắc cốt, đến chết không ngừng.

Cảm nhận bởi LÝ THỊ KIM Ý:

Đây là một bộ truyện thuộc thể loại huyền huyễn, có thần, người, yêu cùng chung sống hòa bình. Phần đầu hơi nhạc vì tác giả đang giới thiệu hoàn cảnh hình thành nên đại lục này.

Mới đầu đọc mình tưởng nhân vật chính là nam, bởi vì chẳng có nữ chính nào lại ăn nói thô tục, cử chỉ không chừng mực như vậy cả, mà còn là thầy thuốc chữa bệnh vô sinh cho phụ nữ nữa chứ. Đọc thêm mới biết là nữ chính giả trai. Nữ chính là Tiểu Yêu, thuộc Thần tộc nhưng do lưu lạc từ nhỏ nên đã hình thành tính cách thờ ơ, phớt lờ với mọi chuyện. Sau mới dần dần có niềm tin vào nam chính.

Nam chính là Đồ Sơn Cảnh, thuộc tộc cáo chín đuôi, bị anh trai hãm hại người không ra người, ma không ra ma, để giành chức vị tộc trưởng. Sau được Tiểu Yêu cứu sống và đem về chăm sóc kỹ lưỡng. Anh luôn tự ti mình không xứng với Tiểu Yêu nên chẳng dám thổ lộ.

Một anh nam trong truyện mà mình rất thích nữa là Cửu Mệnh Tương Liễu - quái vật chín đầu sống ở biển, Tuy anh đối xử với chị rất thô bạo nhưng những lúc chị cần giúp đỡ thì anh luôn sẵn lòng, À, mà thường có thêm điều kiện nữa chứ...

Lời giới thiệu

“Trường tương tư”

“Thế gian muôn tía ngàn hồng

Phong lưu nào sánh má hồng, là em.”

(Trường tương tư – Đồng Hoa)

Nói ra thật hổ thẹn, tuy nhận dịch tiểu thuyết của Đồng Hoa, nhưng tôi chưa đọc tác phẩm nào khác của cô ấy ngoài Từng thề ước. Từng thề ước là truyện đầu tiên trong hệ liệt Sơn hải kinh kí của Đồng Hoa. Tôi đọc Từng thề ước vỏn vẹn trong một buổi tối, không phải để tiết kiệm thời gian, mà vì cuốn sách thực sự lôi cuốn, từ cốt truyện, nhân vật, tình tiết đến ngôn từ, cảnh sắc, hết thảy đều diễm lệ, sống động và bi tráng, khiến tôi không thể dừng, dứt. “Đã không giữ lời, sao còn ước hẹn”, tình yêu của Xi Vưu và Tây Lăng Thành khiến người ta không khỏi ngưỡng vọng, dẫu phải tan xương nát thịt cũng muốn một lần được thề hẹn dưới trăng trong, giữa rừng hoa đào thắm sắc đỏ.

Thế nên, tôi có phần hụt hẫng khi đón nhận những hình ảnh “xù xì” đầu tiên của Trường tương tư.

Dẫu vậy, tôi vẫn kiên trì. Bạn biết đấy, đôi lúc, lòng kiên trì giúp ta chờ đợi được những điều khiến ta hoàn toàn bất ngờ.

Đúng như những người chị, những người bạn từng “rủ rỉ” vào inbox của tôi rằng: Trường tương tư dường như được viết riêng cho những đêm trường dằng dặc, tịch liêu, khi ta phải một mình chống chọi với nỗi sầu tương tư vò võ, tác phẩm này thấm từ “đời”, nên dào dạt “tình”. Những là tình sầu, tình nhớ, tình xa. Cuộc đời nhiều ngổn ngang, trắc trở nên những cuộc tình cũng vì thế mà lắm trái ngang, sầu muộn. Cuộc tình của Tiểu Yêu, cuộc tình của Đồ Sơn Cảnh, cuộc tình của Chuyên Húc hay cuộc tình của Tương Liễu, cuộc tình nào không bầm dập, đau thương, không chết đi sống lại, không nhói buốt nghẹt thở, nhưng vẫn… bát ngát tình.

Đời sống nào, tâm tình ấy. Tiểu Yêu vốn là cô công chúa Cao Tân dòng dõi, nhưng nàng đã phải trải qua những năm tháng cơ hàn, khốn khổ, đời sống ấy hun đúc nên cá tính mạnh mẽ, độc lập, ý chí kiên cường, khả năng chống chịu với mọi nỗi đau đớn (bất luận đó có thể là nỗi sầu tương tư giằng xé), đồng thời rèn giũa lòng hoài nghi nghiệt ngã trong nàng. Nàng không tin tưởng bất cứ điều gì, kể cả tình yêu.

Với một thân thế đặc biệt như vậy, với con đường tồn tại và trưởng thành gian nan nhường ấy, số phận đã định đoạt cuộc đời trầm luân của nàng, tình yêu bi thương của nàng.

Lấy bối cảnh Đại hoang thuở loài người còn sống chung với các vị thần và yêu quái, câu chuyện trong Trường tương tư được trải ra giữa một không gian và thời gian khoáng đạt, rộng dài, từ đó Đồng Hoa đã cảm nhận và khám phá ra những chiều kích mới lạ, độc đáo về con người, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác lạ, hiện thực và lãng mạn.

Và, đúng như một người bạn của tôi đã viết: “Đọc Trường tương tư, ta thấy các cuộc tranh giành quyền lực xảy ra liên miên trong từng nước và giữa các nước, cuốn theo và nghiền nát biết bao nhiêu số phận. Vì quyền lực, người ta có thể hy sinh cả người thân và tình yêu, để rồi khi leo lên đến đỉnh cao như Hoàng đế của Hiên Viên, Tuấn đế của Cao Tân, và cả Hắc đế sau này, họ không thoát khỏi những hối tiếc, cô đơn.

Nhưng không chỉ là một câu chuyện về tranh giành quyền lực, Trường tương tư còn là một bản tình ca nhiều cung bậc. Như bao khúc nhạc tình, ở đây, ta thấy có những rung động nhẹ nhàng, có những đắm say nồng nàn, cả những hoang mang, nghi ngờ, đớn đau, đổ vỡ. Nhưng rồi, người ta vẫn cứ yêu.

Chuyên Húc tài trí, nuôi hoài bão lớn lao. Tương Liễu lạnh lùng, tàn nhẫn mà nghĩa tình. Cảnh chân thành, thiện lương, sâu sắc. Một người tham vọng, một người nghĩa khí, một người nặng tình, ai người sẽ cùng nàng vượt qua mọi chông gia, để vẹn câu ước hẹn:

“Nhân gian vui lắm, buồn ghê

Đời người tan hợp chốn về nơi đâu?

Nguyện cùng chàng mãi bên nhau,

Không rời xa, mãi bên nhau, không rời…”

Lương Hiền Lời nói đầu

Chàng là gió thoảng mặt hồ,

Thiếp là sen nở bên bờ, gió lay.

Gặp nhau tuy chỉ thoáng mây,

Nhưng lòng thương mến kiếp này đã trao.

Chàng là mây trắng trên cao,

Thiếp là trăng tỏ nép vào mây kia.

Yêu nhau thề chẳng xa lìa,

Sắt son gắn bó, sẻ chia ngọt bùi.

Chàng là cây lớn ngất trời,

Dây leo là thiếp, trọn đời quấn quanh.

Sánh đôi như lá với cành,

Tựa nương như thể môi răng cận kề.

Nhân gian vui lắm, buồn ghê.

Đời người tan hợp, chốn về nơi đâu?

Nguyện cùng chàng mãi bên nhau,

Không rời xa, mãi bên nhau, không rời…[1]

[1] Bản dịch thơ của Nguyễn Vinh Chi.

Thuở hồng hoang sơ khai, vũ trụ còn hỗn độn, Bàn Cổ Đại Đế đã phân chia Trời và Đất.

Khi ấy, Thần tộc, Nhân tộc và Yêu tộc[2] cùng chung sống trong khoảng không gian giữa Trời và Đất. Khoảng cách giữa Trời và Đất không quá xa xôi. Con người sống trên mặt đất, Thần tiên sống trên núi thiêng. Con người có thể lên gặp Thần tiên thông qua chiếc thang bắc lên Trời.

[2] Thần tộc: Chỉ các vị thần có linh lực cao cường, thường cư ngụ trên các đỉnh núi thiêng, tuổi thọ dài lâu. Nhân tộc: chỉ con người, sống trên mặt đất. Yêu tộc: chỉ các loài yêu quái.

Bàn Cổ Đại Đế có ba thuộc hạ thân thiết như ruột thịt. Người có thần lực cao nhất trong số ba thuộc hạ của ngài là một phụ nữ. Vì đã trải qua rất nhiều niên đại, không có tài liệu nào ghi chép về tên họ của bà. Chỉ biết rằng, bà lập ra nước Hoa Tư, nên người đời sau gọi bà là Hoa Tư Thị. Hai người còn lại đều là nam giới. Người mang họ Thần Nông cai quản vùng Trung nguyên. Người mang họ Cao Tân cai quản phía Đông, bảo vệ vùng đất thiêng Than Cốc, nơi mặt trời mọc và nguồn nước thiêng Quy Khư.

Sau khi Bàn Cổ Đại Đế qua đời, thiên hạ đại loạn. Hoa Tư Thị quá ư chán ghét các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên, bà quyết định xa lánh thế sự, chọn một vùng đất xa xôi, xây dựng lên nước Hoa Tư xinh đẹp, hòa bình. Nhưng bà được hậu thế ghi nhận không phải vì nước Hoa Tư xinh đẹp ấy, mà vì người con trai Phục Hy và người con gái Nữ Oa của bà.

Ngài Phục Hy và bà Nữ Oa đều là những bậc đại đức, uy dũng, được mọi anh hùng trong thiên hạ kính phục. Hai ngài đã có công chấm dứt chiến tranh, đem lại nền hòa bình mà bấy lâu Đại hoang[3] trông ngóng. Vùng đất vốn mang nặng thương tích chiến tranh dần dần khôi phục sinh khí.

[3] Đại hoang: Chỉ thế giới của chúng ta vào thuở sơ khai.

Ngài Phục Hy và bà Nữ Oa được tôn vinh thành Phục Hy Đại Đế và Nữ Oa Đại Đế.

Sau khi Phục Hy Đại Đế qua đời, bà Nữ Oa muôn phần đau xót, bèn về quy ẩn ở nước Hoa Tư. Kể từ đó không ai còn thấy bà. Sự sống chết của bà trở thành bí mật. Bộ tộc Phục Hy, Nữ Oa kể từ đó, ngày một suy yếu.

Thần tộc Hiên Viên nhỏ bé ở phía Tây Bắc Đại hoang dần trở nên lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của vị thủ lĩnh trẻ tuổi. Mấy nghìn năm sau, Hiên Viên tộc đã có thể sánh ngang với hai Thần tộc cổ xưa của Đại hoang là Thần Nông và Cao Tân. Ba đại Thần tộc chia nhau cai quản ba phương: Thần Nông ở Trung nguyên, Cao Tân ở Đông Nam, Hiên Viên ở Tây Bắc.

Thần Nông Viêm đế lấy thân mình thử nghiệm hàng trăm vị thảo dược, cứu giúp muôn dân khỏi nỗi thống khổ bị bệnh tật hành hạ, nên được muôn người yêu kính. Người trong thiên hạ tôn ngài là Ông tổ nghề y. Nhờ có Thần Nông Viêm đế, Đại hoang hình thành nên thế chân vạc vô cùng vững chắc.

Nhưng sau khi ngài qua đời, cục diện đã thay đổi, Hiên Viên Hoàng đế vốn là người tài trí lỗi lạc, mưu lược kiệt xuất, ngài đã thống nhất Trung nguyên sau khi trải qua cuộc chiến khốc liệt với nước Thần Nông.

Có điều, thống nhất không có nghĩa cuộc chiến đã kết thúc, vì thực tế là, một cuộc chiến khác đã bắt đầu.

Sau nhiều năm đấu tranh gian khổ, hai bộ tộc Thần Nông và Hiên Viên đã dần dần xây dựng nên một đời sống chung hòa bình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai bộ tộc này vẫn âm thầm, dai dẳng như núi lửa, bất cứ khi nào cũng có thể bùng nổ.

Quyển 01