Ở nơi nào có cây dẻ gai, chương 01- 03

Giới thiệu:

Là giám đốc sáng tạo của Smart Media JSC, thành công với vai trò biên kịch và quản lý nội dung của series phim Những phóng viên vui nhộn, Cửa sổ thủy tinh; tham gia viết kịch bản một số phim truyền hình như Cầu vồng sau mưa, Hương tình yêu, Làng trống… lần này Vũ Phương Thảo thử sức trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, viết văn với tác phẩm đầu tay “Ở nơi nào có cây dẻ gai”. Đây không phải một cuốn sách có thể đọc vội, vì thế đừng nghĩ đến nó nếu bạn đang bận rộn. Đây cũng là một cuốn sách khó có thể ngừng giữa chừng, vì thế nếu không có cả một buổi rảnh rỗi thì đừng cố chinh phục nó, bởi lẽ bạn sẽ chẳng thể nào đứng lên mà tập trung được vào việc khác.

Câu chuyện kể về một góc nho nhỏ trong lòng Hà Nội, ở một con phố nào đó có một quán nho nhỏ, chẳng biết nên gọi là bar hay café nữa, gọi là Jukebox, nơi diễn ra biết bao nhiêu câu chuyện buồn vui của những người trẻ tuổi. Không gian truyện rất hẹp, hầu như chỉ quanh quẩn trong cái quán bé xíu đó, họ ăn uống cùng nhau hay ra ban công ngồi uống rượu một mình, vui cười cùng nhau hay chỉ lặng lẽ bên nhau vượt qua nỗi đau. Họ đều có một cái tên rất cụ thể trong cuộc đời này, là Di, Vũ, Phương, Thu và Vinh. Nhưng dường như người đọc sẽ nhớ đến nhiều hơn những cái tên như cô hàng xóm, anh hàng xóm, anh chàng xỏ khuyên đen, cô phục vụ hay anh chàng bartender. Bởi lẽ ngoài kia sẽ có hàng bao nhiêu cái tên Di, tên Vũ như thế, nhưng ở Jukebox này chỉ có một cô hàng xóm, một anh hàng xóm mà thôi. Họ tồn tại trong cuộc sống của nhau với vai trò độc nhất như thế, và tồn tại trong lòng người đọc với một bản sắc như thế.

Ở cuộc đời này, câu chuyện của mỗi người họ là vô vàn mảnh vỡ, nhưng ở Jukebox này, họ lại là những mảnh vỡ vừa khít với nhau. Những câu văn rất đẹp, rất đẹp cứ trải dài theo trang giấy, nhẹ nhàng, điềm đạm, phảng phất nỗi ưu tư, từng câu chuyện được kể lại một cách bình thản, tác giả không tả nhiều, không cảm nhiều, chỉ kể thôi cũng đủ khiến lòng người bối rối, thấy nhoi nhói nơi trái tim, nghèn nghẹn nơi cổ họng và cay cay nơi đáy mắt.

Rất nhiều chi tiết xuất hiện trong truyện đầy ám ảnh, như mùi thịt xiên nướng thơm phức xuất hiện mỗi đêm, những cuộc điện thoại dai dẳng từ một số ẩn mà Di chỉ bắt máy nhưng không nghe, tổ hợp kì lạ của Jack và Tonic mà họ vẫn thích uống, cô gái bí ẩn trong tờ rơi tìm người của Vũ…

Lời giới thiệu

Khi tình yêu ra đi, nó để lại những vết xước và khoảng trống...

Di, sau tình yêu với anh chàng nhiếp ảnh, lựa chọn cuộc sống im lặng bên công việc, bạn bè cùng khăn len xanh và Jack tonic để chờ đợi một cách bướng bỉnh. Còn Vũ, sau tình yêu mà anh luôn tôn thờ thì giam mình trong những dằn vặt của quá khứ, im lặng với hiện tại và hoài nghi ở tương lai.

Và cuộc sống xóa dần những khoảng trống, hàn gắn những vết xước bằng những cuộc gặp gỡ, va chạm và thử thách...

Số phận đã đưa Di và Vũ đến với nhau sau tiếng vỡ “Choang” của chậu xương rồng khi chiếc giày Ý một ngàn năm trăm đô Vũ mượn người bạn dành cho buổi hẹn hò đáp xuống ban công nhà Di. Cô gái có thói quen ngồi ngoài ban công, cuộn mình trong chiếc chăn, trên cổ là chiếc khăn màu xanh da trời, trên tay là cuốn sách, bên cạnh là cái bếp điện với những xiên thịt nướng thơm lừng mùi gia vị và dầu hào trong ký ức mơ hồ của Vũ dần trở nên rõ rệt.

Di và Vũ lật từng trang trong quá khứ của nhau để biết đối mặt với hiện tại, trở về với con người thật của mình rồi tìm cho mình một hướng đi để đến với niềm hạnh phúc còn đang ở phía trước.

“LOSERS” – những kẻ thất bại ở những năm tháng đầu tiên của cuộc đời đã dần tìm lại niềm tin vào cuộc sống, tình yêu, tình bạn và tình người để trở thành “WINNERS” – người chiến thắng. Đó không chỉ là bài học dành cho Di, cho Vũ mà còn là bài học của Phương, chàng trai sau nỗi đau vì người yêu phản bội, tự khóa mình dưới vỏ bọc của một kẻ “Nửa gay” lạnh lùng, vô cảm với phụ nữ; của Thu, cô gái mang những vết sẹo trên da thịt và trong cả trái tim; của Kimora, cô ca sĩ người Philippines, thay đổi vẻ bề ngoài để yêu nhưng nhận lại sự tổn thương nhiều hơn là cảm giác được quan tâm và được yêu. Họ dạy chúng ta biết tin rằng: “Hãy cứ là một kẻ độc thân yêu đời. Tình yêu rồi sẽ đến... trọn vẹn hơn” ... vì ở nơi này có thật nhiều tình yêu.

Văn phong giản dị và trong sáng, thơ mộng và bình yên, không nhiều dữ dội và gập ghềnh nhưng để lại dư vang của những cơn sóng lòng... “Ở nơi nào có cây dẻ gai” sẽ cuốn hút bạn bởi điều đó. Một cây bút trẻ tuổi và trẻ lòng nhưng già dặn, cứng cáp ở từng câu chữ, chi tiết và cảm xúc là dấu ấn của Blue trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này. Và điều tác giả trẻ mang đến từ những trang văn trữ tình trong “Ở nơi nào có cây dẻ gai” cũng đáng để độc giả trầm mình một chút để cảm, để sống và để yêu.

Một giọng văn đẹp chưa đủ để làm nên phong cách, một cuốn truyện chưa đủ để làm nên một nhà văn, nhưng chúng ta hãy dành cho Blue những lời ngợi khen và ghi nhận đầu tiên để cô gái yêu văn này có thêm động lực đi tiếp trên con đường nghệ thuật đầy chông gai, thử thách và góp vào làng văn thêm nhiều câu chuyện thật riêng.

***

1

Di đẩy cánh cửa, bước vào quán. Cái rét căm căm cuối tháng Giêng bám trên những ngón tay cứng đờ. Bóng đèn vàng trong những cái chụp đèn bằng mây chao đi chao lại, không gian tối trầm. Quán vắng khách, chỉ một, hai cái phản gỗ có người ngồi. Hơi nóng từ những nồi lẩu bốc lên bảng lảng. Di đứng phân vân giữa cánh cửa mở hé, nhìn vào trong. Cảm giác chộn rộn trong lòng làm Di muốn lùi lại nhưng một người vào sau đã vô tình đẩy cô về phía trước. Cánh cửa đột ngột khép lại sau lưng, vừa lúc cơn gió lạnh thổi tới. Mớ tóc mới gội của Di bung ra, bay lên, kéo cái earphone rơi xuống ngực. Tiếng hát của Adele nhỏ dần: “Round my hometown, memories are fresh...”[1] Di hít một hơi thật dài rồi vừa bước vừa gỡ mấy sợi tóc quấn lấy dây earphone, cuối cùng dùng cả bàn tay xoa chúng về hai bên mặt.

[1] Quanh quê nhà tôi, những kí ức vẫn còn vương vất đâu đây...

“Vẫn vén tóc kiểu ấy à?” Nam ngồi trên chiếc phản ở góc xa nhất, khoanh chân, vừa gãi cằm vừa liếc Di cười.

Ánh nhìn của mọi người đồng loạt hướng về phía Di làm cô bối rối.

Thy nhảy xuống phản, vội vang xỏ dép rồi chạy đến bên Di: “Chị đến muộn thế! Vào đây ngồi nhanh không lạnh.”

“Làm ngay một chén cho ấm người.” Nam đẩy cái chén về phía mép bàn.

Di bỏ giày, trèo lên phản, chen vào giữa Thy và một cô gái lạ, nhanh tay tháo ba vòng khăn quàng cổ. Cô gái lịch sự mỉm cười với Di rồi đỡ lấy chiếc khăn, để lên trên túi xách của cô. Di gật đầu đáp lại. Nam chăm chú rót rượu vào chén từ một cái bầu.

“Chị ấy vừa mới đến, anh từ từ đã nào. Em gọi cho chị một ly cam nóng nhé?” Cô gái nhìn Di ân cần nhưng cô chưa dứt lời thì Di đã đưa chén rượu lên miệng, uống cạn. Di đặt chén xuống bàn, nhìn nụ cười dãn ra trên gương mặt Nam.

“Cám ơn em, chắc chắn chị sẽ ăn thứ gì đó luôn cho ấm bụng.” Di nói mà không muốn nhìn thẳng vào đôi mắt dịu dàng với phần đầu mày hơi nhíu lại của cô gái, sợ nhìn thấy những thiện cảm về Di vỡ nứt ra trong đó.

Thằng Phương kéo một cái bát từ xa lại, đặt trước mặt Di. Cái áo len màu xanh nước biển hơi rộng và phần tóc mới cắt áp sát vào thái dương không khiến nó trông sáng sủa hơn, ngược lại càng làm lộ rõ gương mặt gầy với lỗ tai trái xỏ khuyên đen.

Di ngước mắt, cầm đôi đũa gõ xuống mặt bàn, phá tan bầu không khí đã bắt đầu trở nên ngượng nghịu: “Giới thiệu đi để người ta còn ăn chứ nhỉ?” Di đưa ánh mắt một vòng rồi dừng lại chỗ Thái, nhướn mày.

Thái nhìn Di lắc đầu, tỏ vẻ chán nản. Mọi người ngay lập tức “Ồ” lên vui vẻ. Bên cạnh Thái, cô bạn gái e dè níu tay người yêu, nhìn Di, nói rất ngại ngùng: “Em chào chị ạ!”

“Ai muốn biết thêm thông tin gì thì sau buổi này cứ liên lạc với anh. Bây giờ chúng ta uống mừng đã.” Nam vừa nói vừa vung vẩy chén rượi rồi hất đầu ra hiệu với Di.

Đám bạn xôn xao nâng chén, đứa trách Thái thiên vị Nam, đứa lục túi áo nó tìm điện thoại, đứa đọc tin nhắn, đứa vỗ vai, đứa tưởng tượng, đứa bông đùa. Một góc quán náo nhiệt hẳn lên. Di ngồi lùi lại một chút nhưng vẫn cố giữ nụ cười trên môi. Điện thoại của Di để dưới gầm bàn nháy sáng. Trên màn hình là một số ẩn đang gọi. Di nhấn nút nghe. Chỉ có những tiếng lạo xạo và tiếng thở lúc xa lúc gần vọng lại. Di đặt điện thoại xuống phản, mặc cho đồng hồ cứ thế bấm giây. Bỗng nhiên cô thấy rõ từng chuyển động của dòng rượu nóng chảy trong huyết quản lạnh cứng của mình. Cô kéo hai vạt áo khoác len, khẽ rùng mình. Thoáng thấy Phương liếc nhìn, Di so vai, khoanh tay lại bảo: “Mùa đông năm nay lạnh nhất trong mười năm trở lại đây đấy.”

Phương say ngất ngư, đã lâu rồi Di không thấy nó say như thế. Di nhờ Thái và Nam đưa nó về nhà. Lấy cớ không có ai trông quán vì cả nó lẫn cô đều đi từ sớm, Di tách khỏi mọi người, vội vã ra về. Kéo cái earphone lên tai, Di bước đi cắm cúi, Adele vẫn hát khan khan, trong tiếng gió ù ù, tiếng hát như vẳng ra từ một con ngõ hay góc phố ngay gần đó. Cảm giác tê cóng lan lên mí mắt, khăn quàng và tóc xõa không giữ ấm được gương mặt Di.

“Old friend, why are you so shy?

Ain’t like you to hold back or hide from the light...” [2]

[2] Người bạn cũ, sao anh lại ngại ngùng?

Chẳng giống anh chút nào khi ngập ngừng hay lẩn tránh như vậy...

Giờ đã khuya lắm rồi, quán chắc cũng chuẩn bị đóng cửa. Di như nhìn thấy hình ảnh cái bóng đèn treo dưới hàng hiên tầng một bên cạnh lối lên cầu thang với thứ ánh sáng vàng nhạt nhòa ngay trước mặt. Điều gì đó trong Di thúc giục bàn chân bước không ngừng, những bước chân thật dài và vội vã. Gió tạt những hạt mưa cuối mùa đông bay đầy lên mặt, lên khăn, lên cái áo len dài chấm gối. Nước mưa đọng trên những sợi len mảnh, li ti như sương. Di bước về phía trước, dùng cả bàn tay vén tóc sang hai bên mặt, ngạc nhiên vô cùng vì nước mắt trượt dài trên gò má. Trong một giây, Di thấy mình như một cái vỏ cóng lạnh, trong suốt đang bước đi còn bên trong thì hoàn toàn trống rỗng.

“I remember you said

Sometime it lasts in love

But sometimes it hurts instrad.” [3]

Những hạt mưa lạnh bay xuyên qua Di...

[3] Em nhớ anh đã từng nói

Đôi khi tình yêu chỉ kéo dài yêu thương

Nhưng đôi khi nó lại bị thay thế bởi nỗi đau...

2

“Có nhà không?”

“Có.” Di trả lời Phương rồi từ ban công bước vào nhà. Ngồi lọt thỏm trong cái nệm lười phồng căng, cô đặt điện thoại xuống đất, uống một ngụm sữa và chờ những bước chân lộp cộp của Phương trên cầu thang gỗ. Phương đẩy cửa, bước vào, mặt nó hồng lên vì lạnh, riêng đôi môi thì trắng bệch, khô rang. Di lấy chân đẩy một cái nệm khác cho nó, hất đầu về phía cái tủ ly ở đầu giường: “Nước chanh đấy, uống đi.”

Phương lắc đầu vẻ mệt mỏi, kéo cái quần jean tụt, định ngồi xuống. Di lừ mắt, hất đầu lần nữa. Nó lếch thếch đứng dậy, hậm hực nói: “Không hiểu sao tao lại rước mày về đây?”

Di cười khì khì, nhấp một ngụm sữa ấm, giả giọng ông già của Nam: “Đời còn nhiều điều không hiểu được lắm em ạ!”

Có cái gì đó lóe lên trong mắt nó rồi tắt ngúm vào tròng đen tối thẫm. Di hơi bối rối vì lỡ lời. Nó lại ngồi xuống, giằng lấy ly sữa trong tay Di rồi lại thả ra, vẻ thất vọng: “Tao muốn uống cà phê.”

Mỗi lần thằng Phương tìm cách lảng đi như thế, Di đều thấy buồn. Nó biết là chẳng có giọt cà phê nào trong nhà Di cả. Cái triết lý đắng trước ngọt sau của cà phê Di không hâm mộ. Chẳng phải đã có quá nhiều thứ đắng mà mình buộc phải nếm rồi sao? Di không muốn tình nguyện nếm thêm một thứ khác. Không giống như rượu, đắng để say, cà phê đắng để tỉnh. Với nhiều người, tỉnh táo cũng không phải là một việc hay.

Phương uống một hơi cạn cốc nước, đặt mạnh cái cốc xuống sàn nhà rồi đứng dậy. Mỗi lần nó say, hôm sau đều đến, uống một cốc nước chanh giã rượu “Báo cáo” với Di như thế rồi đứng dậy, ra về, biến mất trong hai tiếng đồng hồ và trở lại vào buổi tối, khi quán bắt đầu mở cửa. Di không bao giờ hỏi nó đi đâu cũng như nó không bao giờ hỏi Di sẽ làm gì trong hai tiếng tới.

“Thể nào mấy tuần tới ông Nam và Thy cũng qua nhiều đấy.” Phương nhìn sâu vào mắt Di, cô gật đầu. Nó ra khỏi cửa, đút tay vào túi áo, tiếng bước chân nhỏ dần. Di xoay người, bước ra ban công. Bầu trời loang lổ. Mặt trời như một vệt màu cam nhòe đi với những tia sáng cuối cùng. Dòng sông trước mặt bỗng xa vô tận. Người ta gọi nó là sông Hồng nhưng lúc này, khi bóng chiều sắp tắt, nó mang màu lục cũ kĩ như đã bị bỏ quên từ lâu lắm rồi. Phía xa xa là một cây cầu, mảnh và khô như được ghép lại bằng những mẩu than chì.

Đường phố dưới chân Di chật hẹp, nhà cửa như nêm, người qua lại ồn ào nhưng ở trên này khoảng không lại rộng mênh mông, mê mải. Ở đây không có những building chọc trời, cách một đoạn không xa chỉ có xóm bờ sông với những ngôi nhà mái bằng xam xám. Những ngõ phố nhỏ, quanh co, những ngôi nhà cũng nhỏ. Có nhà chồng lên vài tầng làm khách sạn rẻ tiền cho Tây ba lô thuê nhưng luôn vắng khách. Ba mẹ Phương để nó lại với căn nhà này, ra nước ngoài đã mười mấy năm. Lúc đầu nó nấn ná ở lại học cho xong trung học rồi nấn ná ở lại để yêu. Bây giờ Di không hiểu nó còn nấn ná để làm gì nữa.

Phương mở quán dưới tầng một, gọi là quán rượu cũng được, quán cà phê cũng được. Nhạc mở từ tám giờ tối và tắt lúc mười hai giờ khuya. Di hùn vốn với nó và kiêm luôn nhiệm vụ quản lý. Nó đi tối ngày, thi thoảng tạt qua như khách nhưng cũng có lúc chui ngay vào quầy bar pha rượu. Quán mở được hai tuần thì bỗng một ngày nó sang nhà, mở tủ, tống quần áo của Di vào túi rồi quay sang bảo cô rằng: “Mày về kia mà ở, tầng hai bỏ trống chẳng để làm gì. Tiết kiệm đi. Trông quán để tao còn rảnh nợ đi chơi.” Lúc ấy Di đang ngồi mút kẹo và thất nghiệp.

Phòng của Di rộng chừng hai mươi lăm mét vuông, khi cô đến, nó hoàn toàn trống không. Giấy dán tường cũng bong nham nhở. Sàn nhà lát gỗ tối màu. Di kê vừa một tủ ly, một kệ sách, một cái đệm, mấy cái nệm lười cho khách, một cái bàn phấn sát tường. Bếp đặt ở một góc nhỏ ngay sát cửa ra vào, sau đó đến phòng tắm, kế đó là chỗ ngủ của Di. Quần áo thì để luôn trong va li. Có những lần Thy đến ngủ qua đêm, tìm mãi không thấy chỗ treo quần áo, nó càm ràm chán chê. Di ngồi ì, ôm máy tính chịu trận. Được một lúc, nó chán, đẩy Di ra để chiếm cái máy, ngồi xem các mẫu tủ quần áo mới, lẩm nhẩm kích cỡ nào vừa với phòng cô. Nhưng dự định của nó luôn thất bại, lần nào cửa hàng gọi điện thoại tới, Di cũng không có nhà. Cô biết Thy giận lắm nhưng cũng chỉ được vài hôm, nó lại đến quán, nghe vài bài nhạc rồi lên nhà ôm Di ngủ, quần áo thì treo trong nhà tắm.

Di thích đứng ở ban công cho đến khi cái chuông treo ở cửa ra vào leng keng và đèn hiệu ở tầng một bật sáng. Trở vào trong nhà, tắm táp và thay đồ chừng nửa tiếng, cô xỏ giày, đi xuống dưới. Cầu thang lên tầng hai sát ngay bên quán. Thu đang lạch xạch quét thềm trước cửa. Di hay bảo Thu không cần làm như vậy, giống người ta mở quán ăn quá, nhưng lần nào nó cũng nhăn nhó: “Quán ăn cũng chẳng bẩn thế này.” Thấy Di đã xuống tới nơi, nó gom bụi và lá khô vào một góc, lau tay vào tạp dề. “Tối nay mày muốn ăn gì?”

Di nghiêng đầu nhìn vào trong quán, hỏi: “Thằng Vinh đến chưa?”

“Đang lau cốc trong kia rồi. Vinh ơi!” Thu gọi to rồi nhìn cô. “Đợi tao vào cất chổi rồi gọi nó luôn.”

Ba đứa đi bộ ra đầu đường, ngày nào cũng vậy, ăn tối cùng nhau. Hiếm khi Di nấu ăn ở nhà. Ăn cơm một mình là cực hình với cô. Khi nào buồn bực, cô mới chui vào bếp, nấu chật cứng một bàn thức ăn rồi gọi điện mời mọc từng đứa, nhẹ nhàng có, dọa dẫm có. Băm, thái, khuấy, đảo là một cách hữu hiệu để giảm stress, bởi thế Di cũng được cho là lành nghề. Những khi thằng Phương đập tay xuống nệm, kêu nhớ cơm, Di cũng hạ cố vào bếp làm cho nó nồi cá kho hay bát canh chua thịt. Nhưng phần lớn bữa cơm chiều của cô là phở rán, lòng xào Nguyễn Siêu, cơm rang dưa bò Mã Mây ... hay miến ngan, cháo trứng ở gần nhà.

Thu kêu nhạt miệng, nó muốn ăn cháo trứng muối. Di và Vinh đồng ý liền. Vinh kém Di và Thu hai tuổi, vẫn là sinh viên, cao và trắng trẻo. Bị bạn gái chê công tử bột, nó quyết đi làm thêm để chứng tỏ vài điều. Từ cái lần nó vừa rụt rè gõ cửa quán xin việc vừa nơm nớp lo bị lừa vì quán gì mà vừa xa xôi vừa bé tí, đến giờ cũng đã gần hai năm. Không biết vì sao nó cần phải chứng tỏ lâu đến như vậy nhưng nó không bỏ quán và ngoan, vì thế Di chưa bao giờ cần thêm nhân viên mới.

Vinh kéo ghế cho Di ngồi, Thu đã yên vị, đút tay vào túi áo, co ro vì lạnh. Mái tóc dài ép thẳng của nó ốp sát hai bên mặt. Thu xinh xắn, gương mặt nó phảng phất nét thôn nữ dù sinh ra và lớn lên ở phố phường. Có lẽ vì thế con trai nhìn nó thấy ưa nhìn, dễ chịu, yên tâm và hài lòng. Thu thích những thứ sáng và màu sắc. Quần áo của nó đặc trưng là tím, đỏ, lóng lánh kim sa và bó chặt. Nó cao ráo, hơi gầy, vai và hông đều rộng, bởi thế khi mặc đồ bó trông càng gầy guộc. Di đấu tranh cho sự thay đổi về gu thời trang của nó một thời gian dài nhưng thất bại thảm hại. Thu thừa sắc sảo để làm một ngươi báo thù.

Bát cháo được bưng ra khi cả bọn đã thấm lạnh. Thu bóc trứng rải lên trên thịt gà, trộn đều. Vinh thổi phù phù, còn Di ăn chậm chạp. Cô vẫn có cảm giác bên trong mình trống rỗng.

“Hôm nay lạnh thế này, chắc chẳng đông đâu chị nhỉ? Người ta ngại ra đường.” Vinh vừa đưa thìa cháo lên miệng vừa hỏi Di.

“Càng lạnh lại càng đông khách.” Thu ngẩng lên trả lời thay Di rồi nháy mắt với cô vẻ tinh nghịch.

“Càng lạnh thì càng dễ thấy cô đơn mà.” Di và Thu nhìn nhau, phá lên cười.

Vinh nhấp một ngụm trà nóng.

“Cô đơn vui lắm hay sao mà hai bà lại cười?”

“Bỏ bạn gái là biết ngay ấy mà.” Thu sặc trà, ho sặc sụa.

Di vỗ nhẹ lưng nó: “Nó bỏ bạn gái thì chỉ là cô đơn tạm thời thôi, về bản chất thì không giống mình được đâu bà ạ!”

Di và Thu nhấm nháy trêu Vinh, thằng bé lắc đầu, nụ cười nhẹ như khói rồi cắm mặt vào bát cháo. Đột nhiên điện thoại của Di rung lên bần bật, phát ra những tiếng rù rù.

Di thò tay vào túi áo, rút điện thoại ra. Màn hình hiện số ẩn, cô ngước lên nhìn Thu lần nữa. Thu đặt ly trà xuống bàn. “Nghe đi”, nó nói.

Di không trả lời.

“Nghe đi!” Thu nhẫn nại lặp lại.

Di bấm nút nghe rồi trân trân nhìn màn hình.

Không có một tiếng động nào phát ra mặc dù đồng hồ điện thoại vẫn bấm giây.

Cô thấy hơi thở của mình trắng như khói, phả vào màn hình.

Thu vỗ vai Di rồi cúi mặt khẽ thở dài. Di nhìn bát cháo còn hơn nửa, những sợi khói mong manh cuối cùng đang bay lên rồi gác thìa sang bên cạnh bát.

3

Cô gái ở căn nhà đối diện lại ôm chăn ra ban công ngồi. Vũ có thể đoán được như vậy bởi mùi thịt nướng đã bay tới, mùi của sả, hành lá và những giọt dầu hào rớt trên vỉ nướng đã bắt đầu cháy khét. Có lẽ thứ mùi đó đã đánh thức Vũ dậy. Vũ mở mắt, nhìn đồng hồ. Đã hơn hai giờ sáng. Trời trở rét, gió thổi ù ù ngoài ban công, đầu Vũ ê buốt vì thiếu ngủ. Không biết trong một ngày lạnh thế này, người ta làm gì ngoài ban công nhỉ? Vũ vơ lấy bao thuốc, bước ra ban công. Ở phía đối diện, cô gái quàng một cái khăn len xanh kín cổ, bên ngoài trùm chăn bông, ngồi thu lu, tư lự với chai bia trên tay. Cái vỉ nướng điện được nối dây từ trong nhà ra vẫn đang bốc khói nghi ngút. Cô gái giấu kín gương mặt trong chiếc khăn, mấy sợi tóc thoát ra được bay phất phơ trong gió. Thi thoảng cô đưa chai bia lên miệng nhấp một ngụm, đôi mắt nhìn vào bầu trời đêm không lay động.

Vũ thường nhìn cô, chỉ cảm nhận sự có mặt của cô qua mùi của những xiên thịt nướng lúc nửa đêm khi đang nằm trên giường ngủ. Anh chưa bao giờ nhìn thấy gương mặt cô hay hình dáng cô lúc ban ngày. Ở hai căn phòng với hai cái ban công cách nhau bằng chiều ngang của con ngõ không rộng lắm nhưng họ chưa bao giờ nhìn thấy nhau. Ngay cả lúc này đây, khi Vũ đang lặng lẽ quan sát cô với điếu thuốc thứ hai đã tàn lụi trên tay, dường như cô vẫn không hay biết. Trong cái lạnh se sắt của thành phố này, mùi hương của lửa, của khói và sự ấm nóng thân thuộc bỗng khiến anh cảm thấy dễ chịu...

Vũ là thầy dạy nấu ăn kiêm bếp phó tạm thời cho một khách sạn nhỏ chuyên dạy khách Tây cách nấu món ăn Việt trong khu phố cổ. Chương trình học nấu nướng này là một phần của tour du lịch Hà Nội mà khách sạn hay tổ chức cho khách nước ngoài. Đôi khi Vũ còn dẫn khách đi chợ Việt Nam, hướng dẫn họ chọn hàng, mặc cả và ăn vặt quanh chợ. Hầu như ai cũng vô cùng thích thú. Mỗi ngày, Vũ thường đứng lớp hai ca. Nhờ vốn ngoại ngữ phong phú, Vũ là thầy giáo được ưa thích nhất ở đây.

Chủ khách sạn là một ông già người Việt đã ngoài sáu mươi. Tiền thân của khách sạn là một nhà hàng chuyên bán món Việt được mở từ những năm 50 thế kỷ trước, nổi tiếng với món chim bồ câu quay, đến nỗi cứ tới năm giờ chiều, các bàn ăn lại chật cứng thực khách cả Tây lẫn ta với những cái đùi chim vàng óng, bóng mỡ trên tay. Vũ không có nhiệm vụ gì với món gia truyền đó, cho nên cứ đến bốn rưỡi chiều, sau khi dẫn khách đi chợ về là Vũ yên tâm nhảy lên con Chaly cúc cu ông chủ cho mượn, dựng ngoài vỉa hè với xấp giấy thông báo để sẵn ở giỏ xe, phóng đi khắp nơi.

Dù đã đi khắp chốn ở đất này, đối mặt với hầu hết các cột điện ở thủ đô nhưng lúc nào Vũ cũng có cảm giác xa lạ. Đường phố chật như nêm nhưng không có người nào Vũ quen. Giờ đây, mỗi lần dừng xe trước một cái cột điện, định dán tờ thông báo mới thì phát hiện ra ở đó đã có sẵn một tờ tự bao giờ, Vũ cũng nhớ tới ngày đầu tiên anh đến đây. Hình ảnh cô gái với mái tóc thẳng cắt bằng hơi nghiêng đầu, cười hồn nhiên trên những tờ thông báo đã mờ. Góc giấy có in số điện thoại của Vũ nằm bên dưới thường bị bong ra, bay lật phật. Gương mặt cô gái trên tờ thông báo đó và mùi khói nồng nồng, khen khét ở ban công nhà hàng xóm là hai thứ duy nhấy ở thành phố này có chút liên hệ với anh, khiến anh cảm thấy ấm áp và gần gũi.