- I -

Thằng Sinh năm nay học lớp nhất trường Trảng Bàng.

Nó là một đứa học trò giỏi, nhưng phải cái tật ham mê đọc sách nhảm.

Những sách của nó đọc không phải là sách học ở nhà trường, cũng không phải những sách giải trí hoặc giáo dục dành riêng cho trẻ em, mà là những bộ truyện Tàu và kiếm hiệp hoang đường nhảm nhí... Bộ nào bộ nấy dày kết sù, thế mà nó nhai ngấu nghiến từ bộ này sang bộ khác, từ trong lớp học cả đến giờ chơi. Trong lớp, nó giấu sách trong hộc bàn, giả vờ cúi đầu nhìn vào tập, nhưng thật ra tâm hồn nó đang mê man theo những hành động kỳ quái của những nhân vật trong truyện. Đến khi thầy gọi đến, hỏi nó một câu về địa dư hay cách trí, thì nó giật mình đứng dậy, mặt mày ngơ ngác như vừa ở cung trăng rớt xuống. Đợi cho thầy lập đi lập lại câu hỏi vài ba lần, nhờ trí thông minh sẵn, nó mới nhớ mà trả lời trôi chảy.

Những khi giờ chơi, nó họp bạn bè lại dưới gốc cây trâm, rồi bàn nào là chuyện trên trời dưới đất, chuyện Tôn - Hành - Giả cân đấu vân, chuyện nhà sư tu ngàn năm đắc thành chánh quả, chuyện những vị tiên ngồi trong thạch động để luyện thuốc trường sanh.

Tâm hồn Sinh lúc nào cũng vấn vương những chuyện hoang đường, huyễn hoặc. Có nhiều lúc ngồi một mình, nhìn lên trời thấy vầng mây bao phủ, nó cứ tưởng trên mỗi đám mây này có một vị tiên nào đứng, có lẽ đang vân du đến một nơi biển tú non ký nào. Và có những đêm đang ngồi học bài, nó bỗng đặt tập xuống, ao ước có một vị tiên trưởng nào từ trên chòm mây sa xuống rước nó về động, truyền dạy phép mầu cho nó. Nó nhìn ra hai bên đường, loang loáng tàng lá dưới ánh trăng xanh, chép miệng nghĩ thầm: “Mình mà biết phi hành, mình sẽ chạy nhảy trên những tàng cây kia, thật là thú biết bao nhiêu”. Rồi nó nghĩ đến những hành động nghĩa hiệp, những cử chỉ anh hùng, những cuộc gặp gỡ ly kỳ đầy thơ mộng.

Nó không học gì nữa. Nó xếp tập vào tủ, lên giường nằm để có giờ nghĩ nốt cuộc phiêu lưu trong tưởng tượng.

Sinh vừa chớp mắt bỗng có người đánh nó thức dậy. Đó là một cụ già râu tóc bạc phơ, có vẻ tiên phong đạo cốt. Nó ngoan ngoãn theo cụ ra sân. Cụ nắm chặt lấy tay nó, hỏi:

- Cậu bé có nhìn ra ta là ai không?

Sinh trố mắt nhìn mãi vẫn không nhận ra là ai. Nó đành lắc đầu:

- Không, tôi chưa hề biết cụ bao giờ.

Ông cụ vuốt râu cười:

- Ta là người mà cậu hằng mong gặp đó.

Sinh cố nhớ, vẫn không nhớ là ai. Nó thấy đôi mắt của cụ sáng quắc, mình mặc đạo bào màu lục, tay cầm cây phất trần. Nó chợt nhớ đến những vị tiên ông mà nó thường đọc trong truyện và nó buột mồm thét lên:

- Phải rồi, cụ là một bậc tiên trưởng ở một động phủ nào đó.

Ông cụ đưa tay lên vuốt râu, cất tiếng cười hà hà:

- Nhà ngươi thông minh thật! Ta là Vương Ngao lão tổ, người mà ngươi hằng thành tâm cầu nguyện được gặp đó. Ta cảm vì lòng thành của ngươi mà đến đây, nhưng chưa biết ngươi có đủ khả năng để trở nên một đồ đệ của ta chăng? Vậy ngươi hãy theo ta.

Vừa nói, cụ già mặc đạo bào vừa nắm tay Sinh đi như bay. Lạ chưa! Thân thể Sinh bỗng nhẹ như lông, rồi từ từ bay lướt theo cụ.

Đến một nơi cây cỏ xinh tươi, muôn hoa đua nở, Sinh ngạc nhiên thấy trước mặt mình một hòn núi cao sừng sững, khác hẳn với những ngọn núi ở thế gian. Mùi hoa hoang dã tỏa ngát đưa hương, và tiếng vượn hú, chim kêu điều hòa như một bản nhạc.

Ông lão buông tay Sinh ra, mỉm cười nói:

- Đã đến động phủ ta rồi. Nhưng ngươi lòng trần còn ám, khí tục chưa tan, chưa thể vào động phủ ta được. Mặc dù ngươi có tâm thành nhưng chí khí của ngươi còn non nớt. Ngươi khá rèn luyện cho tâm trí thêm cứng cỏi, lòng trong sạch lâng lâng, chịu kham khổ, chịu thử thách, như vậy ngươi mới được vào hàng đệ tử tiên gia.

Sinh cúi đầu vâng dạ. Ông cụ chỉ hòn đá bên cửa động, tiếp:

- Ngươi hãy đến ngồi trên hòn đá kia, nhớ đừng bén mảng đi đâu. Đó là nơi để ngươi luyện tâm trí. Cố giữ cho lòng luôn luôn thanh tịnh, thấy nguy đừng sợ sệt, thấy động đừng lo lắng, thấy vắng đừng hoang mang. Ngươi giữ được như vậy thì không có gì dám động đến người ngươi được.

Dứt lời, cửa động mở toát. Một đồng tử từ trong đi ra, khẽ cúi đầu chào tiên trưởng, rồi cùng ông thong thả bước vào.

Sinh ở lại một mình giữa bốn bề vắng vẻ. Cách vài trăm thước là một khu rừng dày đặc đang chìm đắm trong màn đêm huyền bí, âm u. Cây cỏ lao xao theo chiều gió, bật lên những tiếng rên siết rùng rợn. Từng đàn dạ điểu thấp thoáng về phía rừng như những bóng ma.

Mặt trăng thượng tuần vừa lú lên khỏi đầu núi. Ánh trăng nhuộm một màu xanh huyền hoặc càng làm cho cảnh đêm vắng thâm u. Sinh thấy lạnh toát người. Bình sinh nó rất sợ bóng tối, huống chi đây là nơi đầy vẻ u huyền.

Trán nó rươm rướm mồ hôi. Nó ăn năn tại sao lại theo cụ già ấy đến đây làm gì.

Bỗng nó nghe một tiếng gầm lên dữ dội. Rõ ràng là tiếng hổ. Nó lạnh toát người. Tiếng chân hổ đi xào xạc trên lá càng làm cho nó rởn gáy. Mắt nó chăm chú vào phía có tiếng động, tâm trí nó bấn loạn, không biết có nên chạy hay không, và chạy đàng nào?

Tiếng động mỗi lúc một gần, rồi một con vật vạm vỡ từ trong rừng lù lù ra. Đôi mắt nó sáng quắc nhìn phía Sinh, mồm nó gầm gừ như dọa nạt.

Sinh không còn hồn vía nào nữa. Tứ bề vắng vẻ mà cửa động thì đóng im lìm. Con vật tư từ tiến đến. Còn cách hai mươi thước, mười thước, rồi năm thước. Sinh hoảng hốt, chạy nhanh về phía cửa động, vấp một hòn đá, ngã lăn quay.

*

Sinh giật mình tỉnh dậy, thì ra là một giấc chiêm bao. Mình nó còn đầy toát mồ hôi, ngực nó còn hồi hộp. Bên ngoài gà đã gáy sáng, và ánh mặt trời lọt qua khe cửa làm cho nó trở lại bình tĩnh.

Giấc mơ quái lạ, làm cho nó suy nghĩ nhiều lắm. Nó tự hỏi: “Hay là mình gặp tiên ông thật? Và đó chỉ là một cách thử thách tánh can trường của mình?” Nó nhớ đến chuyện Tôn Hành Giả tìm thầy ngày xưa, mà càng tin ý nghĩ của mình là đúng. Nó tự trách: “Sao mình lại nhát gan lắm vậy? Cọp ở tiên động bao giờ ăn thịt người mà sợ?”. Rồi nó tự trách cử chỉ hèn nhát của mình.

Bao nhiêu ý nghĩ ấy vẩn vơ trong tâm trí nó suốt ngày. Tối lại, nó đem chuyện đó thuật lại cho ông nó nghe. Ông nó nghe xong cười mà rằng:

- Cháu nghĩ đúng đó, và lời của vị tiên trưởng mà cháu trông thấy cũng rất đúng. Phải luôn luôn cố giữ cho lòng được thanh tịnh, thấy nguy đừng sợ sệt, thấy động đừng lo lắng, thấy vắng đừng hoang mang. Tại cháu không giữ được những điều ấy, nên chắc rằng vị tiên đó không còn dạy cháu nữa đâu.

Ông Sinh vừa nói vừa cười, nụ cười nở rộng trên môi bao hàm đầy ý nghĩa. Sinh nghe lời ông nói, tâm trí càng phân vân. Nó hỏi tiếp:

- Vậy vị tiên trưởng ấy có thật, hở ông?

- Thì có thật cháu mới thấy đó chớ.

- Và con cọp ấy cũng có thật?

- Nếu không có thì cháu đã không hoảng sợ mà ù té chạy.

Sinh suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Cháu sẽ cố gặp lại cảnh ấy một lần nữa.

Ông Sinh hỏi:

- Cháu không sợ cọp sao mà còn muốn gặp?

Sinh cương quyết:

- Lần này thì cháu không sợ.

Ông Sinh phì cười:

- Vậy thì có lẽ cháu sẽ được gặp nữa. Thôi cháu hãy đi học bài đi, rồi vào ngủ sớm. Không có vị tiên nào giúp cháu không học mà thuộc bài đâu.

Sinh ngồi vào bàn học mà trí nó vẫn in rõ hình ảnh đêm hôm. Nó cố nghĩ ngợi liên miên về cái ông cụ mặc áo đạo bào đến khi chợp mắt lúc nào nó không hay.