Lời ghi chú của tác giả

Cuốn Thân Phận Dư Thừa là hồi ức thủa ấu thơ và thời niên thiếu của tôi ở Việt Nam. Nó xuất phát từ những kỷ niệm sống động của tôi trong những năm này và được bổ sung thêm bằng sự hồi tưởng của mẹ tôi và em trai tôi. Kính dâng mẹ Người đưa con vào đời và kính tặng ông Frank Andrews người đã mang cho tôi một đời sống mới. Chân thành cảm tạ Aexandra Bennett và Scott Morgan đã tạo cảm hứng cho tôi viết cuốn này. Judy Clain đã cho tôi cơ hội trở thành văn sĩ. Fiona và Jake Eberts có niềm tin nơi tôi ngay từ thủa ban đầu. Eaine Gartner vơi’ sự có mặt tận tình. Michaela Hamilton đã giúp tôi trau chuốt lời văn. Peter Miller với trái tim sư tử đã hỗ trợ tôi từng bước trên đường sự nghiệp. Em Nguyễn Bé Ti đã là đứa em yêu quí của tôi. Nguyễn Jimmy đã giúp tôi đi lại con đường trong ký ức. Ilona Price và Jason Goodman về sự nồng nhiệt và rộng lượng. Joanna Russco-tabeek đã dành cho tôi nhiều bữa ăn miễn phí tai tiệm Painoteca. Lisa Sharkey với sự khích lệ cần thiết. Milan Tina với một tình bạn chân thành. Đặc biệt xin cảm tạ tất cả quí vị tại cơ sở xuất bản PM & Little, Brown đã giúp tôi thể hiện từ thân phận dư thừa trong ký ức trở thành một tác phẩm. Và đặc biệt gởi tới chị Loan, dù nay chị ở bất cứ nơi đâu, em cũng không bao giờ quên chị.


Lời nói đầu của tác giả

Năm tôi lên tám, do một sự tình cờ, mẹ tôi mua được một một cuốn sách ở chợ trời. Bà đưa cho tôi và nói rằng: "Con và đứa bé trong chuyện chỉ khác nhau mỗi bức tường mà thôi, và mẹ sẽ không bao giờ để con rơi vào hoàn cảnh của nó." Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách và khóc nhiều lần vì cảm thương nỗi bất hạnh của đứa bé trong truyện. Đó là cuốn "Chim hót trong lồng" của nhà văn Nhật Tiến. Tôi không bao giờ nghĩ tới có một ngày trong cuộc đời, tôi lại được hân hạnh cầm chung một ngòi bút với tác giả, để chia sẻ thân phận dư thừa của tôi. Tôi cũng đã được đọc nhiều tác phẩm khác của Nhật Tiến, trong đó có cuốn tôi thích nhất là "Thềm Hoang". Ông đã trở thành một trong những tác giả mà tôi hâm mộ, cùng với những cây bút khác như Khái Hưng, Nhất Linh, Tô Hoài, Mai Thảo, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Lan Khai, Pearl S.Buck, Leo Tolstoi, Mak twain, Alexander Dumas …v v .. Văn phong của Nhật Tiến làm sống động những tình tiết của câu chuyện. Những hoàn cảnh mà ông diễn tả cùng những hình ảnh về các mảnh đời tuyệt vọng trong các sáng tác của ông đã vô cùng sống thực đến nỗi vẫn còn mãi mãi ám ảnh trong tâm hồn của tôi. Khi tôi đọc bản Dịch "Thân phận dư thừa", cứ mỗi trang viết bằng tiếng mẹ đẻ quen thuộc, được trau chuốt qua ngòi bút điêu luyện của Nhật Tiến, lại làm bừng lên trong thế giới riêng tư của tôi đậm hương vị mới, linh động, rực rỡ mầu sắc. Đối với một người viết trẻ, còn đang dò dẫm tìm đường, tôi rất may mắn có cơ hội học hỏi thêm rất nhiều ở nhà văn Nhật Tiến. Một câu ngạn Ngữ Trung Hoa nói rằng: "Nếu anh có một vị Thầy dạy dỗ trong một giờ thì anh đã có một bậc nghiêm từ mãi mãi trong đời sống". Tôi đã may mắn làm việc với nhà văn Nhật Tiến trong suốt thời gian dài hơn là một giờ rất nhiều. Xin chân thành cảm ơn bác Nhật Tiến. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc "Thân phận dư thừa" được dịch bởi nhà văn Nhật Tiến.


Chương 1

Nha Trang ngày 12 tháng 5 năm 1972.
Tôi còn nhớ như in cái đêm hôm ấy đó là ký ức đầu tiên và cũng là kỷ niệm vui sướng nhất trong thời thơ ấu của tôi, vẫn cái mùi xiên thịt nướng quen thuộc từ dưới bếp toả ra. Tiếng của mẹ tôi rộn ràng qua các hành lang dài, ra lệnh cho đám người giúp việc với một thoáng tự kiêu. Không khí ẩm ướt của mùa hè bọc thành một làn hơi sương mờ ảo quanh tôi, tạo nên một loại oi bức chỉ ở Nha Trang và chỉ vào tháng năm mới có. Và điều mà tôi ghi nhớ hơn hết là bầu không khí hân hoan, hội hè tràn ngập quanh tôi khi tia nắng chiều tắt lịm vào lòng đại dương chỉ cách cửa sổ phòng tôi khoảng vài trăm thước. Đó là sinh nhật lần thứ năm của tôi.
Căn nhà thời thơ ấu của tôi, để đáp ứng với sự đam mê sống gần những bãi biển xinh đẹp của mẹ tôi, đã được cất ngay sát mé nước với tiếng sóng rì rào ở kè đá nền nhà cái biệt thự này gồm ba tầng lầu và có tới trên hai mươi bốn phòng trong đó có ít nhất tám phòng ngủ. Tất cả đều được trang bị bằng những đồ đạc kiểu phương tây đắt tiền, được bầy biện theo cung cách do chính mẹ tôi nghĩ ra. Và để cho căn nhà vừa có tính cách riêng biệt, vừa để xưng tụng ông ngoại tôi, mẹ đã đặt tên cho nó là biệt thự họ Nguyễn. Theo những câu chuyện mà tôi được nghe, phần lớn là do ông bà ngoại tôi kể lại, thì mẹ tôi cất căn nhà này vào lúc bà mang thai tôi, với sự mong muốn có đứa con đầu lòng trong căn nhà của chính mình. Mẹ tôi sơn tường quanh nhà bằng mầu vỏ trứng. Bà thường biểu lộ sự khó chịu khi tôi diễn tả cái mầu trắng này là sự cũ kỹ của thời gian. Từ cổng trước vào nhà là một lối đi có lát bằng đá cẩm thạch mầu hung đỏ chạy vòng quanh khu vườn trong có một bể bơi hình bầu dục. Người làm vườn, được mướn qua văn phòng dịch vụ, tên là ông Trần. Công việc của ông là trồng và coi sóc rất nhiều cây hoa hiếm quí thuộc nhiều loại trước nhà. Mẹ tôi vì muốn ngăn cách ngôi nhà xinh đẹp với thế giới bên ngoài nên đã cho dựng lên hai tấm cửa khổng lồ bằng sắt cùng với cái hàng rào kẽm gai thật cao có dây leo mọc thật dầy đặc, che khuất mọi thứ bên trong. Ngày trước, tôi thường chơi đùa với đồ chơi ở ngoài vườn trong khi bọn trẻ chơi ở phía bên kia hàng rào vẫn thường dòm vào để nhìn tôi với đầy vẻ thèm thuồng. Theo mẹ tôi thì tôi không thể giao du với chúng nó được, hoặc là vì lũ đó quá dơ dáy hoặc là vì tôi quá sạch sẽ. Ở Việt Nam con nhà giầu như tôi thường di dép xăng đan để chân khỏi bị nóng và bẩn trong khi bọn con nhà nghèo ở bên kia hàng rào thì chỉ dẫm chân đất.
Trưa hôm ấy, trước khi cử hành lễ sinh nhật, gần như mọi sinh hoạt đều tập chung trong nhà bếp. Tôi giang tay giả làm một chiếc phi cơ đang lượn giữa đám đông người, miệng vù vù tiếng động cơ và làm như máy bay bị rớt khi đụng vào chân mọi người. Em tôi và tôi chế ra cái trò chơi tài tình ấy để vòi vĩnh những món ăn vặt của đám người làm. Tiếc thay vì quá bận rộn nên chẳng có ai chú ý đến tôi cả. Ở ngay giữa căn bếp chính, một toán đầu bếp đứng chung quanh một cái bàn lớn, đang trang trí một cái bánh vĩ đại mầu trắng trên có những đoá hoa hồng, dây leo mầu nâu với những lá xanh làm bằng kem và mầu thực phẩm. Phía bên kia, trong làn khói mù mịt, những con gà mái dầu chờ tới lượt bị cắt tiết, tiếng kêu cục tác sợ sệt của chúng vang lên át cả tiếng xèo xèo nóng rẫy của thịt heo chiên. Cách đó vài bước, một tốp tớ gái tíu tít vây quanh cái bếp lò đang bận rôn sửa soạn cho những món ăn chính. Một người bật cái quạt trên trần lên trong khi một cô khác đang chắt nước luộc mì cho chẩy xuống cống. Làn khói toả lên từ nồi nước sôi làm tăng thêm cái nóng ở trong phòng.
Nhìn quanh để tìm nạn nhân mới cho cái trò chơi lượn máy bay, tôi phát hiện một thằng bé phụ của người cung cấp thực phẩm. Hắn chỉ trạc lên mười, thân hình choắt choeo với những vầng quầng thâm dưới hai mắt. Tay bưng một cái bát tổ bự đầy kem, hắn đang chạy xuống bếp thì đụng ngay phải tôi. Tôi biết tẩy của đám người làm là họ rất sợ mẹ tôi khi bà nổi cơn lôi đình. Trong lúc cậu nhỏ đang còn lo lắng nhìn xem tôi có bị thương tích gì không, thì tôi đã vọc tay vào bát xớt đầy một bàn tay toàn là kem. Trước khi hắn ta kịp hoàn hồn, tôi cười ré lên và dông tuốt, vừa chạy vừa liếm cái vị ngọt trên tay. Lên trên lầu, tôi tính dòm lén vào phòng ngủ của mẹ tôi. Bà ngồi kia như một bà hoàng trước bàn trang điểm, chỉnh tề trong chiếc áo dạ hội kim tuyến mầu xám nhạt, lóng lánh dưới màu vàng cam nom tựa như lớp vẩy cá. Bà đang tập trung vào việc chải mớ tóc dài đen nhánh, dợn sóng, chảy xuống tấm lưng ong của bà. Mẹ tôi không thuộc loại phụ nữ Á Đông mảnh mai điển hình. Ngực bà nở nang, hông tròn trịa, eo nhỏ nhắn. Đôi mắt của bà to, viền đậm chung quanh và đang tập trung vào chiếc bóng của mình ở trước mặt. Trải nhiều năm nhìn thấy mẹ tôi đứng ngắm nghía trước gương, đã khiến cho tôi tin rằng mẹ tôi là một người hiếm có nhất, xinh đẹp nhất trên trần gian này. Sự hiện diện của tôi làm mẹ tôi giật mình. Bà ngừng nhìn bóng mình trong gương, quay lại phía tôi mỉn cười, phô ra những cái răng trắng và đều. Căn phòng này đây, đã từng có những lúc tôi ngồi hàng giờ để nghe mẹ tôi giãi bầy về bí quyết sắc đẹp của bà. Chắc chắn là tôi đã ngồi chăm chú nghe nhưng không phải vì những điều bà nói, mà là bị thôi miên vì giọng nói của bà, vừa quyến rũ vừa luôn luôn đầy trí tuệ và thông minh. Nụ cười của bà chợt mất đi, bà nghiêm mặt hỏi tôi :
- Coi kìa, mặt con bôi đầy lên những cái gì thế ? T
ôi liền sờ tay lên má và cảm thấy mấy vệt kem còn sót lại. Vừa liếm ngón tay, tôi vừa trả lời:
- Đó là cái ở dưới bếp để làm bánh sinh nhật cho con hôm nay. Con có vô được không ?
Mẹ tôi gật đầu:
- Được chứ, con vô đi. Rồi bà rầy tôi:
- Cái thằng dơ dáy chưa kìa! Ai lại ăn uống như thế. Sao không chờ tới bữa tối?
Tôi ngồi ngay lên giường và nhìn bà một cách tò mò. Dùng một miếng bông lót nhỏ, bà đang thoa một loai phấn trắng lên mu bàn tay. Tôi hỏi :
-Mẹ làm gì thế hả mẹ ?
-Mẹ thoa phấn lên bàn tay đó mà.
-Để làm gì vậy ?
-Có mỗi một câu đó mà sao hỏi hoài vậy con ?
-Nhưng con chẳng bao giờ nhớ câu trả lời của mẹ.
Bà ngưng lại và giơ cả hai bàn tay lên ngắm, nom chúng như hai tên lính đứng nghiêm chỉnh sẵn sàng chờ kiểm tra. Bà nói :
-Mẹ làm như vậy để mọi người chú ý đến tay của mẹ. Con coi có đẹp không ?
Cùng với sản nghiệp, hai bàn tay là niềm kiêu hãnh lớn nhất của bà trong cuộc đời. Trước khi gặp ba tôi, bà đã từng làm bàn tay mẫu cho một công ty kim hoàn. Trái ngược với thân hình khiêu gợi của bà, tay bà thuôn dài và thanh nhã. Mỗi ngón là một tháp bút mềm mại không nhìn thấy khớp, làn da không có nếp nhăn, móng tay thuôn dài, sơn thuốc kỹ lưỡng và bóng loáng. Bà để ra hàng giờ ngồi giũa những đường viền, tỉa những chỗ da thừa và thay đổi mầu thuốc sơn. Chỉ đến khi nào mẹ tôi hoàn toàn hài lòng với bàn tay, sau đó bà mới trang điểm tới mặt và dành vài tiếng đồng hồ cho việc này. Bà nói vì khuôn mặt bà không được toàn bích nên sự thành công của bà phải dựa trên bàn tay. Để làm nổi bật nét đặc biệt này của mình, mẹ tôi luôn luôn phô diễn hai bàn tay. Chúng cử động uyển chuyển trước mặt bà trong mỗi cuôc trò chuyện, chống lên má khi chụp hình hay nâng cằm lên mỗi khi bà muốn sử dụng uy quyền thiên phú của mình.