Giới thiệu

Alan Lightman sinh ở Memphis, bang Tenesse, Hoa Kì năm 1948, là nhà vật lí và tiểu thuyết gia nổi tiếng. Ông lấy bằng tiến sĩ vật lí lí thuyết năm 1974 ở Viện Công nghệ California, từng là giáo sư của Đại học Harvard và nay là giảng viên cao cấp ở Học viện Công nghệ Massachusett (MIT). Ông viết văn từ năm 1981 và đạt được nhiều thành công, nhất là cuốn The Diagnostic đoạt Giải thưởng sách Quốc gia 2000 và cuốn Einstein s Dreams. Cuốn sách này là best-seller do The New York Times bình chọn, đã được dịch ra ba mươi thứ tiếng, dùng để giảng dạy trong nhiều trường đại học và nhận được những đánh giá rất cao của giới phê bình:
Tờ Nature viết : "Những giấc mơ của Einstein" đã vượt qua những thử thách đối với một cuốn sách kinh điển khiến người ta phải ngay lập tức đọc lại và việc diễn giải cuốn sách không thể nào thay thế được việc đọc nó. Nó thật ngắn ngủi nhưng sẽ ở lại lâu dài trong tâm trí ta.
Tờ The New York Times viết : Kỳ lạ và đầy suy tưởng, vừa khôi hài vừa gợi mở tư duy... tác phẩm đã đưa người đọc vào thế giới của giấc mơ bằng một thanh nam châm khổng lồ. cũng như trong tác phẩm của Calvino, các yếu tố tưởng tượng của câu chuyện đã được đặt trong một thứ văn xuôi xác thực, trong suốt.


*Vào truyện

Tiếng tháp chuông đồng hồ trên một con đường có mái vòm xa xa điểm sáu lần rồi im bặt. Người đàn ông trẻ tuổi ngồi gục đầu trên bàn giấy. Tờ mờ sáng nay anh đã tới Viện, sau khi đã xới kĩ vấn đề thêm lần nữa. Tóc không chải, quần rộng thùng thình. Tay anh cầm hai mươi trang giấy – lý thuyết mới của anh về thời gian – mà hôm nay anh sẽ gửi cho tạp chí Vật lý Đức.
Những âm thanh yếu ớt của thành phố ùa vào căn phòng. Tiếng một chai sữa cọ vào đa. Tiếng mái bạt che mưa nắng được quay thả xuống ở một cửa hàng trên Marktgasse. Tiếng một chiếc xe chở rau chậm chạp đẩy qua đường. Trong một căn hộ gần đó có tiếng một người đàn ông và một người đàn bà đang thầm thì với nhau.
Ánh sáng lờ mờ lọt vào căn phòng khiến những cái bàn giấy trông mờ ảo và hiền lành như những con vật to kềnh đang nằm nhủ. Trừ cái bàn của người đàn ông trẻ tuổi nọ là đầy những cuốn sách được mở ra, còn trên mười hai cái bàn gỗ sồi kia gọn gàng ngăn nắp những hồ sơ của ngày hôm qua. Hai giờ nữa, viên chức nào tới đây làm việc đều biết rõ mình phỉa bắt đầu với chuyện gì. Còn lúc này, trong cái ánh sáng mờ mờ kia, thật không dễ nhận ra đám hồ sơ trên các bàn nọ cũng như cái đồng hồ trong góc phòng và chiếc ghế của cô thư kí bên cạnh cửa ra vào. Thứ duy nhất mà ta thấy được lúc này là đường nét mờ ảo của những cái bàn và dáng khòm khòm của người đàn ông trẻ tuổi.
Cái đồng hồ không nhìn rõ trên tường kia chỉ sáu giờ mười. Cứ sau mỗi phút thì những đồ vật khác rõ nét dần thêm. Đây là sọt giấy bằng đồng thau, kia là quyển lịch treo tường. Đây là tấm ảnh gia đình, hộp kẹp giấy, lọ mực và cây bút. Kia là máy đánh chữ và một cái áo vest vắt trên thành ghế. Theo thời gian, những cái kệ sách gắn đầy tường cũng ló dần ra khỏi màn đêm. Trên kệ là những ghi chú về các bằng phát minh. Bằng phát minh về một cái máy khoan mới có những bánh xe răng cong sao cho ít ma sát nhất. Bằng khác về một máy ổn áo bất chấp sự dao động của dòng điện. Bằng về một máy đánh chữ với cần gõ từ từ, loại bỏ được tiếng kêu lạch cạch. Đây là một căn phòng đầy những sáng kiến thực dụng.
Ngoài kia, mỏm núi Alps bắt đầu rực lên trong nắng. Lúc ấy đang là cuối tháng Sáu. Bên kia sông Aare một người tháo dây buộc thuyền, đẩy thuyền ra và thả cho trôi theo dòng nước tới Gerberngasse để chuyển món táo và dâu mùa hè lên bờ, Người chủ lò bánh mì bước vào lò bánh trên Marktgasse, đốt lò than rồi bắt đàu trộn bột mì với bột nở. Trên cây cầu Nydegg, một đôi tình nhân ôm nhau, mơ màng nhìn dòng nước. Ở đường Schifflaube, một người đàn ông đứng trên ban công ngước mắt thăm dò bầu trời màu hồng nhạt. Một người đàn bà không ngủ được chậm chạp đi dọc Kramgasse, ngó vào từng khung mái vòm còn tối thui và đọc trong ánh sáng lờ mờ những tấm áp phích treo ở đó.
Trong văn phòng dài mà hẹp trên Speichergasse – cái văn phòng đầy những sáng kiến thực dụng nọ - anh chàng nhân viên của Cơ quan cấp bằng minh vẫn còn ườn người trên ghế, đầu tựa tên bàn giấy. Suốt mấy tháng qua, từ giữa tháng Tư, anh đã nhiều lần mơ về thời gian. Những giấc mơ này đã tác động lên việc nghiên cứu của anh. Chúng đã làm anh mệt mỏi, khiến anh kiệt sức đến nỗi đôi khi anh không biết mình thức hay ngủ, Nhưng bây giờ thì chẳng cần mơ nữa, Trong bao nhiêu tưởng tượng về bản chất thời gian anh mơ suốt bấy nhiêu đêm, theo anh có một cái là rất hấp dẫn.Không phải những tưởng tượng khác là bất khả. Biết đâu chúng lại chẳng tồn tai trong những thế giới khác.
Người đàn ông trẻ tuổi, cựa mình trong ghế, đợi cô thư ký tới và khẽ ngân nga một đoạn trong Sonate Ánh trăng của Beethoven.