….Bàn chân trẻ nhỏ không biết nó chỉ là bàn chân và nó muốn trở thành một cánh bướm hay một trái táo….
Nhưng rồi sau, đá cứng khô đường phố, cầu thang….
Những con đường trên trái đất tiếp tục xây, bàn chân biết rằng nó chẳng thể bay chẳng thể làm trái táo trên cây.
Rồi bàn chân trẻ nhỏ chịu thua.
Ngã trên chiến địa, thành tù binh.
Bị giam giữ trong một chiếc giầy!
Không rõ trong 7000 bài thơ sáng tác của Neveda có bao nhiêu bài thuộc loại ngộ nghĩnh đáng yêu tương tự? Có điều chắc chắn trong “ Những giọt mực ” của Kiều phong Lê tất Điều ngây thơ ngộ nghĩnh như vậy mà còn dài hơn nhiều, nhuộm màu sắc vừa bi hùng, vừa trữ tình đặc biệt phương Đông.
CẠC SĨ.
Lê tất Điều nhân cách hoá đồ vật, rồi thủ thỉ kể chuyện. Câu chuyện khởi đầu bằng câu chuyện nên thơ của ban đêm và cứ thế kéo dài với những ngày tháng của cuộc đời.
Tuổi trẻ của chúng ta bị đoạ đày bị dằn vặt đủ thứ, tuổi trẻ của chúng ta được thưởng thức văn chương Lê tất Điều chắc chắn thống khoái vô cùng.
Lê tất Điều viết cho các em bé nhưng cũng để cho người lớn đọc. Lê tất Điều gửi gấm thật nhiều nỗi lòng, thật nhiều tâm sự trong những đoạn văn ngắn nhưng hàm xúc. Nhưng đoạn văn như bài thơ xuôi, những đoạn văn long lanh như hạt ngọc.
Đọc “ Những giọt mực ” người đọc có cảm giác như được dẫn dắt phiêu bồng ra khỏi cái thế giới đê tiện của cuộc đời hôm nay, để đi vào thế giới tươi mát, thế giới trong đó tình yêu thương bao la.
Kết luận “Những giọt mực ” là những hạt ngọc cho tuổi thơ, một tác phẩm tuyệt vời của một tác giả có kích thước lớn.
HỒ NAM.
….Nói “ Những giọt mực ” là truyện dành riêng cho trẻ thơ, e hơi phiến diện. Phải nói là dành cho con người, cho tất cả….
CAO BỒI GIÀ.
….Trẻ con trong nhà vây quanh nhau để nghe chiếc bàn cự nự, chiếc đèn xếp khua reo, chiếc ô kiêu hãnh, đôi guốc thì thầm, chiếc roi tâm sự, con diều giấy rên xiết…v..v…với lối nhân cách hoá tự nhiên, linh động vui tươi. Anh Lê tất Điều đã điều khiển các đồ vật quen thuộc, đùa giỡn, lý sự, làm việc sinh hoạt một cách lý thú, dễ thương.
Như vậy tôi cho rằng đổ tội cho trẻ ham đọc sách bậy là cách che lỗi trân tráo của người lớn vô trách nhiệm. Trẻ ngày nay vì tiếp xúc sớm với đời, nên chúng khôn lanh hơn. Cũng nhờ vậy mà chúng đã sớm biết phân tách cái hay cái dở. Những giọt mực của Lê tất Điều được chúng công nhận là truyện hay.
Riêng các bà Mẹ, quyển “ Những giọt mực ” là một thích thú thoải mái khi các bà chọn cho con mình đọc, và cho rằng quyển sách bổ ích lành mạnh cho lứa tuổi đang cần có loại sách để đọc.
LINH TRANG.
Khung cảnh là cái phòng riêng của một cậu bé với tất cả những đồ vật lỉnh kỉnh lủng củng của một cái phòng dành cho trẻ con cỡ 7, 8 tuổi: từ những cây nến, cái búa, cái đèn xếp cũ, con diều giấy, đôi guốc mộc, những giọt mực…v..v…đến những cái ghế, bàn, bức tranh, cuốn sách, thôi thì đủ cả. Thời gian là về đêm, khi sinh hoạt của loài người hiếu động tạm ngưng lại để nhường chỗ cho đồ vật lên tiếng.
Đồ vật cũng sinh hoạt được ư? Sao lại không nhỉ? Và khởi đầu là sự hy sinh cao cả của bác đèn xếp để cứu cụ sách bị chuột gặm gáy; bác đèn xếp kẻ bị bỏ quên cả năm trời ( trừ ngày Trung thu ) để soi đường cho ông cung tên bắn kẻ định mưu sát cụ sách, đã gồng mình cháy sáng để cuối cùng bị thiêu rụi.
Bằng những tiêu đề như: Trung thu của bác đèn xếp, Tình bạn của đôi guốc, Diều giấy mắc nạn, Những giọt mực; tác giả lần lượt đưa người đọc vào sinh hoạt chung với các đồ vật có đầy đủ những tính tốt cũng như tật xấu của loài người: có hy sinh, có ghen tị, có cao cả, có thấp hèn, có bao dung, phản bội, mơ mộng, trầm tĩnh.
Gấp cuốn sách lại, người đọc không khỏi nhìn quanh mình mỉm cười thích thú, tưởng như các đồ vật quanh mình xì xào to nhỏ, tưởng như cuộc sống trở nên phong phú lạ thường, tưởng như mình hết còn cô độc. Và bây giờ người đọc hiểu tại sao bé gái này có thể nói chuyện suốt ngày với con búp bê bất động, bé trai kia có thể bầu bạn không chán với cả những cục gỗ viên gạch. Cả một thời thơ ấu lộ ra trong tâm trí quá mỏi mòn bởi những chen đua vật lộn thường ngày. Và hơn nữa người đọc hình dung đến viên sỏi của Fellini trong La Strada đến những bức tranh tĩnh vật đầy linh động của Salvador Dali. Dù vậy, những cái đó, viên sỏi của Fellini và đồ vật của Dali vẫn có vẻ quá nặng nề, kinh hoàng quá. Phải chăng đó là điều khác biệt giữa tâm hồn Á Đông và tâm hồn Tây Phương. Phải chăng đó là điều cho phép chúng ta, những tâm hồn quá mỏi mòn bởi chiến cuộc còn tin tưởng ở cuộc sống ở đời người.
NGÀN CÁNH HẠC.
Xin đừng đọc vội vã, ngấu nghiến quyển này, hãy cứ nhẩn nha, đi đâu mà vội. Gọi là truyện trẻ con nhưng chính ra là chuyện của người lớn. Tôi có ba đứa con đi học, nên khi đọc xong có chuyển cho từng đứa. Đứa nào cũng lấy làm thích. Đứa con gái đầu lòng thì thích “ Những giọt mực ”. Một thằng học đệ lục lại ưa “ Tình bạn của đôi guốc ”. Một đứa tám tuổi mới đọc thông Quốc ngữ lại thương “ Con diều giấy mắc nạn ” trên cột đèn. Mỗi tuổi có một lối thưởng ngoạn khác nhau. Phải chăng đứa con gái đầu lòng của tôi đã yêu cái vẻ hy sinh lãng mạn của bình mực “ mang trên mình trăm mảnh trăng tròn, trăm mảnh bầu trời ngoài khung cửa sổ ”. Thằng nhỏ học đệ lục, đã tìm thấy một thế giới bằng hữu và mộng tưởng phiêu lưu trong tình bạn của đôi guốc gỗ. Còn đứa nhỏ tám tuổi đã nghiêng con mắt nai thương xót một thứ đồ chơi thân quý mắc nạn trên dây điện đầu đường. Riêng tôi, tôi thích tất cả cuốn truyện, nhưng nếu phải chọn lựa, có lẽ tôi bằng lòng nhất truyện “ Trung thu của bác đèn xếp ” và “ Những mũi tên trưởng thành ”.
Khi tôi nói ra sự tuyển lựa của tôi, mấy đứa nhỏ đều chê mà nói rằng: “ Bố không biết đọc ”. Có lẽ sự nhận xét của chúng đúng, vì tâm hồn mà càng triết lý càng dùi mài thì càng xa sự vật. Trẻ con nhìn sự vật đơn sơ, người lớn nhìn sự vật khúc mắc. Trẻ con xem truyện, người lớn xem những gì đằng sau câu truyện, hay ở giữa câu truyện nên tất nhiên khó có sự hoà đồng.
Vì thế ở trên, tôi mới dám nói rằng truyện Những giọt mực không phải dành riêng cho trẻ con, mà nó còn là đầu đề suy nghĩ cho người lớn nữa.
Tuy nhiên, tôi và gia đình đều phải cám ơn bạn Lê tất Điều. Cốt truyện của bạn đã khiến bố con tôi bàn tán, cãi nhau hoài mà không ai chịu ai. Một cuốn truyện gây được một tác động như vậy, hẳn là một cuốn truyện đáng đọc…..