Năm mười bảy tuổi tôi yêu một người bạn học cùng lớp. Chàng ở xa đến trọ học tại nhà một ông già say trước cổng trường. Năm đó tôi học đệ nhị ban Ạ Chàng học ban C.

Tôi không nhớ cuộc tình của chúng tôi bắt đầu từ lúc nào. Nhà trọ của chàng ở gần trường nên chàng thường hay đi học sớm, la cà ở cái quán nước xế bên cổng trường. Tôi cùng lũ bạn cũng thường hay đến trường sớm, tụ tập tại quán đó. Không hiểu sao đám bạn bè tôi cứ hè nhau ghép tôi vào với chàng. Có lẽ chàng hiền lành, ít nói, có vẻ nhút nhát như... con gái nên họ muốn trêu chàng chăng? Lũ bạn tôi gán riết rồi nó thành sự thật. Tôi yêu chàng lúc nào không hay.

Chúng tôi trao đổi thư từ với nhau rất thường dù gặp nhau gần như hàng ngày. Chàng viết thư thật haỵ Dân ban C có khác! Chàng lại thuộc rất nhiều thợ Cái thư nào viết cho tôi chàng cũng trích đầy thợ Tôi đọc riết rồi cũng đâm ra mê thơ từ đó.

Ông chủ nhà trọ của chàng là một ông già thường hay say sưa. Ông đi lang thang tối ngày bỏ căn nhà cho chàng ở và trong nom. Từ khi yêu nhau, chúng tôi không còn la cà ở cái quán nước trước cổng trường nữa. Những hôm đi học sớm - mà tôi lại bắt đầu đi học rất sớm - tôi ghé nhà trọ của chàng. Chúng tôi ngồi nói chuyện trời trăng mây nước chờ đến giờ vào lớp.

Vào những ngày cuối tuần, chàng thường hay rủ tôi lang thang về các vùng quệ Chúng tôi đi dạo trên những con đường làng ngập đầy bóng mát, qua những cánh đồng lúa xanh hay ngồi dưới gốc một cây đa cổ thụ tại một ngôi đình, một cảnh chùa nào đó. Nắng phơi phới và chim chóc ríu rít bay nhảy, đùa giởn gọi nhau trên các ngọn cây làm lòng tôi cũng rộn ràng, phơi phới theo. Chàng thuộc nhiều thơ mà cũng đọc nhiều sách. Chàng kể cho tôi nghe nhiều chuyện tình thơ mộng trong sử sách. Chuyện một ông vua Tàu yêu một người đàn bà, mà quần thần không chịu, ép nhà vua phải xử tử người yêu của mình. Nhà vua gạt nước mắt ban cho nàng một chén độc dược rồi cùng tự tử chết theo cho trọn tình. Chuyện một ông vua Tây đang điều quân khiển tướng ngoài trận địa mà ngày nào cũng viết thư về cho người yêu, than thở: Anh chỉ muốn bỏ hết ba quân tướng sĩ để về quỳ dưới chân em mà xin một chút tình yêu. Chao ôi! Những cuộc tình trắc trở, đầy bi thảm nhưng đẹp đẽ đó làm tôi xúc động vô cùng.

Một hôm nhà tôi có giỗ, tôi mời chàng đến dự. Chàng dắt theo một người bạn. Tôi giới thiệu chàng với gia đình. Ba tôi cũng vào hạng say sưa tối ngày. Hôm đó ông uống đã ngà ngà, ông mời chàng ly rượu. Chàng lễ phép từ chối. Ba tôi phang ngay môt câu:

"Nam vô tửu như kỳ vô phong; con trai mà không biết uống rượu coi sao được. Uống đi cháu. Không biết uông rượu không làm... rể nhà này được đâu!"

Chàng đỏ mặt tía tai. Tôi nhìn chàng tủm tỉm cười. Ba tôi ngồi nói chuyện với chúng tôi, chuyện mưa nắng, nhà cửa, rồi chuyện học hành. Ba tôi hỏi:

"Người ta nói con gái không cần học nhiều, đúng không cháu?"

Chàng đáp:

"Dạ, đó là quan niệm hồi xưa, chứ đàn bà con gái bây giờ cũng có người học giỏi, làm lớn không thua gì đàn ông."

"Hừm! Tại sao con gái lại không nên học nhiều? Thật là kỳ cục! Ai mà xúi con Loan nhà tôi bỏ học lấy chồng là không xong với tôi đâu."

"Dạ, bác dạy rất đúng. Học được tới chừng nào tốt chừng đó, càng cao càng tốt. Cái gì chứ học giỏi thì nhất định không hại ai cả!"

Ý cha! Ra chàng cũng thuộc loại lẻo mép. Hôm đó ba tôi gặp người... tâm đầu ý hợp, nên ép chàng uống mấy ly rượu. Tôi phải nhảy vào cái... tử trận đó cứu chàng ra, chứ để chàng đụng nhằm con sâu rượu như ba tôi, lăn quay ra giữa nhà thì lôi thôi to.

Cuộc tình của chúng tôi trôi đi đẹp đẽ. Tết năm đó nhà trường tổ chức văn nghệ tất niên. Nhóm chúng tôi cũng tổ chức một bữa tiệc nhỏ ngay tại nhà trọ của chàng. Tan tiệc, mấy người bạn tôi và bạn chàng biết ý, rủ nhau lên trường coi văn nghệ để tôi ở lại với chàng. Chàng ngồi im, có vẻ bối rối. Mãi một lúc sau tôi mở lời:

"Chừng nào anh về quể"

"Chắc ngày mai."

"Ăn Tết xong chừng nào anh trở lại?"

"Chưa biết." Chàng nhìn tôi. "Nhưng chắc chắn sẽ trở lại sớm."

Chúng tôi ngồi nói những chuyện lăng nhăng chẳng đâu vào đâu như vậy. Chàng ngồi nới bàn học, tôi ngồi trên cái ghế bố làm giường ngủ của chàng. Thật tình lúc đó tôi muốn chàng đến hôn tôi. Căn nhà vắng vẻ, tình yêu đầy ắp trong tim, và lòng tôi rạo rực, xao xuyến thèm muốn yêu đương. Nhưng tôi thất vọng thấy chàng ngồi im, tay mân mê cây bút chì, thỉnh thoảng gạch những đường dọc ngang trên tập vở trước mặt.

Tôi nghe tiếng ông chủ nhà trọ của chàng lè nhè trước ngõ. Một lát sau ông bước vào. Thấy chúng tôi, ông cất giọng chếnh choáng hơi men:

"Nè! Cậu học... sanh à. Tôi nói cho... cậu nghe. Cái nhà này đã... hai mươi năm rồi không có... đàn bà con gái nào vô đây hết. Cậu dắt đàn bà con gái vô đây là cậu phải... xách nước... rửa cái nhà cho tôi đó."

Tôi ngượng chín người. Chàng cũng quê lắm. Chàng đứng dậy đến bên ông gì phân trần:

"Dạ, đây là cô bạn học của cháu. Tụi cháu chỉ ngồi chơi một lát rồi sẽ lên trường dự văn nghệ tất niên."

"A, cái đó thì tôi... không biết đâu. Bạn hay gì gì thì tôi... không biết đâu. Nhưng cậu phải xách nước... rửa cái nhà cho tôi... "

Nói xong ông già bỏ đi. Chúng tôi cũng bỏ đi. Hai đứa đi dọc theo con đường trồng đầy dương liễu dẫn đến trường. Gió xuân thổi nhè nhẹ. Những ngọn dương mềm lả lơi trong không khí. Chàng an ủi:

"Loan đừng giận. Anh xin lỗi Loan. Ông ấy say hay nói lăng nhăng, thường ngày vẫn vậy."

Tôi dỗi:

"Loan có giận gì đâu!" Tôi nhớ lại lúc chàng ngồi mân mê cây bút chì. "Mà anh có làm gì lỗi đâu nào!"

Cuộc tình học trò kéo dài hai năm. Một cuộc tình đẹp đẽ, thơ mộng, thuần khiết. Cuộc tình đầu đời của tôi. Rồi tôi đi lấy chồng dù chẳng ai xúi tôi bỏ học lấy chồng như ba tôi đã từng hăm he với chàng. Không phải tôi muốn mang theo một cuộc tình về nhà chồng cho nó có vẻ lãng mạn... chè tàu, như người ta thường nói. Nhưng tôi cũng đang mang theo một cuộc tình. Không có nước mắt sụt sùi, không có những ép uổng, rẽ thúy chia uyên nhưng không hiểu sao tôi lại bỏ chàng mà đi lấy chồng, dù tôi yêu chàng tha thiết. Tình yêu đến tự nhiên mà đi cũng dễ dàng. Chàng đi lính ở xạ Tôi gởi chàng tấm thiệp cưới. Tuy đó là ý muốn của tôi, quyết định của tôi nhưng đêm ngồi viết tấm tiệp gởi cho chàng lòng tôi cũng bồi hồi, xót xa dữ lắm.

Chồng tôi cũng là lính, nhưng ở gần. A, hay tại tôi muốn được gần gủi, được chăm sóc yêu thương nên bỏ người ở xa lấy người ở gần? Tôi cũng không rảnh mà tìm hiểu lòng mình. Chồng tôi tuy không được ở nhà hàng ngày nhưng năm mười bữa nửa tháng có thể ghé thăm tôi hay ở lại với tôi một đêm. Ngày tôi đi dạy, tối về săn sóc đứa con. Ừ, tôi đã có được một cháu trai. Thoảng những đêm nằm cô đơn trong căn phòng vắng tôi cũng có nghĩ đến chàng đang, nói theo các tuồng cải lương, xông pha ngoài sương gió. Chao ôi! Dù tôi bỏ người ở xa lấy người ở gần tôi vẫn phải sống chia ly nhiều hơn là sum họp. Tôi thấm thía nỗi buồn của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc.

Năm 75 Việt Cộng chiếm miền Nam. Chồng tôi phải đi tù. Tôi bị cho nghỉ dạy. Tôi lao đao vất vả. Lúc nhỏ tôi chỉ biết đi học, lớn lên có chồng rồi đi dạy. Tôi không quen với những công việc tay chân nặng nhọc. Bây giờ thì tôi phải xăn tay áo lên, lăn xả vào đời, làm đủ mọi công việc nặng nhọc. Bàn tay tôi chai cứng đi, chân tôi nứt nẻ, tóc tôi cháy khô vì nắng gió. Đêm đêm trước khi đi ngủ tôi chẳng dám soi gương.

Mỗi sáng sớm thức dậy tôi sắp xếp cho thằng con một chút rồi theo ba má tôi đi làm rẫy. Tôi cũng tay dao tay cuốc, đào lỗ chặt cây như ai. Hết mùa rẫy tôi theo mấy người bạn đi buôn. Lên Ban Mê Thuột mua ít ký cà phê, theo xe đò về, đến mất trạm gác của công an, tôi xuống lội bộ băng rừng, qua khỏi trạm công an lại đón xe đò leo lên đi tiếp. Cũng có hôm tôi bị tổ trát, công an vét sạch. Tôi năn nỉ lạy lục gì chúng cũng cứ trơ trợ Đêm về nhà tôi nằm tủi thân khóc sưng cả mắt.

Vài ba tháng nửa năm, dành dụm được chút ít tiền, tôi mua ít thức ăn, thuốc men khăn gói đi thăm chồng. Tôi khổ mà chồng tôi cũng khổ. Hôm đầu tiên gặp lại chồng, tôi xúc động ôm lấy chồng mà khóc như mưa bấc. Thằng cán bộ Việt Cộng tách chúng tôi ra, sưng mặt giảng giải một bài học luân lý đạo đức cách mạng tràng giang đại hải làm tôi tức lộn ruột. Không nén lòng vì chồng thì tôi đã mắng lại rồi.

Cuộc gặp gỡ chỉ có mười lăm phút. Tôi vượt đường xa, có quãng đi xe, có quãng phải lội suối băng rừng chỉ để gặp được chồng trong mười lăm phút, mà tôi không được khóc, không được nói một lời yêu thương, không được tỏ một cử chỉ âu yếm. Chúng tôi ngồi đối diện nhau cách một mặt bàn làm bằng cây rừng. Tên cán bộ Việt Cộng khoanh tay đứng ở đầu bàn, mắt lom lom theo dõi từng cử chỉ, lời nói của chúng tôi.

Một lần tôi dắt cháu nhỏ lên thăm bạ Nó ngồi cạnh tôi, cũng cách ba nó một khoảng mặt bàn. Chồng tôi hỏi han chuyện nhà một lúc rồi nói vói thằng bé:

"Con ở nhà ngoan, nghe lời má và rán học cho giỏi."

Thằng bé ngây thơ liếng thoắng:

"Con học giỏi lắm ba à. Cô giáo nói con làm toán giỏi lắm. Nè, bộ đội ta giết ba tên giặc lái, năm tên lính thủy đánh bộ, tất cả là bao nhiêu tên bị giết? Có phải tám tên lính ngụy ác ôn không bả"

Tôi vội vàng nạt nhỏ thằng bé bảo nó đừng nói nữa. Tôi nhìn khuôn mặt đau đớn của chồng mà xót xa tưởng như đang ai xát muối vào lòng.

Một lần khác, tôi đang đứng lóng ngóng ngoài khu thăm nuôi. Một toán tù gánh tranh đi ngang. Tôi nhận ra chàng. Thì ra chàng cũng bị nhốt ở đây. Tôi đã định chạy đến nhưng gượng lại kịp. Chao ơi! mối tình đầu đời con gái của tôi đó! Chàng cũng nhận ra tôi. Tôi thấy mắt chàng ánh lên một nét vui mừng. Chúng tôi nhìn nhau một giây ngắn ngủi rồi chàng tiếp tục đi theo đám bạn tù. Tôi đứng thẩn thờ nhìn theo cho đến khi bóng chàng khuất sau cổng trại.

Lần cuối cùng lên thăm, người ta dắt tôi ra một nấm mộ vùi nông ở ven một con suối. Tôi chết điếng trong lòng. Người ta bảo chồng tôi bị bệnh chết. Tôi khổ sở vất vả bao nhiêu cũng không cứu được chồng. Tôi ngồi bên mộ chồng khóc cho đến chiều. Người ta không cấm nữa, không hạn chế mười lăm phút thăm nuôi nữa. Tôi được tự do ngồi khóc, tự do tâm sự với người chết. Chiều hôm đó tôi rời trại giam với một cõi lòng tan nát, ủ ê.

Chồng tôi đã chết. Tôi chuẩn bị vượt biển. Tôi muốn đưa đứa con duy nhất của chúng tôi ra khỏi cái địa ngục trần gian đó để nó còn có cơ hội sống cho ra con người. Nó ở lại chỉ để học "bộ đội ta giết ba tên giặc lái, năm tên lính thủy đánh bộ" ư?

Tôi làm lụng cật lực, dành dụm và cuối cùng xoay được một chỗ trên một chuyến tàu vượt biển. Đêm ra khơi, tôi ngồi ôm đứa con trong lòng nhìn lại giải đất Việt Nam thân yêu chìm trong đêm tối, lòng buồn ghê gớm. Ba má tôi ở đó, chồng tôi đã chết, thân xác vùi nông bên bờ suối, người yêu đầu đời con gái của tôi đang còn bị đày đọa trong tù, làng xóm còn đó, những người thân sơ còn đó. Biết bao kỷ niệm của một đời người tôi đành bỏ lại hết sau lưng.

Tàu ra khơi được hai ngày chúng tôi gặp một tàu đánh cá của Thái Lan. Chúng tấp vào rồi xách dao xách búa nhảy sang tàu chúng tôi. Ôi chao! Nhìn những con người trần trùng trục, đen bóng, mặt mày hầm hầm là tôi đã chết khiếp trong lòng. Bọn hải tặc qua tàu chúng tôi rồi gom tất cả mọi người vào một góc xong chúng bắt đầu lục tìm vàng bạc. Chúng dùng búa đập phá, lục tung các ngõ ngách, moi móc tìm kiếm. Cuối cùng chúng chia đám người trên tàu làm hai: đuổi tất cả đàn ông con trai xuống hầm tầu, giữ đám đàn bà con gái lại trên khoang. Tôi đang ôm thằng con trong lòng. Một tên đến giật thằng bé ra, tôi cố giằng lại. Nó tức mình tống cho tôi một đạp rồi lôi thằng bé đi xềnh xệch. Tôi nghe tiếng thằng bé khóc thét kêu má ơi, má ơi.

Chúng bắt đầu thay phiên nhau hãm hiếp đám đàn bà con gái chúng tôi. Những tiếng cười khoái trá, man rợ, đặc sệt thú tính hòa lẫn với tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng chửi rủa vang lên lồng lộng giữa biển khơi.

Ban đầu tôi còn chống cự. Mà hễ tôi càng giãy giụa chúng càng làm dữ. Chúng nắm tóc ghì đầu tôi xuống, xáng những cái tát như trời giáng. Tôi đau đớn lịm người và cuối cùng buông xuôi mặt cho chúng muốn làm gì thì làm. Tôi nằm ngữa trên sàn tàu, nhìn lên bầu trời trong vắt không một gợn mây. Tôi nghĩ đến ba má tôi, đến trại tù, đến nấm mồ bên suối, đến những ngay tháng lao đao vất vả. Ai ở trên cao đó? Có thật có một thượng đế ở trên cao đó không? Mắt tôi nhòa lệ. Những hình ảnh chao động chập chờn rồi tôi ngất đi...

Tôi không nhớ những việc xảy ra sau đó như thế nào. Làm sao chúng tôi đến được bờ biển Thái Lan với con tàu bị đập phá tan hoang. Tôi đi đứng, ăn uống, nói năng như một kẻ mất hồn. Tôi chỉ còn là một cái xác chưa chôn.

Những chiều ở trại tỵ nạn tôi thường dắt thằng con lang thang ngoài bãi cát, đến ngồi bên gềnh đá, nhìn ra mặt biển mênh mông mà khóc. Tôi nhớ lại những hình ảnh hãi hùng trên biển, những đau đớn tủi nhục tôi đã trải qua, đã chịu đựng. Tôi chỉ muốn chết quách đi. Tôi không còn muốn nhìn thấy loài người nữa. Loài người tàn ác chỉ chực cấu xé, hiếp đáp, tàn sát nhau. Tôi muốn tan thành cát, thành bụi, biến mất khỏi thế gian này. Tôi không muốn sống chung với đồng loại của tôi nữa. Tôi không muốn...

Nhưng tôi vẫn phải sống. Tôi còn có con tôi. Nó còn bé quá. Nó cần có tôi. Tôi phải dạy dỗ nó nên người, một người xứng đáng. Tôi không muốn nó học những bài học hận thù chém giết ở quê nhà. Tôi cũng không muốn nó nhớ tới hình ảnh bọn hải tặc đã giật nó ra khỏi tay tôi, lôi đi xềnh xệch rồi đánh đập, hãm hiếp tôi. Đó là những việc làm của người lớn, những người lớn man rợ, mất hết thiên lương. Còn trẻ con không có tội tình gì. Con tôi không có tội tình gì. Tôi quyết định ra đi dã chẳng phải vì con tôi đó sao? Tôi chịu nhiều cay đắng tủi nhục đã chẳng phải vì con tôi đó sao?

Sau một năm ở trại tỵ nạn, tôi đến được Hoa Kỳ. Tôi lãnh trợ cấp tỵ nạn một thời gian, học lấy một nghề rồi đi làm. Tôi làm cho một hãng điện tử, lương đủ cho hai mẹ con tôi sống thong thả. Đôi ba tháng tôi gởi về Việt Nam một ít tiền, quà, cho ba má tôi.

Vết thương lòng tôi vẫn chưa lành. Những đêm khuya trăn trở nó vẫn làm tôi nhức nhối, xót đau. Tôi thất vọng thấy người ta sống phè phởn, ung dung quá. Người ta như quên hết những ngày kinh hoàng trên biển, tận tình hưởng thụ cuộc sống mới. Nhiều lúc tôi tự hỏi, hay tại tôi quá nặng lòng với quá khứ, với kỷ niệm, với một nỗi đau đã cũ, đã lùi sâu vào dĩ vãng; ai cũng có một quãng đời trước mặt để sống, không phải vậy sao? Tôi lạc hậu quá chăng? Sao tôi lại chọn cách sống khép kín, lặng lẽ âm thầm bên đứa con trai?

Một hôm bất ngờ tôi gặp lại chàng. Buổi chiều đi làm về, tôi ghé vào một tiệm tạp hóa mua ít thức ăn. Lúc trở ra tôi đụng phải một người đàn ông đang lầm lũi đi vào tiệm. Tôi nhìn lên và sững sờ nhận ra chàng.

Chúng tôi vào một quán nước. Chàng hỏi về gia đình tôi, về chồng tôi, con tôi. Tôi kể cho chàng nghe hết. Chồng tôi chết trong tù sa sao; tôi vượt biển bị làm nhục thế nào; tôi sống những ngày cô đơn khủng hoảng ở đảo ra sao. Chàng ngồi im, lặng lẽ nhìn tôi, chăm chú nghe tôi nói. Bao nhiêu khổ đau dồn nén bấy lâu nay được dịp tôi tuôn ra hết. Tôi khóc mùi mẫn như một đứa trẻ. Chàng cầm tay tôi, để yên cho tôi khóc. Một lát, cơn xúc động lắng xuống, tôi hỏi thăm về chàng. Chàng đáp chàng ra tù năm ngoái, vượt biển và mới vừa từ trại tỵ nạn sang Hoa Kỳ chừng một tháng. Khuôn mặt chàng đen đúa, hốc hác. Tôi như còn ngửi thấy được mùi tù đày khổ ải phảng phất quanh chàng.

Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm cũ, mối tình học trò đẹp đẽ của chúng tôi. Để không khí buổi hội ngộ bớt buồn thảm, tôi hỏi chàng:

"Anh còn nhớ hôm ở nhà ông già say không? Anh có xách nước... rửa cái nhà không?"

Chàng cười, không nói gì.

Tôi nói tôi muốn về đón thằng con. Chàng đưa tôi ra xe. Chàng hỏi tôi có còn thích thơ không. Tôi nhìn chàng, gật đầu. Chàng đọc cho tôi nghe hai câu thơ:

Em về điểm phấn tô son lại

Ngạo với nhân gian một nụ cười.

Ngạo với nhân gian một nụ cười? Ôi chao! Cuộc đời tôi bầm dập, tan nát thê thảm, liệu tôi có còn ngạo nổi với nhân gian một nụ cười?

Hết