- I - Thần đồng xuất hiện

Ngày xưa, không nhớ rõ vào triều đại nào của nước Trung Hoa, đất Hàng Châu bỗng xuất hiện ba thần đồng tiếng đồn vang khắp xa gần.

Đó là ba đứa trẻ mồ côi đã tình cờ gặp gỡ nhau trong một đoàn mãi võ. Chúng gồm một gái và hai trai. Cả ba đã từng biểu diễn võ, văn làm cho nhiều người mến phục.

Đứa bé gái độ mười bốn tuổi tên là Phi Yến. Cô bé có tài vũ rất uyển chuyển dịu dàng, nhất là vũ trên dây rất thần tình, đi đến đâu cũng được người xem hoan nghênh nhiệt liệt. Mặc dầu còn bé, thân hình chưa phát triển đúng mức theo tuổi dậy thì, Phi Yến cũng đã biểu lộ một nhan sắc tuyệt vời qua gương mặt sáng rỡ như ngọc, đôi mày thanh thanh, đôi mắt lóng lánh như ôm ấp nhiều mộng đẹp tương lai. Gót son bé bỏng đã sớm dày dạn với phong trần. Tài ba của nàng đã làm ngẩn ngơ bao du tử.

Hai đứa bé trai, một tên là Tử Lệ, một tên là Tây Nhạn.

Tử Lệ thông minh xuất chúng, bảy tuổi đã biết làm thơ khẩu chiếm, mười tuổi đã làm cho bao văn nhân mặc khách ngưỡng mộ thiên tài. Năm nay nó đã mười lăm tuổi, có tài ứng đối nhanh nhẹn tất cả những câu đối dầu hiểm hóc kỳ dị đến đâu (có thể so sánh Trạng Quỳnh nước ta) và có tài ngâm thơ làm cho người nghe phải sôi sục căm hờn vùng lên tranh đấu, hoặc bùi ngùi xúc cảm mà rơi lệ dầm dề.

Tây Nhạn võ dũng hơn người, sức mạnh phi thường như Lý Ngươn Bá đời Đường hay như Trần Quốc Toản ở nước ta. Năm tám tuổi, nó có lần đánh gục một con trâu chứng cứu thoát một lũ mục đồng; năm mười hai tuổi, nó một mình đánh tan một bọn cướp hung dữ đầy khí giới, với những ngọn dao thần tốc bách bộ xuyên dương. Nguyên Tây Nhạn có tài phóng dao rất tài tình, lợi hại như những tay cao bồi của thời đại nguyên tử. Năm nay nó được mười lăm tuổi. Nó đã ứng dụng tài phóng dao trong đoàn mãi võ, nên được khán giả ưa chuộng võ thuật nồng nhiệt hoan nghênh.

Ba đứa trẻ sống chung nhau trong đoàn mãi võ, thương yêu nhau như ruột thịt, chia vui xẻ buồn với nhau trên bước đường phiêu bạt giang hồ. Nhưng mỗi đứa có một tâm sự và hoài bão khác nhau.

Một lần nọ, Phi Yến thổ lộ tâm sự nó cho hai bạn nghe:

- Tôi là đứa bé khổ nhất trên đời này. Các bạn biết không, ngày xưa tôi sống êm đềm trong nhung lụa, được sự thương yêu chiều chuộng của bà mẹ hiền và người cha lúc nào cũng lo lắng cho tương lai con.

Mẹ tôi dạy tôi về công, ngôn, dung, hạnh. Cha tôi dạy tôi văn chương, đạo đức. Mẹ thường bảo tôi: “Người con gái cần phải trau dồi công, ngôn, dung, hạnh. Đó là bốn món trân bảo của giới nữ lưu”. Cha tôi thường khuyên tôi: “Con cũng cần học tập văn chương, đạo đức để mở mang kiến thức, để khỏi thua kém những trang liệt nữ từ nghìn xưa”. Những lời khuyên quý đến bây giờ như còn văng vẳng bên tai tôi. Nhưng ngoài văn chương ra, tôi còn một sở thích khác mà tôi không thể học ở cha, mẹ. Đó là môn vũ. Tôi thích vũ lạ lùng. Mỗi lần đọc sách có mô tả những vũ khúc Nghê Thường hoặc vũ khúc dịu dàng của Tiên nữ chốn Thiên Thai, tôi đắm chìm trong mơ mộng, để hàng giờ tưởng tượng hoạt cảnh thiên tiên. Rồi tôi tập múa một mình qua sự tưởng tượng ấy. Sau đó tôi lại tập múa chơi với các bạn hàng xóm đồng trang lứa.

Có lần mẹ tôi bắt gặp tôi đang tập múa một mình trong vườn hoa sau nhà, mẹ đứng ngắm tôi một lúc rồi mới dịu dàng nói:

- Ai dạy con múa vũ khúc đó?

- Sách dạy con đấy, con đã bắt chước những nàng tiên trong sách.

- Vũ khúc gì vậy, con?

- Nghê Thường Vũ Y.

- Vũ khúc của Hằng Nga trên Nguyệt điện phải không?

- Phải rồi, mẹ tài quá.

Mẹ tôi cười hiền lành:

- Mẹ thấy con có tài về vũ. Nhưng mà vũ có ích gì đâu con?

- Sao lại không có ích, mẹ? Nếu không có ích sao chị Hằng Nga biết vũ, sao các Tiên nga biết vũ, sao các cung nữ trong triều biết vũ?

Mẹ tôi cười đùa:

- Vậy con muốn lên Cung Trăng, lên Tiên giới hay vào Cung Điện?

- Cung Trăng và Tiên giới xa vời quá. Con muốn làm Hoàng hậu, được không mẹ?

- Nên làm người dân thường, sung sướng hơn con ơi!

Mẹ tôi không nghiêm khắc lắm, nên để tôi vui chơi tập luyện lấy một mình. Cũng từ đó, tôi nẩy sinh một hoài bão sẽ làm Hoàng hậu một ngày kia, khi gặp được cơ hội.

Hai năm sau, mẹ tôi mất vì bạo bệnh. Chiến tranh xảy đến gây tang tóc cho biết bao gia đình, tàn phá biết bao đô thành làng mạc. Dân chúng sống khổ sở, lầm than. Cha tôi chết ngoài chiến trận. Nhà tôi bị giặc đốt cháy trong một trận càng quét. Tôi bơ vơ lạc lõng giữa chợ đời, không một người bà con thân thuộc. Tôi không biết phải đi đâu, ngủ ở đâu, làm sao để sống, làm sao để tránh những tai nạn khủng khiếp trong buổi loạn ly?

Tôi đi lang thang, đói khát, xin ăn từng bữa như một đứa trẻ ăn mày. Tôi ngủ nơi cầu sương điếm cỏ, quán gió lều hoang. Cho đến một hôm, tôi gặp một đoàn mãi võ đang biểu diễn tài nghệ cho khán giả xem. Tôi say mê quên cả đói. Lúc ấy, anh Tây Nhạn phóng đoản đao tài quá, làm tôi ớn lạnh cả người; anh Tử Lệ ngâm thơ hay lạ lùng, làm tôi nhớ đến những ngày đầm ấm xa xưa mà bùi ngùi rơi lệ. Tôi xin nhập đoàn mãi võ. Thấy tôi có chút tài múa hát, chú Thiết Phủ mới cho tôi theo đoàn.

Nhiều lúc tôi khóc thầm một mình khi nhớ đến cha và mẹ. Nhất là những buổi chiều tà bảng lảng, gió heo may làm se thắt lòng thơ, tôi nhớ tha thiết những bóng hình thân yêu, những lời khuyên răn như khắc sâu tâm khảm. Nghĩ đến những lời khuyên của mẹ, tôi chợt nhớ đến câu bông đùa của người từ mẫu: “Nhưng mà vũ có ích lợi gì đâu con?” Tôi muốn gọi hương hồn mẹ tôi mà nói rằng: “Mẹ ơi, nhờ biết vũ mà con mới sống đến ngày nay. Vũ có ích đấy chứ, phải không mẹ?”

Đôi lần nhớ đến mộng đẹp mình ôm ấp ngày thơ, tôi tự thẹn thùng với bóng. Tôi tự trách thầm: “Mình như vầy mà ước mơ làm Hoàng hậu. Thôi vỡ mộng rồi, Phi Yến ơi!”

Lần lần, tôi bớt buồn và cố quên đi những ngày ảm đạm. Cũng may, tôi có được hai người bạn chân thành luôn luôn an ủi. Đó là anh Tử Lệ và anh Tây Nhạn.

Nghe Phi Yến thuật lại cuộc đời thơ ấu, Tử Lệ và Tây Nhạn càng thấy thương mến bạn hơn. Người bạn gái ấy có tâm hồn rất thơ mộng, phải chăng đó là tâm hồn nghệ sĩ giàu cảm lụy, như người đời thường bảo?

Tử Lệ thành thật nói:

- Phi Yến có ghét chiến tranh chăng?

Phi Yến chau mày đáp khẽ:

- Yến ghét chiến tranh vô cùng.

Tử Lệ cao hứng:

- Người xưa có câu thơ: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, thật đã lột trần sự tàn nhẫn của chiến tranh.

Phi Yến che miệng cười:

- Thôi, xin can anh, đừng xổ thơ ra nữa. Yến biết tài anh rồi mà...

Tây Nhạn xen vào câu chuyện:

- Phi Yến có thích làm Hoàng hậu nữa không?

- Thích chớ, mặc dầu không còn hy vọng...

- Nếu sau này Yến làm Hoàng hậu, Yến sẽ làm gì?

- Hoàng hậu Phi Yến sẽ tâu Vua phong anh làm Nguyên soái, anh Tử Lệ làm Trạng nguyên.

Tử Lệ phì cười:

- Trạng nguyên phải đi thi mới đỗ chứ.

Biết mình nói bậy, Phi Yến đỏ mặt nói ngang:

- Không cần thi.

- Đó là luật lệ riêng của Phi Yến à?

- Có thể vậy.

- Vậy thì nhà Vua nào phong Phi Yến làm Hoàng hậu chắc chắn sẽ trở thành hôn quân.

- Anh này nói lạ!

- Nói thật đấy! Vì chưa chi Phi Yến đã đòi sửa đổi luật lệ, sau này Phi Yến còn mê hoặc quân vương đến đâu.

Phi Yến bẽn lẽn cúi đầu:

- Yến không đủ bản lĩnh như anh tưởng đâu.

Cả ba đều cười, vẻ mặt vui tươi hí hởn. Suy nghĩ một lúc, Phi Yến bỗng nói:

- Nếu Yến có đủ bản lĩnh, Yến sẽ làm sao cho đất nước tránh khỏi họa chiến tranh. Yến sẽ làm sao cho nhân dân an hưởng thái bình, và văn nghệ sẽ là phương tiện nâng cao đời sống tinh thần của con người, biểu dương sức mạnh tinh thần của dân tộc...