Ngày xưa có anh Trương Chi

người thì thậm xấu hát thì thậm hay

(Truyện cổ)

Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choán ngợp lòng chàng. Chàng gác chèo và mặc kệ dòng sông cuốn con thuyền đi.

Chàng hát:

Nỗi buồn của ta ơi

Như cục đá đè nặng tim ta

Nào ai thấu

Phía xa kia là quê nhà

Tuổi trẻ mờ sương

Những ký ức mờ sương

Những ước mơ đâu cả rồi?

Những mơ ước của ta

Ta đã mơ rất say đắm

Mơ hoa lá, những bài ca,

Những tiếng đàn,

Những nụ cười, những đồng lúa chín,

Những lâu đài rực rỡ,

Ta đã mơ thấy nàng

Trong suốt và đỏ chói

Những mơ ước đâu cả rồi?

Những mơ ước của ta

Có ai về đó không?

Về quê nhà ta

Chào giúp một câu

Cho bớt nỗi đau

Chào giúp một câu

Cho bớt nỗi sầu

Những mơ ước đâu cả rồi?

Những ước mơ say đắm khôn nguôi

Nỗi buồn của ta ơi

Như cục đá đè trĩu tim ta

Ai thấu chăng tình tả”

Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt Trương Chi rùng mình vì sự vắng lặng xung quanh. Không ai đáp lại chàng. Sự vắng lặng kinh hoàng. Chỉ có tiếng giun dế, tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa. Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Chàng khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón taỵ Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng. Chàng nhổ mẩu ngón tay xuống Bông. Trời tối, không thấy máu. Chàng thò ngón tay xuống dòng nước xiết. Dòng nước mơn man khiến chàng dễ chịu. Chàng duỗi thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói:

- Cứt!

Nói xong chàng nhắm mắt lại. Bốn nghìn năm trước chàng đã mất ngủ thế này. Bốn nghìn năm trước chàng đã đau đớn thế này, chàng đã căm giận thế này.

Việc gặp Mỵ Nương xốc lại toàn bộ suy nghĩ của chàng. Trước kia, Trương Chi chỉ hình dung mơ hồ có những cuộc sống khác, lối sống khác. Chàng chỉ ngờ ngợ rằng cuộc đời chàng tẻ nhạt, nhàm chán. Rằng thân phận chàng chẳng ra gì. Rằng con thuyền này, những vật dụng này chẳng ra gì. Rằng thân xác chàng xấu xí, chẳng ra gì. Cả ngay tiếng hát của chàng cũng thế, vô nghĩa, chẳng ra gì. Tuy nhiên, việc tự khép kín, thói lười nhác an phận, thêm một chút kinh bạc nữa và những cố gắng không mỏi để kiếm miếng ăn khiến chàng giữ được bên ngoài vẻ thường. Không ai ngờ vực chàng. Không ai sợ hãi chàng. Chàng sống giữa bầy. Chàng cười nói. Chàng chịu đựng. Chàng mua bán. Chàng chấp nhận. Mọi ước lệ của thói đời lướt qua chàng không dấu vết. Chàng cũng lưởt qua nó, những ước lệ của thói đời ấy không dấu vết. Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc.

- Cứt!

Trương Chi gầm lên khe khẽ. Những bức bối cồn cào lòng chàng.

Chàng hát:

Đêm nay là đêm nao

Này người tình ơi

Rồi nàng cũng thành một bà lão

lụ khụ, đáng kính và có đơn thôi!

Bây giờ nàng cứ cười đi

Ta đâu mêch lòng

Nàng còn trẻ tuổi.

Nàng hiểu làm sao

Những khao khát nực cười của ta

Ta vốc một nắm gió

Ném vào khoảng không kia

Nheo một bên mắt

Tay đút túi

Ta không khiến nàng bận tâm

Gió đi đâu

Dạt đến chân trời nào

Nàng biết quái gì?

Gió đi đâu?

Đến bao giờ thành bão?

Trên con thuyền này

Ta bắt quyết

Luyện phép một mình

Ai thấu lòng ta?

Nàng cứ cười đi

Và chớ có tin

Nàng có tin ai đâu

Thói của nàng là thế

Nàng được giáo dục như thế từ bé tí

Nàng chỉ tin ở bạo lực

Ta biết thừa

Ai thấu lòng ta

Những khát khao của ta

Những cuồng vọng của ta

Những tín ngưỡng của ta

Với con thuyền này

Ta chèo qua số phận

Ta chèo qua thời gian

Ta chèo một mình... ”

Trương Chi không hát nữa. Chàng lại nói:

- Cứt!

Nói xong chàng nhỏm dậy. Chàng thấy đói.

Chàng phải kiếm ăn đã. Chàng lái thuyền vào bờ. Ở hai ven bờ, suốt từ thượng nguồn đến tận hạ nguồn, chàng đã đặt mỗi bên một nghìn cái đó. Nhấc đó lên là có cái ăn. Đây là cá, là cua, là ếch nhái. Trương chi bắt cá ném vào lòng thuyền. Chàng dùng hai hòn đá nhen lửa nướng cá. Chàng ăn cá nhưng được vài miếng chàng lại nhổ đi.

Chàng lại nói:

- Cứt!

Hình ảnh Mỵ Nương hiện ra. Trương Chi thở dài. Nàng ngả người trên nệm. Nàng lấy những ngón tay thon thả gỡ tóc. Nàng bảo chàng:

- Hát đi!

Viên quan trưởng bảo chàng:

- Hát ca ngợi công danh đi!

Trương Chi tức nghẹn họng. Chàng biết, hát về điều ấy thật là trò cứt. Mỵ Nương mỉm cười khuyến khích chàng. Chàng đã mềm lòng trước nụ cười ấy. Chàng khò khè trong cổ. Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ thế này. Bài hát chỉ oàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Bài hát đông người.

Mỵ Nương bảo:

- Hay lắm!

Bọn hoạn quan đứng quanh cười ré lên:

- Hát như cứt!

Mỵ Nương tỏ vẻ thương xót:

- Hát về tình yêu đi!

Viên quan trưởng ngăn lại:

- Đừng! Nên hát về sự nhẫn nhục!

Mỵ Nương làm một cử chỉ khuyến khích. Trong cuộc đời bạc bẽo của chàng, Trương Chi chưa được ai khuyến khích bao giờ.

Chàng hát, mắt hướng về viên quan trưởng:

“Sự nhẫn nhục bắt đầu từ đâu?

Ngày xưa, ta tưởng nó bắt đầu từ bản tính ta

Từ đầu ngón chân, ngón tay ta,

Hóa ra không phải

Sự nhẫn nhục bắt đầu từ mày!”

Viên quan trưởng ngăn lại:

- Đừng hát!

Trương Chi luống cuống. Chàng thấy khổ quá. Giữa sông nước có ai chỉ bảo chàng đâu? Sự nhẫn nhục, thói hãnh tiến, lòng tham, tính thiện... Tất cả như nhau hết, vụn vặt và vô nghĩa lý. Chàng chỉ có một mình. Ngày cũng một mình. Đêm cũng một mình. Mưa nắng như nhau hết.

Bọn hoạn quan cười ré lên:

- Hát như cứt!

Mỵ Nương cười, Trương Chi rất thích giọng nàng cười. Tiếng cười rung trong ngực chàng.

Viên quan trưởng bảo:

- Hát ca ngợi tiền bạc đi!

Bọn hoạn quan reo lên.

Mỵ Nương làm một cử chỉ mơn trớn. Chẳng có ai nhận ra cử chỉ ấy. Chỉ có riêng chàng biết. Trương Chi luống cuống, lại một bài hát toàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Có chỗ chàng lại bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác và tiếng dê kêu nữa. Bài hát đông người...

Bọn hoạn quan cười ré lên:

- Hát như cứt!

Mị Nương cười rũ rượi. Chàng biết, sau tiếng cười độ lượng kia nàng sẽ mím môi lại. Nàng có tật thế.

Trương Chi rùng mình. Chàng thấy lo sợ cho chàng. Chàng biết rõ mình. Chàng có thể chịu được đói khổ, nhọc nhằn, thói nhẫn tâm, sự đểu cáng. Thậm chí cả sự hạ nhục của bọn người nông nổi và thiển cận nữa, không sao. Chàng chỉ sợ khi chính bản thân chàng lâm vào tinh thế phải tự hạ nhục bản tính mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chị Trương Chi ngó quanh. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm... xúm xít, ép chặt lấy chàng. Trương Chi sợ hãi. Chàng mong nhìn thấy một người đánh cá, chỉ đánh cá mương thôi cũng được, chẳng cần đến loại người đánh cá kình. Chàng sẽ vững tâm.

Mỵ Nương giúp chàng. Nàng bảo:

- Hát về tình yêu đi!

Trương Chi nhắm mắt lại. Chàng thấy bồng bềnh như đứng trên thuyền. Đến lúc này, chàng biết chàng phải cất giọng tự hát cho mình, bởi không chàng sẽ mất hết, mất cả cuộc đời. Chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới hòng cứu vớt được. Không phải Mỵ Nương, không chỉ là Mỵ Nương. Dù cho Mỵ Nương có là một con phượng hoàng kiêu hãnh hoặc một con nhện xấu xí cũng vậy. Với chàng lúc này tất cả đều như nhau. Tình yêu của chàng hướng về tuyệt đối Nàng là cái bẫy của số phận chàng.

Chàng hát:.

“Tình yêu, bài ca mà Trương Chi hát

Cất lên từ trái tim bị thương tổn

Ngọn cờ nàng phất trên ta là tình yêu

Và tiếng trống trận là nhịp tim ta

Kẻ thù của ta

Chúng sẽ bôi nhọ tên ta

Còn ta

Ta sẽ vung ra trước chúng

Lưỡi mác của tình yêu

Xuyên qua tim ta

Và qua tim nàng

Này người tình ơi

Thực ra, nàng còn rỗng tuếch và tẻ nhạt

Tâm hồn nàng có những con rắn hoài nghi

trơn tuột nằm phục

Nàng gian lận trong bài bạc

Nàng đánh giá điều thiện như cách nàng

đánh giá đồ trang sức và tài sản

Nàng ngờ vực ngọn gió

Và gieo gặt nhờ kích thích thói xấu

Mồi thính của nàng

Là quyền lợi và danh dự hão huyền

Ta đâu cần một bữa cơm

Đâu cần một manh áo

Cơm ta thiếu gì?

áo ta cần chi?

Ta ở trên đất đai của tổ tiên ta

Và quăng lưới trên dòng sông của tổ tiên ta

Những khao khát của ta

Hướng về tuyệt đối...

Ta là Trương Chi

Ta ca ngợi tình yêu

Nở từ hạt thiện

Và bông hoa của tự nhiên

Là sự chân thực lạnh buốt... ”

Tiếng hát Trương Chi cao vút. Xung quanh im bặt. Nhừng giọt nước mắt long lanh trên mắt Mỵ Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát thế này. bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm... đứng dạt cả ra. Trương Chi vẫn hát, đôi chân của chàng như bốc khỏi đất, chàng đang bay lên.

Chàng hát:

“Hãy ca hát tình yêu

Hỡi những trái tim lãnh cảm

Những trái tim sắt đá

Bạo lực chỉ gây oán thù

Nòi giống phải trả giá

Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Vẻ đẹp tự nhiên

Sự chân thực lạnh buốt... ”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Đây là thanh danh ta

Và thanh danh nàng... ”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Tình yêu không xúc phạm được

Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế... ”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Tình yêu cần hy sinh

Bởi nó không khoan nhượng... ”

Chàng hát:

“Sự ngu ngốc hay khôn ngoan với tình yêu đều như nhau

Sự ràng buộc hay không ràng buộc cũng thế... ”

Chàng hát:

Tình yêu không mất đi và không sinh ra

Tình yêu tuyệt đối... ”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi

Bài ca ta cât lên từ trái tim bị thương tôn

Này người tình ơi

Xin đừng vì sự thương tổn trái tim ta mà

tổn thương trái tim nàng

Chúng ta đi qua cuộc đời bạc bẽo này, giả dối này

Nàng cứ sống đi rồi sẽ hiểu

Những chân trời nào nàng sẽ qua...

Và những gì làm trái tim ta đau

Ghi dấu trên thanh danh ta...

Và trên cả thanh danh nàng...

Có một thứ tình yêu bất tử... ”

Trương Chi im bặt. Chàng cũng không biết chàng dã bay tới bến sông từ khi nào nữa. Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu.

Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông.

Chàng lại nói:

- Cứt!

Chàng từ trên thuyền bước xuống xoáy nước giữa sông. Ở trên trời, trên mặt đất, trên biển cả và các dòng sông đều có những hốc đen bí mật. Những xoáy nước trên sông là những hốc đen như thế.

*

Trong truyện cổ, người ta kể rằng khi hát xong câu hát cuối cùng:

“Kiếp này đã dở dang nhau

Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành “.

Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vuạ Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.

Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình. Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.

Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc.

Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý.

Lẽ đời là thế.

Hết