Lời dịch giả

Trầm tưởng sưu tập những dòng tư tưởng và phút giây trầm mặc của nhà thi sĩ và tiên tri Kahlil Gibran, người gốc Liban, nguuyên tác Ả-rập ngữ, được chọn và dịch bởi Anthony R. Ferris dưới nhan đề Thoughts and Meditation (The Citadel Press, New York, tái bản lần thứ tư, 1969). Bản dịch sang Việt ngữ này đã dựa vào bản Anh dịch nói trên, ngoại trừ truyện ngắn "Martha" đã được so với bản Anh dịch của H. M. Nahmad, trong cuốn nhan đề Nymphs of the Valley của Gibran (Alfred A. Knopf. Inc. New York, tái bản lần thứ mười ba, 1969).

Đăng Quang

° ° °


Nhà thi sĩ Baalbeck

Sarkis Effandi, một trong những người bạn thân nhất của Gibran, được giới trí thức Li-băng vô cùng kính phục. Ông đã từng đứng chủ một nhà xuất bản và một nhật báo Ả-rập ngữ có tên là Li-San-Ul-Hal. Năm 1912, Liên minh Tiến bộ Ả-rập, tổ chức nhằm phát huy sự thống nhất và nền văn hoá Ả-rập, quyết định vinh tôn nhà đại thi hào Li-băng là Kahlil Effandi Mutran.

Vì Sarkis đứng đầu uỷ ban tổ chức buổi lễ vinh tôn, cho nên ông đã gửi thơ mời Gibran, lúc bấy giờ đã di cư sang Nữu Ước, trở về họp mặt tại Beirut nhân dịp này. Gibran không thể tới được, nhưng gửi Sarkis một tiểu truyện và dặn là đọc hộ truyện này trước mặt nhà thi sĩ. Trong truyện tán dương nhà thi sĩ, Gibran biểu lộ lòng tin tưởng vào hiện tượng luân hồi và ngợi ca linh hồn vĩ đại đã được tái sinh vào nhà thi sĩ. 1



Nhà thi sĩ Baalbeck

Tại thành Baalbeck năm 112 t.t.c.

Đức Vương Hầu ngồi trên ngai vàng, chung quanh đèn đuốc sáng rực và lư trầm mạ vàng nghi ngút. Hương thơm của trầm sực nức cung điện. Bên phải và bên trái của Ngài là các vị đại tư tế và thủ trưởng; các toán nô lệ và vệ binh đứng bất động trước mặt Ngài như những pho tượng đồng dựng trước mặt trời.

Sau khi các ca thủ giáo lễ đã xướng lên những khúc thánh ca vang dội, thì một vị trưởng lão đại thần đứng dậy trước mặt Vương Hầu, và bằng một giọng ngân nga êm đềm của tuổi sương hôm, cất tiếng nói:

"Ô Đại vương đầy lòng quảng đại, ngày hôm qua có một bậc hiền nhân từ Ấn Độ tới thành ta. Bậc hiền nhân này tin vào sự đa tạp của các tôn giáo và nói nhiều điều lạ lùng khó hiểu. Ông ta đi truyền bá một chủ thuyết luân hồi và sự hoá thân của những linh hồn di chuyển từ thế hệ này sang thế hệ kia, đi kiếm tìm những cuộc hoá thân càng ngày càng hoàn hảo, cho đến khi nào biến hoá thành thần thánh. Bậc hiền nhân này muốn bệ kiến Đại vương để giải thích chủ thuyết của ông ta."

Đức Vương Hầu khẽ lắc đầu, mỉm cười và nói:

"Nhiều điều lạ lùng và kỳ diệu từ Ấn Độ mà đến. Hãy gọi kẻ hiền nhân vào để ta có thể nghe những lời hiền triết của ông ta."

Vừa dứt lời, thì một ông lão da ngăm đen uy nghiêm bước vào và đứng trước mặt đức Vương Hầu. Đôi mắt lớn màu nâu của ông ta nói lên những niềm bí ẩn sâu xa. Ông lão cúi đầu lạy, ngẩng mặt lên, đôi mắt long lanh, và bắt đầu nói.

Ông ta cắt nghĩa cách thức những linh hồn đi từ một cơ thể này sang cơ thể kia ra sao, được nâng lên cao bởi những hành vi tốt của vật trung gian mà những linh hồn đã chọn lựa, và chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm trải qua trong mỗi kiếp sống; khao khát vươn lên một hào quang nó khiến cho linh hồn phấn khởi và phát triển bằng Tình Yêu, khiến cho linh hồn vừa sung sướng vừa đau khổ…

Rồi nhà hiền triết nói đến cách thức những linh hồn di chuyển từ nơi này sang nơi khác đi tìm sự toàn hảo ra sao, đền tội trong hiện tại vì những tội ác đã phạm trong quá khứ, và gặp trong kiếp này những gì đã gieo trong kiếp trước.

Nhận thấy những dấu hiệu bất an và mệt mỏi trên dung nhan đức Vương Hầu, vị trưởng lão đại thần thì thầm vào tai nhà hiền triết:

"Giờ ngài đã thuyết giáo đủ rồi; xin hoãn bài diễn giảng cho đến kỳ gặp sau."

Nghe đến đây nhà hiền triết cúi đầu cáo lui và đến ngồi giữa các nhóm tư tế và thủ trưởng, mắt nhắm nghiền lại dường như mệt mỏi vì đã mải nhìn vào những miền thâm u của Hiện Hữu.

Sau giây lát yên lặng sâu xa, giống như trong trạng thái xuất thần của một nhà tiên tri, đức Vương Hầu ngó sang bên tả rồi sang bên hữu, và hỏi:

"Nhà thi sĩ của ta hôm nay đâu rồi? Đã mấy hôm nay ta không thấy ông ta đâu cả. Có gì đã xảy đến cho ông ấy? Ông ấy vẫn thường có mặt trong các cuộc họp mặt của ta mà."

Một vị giáo sĩ đáp:

"Một tuần trước đây thần có trông thấy ông ta ngồi trên trụ lang ở đền Ishtar, đôi mắt xa xôi và buồn thảm ngó ra tít khoảng hoàng hôn mù khơi y như là đã đánh lạc mất bài thơ của ông ta trên chín tầng mây xanh rồi ấy."

Và một vị thủ lãnh nói thêm:

"Hôm qua thần cũng có trông thấy ông ta đứng dưới bóng cây liễu và cây trắc bá. Thần có chào hỏi ông ta, nhưng ông ta chẳng để ý gì đến lời hỏi thăm của thần cả, mà cứ vẫn chìm đắm trong biển trầm tư mặc tưởng."

Đến lượt vị đại quan Thái Giám lên tiếng:

"Hôm nay thần có trông thấy ông ta trong thượng uyển, nét mặt tái ngắt và bơ phờ, thở dài sướt mướt, và đôi mắt đầy lệ."

Đức Vương Hầu lập tức phán rằng:

"Hãy cho đi tìm ngay linh hồn bất hạnh đó đến đây, vì sự vắng mặt của nhà thi sĩ làm phiền lòng ta không ít."

Được lệnh truyền, bọn nô lệ và vệ binh rời vương điện để đi tìm nhà thi sĩ, trong khi đó đức Vương Hầu cùng các giáo sĩ và thủ lãnh ở lại trong nghị điện chờ họ trở về. Dường như tâm hồn họ đều đã cảm thấy sự hiện diện vô hình của thi sĩ quanh quất đâu đây.

Chẳng bao lâu vị đại quan Thái Giám quay trở lại và phủ phục khấu đầu dưới chân đức Vương Hầu nhanh thoắt như một con chim trúng tên.

Thấy vậy đức Vương Hầu quát lớn:

"Làm sao… ngươi có điều gì nói ta nghe?"

Tên nô lệ ngẩng đầu lên và giọng run rẩy thưa:

"Muôn tâu Đại vương… chúng con thấy nhà thi sĩ nằm chết trong vườn thượng uyển…"

Đức Vương Hầu liền đứng dậy và vội vã, buồn thảm bước ra ngoài thượng uyển, dẫn trước là toán người cầm đuốc và theo sau là toán giáo sĩ và thủ lãnh. Ở đằng cuối vườn gần hàng cây hạnh nhân và thạch lựu, ánh sáng vàng của các ngọn đuốc soi sáng người thanh niên đã chết. Xác hắn nằm trên thảm cỏ xanh như một đoá hồng đã héo khô.

Một trong số cận thần của đức Vương Hầu nói:

"Ngó kìa, nhà thi sĩ ôm chiếc thất huyền cầm như là hai tình nhân ước hẹn chết cùng nhau kìa!"

Một người khác nói:

"Chàng vẫn đăm đăm ngó vào trung tâm không gian như lúc còn sống; chàng vẫn còn có vẻ như đang theo dõi những chuyển động vô hình của một vị thần vô danh giữa các hành tinh."

Và vị đại giáo sĩ tâu với đức Vương Hầu:

"Muôn tâu Đại vương, ngày mai ta hãy chôn chàng dưới bóng đền Ishtar như một đại thi hào, và cho phép dân trong thành cử hành tang lễ chàng, trong khi đó có các thanh niên ngâm vịnh thơ chàng và các trinh nữ rải rắc hoa trên phần mộ chàng. Với thiên tài của chàng, hãy cử hành một lễ kỷ niệm cho xứng đáng."

Đức Vương Hầu gật đầu mà mắt vẫn không rời khuôn mặt nhà thi sĩ trẻ tuổi lúc này đã tái ngắt sau màn che của Thần Chết.

"Ta đã xao lãng tâm hồn thanh khiết này hồi chàng còn trên dương thế, hồi chàng còn đang lấp đầy Vũ Trụ bằng trái cây trí tuệ sáng ngời của chàng và toả khắp không gian hương thơm tâm hồn chàng. Nếu giờ ta không vinh tôn chàng, thì ta ắt sẽ bị chê cười và lăng nhục bởi các thánh thần và các thần nữ ngoài thảo dã và sơn cốc."

"Hãy mai táng nhà thi sĩ ở nơi đây, nơi chàng đã trút hơi thở cuối cùng, và hãy cứ để cho cây đàn thất huyền nằm giữa hai cánh tay chàng. Nếu các ngươi muốn tôn vinh chàng và tỏ lòng kính mến với chàng, thì hãy nói với con cháu các ngươi rằng Vương Hầu đã xao lãng nhà thi sĩ và đã là nguyên nhân cho cái chết đau khổ và cô đơn của chàng."

Và rồi đức Vương Hầu hỏi:

"Thế còn nhà hiền triết từ Ấn Độ kia đâu rồi?"

Và nhà hiền triết bước tới và nói:

"Muôn tâu Đại vương, bầy tôi đây."

Và đức Vương Hầu cất tiếng hỏi:

"Hãy nói cho ta nghe, hỡi hiền nhân, liệu các thánh thần có bao giờ sẽ hồi phục ta trở lại thế giới này làm một hoàng tử và làm phục sinh nhà thi sĩ đã mãn phần này không? Liệu rằng linh hồn ta có sẽ được hoá thân trong thể xác người con trai một đại hoàng đế, và liệu linh hồn thi sĩ có sẽ luân hồi vào thể xác một thiên tài khác hay không? Liệu rằng Thánh Pháp có sẽ làm cho chàng đứng trước mặt Vĩnh Cửu để chàng làm thơ về Cuộc Đời hay không? Liệu chàng có sẽ được phục sinh để cho ta có thể vinh tôn và tỏ lòng kính mến bằng cách trút tưới cho chàng những tặng phẩm và phần thưởng quí giá khiến cho tim chàng được phấn khởi và tâm hồn chàng được nhiều linh cảm, hay không?"

Và nhà hiền triết đáp đức Vương Hầu:

"Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần."

Hãy nhớ rằng, ô Đại vương, Thánh Pháp phục hồi sự trác tuyệt của Mùa Xuân sau khi Mùa Đông đi qua sẽ phục hưng Đại vương làm một hoàng tử và chàng làm một thi sĩ thiên tài.

Niềm hy vọng của Đức Vương hầu được làm sống lại và trên dung nhan ngài đã hiện ra những dấu hiệu vui tươi. Ngài bước về phía vương điện, nghĩ lại và suy ngẫm các lời nói của nhà hiền triết: "Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần."



Nhà thi sĩ Baalbeck

Tại Cairo, Ai Cập vào năm 1912 s.t.c.

Vầng trăng tròn vạnh đã hiện ra và trải rộng tấm áo bạc của nàng trên thành phố. Vị Hoàng Tử đứng trên bao lơn hoàng điện ngắm nhìn bầu trời trong vắt và suy nghĩ mông lung về những thời đại đã trôi qua dọc trên bờ sông Nile. Ngài dường như đang duyệt qua những đám rước của các dân tộc đã bước đi, cùng với Thời Gian, từ Kim Tự Tháp đến hoàng điện Abedine.

Khi vòng tròn tư tưởng của Hoàng Tử đã mở rộng ra và vươn tới lãnh vực mộng mơ của Ngài, Ngài bèn ngó sang kẻ bầu bạn ngồi bên cạnh và nói:

"Đêm nay tâm hồn ta khao khát; hãy ngâm ta nghe một bài thơ."

Và người bầu bạn cúi đầu lĩnh ý và bắt đầu một bài thơ tiền – Hồi giáo. Nhưng trước khi hắn ngâm vịnh được nhiều khổ, thì vị Hoàng tử bèn cắt ngang mà nói:

"Cho nghe một bài thơ hiện đại… một bài thơ mới đây."

Và rồi, cúi đầu lĩnh ý, người bầu bạn bắt đầu ngâm các vần thơ của một thi sĩ miền Hadhramaut 2. Vị Hoàng tử lại ngắt lời hắn lần nữa, nói:

"Mới hơn nữa… một bài thơ mới đây hơn nữa."

Kẻ ngâm thơ bèn giơ tay đặt lên trán, dường như để nhớ lại tất cả các bài thơ do các thi sĩ hiện đại viết. Rồi đôi mắt hắn sáng ngời, khuôn mặt rạng rỡ, và hắn bắt đầu ngâm những vần thơ yêu kiều bằng một nhịp êm ái, đầy kỳ diệu.

Say sưa và dường như cảm thấy có một bàn tay vô hình vẫy gọi Ngài rời hoàng cung đi tới một miền xa xôi, Hoàng Tử sốt sắng thăm hỏi:

"Ai đã viết những dòng thơ này?"

Và người ngâm thơ đáp:

"Nhà thi sĩ từ Baalbek."

Nhà thi sĩ Baalbek từ là một tên cổ xưa, và nói gợi lại trong ký ức Hoàng Tử những hình ảnh ngày qua. Nó đánh thức dậy trong tận cùng trái tim Ngài những bóng ma kỷ niệm, và nó vẽ ra trước mắt Ngài, bằng những đường nét do sương mù tạo nên, một bức tranh hoạ một thanh niên đã chết đang ôm chiếc đàn thất huyền và được bao vây bởi các giáo sĩ, thủ lãnh và các quan đại thần.

Như các giấc mơ bị ánh sáng Ban Mai làm tiêu tán, ảo ảnh dần dần rời đôi mắt Hoàng Tử. Ngài đứng lên và bước về phía hoàng cung, hai cánh tay khoanh trước ngực, Ngài nhắc lại những lời nói của Mohamed: "Mi đã chết và Người đã mang mi trở lại cuộc sống, và Người sẽ trả mi về sự chết và rồi phục hồi mi lại cuộc sống. Rồi sau đó mi mới trở về với Người".

Rồi Ngài nhìn người bầu bạn đi bên và nói:

"Ta may mắn có được nhà Thi Sĩ từ Baalbek trên đất ta, và sẽ phải coi như một bổn phận tuyệt đỉnh mà vinh tôn và kết bạn với chàng."

Sau giây lát yên lặng và tôn kính xứng đáng, Hoàng Tử khẽ nói thêm:

"Thi sĩ là một loại chim nhiều tính khí lạ lùng. Hắn bay sà xuống từ vùng thanh cao và trú chân giữa chúng ta, ca hát; nếu ta không vinh tôn hắn, thì hắn sẽ tung cánh bay trở về nơi hắn ở."

Đêm tàn, và các vùng trời trút gỡ xuống các bộ áo nạm đầy sao của chúng, và khoác lên mình một bộ áo dệt bằng những tia nắng khoẻ của Ban Mai. Và tâm hồn Hoàng Tử chênh vênh, đu đưa giữa những thần diệu và lạ kỳ của Hiện Hữu và những điều bí ẩn phủ kín của Đời Sống.

--------------------------------
1A. R. Ferris
2Một miền dọc theo vùng duyên hải phía Nam bán đảo Ả-rập (L. N. D.)