Lời giới thiệu

Dễ nhận thấy trong cuộc đời sáng tác của Hemingway là số lượng tác phẩm không nhiều. Ông chỉ có khoảng 100 truyện ngắn, 8 tiểu thuyết và vài tác phẩm tùy bút, hồi ký và một tập thơ 88 bài. Thế nhưng nét độc đáo của Hemingway lại cũng xuất hiện ở chính điểm ngỡ như hạn chế này. Từ một vài truyện ngắn trùng lặp với tiểu thuyết (Sự trở về cứa thương gia, Câu chuyên Châu Phi), các tác phẩm thuộc thể loại này có cùng đặc điểm chung là phong phú đa dạng, cô đọng và hàm súc.

Truyện ngắn Hemingway về kích thước tuy có khác nhau, có truyện chưa tới 500 chữ (Một bạn đọc viết) và có truyện lại dài hơn 12.000 chữ (Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber), nhưng tự thân chúng là những thế giới nghệ thuật riêng biệt, sinh động trong hướng quy tụ theo nguyên lý Tảng băng trôi.

Ngoại lệ và cũng rất đặc biệt trong truyện ngắn Hemingway là mảng viết về Nick Adams. Đây là nhân vật trung tâm xuyên suốt 15 truyện. Nhưng dẫu chỉ là Nick, dẫu chỉ là điểm tập trung những tư tưởng thẩm mỹ chính của một hay tất cả ngần ấy truyền viết về Nick, thì không vì thế mà các truyện đó lại chỉ cùng chung một nét thi pháp. Có truyện Nick chỉ xuất hiện thoảng qua (Trại người Da Đỏ, Bác sĩ và vợ Bác sĩ) có truyện Nick xuất hiện từ đầu đến cuối (Sông lớn hai lòng, Nơi tốt lành cuối cùng, Người mùa hạ...).

Còn về chủng loại của chúng? Ta có thể gặp ở thế giới truyện ngắn Hemingway nhiều tác phẩm xuất sắc, đại diện cho nhiều phong cách truyện ngắn hiện đại: Truyện ngắn Dòng ý thức (Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, Con đường bạn sẽ chẳng hề theo...), truyện ngắn thư (Một bạn đọc viết), truyện ngắn kịch (Hôm nay thứ sáu), truyện ngắn mi ni (Truyện rất ngắn), ngụ ngôn hiện đại (Chú bò thủy chung) truyện ngắn triết lý (Một nơi sạch sẽ và sáng sủa, Con người của thế giới...) truyện ngắn theo trường phái minimalism - phản ánh những chuyện nhỏ nhặt của đời thường bằng bút pháp giản dị hóa tối đa (Rặng đồi tựa đàn voi trắng, Con mèo trong mưa)...

Hoặc giả ta có thể chia truyện ngắn Hemingway theo các mảng đề tài câu cá, đấu bò, đấm bốc, chiến tranh, tình yêu, du ngoạn... Dầu chia theo cách nào chăng nữa thì ta cũng thấy được tính năng động trong cây bút tự sự Hemingway. Điều này chứng tỏ Hemingway luôn là người phấn đấu cho một nền truyện ngắn đa diện mạo. Tuy nhiên, không phải truyện ngắn nào do ông viết ra cũng đều thành công.

Như chúng ta đã biết, bản thân việc viết về bao nhiêu đề tài hay vận dụng bao nhiêu kiểu bút pháp trong sáng tạo thì cũng chưa thể nói lên được tài năng của người cầm bút. Chỉ khi những kỹ thuật được vận dụng ấy nhuần nhuyễn tới mức nào đó thì giá trị thẩm mỹ của nó mới được công nhận. Phần lớn các truyện ngắn của Hemingway đã thực hiện được điều này.

Cách viết ở truyện ngắn Hemingway tuy rất dung dị nhưng sự biến hóa về mặt ngữ nghĩa thì thật khôn lường. Với Hemingway, từ nhan đề, câu mở đầu, diễn biến rồi đến câu kết là những mạch tiếp nối, đứt quãng, rẽ ngang rẽ dọc, đan xen rồi lại tiếp nối. Cứ như thế chúng dồn đến trang cuối, khi câu kết xuất hiện, về nguyên tắc ấy là lúc truyện kết thúc, nhưng các câu kết của Hemingway lại như thể là những khởi đầu. Yếu tố góp phần tạo nên đặc điểm ấy là tính mơ hồ và lối kết mở. Những kẻ giết người kết thúc bằng dự định ra đi của Nick và lời khuyên của George, “tốt hơn là cậu đừng nên nghĩ về nó”. Cái kết này, như nhiều truyện kể về Nick, đã gợi nên không gian tồn tại khác của Nick trong truyện tiếp theo, đã “đề nghị” cách đọc “liên văn bản” trong truyện ngắn Hemingway nói chung và mảng viết về Nick nói riêng. Như thế chúng vừa là “truyên ngắn” và cũng như thể là những phần tách rời từ một cuốn tiểu thuyết. Đọc Kết thúc của một vấn đề độc giả sẽ chẳng thể nào hiểu rõ vấn đề ấy là gì, nhưng qua câu chuyện tiếp theo (Cơn gió ba ngày) thì chúng ta mới biết là chuyện tình tan vỡ giữa Nick và Marjorie. Tương tự ta cũng khó có thể biết lý do vì sao chàng trai trong Biển đổi thay (còn có thể dịch là Đổi thay lớn) lại dọa giết một cô gái; thế rồi qua nhiều truyện ngắn khác (kể cả tiểu thuyết) ta mới biết được lời kết tội băng hoại đạo đức của chàng trai dành cho cô gái là tại nàng đã bỏ chàng để đi theo... một cô gái khác. Nàng là người đồng tình luyến ái.

Đoạn kết hay chính xác hơn là những câu kết trong truyện ngắn Hemingway là cực kỳ quan trọng. Có khi chúng là điểm nút để gợi tư tưởng chủ đề của các tác phẩm. Có khi bản thân chúng đã gói trọn tư tưởng chủ đề. Câu kết trong Con người của thế giới, Trại người Da Đỏ, Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber... sẽ cho thấy điều này. Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber kết thúc bằng lời cầu xin của Margot và câu đồng ý im lặng của Wilson. Trước đó suốt cả tác phẩm, trước hai người đàn ông, một là chồng và một là tay thợ săn được mướn, chưa bao giờ Margot chịu hạ giọng. Nhưng lúc Macomber lấy lại can đảm rồi chết, Wilson trách móc; Margot mới xuống giọng cầu xin. Vậy nên bi kịch ở đây đâu chỉ là bi kịch của riêng anh chồng đáng thương, luôn bị vợ cắm sừng ấy mà còn là bi kịch của cả Margot lẫn Wilson. Chung quy lại, “cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi” ấy là cuộc đời của cả ba nhân vật. Họ đứng so le bên nhau: một ông chồng sợ vợ, một người làm thuê lại can đảm hơn ông chủ và ngủ với vợ chủ, rồi người chồng chợt ý thức được vai trò của mình... nên cái chết là kết cục dễ hiểu cho tình huống ấy.

Các tình tiết của câu chuyên luôn gợi trong độc giả ý tưởng giá mà... Nhưng bản thân độc giả, nhân vật và cả tác giả cũng không thể cưỡng lại được mạch phát triển ấy. Như thể đấy là định mệnh, là sự tất yếu của cuộc sống mà sự “lặng im” của Wilson không chỉ là “lặng im” không trách móc, “lặng im” không tố cáo mà còn là “lặng im” bởi sự việc xảy ra quả bất ngờ, không tài nào lý giải.

Với lối kết này, Hemingway đã tạo nên ba tuyến cốt truyện trong tác phẩm. Độc giả có thể “đọc” tác phẩm theo ba tuyến: Macomber, Margot và Wilson. Họ là ba nhân vật trung tâm của tác phẩm. Nói cách khác, đây là hiện tượng “phi trug tâm hóa nhân vật” mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong tác phẩm văn xuôi tự sự của các nhà văn thế kỷ XIX, XX.

Các câu kết của Hemingway rất khó dịch. Cũng như tiêu đề (nhan đề), khi dịch, dịch giả phải bám vào nội dung tác phẩm để chọn một cách chuyển ngữ tối ưu. Như thế, chắc hẳn chúng đã bị đánh mất đi phần nào giá trị phản ảnh. Tuy nhiên cũng do đặc điểm này và nếu xét từ phương diện khác thì chúng ta sẽ thấy được tính đa nghĩa trong ngôn từ nghệ thuật của Hemingway.

Nhan đề truyện ngắn của ông cũng thể hiện điều đó, chỉ riêng một Soldier’s home không thôi thì ta cũng có thể dịch theo bốn cách: Khi người lính trở về, Người lính trở về, Nhà của lính, Người lính ở nhà; còn The Mother of a queen thì có thể dịch: Mẹ của nữ hoàng, Mẹ của kẻ chơi trội, Mẹ của gã Pê Đê hoặc dịch thoát hơn là Mẹ của thằng bất lương... ứng với mỗi tiêu đề, tác phẩm sẽ có một nội dung phù hợp. Dạng tiêu đề này, kết hợp với tính mơ hồ từ những đoạn kết, chúng càng làm tăng thêm các trường nghĩa cho tác phẩm.

Thông thường, với những nhan đề khó dịch, nội hàm của nó sẽ được xác định qua văn bản. Nhưng với kiểu văn bản mở như của Hemingway thì chúng ta khó có thể nắm bắt hết được những lớp nghĩa. Chim bạch yến cho ai là truyện tiêu biểu cho phong cách tự sự này. Có một phu nhân Mỹ và đôi vợ chồng Mỹ trên chuyến tàu đến ga Lion. Phu nhân mua chim bạch yến về cho con gái, người rất chán chường bởi bị mẹ cấm không cho lấy chồng Thụy Sĩ. Theo bà ta, đàn ông Mỹ mới thực sự là những ông chồng tử tế đối với các cô gái Mỹ và hạnh phúc mà họ mang lại cho gia đình thì lớn biết nhường nào. Kết thúc hành trình trong lời tán dương không ngớt của phu nhân Mỹ dành cho đàn ông Mỹ, đôi vợ chồng Mỹ kia xuống ga, về nhà thu xếp “mỗi người sống một nơi”. Chỉ một câu kết này thôi, Hemingway xứng đáng là một trong những bậc thầy tự sự sử dụng giọng châm biếm. Và thế là, khi đọc lại tiêu đề, hẳn độc giả sẽ tìm cho mình được câu trả lời: chim bạch yến cho ai?

Quả thực, tuy cụ thể xác thực nhưng văn phong của Hemingway lại rất khó nắm bắt ở nét nghĩa đơn nhất. Điều này có nguyên do bởi tại cuộc đời được tái hiện thật kỹ lưỡng, chính xác ấy lại đầy ba động nên điều cụ thể đã hóa mơ hồ: hai hành khách ngồi đợi tàu ở quán giải khát bên cạnh ga, một người đàn ông và một cô gái.

“Lẽ ra chúng ta có thể có tất cả cái kia”, nàng nói. “Chúng ta có thể có tất cả nhưng mỗi ngày chúng ta lại khiến nó càng không thể”.

“Em nói gì vậy?”

“Em nói chúng ta có thể có mọi thứ”.

“Chúng ta có thể có mọi thứ”.

“Không, chúng ta không thể”

Cứ thế, họ đối thoại với nhau cho đến hết truyện. Qua đối thoại, ta chỉ biết người đàn ông cố thuyết phục cô gái đi làm phẫu thuật gì đó (có lẽ là phá thai?) nhưng cô gái tỏ ý không chịu. M. Kundera sau khi nêu các giả thiết về nguyên nhân bất hạnh, một vụ ngoại tình, một căn bệnh, thói ích kỷ của người đàn ông, sự đỏng đảnh của cô gái... rồi kết luận: “Không, không có gì là dễ dàng trong cái điều che giấu sau cuộc đối thoại giản dị và tầm thường kia. Bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể nói những câu giống tay người Mỹ, bất kỳ người đàn bà nào cũng nói những câu giống như cô gái. Nếu một người đàn ông yêu một người đàn bà hay không yêu chăng nữa, nếu anh ta nói dối hoặc thực lòng, anh cũng vẫn nói như vậy. Cứ như là cuộc đối thoại này đã đợi đây từ thuở sáng thế để được thốt lên lời bởi vô số cặp trai gái, không một mối liên hệ nào với tâm lý riêng của họ” [1]. Đây là một trong những nhận định hay nhất về Rặng đồi tựa đàn voi trắng cũng như về đặc trưng đối thoại của Hemingway.

Hemingway rất nổi tiếng về đối thoại. Đối thoại của ông thường rõ về chủ thể, về cấu trúc nhưng lại mơ hồ trong logic hội thoại. Tính nhân quả và sự liên tục giữa chúng thường lỏng lẻo. Hơn nữa ông lại xóa mờ mục đích của đối thoại (về cái gì), nên sức hấp dẫn ở những trang viết ấy thật lớn, chúng đã tạo nên được độ căng của nghệ thuật và buộc độc giả phải tham gia đồng sáng tạo.

Bên cạnh đối thoại, truyện ngắn Hemingway còn sử dụng độc thoại nội tâm và dòng ý thức. Các tác phẩm có loại ngôn từ này thường gán với chủ thể phát ngôn là những con người mang thương tích. Ông Frazer trong Con bạc, bà xơ và radio, Nick trong Con đường bạn sẽ chẳng hề theo, Bồi già trong Một nơi sạch sẽ và sáng sủa... đều “nói” theo kiểu này,

Đến với truyện ngắn Hemingway, ta thấy nổi lên hai mảng đề tài lớn: chiến tranh và quan hệ đời thường. Viết về chiến tranh, Hemingway đứng về phía những người đấu tranh cho lý tưởng tiến bộ. Phát-xít là kẻ thù của ông. Nhưng ông sợ chiến tranh. Điều này đã được phản ánh qua các nhân vật. Chiến tranh là nỗi ám ảnh kinh hoàng lên cuộc sống của nhiều cuộc đời sau cuộc chiến. Từ anh lính trẻ Krebs, Nick đến Enquiry (Tố giác)... đều cho thấy tội lỗi thực sự của cuộc chiến đẫm máu do phe Phát xít gây ra.

Rời khỏi cuộc chiến ấy, người lính của Hemingway mang nhiều thương tích nên trong họ đã dấy lên cảm giác nơm nớp lo sợ về những bất trắc mơ hồ luôn chực đổ ập xuống. Họ chẳng thể nào ngủ được trong đêm khi không có một chút ánh sáng nào đó. Họ đã từng thấy linh hồn mình rời khỏi thể xác rồi nhập về lại như thế nào nên họ không muốn nó rời đi lần nữa. Bi đát hơn, họ chẳng thể nào hòa nhập được vào cộng đồng sau cuộc chiến. Thế rồi du ngoạn, rượu và làm tình lại bị lạm dụng tới mức họ không còn là họ. Họ như thể những hiện hữu, cuồng quay trong xã hội cuồng quay.

Nền văn minh lúc ấy đã có nguy cơ phá sản: Những con người nhạy cảm đó muốn đi tìm một lối thoát cho bản thân, cho cộng đồng. Và họ đã tìm ra bằng cách xác lập những giá trị đạo đức, cách sống của riêng mình và đặc biệt là đề cao sức mạnh tinh thần.

Điều đặc biệt ở Hemingway là dẫu sáng tác của ông xuất hiện nhiều đề tài đến đâu đi chăng nữa thì những đề tài ấy thường là nơi ông dựa vào đề gởi gắm những vấn đề khác. Hemingway là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh nhưng ông ít khai thác trực tiếp vẻ hào hùng hay rùng rợn của nó như nhiều nhà văn khác mà chủ yếu khai thác khả năng chịu đựng của con người. Các đề tài câu cá, đấu bò, đấm bốc... cũng thường được sử dụng để khai thác yếu tố này. Năm mươi ngàn dollar viết về trận so găng giữa Jack và Walcott nhưng chủ đề của truyện không hoàn toàn hướng vào trận đấu mà chủ yếu hướng vào món tiền cược 50.000 dollar với tình huống trớ trêu là người thua sẽ được bạc. Thế là cả Walcott và Jack tuy không nói ra nhưng đều cố thua. Xét về phong độ thì Jack là người không thể thẳng nổi Walcott nhưng anh lại muốn thua trong danh dự, dự định sẽ phạm luật chứ không chịu chấp nhận bị hạ đo ván. Song lúc Jack chưa kịp thực hiện ý đồ thì Walcott đã ra tay trước, Jack bị đấm vào bụng suýt ngã lăn xuồng sàn. Lúc này, vấn đề không phải là vinh quang của sự chiến thắng mà là tiền, nếu Jack còn đứng vững thì anh sẽ có cơ hội. Rốt cuộc, Walcott quằn quại trên sàn bởi Jack đánh trả vào nơi hắn đã đánh anh. Jack thua (vì đã phạm luật), nhưng có tiền, còn Walcott thì thành nhà vô địch nhưng lại mất tiền, anh ta là kiểu “người chiến thắng nhận hư vô”, theo cách nói của Hemingway.

Từ “đấm bốc”, câu chuyện tập trung vào việc cá độ và đã hé mở cho chúng ta thấy một khía cạnh của diện mạo xã hội hiện đại: sự đảo lộn các chân giá trị. Câu chuyện không những là chuyện đấm bốc hay cá độ mà còn là chuyện về sự băng hoại nhân phẩm của con người. Đồng tiền đã tùng tác oai tác quái từ xa xưa nay vẫn giữ nguyên sức mạnh cũ. Nhưng lại phát huy khả năng ở góc độ kín đáo hơn, bỉ ổi hơn.

Có thể nói, tài năng của Hemingway được bộc lộ ở chỗ nói mà không nói, không nói mà lại nói. Những lời đối thoại hay lời kể về cuộc đấu của Jack thì rốt cuộc đâu chỉ còn nói về trận đấu nữa. Và cái “điều không nói”: con người sao lọc lừa đến thế? Tinh thần thượng võ đâu cả rồi?... lại gợi lên nhiều vấn đề tiềm ẩn khiến độc giả phải suy ngẫm. Dĩ nhiên bất cứ một tác phẩm thuộc khuynh hướng tả thực xuất sắc nào cũng có thể thực hiện được điều này. Chỉ có khác là Jack của Hemingway không phải là “điển hình”, anh chỉ là “tính cách” - thói keo tiền rất Ai Len. Chính đặc điểm này đã làm động lực thúc đẩy, làm nền tảng cho lâu đài chiến thắng của Jack.

Vậy, phải chăng Hemingway đặt vấn đề về bản tính của con người? Có lẽ đúng! Đọc ông, ta thấy nhiều tác phẩm có biểu hiện này. Vậy ra, dẫu trực tiếp hay gián tiếp, dẫu nói bằng giọng châm biếm hay giữ thái độ khách quan lạnh lùng... thì Hemingway cũng đã đặt được vấn đề cảnh tỉnh. Tất nhiên bản tính con người theo Hemingway không chỉ là tình dục, lòng tham, hay hào hoa rởm... mà chủ yếu là nghị lực và ý chí. Nói tóm lại đấy là sức mạnh tinh thần.

Ông dùng nó để làm thước đo xác định sức mạnh của con người. Con người mạnh hơn con thú (bò tót, cá kiếm...) là nhờ nghị lực. Jack thắng được Walcott là nhờ khả năng chịu đựng của mình. Anh bồi già (Một nơi sạch sẽ và sáng sủa). Lại mang Kinh Thánh ra giễu trong một đêm mất ngủ: chào hư vô, ắp ứ hư vô, hư vô cùng Người... Nhờ sức mạnh tinh thần này nên con người của Hemingway mới có khả năng đương đầu với cái xấu.

Tuy nhiên, chính sức mạnh tinh thần ấy lại khiến các nhân vật của Hemingway mất ngủ. Đến đây ta gặp ở họ: một con người nhạy cảm. Từ cái lưỡi của Nick (trong Sông lớn hai lòng) đến ánh mắt của ông chủ khách sạn (trong Con mèo trong mưa) đến “khứu giác cực nhạy” của gã mù Blindy... đã cho thấy, về mặt tố chất họ là những con người có khả năng nhạy cảm. Một khả năng nhạy cảm trong một xã hội đã băng hoại về nhiều phương diện, nên họ tựa những “con bướm” trước “cỗ xe tăng”. Kết quả là “con bướm” bị nghiền nát. Kết quả là nếu tồn tại thì những “con bướm” ngây thơ nhạy cảm kia không chừng sẽ hóa thành “những con tê giác” (Ionesco). Và kết quả là nếu cứ tồn tại thì họ cô độc.

Không giống nhiều tác giả hiện đại khác, con người cô độc ở Hemingway gắn với những vết thương. Nói cách khác, chính vì bị tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn nên họ cô độc. Một ông lão (Một nơi sạch sẽ và sáng sủa) ngồi trong quán cà phê đã từng tự sát hụt. Một ông lão khác, không vợ con, không chịu tản cư mà cứ nấn ná trên đường bởi lo cho bầy gia súc (Ông lão bên chiếc cầu). Nick với cái đầu bị chấn thương trong bộ quân phục Mỹ lạc lõng trên tuyến đầu (Con đường bạn sẽ chẳng hề theo)... Cứ thế, thế giới nghệ thuật của Hemingway dần mở ra: những cô điểm cô độc, những người “đàn ông không đàn bà” (theo cách nói của Hemingway), những em bé chết yểu, chàng trai đến tuổi dậy thì tự thiến (Hỡi quý ông, Chúa ban phước lành cho các bạn)... Họ là những diện mạo bất thường. Và một khi kiểu con người này xuất hiện thì cả thế giới đạo đức cũ xưa đã vụn vỡ trước nhưng dục vọng xấu xa của con người.

Có hơn mười lăm quốc gia được tái hiện trong truyện ngắn Hemingway và địa danh của chúng thì nhiều vô kể. Đáng chú ý là những địa danh ấy hoặc là núi rừng sông suối hoặc là quán bar, khách sạn... nơi các nhân vật của ông ghé vào (hay tìm đến) trong một chuyến đi câu, đi săn, du ngoạn, trượt tuyết... hay lánh xa vùng đất mà tâm thức đang réo gào sự quay về.

Là con của một bác sĩ (Hemingway sinh 1899), mẹ là người sùng đạo, thưở bé ngoài những lần theo cha đi chữa bệnh cho cư dân trong vùng Oak Park, Illinois, Hemingway còn được cha dạy cho săn bắn. Ông sớm có năng khiếu văn chương nhưng rời trường lúc vừa tốt nghiệp trung học. Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Hemingway xin đi lính, nhưng một con mắt bị yếu đã ngăn Hemingway thực hiện ý đồ. Không nản lòng, ông xung phong vào đội lái xe cứu thương trên chiến trường Italy. Một lần trên tuyến trước, Hemingway bị bom vùi nhưng thoát chết. Cảm giác “linh hồn bay đi rồi nhập về lại” ấy đã được ông tái hiện trong Bây giờ tôi nằm nghỉ. Vì hành động này, chính phủ Italy đã trao tặng huy chương cho ông. Với 227 mảnh đạn (con số này có lẽ không chính xác) găm vào người, Hemingway được đưa về tuyến sau điều trị. Tại đây ông đã làm quen và yêu cô y tá tên là Agnes. Hai người nguyện ước lấy nhau. Chàng về Mỹ rồi nàng đi lấy chồng. Chuyện tình giữa anh ta (he) và Luz trong Truyện rất ngắn mang âm hưởng từ mối tình có thực này. Trở về Mỹ, Hemingway đi làm báo, đi xem đấu bò ở Tây Ban Nha, đi săn ở Châu Phi, câu cá trên đại dương, tham gia nội chiến ở Tây Ban Nha chống phát-xít Franco... Thế chiến thứ II bùng nổ, ông đưa con tàu Pilar của mình tham chiến bằng cách do thám tàu ngầm của Đức trên biển. Ông là một trong những người đầu tiên vào giải phóng Paris. Suốt đời, Hemingway hầu như sống ở nước ngoài. Ông là người Mỹ, nhưng bối cảnh Mỹ ít xuất hiện trong sáng tác của ông. Duy chỉ mảng truyện về Nick và vài truyện có liên quan đến miệt Michigan, tựa những ký ức không thể phai mờ trong tâm trí của người xa xứ, vẫn luôn hoài niệm về một vùng thơ ấu, miệt rừng với cá hồi, sóc, chồn và người da đỏ chứ không phài là chốn thị thành.

Hemingway mất năm 1961 tại Ketchum do tự sát bằng súng săn.

Dấu ấn của Hemingway in đậm lên thế giới nhân vật. Họ là những quãng đời của chính ông hay là những mảng đời mà ông đã từng tiếp xúc. Vậy nên, đến với truyện ngắn Hemingway, ta có thể đọc được nhiều “câu chuyện” trên số lượng con chữ hạn hẹp. Những con chữ thì khô cứng, xác xơ như thân phận của bao người nhưng nó đâu chỉ là nó mà còn là ta và bao diện mạo khác của cuộc đời.

Hà Nội 3-1998

Lê Huy Bắc