(theo Marie Claire)

LTS - Những thôn nữ Việt Nam ngày nay kết hôn không phải vì tình yêu. Ngược lại họ lấy chồng chỉ để tồn tại và giải quyết khó khăn tài chánh cho nên họ tự xếp mình vào những hàng dài chờ phỏng vấn hay thử nghiệm xem còn trinh tiết hay không. Trong khá nhiều trường hợp, chồng của họ là những người đàn ông Ðài Loan già hay tật nguyền. Họ lấy nhau chỉ trong vòng ba ngày. Nhưng thật ra những cuộc hôn nhân có mang lại hạnh phúc cho họ không. Bài báo của tờ Marie Claire có thể là là một câu trả lời.

* Những thiếu nữ từ vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam thường đẹp nhưng nghèo. Trầm Thị Bé là một trong số những người con gái này, với mớ tóc đen và dài, dáng dấp nhỏ bé, chiều cao khoảng 4 feet 9, nặng khoảng 93 pounds. Năm 19 tuổi, Bé tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp. Cả gia đình cô sống dưới túp lều tranh, làm ruộng và buôn bán ở chợ quê. Nhưng cô gái này đã bị đưa vào thị trường hôn nhân hồi tháng Bảy năm ngoái sau một hành trình 6 giờ đồng hồ bằng thuyền, xe đò và xe gắn máy đến thành phố Hồ Chí Minh, tên cũ là Sài Gòn. Nhưng Trầm Thị Bé hiểu rằng một người con gái chưa có chồng nay đang trở thành nguồn tài chánh của gia đình. Bởi thế, cô quyết định bán một điều mà cô có - không phải để làm gái ăn sương hay gái karaoke như hiện nay ở Sài Gòn - mà là làm vợ.

Tại Việt Nam, hầu hết những cô gái lớn lên đều hiểu rằng, một ngày nào đó họ phải lấy chồng và theo chồng. Bé cũng có một người tình, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì mối tình tan vỡ. Và sau đó, người chủ tiệm cà phê nơi Bé đang làm việc đưa cho cô số điện thoại của người mai mối tại Sài Gòn, một loại người bao giờ cũng hứa tìm cho những cô gái như Bé một người chồng giàu có ở Ðài Loan.

Nếu như lợi tức hàng tháng của một số thành phần dân chúng nông thôn Việt Nam chỉ khoảng 20 đô la so với 480 đô la tại Ðài Loan, thì mức chênh lệch này chính là nguyên nhân khiến cho một số cha mẹ Việt Nam trong các gia đình nghèo khó áp lực con gái họ phải bước vào những cuộc hôn nhân kinh tế này với hy vọng con mình có một đời sống tốt đẹp hơn và nếu gởi được tiền về giúp gia đình thì càng tốt. Một cô em họ của Bé đã lấy một người đàn ông ở Ðài Loan và gia đình cô ta trở thành giàu có hơn. Tại tỉnh Cần Thơ, nơi Bé được sinh ra và lớn lên, mọi người đều biết rằng, một gia đình sống trong một căn nhà gạch khang trang thì có nhiều phần trăm gia đình đó có con gái lấy chồng người Ðài Loan. Trong số 12,000 cô gái Việt Nam lấy chồng Ðài Loan năm ngoái thì có 2,000 cô là từ các làng mạc thuộc tỉnh Cần Thơ. Dù sao, Bé cũng đã gọi cho văn phòng mai mối hôn nhân sau khi cô đã cân nhắc.

* Mai mối hôn nhân hay buôn bán phụ nữ?

Những viên chức Việt Nam và Ðài Loan đã được báo động bởi số lượng các cô gái Việt Nam như Bé mà họ đã gặp và số lượng đàn ông Ðài Loan muốn lập gia đình. Trong một thập niên vừa qua, nhà cầm quyền của cả hai nước đã ghi nhận được khoảng 80,000 cô dâu Việt Nam đang sống tại Ðài Loan. Phần lớn các cuộc kết hôn này đều do từ các văn phòng mai mối hôn nhân. Những cuộc dàn xếp trên phần lớn đều do những văn phòng này thực hiện khiến cho những cô gái trẻ dễ bị xâm phạm và lọt vào vùng xám của đường dây buôn người quốc tế. Theo một nghi định thư của LHQ, “buôn người” có thể định nghĩa là do việc trả tiền hay ép buộc, do hành động bắt cóc hoặc do những áp lực có hiệu quả hơn chẳng hạn như sự bảo đảm về tài chánh” khiến một người như Trầm Thị Bé có thể phải đổi chỗ ở. David Wu, tổng giám đốc Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa Ðài Bắc của Ðài Loan tại Sài Gòn, nơi cấp chiếu khán cho những cô dâu Việt Nam nhập cảnh Ðài Loan cho biết: “Những cô dâu này không có ý niệm gì về hoàn cảnh mà họ sắp bước chân vô. Họ tin rằng họ là những Cinderella sắp kết hôn với các Hoàng Tử Quyến Rũ”. Nhưng đằng sau những “hoàng tử trong mộng” ấy của họ đều là những thanh niên Ðài Loan ở tuổi 30 với trình độ học vấn chỉ mới tới trung học đệ nhất cấp. Ở Ðài Loan, những phụ nữ có chút học vấn thà ở vậy hơn là kết hôn với một đàn ông có lợi tức thấp. Do đó mà đàn ông Ðài Loan ngày càng hướng về Việt Nam.

Những cô dâu Việt Nam đều là những người chưa có sự chuẩn bị nào về những thực tế trong đời sống mới mà họ phải đối phó, dù rằng có những tổ chức của cả hai nước cố gắng bảo vệ họ. Những tổ chức của phụ nữ tại địa phương ở Cần Thơ và những thành phố khác luôn luôn khuyến cáo các cô gái là hãy coi chừng, có khi lấy phải những người chồng tàn tật hoặc bị tâm thần trì độn, hoặc những người chồng đi mua vợ và sau đó đẩy họ vào con đường mãi dâm. Nhưng với những khoản tiền được hứa, rất ít người trong số họ lưu ý những khuyến cáo này. Văn phòng của Wu tại thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho những cô dâu Việt Nam sắp sang Ðài Loan theo chồng những số điện thoại khẩn cấp để thông báo trong trường hợp họ bị ngược đãi ở Ðài Loan. Chính phủ Ðài Loan cũng đã tổ chức những lớp học để giúp đỡ những cô dâu Việt này học tiếng phổ thông, hay còn gọi là tiếng Quan Thoại để họ không hoàn toàn bị chồng chế ngự. Nhưng dù được bảo vệ như vậy, vẫn có từ 5 đến 10% cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị và khoảng từ 20 đến 30% các vụ ly dị này đều là kết qủa của bạo lực gia đình.

Trong một vài trường hợp, hôn nhân kết thúc bằng việc cô vợ Việt Nam chờ đợi 3 năm để được nhập quốc tịch Ðài Loan, sau đó cô ly dị và quay về Việt Nam lấy người bạn trai của mình mang sang Ðài Loan. Một trường hợp khác, cô dâu mới cưới từ Việt Nam qua được hai tuần lễ thì biến mất với tất cả tiền bạc của chồng trong tay. David Wu cho biết cảm tưởng: “Một người đàn ông có thể gặp tới 127 cô gái Việt để chọn lựa và họ cưới nhau trong vòng 3 ngày. Rõ ràng họ đánh canh bạc với hạnh phúc của mình. Họ cũng không rõ gia đình nhau cũng như quá khứ của hai bên gia đình như thế nào”.

*Những chàng rể Ðài Loan...

Trong buổi sáng ngày đầu tiên tại văn phòng môi giới hôn nhân ở Sài Gòn, Bé mặc một quần jean và một áo pull Ðài Loan để đến văn phòng này tọa lạc trong một khách sạn cũng giống như hàng trăm cô gái khác cùng đến đây một lượt. Trầm Thị Bé ngồi cắn môi lo lắng, trong khi những người có thể là chồng cô nhìn như thể Bé là món hàng buôn bán vậy. Trong số những người đàn ông này, có cả những ông già chống gậy, lẫn những người tàn tật phải ngồi xe lăn. Bé hy vọng những người đàn ông này không chọn nàng.

Ðến ngày thứ sáu, Bé bước vào phòng và gặp Wang Chen Wen. Là một giáo viên, Wang có trình độ học vấn cao hơn hầu hết những người đang đi chọn vợ ngày hôm ấy. Tất cả những gì cô gái này còn nhớ được trong ngày cách đây gần một năm là sự sợ hãi. Cô nói: “Tôi rất lo”. Còn Wang thì nhớ lại giây phút ấy, nhưng cảm quan thì hoàn toàn khác: “Khi tôi nhìn thấy cô ấy, tìm tôi bắt đầu đập”. Vừa nói anh vừa ra dấu bằng cách đập nhẹ nắm tay vào ngực. Wang mới 31 tuổi, cởi mở và thân mật. Cũng giống như Bé, anh là con thứ hai còn trẻ nhất trong một gia đình 8 anh em. Hai năm trước đây, anh đã mua được một căn apartment 3 phòng ngủ gần Ðài Bắc thủ đô của Ðài Loan. Bố mẹ Wang từ Ðài Trung lên ở chung với anh nhưng sau vì lạnh quá họ không chịu nổi cho nên lại quay về Ðài Trung. Mẹ Wang cứ thúc anh lập gia đình, nhưng anh vẫn có một khuyết điểm là hơi lùn.

Có một hôm, Wang đọc được những quảng cáo nói đến những cô dâu Việt Nam, kể cả một mẫu quảng cáo nói thẳng ra như thế này: “Hàng trăm cô gái phẩm hạnh cao và đẹp để cho các bạn lựa chọn”. Ở Ðài Loan trung bình một đám cưới đã phí tổn khoảng 8,000 đô la, nhưng chính Wang đã được nghe miệng một người môi giới hôn nhân nói rằng với số tiền trên Wang có thể gặp và cưới một cô gái Việt Nam.

Trong vòng một tháng, Wang cùng bà mẹ bay sang Sài Gòn. Trong khi các cô gái đi qua đi lại trước mặt họ, bà mẹ Wang ngồi nghiên cứu xem cô nào có nét mặt phúc hậu. Nhưng chẳng có cô nào trong số này có thể làm cho Wang cảm thấy rung động cho đến khi Bé xuất hiện. Cuối cùng Wang phải quyết định một trong hai người, Bé và một cô khác do bà mẹ ưng ý. Wang cần phải hỏi họ một vài câu qua lời thông dịch viên:

- Tại sao cô muốn lấy một người Ðài Loan?

- Do tin tức truyền miệng.

- Cô có muốn thường xuyên về Việt Nam một khi cô đã lập gia đình không?

- “Ðiều đó tùy thuộc người chồng”. Cả hai cô đều trả lời như vậy cả.

- Nếu cô chỉ có về thăm nhà 3 năm một lần thì cô vẫn lấy người đàn ông đó chứ?

Cả hai trả lời: “Vâng”

- Ðiều kiện tài chánh của người đàn ông không được sung mãn. Một khi đã ở Ðài Loan rồi, cô sẽ phải làm việc để giúp đỡ gia đình, cô có chịu như vậy không?

Cả hai đều trả lời là chịu.

Nhưng cuối cùng Wang đã chọn Bé, và cầm lấy tay nàng. Ðêm đó, Bé gọi cho gia đình ở Cần Thơ để thông báo đám cưới của cô sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày...

Vào tháng 10 năm ngoái, 3 tháng sau khi gặp và kết hôn với Wang, Bé rời Sài Gòn đi Ðài Loan. Chỉ tới lúc đó Bé và Wang mới có dịp tìm hiểu nhau và cô dâu Việt Nam này mới cảm thấy dễ chịu hơn để đối phó với cuộc sống mới. Bé không phải đi làm. Hàng ngày cô đi học tiếng Quan Thoại và lo cơm nước cho chồng. Wang chỉ muốn cho vợ đi làm sau khi đã thành thạo tiếng Trung Hoa và anh thành thạo tiếng Việt. Wang vẫn chưa thích hợp với món ăn Việt Nam, trong khi Bé cũng không thích món ăn Trung Hoa.

Những lúc rảnh rỗi hai vợ chồng thường đến một cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh: vợ Việt Nam, chồng Ðài Loan. Cả hai vợ chồng này thường cãi nhau và người chồng hay to tiếng vì cô vợ xử sự quá đáng. Bé may mắn hơn. Wang kiếm được khoảng 1,000 đô la một tháng. Anh trích ra 120 đô la như tiền để riêng cho vợ. Họ mua sắm đủ thứ kể cả một chiếc xe gắn máy và một xe hơi. Khi cả hai vợ chồng về Cần Thơ ăn Tết kỳ vừa rồi, Bé đã tặng gia đình 400 đô la và quà của cậu con rể là một TV màn ảnh phẳng lớn.

Trầm Thị Bé đã hỏi chồng là liệu có khi nào cả hai trở lại Việt Nam sống không? Wang cho biết rằng khi nào anh về hưu và con cái lớn sẽ trở về quê vợ sống vui thú điền viên.

Bé hiện đã có thai ba tháng và Wang đưa vợ đi để làm siêu âm và chuẩn bị cho đứa con ra đời. Khi đưa vợ đến bệnh viện, một cô y tá người Ðài loan hỏi Wang tại sao anh lấy vợ Việt Nam, Wang khôi hài: “Tôi đã hỏi cả ba cô nữ y tá chẳng cô nào chịu tôi cả”.

Cuộc sống của vợ chồng Wang - Bé tương đối hạnh phúc và yên ấm. Những lúc hai vợ chồng thân mật, vợ đặt tay lên đùi chồng và chồng vòng tay qua ôm vai vợ, những lúc như thế ít ra cả hai đã tìm được một thứ ngôn ngữ chung, thứ ngôn ngữ mà chỉ có họ mới chia sẻ được với nhau mà thôi. (V.H.T.)