Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai - Chương 01

1664

Mẹ chẳng hề nói với tôi là họ sẽ đến. Về sau bà bảo bà không muốn tôi có vẻ lo lắng. Tôi ngạc nhiên vì tưởng bà hiểu rõ tôi. Những người lạ hay nghĩ rằng tôi là người bình tĩnh. Tôi không hề khóc lóc như trẻ con. Chỉ có mẹ mới nhận thấy hàm tôi hơi nghiến lại, đôi mắt vốn dĩ đã to còn mở to hơn.Tôi đang thái rau trong bếp thì nghe thấy những tiếng nói ngoài cửa trước - một giọng đàn bà sáng lóa như đồng thau và một giọng đàn ông trầm, tối như loại gỗ cái bàn tôi đang thái rau. Tôi vẫn tiếp tục công việc. Đó là những kiểu giọng nói hiếm khi gặp ở nhà chúng tôi. Tôi có thể nghe thấy những tấm thảm đắt tiền trong giọng nói của họ, những cuốn sách, ngọc trai và lông thú.Tôi thấy mừng là trước đó đã ra sức kỳ cọ bậc thềm nhà.Giọng mẹ tôi - một cái chảo, một cái lọ - vọng đến từ phòng trước nhà. Họ đang đi xuống bếp. Tôi gạt chỗ tỏi tây đang thái vào một chỗ, sau đó đặt con dao lên mặt bàn, chùi tay vào tạp dề và mím môi cho làn môi mềm lại.

Mẹ tôi xuất hiện ở cửa với đôi mắt nhắc nhở. Phía sau bà, người đàn bà phải cúi đầu xuống vì cô ta rất cao, cao hơn cả người đàn ông đi đằng sau.Mọi người trong gia đình tôi, thậm chí cả bố và em trai tôi, đều là những người có vóc dáng nhỏ bé.Người đàn bà trông như thể bị gió quật tơi tả, mặc dù đó là một ngày yên ả. Chiếc mũ của cô ta lệch đi khiến những lọn tóc vàng nhỏ xấu rơi ra, buông lòa xòa trước trán như những con ong mấy lần liền cô ta bực bội xua đi. Cổ áo cô ta không phẳng lắm và không được hồ cứng đủ độ. Cô ta đẩy cái áo choàng không tay màu xám qua sau vài và khi đó tôi nhận thấy, bên dưới cái váy xanh đậm một đứa trẻ đang lớn dần. Chắc cô ta sẽ sinh vào cuối năm, hoặc trước đó.

Khuôn mặt người đàn bà giống như một chiếc đĩa hình bầu dục, thỉnh thoảng sáng bừng lên, lúc khác lại u ám. Đôi mắt cô ta như hai chiếc cúc áo màu nâu nhạt, một màu hiếm khi tôi thấy đi đôi với tóc vàng. Cô ta gắng tỏ vẻ chăm chú quan sát tôi nhưng rồi không thể tập trung được, đôi mắt cứ đảo quanh căn phòng.

- Vậy đây là con bé đó? - cô ta đột ngột hỏi.

- Đây là Griet, con gái tôi, - mẹ tôi trả lời. Tôi kính cẩn cúi chào người đàn ông và người đàn bà.

- Xem nào. Con bé không được lớn lắm. Liệu nó có đủ sức khỏe không đấy?

Người đàn bà quay lại nhìn người đàn ông khiến nếp gấp chiếc áo choàng vướng vào đuôi con dao tôi dùng lúc trước, làm nó rơi xuống khỏi bàn, quay trên sàn nhà.Người đàn bà hét lên.

- Catharina, - người đàn ông điềm tĩnh nói. Ông ta lúng túng gọi tên cô ta cứ như thể đang ngậm hột thị trong miệng. Người đàn bà im tiếng, gắng trấn tĩnh lại.

Tôi bước tới, nhặt con dao lên, chùi qua vào tạp dề trước khi đặt lại nó lên mặt bàn. Con dao chạm vào chỗ rau. Tôi đặt lại một miếng cà rốt vào vị trí của nó.Người đàn ông quan sát tôi, mắt ông xám như biển cả. Ông có khuôn mặt dài, xương xẩu. Nét mặt thể hiện sự điềm tĩnh, ngược lại với nét mặt bà vợ, bập bùng cứ như ngọn nến. Ông không để râu và tôi thấy mừng, vì như vậy nó mang lại cho ông một vẻ ngoài sáng sủa. Ông khoác một cái áo choàng , áo sơ mi trắng, cổ còn phẳng phiu. Chiếc mũ của ông ép vào mái tóc màu đỏ của gạch thấm đẫm nước mưa.

- Cô đang làm gì ở đây vậy, Griet? - ông ta hỏi.

Câu hỏi khiến tôi ngạc nhiên nhưng tôi đã đủ biết để giấu sự ngạc nhiên của mình.

- Thưa ngài, thái rau ạ. Thái rau để nấu súp.

Tôi luôn đặt những miếng rau thành vòng tròn, mỗi loại một chỗ giống như những phần của chiếc bánh nướng. Có năm phần: bắp cải tím, hành, tỏi tây, cà rốt và su hào. Tôi dùng lưỡi dao để khuôn từng phần lại rồi đặt một khoanh tròn cà rốt ở chính giữa.

Người đàn ông gõ ngón tay lên mặt bàn:

- Có phải chúng được sắp xếp theo đúng thứ tự để cho vào súp? - ông vừa nhìn chăm chú vòng tròn rau vừa hỏi.

- Thưa ngài, không ạ, - tôi ngập ngừng. Tôi không thể nói vì sao tôi lại xếp rau theo cách đó. Tôi chỉ đơn giản đặt chúng theo cách tôi cảm thấy hiển nhiên phải như vậy, nhưng tôi quá sợ hãi, chẳng nói được như thế với người đàn ông.

- Tôi thấy cô để tách riêng những thứ màu trắng ra, - ông ta vừa nói vừa chỉ tay vào chỗ su hào và hành. - Rồi sau đó là màu vàng cam và tía, các màu không để lẫn với nhau. Tại sao lại thế? - Ông ta nhặt lên một miếng bắp cải và một mẩu cà rốt rồi lắc chúng trong tay như những viên súc sắc.

Tôi nhìn mẹ đang khẽ gật đầu.

- Các màu chọi nhau khi chúng xếp cạnh nhau, thưa ngài.

Ông ta nhướng mày, như thể không hề chờ đợi một câu trả lời như vậy.

- Vậy cô có mất nhiều thời gian sắp xếp rau trước khi nấu?

- Không, không hề, thưa ngài, - tôi trả lời, cảm thấy lúng túng. Tôi không muốn ông ta nghĩ tôi lười nhác.

Tôi thoáng liếc thấy một bóng người, cô em gái Agnes đang ngó quanh cột cửa và lắc đầu trước câu trả lời của tôi. Không mấy khi tôi nói dối. Tôi nhìn xuống. Người đàn ông hơi quay đầu lại và Agnes biến mất. Ông ta buông những mẩu cà rốt và bắp cải xuống chỗ của chúng. Miếng bắp cải rơi hơi chạm vào đám hành. Tôi muốn vươn người ra và đặt lại chúng vào chỗ cũ. Tôi không làm như vậy nhưng ông ta biết rằng tôi muốn. Ông ta đang thử tôi.

- Vớ vẩn thế đủ rồi, - người đàn bà thốt lên. Mặc dầu cô ta bực bội vì người đàn ông chú ý đến tôi nhưng cô ta lại cau mặt với tôi. - Vậy ngày mai nhé? - cô ta nhìn người đàn ông trước khi lướt ra khỏi phòng. Mẹ tôi bước theo sau. Người đàn ông nhìn một lần nữa vào những thứ sẽ là món súp, sau đó gật đầu với tôi và đi theo người đàn bà.

Khi mẹ quay lại, tôi đang ngồi bên cạnh vòng tròn rau. Tôi chờ mẹ nói. Bà so vai như thể để chống lại cái lạnh buốt giá mùa đông dù rằng đang là mùa hè và căn phòng bếp tỏa hơi nóng.

- Từ ngày mai con sẽ là người hầu gái của họ. Nếu làm tốt, con sẽ được trả tám stuiver một ngày. Con sẽ sống ở chỗ họ.

Tôi mím môi lại.

- Con đừng nhìn mẹ như thế, Griet, - mẹ tôi nói - Chúng ta buộc phải làm như vây, khi mà giờ đây cha các con đã mất việc.

- Họ sống ở đâu ạ?

- Ở Oude Langendijck, chỗ cắt với Molenpoort.

- Ở Khu người Gia tô? Họ theo đạo Thiên chúa?

- Ngày Chủ nhật thì con có thể về nhà. Họ đã đồng ý vậy.

Mẹ tôi khum lòng bàn tay xung quanh những miếng xu hào, bốc chúng lên cùng vài miếng bắp cải và hành rồi thả vào nồi nước đang chờ trên bếp. Những phần bánh tôi đã kỳ công cắt tỉa đến thế bị hỏng hết.

* * *

Tôi trèo lên cầu thang để gặp cha. Ông đang ngồi ngay trước căn phòng áp mái, bên cạnh cửa sổ, nơi ánh sáng chạm vào khuôn mặt. Giờ đây, chỗ này là nơi ông gần với cảm giác nhìn thấy hơn cả.Cha trước kia là thợ vẽ gạch, những ngón tay ông vẫn còn dính vệt xanh do vẽ những thần ái tình,cô hầu, anh lính, con tàu, trẻ con, cá, hoa hay các con vật lên những viên gạch trắng, rồi tráng men, nung và bán. Một hôm, lò nung nổ, lấy đi của ông đôi mắt và cả việc làm. Ông là người may mắn, hai người đàn ông khác đã chết.

Tôi ngồi xuống bên ông và cầm đôi bàn tay ông.

- Cha nghe thấy rồi. Cha đã nghe thấy hết mọi chuyện rồi, - ông nói trước khi tôi kịp bắt đầu. Đôi tai ông đã thu nhận sức mạnh từ đôi mắt bị mất.

Tôi không thể nghĩ ra điều gì để nói mà nghe không có vẻ trách móc.

- Cha xin lỗi, Griet. Giá như cha có thể lo cho con tốt hơn. Nhưng ông ta là một quý ông tốt và công bằng. Ông ta sẽ đối xử tử tế với con.Nơi trước kia là đôi mắt, chỗ bác sĩ đã khâu kín da lại, toát lên vẻ đau buồn.Ông không nói gì về người đàn bà.

- Cha ơi, làm sao mà cha có thể tin chắc như vậy được? Cha có biết ông ta không?

- Con không biết ông ta là ai à?

- Không ạ.

- Con có nhớ bức tranh chúng ta nhìn thấy ở Tòa thị chính vài năm trước, bức mà ngài Ruijven treo sau khi mua nhà ấy? Đó là cảnh thành phố Delft nhìn từ cổng thành Rotterdam và Schiedam. Với bầu trời chiếm một khoảng rất lớn trong bức tranh và ánh nắng chiếu trên mấy ngôi nhà.

- Và trong nước sơn có cát để những chỗ xây bằng gạch và những mái nhà trông xù xì, còn có những cái bóng dài đổ trên mặt nước và những người bé tí trên bãi biển gần chúng ta, - tôi nói thêm.

- Chính bức đó đấy.

Hốc mắt của cha rộng ra, như thể đôi mắt vẫn còn đó và ông đang ngắm bức tranh một lần nữa.Tôi nhớ bức tranh đó rất rõ, nhớ cả chuyện tôi nghĩ tôi đã đứng chính ở chỗ đó rất nhiều lần mà chưa bao giờ thấy Delft theo cách người họa sĩ đã nhìn thấy.

- Thế người đàn ông đó là ngài Ruijven à?

- Người bảo trợ á? - Cha tôi cười lặng lẽ, - Không, không, con gái bé bỏng, không phải ông ta đâu. Đó là ông họa sĩ. Vermeer. Đó là Johannes Vermeer và vợ ông ta. Con sẽ dọn dẹp xưởng vẽ của ông ta.

Kèm theo vài thứ ít ỏi tôi mang theo người, mẹ tôi để thêm vào một cái mũ vải, một chiếc cổ áo và một chiếc tạp dề để hàng ngày tôi có thể giặt cái này rồi dùng cái kia và sẽ trông luôn sạch sẽ. Bà còn đưa tôi chiếc lược chải đầu hình vỏ sò bằng đồi mồi, đó là món trang sức bà tôi để lại và quá đẹp đối với một cô hầu gái, một cuốn sách kinh để tôi có thể đọc khi cần phải trốn tránh khỏi đạo Thiên chúa xung quanh mình.Trong lúc chúng tôi thu xếp đồ đạc, bà giải thích tạo sao tôi lại đi làm cho nhà ông bà Vermeer.

- Con có biết ông chủ mới của con là người đứng đầu giáo phường St Luke và có mặt khi cha con gặp tai nạn hồi năm ngoái không?

Tôi gật đầu, vẫn còn cảm thấy sốc khi biết mình sẽ làm việc cho một họa sĩ như vậy.

- Giáo phường tự chăm lo cho họ, trong chừng mực tốt nhất mà họ có thể. Con có nhớ chiếc hộp mà cha con luôn bỏ tiền vào hàng tuần suốt trong nhiều năm trời không? Chiếc hộp đó dành cho những thợ cả gặp hoạn nạn, như chúng ta bây giờ. Nhưng nó chỉ đủ cho một số việc, con thấy đấy, đặc biệt là bây giờ, khi Frans còn đang học việc và chưa kiếm được đồng nào. Chúng ta không có lựa chọn nào cả. Chúng ta sẽ không nhận tiền cứu tế, không nhận chừng nào còn có thể gắng được mà không cần đến nó. Rồi sau đó cha con nghe tin rằng ông chủ mới của con đang cần người giúp việc, ai đó có thể lau chùi dọn dẹp xưởng vẽ mà không di chuyển bất cứ thứ gì, và ông ấy đưa tên con, nghĩ rằng với tư cách là người đứng đầu và biết rõ hoàn cảnh của chúng ta, chắc ông Vermeer sẽ cố gắng giúp đỡ.Tôi suy xét những lời bà nói.

- Làm sao dọn dẹp một căn phòng mà không di chuyển bất cứ thứ gì hả mẹ?

- Tất nhiên là phải di chuyển chứ con, nhưng con phải tìm cách để chúng vào chỗ cũ sao cho trông y như thể không có gì bị xáo trộn. Như con giúp cha con bây giờ ấy, khi ông ấy không thể nhìn thấy gì.

Sau khi cha tôi bị tai nạn, chúng tôi đã học được cách đặt đồ vật vào những vị trí mà ông luôn biết để tìm. Nhưng làm việc đó cho người đàn ông mù là một chuyện. Làm việc đó cho người đàn ông có đôi mắt của một họa sĩ lại là một chuyện khác. Agnes không nói gì với tôi sau chuyến đến thăm của họ. Tối đó, khi tôi lên giường nằm cạnh em, em im lặng dù rằng không quay lưng lại tôi. Em nằm đó và nhìn trân trân lên trần nhà. Khi tôi thổi nến, căn phòng trở nên tối đến mức tôi chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Tôi quay sang phía em gái.

- Em biết là chị không muốn đi. Nhưng chị phải đi.

Im lặng.

- Chúng ta cần tiền. Bây giờ thì cha không thể làm việc, chúng ta chằng còn gì nữa.

- Tám stuiver một ngày chẳng nhiều nhặn gì cho cam, - giọng Agnes khàn khàn, cứ như thể có những sợi tơ nhện chăng ở cổ họng.

- Nó giúp cho gia đình mình có bánh mì. Và một chút pho mát. Ngần ấy không phải là quá ít.

- Em sẽ còn lại mỗi một mình. Đầu tiên là anh Frans, sau đó là chị.

Trong nhà, Agnes là người buồn nhất khi Frans ra đi vào năm ngoái. Hai anh em luôn cãi nhau như chó với mèo nhưng nó đã xị mặt mấy ngày liền khi Frans đi. Ở tuổi lên mười, nó là đứa em út trong ba anh chị em và chưa bao giờ phải chịu cảnh không có Frans và tôi ở nhà.

- Mẹ và cha vẫn ở đây. Và chị sẽ về thăm vào các ngày Chủ nhật. Mà ngoài ra, chuyện Frans đi thì đâu có phải là điều bất ngờ.

Từ hàng năm trước đó chúng tôi đã biết rằng Frans sẽ bắt đầu thời kỳ học việc khi sang tuổi mười ba. Cha tôi đã phải gắng dành dụm để trả tiền học việc và nói không ngừng về việc Frans sẽ học được khía cạnh mới của công việc, sau đó quay trở về và họ sẽ cùng nhau mở một xưởng gạch.Giờ đây, cha tôi ngồi bên cửa sổ và chẳng bao giờ còn nói về tương lai.Sau khi xảy ra tai nạn, Frans về nhà hai ngày. Kể từ đó đến giờ cậu vẫn chưa về thăm gia đình. Lần gần đây nhất gặp cậu, tôi phải đi qua thành phố đến tận xưởng, nơi Frans đang học việc. Trông cậu rã rượi và có những vết bỏng dọc suốt cánh tay do phải kéo gạch từ lò nung ra. Cậu nói với tôi phải làm việc từ tinh mơ cho tới tận khuya và nhiều khi mệt đến mức không thiết ăn nữa.

- Cha chẳng bao giờ nói với em là công việc sẽ nặng nhọc đến mức này. Ông luôn nói học việc đã giúp ông nên người, - Frans phẫn nộ cằn nhằn.

- Có thể là như vậy, - tôi trả lời. - Việc đó đã làm nên cha như bây giờ.

Sáng sớm ngày hôm sau, khi tôi chuẩn bị ra đi, cha tôi lê bước ra bậc thềm ngoài, tay lần theo bức tường dò tìm đường. Tôi ôm cha và em Agnes.

- Rồi đến Chủ nhật ngay ấy mà, - mẹ bảo.

Cha đưa cho tôi một cái gì đó gói trong chiếc khăn, - Để con nhớ về nhà, nhớ cha mẹ và em, - ông nói.

Đó là viên gạch yêu thích của tôi do ông làm. Phần lớn những viên gạch do ông làm mà chúng tôi có ở nhà đều là những viên bị lỗi, cắt hoặc gọt không thẳng, hoặc tranh trên đó bị nhòe đi do lò nung quá nóng. Nhưng viên gạch này thì ông đã giữ riêng cho chúng tôi. Đó là một bức tranh đơn giản với hai dáng hình nhỏ, một cậu bé và một cô bé lớn tuổi hơn. Chúng không đùa nghịch như những đứa trẻ thường làm trên những viên gạch. Chúng chỉ đơn giản là đi dạo cùng nhau và trông giống Frans và tôi lúc chúng tôi cùng đi dạo - rõ ràng cha đã nghĩ đến chúng tôi khi ông vẽ bức tranh này. Cậu bé đi trước cô bé mấy bước nhưng quay lại nói với cô bé điều gì đó. Khuôn mặt cậu trông tinh nghịch, đám tóc rối bù. Cô bé đội chiếc mũ giống như cách tôi đội, không giống kiểu phần lớn những cô gái khác, với những đầu dây được buộc dưới cằm hay sau gáy. Tôi thích kiểu mũ trắng có diềm rộng bao quanh khuôn mặt, che hết tóc, buông xuống ở hai bên má và nếu nhìn nghiêng thì nét mặt tôi hoàn toàn bị che đi. Tôi giữ chiếc mũ được hồ cứng bằng cách đun nó với vỏ khoai tây.

Tôi rời khỏi nhà mình, đem theo những đồ vật được buộc trong một chiếc tạp dề. Vẫn còn sớm -những người hàng xóm của chúng tôi đang hắt những xô nước lên bậc thềm và đoạn đường trước cửa nhà họ rồi cọ rửa. Agnes giờ đây sẽ phải làm việc đó cũng như nhiều công việc khác thay tôi. Em sẽ có ít thời giờ hơn để chạy chơi ngoài phố hay dọc theo con kênh. Cuộc sống của em cũng sẽ thay đổi.Mọi người gật đầu với tôi và tò mò dõi theo tôi đi qua. Chẳng ai hỏi tôi đi đâu hay nói ra lời chào thân ái. Họ không cần phải hỏi - họ biết điều gì sẽ xảy đến với một gia đình khi người đàn ông mất đi công ăn việc làm. Đó sẽ là điều để bàn tán sau đó - Griet trẻ tuổi trở thành người hầu gái, cha cô ta đã khiến gia đình lụn bại. Tuy vậy, họ sẽ không hả hê. Chuyện tương tự cũng có thể dễ dàng xảy đến với họ.Tôi đã đi dọc con phố đó cả cuộc đời mình, nhưng chưa bao giờ ý thức rõ đến thế rằng mình đang quay lưng lại phía gia đình. Dù vậy, khi tôi đến được cuối con phố và không còn nhìn thấy nhà mình nữa, bước chân tôi trở nên vững vàng hơn một chút và tôi nhìn xung quanh. Buổi sáng vẫn còn lạnh, bầu trời một màu trắng đục sà xuống rất thấp trùm lên Delft như một tấm chăn và mặt trời mùa hè vẫn chưa đủ cao để thiêu trụi nó. Con kênh tôi đang đi dọc theo bờ là một tấm gương ánh sáng trắng nhuốm màu xanh lá cây. Khi mặt trời rực rỡ hơn, con kênh sẽ sầm lại thành màu của rêu.

Frans cùng tôi và em Agnes thường ngồi bên bờ con kênh này và các thứ xuống đó - sỏi, cọng cây, có lần là một viên gạch vỡ - và tưởng tượng chúng có thể chạm phải cái gì dưới đáy, không phải cá, mà là những con vật trong trí tưởng tượng của chúng tôi, có nhiều mắt, vảy, tay và vây. Frans bịa ra những con quái vật thú vị nhất. Agnes thì sợ hãi hơn cả. Tôi luôn dừng trò chơi lại, mặc dầu rất sẵn lòng chiêm ngưỡng các con vật vì chúng có khả năng tưởng tượng ra những thứ chẳng hề tồn tại.Trên dòng kênh, lác đác vài con thuyền đang đi về phía Quảng trường Chợ.

Tuy vậy, hôm đó không phải là ngày chợ phiên, khi con kênh đầy thuyền bè tới mức không thể nhìn thấy mặt nước. Một con thuyền đang chở cá sông cho các quầy hàng ở Jeronymous Bridge. Một con thuyền khác chở đầy gạch, khẳm trong nước. Người đàn ông chèo thuyền hét lên chào tôi. Tôi chỉ gật đáp lại, cúi đầu xuống sao cho diềm mũ che đi khuôn mặt.Tôi vượt qua cây cầu bắc ngang dòng kênh và đi vào khu mở của Quảng trường chợ mới lúc đó đã tíu tít người qua lại với công việc của mình - mua thịt ở Khu Hàng thịt, hay bánh mì chỗ hàng bánh, mang củi đi cân ở Khu Nhà cân. Trẻ con chạy việc vặt cho bố mẹ, đám học việc cho ông chủ, người hầu gái cho các gia đình. Ngựa và xe kêu lọc cọc khi đi qua các viên đá. Phía bên phải tôi là tòa thị chính, với mặt tiền mạ vàng và những tấm đá hoa cương trắng từ những phiến đá đỉnh vòm phía trên các của sổ đang nhìn xuống. Bên trái tôi là Nhà thờ Mới, nơi mười sáu năm trước tôi đã được làm lễ rửa tội. Cái tháp cao và nhỏ của nó khiến tôi nghĩ đến chiếc lồng chim bằng đá. Một lần cha đã đưa chúng tôi lên đó. Tôi sẽ không bao giờ quên được phong cảnh Delft trải dài bên dưới chúng tôi, từng ngôi nhà gạch nhỏ hẹp với mái dốc màu đỏ cùng con kênh màu xanh và cổng thành đã in hằn vào trí nhớ tôi mãi mãi, nhỏ bé nhưng rất rõ ràng. Khi đó tôi đã hỏi cha liệu có phải thành phố nào của Hà Lan trông cũng giống như thế chăng nhưng ông không biết. Ông chưa từng đi đến một thành phố nào khác, ngay cả Hague, chỉ cách chỗ chúng tôi có hai giờ đi bộ.

Tôi đi đến trung tâm quảng trường. Ở đây người ta đặt những viên đá tạo thành một ngôi sao tám cánh bên trong một vòng tròn. Mỗi cánh hướng ra một khu của Delft. Tôi nghĩ về nơi này như khu vực trung tâm nhất của cả thành phố và cũng là tâm điểm cuộc sống của tôi. Tôi, Frans, Agnes đã chơi trên ngôi sao đó kể từ khi chúng tôi đủ lớn để có thể tự chạy ra chợ. Trong trò chơi yêu thích của chúng tôi, một trong ba chị em chọn một cánh còn một người khác gọi tên một vật - con cò, nhà thờ, xe cút kít, bông hoa - và chúng tôi chạy về hướng dó tìm kiếm vật được gọi tên. Chúng tôi đã khám phá phần lớn Delft theo cách này.Tuy nhiên, có một hướng chúng tôi không bao giờ đi. Tôi chưa bao giờ đi về phía Khu người Gia tô, nơi những người theo đạo Thiên chúa sinh sống. Ngôi nhà nơi tôi sẽ làm việc chỉ cách nhà tôi có mười phút, khoảng thời gian để đun sôi một ấm nước, nhưng tôi chưa bao giờ đi ngang qua chỗ đó.Tôi chẳng biết người theo đạo Thiên chúa giáo nào. Ở Delft không có nhiều người theo đạo Thiên chúa và ở phố chúng tôi hay ở những cửa hàng của chúng tôi thường ghé cũng không có ai cả. Không phải chúng tôi tránh họ mà là họ khép kín với nhau. Ở Delft, người ta chấp nhận họ, nhưng họ không được phép công khai phô trương đức tin của mình. Họ tổ chức các buổi lễ một cách kín đáo, ở những nơi giản dị, nhìn bên ngoài không giống như nhà thờ.

Cha tôi đã làm việc với những người theo đạo thiên chúa và bảo tôi rằng họ chẳng khác gì chúng tôi cả. Nếu có chẳng thì chỉ là họ ít trang nghiêm hơn. Họ thích ăn uống, hát hò và chơi bài. Ông nói điều này gần như thể ông ghen tỵ với họ.Giờ đây, tôi đang bước theo một cánh sao, đi qua quảng trường chậm hơn bất cứ ai vì lưỡng lự không muốn rời bỏ vẻ quen thuộc của nó. Tôi vượt qua cây cầu bắc ngang con kênh và rẽ trái vào phố Oude Langendijick. Bên trái tôi, dòng kênh chạy song song với con phố, tách nó khỏi Quảng trường Chợ.Ở chỗ cắt với phố Molenpoort, bốn đứa con gái nhỏ đang ngồi trên cái ghế băng bên cạnh cánh cổng mở của một ngôi nhà. Bọn chúng ngồi theo trật tự lớn bé, từ đứa lớn nhất, trông vào khoảng độ tuổi Agnes, cho đến đứa bé nhất, chắc khoảng bốn tuổi. Một đứa ngồi giữa ôm đứa trẻ trong lòng, đứa trẻ khá to, có lẽ đã biết bò và chẳng mấy chốc sẽ tập đi. Năm đứa trẻ, tôi thầm nghĩ, và sắp có thêm một đứa nữa.

Đứa lớn nhất đang thổi bong bóng qua một chiếc vỏ sò được đính chặt vào đầu một cái que rỗng, rất giống cái mà cha đã làm cho chúng tôi. Những đứa khác nhảy lên và chộp những quả bong bóng khi chúng xuất hiện. Đứa bé đang ôm em không thể di chuyển được nên chẳng chộp được gì mấy mặc dù rằng nó ngồi ngay cạnh đứa đang thổi. Đứa bé nhất ở cuối ghế ngồi xa nhất và nhỏ nhất nên chẳng có cơ hội nào. Đứa nhỏ thứ hai là đứa nhanh nhất, lao theo những quả bóng rồi đập tay vào chúng. Nó có mái tóc rực rỡ nhất trong cả bọn, màu đỏ giống như màu của bức tường thô đằng sau nó. Đứa bé nhất bà đứa ôm em trong lòng đều có mái tóc xoăn vàng giống mẹ, trong khi đứa lớn nhất có mái tóc màu đỏ sẫm giống cha.

Tôi dõi nhìn cô bé có mái tóc rực rỡ đang đuổi theo những quả bóng, chộp lấy chúng trước khi chúng vỡ tan trên những viên gạch ẩm ướt màu xám và trắng xếp chéo thành hàng trước nhà. Sẽ là một đứa gây phiến toái đây, tôi thầm nghĩ.

- Tốt nhất là em nên chộp chúng trước khi chúng chạm nền đất, - tôi nói. - Nếu không thì lại phải cọ những viên gạch kia một lần nữa đấy.Cô bé lớn nhất hạ thấp ống thổi xuống. Bốn cặp mắt nhìn chăm chăm vào tôi với cùng một cách nhìn khiến người ta không còn nghi ngờ gì nữa rằng đó là bốn chị em. Tôi có thể nhìn thấy những nét khác nhau của cha mẹ chúng nơi bốn chị em - đôi mắt màu xám ở đứa này, đôi mắt nâu ở đứa kia, khuôn mặt xương xẩu, những nét cử động nôn nóng.

- Chị có phải là người hầu mới? - cô bé lớn nhất hỏi.

- Bố mẹ bảo chúng em ngồi chờ chị, - cô bé tóc đỏ ngắt lời trước khi tôi kịp đáp.

- Corlenia, đi vào tìm Tanneke đi, - đứa lớn nhất bảo cô bé tóc đỏ.

- Em đi đi, Aleydis, - Corlenia đến lượt mình lại ra lệnh cho đứa bé nhất đang nhìn tôi bằng đôi mắt mở to không chớp.

- Chị sẽ đi. - Đứa lớn nhất chắc quyết định rằng việc tôi đến, suy cho cùng, là việc quan trọng.

- Không, em sẽ đi. Corlenia nhảy lên và chạy trước cô chị, để lại tôi một mình với hai đứa trẻ ít hiếu động hơn.

Tôi nhìn đứa bé đang ưỡn người trong lòng cô bé.

- Em bé là em trai hay em gái đấy?

- Em trai ạ, - cô bé trả lời bằng một giọng nhẹ nhàng êm mượt như nhung - Tên nó là Johannes. Chị đừng bao giờ gọi nó là Jan nhé, - Cô bé nói những lời cuối cùng như thể đó là những điệp khúc quen thuộc.

- Được rồi, thế còn tên em là gì?

- Lisbeth ạ. Còn đây là Aleydis.

Đứa nhỏ nhất cười với tôi. Cả hai đều ăn mặc rất gọn gàng với váy nâu, tạp dề trắng và đội mũ.

- Thế còn chị em tên là gì?

- Maertge ạ. Chị đừng bao giờ gọi chị ấy là Maria nhé. Bà em tên là Maria. Maria Thins. Đây là nhà của bà.

Đứa bé bắt đầu thút thít. Lisbeth nựng nựng nó trong lòng mình.Tôi ngước nhìn lên ngôi nhà. Tất nhiên là nó to hơn nhà chúng tôi nhưng không đến mức như tôi đã e sợ. Ngôi nhà có hai tầng, cộng thêm phòng áp mái, trong khi nhà chúng tôi chỉ có một tầng và phòng áp mái nhỏ xíu. Đó là ngôi nhà cuối phố, với phố Molenpoort chạy dọc theo mặt bên, vậy nên nó hơi rộng hơn những ngôi nhà khác trên con phố đó. Cảm giác nó đỡ bí bách hơn những ngôi nhà ở Delft, những ngôi nhà bị chèn thành hàng hẹp bằng gạch dọc theo con kênh với ống khói và mái nhà có tầng in khói trong làn nước xanh. Những cửa sổ ở tầng trệt ngôi nhà này rất cao, và ở tầng hai có ba cửa sổ gần nhau chứ không phải hai như những ngôi nhà khác dọc theo con phố.