LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Bà Prôxtakôva

Vâng, thưa ông, ông vẫn thích nghe chuyện

từ khi còn nhỏ. Xkôtinin Mitơrôphan giống tôi.

Vị thành niên(1)

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Sau khi đã quyết định xuất bản "Tập truyện vừa của ông I.P.Benkin" mà chúng tôi mang trình độc giả sau đây, chúng tôi muốn đính thêm vào tập truyện một bản tiểu sử, vắn tắt thôi, của tác giả quá cố để thoả mãn một phần nào trí tò mò chính đáng của các bạn đọc vốn yêu chuộng nền văn học nước nhà. Với mục đích ấy chúng tôi định nhờ đến bà Maria Alếchxêépna Tơraphilina, người có họ gần nhất và cũng là người thừa hưởng gia tài của Ivan Pêtơrôvích Benkin; nhưng tiếc thay, bà không thể cung cấp cho chúng tôi được tài liệu nào, vì bà vốn chưa từng được quen biết người đã quá cố. Bà khuyên chúng tôi rằng vấn đề này thì nên hỏi một tiên sinh đáng kính ngày xưa vốn là bạn của Ivan Pêtơrôvích. Chúng tôi liền theo lời khuyên của bà; được ít lâu thì chúng tôi nhận được thư phúc đáp sau đây, đúng như lòng chúng tôi hằng mong đợi. Chúng tôi xin đăng bức thư vào đây, không dám thay đổi hay bàn thêm lời nào, vì đây quả là một di tích quý giá của một trí tuệ bạt thiệp là của một tình bạn cảm động, mà đồng thời cũng là một tài liệu tiểu sử rất đầy đủ.

Nhà Xuất bản Cầu Vồng

Mátxcơva 1985

Thưa quý ngài.

Ngày 23 tháng này, chúng tôi đã có hân hạnh tiếp đặng bức thư đề ngày 15 mà ngài đã có nhã ý gởi cho chúng tôi. Trong bức thư quý ngài có tỏ ý muốn có một tài liệu cặn kẽ về ngày sinh và ngày qua đời, về thời gian làm việc nhà nước, về hoàn cảnh gia đình cũng như về công việc và tính tình của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố, ngày xưa vốn là bạn cố tri và là người láng giềng ở gần ấp chúng tôi. Chúng tôi hết sức vui lòng được chiều theo ý ngài và xin trình để ngài rõ tất cả những điều mà tôi còn nhớ được qua những câu chuyện của người quá cố cũng như những điều quan sát của bản thân chúng tôi.

Ivan Pêtơrôvích Benkin sinh năm 1798 ở thôn Gôriukhinô trong một gia đình quý phái rất mực. Lúc sinh thời cụ thân sinh ra ông ta là đại uý Piốt Ivanôvích Benkin lập gia đình với bà Pêlaghêia Gavrilốpna dòng dõi nhà Tơraphilin. Cụ không phải là người giàu có, nhưng tính vốn cần kiệm và cụ chăm sóc công việc trong điền trang rất khéo léo. Người con trai của cụ thuở bé được học với một ông thầy trợ lễ trong xứ. Có lẽ nhờ ông thầy trợ lễ đáng kính này mà cậu Ivan Pêtơrôvích có được tính ham đọc sách vở và yêu chuộng việc viết lách tiếng Nga. Năm 1815 Ivan Pêtơrôvích sung vào một trung đoàn bộ binh xạ kích (tôi không nhớ số hiệu của trung đoàn) và tòng ngũ trong đó mãi cho đến năm 1823. Hai cụ thân sinh ông mất chỉ cách nhau mấy ngày, khiến ông buộc lòng phải xin giải ngũ và định cư ở thôn Gôriukhinô, quê hương ông.

Bắt tay vào cai quản điền trang, Ivan Pêtơrôvích vốn thiếu kinh nghiệm, lại có tính hay thương người, nên chẳng bao lâu ông ta đã làm cho công việc trong ấp trại bê trễ và để lơi lỏng cái trật tự chặt chẽ mà cụ thân sinh ông đã thiết lập nên. Ông thay đổi người thôn trưởng cũ, một người cần mẫn và đắc lực mà nông dân của ông không bằng lòng (thói họ vẫn thế), rồi giao việc quản lý thôn ấp cho bà quản gia già, được ông rất mực tin cẩn nhờ tài kể chuyện đời xưa. Bà già này có tính lú lẫn không bao giờ phân biệt nổi một tờ giấy bạc hai mươi lăm rúp với tờ năm mươi rúp; nông dân trong làng đều là chỗ thân bằng cố hữu với bà ta, thành thử chả sợ bà tí nào cả; họ bầu nên một viên thôn trưởng mới, lão này dung túng họ và về hùa với họ để lừa dối chủ, đến nỗi Ivan Pêtơrôvích buộc lòng phải bãi bỏ lao dịch, chỉ thu một số địa tô rất nhỏ. Ấy thế mà nông dân vẫn lợi dụng nhược điểm của ông, năm đầu họ nài xin ông một khoản chiếu cố vớ vẩn, rồi đến năm sau hơn hai phần ba số tô họ trả bằng hạt dẻ, bằng quả việt quất và những thứ tương tự như thế; đã vậy lại còn thất thu nữa.

Vốn là chổ bạn bè với cụ cố thân sinh ra Ivan Pêtơrôvích, tôi tự thấy có bổn phận phải góp ý khuyên can ông ta và đã nhiều lần ngỏ ý tự đứng ra khôi phục lại cái trật tự cũ mà ông ta đã để cho suy vi. Với mục đích đó, có lần tôi đã đến nhà ông đòi đưa các sổ sách ra, gọi tên thôn trưởng ăn cắp ấy tới, và trước mặt Ivan Pêtơrôvích tôi liền bắt tay vào xem xét các sổ sách. Vị chủ nhân trẻ tuổi lúc đầu hết sức chăm chú theo dõi tôi; nhưng tính toán một lúc thấy rằng trong hai năm gần đây số nông dân tăng lên gấp bội, số gà vịt và bò ngựa lại hao hụt trông thấy, thì Ivan Pêtơrôvích đã lấy làm thoả mãn với những số lượng đầu tiên ấy và không chịu nghe tôi nói nữa, ngay vào cái lúc mà tôi đã bằng những tìm tòi và những câu hỏi vặn nghiêm khắc của mình làm cho viên thôn trưởng ăn cắp kia hết sức lúng túng không biết đằng nào mà chối cãi nữa, tôi bực bội biết bao khi nghe thấy Ivan Pêtơrôvích ngồi trên ghế mà ngáy to như sấm. Từ đó tôi không can thiệp vào công việc quản lý điền trang của ông ta nữa và (cũng như bản thân ông ta) phó mặc công việc nhà ông cho Thượng đế.

Song le việc trên đây không hề có phương hại gì đến mối quan hệ giữa hai chúng tôi; vì trong khi tôi lấy làm buồn về cái tính nhu nhược và cái thói cẩu thả vô tư thường thấy trong đám thanh niên quý tộc ở nước ta, tôi vẫn thành thật quý mến Ivan Pêtơrôvích; vả lại không thể nào không quý mến một người trẻ tuổi hiền lành và trung hậu như vậy. Về phần mình, Ivan Pêtơrôvích cũng kính nể tuổi tác của tôi và có lòng quyến luyến tôi rất mực. Mãi cho đến cuối đời hầu như là ngày nào ông cũng gặp tôi, thích nghe những lời trò chuyện thô thiển của tôi, mặc dù Ivan Pêtơrôvích với tôi không có gì giống nhau cho lắm về tính tình, tập quán, hay nếp suy nghĩ.

Ivan Pêtơrôvích sống một cuộc sống rất điều độ, tránh mọi sự thái quá; chưa bao giờ tôi thấy ông ngà ngà hơi rượu (ở như địa phương chúng tôi thì điều này có thể xem là một điều kỳ diệu phi thường); đối với nữ giới thì ông ta cũng rất có cảm tình đấy, nhưng bản tính ông ta lại rụt rè, bẽn lẽn như con gái*.

Ngoài những truyện vừa mà ngài có lòng biết đến trong bức thư, Ivan Pêtơrôvích còn để lại nhiều bản thảo viết tay. Một phần các bản thảo đó thì tôi giữ, còn một phần thì được bà quản gia đem sử dụng vào những công việc nội trợ. Chẳng hạn mùa đông năm ngoái tất cả các cửa sổ ở đầu hồi nhà bà ta ở đều được dán bằng phần đầu một cuốn tiểu thuyết mà Ivan Pêtơrôvích viết dở. Những truyện vừa nói trên hình như là thí nghiệm đầu tiên của ông về mặt văn chương. Theo Ivan Pêtơrôvích nói, thì phần lớn những truyện đó đều là những truyện có thật mà ông đã nghe nhiều nhân vật khác nhau kể lại**. Song hầu hết các tên họ trong truyện đều là do ông đặt bày ra, còn tên các làng các xã thì mượn ở vùng quê chúng tôi, cho nên tên làng tôi cũng có lần được nhắc đến. Sở dĩ như vậy không phải vì Ivan Pêtơrôvích có ác ý gì, mà chỉ vì ông thiếu óc tưởng tượng đó thôi.

Mùa thu năm 1828 Ivan Pêtơrôvích bị cảm hàn, lên cơn sốt nặng và từ trần, mặc dù ông thầy thuốc ở huyện chúng tôi đã cố gắng tận tình vẫn không sao cứu khỏi. Ông thầy thuốc này là một người chữa bệnh rất giỏi, nhất là các bệnh kinh niên như thể bị lên chai vân vân. Ivan Pêtơrôvích tắt nghỉ trên tay tôi, hưởng thọ ba mươi tuổi và được chôn cất ở nhà thờ làng Gôriukhinô bên cạnh ngôi mộ hai cụ thân sinh của ông.

Sinh thời Ivan Pêtơrôvích là người tầm thước, mắt màu xám, tóc vàng sẫm, mũi thẳng, da mặt trắng, khuôn mặt hơi gầy.

Thưa tiên sinh, đó là tất cả những gì mà tôi còn nhớ lại được về nếp sống, công việc, tính tình và dung mạo của người láng giềng và người bạn đã quá cố của tôi. Nhưng nếu ngài thấy cần sử dụng bức thư của chúng tôi vào một công việc nào đó thì tôi thiết tha cúi xin ngài miễn nhắc đến tên tôi; bởi vì mặc dù tôi rất kính trọng và quý mến các nhà viết văn, nhưng tôi thấy mình không cần thiết phải mang danh hiệu đó, vả chăng tuổi tác như tôi mà làm như vậy thì e khiếm nhã.

Tôi xin có lời trân trọng v.v...

Ngày 16 tháng 11 năm 1830

Thôn Nhênarađôvô

Chúng tôi thấy có bổn phận tôn trọng ý nguyện của người bạn đáng kính của tác giả và xin gởi đến quý tiên sinh lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi về những tài liệu mà chúng tôi đã được cung cấp, và hy vọng rằng công chúng độc giả sẽ quý trọng tấm lòng chân thành và thiện ý của quý tiên sinh.

A.P.

*Tiếp theo là một mẩu chuyện mà chúng tôi xin miễn đăng vào đây vì trộm nghĩ là không cần thiết; song le, chúng tôi cũng xin quả quyết thưa với độc giả rằng mẩu chuyện đó không hề có gì phương hại đến hương hồn Ivan Pêtơrôvích Benkin (Lời chú thích của A.X.Puskin).

**Quả thật là trong bản viết tay của ông Benkin cứ trên mỗi câu truyện như vậy lại thấy có dòng chữ của tác giả viết: chuyện này tôi nghe một cá nhân nào đó (chức tước hay cấp bậc kèm theo chữ đầu tên họ) kể lại. Chúng tôi xin ghi lại đây để các độc giả hiếu kỳ tham khảo: "Người coi trạm" là do viên quan cửu phẩm A.G.N. kể lại; truyện "Phát súng" là do trung tá I.L.P. kể lại; "Người chủ hiệu đám ma" là do ông quản lý cửa hàng B.V. kể lại, truyện "Bão tuyết" và "Cô tiểu thư" là do cô C.I.T. kể lại (Lời chú của A.X.Puskin).

PHỤ LỤC

Tập truyện vừa của Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố được Puskin viết vào mùa thu năm 1830 tại Bônđinô. Thứ tự hoàn thành từng truyện như sau: “Ông chủ hiệu đám ma” viết xong ngày 9 tháng Chín, "Người coi trạm" – 14 tháng Chín, "Cô tiểu thư nông thôn" – 20 tháng Chín, "Phát súng" – 14 tháng Mười, "Bão tuyết" – 20 tháng Mười, Công việc viết lời mở đầu liên kết các truyện vào một chuỗi thống nhất và liên quan với người mà tác giả bịa đặt ra – Benkin, bắt đầu ngay từ mùa thu 1829, khi Puskin phác thảo bức thư của viên địa chủ... gửi cho nhà xuất bản (tác giả tương lai của “các truyện” ở đây mang tên là Piốt Ivanôvích Đ.).

Lần đầu tiên tác phẩm này của Puskin in ở Pêterburg tháng Mười năm 1830 dưới nhan đề “Tập truyện vừa của Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố", do A.P. xuất bản".

Chú thích:

(1) Đề từ trích trong vở hài kịch "Vị thành niên" (1782) của nhà văn viết kịch Nga Đ. I. Phônvidin (1745-1792).