Chương 1

Chung quanh tôi là một khoảng trống mênh mông và đen kịt, cái khoảng trống ấy ngày càng vây kín lấy tôi và xiết chặt ... xiết chặt, làm cho tôi không thể thở nổi, tay chân tôi như bị trói chặt, tôi muốn hét lên mà không lấy được hơi, tôi sợ hãi, một nỗi sợ đến nứt tung cả lồng ngực.

Không! Không thể được, tôi không thể từ bỏ hơi thở của mình, không thể từ bỏ, không thể từ bỏ cuộc sống này, cho dù nó đang hất hủi tôi! Không! Tôi không muốn chết! Tôi cố vùng vẫy và hét lên, cố tìm một tia hy vọng, một sự giúp đỡ, hai tay tôi chới với quơ trên khoảng không, màu tối ghê rợn như nứt ra và thả tôi rơi vào không mới, cái khoảng không mà tôi nhận thức được, đó là khoảng không gian của căn phòng nhỏ ngột ngạt giữa cái nóng kinh người.

– Này! Con điên kia, ngủ ngày mà cũng mớ ghê người, có dậy đi chưa.

Tôi định thần thở dốc trong tiếng quát của Kha:

– Con gái con đứa gì mà chắng chút nết na, ngáy thì như sấm, chân tay thì gác loạn xạ lên, không hiểu lúc xưa có bầu mày mẹ ăn cái gì nữa, chắc là ăn thịt lợn nhiều nhiều quá nên mày mới sinh ra thế.

– Nè! Vừa thôi nghe!

– Ấy dà! Còn gác lại tao nữa đấy.

– Chị có biết làm chị không, tối ngày cứ xắc xéo, xỉa xói em, vô phước cho ông nào quen với chị.

– Hơ!

– Chị vừa đanh đá, vừa chua ngoa, chị hơn em chỉ có mười tháng thôi, mà nói cho chính xác chỉ có chín tháng hai mươi sáu ngày. Xì! Chị tự soi gương đi, già đến kinh người, chị biết sao không?

Kha quay lại soi mình trong tấm gương trên tường, gương mặt cô quả là có đường nhăn, trời ạ! Nó nói đúng, trông mình già đến tệ! Cô buồn bã đưa tay lên vuốt mặt cố xóa đi nếp nhăn sau đuôi mắt, những nếp nhăn đáng ghét làm cho đôi mắt đen láy của cô thật xấu xí làm sao?

– Sao? Thế nào?

Cái mặt ranh mãnh quỉ quái của Khôi nhăn nhở hiện kề bên mặt Kha trong gương, đôi chân mày rậm đen của nó xếch ngược như con trai, nó chun mũi hỏi cô:

– Em nói không sai chứ? Trông chị già dặn cằn cỗi chẳng qua vì chị cứ luôn soi mói mắng mỏ em, lúc nào cũng ra vẻ đàn chị.

Khôi nói rồi vênh váo bước lại ghế ngồi, gát ngược chân lên bàn, không nhận ra vẻ buồn rười rượi trên mặt Kha, mắt cô đã ươn ướt lệ, cô cắn chặt môi trong khi Khôi vẫn cao giọng chỉ trích chị:

– Chị làm như em còn nhỏ lắm ấy, dù sao em cũng tốt nghiệp cấp ba rồi, em có khờ thì cũng đâu đến nỗi ngu, lúc nào chị cũng mày phải thế này, mày phải thế kia, chị làm miết cứ thấy chị là em thấy chán rồi.

Kha ngồi phịch xuống chiếc ghế bố ở cạnh góc nhà, đến lúc này Khôi mới nhận ra sự khác lạ của chị, cứ như mọi lần thì chị ấy cứ cung tay chân lên gõ cóc cóc lên đầu cô cứ như người ta gõ lên sọ dừa khô, thế mà hôm nay chị ấy lại ngồi im lìm một góc, chẳng buồn nhúc nhích. Mà lạ chưa kìa! Dường như chị ấy còn khóc nữa thì phải?

Eo ơi! Mình đã làm gì nên tội rồi? Khôi rón rén bước đến gần Kha, rồi rụt rè cúi gần xuống, nhìn vào mặt Kha, cô quẹt ngón tay lên giọt nước mắt vừa lăn ra trên má Kha.

– Đúng là chị ấy khóc rồi! Trời ạ, chị ấy khóc sao?

Sự phát hiện ấy khiến cho Khôi sửng sốt, bần thần:

– Chị .... chỉ hai, chị khóc hả? Em ... em nói chơi ấy mà, mọi lần cũng thế chị có sao đâu, sao hôm nay chị lại mè nheo chứ?

– !!!

Khôi lay khẽ vai Kha:

– Đùa thôi, có phải thật đâu, sao chị lại khóc?

Mặc cho Khôi lăng xăng cuống quýt gãi đầu gãi tai, Kha cứ lẳng lặng chắt từng giọt nước mắt ra khỏi bờ mi.

– Người ta nói đang yên đang lành mà đổi tánh đổi nết là ''chứng chết" rồi!

Đến lúc này thì Kha mới quắc mắt nạt ngược Khôi:

– Chết cái đầu mày, tao khổ thế, già thế là vì đâu, mày còn không thương còn rủa tao chết sớm nữa à? Tao không ngờ mày vô nhân vô tính, bạc bẽo như vậy!

Thay vì tức giận Khôi lại thở phào nhẹ nhõm, cô nhoẻn miệng cười:

– Như thế mới giống bình thường chứ, chị làm em sợ gần chết! Chửi thì cứ chửi đừng có khóc là được rồi, thấy chị khóc em khó chịu quá.

– Mày đó, mày có bao giờ xem tao là chị của mày đâu.

– Cái đó là chị nói không phải em, lúc nào chị cũng phóng đại!

– Hừ! Từ khi mẹ chết, tao đổ hết sức vào lo cho mày, tao phải nghỉ học, đi làm, phải trồng rau, trồng trái để đắp đổi qua ngày, tất cả là vì mày, mà mày có nghe lời tao đâu!

Khôi xụ mặt:

– Sao lại không?

– Nghe mà tao bảo mày đi học tiếp mày không đi! Bây giờ tao chỉ trông chờ vào mày, thế mà mày cũng đạp đổ hy vọng của tao.

– Em không đi học là lẽ vì sao chị tất hiểu rồi mà.

– Tao không hiểu.

– Chị biết đó, em muốn đi làm để cho chị bớt cực, em không muốn nghe chị kể lể.

– Mày! - Kha tức giận quát Khôi - Tao kể cái gì, phải! Tao là người, tánh tao nóng, tao cứ nói là không giữ được bình tĩnh tao không biết ngọt ngào nhưng lúc nào tao cũng lo cho mày, tao lo mà không cần mày báo đáp chỉ cần mày nên thân nên người là tao thấy nhẹ nhõm rồi, mà mày có nghe tao đâu.

– Em nghe nhưng phải có tình có lý.

– Có tình có lý là sao?

– Có tình tức là em thương chị cực khổ vì em cho nên em không thể nghe lời chị, cứ bắt chị làm lụng mãi để lo cho em, cái lý là chị không thể ép em nghe lời chị khi em đã đủ tuổi trưởng thành, em đã có thể tự lập và không muốn học nữa chấm hết.

– Hết cái đầu mày, rõ là mày không biết thương tao?

– Chị chỉ nói oan cho em.

– Nhà chỉ có hai chị em, cảnh nghèo cứ đeo bám mấy năm qua, cha thì bỏ đi, mẹ thì đã chết.

– Em biết chúng ta khổ chị kể làm gì?

– Thế mày có muốn chị em mình khổ mãi không?

– Không?

– Không thì phải đi học, học để có bằng cấp để đi làm.

– Giờ em cũng đi làm được mà.

– Nhưng làm cái gì với cái bằng cấp ba đó, làm công nhân, làm thợ, làm mướn phải không?

– Mỗi người mỗi việc! Chị nghĩ học lên làm bác sĩ kỹ sư là mới tốt sao?

– Tao không nói tốt hay xấu nhưng có tấm bằng đại học, có thêm nhiều kiến thức vẫn hơn!

Khôi thở dài nói:

– Em hiểu ý của chị, nhưng hoàn cảnh của chị em mình không thể.

– Tao sẽ lo.

– Em không muốn học nữa! Chị hiểu không? Sao chị cứ gây áp lực cho em mấy năm phổ thông chưa đủ sao? Chị có biết em học mà lúc nào cũng như trả nợ cho chị không? Chị nghĩ em sướng lắm à? Khôi đột nhiên phản ứng mạnh với Kha, làm cho Kha phải sửng sốt kêu lên:

– Mày làm gì sửng cồ với tao chứ, chẳng lẽ tao lo cho mày là có lỗi với mày ư?

Khôi bực tức không chịu nhịn cô quát lại chị:

– Lúc nào chị cũng lo, lo! Cũng vì cái lo của chị mà khi nào em rủi bị bị điểm thấp là em cứ lo cuống lên, sợ chị buồn, sợ chị mắng, cắm đầu, cắm cổ học không dám nghĩ đến việc gì, lúc nào cũng học, học, và học, đến cả ngủ cũng nằm mơ thấy mình chưa học xong bài, bèn bật dậy như bị ma bóp cổ! Mấy năm phổ thông em nhưở dưới hàng ngàn táng đá thi xong cái bằng em thấy như mình bay bổng khỏi mặt đất, thế mà bây giờ chị lại bắt em đeo trở lại cái ách nặng nề đó! Chị Hai! Em lạy chị, em không có đầu óc để học thêm nữa, em sẽ đi làm, ở cái xã hội này ai cũng muốn làm bác sĩ, kỹ sư thì ai sẽ làm công nhân đây, chúng ta phải biết lượng sức mình, tóm lại em khôngmuốn chị lo cho em nữa, em sẽ tự làm để nuôi bản thân em.

Kha há hốc mồm nhìn trân trân Khôi, khi cô hùng hổ tuôn ra một thôi một hồi ý nghĩ của mình.

Phải! Nó đã lớn rồi, nó đã biết cãi lại cô, nó muốn làm theo ý của nó cô làm gì được nó cơ chứ! Hừ, nó không muốn học, không muốn nghe lời cô, thì cứ mặc nó đi, đồ cứng đầu, cô chẳng tội gì lo cho nó nữa.

Nghĩ rồi Kha lẳng lặng cầm cái nón lá đến bên bên vách nhà đội lên đầu rồi quay gót bỏ ra ngoài sân, cô cầm chiếc cuốc chim cắm cúi rẩy mớ cỏ mọc lan quanh nhà, mỗi nhát cuốc như mang theo nỗi tức giận hờn dỗi của cô, từng nhát từng nhát xới tung gốc rễ đám cỏ dại.

Khôi bó gối nghe tiếng cuốc của chị bổ xuống đất cành cạch, cành cạch ngoài sân, cô đủ hiểu hiểu chị cô đang rất giận mình, biết sao được, thôi thì cứ mặc chị ấy giận, ba bảy hai mất ngày là xong, còn hơn cứ phải nghe chị ấy lẳng nhẳng suốt ngày này qua ngay nọ.

Ứ hự! Được học tiếp cô cũng rất muốn học nhưng cô không thể nhìn chị cô ngày qua ngày cứ thui thủi một mình, chẳng dám ăn chẳng dám mặc, để mặc cho thời gian của những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt, chị càng già cỗi thì nỗi xót xa áy náy trong lòng Khôi càng cao, thôi thì cứ mặc chị giận, miễn sao chị không già đi trong nỗi cô đơn cực nhọc, như người chị của nhạc sĩ Trần Tiến là được rồi!

Nghĩ rồi Khôi nhảy xuống ghế xỏ chân vào đôi dép bước ra sân, lấy chiếc thùng kéo nước giếng lên tưới cho đám rau cải bên hè.

Đám rau vừa tưới xong thì trời cũng ngã nắng, Khôi quệt giọt mồ hôi đang lăn dài trên má treo chiếc gàu tưới lên cọc rồi rửa chân bước vào nhà, bữa cơm đã được dọn sẵn, một đĩa tép rang mặn với đĩa cải luộc chấm mắm nêm, thế nhưng cũng khiến cho Khôi thấy háo hức vì cái đói cồn cào trong bụng.

– Chị ăn cơm.

– Ăn trước đi.

Cái kiểu trả lời cộc lốc của Kha làm cho Khôi đừng đũa:

– Sao lại trước sau, chị sao thế, giận à? Nhà có hai chị em mà bữa cơm cũng chia đôi, chị ghét em thế sao nếu thế thì để em đi.

Khôi dợm đứng lên thì Kha đã gạt đi:

– Mày đi đâu?

– Mặc em, ở nhà ngột ngạt quá!

– Mày không ăn cơm à?

– Không!

Chữ không vừa dứt thì Khôi cũng biến dạng ngoài ngõ, bỏ mặc Kha trong căn nhà trống trải vắng vẻ.

– Khôi! Mỹ Khôi.

Khôi dừng chân chờ Tùng đi tới:

– Hừ! Kêu gì mà như kêu xe kéo thế!

– Chậc! Anh đã kêu là Mỹ Khôi rồi, chứ có Khôi, Khôi đâu.

Khôi nhăn mặt chau mày:

– Không hiểu sao lúc xưa mẹ lại đặt tên Khôi cho mình, cứ như con trai ấy, mà đúng là con trai thật, mẹ cứ đinh ninh là đẻ ra con trai, nào ngờ lại là một ''con le lé' nên mẹ cũng đành đặt luôn cái tên Khôi, rồi thêm chữ Mỹ cho nó mềm mại một chút, sao mà mình ghét cái tên ấy thế?

Tùng bật cười:

– Cho nên ai mà không gọi cả chữ Mỹ thì Khôi không thèm quay lại chứ gì?

– Kiếm Khôi làm gì?

– Rủ Khôi ra huyện ăn chè!

– Đi thì đi nhưng không ăn chè, mà ăn cái gì no no ấy, lúc nãy cãi nhau với chị Kha, nên bụng đói meo chưa ăn gì!

– Thì ra vậy, lúc nào Khôi cũng bường bỉnh.

– Tùng biết gì mà nói.

– Anh không biết thì ai biết, chị Kha hiền gần chết lúc nào cũng bị Khôi ăn hiếp.

Khôi vênh mặt lườm Tùng:

– Sao Tùng biết, xì! Khôi lớn rồi mà chị ấy cứ bắt Khôi làm cái này, làm cái nọ theo ý chị ấy.

Tùng tò mò hỏi:

– Chị ấy bắt Khôi làm gì? Lấy chồng à?

– Đồ quỷ! Lấy cái đầu Tùng.

– Ậy! Lấy anh thì ắt sẽ có cái đầu của anh mà.

Khôi trừng mắt nói:

– Liệu cái miệng.

– Thế thì là cái gì?

Khôi phụng phịu nói:

– Bắt Khôi đi học.

– Thì đã sao?

– Khôi không muốn đi học nữa.

– Sao lại có cái kiểu cãi lời ngu xuẩn đến thế.

– Này! Khôi nạt ngang - Anh bảo ai ngu? Khôi không đi học là có lý do, thứ nhất Khôi học không vô, thứ hai Khôi không muốn chị hai già đi vì Khôi, thứ ba là Khôi muốn tự lập.

– Chị Kha lo cho tương lai của Khôi.

– Khôi biết, chẳng lẽ Khôi không lo cho mình sao? Tùng thấy đó nhà thì nghèo, chị cũng đã hai mươi ba rồi, bắt chị ấy lo cho Khôi đến bao giờ tóc chị ấy bạc thì thôi à? Chị ấy còn lấy chồng, còn lo cho chị ấy nữa chứ, Khôi đâu thể ích kỷ chiếm hết tuổi xuân của chị ấy.

– Khôi nói cũng đúng, thế Khôi định thế nào?

– Khôi lên thành phố làm.

– Hả?

– Làm gì mà kêu như bị thọc huyết thế?

– Lên thành phố với cái ngữ của Khôi chỉ chứa đầy hai mươi bốn giờ Khôi đã bị người ta lừa hết tiền, chẳng những thế mà còn bị lừa cả tình, cả thân thể cũng không biết chừng.

Khôi tròn mắt hoài nghi:

– Thật sao? Ghê đến thế à?

– Ừ, dân thành phố ghê lắm, họ sống vì tiền không có tình cảm, cũng chẳng thân thiện, thiệt tình như dân quê mình đâu, họ lừa lọc xảo trá trục lợi xấu xa lại hay ăn hiếp dân quê như chúng ta, Khôi không được lên đó.

Khôi bĩu môi:

– Lớn lệnh chưa, Tùng là cái thá gì mà ra lệnh cho Khôi, xì!

Tùng vội xuống nước:

– Tùng không dám ra lệnh mà chỉ muốn Khôi không bị người ta gạt thôi.

Khôi vênh mặt đáp:

– Khôi không gạt người ta, thì có ai mà dám gạt Khôi.

Tùng gãi đầu:

– Anh nói thật, Khôi đi không được đâu, không quen không biết thì làm gì, sống ở đâu?

Đến lúc này Khôi mới cắn môi tư lự đăm chiêu:

– Ừ nhỉ, nghe nói cái gì cũng đắt, nhất là chỗ trọ, một đêm đã gần hai trăm, ứ hự! Hai trăm ngàn hai chị em Khôi sống được nửa tháng rồi.

– Đấy!

– Nhưng Khôi vẫn phải đi, không đi thì làm gì ở đâv, chẳng lẽ đi rẩy cỏ mướn hay đi cày ruộng, thế thì đâu có cần cái bằng phổ thông của hhôi. Phải làm sao bây giờ đây?

– Hay là vậy, để ít hôm nữa Tùng lên đó Tùng sẽ cho Khôi đi theo.

Khôi mừng rỡ reo lên:

– Ừ sao Khôi không nghĩ ra nhỉ. Tùng hay đi thành phố cất hàng cho gia đình bán, chắc là có đôi chút hiểu biết hơn người.

Tùng phì cười:

– Hiểu biết cái gì! Tùng cũng chỉ biết đi từ đây lên chợ rồi về nhưng dù sao cũng có nhiều người quen để cho mình hỏi.

– Vậy bao giờ đi?

– Mốt!

– Mà nè - Khôi lấm lét nhìn vào trong rồi thầm thì với Tùng - Đừng để cho chị Kha biết sớm, chị ấy lại lằng nhằng không chịu được.

– Nhưng Khôi cũng phải cho chị ấy biết chứ.

– Tất nhiên rồi, nhưng không phải là lúc này, trước khi đi cho chị ấy biết cũng được.

– Tùy Khôi nhưng phải cho Kha biết đó.

– Ừ! Chuyện nhà Khôi, Tùng không cần lên tiếng, nè, đi ăn thôi, Khôi đói meo rồi nè.

Khôi đúng là một cô gái hồn nhiên vô tư nhưng không kém phần ương ngạnh, bướng binh, với cái miệng hơi rộng và chiếc mũi cao, tuy là hơi bị gãy một chút nhưng điều đó lại khiến cho gương mặt của Khôi càng thêm nét lôi cuốn mạnh mẽ, đẹp nhất là đôi mắt, đôi mắt đen láy tinh anh, lúc nào cũng như cười, chứa đầy sự tinh nghịch lém lỉnh, đôi mắt to là điểm thu hút nhất trên mặt Khôi, tuy là nói đã nấp sau hàng lông mi dày mượt cong vút. Tùng yêu Khôi vì đôi mắt ấy, nó đã hớp hồn anh ngay từ lúc đầu mới gặp, mãi suy nghĩ Tùng không nghe Khôi lên tiếng hỏi, khiến cho Khôi cáu kinh gắt lên:

– Nè! Bộ điếc hả?

– Cái gì điếc - Tùng ngơ ngác hỏi.

– Tùng chứ ai?

Tùng nhăn mặt:

– Đúng là tướng tinh con gấu mà, hỗn thấy ớn.

– Ai biểu hỏi hai ba lần không nói, câm hổng ra câm, điếc hổng ra điếc, bộ khi dễ người ta hả?

Thấy Khôi có vẻ giận, Tùng vội phân trần:

– Anh đang bận suy nghĩ, anh đang tính hôm đó mình nên đi xe gì, đi lúc nào cho tiện, để còn đưa Khôi đi dạo quanh thành phố cho biết nên mới lơ đễnh không nghe em nói.

– Hứ! Mà nè, bộ thành phố đẹp lắm phải không? Coi trên truyền hình Khôi thấy xe toàn xe!

– Ừ! Ở đó xe cộ đông ghê lắm, lần đầu tiên lên thành phố, anh cũng run giò vì thấy xe cộ nhiều vô số kể đi mà cứ sợ bị người ta tông, hôm đó em nhớ theo sát anh đừng có lơ đểnh mà bị lạc đó.

– Hù Khôi à?

– Anh nói thật nếu không anh không dẫn Khôi theo.

– Hứ!

– Nếu muốn theo thì phải tuân theo quy định của anh, nói gì cũng phải nghe lời anh.

– Thử xem.

– Không chạy nhảy lung tung.

– Đồng ý.

– Không cãi lời.

– Đồng ý.

– Bị la không giận.

– Đồng ý.

– Không ...

– Thôi đủ rồi, tóm lại là nhất nhất nghe lời chứ gì?

– Là thế!

– Được, Khôi sẽ nghe lời anh, giờ thì ngừng xe đi, quán bún chả giò của bà bảy ngon lắm đó.

– Anh cũng thích chả giò hai chúng ta có cùng sở thích.

– Một sự trùng hơp không có nghĩa là có cùng sở thích, em không ăn chả giò nữa, đến quán hủ tíu đi.

– !!!

Khôi lắc đầu cũng đành cho xe lăn bánh, lúc nào Khôi cũng thế trái khuấy ngông nghênh, ương bướng thôi thì đủ thứ, Tùng quen với Khôi thì đành phải chìu cô thôi, cho dù có bị ấm ức ức một chút cũng phải chịu.

Sáng nay, trời vừa hửng sáng thì mưa đã sụt sùi ngoài sân, Khôi thở dài rầu rĩ, nghe nỏi dường như trời có bão, cơn bão cấp bốn, cấp năm gì đó, cái đà này chắc là chuyến đi của cô và Tùng, đành phải hoãn lại thôi! Dường như ông trời có ý trêu ngươi cô, tạo cho cô một bất lợi đáng ghét ngay từ ngày đầu tiên.

– Khôi à! Khôi!

Khôi uể oải bỏ chân vào đôi dép lê dưới đất rồi đứng lên:

– Em đây.

Kha chau mày nói vọng lên từ sau bếp:

– Mày làm sao thế? Lừ đừ cứ như ông Từ giữ đền ấy, xuống chiên cơm hộ tao coi, giờ này còn chưa chịu nhúc nhích, cứ ngồi ì ra đó có ngày mục xương cho coi.

– Chị không cần rủa em, trời mưa đến chán, em không hiểu tại sao chị lại vô cảm đến dường ấy, mưa cũng mặc mưa, nắng cũng mặc nắng, lúc nào cũng ăn cũng làm.

– Hơ! Cái con này, không ăn thì sao có sức mà làm, không làm thì biết lấy gì mà ăn.

Loay hoay cũng là ăn là làm chẳng có gì đáng nói.

– Thế mày cho cái gì mới đáng.

– Du lịch, đi đây đi đó để mở mang kiến thức, để biết biển rộng cỡ nào, núi cao dường nào, còn có biết bao điều mình chưa thấy chưa nghe.

– Hừ!

– Chị hai nè, thành phố chắc là đẹp lắm phải không chị?

Kha làu bàu:

– Đẹp.

– Chị đã được đi lần nào chưa?

Kha khẽ chau mày, hồi ức chợt chợt trở về trong cô, những hình ảnh đẹp đẽ ngày xưa khiến cho đôi chân mày của cô giãn ra, và những nét cau có như dịu lại, cô khẽ nói:

– Ừ, thành phố rất đẹp, lúc xưa đã có một lần mẹ đưa tao đến đó, đường xá rất rộng, rất đông người, nhà thì cao ơi là cao, lại san sát bên nhau, cái nào cũng đẹp cũng sang trọng.

– Thế còn gì nữa?

– Người ta đông lắm, rất đông không như ở quê mình, các cửa hàng thì bán rất nhiều thứ mà cả đời mình cũng chưa chắc có được.

– Thế à chị?

– Ừ! Cái gì cũng lạ cũng khiến cho mình bắt ham, đi đến mỏi gối chồn chân cũng chẳng muốn đừng.

– Chậc! Chị sướng thật, phải chi em cũng được đi một lần cho biết.

– Ở đó mà mơ với mộng, ăn cơm xong ra vườn vun mấy vồng lang với tao.

– Giờ này ư?

– Thế mày bảo giờ nào?

– Trời đang mưa mà chị hai!

– Chẳng lẽ mưa hoài?

– Chắc thế rồi, đài thông báo có bão mà!

– Thế thì đem gạo ra lượm thóc, sạn cho sạch.

– Gạo đã sạch sẵn rồi!

– Đi rang mớ mè, lát đâm muối mè ăn cơm, tao ra vườn hái mấy trái mướp luộc chấm.

– Lát ăn, lát làm.

– Sao tao sai mày làm cái gì mày cũng chối đây đẩy hết vậy.

– Em có chối đâu, chẳng qua làm cái gì cũng phải tính toán, chưa tới giờ cơm mà làm trước làm chi, nếu chị thấy rảnh thì chị làm cho đỡ buồn đi.

– Mày! Hừ.

– Chị đừng có giận, lúc nào cũng cau có xấu chết đi được.

Kha tức giận, thuận tay cô quăng chiếc ca nhựa vào người Khôi khiến cho Khôi la chói lói:

– Thôi được, để em làm trời ạ! Không biết sao em lại làm em của chị!

– Hừ! Đúng là thân lừa ưa nặng mà! Nói đàng hoàng không muốn nghe.

Khôi phụng phịu lấy túi mè ra rang, rồi ấm ức lảm nhảm:

– Như thế này thì không đi cũng lạ, cứ ở nhà cho chị ấy đày có ngày chết vì tức quá, người đâu mà ỷ quyền ép người ta quá đáng.

Đến chiều, Kha tò mò khi thấy Khôi soạn quần áo, cô hỏi:

– Định làm gì thế? Đi đâu à?

Khôi chối quanh:

– Đi đâu?

– Không đi mà soạn quần áo làm gì?

Khôi tỉnh bơ đáp:

– Soạn coi được bao nhiêu bộ đồ mới, ít hôm có tiền sắm thêm.

– Cha! Chảnh dữ hen, tiền đâu mà hô có?

– Thì đi làm, chẳng lẽ in được! Mà sao chị tò mò quá vậy? Em làm gì chị cũng dòm ngó.

– Tại mày ngoan quá, nên tao mới phải để ý đến mày.

– Hình như âm thanh phát ra từ chị lúc nào cũng có mùi cả!

Kha đỏ mặt quát lên:

– Mày nói mùi gì?

– Mùi! Ờ mùi chua lét đó!

– Mày liệu hồn, tao không ăn học cao như mày nhưng tao hiểu mày nói gì đó.

– Em có bảo chị không hiểu tiếng người đâu! Lúc nào cũng cáu được.

Kha tức tối trừng mắt với Khôi rồi cũng đành bỏ đi.

Qua hai hôm sau. Căn nhà chợt khang khác một cách khác thường, Kha leo xuống giường nhìn quanh, trời cũng vừa mới sáng, không gian vẫn còn êm ả, Kha bước sang giường của Khôi thì thấy chăn mền đã được gấp gọn gàng. Cô chau mày ngạc nhiên nghĩ - Cái con ranh này hôm nay làm gì mà nó dậy sớm thế! Thảo nào mình lại có cảm giác bất thường.

Kha cầm sợi dây buộc tóc lên cao rồi bước ra ngoài, cô chưa kịp cầm cây chổi quét nhà thì đã nhận ra tờ giấy được chặn dưới cái ly trên bàn.

Linh tính báo cho cô một điều không ổn, cô cầm vội tờ giấy mở ra xem, những dòng chữ của Khôi nắn nót trên giấy:

– Chị hai, em đi chơi ít hôm, em lên thành phố, chị đừng lo, chơi đã em về, chủ yếu em tìm việc làm em đi với anh Tùng. Mà nè, chị đừng qua bển hỏi nghe, anh Tùng dắt em đi hổng ai biết, chị mà để lộ thì chết em, người ta lại cho là em theo trai đó, chưa kể mất danh giá của em mà còn khiến cho gia đình anh Tùng khi dễ mình, chị cứ yên tâm em tự biết lo cho mình.

– Trời đất!

Kha thẫn thờ buông rơi tờ giấy than dài. Cái con ranh này, nó táo tợn chưa, dám theo người ta lên thành phố, thảo nào hôm đó nó lại soạn quần áo.

– Chậc! Mình cũng thật là khờ, không coi xét cho kỹ, khổ rồi đây! Nó đi với Tùng ư? Cái thằng nhà có cửa hàng bán tạp hóa trên đầu phố thì phải! Hổng lẽ tụi nó có gì với nhau rồi, trời đất, cầu trời khẩn phật cho đừng có chuyện gì xảy ra giùm.

– Ứ hự!

Kha lo lắng đi ra rồi đi vào căn nhà đã vắng giờ càng thấy trống vắng hơn.

Trong khi đó Khôi hớn hở ngồi trên chuyến xe tốc hành cùng với Tùng ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường, cô luôn miệng suýt xoa, diễn tả niềm vui thích hạnh phúc của mình.

– Đẹp quá Tùng nhỉ! Anh xem kìa, thật thú - Nói rồi, cô vươn vai hít thật sâu vào lồng ngực luồng không khí mát lành.

– Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, nếu không làm sao em biết được xung quanh ta có biết bao cảnh đẹp như thế này.

Tùng khẽ mỉm cười:

– Đến thành phố em còn thấy nhiều điều thú vị hơn nữa.

– Em cũng đang nóng ruột mong cho xe chạy nhanh tới để ngắm nhìn cho thỏa thích đây?

– Em đói chưa?

– Ừ! - Khôi chợt nhớ đến cái bao tứ lép xẹp của mình - Sáng lật đật trốn chị Kha, em chưa kịp ăn gì cả.

– Anh có mua sẵn hai ổ bánh mì kẹp thịt, em ăn đi.

Khôi nhoẻn miệng khen Tùng:

– Anh chu đáo ghê!

Cầm ổ bánh mì ăn rồi Khôi mới thở dài:

– Không biết giờ chị Kha ra sao nữa, chắc là đang ngồi rủa em đây! Đáng lý ra em cũng không muốn giấu chị ấy cứ hở nói ra cái gì là chị ấy lại mắng át đi, cứ lấy quyền làm lớn để khống chế em, độc tài.

– Chị ấy chỉ vì lo cho em thôi.

– Ai mà không biết nhưng em đã lớn rồi!

– Chứ với em chị ấy em vẫn luôn là em của chị ấy.

Khôi cau mày bực bội:

– Vậy là em sai chứ gì?

– Anh không nói vậy, anh chỉ muốn em nên thông hiểu cho chị ấy.

Khôi thở dài rồi xua tay:

– Thôi bỏ đi, nói gì thì em cũng đi với anh rồi, nay mai về nhà anh mà bén mảng đến tìm em thì anh cũng lãnh đủ.

– Anh không sợ chuyện đó.

– Ờ ngon!

Tùng bất cười:

– Ngon như bánh mì em đang ăn không?

Khôi trề môi:

– Bánh dở ẹt, anh cũng dở ẹt.

Nói rồi cả hai bật cười, phút chốc họ đã quên Kha và nỗi lo vừa chớm, cả hai vui vẻ đùa giỡn, trò chuyện với nhau trên suốt chặng đường đi.

Khôi ríu cả chân lại rồi kéo chặt tay Tùng kêu lên:

– Chờ em với!

Tùng trấn an cô rồi dắt tay cô qua đường.

– Trời ơi, nhiều xe quá em chưa từng thấy như thế này.

– Cứ bình tĩnh theo anh, đừng quá lo người ta biết mình ở dưới quê họ cười chết!

Khôi chợt nóng mặt:

– Làm gì mà cười, xí! Ở quê thì sao, cũng là người vậy!

– Anh có nói gì đâu, có điều những kẻ xấu để ý rồi theo móc bóp hoặc giật đồ của mình đó.

Khôi nghe xong thì có phần lo:

– Vậy sao?

– Ừ! Em đừng có để lộ cái quê ra nguy hiểm lắm!

Khôi gật gù:

– Em nhớ rồi không để lộ cái quê - Nói rồi Khôi cứ lẩm bẩm - Không được lộ cái quê, không được lộ cái quê.

Cử chỉ của Khôi không khỏi làm cho Tùng phì cười, Khôi chau mày quay lại quát Tùng:

– A! Có phải anh bịp em không, dám chơi xỏ em hả?

– Không không! Anh không có bịp em nhưng trông em lẩm bẩm anh tức cười quá!

– Hờ! Tưởng anh chọc quê em thì chết với em.

Vùa nói thì Khôi đã níu tay Tùng kêu lên kêu lên khi cả hai đi ngang qua con đường lớn.

– Anh Tùng, trời ơi! Nhà gì mà đẹp thế, mình vào coi đi anh!

Tùng kéo Khôi lại:

– Không được đâu, là công ty của người ta, em không thấy có người bảo vệ đứng ở ngoài đó sao?

– Đâu? Xì làm như em ngu lắm vậy, là nhà hàng mây xanh chứ có phải là công ty gì đâu.

Khôi vênh mặt nhìn Tùng, khiến cho Tùng chỉ biết gãi đầu cười trừ:

– Định xạo với em hả?

– Hì hì! Đúng là nhà hàng nhưng anh đâu đủ tiền đưa em vào đó.

– Hứ, thấy ghét!

– Để hôm khác được không, trong đó thức ăn bán mắc lắm, một món đến hàng trăm nghìn lận.

– Xạo!

– Thật mà, em không thấy bảo vệ còn ăn mặc sang trọng thế sao?

Khôi nhìn rồi ngẫm nghĩ?

– Qui định ở nhà hàng là phải ăn mặc lịch sự họ mới tiếp.

– Phải hôn? - Khôi hồ nghi hỏi lại – Mình có tiền mình vô mình ăn mà họ cũng không cho sao?

– Ừ! Cho dù em có tiền nhưng em không ăn mặc lịch sự họ không cho vào đâu.

– Làm phách dữ vậy?

– Thành phố là thế mà!

– Vậy thì mình không thêm vô mấy cái chỗ làm phách đó làm gì đi thôi. Dẫn em ra chỗ nào vui vui một chút đi.

– Ừ! Ra chợ đi, xem hàng hóa rồi kiếm cái gì ăn luôn.

– Phải đó, bụng em đói meo rồi, ở bánh mì anh đưa buổi sáng tiêu đâu mất rồi.

Tùng bật cười:

– Coi vậy mà cũng háu ăn ghê hén.

– Trời, người chớ bộ gỗ đá ha!

Chẳng mấy chốc cả hai cũng ra tới chợ, ngôi chợt thật lớn, mặc dù giữa trưa nhưng đầy ắp người, không như cái chợ ở quê Khôi chỉ mới đến mười giờ thì đã vắng tanh vắng ngắt.

Tùng kéo ghế cho Khôi ngồi, rồi hỏi:

– Em ăn gì gọi đi.

– Mắc không?

– Anh trả được!

– Hì hì, hỏi cho chắc ăn, để chút ăn xong ngồi đồng thì khổ, em ăn bánh cuốn nóng, cái món này em chưa ăn bao giờ.

Tùng trìu mến nhìn Khôi háo hức bên dĩa bánh cuốn, trông cô thật đáng yêu cứ như một đứa trẻ.

– Anh Tùng này, người ta cũng hay anh nhỉ, cũng là bánh ướt giống như ở quê mình, thế mà tráng mỏng đi một chút rồi cho ít thịt ít nấm mèo vào cuốn lại thế mà lại có vị khác hẳn, càng nghĩ em càng khâm phục người xưa, các cụ làm sao mà nghĩ ra nhiều món phong phú đến thế chứ, còn biết cả những thứ gia vị rau củ đi kèm để ăn chung cho tăng thêm mùi vị, như gà luộc phải có một ít lá chanh, nước mắm thì phải pha chung với tỏi ớt, sao không pha với thứ khác.

Càng nghĩ em càng thán phục.

– Cũng phải tích góp kinh nghiệm qua bao nhiêu năm mới chắt lọc được những món ăn ngon như thế này. Cho nên khi ăn ta phải biết trân trọng biết thưởng thức, đừng có ngấu nghiến ngồm ngoàm vừa mắt thuần phong mỹ tục, vừa không biết tỏ lòng kính phục với người xưa.

Tùng khều nhẹ Khôi khi thấy gã đàn ông bên cạnh nhìn xéo sang bàn của họ, mồm miệng của gã còn đang ngồm ngoàm, gắp bánh cuốn to đùng.

Tùng khẽ nói:

– Ăn đi!

Khôi cũng nhận ra cái nhìn dữ tợn của gã cô vội cúi xuống nhìn lảng đi nơi khác. Thế nhưng gã đã đứng dậy quẹt miệng đến bên cạnh cô gã lừ mắt nói:

– "Hai lúá' ở quê lên, giữ mồm giữ miệng kẻo lại hại cái thân đó biết chưa?

– Ông nói ...

Tùng vội chặn lời Khôi anh nói với gã:

– Cô bạn của tôi không có ý nói ai cả, anh đừng hiểu lầm.

Chờ cho gã đi khuất, Khôi mới nhăn mặt cự Tùng:

– Làm gì anh sợ gã quá vậy! Còn dám gọi mình là hai lúa nữa.

Tùng gạt đi:

– Xứ lạ quê người, tránh voi chẳng xấu mặt nào, bỏ đi em.

– Tức lắm!

– Anh biết!

Kể từ đó Khôi có phần hậm hực không vui, cô cứ ấm ức cái từ “hai lúa” mà gã đàn ông lúc nãy mắng mình! Cô đi theo sau Tùng mà chẳng thèm bắt chuyện với anh, có đôi lúc cô còn đi chậm lại tạo một khoảng cách với Tùng, điều đó Tùng không khó khăn gì mà không nhận ra.

– Giận anh à?

– !!!

– Anh có làm gì đâu, thôi đi nhanh lên, anh đưa em đến chỗ này hay lắm.

– Thì anh cứ đi đi em theo sau.

Vừa lúc cả hai nhận ra mình lọt thỏm vào một đám đông người náo nhiệt, Khôi ngơ ngác nhìn quanh, có rất nhiều người ăn mặc lịch sự đẹp đẽ đứng quanh cô, dường như họ đang rất vui, họ trò chuyện sôi nổi và như đang chờ đợi ai đó, bất thần Khôi thấy mình bị họ vây lấy và cuốn theo họ, cô nhìn quanh không thấy Tùng đâu, cô muốn gọi nhưng lại không gọi được, có rất nhiều tiếng reo vui, rồi tiếng nói, tiếng cười vây lấy cô, cả một rừng người, cô cảm thấy như mình sắp sửa bị họ đè bẹp nếu không nhanh chóng thoát ra, cô đã cố len lỏi giữa những chiếc váy đắt tiền và những bộ veston sang trọng.

– Tránh ra! Tránh ra!

Có nhiều tiếng kêu khó chịu và ngạc nhiên khi họ bị cô va chạm, thế nhưng cô vẫn không thoát ra được, cô cảm thấy sợ hãi và lớn tiếng gọi Tùng:

– Anh Tùng, anh Tùng ơi!

Càng gọi cô căng thấy mình lạc lõng giữa đám đông người xa lạ, nỗi sợ khiến cho cô muốn bật khóc, cô vẹt những chiếc áo đắt tiền ra để tìm Tùng, hành động của cô đã làm rối loạn cả một góc trời, có tiếng càu nhàu khó chịu, có tiếng kêu bực tức giận dữ rồi cơ thấy như mình đang bị xô đi có nhiều bàn tay đẩy vào vào cô và kéo cô đi, cô vùng vay la hét rồi cứ thế cô tuôn giữa đám đông người để tìm lối thoát.

– Tránh ra! Tránh ra coi!

Cô quơ tay loạn xạ rồi cô thấy như mình vừa thoát ra khỏi địa ngục khi trước mặt cô là một khoảng không gian thoáng đãng, yên tĩnh, cô định thần chớp mắt, một khung cảnh rất đẹp, rất sang trọng bày ra trước mặt cô, cô đứng sững người nhìn như ngây như dại khu vườn tuyệt đẹp trước mặt mình, những chậu hoa, những bụi kiểng và những lối đi xanh mướt cỏ êm ái, Khôi khẽ đặt chân lên cái lối đi êm ái ấy trong lúc cô đang mê đi để tận hưởng cái cảm giác tuyệt vời ấy thì đã thấy tay mình bị khóa chặt trong bàn tay cứng như thép của hai gã đàn ông dữ tợn, cô hốt hoảng vùng ra:

– Làm gì vậy, buông tôi ra!

Thế nhưng hai gã đàn ông chẳng màng đến sự phản đối của cô, họ kéo cô đi với gương mặt lạnh như tiền, cô chợt nhớ đến lời cảnh cáo của Tùng lúc ngồi trên xe, những kẻ xấu!

– Trời ơi! Những kẻ xấu! Bọn họ muốn làm gì cô chứ! Bắt cóc, hãm hiếp bán ra biên giới! Tùng ơi! Tùng ơi! Cứu em với! Tùng ơi cứu em với.

– Có chuyện gì thế?

Hai gã đàn ông dừng lại cúi đầu kính cẩn chào một nhóm người vừa xuất hiện trước mặt, trông họ thật uy nghiêm, nhất là người thanh niên đứng giữa, gương mặt của anh ta đã thu hút cái nhìn của Khôi, trông anh ta rất điển trai nhưng có phần lạnh lùng! Không, phải nói là rất lạnh lùng, cái lạnh lùng của anh ta khiến cho người đối diện phải chợn người.

– Cô ta là ai?

– Dạ thưa, chúng tôi bắt gặp cô ta trong vườn, có lẽ cô ta không phải là người tốt, trông cô ta lấm lét và rất gian.

Khôi chợt thấy tức giận vì lời vu vạ trắng trợn của gã, cô đỏ mặt cãi lại:

– Nè! Ông nói ai xấu, tôi không phải kẻ cắp, tôi chỉ vô tình lạc vào đây thôi!

– Im ngay! Không được làm ồn trước mặt cậu chủ.

– Hứ. Cậu chủ cái gì chứ, phải thì thôi, cỡ như ông bị vu vạ là kẻ cắp ông có tức không?

Người đàn ông cau mày giận dữ:

– Cô ít lời một chút, cô vào đây có ý gì?

– Tôi đã nói tôi bị lạc vào đây, tôi không biết tại sao tôi lại có mặt ở đây nữa.

– Cô đi với ai, đồng bọn của cô có bao nhiêu người?

Khôi đỏ mặt cãi lại:

– Tôi đã nói là tôi vô tình lạc vào đây, tôi không có ý đồ xấu, ông đừng có hạch hỏi tôi cái kiểu đó.

Người đàn ông phẩy tay ra hiệu cho hai gã đàn ông giữ cô:

– Đưa cô ta đến công an, để họ giải quyết.

Nghe thế Khôi chợt hoảng lên:

– Nè! Tôi làm gì mà đưa tôi ra công an, mấy người đừng ăn hiếp tôi nghen, bộ thấy tôi quê mùa mấy người khi dễ hả? Thả tôi ra mấy người không có quyền bắt tôi.

Cô bị hai gã đàn ông lôi đi:

– Khoan đã!

Hai gã đàn ông dừng lại chờ lịnh của người thanh mên được gọi là cậu chủ, Khôi lo lắng chờ anh ta ra lệnh cho họ thả cô. Nhưng anh ta chi đưa mắt nhìn cô một lúc rồi ghé tai nói gì đó với người đàn ông bên cạnh, Khỏi thấy ông ta gật đầu rồi ngoắc tay với hai gã đang giữ cô, ông ta nói:

– Đưa cô ta vào trong.

Khôi hoang mang không biết họ đưa mình đi đâu cô cuống cuồng hỏi:

– Nè! Mấy người làm gì tôi, mấy người định đưa tôi đi đâu! Nè.

Thế nhưng chẳng ai màng đến câu hỏi của cô, cũng chẳng thèm quan tâm đến thái độ chống đối phản kháng của cô, cả ba cứ lầm lỳ lôi cô vào trong một tòa nhà rất đẹp phía sau khu vườn, thái độ của họ làm cho Khôi hoảng sợ hơn, đến lúc này thì cô chẳng còn tâm trí đâu để chiêm ngưỡng sự xa hoa lộng lẫy của tòa nhà mà cô đang được lôi vào, cô bật khóc, và lên tiếng cầu xin họ. Cũng tại cô cả, không nghe lời Tùng, nên bây giờ mới lâm vào tình cảnh khốn khổ này.

– Các người làm ơn đi, thả tôi ra đi, tôi có làm gì đâu chứ, lúc nãy tôi bị đám đông lôi kéo, rồi chẳng hiểu sao lại lọt vào nhà mấy người, nếu tôi có sai lầm thì cũng chỉ vì vô tình thôi, đừng bắt tôi mà.

– !!!

– Tôi xin mấy người đó, làm ơn làm phước thả tôi ra đi, đừng có bắt tôi mà, thả tôi ra đi! Thả tôi ra đi.

Họ lôi cô vào một căn phòng khá lớn, người đàn ông trung niên lúc nãy hất hàm bảo gã đàn ông bên cạnh Khôi:

– Ra gọi bà Bảy vào đây!

– Dạ vâng!

Chờ cho gã quay đi ông ta mới nói với Khôi:

– Cô đừng gào lên nữa, chúng tôi không làm hại cô đâu, cô chùi nước mắt đi, tôi có chuyện muốn điều đình với cô.

Khôi lấy làm ngạc nhiên, vì cách cư xử của ông ta, cô chùi nước mắt rồi hỏi:

– Ông muốn điều đình gì chứ?

– Như thế này, cô đúng là ở dưới quê lên chứ?

– Tôi nói dối ông làm gì?

– Cô có giấy tờ chứng minh không?

– Có.

– Đưa tôi xem.

Khôi đưa tấm chứng minh thư cho ông ta, sau khi xem xong ông ta có chiều hài lòng:

– Quả là đúng như cô đã nói, thế sao cô lại vào đây?

Tôi đã nói với mấy ông rồi, lúc nãy tôi và người bạn đang đi thì bị một đám đông vây lấy! Tôi lạc mất anh ấy, rồi không biết sao tôi lại ở trong khu vườn ngoài đó, kế đến là bị mấy ông bắt:

– Cô lên đây làm gì?

– Tôi định kiếm việc làm.

– À!

– Tôi mới tốt nghiệp xong, tôi muốn đi làm để phụ giúp chị tôi, ở quê tôi nghèo lắm, thật tình là thế các ông hãy tin tôi, tôi không nói dóc với các ông đâu, làm ơn thả tôi ra đi, bạn tôi anh ấy dữ lắm đó, anh ấy ... anh ấy đi thưa các ông bắt cóc tôi cho coi.

Ông ta khẽ nhếch môi cười, thấy thế Khôi dọa tiếp:

– Tôi không nói chơi đâu, anh ấy lên thành phố hoài, anh ấy rành luật lắm mấy ông đừng có tưởng, giờ thì ông rõ rồi đó, tôi đi nghe.

Khôi vừa sửa bộ dợm bước cửa thì đã nghe ông ta gọi lại, cô thót tim rồi quay lại dè dặt hỏi:

– Gì nữa? Bộ ông tưởng tôi nói dóc hả?

– À, không!

Ông ta chỉ ghế bên cạnh nói với Khôi:

– Cô ngồi đi!

Khôi còn đang chần chừ chưa biết ông ta muốn gì thì ông ta đã nở nụ cười hòa nhã trấn an cô:

– Cô cứ ngồi đi, tôi có chuyện muốn nói với cô.

Đến lúc này Khôi mới thấy hơi yên tâm, cái vẻ lạnh lùng đã biến mất trên mặt ông ta trông ông ta cũng không đến nỗi đáng sợ như lúc nãy, ông ta từ tốn lên tiếng:

– Cô nói cô định đi tìm việc làm phải không? Tôi sẽ cho cô một công việc mức lương do cô định đoạt, cô chỉ cần làm theo lời của tôi, cô đừng lo chuyện chúng tôi cần cô làm không phạm pháp, không làm hại đến cô, chỉ đơn thuần là làm một việc đàng hoàng.

– Vậy tôi phải làm gì, làm bao lâu, tiền lương là bao nhiêu? Tôi có thể làm được sao?

– Tôi tin cô.

Chẳng mấy chốc, Khôi như từ trái đất rơi sang cung trăng thì đúng hơn là từ cung trăng rơi xuống trái đất, cô nhìn vào gương và không tin đó là mình, thật là một điều ngoài sức tưởng tượng của cô.

Ông Lý ngắm cô gật gù, xem ra ông rất đổi hài lòng ông nói với bà Bảy:

– Được lắm, bà thấy sao bà Bảy, cậu chủ quả là tinh mắt.

– Tôi nghĩ ông trời có mắt thì đúng hơn, đang lúc tất tả mọi người đang bấn loạn lên không biết giải quyết ra sao thì cô ấy lại xuất hiện, xem như gỡ được cái rối cho ông bà và cậu chủ, cứu vãn danh dự cho hai gia đình.

– Tôi cũng rất mừng, thấy cậu chủ buồn bực bỏ ra vườn tôi thấy lòng như lửa đốt! Giờ thì mọi chuyện có thể ổn thỏa, chúng ta ra thôi kẻo cậu chờ.

Khôi theo chân họ bước qua khu nhà lớn kế bên, cô không hiểu cái gì là danh dự, là cứu vãn tình uyythế mà họ vừa nói, cô chỉ biết cô đang rất lúng túng trong bộ váy trắng muốt mà cho dù nằm mơ cô cũng không dám, cái chất vải thật mát thật mượt mà như vuốt ve da thịt cô, chưa kể những thứ mà họ đeo phủ lên người cô, Ôi! Sao mà nó đẹp dường thế, nó làm cho cô choáng ngợp cả người!

Đôi giày cao nhưng lại êm như nhung đỡ từng bước chân cô, lối đi vẫn là những thảm cỏ xanh êm ái, cô không biết mình đang nằm mơ hay là hiện thực, những bước chân của cô cứ bay bổng. Cô chưa kịp tận hưởng hết cái cảm giác tuyệt vời ấy thì cô đã thấy mình xuất hiện trước một rừng người ăn mặc xa hoa lộng lẫy, đúng là cái đám đông lúc nãy đã vây hãm cô.

– Cô nhớ cẩn thận, từ tốn, chỉ khẽ mỉm cười đáp lễ mọi người thôi. Không nên trò chuyện với ai, điều quan trọng là luôn theo sát bên cậu chủ, cô nhớ chứ?

Khôi gật đầu khi ông Lý nhắc khẽ cô. Quả là chưa bao giờ cô ở trong tâm trạng này, nó vừa thích thú vừa sợ hãi, lại có cả nỗi háo hức kiếu kỳ, cô nhìn quanh, cả một rừng hoa và màu sắc cùng mùi thơm của rất nhiều loại hoa đắt tiền vây quanh lấy cô.

– Theo tôi! - Chưa kịp định thần, cô đã thấy tay ở trong tay của anh thanh niên lúc nãy, anh ta kéo cô đi, cô hấp tấp bước theo anh ta.

– Chậm lại, đừng đi như đuổi cướp.

Khôi kéo vạt váy lên rồi quặc lại:

– Anh lôi tôi như thế không chạy theo anh làm sao kịp.

Thế nhưng anh ta đã cau mày nói:

– Bỏ váy xuống, nghiêm chỉnh lại.

Khôi luống cuống phủi lại vạt áo:

– Ờ!

– Ông Lý đã dặn dò cô rồi, đừng để sơ sẩy, làm trò cười cho người ta.

– Ờ!

Thế rồi cứ thế anh ta lôi cô đi hết bàn tiệc này đến bàn tiệc khác, chưa kể cứ đi chừng hơn chục bàn cô lại phải đứng lại chụp hình, quay phim, phải nghiêng người làm duyên phải cười, phải lịch thiệp nhã nhặn và còn phải thay áo trang điểm lại, dặm phấn, tô son, chải tóc, cô cứ thấy xây xẩm cả mặt mày.

Đến giờ phút này, Khôi chẳng còn tâm trí đâu để ngắm mình trong gương và thích thú với những thứ mà đến cả đời cô cũng không dám mơ tới nữa. Cô mệt đến bở cả hơi tai, hai chân cô mỏi nhừ và đau nhức, đôi giày dường như hai miếng thép kẹp chặt lấy mấy ngón chân của cô, chiếc vòng hạt ngọc trên cổ cô như chiếc gông, và cả cái món tóc giả mà họ đội lên đầu cô cũng thế, tất cả mọi thứ đều như phản lại, xiết chặt lấy cô, khiến cô thở không nổi!

– Cô sao thế? Bà Bảy, bà Bảy!

Bà Bảy chạy vào lo lắng hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Cô ấy làm sao rồi! Coi bộ không ổn lắm!

Ông Lý cũng theo chân bà Bảy bước vào lên tiếng:

– Có lẽ cô dâu mệt quá đó thôi, mọi người ra bớt cho thoáng, mở cửa sổ ra để không khí thay đổi, pha cho cô chủ một ly sữa.

– Dạ vâng!

Mọi người nhất nhất theo lời ông Lý chạy đôn chạy đáo lo phần việc của mình:

– Thay đổi kiểu tóc cho cô chủ, bỏ tóc giả đi, lấy khăn lạnh cho cô ấy lau mặt và nằm nghỉ một lát.

– Dạ vâng!

– Chăm sóc cho cô ấy, tôi ra báo với cậu chủ, một lát tôi sẽ quay lại.

Ông Lý gõ cửa và bước vào vừa lúc Anh Kiệt cũng tháo chiếc cavat vứt xuống đất.

– Cậu chủ mệt à?

Kiệt gật đầu:

– Tôi không ngờ đám cưới lại khổ như thế.

– Cậu thay áo ra, nghỉ một lát cho khỏe.

– Còn phảí tiếp bao nhiêu người nữa.

– Dạ, cậu mới chào hỏi được hơn phân nửa quan khách.

– Bỏ không được sao?

– Dạ không được, còn rất nhiều khách quan trọng, không chào hỏi không được!

Kiệt chán chường nói:

– Tôi mệt quá hà! À lúc nãy dường như chú có gì muốn nói với tôi?

– Dạ vâng, cô gái đó bị choáng cho nên tôi đã cho nghỉ một lát, tôi sợ cậu đợi nên sang cho cậu hay, bây giờ thì cả cậu cũng cần nghỉ.

– Đến cả tôi cũng còn mệt huống chi cô ta, biết bao nhiêu thứ đeo mang trên người, thôi cứ để cho cô ta nghỉ! Đôi mắtcủa Kiệt chợt xa xăm buồn, anh thở dài rồi nói như cho mình nghe. Thảo nào Lệ Thủy đã bỏ đi, có lẽ cô ấy cũng sợ cái khổ của ngày cưới!

Ông Lý áy náy nhìn Kiệt, ánh nhìn của ông ra chiều thương xót. Tội nghiệp cậu hai, không có gì bẽ bàng đau đớn bằng ngay ngày hôn lễ, cô dâu lại bỏ đi, mà lại đi với một người đàn ông khác! Có lẽ cậu ấy buồn lắm nhưng đã cố giấu vào lòng điều đó, thật là ...

Ông lắc đầu rồi khẽ khàng lui bước để cho Kiệt nghỉ ngơi.

Một lúc sau Khôi lại súng sính trong bộ váy màu vàng bước ra đại sảnh, mặc dù đã được nghỉ ngơi nhưng chân cô vẫn còn run rẩy bước đi không nổi, cô phải dựa vào Kiệt mặc dù không muốn.

– Cô sao vậy.

– Tôi thấy như bước không lên vậy, chân như đeo đá, đầu thì nặng trĩu, không khí chẳng chịu lọt vào buồng phổi ôi trời! Sao lại khổ thế này.

– Cô giữ hơi để làm tròn công việc của mình thì tốt hơn.

– Anh làm ơn thông cảm cho tôi một chút được không? Quả là tôi mệt quá, chẳng còn cảm giác gì nữa!

– Cố lên chỉ còn một hai vòng nữa là xong rồi.

Khôi loạng choạng níu tay Kiệt rồi mệt nhọc nói không ra hơi.

– Làm ơn!

Kiệt đành đứng lại cho cộ dựa vào mình:

– Sao rồi!

Khôi ngước mắt lên thều thào:

– Có lẽ có lẽ tôi đói quá, từ khuya tới giờ tôi chỉ ăn có mỗi ổ bánh mì ngọt!

Quả đúng là tôi đói quá! Làm ơn đi, tôi ... tôi ...

Kiệt nhìn quanh rồi đỡ vòng eo của Khôi anh dìu cô vào trong:

– Cố giữ vẻ tự nhiên đừng làm cho khách hoang mang chú ý đó.

– Tôi hiểu rồi!

Thế rồi cả hai cũng thoát được đám khách đông nghịt để trở vào phòng, ông Lý hối hả chạy vào hỏi:

– Có chuyện gì thế cậu chủ?

Kiệt nới nút cavat hất hàm về phía Khôi, anh nói:

– Ông kiếm một ít thức ăn đem vào đây, cho tôi một ly chanh đá.

– Dạ vâng!

Mâm tiệc được dọn ra trước mặt Khôi, cô chẳng chờ ai mời đã vội cầm đũa lên, cái đói làm tay cô run rẩy và quên mất cả sĩ diện, cô ăn ngấu nghiến, không cần biết cả mùi vị thức ăn.

Kiệt cau mày nhìn cô gái trước mặt một cách lạ lẫm trông cách cô ta ăn anh lấy làm ngạc nhiên, chưa bao giờ anh thấy ai ăn uống như cô ta, dường như ngoài mâm thức ăn ra cô ta không còn biết đến ai cả.

– Anh không ăn à? Ăn đi đã gần hai giờ rồi còn gì, anh biết không tối qua vì háo hức đi, nên tôi cũng không ăn được gì, sáng nay lại dậy sớm trốn chị tôi, lúc lên xe chỉ ăn được có mỗi mẫu bánh mì nhỏ bằng ba đầu ngón tay, ứ hự! Rồi nhịn đến giờ này chưa bao giờ tôi đói như lúc này!

– !!!

Càng nhìn Khôi, Kiệt càng thấy thú vị thay vì sự dửng dưng khinh thường lúc ban đầu, cô gái trông thật ngộ nghĩnh, được trang điểm kỹ càng cô ta thật khác với cái lúc anh gặp cô ta ngoài vườn, nếu như được giáo dục có lẽ cô ta sẽ trở thành một tiểu thư khuê các kiêu sa không ai bằng!

Kiệt kiên nhẫn ngồi chờ cho đến khi Khôi ăn xong, cô xoa vòng eo rồi kêu lên:

– Chết rồi, bây giờ chiếc áo chẳng còn vừa với tôi nữa, ứ hự! Nó như bó chặt lấy tôi vậy!

– Để tôi gọi người vào giúp cô.

– Cám ơn anh, kể ra anh cũng tốt bụng ghê, chỉ tội một cái là lúc nào mặt anh cũng lầm lỳ khiến cho người ta khó chịu!

Kiệt xầm mặt:

– Tôi không thích cái kiểu phát biểu vô ý thức ấy.

– !!!

– Ăn rồi bây giờ cô có thể ra ngoài tiếp tục công việc của mình chứ.

Khôi liếc xéo Kiệt rồi lẩm bẩm. Làm gì mà như bị mất của vậy, ''Phát biểu vô ý thức ư?" Hừ, kiêu căng phách lối, đúng là mấy kẻ nhà giàu xài không nổi mà!

– Cô nói gì thế?

Khôi vội chối:

– Nói gì đâu, chỉ thắc mắc một chút, không hiểu tại sao đám cưới của anh mà lại không có cô dâu, thế cô dâu đâu rồi?

Khôi cảm thấy hối hận khi thất ra câu ấy, gương mặt lạnh lùng của Kiệt đã đáng sợ, bây giờ lại càng đáng sợ hơn, anh ta nhìn cô một cái khiến cho cô co rúm người lại, anh ta quay ngoắc đi bỏ mặc cô ở lại một mình trong phòng.

– Chết rồi Khôi ơi, sao lại vô duyên dường ấy, hỏi một câu không chút suy nghĩ, chắc là anh ta giận lắm đây, trông cái cách anh ta quắc mắt lên với cô cũng đủ hiểu, người ta đau lòng vì đám cưới không có cô dâu thế mà mình chẳng chút tế nhị đi khơi gợi nỗi đau ấy của người ta, mà cũng lạ! Cô gái nào mà ngu thế không biết, trông cái đám cưới linh đình thế này cũng đủ hiểu anh ta giàu cỡ nào, đẹp trai đến thế mà lại bỏ đi thì đúng là ngu ơi là ngu rồi!

– Mời cô ra!

Khôi giật mình vì tiếng gọi của ông Lý, cô áy náy bước ra hỏi:

– Anh ta đâu rồi chú?

Ông Lý đáp:

– Cậu chủ đang chờ cô ở ngoài:

Cô ngập ngừng rồi cũng đành theo sau ông Lý. Kiệt đang niềm nở bắt tay một nhóm người vây quanh anh, trông thấy cô anh thoáng chau mày, cử chỉ của anh chỉ có mỗi mình Khôi nhận ra.

– A! Cô dâu đến rồi!

– Cô dâu đẹp quá!

– Quả là xứng đôi vừa lứa! Chúng tôi ganh tị với anh đó Kiệt.

Kiệt lịch thiệp đỡ tay Khôi đưa cô đến giới thiệu với mọi người, Khôi không có cơ hội xin lỗi anh ta, cô cứ canh cánh trong lòng cho mãi đến khi tiệc tàn cô mới có dịp nói với anh, khi cả hai trở về phòng.

– Xin lỗi anh nghe!

– !!!

Về câu nói lỡ miệng lúc ở trong phòng đó, tôi thật vô duyên.

– Bỏ đi!

Anh ta lạnh lùng bước vào phòng, Khôi dợm bước theo anh ta thì cánh cửa đã đóng sầm trước mũi cô với câu nói:

– Cô không cần vào.

Khôi không ngờ anh ta lại làm thế, cô đứng sững lại bên ngoài cánh cửa khép kín, vừa lúc ông Lý xuất hiện ông nói với cô:

– Cô theo tôi!

Cô lủi thủi theo ông:

– Công việc đã xong cô không được vào phòng của cậu hai nữa, cô vào đây bà Bảy sẽ lo cho cô, coi như công việc của cô đã xong.

– Đã xong rồi à?

Khôi có chút nuối tiếc hỏi lại ông:

– Vâng, sau khi thay áo, tôi sẽ thanh toán thù lao cho cô.

– !!!

Khôi cởi cái áo lộng lẫy vắt lên ghế rồi khoác vào người bộ áo cũ của mình chiếc quần jean lỗi thời và chiếc áo thun trắng mà chị Kha đã mua cho cô lúc cô lên lớp mười!

Cô chợt thấy xa lạ với hình dáng của mình, trải qua mấy tiếng đồng hồ làm cô dâu, được hòa vào thế giới giàu sang, xa hoa, cô như quên mất chính bản thân mình, cô nuối tiếc vuốt ve làn lụa mịn màng của chiếc áo vừa thay ra, những giải ruy băng cùng với lớp voan bềnh bồng như mây. Ôi! Sao cô không muốn rời xa cái khoảnh khắc này.

– Cộc cộc cộc!

Tiếng gõ cửa đã đánh thức cơn mê của Khôi:

– Cô đã xong chưa?

Tiếng ông Lý vọng vào, Khôi đành ngậm ngùi đứng lên:

– Tôi ra đây!

– Cô đi đâu, tôi cho người đưa cô đi.

Khôi thở dài:

– Tôi cũng chẳng biết đi đâu nữa, người bạn của tôi đã bị lạc, có lẽ tôi sẽ tìm một chỗ trọ qua đêm rồi mai ra xe về quê. Ông cứ mặc tôi, nếu có lòng tốt thì chỉ giúp cho tôi một chỗ trọ rẻ rẻ mà an toàn là được rồi.

– Nếu thế thì cô đến ngả bảy nơi đó có nhiều phòng trọ bình dân, cô có thể qua đêm.

– Cám ơn ông!

– Cô cầm tiền thù lao.

– Cám ơn.

Cô bỏ chiếc phong bì vào túi rồi lửng thửng rời khỏi căn nhà tuyệt đẹp, nơi đã đưa cô đến một giấc mơ kỳ diệu, dù cho đến cuối đời cô cũng sẽ không bao giờ quên những giờ phút mà cô vừa được trải qua.

Khôi chơ vơ đứng trên con lộ thênh thang, mặt trời đã tắt, bóng đêm đã dần buông, dòng xe cộ trên đường làm cho cô chóng mặt, cô không biết mình phải đi đâu và làm gì, phải chi có Tùng ở bên cô lúc này! Phải chi ... cái đám cưới kia đừng kết thúc, phải chi ... Khôi chán nản với những cái phải chi của mình!

Thôi được rồi Mỹ Khôi, tất cả đã qua rồi, sao mi còn cứ tơ vương nuối tiếc.

Chiếc phong bì dày cộm trong túi làm cho cô tỉnh táo lại đôi phần. Dù sao cũng có một ít tiền, đem về đưa cho chị hai, chắc giờ này Tùng lo cho mình ghê gớm lắm đây! Tội nghiệp anh ấy, phải chi mình hỏi rõ địa chì của anh ấy thì đâu đến nỗi, giờ này chẳng biết anh ấy đang làm gì?

Khôi nghĩ rồi mạnh dạn bước đi không nhìn lại ngôi nhà lộng lẫy kia nữa.

– Cô gái! Cô gái! Nè! Cô gái!

Khôi ngỡ ngàng khi nhận ra tiếng ông Lý đang đuổi theo mình, cô đứng lại:

– Ông gọi tôi à?

Ông Lý thở hổn hển gật:

– May mà cô chưa đi xa, cô quay về đi.

Khôi ngơ ngác:

– Về đâu?

– Về nhà cậu chủ có việc cần cô.

Khôi cắn môi chần chừ, phải chi lúc nãy anh ta gọi cô sớm một chút có lẽ cô sẽ vui mừng mà nhận lời anh ta nhưng lúc này thì cái cảm giác đó đã không còn, cô không muốn mình lại mang cái tâm trạng lơ lơ lửng lửng nửa vời, khi bị đuổi khỏi thế giới của họ nữa.

– Việc gì? Tôi không muốn trở lại đó nữa, ông nói với anh ta kiếm ngườí khác đi.

– Ơ!

– Tôi không muốn làm việc với anh ta xin phép ông.

Nói rồi Khôi quày quả bỏ đi.

– Cô gái!

– !!!

– Tại sao cô lại từ chối công việc đó, cậu chủ trả thù lao cho cô không tương xứng sao?

– Không, chỉ vì tôi không thích thế thôi.

– Nhưng ...

Không để cho ông Lý nói hết câu, Khôi đã rảo bước đi nhanh:

– Cô gái, cô gái khoan đi đã.

Nhưng Khôi đã mất hút sau dòng người trên đường. Ông Lý trở về với gương mặt buồn thiu, ông gặp Kiệt trên phòng và thưa:

– Thưa cậu, cô ấy đã bỏ đi rồi.

– Ông không đuổi kịp cô ta à?

– Dạ không, tôi đuổi kịp nhưng cô ta tờ chối, không chịu làm tiếp.

– Sao thế, cô ta chê ít tiền à?

– Tôi không rõ, cô ta chỉ nói là không thích thế thôi.

– Chết rồi! Vậy tôi biết làm sao đây! Ngày mai ông Châu mời hai vợ chồng tôi đến biệt thự của ông ta nghỉ tuần trăng mật, tôi đã từ chối hết lời, nhưng ông ta cứ khăng khăng không chịu! Ông ta còn nói cho tài xế đến đón chúng tôi nữa.

Chậc! Rắc rối đây, sao tôi lại vội vàng cho cô ấy đi như vậy.

– Tôi cũng thấy cậu hơi vội vàng nhưng không dám cản.

– Ông phải mau chóng tìm cô ấy cho tôi.

– Vâng, lúc nãy tôi có chỉ khu nhà trọ ở ngã bảy cho cô ta, tôi sẽ cho người đến đó hỏi xem.

– Ông đi nhanh lên!

– Dạ vâng!

Vừa khi có tiếng điện thoại reo, ông Lý nhấc máy rồi vội trao cho Kiệt vẻ mạt của ông vừa vui lại vừa lo lắng. Bà chủ sắp về thế mà cô dâu lại không có mặt ở nhà để chào đón bà! Biết ăn nói thế nào đây. Thật là khổ, chuyện này mà để bà chủ biết thì ông cũng phải mất việc chứ chẳng chơi. Chậc! Sao mà ông dại dột quá, nếu như ngay lúc đầu ông cho bà chủ hay thì đã không đến nỗi, cũng tại ông quá tin vào cậu chủ, tin vào sự sắp xếp của cậu ấy, mà không nghe theo cậu ấy cũng không xong, lúc ấy trông cậu chủ rất thương tâm, ông không dám cãi lại cậụ ấy.

– Ông Lý!

Ông giật mình nhìn lại:

– Má tôi sắp về rồi, chắc là ngày kia, tôi không ngờ má tôi lại về sớm như vậy.

– Vâng, tôi đang rất lo, nếu bà biết cô Thủy bỏ cưới thì bà sẽ nổi trận lôi đình, không biết làm sao mà đỡ nữa, bà rất trọng thể diện, trọng danh dự! Ứ hự!

– Ông tìm cách đi, còn hơn là ở đó than vắn thờ dài, phải tìm cho được cô gái đó.

– Đến cả tên cô ta chúng ta cũng không rõ! Cậu chủ, nếu chuyện thế chấp này bà chủ biết ra thì càng rối.

– Thế thì chú có biện pháp gì hay hơn trong lúc này thì chú nói đi.

Ông Lý bối rối lắc đầu:

– Tôi không nghĩ được gì cả.

– Thế thì mau đi tìm cô ta đi.

Ông chần chừ.

– Cậu chủ ...

Kiệt cáu kỉnh gắt lên:

– Nhanh lên, chúng ta không có thời gian, đem cô ta về chúng ta còn phải dạy dỗ cô ta nhiều điều, nếu như không để cho má tôi biết.

Ông Lý cúi đầu:

– Dạ vâng!

Càng ngày sự việc càng rắc rối hơn nhưng trước mắt không theo lời cậu hai thì không thể nào tìm ra kế sách hay hơn, ông vội vã ra lấy xe rồi lên đường.