Tập 1
Hớp một hơi dài làm ly nước vơi đi một nửa, Ái Khanh khoan khoái ngả đầu xuống võng. Luồng gió mát thổi qua giữa trưa hè oi bức khiến cô phải buột miệng: − Gió mát quá! Tao chỉ muốn ngủ thôi, Giang à. Đong đưa trên chiếc võng được mắc song song, nghe Khanh nói, Giang nhướng mắt: − Muốn ngủ thì ngủ đi. Đang lim dim nghe hỏi làm mất đà quá, Khanh ơi. − Chạy luôn đi, ai biểu dừng lại chi cho mất đà. − Không ai vô duyên bằng mày. Nãy giờ thì im re, đợi đến lúc người ta khép mắt lại lên tiếng. Khanh cười: − Xin lỗi nha, giờ thì khép mắt tiếp đi, tiểu thư. Quán cà phê là nơi quen thuộc của Khanh và Giang, lý thú nhất là được nằm đu đưa trên cánh võng dưới bóng mát của cây sao già. Im lặng và im lặng. Chỉ có gió và nắng hoà quyện cùng những nhánh là xạc xào ru điệu du dương. Bỗng Giang cất tiếng: − Khanh à! Mày nhớ hôm đó xin phép nghỉ một ngày đi với tao nha, không được quên đó. − Lỡ không nghỉ được thì sao? − Mày làm bao năm trời chưa hề nghỉ phép, dồn lại nghỉ luôn một lèo đi. Chẳng lẽ giám đốc mày không giải quyết. − Để xem. − Dứt khoát chứ không được lững lờ. − Gì mà áp đặt quá vậy. − Áp đặt hay áp đảo gì, mày cũng phải nghe theo đó. Khanh le lưỡi: − Sợ bà chằn luôn. Giang cười khúc khích khi thấy Khanh nhăn mặt: − Mày có hình dung ra thằng Đằng bao lớn không Khanh? − Mày có hình dung được không mà hỏi tao? − Lúc trước, nó và mày hạp tính nên khắng khít, còn không nhớ được ư? − Tao chỉ nhớ nó là một thằng đáng yêu thôi, có chút nghịch ngợm, nhưng tại sao nó không gởi về tấm ảnh nào cả? − Thư thì viết đều hai tháng một lá, nhưng hình thì không. Nó bảo dành bất ngờ khi trở về sẽ thú vị hơn. Thời gian qua mau quá, chỉ chớp mắt đã hơn bốn năm rồi, tao thấy mình như già đi. Khanh trề môi: − Tại chưa yêu nên mày thấy tâm hồn già cỗi, chưa được nửa đời người mà than. Giang hỏi lại: − Như mày biết yêu rồi thì đã sao, hay trái tim bị bầm dập hết, có trẻ ra được chút nào không? Đang trêu bạn, đôi môi Khanh chợt tắt: − Mày nhắc làm gì khi đang vui. − Ờ quên, xin lỗi nha, tao vô tình quá… Mày vẫn chưa nguôi sao? − Muốn quên đâu dễ khi Chấn chưa dứt khoát. − Rồi mày phải lệ thuộc theo hay sao? Nếu thật lòng với mày, sao Chấn không cố vượt qua rào cản đó. − Cố à? Rào cản gia đình của Chấn quá vững chắc, trong khi hai đứa không đủ tự tin để vượt qua. − Nếu vậy phải chia tay, chứ cứ dùng dằng hoài thì mày là người thiệt thòi. Chẳng lẽ mày cam tâm chấp nhận? Khanh buồn buồn: − Biết làm sao khi Chấn cứ hẹn… − Chấn không sợ nhưng chẳng lẽ mày không ngại khi bất ngờ người nhà của ảnh biết mà vẫn còn gặp gỡ. − Tự Chấn tìm đến chứ tao đâu có hẹn hò. − Không dứt khoát cứ lững lờ con cá vàng là mày khổ đó. Cuộc đời này đâu phải một lần thất bại là không thể thành công cho lần sau. Qua được mối tình đầu, mày sẽ có kinh nghiệm cho lần sau thôi. − Chắc gì lần sau tao gặp một người khác không khinh rẻ như gia đình Chấn, đâu ai muốn cưới vợ cho con mà đàng gái không có cha mẹ làm chủ hôn. − Đừng chọn người giàu có thì được lo gì. − Có thể lấy ông già chắc ăn hơn, không ai khó dễ. Giang trợn mắt: − Mày dám làm mẹ kế một bầy con tuổi lớn hơn mày sao? Khanh cười đùa: − Nếu có ông nào chịu, tao ưng. − Thôi, để tao tìm cho mày một người. − Nhưng nhớ nói về thân phận của tao trước nghe, kẻo họ sẽ hối hận. − Làm như cùi hủi gì không bằng, chỉ tại hoàn cảnh. − Ừ, tại hoàn cảnh nên tao “Quảnh càng” đây. Giang lại hỏi: − Sao mày không tìm một công việc nào khác, cứ đi tour hoài, ế chồng cho mà xem. − Ế cũng tốt, tao không phải đau lòng ôm dở dang. − Nói nghe thì hay, đã mồ côi lại sống độc thân mãi, riết rồi mày sẽ stress đấy. Khanh gật gù: − Nghe mày giảng đạo hoài, tao sẽ cố tìm một người khác cho tình yêu mới. Giang ngắm bạn: − Càng buồn, mày càng đẹp hơn đó Khanh. − Còn câu nịnh nào hay hơn nữa không? − Tao nói thật đó. Nhớ đừng để nỗi buồn ở lại quá lâu. Nên nhớ, nhan sắc và nụ cười là vũ khí tối ưu của con gái đấy. Trong thời gian đi tour, mày không quen được chàng nào hết sao? − Quen thì nhiều, nhưng muốn tiến xa hơn, tao lại không thích. − Ai biểu mày còn nặng tình với Chấn làm chi. Hãy nhớ đã qua rồi tuổi mộng mơ, hai mươi bảy chứ nhỏ nhít nữa sao. − Quan tâm mà cũng bị trách móc nữa sao? Khanh cười giả lả: − Xin lỗi nha, tao không có ý đó đâu. Một ngày đã gần tàn, mình đi ăn cơm nha. Chiều nay tao không siêng để chui vào bếp. Khi chọn được bàn trống, Giang mới phát hiện ra Chấn với người bạn gái. Định lơ đi, nhưng cô nghĩ phải cho Kahnh thấy tận mắt, để không còn nghe lời ngọt ngào của Chấn nữa. − Khanh ơi! Mày đưa mắt về bên trái xem ai kìa. Khanh làm theo lời của Giang và cô cụp mắt ngay, khi thấy Chấn đang chăm chút cho cô gái lạ. Giang hỏi: − Sao, có nhói lòng không? Dứt tình được chưa hay cứ ỡm ờ hoài? Đang hăm hở khi nghĩ đến dĩa cơm sườm nướng thơm lừng, chợt câu hỏi của Giang làm Khanh ngán và no ứ tràn lên cổ. Giang nói: − Đừng có nói đau mà không ăn cơm nha, tao không thích mày uỷ mị như thế. Thấy rồi thì đừng nghe lời dỗ ngọt mà chờ đợi một ngày cha mẹ Chấn đổi ý. Khanh lặng buồn khi hiểu lời hứa hẹn của Chấn chỉ là đầu môi chót lưỡi. Đợi anh, phải đợi đến bao giờ? Giang giục: − Ăn đi Khanh! Không muốn bạn mất vui, Khanh lại hăm hở cầm muỗng ăn: − Ăn chứ. Không thực không vực được đạo. Phải ăn để có sức mà yêu một người khác. − Hôm nào mày lại đi tour? − Hai ngày sau khi đón Đằng, có gì không? − Tao bận học thay sách nên không đưa nó đi chơi được, biết sao bây giờ? − Chọn nghề giáo cũng phiền phức quá há. Giang nói với vẻ hãnh diện: − Yêu nghề sẽ thấy thú vị lắm, cũng như mày đi tour hoài không chán. Mày không nghĩ sẽ tìm một việc làm khác không? Khanh lắc đầu: − Tao không chán vì trót lỡ thích du lịch rồi. − Khi nào lập gia đình, người ấy không thích, mày có tự nguyện bỏ sở thích đó không? Khanh nhíu mày: − Chuyện đó hạ hồi phân giải. Đời mà, luôn có sự bất ngờ. Thôi đi, cứ nói hoài về tao, chán lắm. Muốn tao vui yêu đời trở lại, mày phải giúp tao đi. − Tao quan tâm và lo cho mày nên cứ phải nhắc nhở. Khanh xúc động: − Hiện giờ cuộc sống của tao không còn ai quan tâm tao ngoài mày đâu Giang. Giang đá chân Khanh, khiến cô phải hỏi: − Gì hả nhỏ? − Chấn xong rồi kìa, muốn chạm mặt không? Khanh nghe nghẹn ở trong tim: − Để làm gì? − Để không còn mở miệng nói lời ru ngọt hoài với mày, con ngốc ạ. Khanh chợt run: − Tao xin mày đó Giang, đừng làm cho cả hai phải khó xử. − Mày sợ họ quê chứ gì? − Lỗi tại sao để mất người đàn ông đó, Chấn không có lỗi gì cả. − Mày bênh vực và bảo vệ cho người một mặt hai lòng đó sao, mà không hề tiếc rẻ đã yêu lầm trong một thời gian quá dài. Khanh thở dài đưa mắt nhìn qua vai Giang. Chấn đang song đôi bên người con gái có dáng dấp sang trọng. Bốn mắt giao nhau đến ngỡ ngàng, khiến Chấn khựng bước chân vài giây, rồi rất lạnh lùng như chưa hề quen Khanh. Chia tay Giang, cô đi lang thang vì không muốn về nhà. Ở nơi đó là căn phòng rộng ngập đầy cô đơn, bởi niềm vui nụ cười đã bị người ta lấy mất rồi. Đường phố lên đèn mà bước chân cứ mê mải trên vỉa hè. Khanh muốn khóc nhưng nước mắt đã khô tự bao giờ. Chẳng lẽ cô lại đau đớn khi hiểu rõ bản chất thật của Chấn? − Chấn ơi! Giờ em đã hiểu vì sao anh không vượt qua nổi rào cản gia đình, vì cạnh anh đã có một người hơn hẳn em. Có thể anh đang so sánh giữa hai người con gái, và chắc rằng em đã thua cuộc. Cuối cùng khi gió đêm se lạnh, Khanh mới về đến nhà. Cô bàng hoàng khi thấy Chấn đang ngồi đợi. Anh đứng dậy, cái bóng to cao như phủ bóng Khanh khi Chấn bước đến hỏi: − Em đi đâu đến giờ này mới chịu về? Khanh tròn mắt ngạc nhiên: − Anh lấy quyền gì để hỏi em câu đó? − Em tưởng anh không có quyền biết em đi đâu và làm gì sao? Khanh vừa tức vừa buồn cười cho vẻ tỉnh như không có Chấn: − Em không ngờ anh nói mà không ngượng miệng chút nào. − Chúng mình chưa hề chia tay. − Anh nói nghe lạ quá. Chưa chia tay mà anh đàng hoàng đi với cô gái khác. Giải thích cho em nghe thử! Chấn hạ giọng ngọt ngào: − Anh phải nói bao nhiêu lần để cho em hiểu rõ đây Khanh? Anh chỉ chiều lòng ba mẹ cho qua chuyện, khi mọi việc đã êm xuôi chúng mình lại có nhau. Em phải hiểu để thông cảm mà đợi anh chứ Khanh. − Chắc em phải đợi đến lúc anh cầm tấm thiệp hồng nói rằng: “Khanh ơi, hãy hiểu mà thông cảm cho, vì anh không thể vượt qua rào cản vững chắc của gia đình”. Anh nắm đôi vai gầy kéo cô vào lòng, Khanh không phản kháng, nhưng cô cất giọng: − Thôi Chấn à, đừng lừa dối em mãi! Cứ mỗi lần làm em buồn anh lại đến ru ngủ bằng lời ngọt ngào hứa hẹn để em cứ sống với niềm tin không chút hy vọng gì. Em xin anh đấy, hãy buông trả đời nhau đi. − Anh không thể xa em… − Lời anh nói em sẽ tin được mấy phần trăm đây? Em là người không phải thần thánh, để có thể chịu đựng nhìn cảnh anh song đôi với người khác. Em không an nhiên trong cuộc tình tay ba như anh được. Lẽ nào phải làm kẻ thừa đưa mắt nhìn anh chăm chút người ta mà không có sự hờn ghen. Chấn nhìn thẳng vào đôi mắt Khanh: − Có phải em hết yêu anh rồi nên chán chờ đợi? Ái Khanh thấy lòng nghẹn: − Anh muốn hỏi em hết yêu anh ư? Trước khi em có câu trả lời, anh hãy nói đi, câu đó dành cho ai là đúng? Anh có biết là mình tham lam lẫn ích kỷ không? Nửa muốn có người mới lại không muốn mất em. Đến bây giờ, em mới nhận ra anh có trái tim đa tình và lãng mạn nên có thể yêu một lúc được hai người. − Sao em cứ trách móc anh hoài vậy? Tính ngoan hiền trước đây của em đâu rồi? − Em vẫn ngoan hiền đấy Chấn. Nhưng em chợt giật mình như vừa tỉnh ngủ để biết phải bảo vệ mình để không bị anh làm tổn thương. Rào cản của gia đình chỉ là cái cớ để anh dối em thôi. Chấn buông thõng đôi tay ra khỏi bờ vai Khanh: − Em thật sự chưa hiểu anh. − Hiểu như thế nào nữa đây? − Nãy giờ em vẫn tiếp anh ở cửa, không định mời anh vào nhà sao? − Đã quá khuya rồi Chấn. − Em đuổi anh? − Em không có ý đó, nhưng anh nên về đi, đó là điều tốt cho hai chúng ta. Em đã chán nghe lời ngọt ngào cùng những nụ hôn dành khuất lấp sự nghi ngờ. Hôm nay, em muốn chúng mình nên chấm dứt tại đây. Chấn không ngờ cô lại thẳng thừng từ chối anh. Tự ái đàn ông trỗi dậy khiến anh nói: − Được rồi, anh về đây. Nhưng em nhớ rõ, không là người yêu của anh, em sẽ chẳng là của ai được. Nhìn theo dáng Chân, cô thấy lòng lạnh băng không có nỗi xót xa như mọi khi. Biết rằng đau nhưng cô không thể tự đánh lừa mình mãi để yêu Chấn một cách ngờ nghệch nữa. − Nắng rát da quá, Giang ơi! − Ai bảo không mặc áo dài tay, không biết bảo hộ còn kêu ca gì. Khanh lầm bầm: − Sao không hỏi rõ giờ máy bay hạ cánh để đứng muốn rã cặp giò luôn. Giang nhăn mặt: − Sao hôm nay bỗng dưng khó tính cằn nhằn hoài vậy. Lâu lâu nhờ một chút mà khó dễ hoài, đến chừng được quà của nó có cười toe toét không cho biết. − Mày nói nghe lạ, được tặng quà không cười chẳng lẽ khóc. Nhưng chắc gì nó còn nhớ đến tao mà quà với cáp. − Mày quên trước kia nó quý mày còn hơn tao, khiến tao phải ganh tỵ. Khanh cười: − Và nếu bây giờ nó vẫn vậy, mày tính sao? − Đã qua rồi cái thời ganh tỵ đó. Bây giờ nó quý ai, mặc nó. − Nói thì giữ lời nha. Tao được quà đặc biệt đừng có méo mặt. − Chưa chắc. Con trai mà làm gì tỉ mỉ những chuyện như thế. Gia đình tao cũng lo lắm, đang yên đang lành một hai đòi về Việt Nam trong khi bên đó công việc của nó rất tốt. − Ở xứ người sao bằng quê mình, biết đâu là nó muốn cưới vợ. Không chừng lát nữa đi kè theo nó là một cô gái mũi lõ mắt xanh nha Giang. Giang khoát tay: − Vô duyên, nói chuyện không hay. − Đôi khi có những bất ngờ khiến người ta bật ngửa đó. − Mày nói rất đúng. Nhưng giữa tao và mày không bật ngửa mà bó hoa đang bật gọng kia kìa, chắc rã rời hết. Khanh lật đật cầm bó hoa lên tay. Mải cãi nhau hăng quá nên không biết mấy cánh hồng nằm rải rác dưới chân. − Ồ, sorry, sorry! − Khi nào có thằng Đằng, mày hãy xin lỗi nó. Nói với tao có ích gì. − Sao tự dưng quạu vậy? − Cầm có bó hoa mà cũng không nên thân. Con gái gì… hết biết. Khanh cười bào chữa: − Tại còn con gái nên hư, nên chưa có kinh nghiệm. − Bởi vậy mất “kép” cũng phải. Khanh trợn mắt: − Ê! Có mắng thì đừng đem đời tư của tao vô làm đề tài nha. Trời thì nắng gắt, không chịu ngồi ở nơi mát mẻ, hành tội tao phải đứng nắng còn khó như bà cô già. − Mày không thể chững chạc lên một chút ư? Khanh nhún vai: − Rõ ràng tao là một thiếu nữ, đâu phải thiếu niên. − Mày không giới thiệu, tao tưởng là nhi đồng khăn quàng đỏ đó chứ. Cứ lời qua tiếng lại, cả hai không nghe tiếng loa vừa phát. Đến khi đoàn người đang tiến dần ra cửa, Khanh mới kêu lên: − Ơ, Giang ơi! Ra rồi kìa! Những đoá hoa chào mừng, những vòng tay thắm thiết hoà trong nước mắt. Nhưng Đằng vẫn chưa hiện diện. − Có phải chuyến bay này không Giang? − Phải mà, mười một giờ ba mươi không sai. Làm sao đây Khanh? Tao với mày tủa ra hai hướng tìm đi, có thể nó đang tìm mình. − Ừ. Dòng người chen chúc nên Khanh không thấy gì ngoài mái đầu đen lố nhố, chợt có bàn tay nắm lấy vai cô khiến Khanh quay lại. Gã đàn ông đeo kính đen nở nụ cười, khiến cô buột miệng: − Ơ! Ông lầm người rồi. Cái xách tay tụt xuống đất rồi ông ta ôm chầm lấy Khanh. Quá bất ngờ, cô đã hưởng trọn nụ hôn nhanh như chớp. Khanh xô mạnh để thoát ra khỏi đôi tay người lạ, cái kính được lấy ra khỏi gương mặt có quai hàm đầy râu. Cô thảng thốt: − Ơ! Đằng… Lại một nụ cười như trêu tức. − Sao lúc nào em cũng đùa được hết vậy? Đằng nghiêm mặt: − Chị mới là người vô tình đó, cả bốn năm dài cho tôi một nụ hôn là quá đáng sao? Khanh như ngây người khi nhìn rõ Đằng. Anh đã ra vẻ một người đàn ông vững chãi đến không ngờ. Đằng hất mặt: − Sao, chị ngắm đã mắt chưa, giờ cho biết ý kiến đi? Giang đã quay trở lại giọng mừng rỡ: − Đằng! Cô ôm chầm lấy em trai: − Chị lo quá khi chưa thấy em. − Bà chị thân mến ơi! Em nhìn không ra nữa đấy. Ba mẹ sao rồi? Không đi đón em ư? Giang phân trần: − Chị và Khanh thôi, ba mẹ già rồi em. Khanh ơi! Hoa đâu sao không tặng mà đứng im re vậy? − Ờ… ờ… Xin chúc mừng Đằng ngày trở về. Đoá hồng được trao, anh nhận lấy, nói câu tếu: − Xin cám ơn… Hai bà chị làm Đằng tôi cảm động quá… híc híc, nhận hoa mà… mắc cỡ quá. − Gì? − Em ngỡ như mình đã trở thành đàn bà hồi nào không biết… và nhận hoa trong sự ngỡ ngàng. Hiểu ra, Khanh phát vào vai Đằng: − Đàn ông đi xa về vẫn được tặng hoa có gì lạ. Giang giải thích: − Trước kia em thích hồng phấn nên tụi chị tỏ chút thành ý đó mà. − Thành ý này của bà chị nào đây? − Đoán đi! Đằng đưa mắt ngắm Ái Khanh. Cô không hề thay đổi duy có đôi mắt như ẩn nỗi buồn: − Của Ái Khanh dành tặng trẫm phải không? Khanh trừng mắt: − Ăn với nói, phạm thượng hết biết! − Tôi có thay đổi đấy chứ. Chị nhìn xem, tôi không còn là thằng nhóc đáng ghét ngày trước mà thay vào đó là chàng thanh niên vững chãi, đầy nghị lực. Khanh nheo mắt ngắm Đằng từ đầu đến chân: − Tự hào quá ha! Giang hỏi: − Sao mà sặc mùi võ hiệp vậy. Hai đứa còn muốn phải nắng đến bao lâu nữa đây? Đồng khoát tay: − Quên há! Thôi, hai bà chị vào ngồi ở quán nước đi, em lấy hành lý xong ta cùng ăn trưa nhé? − Ờ, chị chờ em nghe Đằng. Trước khi đi, Đằng không quên nựng cằm Khanh. − Cái thằng… lúc nào cũng đùa. Cả hai nhìn theo dáng Đằng bước dài mới đó đã khuất dạng, gương mặt Giang lộ vẻ hài lòng. − Nó thay đổi đến không ngờ. − Ừ. − Nhưng vẫn dành tình cảm ưu ái cho mày, quên luôn có tao. − Đó thấy chưa, mày đang ganh tỵ với tao còn chối nữa không? Giang cười: − Đùa thôi mà. Khanh nhớ lại nụ hôn ban nãy của Đằng mà cảm thấy ngượng dù Giang không biết. − Trong đám bạn bè, có ai chơi thân như tao với mày đâu, san sẻ không hết có đâu ganh tỵ. − Cám ơn sự hiểu biết của mày, và nhớ có ganh cũng giấu trong lòng thật kỹ đi nha, tao mà thấy được là xù luôn. Giang nhún vai: − Eo ui, em sợ lắm! Chị mà xù rồi em biết chơi với ai? Lát sau, Đằng đẩy valy đến, Giang âu yếm hỏi em: − Gọi gì ăn nhé Đằng? − Vâng. Hai bà chị chọn thức ăn đi, em chưa biết món gì đặc biệt. − Đừng nói quen ăn món Tây quên luôn món ăn Việt Nam nha. Đằng cười: − Cũng có thể. Bên ấy làm gì có món cà pháo mắm tôm. Em đã nhịn thèm từng ấy năm trời giờ về đây nhờ bà chị yêu dấu đãi Đằng một bữa cho ra trò. Khanh háy mắt: − Tưởng yêu cầu đãi cao lương mỹ vị gì thì khó, còn món đó, chị sẽ đãi cho em dài dài một tháng ba mươi ngày luôn. − Định không cho em đi nữa hay sao mà cho ăn mắm nhiều thế? − Ăn bù bốn năm có gì mà nhiều. Giang chen vào: − Thôi đừng đùa nữa, gọi món ăn đi. Những món hải sản được bày ra. − Ăn đi Đằng! Đằng nhón một miếng tôm đã được Giang lột sẵn: − Vui quá, em không muốn ăn, chỉ muốn ngồi ngắm hai bà chị thôi. − Không ăn lát đói đó. − Những ngày tới đây, hai bà chị có dành thời gian đưa em đi chơi không? Giang nói: − Đi loanh quanh ở thành phố thì được, còn đi xa chị kẹt rồi. Nhưng em thích đi đâu? − Góp ý cho em đi! − Khanh có nhiều tour lắm, mày nói cho nó biết xem đi đâu. − Liệu Đằng có đủ tiền để tham gia không đã chứ. Đi du lịch thì nhiều nơi lắm. Đằng tự hào: − Bốn năm du học, hai bà chị không ngờ em vừa học vừa làm việc cật lực, vốn liếng có thể lo thân cho một người nữa. − À! Muốn cưới vợ rồi phải không? − Lần này em về để hỏi người ta có đồng ý cho em nâng khăn sửa túi không. Nếu được em sẽ về Việt Nam, dù sao sống ở xứ người cũng không bằng quê hương mình. Khanh tò mò: − Nàng của Đằng là ai, sao bây giờ mới tiết lộ? − Chị muốn biết? − Ừ. Không riêng vì chị mà Giang hẳn cũng ngạc nhiên đấy. Đằng nghiêm mặt: − Rồi sẽ biết mà, đừng nôn nóng. Thức ăn đã vơi, Giang hỏi: − Về được chưa Đằng? Chị ra gọi bác tài đem hành lý ra xe nha. − Vâng! Đợi Giang khuất xa, Đằng quay sang hỏi Khanh: − Ái Khanh có nhớ trẫm không đấy? Khanh nghiêm giọng: − Em không thể nghiêm chỉnh để trở thành người lớn hay sao? − A! Chị đã công nhận em rồi nhé. Dù sao đi nữa em cũng to cao hơn chị và già dặn hơn dù nhỏ hơn chút tuổi. − Bộ muốn làm anh hay sao mà để bộ râu ghê quá, giống như tụi hải tặc. − Em không thích giống hải tặc mà thích giống cái khác. − Khác gì? − Tình tặc! Danh từ ấy nghe lạ mà cũng đáng cho em thử nghiệm lắm. Chị nhìn xem, em là người đàn ông rồi nhé. Khanh trừng mắt khi thấy Đằng ghé môi: − Em thật sự trưởng thành rồi đấy chứ? Đằng nheo mắt: − Đúng vậy, và cũng là một chỗ dựa vững chắc của một gia đình nữa. Khanh không nói gì đưa mắt nhìn ra khoảng sân lố nhố người. Đằng ngắm cô say sưa. Khanh đâu biết anh đã gom nhớ gom thương trong ngần ấy năm dài để mơ một tình yêu không lời hẹn. Người con gái ấy đã nằm từ lâu trong tim anh từ thuở học lớp chín, với tuổi mới lớn đã biết yêu là gì, nhưng Đằng vẫn mong người yêu của mình sau này là Ái Khanh chứ không ai khác. Bao nhung nhớ được anh thể hiện vào nụ hôn bất ngờ, nhưng với anh đó là sự rung cảm thật tuyệt vời biểu lộ một tình yêu. Giang đã trở lại: − Khanh ơi, phụ tao đem hành lý ra xe đi! Đằng ngăn: − Để đó em, valy nặng lắm. Trên chiếc xe mười lăm chỗ ngồi, dĩ nhiên là Đằng không thể ngồi cạnh cô, anh im lặng không nói câu nào khiến Giang đưa mắt ngầm hỏi Khanh, nhưng cô nhận lại bằng cái lắc đầu. Đến nửa phần đường vẫn là sự im lặng khiến Giang phải hỏi: − Em đang mệt phải không Đằng? − Không! − Sao không nói gì nữa? − Em đang nghĩ sẽ làm gì cho những ngày tới? − Về được bao nhiêu tuần mà đã lo? − Cái đó còn tuỳ tâm trạng vui buồn nữa, thích hợp em sẽ ở hẳn không đi. Khanh đùa: − Giang à! Mày nên tìm cho ra một nửa của Đằng để khỏi phải chờ dài cổ ở sân bay. Đằng nói tiếp: − Nếu hai bà chị không muốn đến đón thì giúp ngay đi nhé? − A, quý công tử muốn vợ rồi đây. − Thế chị không đồng tình, muốn em mãi côi cút hay sao? − Lẽ nào ở xứ người, em không có ai? − Chuyện đó thì khỏi nói, con gái theo em sắp hàng dài đấy chứ. − Xem ra cậu em quá tự hào về mình khá nhiều đấy nhé. Đằng cười: − Không ai cấm mình ăn nói cả, nhưng rất tiếc đám con gái đó mắt xanh tóc vàng nên em chạy thục mạng. Chạy về Việt Nam để “ta về ta tắm ao ta”, có thể người em chọn sẽ giống như Khanh. Giang nhăn mặt: − Phạm thượng nha! Khanh ngang hàng với chị đó. − Chị không nhắc em vẫn biết mà. Nhưng người dưng khác họ không vai vế gì cả, em tha hồ xưng hô theo ý mình. − Đúng là sống kiểu Mỹ. Đằng cười lớn nhìn gương mặt Giang nhăn nhó, anh lảng chuyện: − Hai bà chị ơi, công việc vẫn tốt đó chứ? − Ừ. − Theo ngành du lịch có mệt không chị Khanh? − Em sẽ đăng ký một tour xuyên Việt, hai bà chị thân yêu có tham gia không? − Miễn phí và hoan nghênh thôi. Giang từ chối: − Chị bận rồi, có Khanh nó sẽ làm hướng dẫn viên cho em. − Một ý kiến tuyệt vời. Đồng ý chứ Khanh? − Dĩ nhiên rồi, vì đó là công việc của chị mà. Đằng cười không nói, vì anh hiểu Khanh muốn nhắc nhở anh cách xưng hô. Ngả đầu vào ghế dựa, anh mơ màng nhớ lại chuyện xưa. Ngày ấy đâu xa mấy sao gọi là xưa. Cái gì đã qua, người ta hay gọi là kỷ niệm, và với Đằng, kỷ niệm ấy được chắt chiu cho một người vô tình.Bà Hải dường như không vui khi có sự hiện diện của Khanh. Bà không xởi lởi như mọi lần khi cô đến chơi, và điều ấy Khanh cảm nhận được. Nhìn mọi người vây quanh Đằng, cô thấy mình thừa thãi phải rút lui thôi. Khanh nói nhỏ với Giang: − Tao về nha. − Khoan đã, mày vội gì. − Tao chợt nhớ còn cái hẹn nên phải đi đây. − Ờ, nếu vậy thì thôi. Định mời cơm mày luôn. Khanh cười nụ: − Ăn ở sân bay còn no ứ, bụng dạ nào ăn nổi. Mày nói với hai bác, tao về nha. Tiễn bạn ra tận cửa, Giang nói: − Chưa đi tour, nhớ đến chơi với thằng Đằng nghe. − Tao không hứa. Chiều chưa tắt nắng, Khanh bước đi với nỗi buồn bâng quơ. Nhìn cảnh sum họp gia đình Giang mà cô tủi thân. Ở nơi xa nào đó, không biết mẹ có giây phút nào nhớ đến đứa con gái nhỏ này không? Tuy rất nhớ thương, nhưng Khanh giận mẹ cũng thật đầy tràn ứ cả trái tim. Ghé vào siêu thị để mua thêm đồ dùng cho chuyến đi Đà Lạt, và bất ngờ cô lại chạm phải Chấn. Anh đang huyên thuyên: − Màu son này hợp với em đó. Khanh nép người không muốn họ nhìn thấy mình. Lúc nào cũng song đôi mà Chấn luôn miệng chỉ chiều lòng cha mẹ. Vậy đó mà cô đã từng tin anh dù niềm tin ấy luôn có sự nghi ngờ. Khanh bước ra khỏi siêu thị không kịp chọn cho mình đồ dùng cần phải có cho chuyến đi xa. Khanh ghé qua quán mua cho mình hộp cơm rồi về nhà. Đang lau tóc cho khô, phải đợi tóc khô cô mới có thể ngả lưng. Có tiếng gõ cửa khiến Khanh ngạc nhiên. Lẽ nào Chấn từ giã sớm với người ấy để đến dỗ ngọt cô. Bật chốt cửa, Khanh ngạc nhiên khi thấy Đằng đứng cạnh chiếc valy. Khanh tròn mắt hỏi: − Bị cấm cửa nên tìm nơi tá túc chắc? Đằng gật đầu: − Đúng vậy! Khanh có cho tôi tá túc đêm nay không? Danh xưng chị đổi qua Khanh, em đổi qua tôi, làm Khanh lạ lùng nhìn Đằng: − Nói năng nghiêm túc nha. − Tôi nói ngôn từ đúng nghĩa, có chấm, có phẩy, có chăng là Khanh chưa nghe quen. − Đúng, chị nghe chói tai lắm. Em nên nhớ đây không phải là xứ Mỹ, phải có tôn ti trật tự đàng hoàng. − Không định cho khách vào nhà hay sao mà tiếp ngoài cửa thế này? Khanh đẩy rộng cửa. Đằng xách valy theo vào, cô thấy ngượng với bộ quần áo mỏng manh: − Đằng ngồi đi, chờ chị một lát. − Khanh định làm gì? − Chị phải thay quần áo… Đằng khoát tay: − Chuyện đó không quan trọng. Giờ Khanh ngồi xuống để nghe một chuyện lý thú khác. Khanh nhăn mặt, Đằng cất giọng: − Thời gian bốn năm qua có dài nhưng không lâu khi tôi đã trở về, và nhắc lại câu nói của Khanh. − Câu gì cơ? − Khanh đã nói khi tôi trưởng thành to cao như một người đàn ông thật sự, lúc đó mới có quyền gọi Khanh bằng em, và lời nói hôm nay tôi sẽ thực hiện. − Đằng… Bất ngờ Đằng đứng dậy kéo tay cô đến trước gương. − Hãy nhìn xem, tôi nói đúng hay Khanh định nuốt lời? Trong gương, cô chợt bé nhỏ thua Đằng cả một cái đầu khiến anh thích thú: − Sao, trả lời cho trẫm biết đi, Ái Khanh? Ngẩn ngơ mất mấy giây, Khanh mới chồm lên cốc đầu Đằng: − Chịu thua rồi. Bộ cậu thích làm anh chị lắm sao? − Tiếng chị đó bán bao nhiêu, tôi mua cho, mua giá thật hời. Khanh cười: − Hời mấy cũng không bán. − Chiếc gương này đẹp quá, nhìn vào sao mà xứng đôi ghê. Khanh trừng mắt: − Lộn xộn quá đi! Đằng xoay người Khanh để cô đối diện với mình: − Khanh quên hết chuyện lúc trước rồi à? − Em có biết là chị đã có đôi rồi không? − Có thì đã sao. Họ đến sau tôi mà. − Chị không hề nghĩ sau trước gì cả, vì giữa chị và Đằng không ngang hàng. − Đừng đem tuổi tác ra làm vấn đề. Khanh bỏ đi lại ghế ngồi: − Đằng đừng đùa dai sẽ làm cho mọi người khó chịu, và riêng chị… ngại gặp Đằng. Đằng lắc đầu cười rồi ngồi xuống cạnh chiếc valy mở khoá, lấy ra những thỏi kẹo, bánh, quần áo… cuối cùng là bức tranh. Anh đưa cho Khanh: − Tất cả tâm tình tôi đặt hết vào bức tranh này vẽ tặng Khanh đó. Khanh nhìn cảnh vật có màu vàng úa, nổi bật là cô gái với cọng cỏ khô, bầu trời hoàng hôn… Cô lặng đi thật lâu mới ngước nhìn Đằng: − Cám ơn Đằng. − Hẳn Khanh biết cô gái trong tranh là ai rồi chứ? Tôi đặt tên cho bức tranh này là “Rừng xưa đã khép” cùng với tựa đề bài nhạc mà ngày xưa tôi và Khanh từng hát và thu băng. Không những cô lặng người mà còn xúc động nhiều khi biết Đằng nhớ sở thích của cô, trong lúc Chấn không biết tí gì về sở thích của người yêu mình. Đằng đóng nắp valy lại rồi nói: − Trong này vẫn còn quà, nhưng Khanh chưa được sử dụng bây giờ. − Đã tặng là quyền của người nhận, nếu chưa được sử dụng Đằng đem về đi, ai thèm… − Không nhận cũng không được, quà mang đến không mang về. − Cho gởi thì được. Nhìn đồng hồ, Khanh nói: − Không về nhà sao? − Tôi đến với mục đích mời Khanh đi ăn tối, chưa đi làm sao về? Khanh chỉ lên bàn: − Chị mua cơm hộp rồi. Đằng nên về nhà đi, chắc hai bác đang lo đấy. − Tôi đâu là trẻ con. − Nhưng buổi cơm gia đình ngày đầu tiên vắng Đằng thì còn ý nghĩa gì nữa. − Với gia đình, tôi còn rất nhiều thời gian. Còn với Khanh, đâu dễ tìm cơ hội được gần gũi. Mấy năm xa nhà, tôi rất muốn được trò chuyện cùng Khanh. Cứ làm theo, đừng thắc mắc gì hết! Không thể làm khác một khi Đằng đã quyết bởi bản tính anh, cô còn lạ gì. Đứng trước tủ quần áo, cô không biết chọn cho mình màu áo nào cho thích hợp. Cuối cùng cô chọn áo vàng nhạt, váy đen. Đằng nhìn cô không nháy mắt: − Ngày ấy và bây giờ không khác nhau gì mấy. Có khác chăng là lòng người, phải không Khanh? − Giờ có đi hay ngồi đó trách móc. − Đi chứ, nhưng muốn biết tâm trạng Khanh có miễn cưỡng không? Khanh cười khoe hàm răng trắng: − Được khao ăn không tốn tiền, lẽ nào miễn cưỡng. − Đi tắcxi hay “xe mười ngón” đây Khanh? − Tuỳ Đằng. − Ngoan ghê! − Chị vốn chiều em út mà. − Đi “xe mười ngón” vừa thân mật vừa dạo phố luôn. Bóng đêm đã hoà mình nên đường phố được thắp sáng bởi nhiều ngọn đèn. Khi ngang qua khu chợ, cô gặp Chấn. Anh rất ngạc nhiên định dừng lại nhưng rồi anh cho xe lướt đi. Khanh cảm thấy ngượng và chợt bối rối khiến bước chân vụng về. Đằng hỏi: − Sao bỗng dưng im lặng vậy Khanh? Câu hỏi kẻ cả của anh làm cô đâm bực: − Biết nói gì bây giờ. − Khanh chán đi với tôi hay vừa gặp ai nên ngại? Cô ngước mắt nhìn: − Đằng trở thành “bà Tám” hồi nào vậy? Anh nhún vai rất Tây: − Đó không phải nhiều chuyện mà là quan tâm. Tôi rất muốn biết rõ trong cuộc sống này với Khanh có khó khăn không? Khanh lắc đầu: − Đừng nói dối đó nhé. − Có gì phải dối Đằng. − Quanh Khanh không còn ai thân thích, lại gặp cuộc tình không suôn sẻ, đó có phải là nỗi đau không? − Đằng biết gì mà nói lung tung. − Thời gian xa cách, Khanh quên tôi chứ tôi biết Khanh từng tí một. − Để làm gì? − Hình bóng, lời nói, cử chỉ yêu thương của Khanh đã đọng lại trong tôi, từ đó tình yêu bùng dậy, tuổi tác có là vấn đề không khi con tim đã lên tiếng? Khanh không biết nói gì, thật là một tình huống vô cùng gay go. Từ sáng đến giờ, Đằng đưa cô từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. − Sao không bỏ được tật đùa dai vậy Đằng? − Khanh nghĩ tôi đang đùa ư? Chuyện tình yêu đâu phải đơn giản để nói, dù tôi biết tuổi tác có chút trở ngại, nhưng người xưa có câu: “Nhất gái lớn hai, nhì trai hơn một”. Giữa tôi và Khanh không khập khiễng vì Khanh vẫn trẻ hơn so với tôi. Quả đúng vậy, dáng dấp to cao cùng bộ râu xanh rì của Đằng làm anh già hơn. − Những lúc gặp phải chuyện buồn, Khanh sẽ làm gì, nằm khóc hay hét lên? − Sao những chuyện nhỏ nhặt, Đằng đều nhớ hết vậy? − Ừ, đó là sự quan tâm chân tình, hay xem là si tình cũng được. − Em làm chị ngỡ ngàng quá. Bước chân của họ đang ở trước quán cơm Lăng Ký. Đằng nói: − Mình đi ăn cơm ở đây nha Khanh? Cô gật đầu. Suốt buổi ăn, Khanh phải chấp nhận sự chăm chút của Đằng. Cô chợt hỏi Đằng khi đem Chấn ra so sánh: − Ở Mỹ, đàn ông ga lăng lắm hả Đằng? − Vâng! Phụ nữ đứng thứ nhất đấy. Tôi đã nhiễm phần nào nếp sống phương Tây nên rất quý phụ nữ, và nhất… à không, duy nhất một mình Khanh thôi. Trái tim đau chợt ấm vì người đàn ông trước mặt. Nhưng làm sao có thể chấp nhận khi cô từng xe Đằng như em trai. Giang biết được, chắc sẽ hét toáng lên và tẩy chay luôn dù cô là bạn thân. − Đằng cứ nói huyên thuyên mà có nghĩ đến hậu quả sau đó, ai là người gánh chịu không? − Tôi có trách nhiệm với tất cả lời nói và hành động của mình. Ăn cơm xong, mình đi hát karaoke như trước nghe Khanh. − Thôi Đằng, hãy dành thời gian cho gia đình, đừng để mọi người lo lại đâm ra trách chị. − Tôi đã lớn nên làm gì không cần ai phải quản mình đâu. − Nên biết dừng lại đúng lúc đi Đằng! Lần đầu tiên Chấn ngồi đợi Khanh lâu đến vậy. Anh là người không thích chờ nhưng hôm nay lại khác, dù có khuya đến mấy, anh phải gặp cho bằng được Khanh. Trời đêm phủ lạnh, thuốc đốt vàng tay, tàn thuốc vương vãi mà Khanh vẫn chưa về. Cuối cùng anh cũng nhận ra dáng bước vội vào con hẻm vắng. Khanh sửng sốt hỏi khi thấy Chấn: − Anh chờ em à? − Bắt đầu từ bao giờ, em biết đi chơi khuya với người đàn ông khác vậy? Bây giờ đã hơn mười giờ rồi. Nguyên tắc với anh nhưng em lại dễ dãi với người khác là sao, nói đi! Khanh không ngờ Chấn buông lời ghen tuông mà không ngượng: − Anh lấy tư cách gì để hỏi em? − Em đang trở mặt với anh? Nhìn đôi mắt tức tối của Chấn khiến Khanh tự hỏi: cô đã từng yêu tha thiết một người như Chấn được sao? − Câu hỏi vừa rồi nên để em hỏi anh thì đúng hơn. − Em đừng lấy cớ để cho qua chuyện. Anh không chấp nhận em cặp kè với người khác. − Nghe anh nói em tức cười quá. Không chập nhận được sao anh không cưới em đi. Chấn chau mày: − Em đang hỏi khó anh để không nhận mình sai trái hả? − Em chưa là gì của anh cho nên em quen ai và đi với ai không thể xem là sai trái. Đừng gặng hỏi như thế chỉ làm tổn thương thôi. Chúng ta đã thật sự chia tay nhau rồi. Anh đã có thêm một người khác để dung dăng cùng nhau. Em không thích thái độ hôm nay của anh. − Đó là… anh muốn vui lòng ba mẹ nên phải nhắm mắt mà… đi. Khanh cười nhưng lòng đau: − Thế thì anh đừng đến với em nữa. Em đã biết thân phận của mình nên không dám mơ xa đâu. − Câu nói của em cho anh biết em sẵn sàng quên anh để yêu người khác. − Đúng vậy, vì em được gì ngoài sự chờ đợi, ghen hờn, tủi thân để rồi nghe câu hứa hẹn “chờ anh”… Chờ đến bao giờ đây hả Chấn? − Vì vậy nên em trả đũa anh ư? Khanh thở dài: − Em đã quá mệt mỏi rồi. Em là một con người có tình cảm yếu đuối nên không đủ kiên cường để chờ đợi anh. Thật lòng em đã quá khổ sở rồi, hãy cho em sự bình an khi cuộc đời vốn đã đơn độc. Cha mẹ anh đã có lý khi không chọn em. Tuổi thanh xuân qua nhanh lắm, nên em biết mình phải tìm một bến đỗ nào an toàn. Chấn bực bội: − Em mở cửa đi, chúng ta cần nói chuyện nghiêm túc. Khanh im lặng mở cửa vào nhà. Anh theo sau cô. − Ngồi xuống đi Khanh! Cô ngồi xuống rồi hỏi: − Vẫn một câu “chờ anh nghe Khanh” phải không? − Không. Anh muốn biết hắn là ai? − Hắn nào? − Người vừa đi với em lúc chiều. Có phải vì thế mà em kiên quyết đòi chia tay với anh? − Anh muốn biết tại sao ư? Yêu anh để phải đau đớn, mãi nhìn người ta vui vẻ bên nhau hoài được sao. Tính đi tính lại, anh dành thời gian cho em được bao nhiêu? − Nói mà không biết nghĩ… một tháng em đi tour bao nhiêu ngày? Khanh buột miệng: − Đây là lý do chính đáng của anh? Chấn im lặng. Khanh nhìn sâu vào mắt anh: − Anh có dám cùng em bỏ đi xa không nếu như không cưới được em? − Hả! Giọng Chấn thảng thốt: − Sao bỗng dưng đòi một chuyện vô cùng kỳ cục. − Muốn có nhau chỉ bằng cách đó mà kỳ sao? Em không muốn mất anh, không muốn chờ đợi nữa, không muốn chao đảo vì một người khác khi họ yêu em thật lòng. Còn yêu em, anh có dám đưa em đi dạo phố như trước đây nữa không? Chấn lấy thuốc ra đốt. Thấy anh chau mày, Khanh biết mình vừa thốt ra những lời làm đau lòng anh. Vẫn giọng êm, cô tiếp: − Sau mỗi tour về, em thèm có anh bên cạnh để được vỗ về, an ủi tiếp thêm cho em sức mạnh đủ kiên nhẫn chờ anh đến một ngày hẹn nào đó. − Em phải biết đàn ông cần có sự nghiệp vững chắc trước khi lập gia đình. − Và anh đã chọn được số vốn vững chắc ở cô con gái giám đốc rồi phải không? Em từng nói, em không ước mơ cao xa, chỉ cần có anh trong ngôi nhà nhỏ là hạnh phúc lắm rồi. − Em phải hiểu cuộc sống gia đình xây dựng trên nền móng vững chắc, và điều đó phải có đồng tiền mới bảo đảm. Yêu nhau không thể uống nước lã với hai trái tim vàng đâu Khanh. − Lương anh và lương em cộng lại cho ta cuộc sống thoải mái rồi. − Còn tương lai con cái sẽ ra sao khi cha mẹ chỉ có tình yêu với hai bàn tay trắng? − Bởi vậy anh phân tích đã quá rõ ràng thì đừng bao giờ nói lời trách móc ghen tuông nữa. Bây giờ anh có cuộc đời riêng của anh và em cũng vậy, không liên quan, không bó buộc gì cả, cho nên anh không thể cấm em tìm một người khác. − Em đâu hư hèn đến thế hả Khanh. Quên mau anh và tìm ngay một người khác cho mình. Khanh tự ái: − Ừ, bản thân em hư hèn có “gien” đi truyền rồi. Lời này mẹ anh đã từng nói. − Đừng trách mẹ, vì bà ấy muốn anh có cuộc sống tốt. − Thế đấy, anh đừng bao giờ làm trái lại ý bà. − Khanh à! Giọng điệu của em giờ sao lạ quá không như trước đây. Khanh cười buồn: − Trước đây em ngốc quá, giờ đây đã khôn ra được một chút bởi bài học mẹ anh dạy cho để làm một người tốt. Không biết nói gì nữa khi Khanh đã đúng, còn anh nói yêu cô nhưng lòng vẫn chấp nhận được Phương, và có lẽ anh lại chăm chút cho cô nhiều hơn cả Khanh, biết lý giải sao đây? − Thôi anh về. Hãy nhớ, anh không yêu ai ngoài em. Khanh nhận nụ hôn rơi trên tóc một cách hững hờ, có nên tin anh nữa không? Nằm mãi mà không dỗ được giấc ngủ, Khanh cứ nhớ lời Chấn rồi Đằng. Cô sẽ thuộc về ai, tình yêu nào cho cô an lành không gặp bão giông? Sáng hôm sau Khanh rời nhà thật sớm, cô không muốn tiếp Đằng. Cô giấu mình suốt ngày ở biển vắng, nằm mãi trên chiếc ghế bố đôi để thèm thuồng hạnh phúc lứa đôi. Khoác túi xách lên vai, Ái Khanh đi sau người khách cuối cùng để lên xe. Khi mọi người đã an vị, cô cầm micro nói: − Xin kính chào quý khách! Chuyến tham quan Đà Lạt của chúng ta bắt đầu khởi hành. Tôi là Ái Khanh, hướng dẫn cho chuyến đi này, mọi thắc mắc cần liên hệ xin trao đổi với tôi, xin cám ơn. Giờ thì xe lăn bánh. Đúng bốn giờ sáng, chiếc xe rời bến. Không ai buồn để ý đến lời cô, hẳn vì phải dậy sớm nên họ muốn ngủ tiếp khi con đường còn dài. Ái Khanh đi ra sau ở băng ghế cuối cùng có người đàn ông sụp nón che kín mặt. Đặt túi xách xuống ghế trống, cô cũng thèm một giấc ngủ. Từ bây giờ, cô có quyền nghỉ ngơi trước khi xe dừng lại cho đoàn ăn sáng. Vốn dễ ngủ nên lát sau Khanh đã chìm sâu vào mộng, dù qua những đoạn đường ghồ ghề. Chập chờn theo nhịp lắc của xe, cô vẫn mơ thấy Đằng. Cảm nhận được hơi thở nồng cái lạnh của gió len qua khe cửa. Ái Khanh bừng mắt và ngạc nhiên khi mình đang dựa đầu vào vai người đàn ông lạ ngủ. Anh ta vẫn sụp nón ngủ say nhưng bàn tay thì nắm chặt tay cô. Khanh vội vàng sửa lại thế ngồi, nhưng giọng nói cất lên làm cô sững sờ: − Ngủ ngon đấy chứ? − Đằng… − Ngạc nhiên nhưng thích thú phải không? Suốt ngày hôm nay Khanh trốn tôi. Khanh bối rối: − Đâu có… − Cứ cho là không cũng được, nhưng giờ thì Khanh không trốn được tôi đâu. Khanh kêu lên: − Đằng à! − Không nên nói gì khiến mọi người chú ý, cứ dựa vào tôi ngủ ngoan như khi nãy đi. Nói xong, Đằng vít đầu cô tựa vào vai khiến Khanh không phản ứng, thầm lo mọi việc sẽ rắc rối hơn. Nhưng sao tâm trạng cô lại có cảm giác được che chở. Quảng đường đến Đà Lạt, Khanh diễn giải cho mọi người hiểu những nơi vừa đi qua. Ngồi từ phía sau, Đằng nhìn cô không chớp mắt. Đằng biết mình sẽ gặp khó khi yêu Khanh, nhưng anh nghĩ mình sẽ vượt qua tất cả để có được cô, vì đó là ước muốn duy nhất của anh. “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa… Rừng thu lá úa em vẫn chưa về Rừng đông gió cuốn em đứng bơ vơ… Mùa xuân đã đến em hãy quay về Rừng xưa đã khép em hãy ra đi…” Ái Khanh như đã có với anh từ trong tiền kiếp. Anh chắc như thế khi lần đầu gặp cô bé lên lớp sáu đến nhà chơi. Từ đó và từ đó, hình bóng Ái Khanh, tên Ái Khanh đã ăn sâu vào trái tim lãng mạn của vì vua không ngai. Sau khi ổn định phòng ngủ cho mọi người, Khanh trở ra khoan khoái về phòng mình. Cô thấy mệt mỏi và cần ngủ, ngủ được sẽ quên đi mọi phiền toái. Nhưng không bao lâu có tiếng gõ cửa: − Ai đó? Không có tiếng trả lời, nhưng tiếng gõ cửa lại tiếp tục vang lên khiến Khanh phải ngồi dậy. Người tìm cô không ai khác hơn là Đằng. − Gì nữa đây? Gương mặt Đằng nhăn nhó: − Tôi đau bụng quá… − Uống thuốc nhé? − Ừ. Nãy giờ Tào Tháo rượt chạy muốn thục mạng luôn. Khanh nói trống không: − Ngồi xuống đi! Đằng ngồi xuống mé giường vì trong phòng không có ghế. Khanh rót đầy ly nước đặt vào tay Đằng với hai viên thuốc. − Uống đi! − Chăm sóc cho người bệnh kiểu gì lạ vậy? − Hết giờ phục vụ rồi. − Tôi đau bụng là do Khanh đấy. − Tại sao? − Chọn nơi chế biến không hợp vệ sinh nên ăn vào bị ngộ độc. Khanh trừng mắt: − Tại sao cả đoàn xe bao nhiêu người không ai bị hết. − Họ gặp may. − Vậy thì vận xui của anh, không nên trách ai. − Nhưng Khanh phải có trách nhiệm. − Đưa Đằng nhập viện ư? Đằng lắc đầu: − Xức dầu, theo dõi bệnh. − Định giở trò gì đây cậu? − Bệnh thật chứ không phải giở trò. Và Đằng nằm xuống: − Cho xin tí dầu đi. Biết không thể làm khác, Khanh đành lấy dầu thoa vào bụng cho Đằng. − Xoa rồi đó! Nhưng Đằng không có ý trở về phòng mà nằm im nhắm mắt khiến cô phải giục: − Thuốc đã uống, dầu đã thoa xong, trở về phòng đi Đằng. Nhưng anh vẫn im lìm. − Bộ định nằm vạ ở đây luôn hả? − Ừ, vì dậy không nổi biết sao. − Đừng đùa quá trớn nghe. − Nếu muốn tôi ra khỏi phòng phải có điều kiện. − Lại yêu sách? Muốn gì nói đi. − Đi uống cà phê nghe nhạc. Khanh trợn mắt vì biết mình bị lừa: − Quá đáng nha! Không tiêu chảy mà uống đến hai viên thuốc là bí luôn đó. Đằng cười khì: − Đâu có ai ngu mà uống. − Là sao? Đằng cúi xuống đất lượm hai viên thuốc lên. Khanh giận quá nói không nên lời: − Đúng là… − Cứ tự nhiên mắng mỏ đừng ngại. Nếu không đi đâu, thì đêm nay trẫm sẽ ngự giá tại đây. Biết không thể dùng dằng mãi, Khanh xìu giọng: − Thôi được, Đằng về phòng chờ đi. − Đâu dễ mắc lừa. Khanh cứ làm việc của Khanh đi, tôi chờ. Khanh sầm mặc lầm bầm: − Kỳ cục quá! Đằng chỉ mỉm cười, biết rằng anh sẽ có giây phút vui bên cô. Ngồi cạnh nhau trong chiếc xe ngựa chạy lọc cọc quanh bờ hồ Xuân Hương, Đằng hỏi: − Nốt ruồi trên má của Khanh đâu? Khanh ngẩng mặt nhìn: − Phá rồi. − Lý do? − Không thích thì phá, bởi nó vô duyên quá. − Trắc trở vì tình nên muốn phá bỏ để cải số ư? − Nốt ruồi thương phu tích lệ giữ lại làm gì. − Khanh tin vì nó mà dang dở? − Ai cũng động viên nên chị bỏ đi, giờ thì tốt đẹp hết, không thích hơn sao. − Mất nó, gương mặt Khanh không quyến rũ như xưa. − Xưa và nay là hai chuyện hoàn toàn khác. Đằng gật gù: − Đúng vậy! Ngày xưa tôi là một thằng khờ, nhưng hôm nay đã hoàn toàn làm chủ được mình, nên sẽ giữ những gì tôi cần phải có. Khanh trêu: − Ngay cả khi giành lại một trái tim đã vỡ? − Tôi sẽ chữa lành vết thương đó bằng tình yêu, bằng ân tình chắt chiu bấy lâu. − Nhưng trái tim đã vỡ, muốn chữa lành không dễ chút nào. − Miễn sao người bệnh tình nguyện thì người chữa sẽ thành công, bởi những kỷ niệm quá đầy. − Chị không muốn thí thân cho Đằng làm thí nghiệm. Tình yêu phải xuất phát từ hai phía và kết hợp bản thân cùng nguồn gốc gia đình nữa. Đằng không nên đi lại vết xe cũ sẽ trái ngang. − Đó là một cách từ chối rất là khéo, nhưng trái tim tôi nó cứng đầu lắm, không thể bỏ dở những tháng ngày lặng lẽ để quên được đâu. Khanh không biết tâm trí mình có dang dao động vì Đằng không, chỉ hiểu nỗi đau chợt được vỗ về êm ái. − Đằng có nghĩ giữa chị và Đằng khập khiễng hết mọi mặt hay không? − Lý lẽ con tim không đủ san bằng những trở ngại đó hay sao? Cảnh đêm gió thổi đùa qua mặt nước làm sóng lăn tăn dưới hồ. Khanh không biết mình phải làm gì khi đang ở giữa ngã rẽ đường tình? Nên rẽ trái với Chấn hay quẹo phải với Đằng? Điểm xuất phát nào để được an thân? Cô vẫn tự hiểu công việc và thân phận của mình là hai chuyện khó chấp thuận cho những bậc làm cha mẹ luôn muốn được hoàn hảo. Khanh để yên trong tay mình nằm ngoan trong tay Đằng. Lẽ nào cô lại chấp nhận anh một cách dễ dàng đến vậy? Bước song đôi hai chiếc bóng đổ dài xuống đường, Khanh thấp hơn Đằng cả một cái đầu. Con đường dốc nghiêng nghiêng với không gian lạnh lẽo, cô cảm nhận Đằng đang choàng qua vai. − Sao không nói gì đi Khanh? Cô lắc đầu. − Đôi khi những điều cần nói thể hiện bằng mắt đã đủ nghĩa rồi, phải không Khanh? Đằng dừng lại xoay người Khanh đối diện với mình: − Cho anh một nụ hôn ngọt ngào đi. Và bờ môi ấy đáp xuống nhẹ mà nhanh khiến Khanh không sao từ chối. Cô đã được nhấc bổng đứng lên bàn chân Đằng, gió thổi lạnh nhưng không gian như đọng lại và trăng trên bầu trời đêm đồng tình làm chứng nhân cho hai người. Chia tay nhau ở cửa phòng Khanh, anh nói nhỏ: − Chúc em ngủ ngon và mơ thấy anh! Khanh cười bằng cả đôi mắt: − Điên quá đi Đằng. − Điên vì tình mới thú vị. Dù có mệt nhưng Khanh vẫn chưa ngủ được vì có quá nhiều chuyện để cô suy nghĩ. Làm sao dứt được hẳn Chấn? Làm sao đừng để Đằng tiến xa hơn? Vì cô biết trái tim yếu đuối sắp chao đảo khi cô có đầy khoảng trời kỷ niệm với Đằng.Khanh nhận ra giọng nói của Giang: − Alô. Mày đó hả Khanh? − Ừ. Sao hôm nay nổi hứng gọi điện cho tao vậy? − Hứng cái gì, thằng Đằng đột nhiên mất tích không biết đâu nên cả nhà tao đang lo sốt vó đây. Đằng ngồi cạnh ra dấu với Khanh, cô hỏi: − Đi không nói với ai hết hả? − Ừ, mày có nghe nói gì không? Khanh đành phải nói dối theo Đằng: − Không. − Thôi, hỏi mày xem có biết gì để đỡ lo thôi. Hiện giờ mày đang ở đâu? − Đà Lạt. − Thôi nha, tao cúp máy đây. Khanh nói ngay khi buông máy xuống: − Sao đi không nói với gia đình làm ở nhà đang lo lắng vậy? Đằng cười: − Anh lớn rồi mà. − Đồng ý, nhưng phải báo mình đi đâu chứ. − Anh có viết giấy để lại, chắc mọi người không nhìn thấy. Cũng may Khanh nhanh trí không tiết lộ. − Đằng sợ phiền phức ư? − Anh chỉ sợ cho Khanh khó xử thôi. Lời Đằng nói quá đúng. Làm sao cô có thể nói thẳng Đằng đang ở cạnh mình. Mấy ngày trôi qua là mấy ngày Khanh mặc nhiên làm người tình của Đằng. Cô không phản kháng hay nói gì nữa vì biết có nói gì đi nữa, Đằng vẫn làm theo ý mình. Chỉ có mấy ngày thôi, Khanh chợt nhận ra kỷ niệm cũ bừng sống dậy để cho Đằng từ từ bước vào trái tim cô một cách rất nhẹ nhàng để đẩy lui được Chấn. − Biết vậy sao Đằng còn gây ra chuyện cho chị khó chạm mặt với Giang? − Đôi khi lý lẽ con tim làm mờ đi lý trí khiến người ta làm theo bản năng, mà không nghĩ xa hơn. − Đương không phải nói dối, điều mà chị rất ghét. − Có những cái cần nói dối cho êm chuyện. − Chẳng hạn như hôm nay vậy à? Bộ Đằng tưởng Giang khờ lắm sao, nó đã nghi nên mới gọi điện… − Thôi, đừng nói chuyện đó nữa. Sáng mai về rồi, giờ hãy nói chuyện đêm nay mình sẽ đi đâu chơi cho thật vui. − Đằng không chán sao? − Được sánh đôi bên người mình yêu thương làm sao lại chán. Khanh khỏi khó trả lời quá đi. − Đằng không hề tôn trọng chị. − Tại sao cứ xưng chị mãi vậy Khanh, anh không thích chút nào. Còn hỏi tại sao anh không tôn trọng, Khanh có lầm không vậy. Anh nói lại một lần nữa thật rõ ràng cho Khanh nghe, trong suốt cuộc đời này, không ai ngoài Khanh khiến cho anh trân trọng yêu quý đến vậy. Khanh im lặng một lúc sau đó cô mới nói: − Mình đùa với nhau bao nhiêu đã đủ rồi đó Đằng. Khi trở về nhà, hãy ở yên vai trò như trước đây. Đằng đừng để cho mọi người hiểu lầm và hẳn người xấu hổ không ai khác ngoài chị. − Khanh không phải sợ gì cả. Tất nhiên anh sẽ biết lo liệu để mọi người không phải bỡ ngỡ. Thế đây, cuộc vui nào rồi cũng tàn, sum họp rồi ly tan. Đằng cứ nắm chặt bàn tay Khanh như không muốn rời nữa, với Khanh là nỗi lo vì cô thừa biết cuộc đời có những bất ngờ xảy ra khó đoán trước. Nhìn Đằng ngủ say bằng nét mặt hân hoan, cô thấy lòng mình nao nao, rồi tự thẹn với lòng sao mà hư quá. Ái Khanh ngồi im nghe Giang hằn học: − Lần đầu tiên mày không thành thật với tao. − Về chuyện gì? − Mày biết Đằng ở xa về tâm sự với gia đình chưa được bao nhiêu, vậy mà mày động viên cho nó theo tour làm gì. Ba mẹ tao giận mày lắm đó, đã vậy gọi điện còn nói dối nữa. Khanh nhỏ nhẹ: − Tao đâu có động viên gì đâu. Khi xe khởi hành, tao mới biết có Đằng trong đoàn người tham quan đó. Còn dối mày là vì Đằng không cho tao nói, thế thôi. Giang khai chiến: − Tao không muốn thấy mày bị động theo Đằng. Nó nhiễm lối sống phương Tây nên không ý tứ. Còn mày thì không thể, nên giữ khoảng cách với nó sẽ tốt hơn. Dù sao mày đã từng yêu, còn em tao nó chưa biết gì cả, có chăng là phút nhất thời, mày sẽ bị thiệt thòi đấy. Cô nhìn sững Giang. Lời lẽ tuy nhẹ nhàng nhưng là gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt Khanh. Cô lạnh lùng buông lời: − Rất tiếc phải để mày nói ra những lời vừa rồi. Nhưng mày hãy về nói cho Đằng nghe đi khi nó còn ấu trĩ trong chuyện yêu đương. Còn phần tao, không cần mày nhắc nhở. − Mày đang giận tao đó hả? Tao chỉ muốn tốt cho mày thôi. Chuyện tình cảm hẳn với Đằng chưa có kinh nghiệm, mày hãy vì tao mà xa lánh nó đi. Khanh buồn buồn: − Tao đâu có ý sai quấy gì đâu mà lo, trước sau gì tao vẫn xem Đằng là em trai. Tao rất buồn khi thấy mày đánh giá tao quá thấp. − Mày có biết nhà tao đang hoảng lên khi nghe Đằng tuyên bố sẽ kết hôn với mày không? Khanh bàng hoàng: − Đằng đùa ư? − Bởi vậy tao muốn nói rõ cho mày biết… Những ngày ở Đà Lạt, mày đã cho nó hy vọng gì để có ý nghĩ đó? − Tao có nói gì đâu. Bộ mày tưởng tao rảnh lắm sao? Công việc của tao là đưa khách đến mọi nơi. Còn ý tưởng của Đằng nghĩ vậy, tao đành chịu. Nhưng một khi mày đã lên tiếng thì tao hiểu rồi. Giang hạ giọng: − Mày phải hiểu cho… Ngay hôm đầu về nhà, nó đã bỏ buổi cơm gia đình để đến với mày, rồi không nói không rằng lại âm thầm đi Đà Lạt theo tour của mày, lúc trở về thì tuyên bố sẽ kết hôn… Hỏi mày ai chịu được mà không bực. Lát sau, Giang hỏi lại: − Ngày trước, mày với Đằng đã có tình ý với nhau sao? Khanh chưng hửng: − Đằng nói thế với mày ư? Tao không hiểu nổi Đằng đang muốn gì nữa. Thôi, mày hãy dừng tại đây nha, tao mệt mỏi lắm. Nếu còn xem là bạn bè, mày đừng hỏi hay thắc mắc gì hết. Cuộc đời tao vốn đã buồn, thân phận vốn bọt bèo rồi, tao không dám mơ xa đâu. Yêu Chấn, trái tim tao đang nhức buốt chưa lành, lẽ nào lại lấy dao cứa cho tan tành nữa. Giang cúi mặt, biết mình vừa làm tổn thương Khanh, nhưng làm sao đây khi gia đình cô rất nghiêm khắc. Vả lại, riêng cô cũng không chấp nhận được chuyện Khanh là người yêu của Đằng. Giang đứng dậy: − Thôi, tao về. Khanh không buồn tiễn bạn. Bỗng dưng cô thấy có sự ngăn cách giữa hai người. Chán nản, Khanh thay quần áo đến công ty. Thấy Khanh, ông Quảng hỏi: − Không nghỉ ngơi, định đến xin đi tour hay sao? Khanh gật đầu: − Ở nhà thấy chán quá chú. − Đừng ỷ lại nha cháu, sức khoẻ là trên hết đó nha. − Cháu còn trẻ, không biết tận dụng để tích luỹ, mai này có gia đình rồi, đâu thể theo nghề mãi. − Chu choa ơi, lo xa quá! Ông Quảng tò mò: − Lại hờn anh giận em nữa hả? Khanh lắc đầu: − Không giận hờn… vì đã chia tay rồi chú. − Buồn há! Cho nên đăng ký đi để quên nỗi buồn sao? − Cứ cho là như vậy, chú có giúp cháu không? Ông Quảng dễ dãi: − Dĩ nhiên rồi. Phải ưu tiên giúp đỡ người gặp khó chứ. Khanh nói đùa cho vui nhưng cũng tự chế giễu mình: − Gặp khó vì tình, xấu hổ quá hả chú? − Có gì phải xấu hổ vì đâu ai chắc trong đời mình không lần đau đớn vì tình. Để chú xem lịch, coi tour nào gần nhất nhé. − Dạ. Cám ơn chú. Thế là Ái Khanh lẳng lặng đi xa, chuyến đi xuyên Việt dài hơn nửa tháng. Nhưng lần đi này, cử chỉ và lời nói duyên dáng khi hướng dẫn cho khách tham quan của Khanh có phần thiếu sinh động khiến anh Tài phải hỏi: − Hình như Khanh đang có chuyện gì buồn phải không? Khanh ngạc nhiên nhưng vẫn chối: − Đâu có… − Đừng giấu! Tôi và Khanh có bao nhiêu tour trong một năm, lẽ nào tôi không cảm nhận được. Đi xa không phải là cách hay để chạy trốn nỗi buồn đâu. Khanh chỉ cười không phản đối. Cô cắn môi mình nhìn đường phố đang lùi dần: − Khanh à! Có người để ý đến em đó, biết không? − Ai vậy anh Tài? − Cứ mỗi năm vào dịp hè là ông ta đi xuyên Việt, Khanh không nhớ là ai sao? Khanh nhíu mày cố nhớ nhưng hoàn toàn không nhớ ra. Anh Tài chờ cô suy nghĩ giây lát rồi mới nói: − Ông Châu bên công ty xăng dầu đó, cô nhớ chưa? Khanh đã chạm ngay ánh mắt của ông Châu, đành phải cười chào đáp lễ. Khanh nhỏ giọng: − Nhớ rồi! − Ông ta được đấy chứ. − Được về mặt nào? − Giàu, phong độ, độc thân… à không, mồ côi vợ. − Anh hiểu rõ ông ta quá vậy. Tài cười bằng cả đôi mắt: − Ừ, vì tôi muốn ăn đầu heo nên phải tìm hiểu rõ cả hai phía. − Anh là tài xế hay “bà Tám” đây? − Tôi chúa ghét để ý chuyện người khác, nhưng ngặt nỗi ông ta đã trút bầu tâm sự cho nghe, nên đành hiểu rõ chứ đâu muốn làm “bà Tám”. − Chuyện không liên quan, anh nghe làm gì cho mệt óc. − Đã bảo tôi muốn ăn đầu heo mà. − Anh không biết trên đời có bốn cái ngu sao. − Đồng ý! Nhưng cái ngu này có lợi Khanh ơi. − Lợi gì? − Giúp cho đồng nghiệp có một tổ ấm vững chắc, mình được người ta mang ơn, không thích sao. Khanh chun mũi: − Ông ta có bị bệnh không vậy? − Bệnh gì? − Bệnh điên nên không biết tôi là một người mát dây quá nặng. Tài cười: − Mát dây vì tình có thể chữa được. − Ông ta biết rõ về tôi chưa mà chờ anh mai mối? Tôi vốn rất khó thay đổi. − Chẳng lẽ lỡ một lần rồi ôm khổ suốt đời? Hãy dứt Chấn đi, ông Châu có tất cả để cho cuộc sống Khanh hạnh phúc, không phải rày đây mai đó trên suốt chặn đường mệt mỏi. Là con gái không thể sống mãi như vậy, cần có một mái ấm gia đình, con cái là niềm hạnh phúc nhất. − Anh sẽ được gì khi khuyên tôi? Nên biết, tôi rất yêu nghề và không sờn lòng dù có khó khăn. Tôi đã từng nghĩ như anh nói, nhưng cuộc đời không may mắn nên khó mà thực hiện. − Đâu cần phải lấy người mình yêu làm chồng đâu Khanh. − Với tôi lại có suy nghĩ, vì không yêu, tình cảm sẽ nhạt khi sống chung. − Lâu dần sẽ hiểu tình càng đậm đà. Ngày xưa, tôi và bà xã đâu có yêu nhau, khi lỡ duyên đầu đang buồn chán, nên nghe lời cha mẹ cưới vợ cho xong, cuối cùng chúng tôi rất hạnh phúc. Khanh trêu: − Hèn gì vỡ kế hoạch, có đến ba con phải không? − Cứ mỗi chuyến đi xa về, tôi lại thương vợ hơn. Có chồng sống bằng nghề tài xế cũng căng lắm. Khanh hiểu vì mỗi chuyến xe, anh giữ sinh mạng cho bao nhiêu con người, chỉ cần xui rủi một chút thôi… Khanh lắc đầu xua đi ý nghĩ vừa đến khi chiếc xe đang lao lên con dốc cao. Ái Khanh đi ra hướng sông Hương tìm cho mình một quán nước. Trời đêm man mác khi những chiếc ghe nhỏ lướt trên sông với câu hò Huế. Cô chợt bâng khuâng nhớ đến Đằng, nhớ bài thơ trước khi đi du học, anh đã gởi đến tặng cô. “Mai anh đi rồi, Khanh có buồn không? Mai anh đi anh nhớ bé vô cùng Trời không gió, sao lòng dậy sóng Nhớ nụ cười khe khẽ ấm lòng trai Mai anh đi rồi, Khanh có buồn không? Mai anh đi lòng rét mướt vô cùng Khanh không tiễn mà phi trường ướt nước Bước chân buồn lặng lẽ quá mong manh Mai anh đi Khanh có biết gì không? Phượng cuối hạ rưng rưng qua ngậm ngùi Thành phố nhớ ngày mai là kỷ niệm Bước chân đi lòng nhớ mãi không nguôi Mai anh xa biết có lần gặp gỡ? Vấn vương hoài vì chưa ngỏ lời thương Con phố nhỏ những trưa buồn ngày hạ Ai sẽ đàn cho em hát Khanh ơi?” Bất giác nước mắt tuôn thành dòng, cô thấy thương thân mình quá. Ngồi đó, Khanh dường như không màng tất cả những gì đang diễn ra trong đêm trăng. Đâu phải cô vô tình không hiểu tình cảm của Đằng mà nhủ lòng không dám hiểu, bởi thân phận và tuổi tác không cho phép cô nhìn nhận chân tình của Đằng. − Nước mắt có thể làm vơi được nỗi buồn đấy. Câu nói làm Ái Khanh giật mình, cô quay sang phải có tiếng nói vừa cất lên. Ông Châu gật đầu chào làm cô đưa tay lau vội nước mắt. Ông bước đến: − Tôi có thể ngồi cùng bàn, được không cô Khanh? − Vâng, nếu ông thích. Ở tuổi tứ tuần nhưng ông Châu vẫn còn dáng dấp như trai trẻ. − Buồn đến nỗi phải khóc sao? − Có những lúc nghĩ về một chuyện đau lòng nào đó khiến người ta không kềm được xúc động… và tôi đang ở tâm trạng đó. − Nỗi đau ấy do người gây ra hay do cảnh vậy? À không… bỗng dưng tôi tò mò quá. − Ồ, không sao đâu! Tại tính tôi uỷ mị cho nên dễ thương dễ khóc. Ông đi tham quan có một mình? − Vâng. Cứ mỗi dịp hè, tôi lại làm một chuyến đi xuyên Việt để tưởng niệm người vợ quá cố của tôi. Hiểu ra, Khanh nói: − Xin chia buồn cùng ông! − Cám ơn cô Khanh, nhưng lời chia buồn của cô lại cho tôi một niềm vui. Khanh tròn mắt không hiểu? − Sao ạ? − Tôi vui vì suốt chuyến đi gặp được cô Khanh, dễ thương, sôi nổi, đầy nhiệt tình. Và cũng quá bất ngờ khi thấy giọt nước mắt đang tuôn dài của cô, cho nên tôi không ngần ngại phá đi sự tĩnh lặng đang có trong lòng cô Khanh. Khanh cười gượng: − Cám ơn ông đã khen. Thật ra khả năng của tôi còn phải học hỏi thêm nữa. Ba năm công tác, thời gian đó không đủ nhiều để cho tôi có một kinh nghiệm hoàn hảo. − Nghe cô diễn giải những địa danh, những kỳ tích, tôi như sống lại thuở xưa vậy. − Vì ông đã có một thời xưa rất tuyệt phải không? Ông Châu gật đầu: − Vâng! Tuổi trẻ cái gì cũng lạ, cũng đều quyến rũ cả. − Nhưng phải ở trong một hoàn cảnh tốt chứ ông. − Hẳn cô không gặp may mắn trong cuộc sống. − Không đâu, may ít rủi nhiều, nhưng tuổi trẻ háo thắng nên dễ dàng vượt qua. Ông nhìn cô không ngại ngần: − Có những chuyện phải giấu kín nên cô không thể san sẻ với ai? Nhưng đôi khi buồn được tâm sự cũng nhẹ lòng không ít. Khanh cười xua đi ý nghĩ của ông Châu, vì cô biết ông đang kiếm cách để được làm quen với mình. − Con gái thường có nỗi sầu vu vơ, đôi khi nhìn bầu trời ảm đạm và mưa chợt rơi cũng làm tôi bật khóc, có thế thôi. Ông gật gù: − Tôi thấy cô đã quá phí sức, đừng nên ỷ lại, dù tuổi trẻ có sức khoẻ sung mãn. Ly cà phê trên bàn đã vơi quá nửa và gió bắt đầu lạnh. Mạnh dạn, ông Châu hỏi: − Chúng ta về hay ngồi lại nữa hả cô Khanh? − Cơn mưa này chắc lớn lắm, đành về thôi. Đi song đôi bên ông Châu, dù phải trả lời những câu hỏi ý tứ, Khanh thấy cũng thú vị. − Mong rằng sau khi kết thúc chuyến đi này, tôi và cô sẽ là bạn nhé. − Vâng! − Cám ơn. − Về điều gì? − Về tất cả. Xong một ngày đưa khách tham quan cung đình Huế, cô nằm dài trên giường để nghe cơ thể rã rời, cổ họng rát buốt. Cô lẩm bẩm: − Bị cảm rồi đây. Tìm trong ví thuốc cảm đã hết, Khanh vội khoác áo ra quầy thuốc gần khách sạn mua. Tờ lịch có số chữ màu đỏ khiến cô chợt nhớ đến Giang. Ngày mai là ngày sinh nhật nhỏ Giang. Có giận nhau đó, nhưng phải gởi điện hoa chúc mừng. Nhớ lại những lời lẽ trách cứ của bạn khiến Khanh rất buồn. Tình bạn bao năm chẳng lẽ phút chốc lại sứt mẻ vì Đằng? Chưa bao giờ cô thấy mình cô đơn như hôm nay. Bước chân vào đại sảnh khách sạn, ở đấy vẫn còn mấy người khách của đoàn đang tán gẫu. Thấy cô, ông Châu đưa tay vẫy, nhưng Khanh chỉ cười rồi bước lên bậc thang. Suốt chặng đường dài, Khanh mang cái nóng hầm hập trong cơ thể dù sốt không cao, đầu nặng trịch nên mệt càng mệt mỏi hơn. Khi xe về đến cầu Cỏ May, không khí đã đổi khác làm cô dễ chịu hơn. Anh Tài hỏi: − Chuyến đi này, hình như Khanh không được thoải mái, cả về tư tưởng lẫn thể xác phải không? − Anh thấy vậy sao? − Ừ. Đôi mắt linh hoạt hằng ngày nay lại có vẻ mệt mỏi nhiều. Về nghỉ ngơi dưỡng sức lại đi, đừng vì buồn ai mà phí sức, đến khi bệnh không có người chăm sóc đâu. − Lời anh nói làm tôi cảm động. Tôi đang mệt quá, nhưng phải cố để không bị ngã quỵ khi trách nhiệm của mình chưa hoàn thành. Khách rời xe rải rác, người cuối cùng là ông Châu. − Chào cô Thanh nghe! Rất mong gặp lại cô vào một sáng đẹp trời. Đây là số phone của tôi. Khanh cố nở nụ cười: − Vâng! Tôi cũng mong như vậy. Thấy vẻ quyến luyến của ông Châu, anh Tài trêu: − Khanh à! Ông ta nuối tiếc vì chuyến đi không dài thêm chút nữa. Khoác túi xách lên vai, Khanh lườm anh: − Thôi, đừng có đùa nữa. Nếu dài thêm mười phút nữa thôi, tôi sẽ chết trên xe luôn. − À, nếu có chết thì có người khác lo ma chay, lo gì. − Không muốn về tổ ấm hay sao mà trêu tôi hoài? − Hy vọng cô và ông ấy tiến xa hơn. − Anh sẽ được ăn mấy cái đầu heo mà nói ra nói vô hoài vậy? − Tôi chỉ muốn thấy cô vui vẻ có một gia đình. − Cám ơn anh. − Khanh tìm gì bỏ bụng để uống thuốc rồi về nghỉ, ngày mai tôi sẽ đưa mấy đứa nhỏ đến chơi đó. Ái Khanh nhìn theo và nhận được sự hăm hở trên gương mặt của anh dù đang mệt. Tổ ấm của anh có người vợ hiền và ba con đang đợi, còn cô nơi căn nhà nhỏ chắc vắng lặng và bụi phủ đầy. Về đến cổng nhà, Khanh không tin vào mắt mình khi thấy Chấn đang ngồi ở bậc thềm, thời khắc đó hơn mười giờ đêm. Chấn hỏi: − Sao em về trễ vậy, đã ăn uống gì chưa? Ái Khanh xúc động: − Sao biết mà đợi em? − Hỏi ông Quảng. Đi tour liên tiếp chắc em mệt lắm rồi hả Khanh? Lời nói ngọt ngào của Chấn làm cô thấy được an ủi nhiều. − Có chuyện gì không anh? Chấn nắm lấy bờ vai nhỏ: − Anh nhớ em! Nếu như trước đây, có lẽ cô đã ôm chầm lấy anh mà khóc bằng giọt lệ nhớ thương sau bao ngày vắng xa. Không nói gì, Khanh mở khoá cửa để nén xúc động, cố không cho Chấn biết rõ tâm trạng mình. − Sao em cứ ngoan cố làm khổ cho mình vậy? Hay em giận anh nên đi tour hoài? Yêu anh, em phải hiểu cho anh chứ. Bắt đầu từ bây giờ, anh sẽ đến thăm em thường xuyên hơn. Khanh lắc đầu: − Thôi Chấn, em không muốn mẹ anh lại đến mắng mỏ em lần nữa đâu. Anh phải biết em đã lấy danh dự ra thề rồi, và tự hiểu tình yêu giữa hai chúng ta không đi đến đâu hết. − Em muốn mình chia tay thật sao Khanh? Không lẽ em quên anh nhanh đến vậy? Khanh trả lời bằng giọng buồn: − Em phải làm sao khi chỉ là cái bóng bên đời anh, luôn sống lo sợ cha mẹ biết mối quan hệ này, và em sẽ được gì khi đưa mắt nhìn anh vui đùa bên người khác? Thà cứ để cho em đau một lần đi đừng thương hại, đừng xót xa, như thế anh đã cho em một niềm tin mới. − Em thay đổi nhiều quá. Khanh thất vọng nhìn Chấn, người đàn ông mà cô đã yêu thương ba năm dài, đã cho cô biết tình yêu ngọt ngào nhưng bây giờ là nỗi xót xa, chia tay không nỡ và yêu thì không thể. − Hay em đã có một người khác nên dễ dàng quên anh? − Cứ cho là như vậy đi, nên anh yên tâm không phải ray rứt khi quay lưng với em. Em đã quá mệt mỏi khi cứ lặp lại mãi những lời nhàm chán. Chấn biết mình đang phân vân khi phải chọn lựa giữa hai cô gái: một Ái Khanh anh từng yêu say mê và một Thu Phương giàu có do cha mẹ chọn. Anh thở dài nghe cô tiếp: − Chúng ta đã nói quá nhiều về cuộc chia tay nhưng chẳng ra sao cả. Hôm nay là lần cuối cùng, mình dứt khoát luôn đi anh Chấn. Anh im lặng nhìn cô một hồi lâu, lát sau mới dịu giọng: − Cho anh một thời gian nữa đi em. Chúng mình cần phải suy nghĩ lại. Chấn ra về nhưng mang đầy tiếc nuối khi thấy Khanh quá cương quyết. Cô buông thõng người xuống ghế nghe sức lực dường như đã cạn. Ra đến đường, Chấn sựng lại khi thấy gã đàn ông đi hăm hở về hướng nhà Khanh. Anh dừng xe để nhìn và biết chắc chắn anh ta vào nhà ai. Chấn chau mày muốn quay xe trở lại, nhưng chỉ sau vài giây anh bỏ ý định. Chấn đã rõ vì sao Khanh một mực đòi chia tay, bởi không có anh, cô vẫn tìm ngay cho mình một người khác. Cánh cửa chưa đóng nên Đằng vào nhà dễ dàng. Nghe tiếng chân, Khanh ngỡ Chấn quay lại nên mở bừng mắt. Cô bàng hoàng khi thấy Đằng. − Em đang mệt sao Khanh? − Có gì không Đằng? − Câu hỏi nhạt nhẽo của mấy ngày dài dành cho anh đó sao? − Đừng tiến xa hơn nữa, nếu như Đằng không muốn thấy tình bạn giữa chị và Giang chấm hết. Đằng chau mày: − Chị Giang đã nói gì với em? − Tự hiểu, đợi gì phải nói. − Anh không tin Khanh sợ một ai đó mà không dám nhận tình của anh. Đừng chối là trong tim em đã có hình bóng anh. Bao năm dài, anh yêu một cách lặng lẽ, giờ thì khác đi rồi. − Làm sao… có thể yêu nhau… − Trai chưa vợ gái chưa chồng, đâu ai cấm cản. Em không nên nhận công tác mà hãy dành thời gian này cho anh. Giọng Khanh buồn: − Rồi sau đó Đằng ra đi, người ở lại sẽ như thế nào đây? Có phải vẫn cô đơn và nghe đầy tiếng gièm pha? − Chỉ cần em thấy cần có anh, thì chuyện ở lại anh sẽ thực hiện, còn không được em thà sống xứ người còn hơn. − Tình thương của gia đình không lớn hơn tình yêu sao Đằng? − Đồng ý là cha mẹ rất cao cả, nhưng tình yêu sẽ có với anh suốt cuộc đời, điều ấy dù thương con bằng biển, cha mẹ không thể cho anh. Khanh chợt nhận ra kỷ niệm giữa cô và Đằng là sự chắp nối sau tháng ngày lặng lẽ trôi qua nay chợt bừng lên. Rã rời mọi ý nghĩ luôn cả thân xác đang nóng dần khiến cô khép mắt. Đằng bước đến ngồi xuống cạnh Khanh, cầm lấy bàn tay mềm: − Ơ, sao tay em nóng thế Khanh? Gương mặt cô rực đỏ. Đằng đặt tay lên trán: − Em sốt rồi đấy. Rồi Đằng khẽ khàng bế cô đặt xuống giường. Khanh không kháng cự, đôi môi khô mấp máy muốn nói lời gì đó.Khi Khanh nhận thức được sự việc thì người đầu tiên cô nhìn thấy là Giang. Định nhổm dậy nhưng Giang đã nói: − Mày chưa khoẻ đâu, cứ nằm đó đi, cần gì nói tao lấy cho. − Rót giùm tao miếng nước đi Giang. Nước trôi qua cổ đắng ngắt. − Sao mày biết tao bệnh? − Đằng gọi điện báo. Khanh đưa mắt tìm nhưng không thấy Đằng. Hiểu ý, Giang nói: − Nó đi mua cháo cho mày rồi. − Phiền quá. − Nói nghe dễ xa nhau ghê. Cám ơn đã gởi điện hoa chúc mừng sinh nhật tao. Lần đầu tiên mày đi tour dài quá, nên sức khoẻ kém dễ quỵ, đừng cố nữa Khanh. Biết nói sao khi cô muốn tránh Đằng. − Chắc do mày không chịu nghỉ ngơi lại làm biếng ăn chứ gì? Khanh gượng cười biết Giang xót bạn: − Mày biết rồi đó, tao lười ăn. − Đằng đem cháo về, ăn xong nhớ uống thuốc đi nghe, chiều tao ghé. − Nếu bận thì thôi đi Giang, tao tự lo được rồi. − Mày biết khách sáo từ lúc nào vậy? − Tao ngỡ mày giận tao. Giang cười: − Giận thì giận mà thương vẫn thương. Nhìn bạn đi xa rồi lòng Khanh chợt ngậm ngùi. Cô dõi mắt ra tàng cây bàng nhuốm lá đỏ. Mải suy nghĩ cô đâu hay Đằng trở lại từ lúc nào. Anh đứng yên để nhìn nét diễn biến trên gương mặt cô. − Đã khoẻ chưa mà ngồi suy nghĩ gì đó Khanh? Khanh như bừng tỉnh: − Đỡ rồi… Đằng đặt cà mèn cháo và túi trái cây lên bàn: − Em ăn cháo đi. Rồi anh chăm chút cho cô: − Anh mua cho em mấy thứ trái cây. Con gái cần ăn nhiều trái cây để có da mặt đẹp. − Đằng lo làm gì. − Nói nghe lảng ghê. Quan tâm người mình yêu mà hỏi lo làm gì. Hai ngày nữa, em đi chơi xa được không? Uống xong liều thuốc Đằng đưa, cô hỏi: − Để làm gì, và đi đâu? − Đến nơi chỉ có hai chúng ta thôi, dám không? Khanh bốc đồng ngay, cô vốn sống sôi nổi mà: − Sao không, chỉ sợ Đằng hao tiền. − Tiền không thành vấn đề, miễn có Khanh là vui. − Sao cuộc vui đó, buồn hẳn nhiều. − Em không đủ tự tin để đến với anh ư? − Đôi khi sự tự tin cũng không hoàn toàn. − Hãy tin anh, bằng bất cứ giá nào, mình không thể mất nhau. Làm sao có thể từ chối khi cô đang cần những yêu thương, dù biết mình phiêu lưu và tự đùa giỡn với chính số phận của mình cũng không làm khác đi khi Đằng thật lòng. Đằng choàng tay qua bờ vai cô: − Đồng ý nhé! Khanh gật đầu. − Sao không thể hiện sự vui vẻ? Cô háy mắt: − Rắc rối ghê. − Cho anh một nụ hôn đi. − Không hôn đại nữa sao? − Anh muốn có nụ hôn đồng tình sẽ có nghĩa hơn. Đôi môi run rẩy tìm nhau dù đây không phải lần đầu. − Anh về thu xếp, sáng mốt mình lên đường. Đến xế chiều, Giang lại đến: − Mày đã xong khoá học thay sách chưa Giang? − Còn hai ngày nữa. Thấy Giang ngần ngừ, Khanh nói: − Mầy muốn nói gì với tao phải không? Cứ nói đi, tao chờ nghe. Giang nhìn bạn thật lâu: − Khanh à! Tao không biết phải nói với mày như thế nào nữa, tao chỉ mong mày đừng đem Đằng lấp chỗ trống thay Chấn. Nó còn nông nổi nên chắc gì đã hiểu yêu ra sao, trong khi mày đã trải qua một mối tình. Lời nói của Giang như hoàng hôn phủ xuống lòng Khanh. − Hôm trước, mày đã bảo phải giữ khoảng cách với Đằng, tao làm theo lời nên đồng ý đi tour suốt nửa tháng trời. Những ngày đó, tao đã khẳng định lòng mình yêu ai và cần ai. Tao vốn không may về mọi mặt. Mày đã hiểu tao từ lâu, nhưng tao xin mày đó Giang, tao không thể nào làm khác được. Giang nhìn sững cô: − Mày nói mà có ngượng không vậy Khanh? Em tao như tờ giấy trắng chưa lem mực. Còn mày… Khanh cúi mặt: − Tao không nghĩ yêu Chấn là đã dạn dày. Tao là người yếu đuối và với Đằng lại có quá nhiều kỷ niệm. − Nhưng không vì kỷ niệm ngây ngô đó mà yêu nhau. − Ngây ngô ư? Tao đã từng nghĩ như thế với Đằng, nhưng tình yêu mãnh liệt chợt bừng dậy sau bốn năm xa cách. − Mày giống mẹ cho nên mang trái tim đa tình. Một gia đình gia giáo nghiêm khắc không thể chấp nhận mày đâu, cho nên chưa bắt đầu sẽ dễ kết thúc thôi. Ái Khanh tái mặt khi Giang xúc phạm mình: − Chơi với nhau bao lâu rồi mà mày buông lời làm tao đau quá. Trước kia bị gia đình Chấn không chấn nhận, mày đã dịu dàng an ủi để vực tao ra khỏi đớn đau. Hôm nay, chuyện ấy được lặp lại với chính gia đình mày, thì những lời an ủi đó còn giá trị cho một tâm hồn nữa không? Tao không biết làm sao để không mất tình bạn bè. Mày hãy tìm cách đừng cho Đằng gặp tao nữa. Phần tao… không thể quay lưng. − Rốt cuộc rồi mày không còn nhận ra điều sai trái gì nữa, tao thấy tiếc khi có người bạn như mày. − Tao lỡ mang tiếng là người đa tình nên yêu thêm Đằng là chuyện đương nhiên. Giang nhún vai khi hiểu Khanh đã hết thuốc chữa: − Gia đình tao không để cho mày toại nguyện đâu. Giang bước đi. Khanh gượng cười tiễn bạn: − Hình như tao chưa có điều gì toại nguyện cả. Tao biết giữa tao với mày không còn như trước, đó là điều tao hối tiếc. Về nhà, Giang thấy Đằng xếp quần áo vào valy, miệng thì huýt sáo véo von. Giang hỏi: − Em định đi đâu đó? Đằng vô tư: − Em đi chơi với Khanh. Giang giật mình: − Đi đâu? − Nơi nào dành riêng cho trai gái, cho những cặp tình nhân. − Em có điên không đấy? Đằng cười khì: − Yêu mà điên sao chị? Không yêu được Khanh em mới điên thật đó. Bộ lạ lùng lắm sao mà xem chị bàng hoàng quá vậy? Giang nhẹ giọng: − Em có biết Ái Khanh đã có người yêu rồi không? − Có thì đã sao khi họ đã chia tay. − Em cần phải biết lý do chia tay của hai người. Là người đến sau, em cũng chịu ư? − Chị à! Bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt rồi, khi hai trái tim có chung nhịp đập thì chuyện đến trước hay sao có gì là quan trọng. − Nhưng lỡ Khanh không còn trinh nguyên dành cho em. Đằng cười: − Chị quan trọng chuyện đó lắm sao? − Dĩ nhiên rồi. Không phải riêng chị mà cả ba mẹ cũng không tán thành. Con gái phải có phẩm hạnh, em đừng nhiễm lối sống phương Tây mà không xem trọng chữ tiết trinh. Người bạn đời sau này của em phải thật hoàn toàn, trong trắng từ thể xác đến tâm hồn. Đằng lắc đầu: − Chị có thể nói về người bạn thân của mình như vậy sao? Đồng ý là người bạn đời được hoàn toàn như chị vừa nói cũng may cho em, nhưng thưa bà chị của tôi ơi, em trót đặt Ái Khanh vào trái tim từ lâu rồi, và chị cũng góp phần đấy, giờ sao lại phản đối em. − Là sao, chị không hiểu? − Nếu chị không đưa Khanh về nhà, đừng bắt em học chung với Khanh, có lẽ em sẽ yêu người khác dễ dàng hơn. − Bộ em tưởng cha mẹ sẽ chấp nhận được Khanh sao? − Em yêu và sống với Khanh suốt đời chứ không phải cha mẹ hay chị. Mong rằng chị đừng có ý nghĩ ấy nữa, và nhớ đừng làm tổn thương người em yêu. − Em đang yêu một cách mù quáng đó. − Thú thật nếu không vì Khanh, có lẽ em sẽ không về. Giang kêu lên: − Chữ hiếu em để đâu mà nói lời bạc bẽo vậy? − Chị quên ngày ấy, em đã khóc hết nước mắt xin cha mẹ đừng cho em đi du học, nhưng cha mẹ một mực bắt em đi, và thư viết cho em, lúc nào cũng động viên lập thân ở xứ người. Hỏi chị, ai là người bạc bẽo khi em muốn ở lại quê hương mình? Giang không biết nói gì để khuyên Đằng. Ngày xưa có nhu nhược bao nhiêu, giờ lại kiên quyết đến khó ngờ. Cô vẫn hiểu lý do tại sao cha mẹ muốn Đằng ở xứ người dù chỉ có một con trai. − Chị không biết chuyện này sẽ ra sao nữa. − Hãy chúc phúc cho em đi! Đằng lại huýt sáo bản nhạc vui. Giang không hiểu Khanh đã nói gì mà Đằng lại yêu đời đến thế. − Em định bao giờ đi? Ngước mắt về phía Giang, Đằng đáp: − Chị mong em đi sớm đi phải không? Đã nói rồi, làm gì em cũng suy nghĩ chín chắn hết. − Ngay cả chuyện yêu Khanh là đúng đắn sao? − Sao nặng nề quá vậy chị Giang em? Năm nay đã hai mươi lăm, đủ lớn để biết quyết định cuộc đời mình. Đằng đóng nắp valy trước sự tức tối của Giang. − Định đi với nó thật sao? − Chị đừng quan tâm đến em nhiều như vậy. Nhờ chị nói giúp với ba mẹ hãy cho em quyền tự do chọn bạn đời đi. Nói xong, Đằng đi ngay… Ái Khanh không ngờ Đằng lại quyết định nhanh chóng. − Vội vàng quá Đằng ơi. − Đi chơi thư giãn cho em mau khoẻ sao lại vội vàng. − Trời đã xế chiều rồi. − Không gian hay thời gian đâu có nghĩa gì khi mình có đôi. Nào, dậy sửa soạn đi Khanh, anh sẽ giúp em thu xếp hành lý. Nơi họ đến là thành phố hoa lệ của Sài Gòn. Đằng hỏi: − Chúng mình ở khách sạn nha Khanh. Cô nép mình trong vòng tay Đằng mà không còn thấy e ngại. − Vâng! Khanh biết mình đang phiêu lưu vào vùng đất không có người khai phá, tuy gian nan nhưng đầy thú vị. Đằng rời môi cô sau nụ hôn dài: − Em có sợ khi ở cùng anh không? − Đã sợ, Khanh không đi. − Bắt đầu từ bây giờ, cứ xưng Khanh với anh nhé. Khanh cười. Đêm ấy nằm cạnh nhau, cô nghe Đằng đọc bài thơ khi xưa anh viết năm học lớp mười một: “Chỉ tại Khanh nên hôm qua về trễ Nhạc ru êm với ca khúc u buồn Em ngơ ngẩn hoà lòng theo câu hát. Chỉ tại Khanh nên trời đông gió rét Hoa lim vàng phủ kín mặt đường khuya Anh ngơ ngẩn thấy mình trong đôi mắt Cùng nụ cười xao xuyến cả lòng trai. Chỉ tại Khanh, anh về nhà không ngủ Tay ôm đàn gảy khúc nhạc tương tư Rồi chợt biết mình đong đầy thương nhớ Đến một ngày gọi chị… lại trót yêu. Chỉ tại Khanh nên trời đêm trở gió Bởi vì em xuất hiện bất ngờ Anh chỉ muốn có em và mãi mãi Để kiếp này, trẫm không nhớ Aùi Khanh”. Khanh cười khúc khích: − Lãng mạn ghê chưa! − Chỉ vì yêu em nên anh chợt giỏi làm thơ, biết cả nhớ mong, nhưng em thì vô tình quá. − Ai biết đâu mà trách vô tình. − Nếu anh không trở lại, hẳn em đã thuộc về người khác. Trong vòng tay ấm của Đằng cô như quên hết. − Con gái dễ mềm lòng lắm. − Giờ thì em đã rõ mình thật sự yêu ai chưa Khanh? − Không nói. − Có nghĩa là em đang phân vân? − Vâng! Bởi một lần yêu trái tim tan nát nên Khanh đâm sợ. Đằng hôn lên tóc Khanh thì thầm: − Chắc anh sẽ làm điều xằng bậy với em quá đi Khanh ơi. − Gì cơ? Cảm giác khao khát của Đằng vụt dâng cao, anh bật ngồi dậy. − Đi tìm cái gì ăn đi Khanh. Đằng không muốn chút ham muốn thường tình làm tan đi mộng đẹp bao lâu nay. Đêm Sài Gòn với những ngọn đèn màu nơi vũ trường rập rền tiếng nhạc, Khanh như xinh hơn bên Đằng đa tình. Không rượu mà anh ngất ngay say, mắt ngời lửa ngút đam mê. Vòng tay qua lưng Khanh, Đằng nói: − Mình ra nhảy đi Khanh. Điệu Slow êm để Đằng dìu bước. Cô nhẹ nhàng tựa đầu vào vai anh. − Em không được làm biếng ăn mỗi khi đo tour về nghe Khanh. Cần nhất là ăn trái cây để có được làn da mịn màng. Khanh nũng nịu: − Biết rồi, nhưng không có anh, Khanh sẽ quên. − Phải tự biết thương thân mình, đừng để anh không an lòng khi ra đi. − Ở xứ người, Đằng cũng có một người để lo như vậy hả? Đằng cọ cằm lên tóc Khanh: − Nếu nói không, em có tin? − Tin chứ, dù tin trong nghi ngờ. − Không được nghi ngờ mà phải tuyệt đối, vì cuộc đời này anh sinh ra là để yêu em, chỉ em thôi. Ái Khanh thấy mình thật hạnh phúc. − Em mệt chưa Khanh? − Khanh muốn được Đằng dìu mãi như thế này. − Đến sáng ư? − Được không? − Thích thì anh chiều, chỉ sợ em mất ngủ sẽ mệt. Mới khỏi bệnh không nên phí sức. Khanh thì thầm: − Giây phút này là hạnh phúc nhất với Khanh. − Mai anh đi, em vẫn nhớ anh chứ? Nhìn Đằng bằng đôi mắt long lanh: − Vắng Đằng, hẳn Khanh không còn sống được như trước kia. Đằng vẫn chưa tin sao? − Anh nghĩ em bị động vì anh đã cuốn em vào cơn lốc chứ đâu phải tình nguyện. Khanh tự ái giận dỗi: − Cuối cùng thì Khanh đã hiểu, niềm tin để yêu một người quả là khó, phải không? − Em giận vì câu nói của anh hả? − Là phận gái luôn chịu thiệt thòi thì biết sao. Khanh chợt nghi ngờ mọi thứ trên đời này. Ngay cả những lời yêu thương ngọt ngào dành cho mình cũng chỉ là nhất thời. Kéo đầu Khanh ngả vào ngực mình, Đằng nói: − Cho anh xin lỗi vì đã nói cho em buồn. Tuy yêu em, nhưng anh vẫn có nỗi lo. − Lo gì? − Đi xa, đâu chắc anh mình giữ được yêu thương trong em. − Biết vậy nói lời yêu làm gì. − Tình yêu quá mãnh liệt nên anh không thể giấu kín. Anh trở qua bên ấy và chậm nhất là hai tháng để chuyển công tác sẽ quay về với em. − Tập cho Khanh quen sự yêu thương, chiều chuộng, khi xa anh rồi… chắc là buồn và cô đơn lắm. Siết chặt Khanh trong vòng tay, hơi thở nồng ấm phả lên sau gáy cô, Đằng nói nhỏ: − Anh còn buồn hơn cả em nữa. − Thôi, mình về đi Đằng. Đêm đã buông khắp cả thành phố, Đằng cứ hôn lên mái tóc mượt mà, anh ước gì có thể mãi mãi bên nhau như giờ phút này. − Em có biết anh phải dằn lòng như thế nào để không làm tổn thương em không? − Biết… Rồi cô nói bằng cả tấm lòng mình. − Chuyện đó có nghĩa là khi mình thật lòng yêu nhau. − Cám ơn em, nhưng anh không muốn bị xem thường chút nào. Anh muốn trong lòng em. Anh là người đáng tin cậy dù mình cận kề nhau bao ngày rồi. Gió se lạnh, sương như giăng mờ. − Cơn mưa nào cũng hết, hạnh phúc nào rồi cũng bay hả Đằng? − Đồng ý mưa có dai bao lâu cũng tạnh, nhưng hạnh phúc của hai mình mãi mãi trường tồn. Khanh choàng qua vai ôm eo Đằng: − Có được như mình muốn không? − Khanh có yêu anh thì điều gì mình cũng đạt được. Cô thở dài. Có một vì sao băng vút qua không gian lạnh. Đôi mắt Chấn lung linh trên đó, đôi mắt đã từng làm cô như đắm chìm. − Có yêu anh không Khanh? Cô chớp nhẹ mi: − Có. − Sao yếu xìu vậy? Khanh cười: − Con gái… khó mở lời lắm. Mấy ngày qua, Đằng đưa cô đi đến nhiều nơi, khu giải trí, siêu thị, xem ca nhạc… Khanh sống vui quên tất cả sự đời, quên luôn chuyện Giang phản đối yêu Đằng. − Về nhà, Đằng không nên thường xuyên đến nhà… − Em ngại vì anh ta à? − Không. − Vậy thì không có lý do gì ngăn cản cả. Anh sẽ nói thật cho cha mẹ biết. Khanh hốt hoảng: − Đằng! Không nên đâu! − Mọi việc anh sẽ lo, em không phải ngại gì hết. Bảy ngày trôi qua, Khanh thấy buồn khi không còn gần gũi Đằng nữa. − Sao buồn vậy Khanh? − Mình sắp chia tay rồi. − Em không thích nên buồn à? − Đã biết còn hỏi. Đằng chỉ cười không nói nữa. Xe vẫn lao nhanh đưa hai người trở về thành phố biển thân thương. Ông Quảng hỏi Khanh: − Nghỉ ngơi cả tuần rồi, tiếp tục công việc chưa cô bé? − Đi đâu thế chú? − Đà Lạt. − Lại Đà Lạt! − Chán hả? Chú hiểu rồi. Cơm đang lành canh ngọt phải không? Thôi, để chú điều người khác. − Không phải đâu chú. − Đừng dối khi mà gương mặt cháu đang tươi như hoa nở thế kia. Khanh cười: − Chú cứ trêu hoài. − Thôi, tính lẹ đi để chú còn dự đám cưới nữa chứ. − Chuyện đó còn lâu lắm. − Yêu nhau mấy năm rồi còn đợi gì. Khanh buồn buồn: − Cháu và anh ấy chia tay rồi. Ông Quảng ngạc nhiên: − Thật không? − Gia đình ảnh chê cháu. − Trời đất! Đẹp người đẹp nết còn chê gì nữa. Rất tiếc chú không có con trai. Nếu không, chú sẽ chọn cháu làm dâu. Khanh gượng cười: − Chú không biết chứ cháu có nhiều tật xấu lắm. − Còn trẻ ai cũng có nông nổi, khi lập gia đình rồi sẽ an phận thôi. Nếu đã chia tay thì hãy làm quen với ông Châu đi. Ông ta goá vợ và đang tìm hiểu về cháu đấy. − Chú mới nói cháu đang cơm lành canh ngọt sao lại “pát- sê” qua liền vậy. − Ờ, uổng công chú nói ra nói vào quá há! Nhưng muốn sống an nhàn hãy gẫm lại lời chú đi, còn muốn nghỉ thêm chờ tour khác thì chú duyệt luôn. − Cám ơn chú. Cháu về đây. Ông Quảng nhìn theo cô gái trẻ trung đang vui tươi không còn bộ mặt sầu não như hôm trước. Trong số nhân viên đi tour có lẽ tình cảm ưu ái ông nghiêng về cô hơn. Một cô bé tự vươn lên bằng chính sức lực mình khi cuộc đời luôn gặp chuyện không may. Ái Khanh chưa ra khỏi cổng đã gặp ngay ông Châu. Vẻ mừng rỡ của ông làm cô không thể lạnh nhạt. − Chào Khanh! − Vâng, chào ông! − Cô vẫn khoẻ chứ? − Chuyến đi vừa rồi khi về, tôi bị sốt cao phải nằm mất mấy ngày. − Ồ! Rất tiếc là tôi không biết để đến thăm cô. Khanh cười: − Cám ơn, giờ thì tôi đã khoẻ rồi. − Tiện đây, cô cho tôi được mời cô đi ăn sáng nhé. Mong cô không từ chối. Cô không thể từ chối dù biết Đằng sắp đến nhà. − Vâng! Gương mặt ông Châu bừng sáng. − Cô thích ăn quán nào, tự chọn nhé. Không muốn mất thời gian, Khanh bảo: − Ở góc đường có quán phở được lắm, ta đến đó nhé. Biết Khanh không muốn đi cùng mình xa hơn, ông Châu đành gật đầu. Ngồi đối diện nhau, ông hỏi cô: − Thời gian bận rộn lắm hả cô Khanh? − Vâng! − Cô không dành thời gian thư giãn vui chơi cho mình sao? − Tuổi trẻ phải làm việc để lo tương lai sau này. Nghĩ vậy cho nên tôi không cho phép mình lơ là, công việc vây kín là niềm vui rồi. − Cô đâu cần phải xả thân như thế. − Nếu được nhàn hạ, tôi sẽ đau khổ mà chết. Ông Châu tò mò: − Làm việc để quên buồn là điều không tốt. − Tôi không nghĩ như vậy, chỉ biết là mình thích thú sau những chuyến đi xa, vừa mở rộng tầm mắt, vừa học hỏi thêm những điều mới lạ mà ở trường lớp không thể học qua. − Cô có biết tôi rất mến cô không? Những lúc buồn phiền, tôi muốn được san sẻ với một ai đó… và tôi nghĩ ngay đến cô. Cô có một ấn tượng rất khó quên khi đã gặp. Sau chuyến đi xuyên Việt lần này, tôi rất muốn gặp lại cô. − Ông đã được như ý. − Đó là điều may mắn của một tuần lễ nay. Dù anh Quảng bảo cô nghỉ phép nhưng sáng nào tôi cũng đến đây. − Cám ơn ông đã dành mỹ cảm cho tôi. Dù tuổi tác có chênh lệch, mình vẫn có thể là bạn bè. Ông Châu rất vui: − Nếu có thời gian, mời cô đến công ty tôi để tham quan. − Bị thất nghiệp, tôi sẽ đến xin làm nhân viên bán xăng cho ông, ông có nhận không? − Hân hạnh! Lúc nào tôi cũng hoan nghinh chào đón cô. Đang nói cười vui với ông Châu, cô bắt gặp cái chau mày của Giang, khi Giang ngồi với bạn ở góc bàn bên trong. Khanh đưa tay lên tỏ ý chào và kịp thấy gương mặt tối sầm của Giang. Cụt hứng cô quay lưng: − Cám ơn ông về buổi điểm tâm này. Mình về đi, tôi còn chút chuyện cần phải làm. − Vâng! Trong khi cô Châu trả tiền, Khanh đã bước ra khỏi quán. Hẳn là trong mắt bạn, cô tồi tệ lắm nên mới có thái độ thẳng thừng như thế. Ngày hôm sau, Khanh đang chuẩn bị rời nhà lúc trời ngập nhoạng, không biết tình cờ hay cố tình mà Giang xuất hiện liền ngay. Đón bạn với vẻ miễn cưỡng, vì Khanh biết Giang không đơn giản đến chơi như trước kia. Giang vào đề ngay: − Tao nghĩ mày không còn là một Ái Khanh trước kia nữa. − Muốn gì, mày cứ nói thẳng ra đi! − Từ bao giờ, mày thích đàn ông đến thế hả Khanh? Mất Chấn, mày chài ngay em tao, rồi bây giờ lại cặp kè với ông Châu. Rất tiếc là tao đã từng làm bạn với mày, một người xem danh dự mình quá thấp. Nếu chài được ông Châu rồi thì mày tha cho em tao đi. Nó yêu mày ở hình ảnh ngày xưa chứ không phải bây giờ bằng sự lõi đời đó. Bị xúc phạm nhưng Khanh không buồn minh oan. Giang lại tiếp: − Đừng tập sống rẻ tiền như thế nữa Khanh. Đừng dùng dáng vẻ yếu đuối để quyến rũ đàn ông. Nếu được ông Châu thì chớp lấy thời cơ ấy đi. Làm vợ ổng, mày sẽ có tất cả và đám cưới không sợ chuyện không có người làm chủ hôn như gia đình Chấn đã khinh thường. − Tao cám ơn mày đã cho tao một lời khuyên. Tao không ngờ vô tình đã cho mày cái nhìn không tốt. Chuyện con tim có lý lẽ riêng, mày muốn nghĩ tao đang mồi chài hay quyến rũ đàn ông cũng được. Bởi vậy, mày đừng xen vào đời tư, vào cuộc sống của tao. Nhưng tao đã yêu Đằng, yêu thật lòng đấy. Giang cười nhạt: − Mày nói có ngượng miệng không? Đừng hy vọng khi thằng Đằng chỉ về chơi chứ không trở về luôn đâu, mày nên biết rõ điều đó. − Tao không khôn ngoan, không bản lĩnh và vô cùng khờ khạo lại cả tin nữa nên không biết phải nghe lời ai. Chấn đã cho tao sự tuyệt vọng, Đằng cho tao lấy lại niềm tin. Lẽ ra tao không cần phải phân trần với mày đâu, nhưng tao muốn tự bảo vệ mình. − Lý luận bào chữa mày có thừa kinh nghiệm mà. − Mắng mỏ tao bao nhiêu đó đủ chưa, tao không muốn nghe thêm lời nào nữa. Giang đứng dậy không quên nói thêm: − Mày có quyền đùa cợt với bất cứ ai, nhưng nhớ chừa em tao ra. Đây là lần cuối cùng tao nói với mày đó, đừng để chuyện tình cảm làm xấu tương lai. Nụ cười châm biếm của Giang làm cô chùng lòng, người bạn từng san sẻ vui buồn giờ lại xa cách đến ngỡ ngàng. Về nhà, thấy Đằng đang so dây đàn, Giang nói ngay: − Em bỏ ngay ý định với Khanh đi, nó là người không đàng hoàng. Đằng giương mắt: − Chị nói gì lạ vậy? − Nó là một đứa chuyên mồi chài đàn ông. Em không thấy nó sống ung dung một mình giữa xã hội phức tạp này đó sao. Đằng chau mày: − Chị không thể nói về tư cách một người bạn thân của mình. − Nó không còn là bạn chị. − Lý do chỉ vì em ư? − Đúng vậy! Chị không muốn em lọt vào bẫy tình của nó. − Em yêu Khanh dù biết Khanh đã từng có người yêu, nhưng họ chia tay rồi. − Chưa, họ chưa chia tay. Em có tiền nên nó tạm quay lưng với Chấn. − Chị có ý nghĩ về Khanh hạ cấp quá. Tình yêu là sự rung động chân tình không đan xen tiền bạc. − Em vẫn chưa hiểu đời. Lúc sáng, chị thấy nó kè kè bên ông Châu, giám đốc công ty xăng dầu tư nhân. Ông ta goá vợ, nếu không mồi chài thì hẹn hò người ta làm gì. Hãy thức tỉnh, đừng mê muội. Chị muốn tốt cho em để khỏi phải đau khổ sau này. − Chị không hài lòng khi thấy em yêu Khanh nhưng em không thể không có cô ấy. − Ngay cả khi người đó qua tay bao nhiêu người đàn ông? − Hình như chị có thành kiến quá nặng với Khanh. Em đâu còn nhỏ để không biết nhìn người. − Còn vài ngày nữa em lại đi, đừng nặng tình quá, mẹ rất buồn em. Đằng nhún vai: − Ai cũng bảo thương em, nhưng thật ra mọi người đang thương chính bản thân mình, thương danh dự gia phong, chẳng ai vì em, hiểu em hết. Là con trai duy nhất mà cha mẹ buộc em phải sống ở xứ người, phải chăng sợ em yêu Khanh. Dù đã hơn bốn năm, nhưng em không thể quên, mà tình yêu ấy ngày càng bùng lên mãnh liệt thêm. Đằng gảy đàn muốn chấm dứt câu chuyện không vui với Giang.Khanh không ngạc nhiên khi thấy mẹ Đằng đến thăm: − Thưa bác! Cô mở rộng cánh cửa: − Mời bác vào nhà! Với gương mặt lạnh, mẹ Đằng ngồi xuống ghế. − Hôm nay con không đi làm? − Dạ. Mẹ Đằng nhìn quanh căn nhà nhỏ, bà chạm mắt vào chiếc valy nhíu mày: − Valy của thằng Đằng đấy à? − Dạ. Cô phân trần: − Đằng tặng cho con, nhưng con chưa biết trong đó có những gì. − Sao lạ vậy? − Đằng nói chưa được sử dụng nếu như… Mẹ Đằng ngắt lời: − Như sao? Khanh không biết nói thế nào để cho bà hiểu, giọng bà chợt êm đềm và thật ngọt ngào: − Ái Khanh! Từ khi biết con đến giờ, bác vẫn xem con như con gái, cho nên hôm nay bác đến đây để yêu cầu con hãy buông tha cho Đằng. Bác chỉ có một đứa con trai duy nhất, nên muốn chọn nàng dâu môn đăng hộ đối, vì sau này người ấy còn là mẹ của cháu nội bác. Con có biết lý do vì sao Đằng phải đi du học không? Bác đọc được quyển nhật ký của nó nên bằng mọi giá phải đưa Đằng ra khỏi bến mơ, mà đứa con trai chưa hiểu đời quá si mê. Khanh ngạc nhiên: − Con không hiểu ý bác. − Trong nhật ký, nó thố lộ tình cảm của nó về con đấy. Tiết lộ của mẹ Đằng làm cô ngơ ngẩn. − Và sau bốn năm quay trở về, nó vẫn không thể quên con, nhưng bác biết con không hề yêu mà chỉ đùa cho vui. Hãy giúp bác quay lưng với nó để Đằng yên tâm trở lại Mỹ, nơi ấy mới tốt cho tương lai sự nghiệp của nó. Khanh cúi mặt: − Thưa bác, con yêu Đằng thật lòng. Gương mặt mẹ Đằng sắc lạnh: − Quả không sai khi Giang đã nói con không hiểu chuyện. Chia tay với cậu Chấn chưa bao lâu mà yêu được ngay Đằng rồi sao? Bắt cá nhiều tay làm sao con có thể tìm được cho mình một gia đình êm ấm. Khanh từ tốn: − Thưa bác, con không hề bắt cá hai tay đâu ạ. Trước kia, bác từng an ủi khi con bị gia đình anh Chấn từ chối, nay con yêu Đằng là có tội sao bác? − Còn ông Châu là con cá thứ mấy trong lưỡi câu của con? − Đúng là tiếng lành đồn gần, tiếng dữ bay xa. Con mới gặp ông ta có một lần cùng ăn sáng đã trở thành to chuyện. − Bác muốn nghe câu trả lời của con. − Con… − Con có thể sống như những ngày tháng qua, hãy giúp bác đừng cho Đằng hy vọng gì về tình yêu này. Trái tim Khanh nhói đau, đau hơn khi buộc phải chia tay với Chấn. − Con có thể gặp một người khác tốt hơn, bác van con đấy Khanh. Cô trào nước mắt. Lẽ nào một lần nữa tình yêu lại vỗ cánh bay cao. − Bác ơi… − Hãy cố gắng lên đi Khanh! Bác biết con đủ nghị lực mà. Mẹ Đằng đứng dậy: − Bác về đây. Khanh à! Nếu con chưa biết trong valy có gì thì cho phép bác đem nó về nhé. Người cô tôn kính như mẹ lại có thái độ với cô như thế sao? Người không giữ được, sá gì vật dụng vô nghĩa. − Vâng. Nhìn theo dáng mẹ Đằng xách valy ra khỏi cửa, Khanh biết cô phải đau lần nữa khi biết yêu Đằng. Cô ngồi thu mình trong ghế để hiểu thân phận côi cút có danh phận không mấy tốt đẹp. Đằng xuất hiện sau khi mẹ anh vừa khuất, trên tay anh là chiếc valy ban nãy. − Em đang buồn vì những lời mẹ nói có phải không? Khanh chớp mắt làm giọt lệ lăn dài khiến Đằng vội vã buông valy. − Kìa Khanh! Mẹ anh đã nói gì mà em vậy? Cô lắc đầu không nói. − Em phải tin anh. Không có bất cứ trở ngại nào làm chúng ta xa nhau đâu. − Mình sẽ gặp khó Đằng ơi. − Nếu bền lòng thì không sợ gì hết. − Có quá nhiều chuyện để Khanh phải lo. Bác đến đây phân tích rõ ràng rồi, mình không nên dấn sâu thêm. − Giờ đây tình yêu ở trong anh bùng lên rất mãnh liệt, nên không thể xa nhau thời gian dài như thế nữa. − Nhưng hai phương trời cách biệt như vậy, liệu… − Anh nhất định quay về, em phải tin anh. Đằng hôn lên môi cô: − Đêm nay cho anh ở lại không? − Nếu như Đằng thích. Trong vòng tay yêu thương ngây ngất, cô quên hết những lời của mẹ Đằng. − Còn mấy ngày nữa anh đi rồi. − Ngừơi ở lại buồn lắm… − Hãy vì tình yêu của anh mà chịu đựng mọi chuyện nha Khanh. Chuyện gì đến phải đến khi với họ là giây phút ngắn ngủi. Ái Khanh buông thả đời mình không cần gìn giữ, bởi cô xúc động khi biết Đằng đã lặng lẽ yêu mình bấy lâu. Dù chìm đắm đam mê, Đằng chợt nhớ đến lời của Giang. Khanh đã qua một mối tình nên chuyện trao thân không còn là khó. Khanh ngỡ ngàng tiếp nhận nỗi đau để biết mình mãi không còn là một Ái Khanh của ngày hôm qua. Cô đâu ngờ cơn lốc tình yêu bùng lên rồi tan nhanh nhưng hậu quả để lại khó lường. Đằng hôn như mưa lên mắt, lên môi cô: − Cho anh xin lỗi. − Lỗi gì cơ? − Đã nghĩ xấu về em. Giờ thì anh biết bấy lâu lặng lẽ yêu em anh đã được đền bồi. Tại sao em tình nguyện cho anh cái cần phải giữ gìn hở Khanh? Xấu hổ làm má cô hồng lên: − Đó là cách biểu lộ chân tình nhất của Khanh đấy. Mai này lỡ không thành, Khanh không hề hối tiếc chuyện đêm nay. Đằng siết cô chặt hơn trong thân mình nóng ấm tràn đầy nhựa sống. − Hôm Đằng đi, chắc Khanh không tiễn. − Sao vậy? − Hãy dành giây phút đó cho gia đình, mình chia tay như thế này cũng tốt rồi. − Em không phải sợ gì nữa, mình đã là của nhau rồi. Đánh dấu cho ngày hôm nay, em hãy nhận lời cầu hôn của anh đi. − Khoan nói đến chuyện đó Đằng ơi. Không gian lộng gió bốn phương trong đêm đen sâu thẳm dù trong vòng tay Đằng, cô vẫn nghe lòng buồn vời vợi. Chỉ trong tích tắc sự trong trắng không kèn không trống đã ra đi. Khanh không hối hận, không hối tiếc rằng mình đang phiêu lưu với cuộc tình mới. Hai mươi bảy tuổi đâu còn gọi là ngu ngơ mà phó thác cho đời mình vào niềm tin không hy vọng. Khi Đằng đi rồi, cô nằm vùi trên giường để nghe hụt hẫng cô đơn vây kín tâm hồn và luôn căn phòng vắng Đằng chợt lạnh lẽo. Đêm qua, Khanh đã có một giấc mơ lạ lùng, khi thức giấc cô phải suy nghĩ nhiều, với Đằng là cả khoảng thời gian thơ ấu cùng với tình yêu mãnh liệt ở giờ phút ngắn ngủi để làm thay đổi cuộc sống của cô. Không thể có nhau ngày tiễn biệt Đường xa xôi mờ cánh chim trời Khi yêu anh em không hối tiếc Phận rêu xanh vốn đã thiệt thòi. Lệ tràn thành dòng xuống má, Khanh lắng nghe ngày như hấp hối dù trời vừa hừng sáng. Chấn lại đến, anh ngạc nhiên thấy cô rũ rượi: − Em bệnh hả Khanh? − Không. − Đi ăn sáng với anh nha? Khanh lắc đầu. Chấn van nài: − Anh có chuyện muốn bàn với em. − Hãy nói ở đây đi anh! − Anh có cảm giác em hững hờ với anh quá. Đừng giận nữa, hãy bỏ qua cho anh những gì đã làm em buồn. − Em không còn buồn vì đã khẳng định quên anh rồi. Chấn nắm lấy tay cô: − Đừng nói mà lòng thì đâu nghe. Anh đã có kế hoạch mới cho tương lai hai đứa mình. Khanh ngạc nhiên: − Anh nói gì? − Tuần sau, anh chuyển công tác rồi. − Đâu liên quan đến em. − Trước kia em từng muốn hai đứa hãy bỏ đi nơi nào đó thật xa, thoát khỏi áp lực của gia đình anh, và bây giờ là cơ hội cho chúng mình. Nhìn gương mặt rạng rỡ của Chấn, Khanh buồn quá. Giá như anh nghĩ như thế sớm hơn trước khi cô gặp lại Đằng, chắc chắn cô vui mừng như bắt được vàng. − Chấn ơi! Muộn màng hết rồi… − Không muộn đâu em, vì mình chưa hề kết thúc. Anh vẫn thường bảo đợi anh một thời gian nữa mà. Khanh kêu thầm: − Ngang trái lại đầy ngang trái rồi Khanh ơi. Mày đâu đẹp như chim sa cá lặn mà gian truân. Thấy cô không tỏ vẻ giận hờn hay làm căng để được dỗ dành, Chấn chợt lo: − Em có còn là Ái Khanh của anh trước kia không Khanh? Cô nhẹ lắc đầu: − Không, em đã đổi khác rồi Chấn ơi. Hiện giờ em không biết mình là ai, làm gì và nghĩ gì nữa. Chấn xót lòng vì anh hiểu sự sôi nổi yêu đời của Khanh đã bị anh tước đi khi nhẫn tâm nghe cha mẹ để quen Phương. Anh đã phân vân đứng ở giữa hai người con gái, và bây giờ anh biết mình cần cô hơn. − Hãy nghĩ lại đi Khanh! Chúng mình rất cần có nhau, anh không để mất em đâu. Giọng Khanh nhẹ như gió sớm: − Mình đã mất nhau lâu rồi. − Em đừng nói nhảm nữa. Hãy chuẩn bị đi, tuần sau anh nhận công tác, thu xếp chỗ ăn chỗ ở xong về đón em đó. Khanh kêu lên: − Chấn à! Nhưng Chấn đã đứng lên: − Anh đi đây và không muốn thấy bộ mặt sầu não của em như thế đâu. Anh sẽ làm cho em hạnh phúc, không để em buồn như trước đây nữa. Hãy tin anh và vui lên nha Khanh. Tiếng xe xa rồi, Khanh vẫn ngồi bó rối. Cô đâu lãng mạn, đâu đa tình sao trời lại xui cho hai người đàn ông đến trong đời để phải dở khóc dở cười. Khanh cảm thấy lạc lõng, chán nản chợt thương cha và giận mẹ. Mẹ rời bỏ cô đi từ lúc cha còn trong nhà giam, mới đó đã chín năm trôi qua không một lần trở về thăm con, sao có người bỏ con không ngại ngần đến thế. Dù biết cha mang án oan, nhưng cô biết làm sao khi quanh mình chẳng còn lấy một người thân. Bạn bè của cha quay lưng dù trước đây chén tạc chén thù đầy nghĩa tình. Khanh thở dài xót xa khi cuộc đời cô đã có chín năm dài côi cút. − Cha ơi, mẹ ơi! Khanh lang thang qua con đường vắng để ngăn nỗi xao động trong lòng vì cô biết giờ này Đằng đang ở phi trường. Có tiếng máy bay lướt qua bầu trời, cô biết chắc chắn anh đã đi xa rồi. Khanh lười biếng không muốn ngồi dậy nhưng tiếng chuông điện thoại reo mãi buộc cô phải cầm máy: − Alô. − Em đang nằm khóc trên giường đó phải không Khanh? Cô như không tin vào tai mình: − Đằng… phải… Đằng không? − Anh đang ở phòng cách ly. Chuyến bay dời lại đến một giờ chiều, nhớ và lo cho em quá. − Em cũng vậy. Tiếng em bật ra có chút ngượng ngập: − Còn những bốn tiếng nữa, máy bay mới cất cánh. Em có thể đến với anh không? Khanh nói không hề do dự: − Vâng… nếu như Đằng muốn. − Em đi bằng tàu cánh ngầm cho nhanh, anh chờ ở cổng số hai, gần nhà hàng. Nước mắt chưa khô, nụ cười chợt đến, Khanh hăm hở đi ngay. Cô đâu thể chia tay Đằng một cách ấm ức. Xa nhau chưa bao lâu mà Khanh đã phải lục lọi trong trí nhớ gương mặt Đằng. Xa nhau bao nhiêu ngày nữa liệu cô còn đủ sức để chịu đựng không? Chiếc tàu lướt sóng đưa cô đến với người thương. Nước tung bọt trắng xoá mây gờn gợn xanh trong cô thấy chút ấm lòng. Đằng như muốn siết chặt tấm thân mảnh mai vào lòng mình giữa dòng người đông đúc: − Anh nhớ em quá, Khanh ơi. Nụ hôn cô thay cho câu trả lời: − Em có thể ở với anh vài ngày nữa không Khanh? − Không được đâu anh, chuyến bay sắp cắt cánh rồi. Anh cười thật tươi: − Có gì khó, anh sẽ dời lại chuyến bay, chỉ lo công việc của em. − Chỉ cần phone cho chú Quảng là em có thể nghỉ. − Anh thực hiện nhé? − Vâng. Niềm yêu thương dạt dào làm ánh mắt Khanh rạng ngời. Mặc cho số phận trôi cuộc đời mình về đâu, chỉ cần biết có Đằng trong giờ khắc này là cần thiết, là hạnh phúc. Tiễn con đi rồi, gia đình Đằng thở phào nhẹ nhõm và người vui nhất hẳn là Giang. Nghĩ đến bạn có chút thương xót, nhưng cô khó chấp nhận được Khanh. Mẹ Đằng buột miệng: − Con Khanh số nó bạc phước nên tình duyên luôn lận đận, cũng tội. Đàn bà con gái có nốt ruồi đó, không sớm thì muộn cũng hại chồng chết trẻ. − Nó đã phá rồi, bà còn sợ gì. − Đâu phải phá là cải số được. − Giờ này bà còn dị đoan quá. Giang ngậm ngùi: − Thằng Đằng đi là ổn hết. Ba Đằng như hiểu chuyện: − Cách ly gián của bà không thượng sách đâu. Bốn năm trôi qua, liệu nó có quyên được con Khanh không? Cứ để mọi chuyện tự nhiên đi, đừng bảo thủ quá ngày sau ân hận. Còn Giang, con hãy đến an ủi con Khanh đi, dù sao hai đứa cũng thân tình bấy lâu. Nghe lời cha, hôm sau Giang đến nhà Khanh chơi, dù sao cũng không thể căng với Khanh đi Đằng đã đi rồi. Tới nơi, căn nhà cửa đóng kín. Giang quay xe ra, cô chạm mặt Chấn. Anh hỏi: − Giang đến chơi với Khanh hả? − Vâng! Nhưng nó vắng nhà. − Khanh có tâm sự gì với Giang không, nói cho anh biết đi. − Anh còn quan tâm đến nó làm gì nữa. Nó đã quên được thì để yên cho nó đi, vương vấn hoài không hay chút nào. − Em cũng biết rõ là anh rất yêu Khanh mà. − Cách yêu của anh đối với nó chỉ làm nát lòng nó mà thôi. − Anh đã quyết định cùng Khanh đi trọn đường đời rồi. − Bằng cách nào? − Anh sẽ đưa Khanh đi khỏi thành phố này, khỏi lời gièm pha dị nghị, khỏi sự áp đặt của gia đình. − Khanh đồng ý chưa? − Chưa. Ý kiến này là của Khanh đã đề nghị anh từ lâu, nhưng đến bây giờ anh mới thực hiện. Nhưng xem ra Khanh đã thay đổi, không còn mặn mà với anh như trước. − Hẳn nó đã có cuộc tình mới. − Khanh không phải là người thay tình như thay áo. − Anh có chắc là đem hạnh phúc lại cho nó không, tôi sẽ tìm cách giúp anh? − Bây lâu nay anh ở ngã ba đường, không biết nên rẽ hướng nào là đúng. Nhưng bây giờ anh đã có chọn lựa đúng khi biết mình cần có ai. Hai người đứng nói chuyện rất lâu cho đến khi màn đêm buông xuống, Giang mới giật mình: − Tối rồi tôi về đây. Tạm biệt anh! Liên tiếp mấy ngày sau vẫn chưa thấy Khanh, Giang và Chấn rất ngạc nhiên vì cô không đi tour mà mất tích không dấu vết. Giang bắt đầu nghi ngờ Khanh với ông Châu đi chơi xa, vì ông Châu hiện cũng vắng nhà. Chấn thấp thỏm lo âu: − Giang có đoán được Khanh đi đâu không, sao anh chợt lo. − Từ xưa đến giờ, ngoài chuyện đi tour nó không đi đâu hết, lạ thật. − Liệu Khanh còn có ai ngoài anh? − Chuyện đó đâu thể biết. Chấn đâm lo. Lúc quay lưng với cô, Khanh đã khóc lóc van xin anh đưa cô đi thật xa, cô không thể sống nếu như mất anh. Còn bây giờ, đau đớn đã làm cô dửng dưng với anh đến bất ngờ. Lại năm ngày trôi qua. Có biết bao giây phút yêu thương của Đằng và Khanh, cô chợt quen hơi thở, quen mùi thuốc lá nồng thơm của Đằng, quen nghe lời thủ thỉ, quen bước vào vườn địa đàng. Khanh chợt hốt hoảng khi tiếng loa phát gọi hành khách lên chuyến bay rời phi trường lúc mười giờ. Khanh nói trong nước mắt: − Nhớ về đúng hẹn nha Đằng. Hôn lên đôi mắt ướt nước, Đằng nói: − Anh còn nôn nóng hơn cả em nữa kìa. Phải nhớ giữ gìn sức khoẻ, uống nước nhiều, ăn trái cây, không thức khuya, không khóc… khi nhớ anh. Cô nhìn anh qua màn lệ. − Không được nghĩ đến ai ngoài anh. Khanh dỗi: − Nghi ngờ làm người ta bị xúc phạm đấy. − Đùa cho em vui thôi. Cười lên đi cô gái mau nước mắt! Đừng hát cho anh bài ca tiễn biệt nha. − Trong lòng em sao nỗi lo cứ lớn dần hoài Đằng ơi. − Em lo gì? − Lo tất cả mọi người, bởi những gì em ước mơ có thể mất đi vì phước em quá mỏng. − Anh không thích thấy em khóc và trở nên yếu đuối như thế này. Hãy là một Ái Khanh kiên cường như trước kia. Thôi em về đi, loa giục tên anh mãi rồi. Ái Khanh níu lấy tay Đằng: − Đằng à, ở lại thêm chút nữa đi! Đằng cười khi thấy cô quyến luyến: − Hay anh đổi lại chuyến bay lần nữa nhé? Khanh lắc đầu: − Ồ! Không đâu. Đằng lại hôn cô đắm đuối mặc cho mọi người thiên hạ có lời xì xào. Có tiếng huýt sáo của ai đó tinh nghịch trong bài “Mưa phi trường”. − Về đi em, chờ tin anh nhé. Cánh tay vẫy cho đến khi Đằng khuất bóng. Cô chậm bước ra khỏi phi trường với gương mặt nhoà nước mắt. Rất tình cờ, cô lại chạm mặt với ông Châu. − Cô Khanh! Lau vội nước mắt, cô chào lại: − Ông Châu… Ông phân trần: − Tôi vừa từ Đà Nẵng về. Còn cô, chắc vừa tiễn bạn vì tôi thấy nước mắt tuôn đầy má. Hẳn người ấy thân tình lắm. − Vâng! − Tài xế tôi đang đợi ngoài kia, cô có cùng về không? Có nên không? Cô tự hỏi mình vừa chia tay Đằng lẽ nào lại đi cùng một người đàn ông khác dù cô không có tình ý gì. − Tôi còn chút việc nên phải nán lại đến chiều. Cám ơn ông đã cho tôi quá giang. − Nếu cần đi đâu quanh Sài Gòn thì cô đừng ngại, tôi còn thừa thời gian để giúp cô. Từ chối bằng nhiều cách, nhưng cuối cùng cô vẫn phải ngồi cạnh ông Châu trong lòng xe, bởi cơn mưa bất ngờ ập đến. Đến trước con hẻm, xuống xe, cô nói: − Cám ơn ông. − Chỉ cần một chầu ăn sáng là cô Khanh có thể trả ơn cho tôi rồi đấy. Có cô trò chuyện nên đoạn đường dài được rút ngắn. Xe lướt đi rồi, cô mới nhìn thấy Giang. Bằng cặp mắt nghi ngờ, Giang hỏi: − Mày đi với ông Châu suốt mấy ngày nay ư? Khanh sững sờ, nhưng biết đính chính sao đây: − Mày tìm tao có chuyện gì không? − Đột nhiên biến mất nên tao lo cho mày thôi. Nếu biết mày đi chơi với ông Châu, tao đâu ngu dại gì ngồi chờ mày suốt buổi chiều. Khanh mở cửa không phân trần: − Vào nhà đi Giang! Giang hỏi không cần e dè: − Mày phải lòng ông Châu thật rồi sao? − Chuyện riêng tư của tao, mày cần biết để làm gì. Tao là hạng người tồi tệ lắm, tốt nhất đừng nên thân thiết nữa Giang à. − Đó là mày nói đó nha. Tao lúc nào cũng xem mày là bạn hết. − Ngày xưa là bạn, còn bây giờ tao sống buông thả lắm. Chơi với tao, mày sẽ mất mặt. Giang nhìn bạn dò xét: − Bỗng dưng tao với mày căng thẳng quá, tao đâu có lỗi. − Người có lỗi là tao chứ gì, còn căng thẳng là do mày gây ra còn trách ai. − Hôm qua tao gặp Chấn. − Chuyện đó không liên quan đến tao. − Chấn sẽ đưa mày đi xa. − Và mày ủng hộ Chấn nên tìm tao để động viên chứ gì? − Đúng, vì mày và ảnh đã yêu nhau lâu rồi, gia đình không tác hợp chỉ có cách đó mới thành đôi. Chúc mừng cho mày, cuối cùng thì “châu cũng về hợp phố”. Khanh lắc đầu: − Đừng vội chúc mừng khi tao không đồng tình. Nếu trước đây, Chấn nghĩ như vậy hẳn là tao sung sướng lắm, nhưng bây giờ đã khác rồi Giang. Dù không được mày chấp nhận cho tao và Đằng, tao cũng không thể trở lại với Chấn đâu. − Mày phải lòng ông Châu? − Chưa ma cũng có thể, vì ít ra ông ta biết tôn trọng tao chứ không xem chuyện yêu đương là trò đùa như Chấn. − Tao không hiểu nổi mày. − Tao còn chưa hiểu tao thì mày là người ngoài cuộc làm sao hiểu được. Giang xìu xuống vì cô biết Khanh đang buồn: − Mày đã ăn gì chưa, hai đứa cùng đi ăn nha. Có chút nao lòng, nhưng Khanh vẫn nói: − Cám ơn, tao vừa ăn xong. − Thôi tao về, mày cố gắng sống tốt nhé, và đừng giận tao vì những chuyện đã qua. − Tao bao giờ cũng sống tốt, ngay những lúc người ta xem nhẹ giá trị sống của tao, miễn sao tao không thấy thẹn với chính mình là được rồi. − Mày giận tao lắm hả Khanh? − Không, tao biết ơn mày đã cho tao một bài học, một kinh nghiệm mà tao phải nhớ suốt đời về tình bạn cao quý. Giang bước đi khi nghe lời trách cứ nhẹ nhàng của Khanh. Trước đây cô từng đau nỗi đau của bạn, từng cầu nguyện điều may mắn, từng sẻ chia vui buồn. Nhưng vì chút sĩ diện danh dự gia đình, cô đã thẳng thừng ngăn cản mối tình khập khiễng về tuổi tác lẫn môn đăng. Khanh lãng mạn, Khanh đa tình vì quanh cô có đến ba người đàn ông, ai chắc cô sẽ không giống mẹ đi tiếp vết xe cũ? Sáng hôm sau, cô đi tour miền Tây sông nước, muốn nhờ công việc vây kín để không nhàn rỗi mà nhớ Đằng. Ông Quảng hỏi đùa: − Cơm lành canh ngọt cho nên phục vụ hết mình rồi, phải không Khanh? − Vâng! Xong tour này, chú cứ lên lịch cho cháu nhé. − Đi tour hoài, làm sao lập gia đình? − Chưa có ai chịu cưới cháu đâu. − Tại cháu kén đó thôi, ông Châu là người tình nguyện cháu có biết không? − Cháu xem ông Châu như một người anh đáng mến thôi, không thể khác được. − Nên nhìn xa trông rộng một chút đi Khanh. Khanh cười quay bước.Ngắm giỏ hoa với hai mươi bảy bông hồng, nằm bên cạnh là chiếc bánh kem có nền hoa hồng trắng làm Khanh thật sự xúc động. Yêu nhau bao lâu, dù có giận hờn nhưng không bao giờ Chấn quên mừng sinh nhật cô. − Cám ơn anh! − Nói với anh bằng giọng hờ hững quá vậy Khanh. Vẫn còn buồn anh sao? Sinh nhật năm nay đánh dấu ngày chúng mình trở lại với nhau nha Khanh? Chấn cầm tay cô giọng ngọt ngào: − Anh vẫn biết bắt đầu lại với em rất khó khăn, nhưng hãy cho anh một cơ hội nữa đi, anh rất cần có em. Không còn cảm giác bâng khuâng khi bàn tay cô nằm ngoan trong tay Chấn. Khanh từ tốn: − Anh thật sự cần em sau khi đem so sánh giữa hai người con gái phải không? Cán cân đã nghiêng về phía em muộn màng quá rồi, vì đau đớn đã làm em quên được anh. Giọng Chấn hấp tấp: − Đừng nói với anh những lời như thế nữa. Em muốn anh tạ tội sao đây, mới bỏ qua cho anh. − Chúng mình hãy xem nhau như bạn bè, chữ ân tình không ai nợ ai nữa. − Có phải người đàn ông khác làm cho em quên anh. − Em không biết giải thích thế nào cho anh hiểu… Với em, chuyện trở lại cùng anh là không thể, vì mọi chuyện đã qua lâu rồi. Chấn thành khẩn: − Anh không thể mất em đâu. Cảm giác mất nhau làm anh bàng hoàng lắm. − Em đã từng có cảm giác đó, thật là kinh khủng, nhưng khi vượt qua được, tâm hồn mình yên lành như xưa. Anh không cần đem mọi lý lẽ để thuyết phục, em hiện giờ không còn là Ái Khanh khi xưa. Em đã thuộc về một người khác. Chấn cau mày: − Em có thể nói một cách rất tự nhiên với người yêu của mình như vậy sao Khanh? − Người yêu ư? Em nhớ anh đã quay lưng để đến với một người khác đẹp hơn, giàu có hơn và tình cảm cũng đầy hơn. Chấn nhìn cô đăm đăm: − Anh không tin là em đã quên anh để yêu một người khác. Hành hạ anh bao nhiêu nữa mới hả lòng em đây? Anh đã chuẩn bị chu đáo cho tổ ấm của mình rồi. − Chấn à! Em nói một lần nữa là em không thể trở lại với anh. Em đã thuộc về người ta rồi. Chấn sửng sốt nửa tin nửa ngờ: − Em nói thật đấy chứ? Khanh gật đầu: − Thôi cũng được, bây giờ anh có nói gì đi nữa em cũng không khăng khăng. Hãy suy nghĩ lại đi và cho anh biết. Từ giờ đến ngày anh chuyển công tác đủ thời gian để em trả lời mà. − Chấn à! Anh khoát tay: − Đừng lãng mạn, đừng yếu đuối nữa Khanh. Anh không muốn nghe lời từ chối nào của em. Em chuẩn bị tâm lý đi, để ta sẽ sống chung. − Chấn! Đừng buộc khi em không thích. Có yếu đuối nhưng em vẫn đủ cứng cỏi để biết mình không thể tiếp tục yêu đương người từng bỏ rơi mình. Chấn biết mình không thể lay chuyển cô trong thời gian nhanh quá. Sự yếu đuối anh từng biết là niềm hy vọng cho anh đủ kiên trì đem cô về con đường tình cũ. Chấn đứng dậy: − Chúc em ngày sinh nhật vui vẻ! Anh về đây. Khi nào em bình tĩnh suy nghĩ hãy phone cho anh. Khanh không tiễn mà đứng nhìn theo Chấn, một thời cô yêu anh si mê vẫn còn đọng ít nhiều ở trái tim mềm yếu. Chiều nay Khanh lang thang qua các shop, cuối cùng cô vào quán nước để nghỉ chân. Vừa ngồi xuống, chợt Phương đã đến bên cạnh: − Chào chị! Khanh ngạc nhiên đưa mắt nhìn lên. Phương tự nhiên kéo ghế ngồi. − Cho tôi ngồi chung bàn với nhé? Khanh gật đầu nhưng lòng hoang mang. Trước kia Phương là tình địch của cô, nay đối mặt như thế này đâu phải chuyện đơn giản. − Hẳn chị rất ngạc nhiên vì chưa biết tôi là ai, nhưng tôi thì biết chị rất rõ. − Chị muốn gì nói thẳng ra đi. − Vâng! Điều tôi muốn biết là Chấn đã trở lại với chị phải không? − À, thì ra là vậy! Trước kia, tôi và anh Chấn đã một thời yêu nhau, nhưng chia tay lâu rồi. Chị cần hỏi gì nữa không? − Nhưng sao bây giờ Chấn lại chối từ tôi trong khi hai bên gia đình đã định ngày cưới rồi? Khanh sững người và hiểu rằng Chấn đã thật lòng muốn đi xa cùng cô. − Chuyện đó tôi không biết, nhưng tôi và anh Chấn không còn liên quan gì hết. − Nếu không, anh ấy đâu trốn tránh tôi. Chị biết không, tôi rất yêu Chấn, mất anh tôi không biết mình sẽ sống ra sao nữa. Hai tuần qua, tôi cố ép mình xua hình bóng anh ra khỏi tâm trí, nhưng chỉ có sự nhớ nhung đau đớn mà thôi. Khanh không biết diễn đạt thế nào để cho Phương hiểu. − Chị yêu Chấn nhiều như vậy thì phải bằng mọi giá giữ anh lại cho riêng mình. Phần tôi hiện giờ chỉ còn xem anh là một người bạn thân thiết dù trước đây tôi yêu anh rất nhiều giống như chị hiện giờ vậy. Mắt Phương sáng lên: − Chị nói thật chứ? − Vâng. − Vậy thì lý do nào anh lại từ chối không muốn kết hôn với tôi? − Chị tự tìm hiểu nguyên do đi. Yêu Chấn mà chị có hiểu rõ tâm tư của anh không? Khó tìm được một người chân tình và trọn hiếu như anh lắm. Phương cúi mặt: − Chị nói đúng, anh yêu tôi vì trọn hiếu với cha mẹ đó. Bây giờ tôi phải làm sao để giữ được trái tim anh? Câu nói vô tình thọc sâu vào nỗi buồn của Khanh, cô đã từng hỏi lòng câu hỏi như thế. − Yêu và được yêu đã khó, còn giữ được trái tim người mình yêu còn khó hơn. Tôi đã từng có tâm trạng như chị vậy. − Làm sao chị có thể quên Chấn khi đang tha thiết yêu? Khanh điềm đạm: − Có lẽ từ nỗi đau, nỗi buồn làm tâm hồn tôi chai lì rồi đóng băng nên không còn cảm xúc. Phương nhìn Khanh, giọng nhẹ: − Chị có từng hận tôi không? Khanh thật lòng: − Có, tôi đã từng hận chị xen vào tình yêu của tôi, nhưng bây giờ thì không vì tôi hiểu rõ, giữa tôi và anh Chấn không hợp nhau. Vả lại, tôi tay trắng không có của hồi môn khi xuất giá. − Yêu nhau đâu cần những thứ đó. − Với mình thì không, nhưng với cha mẹ Chấn thì có. Tôi xa Chấn vì chuyện thường tình mà chị vừa nói. − Trò chuyện với chị không bao lâu tôi thấy quý mến chị vô cùng. Ta có thể kết thân làm bạn bè không? Khanh cười: − Cám ơn chị, nhưng tôi nghĩ mình có khoảng cách vẫn tốt hơn nếu như chị còn muốn Chấn trở lại. Câu chuyện kết thúc khi Khanh từ giã. Buổi chiều đẹp mà trong mắt cô không có sự phấn khởi hân hoan mà trong lòng là nỗi buồn đầu óc lại hiện lên cảnh âu yếm của Đằng. Sao cô nhớ anh đến quay quắt? Ái Khanh ngủ nướng sau chuyến đi dài cho đến khi có tiếng gõ cửa cô mới chồm dậy. Cửa mở, trên tay Giang là mấy túi xách lỉnh kỉnh. − Trời ơi! Giờ này còn nướng hả, khét chưa? Khanh cười giọng còn ngái ngủ: − Đã khét đâu. Hôm nay mày không vào trường hả? − Không. Dậy đi tiểu thư. Ghé chợ thấy vải thiều ngon quá nên mua cho mày. Khanh chợt vui, dù sao Giang cũng đâu cạn tình. − Cám ơn. Lãnh lương chưa mà xộp vậy? − Ngày nào tao cũng có lương hết. Đừng lo, hầu bao của tao lúc nào cũng đầy. Giang tỏ thái độ thân thiện như xưa: − Mày đang rảnh hả? − Ừ. − Đi chơi nhé? − Đi đâu? − Mua thức ăn ra quán Thơ. − Ừ, đi thì đi. − Khanh nè! Chuyến bay ngày mười hai vừa rồi đã gặp sự cố khi hạ cánh đó. − Hành khách có sao không? − Một số người bị thương, rất may cho thằng Đằng nó định dời chuyến bay ở thêm vài ngày nhưng mẹ tao không chịu, nếu không… Vô tư nghe Giang kể, Khanh hốt hoảng khi nghe rõ cô hấp tấp hỏi: − Sao mày biết? − Báo đăng nè. Giang lấy tờ báo trong xách tay đưa cho Khanh: “Chuyến bay Việt Nam - Boston cất cánh lúc mười giờ đã gặp sự cố khi hạ cánh. Số hành khách bị thương khá nhiều, chưa rõ…” Khanh tưởng chừng sét đánh ngang mày vì cái tin quá bất ngờ. Cô hỏi bằng giọng run run: − Đã có tin của Đằng chưa? − Mày biết tính nó mà, trở qua xứ người là nó quên hết không hề điện về. − Sao mày không phone qua đó. − Để làm gì. Gia đình tao không muốn nó phân tâm đâu. Khanh không còn biết hỏi sao nữa, cô không còn hứng thú để đi chơi cùng Giang nhưng không có lý do thoái thác. Suốt buổi đi chơi cô như người mất hồn. Sáng hôm sau, cô gọi điện lên phi trường để hỏi rõ, tinh thần dường như suy sụp khi biết chuyến bay đó có Đằng. Giang nằm mẹp suốt mấy ngày liền cho đến khi Chấn đến phải kêu lên. − Bệnh mà sao không gọi cho anh. Cô gượng cười: − Em không muốn làm phiền anh. − Sao lại phiền. Anh phải có trách nhiệm lo cho em. Giọng cô chua xót: − Em tự lo cho mình được rồi. − Tự lo nên bẹp dí trên giường, phải không? Chấn cầm cánh tay gầy mà xót xa: − Đừng tự hành hạ mình như thế nữa. Nhìn em, anh đau lòng lắm. Khanh khép mắt, giọt lệ bỗng lăn dài làm Chấn bàng hoàng. Lẽ nào cô chỉ còn một nửa yêu thương dành cho anh, một nửa kia dành cho người khác mất rồi. Anh biết cô miễn cưỡng, nhưng trong anh đang thức dậy niềm yêu thương tưởng đã hết. − Em đang đau vì tình, nhưng không phải anh, phải không Khanh? Chỉ có đau vì tình mới làm người ta suy sụp nhanh đến vậy. − Chấn ơi! Anh đừng nói gì hết vậy, đừng quan tâm mà hãy bỏ mặc em đi. − Chuyện gì đã làm em thảm hại đến vậy, hãy quên hết đi mà cùng anh làm lại từ đầu. − Có được không anh? − Nếu như em còn yêu anh, mình sẽ đưa nhau đến chân trời tím thường mơ, chỉ có hạnh phúc và niềm vui thôi. Lời lẽ Chấn nhẹ nhàng nhưng trong lòng cô đang có giông bão giăng đầy. − Anh đưa em đi bác sĩ nhé? − Chỉ cần liều thuốc cảm là em sẽ khoẻ, anh đi mua giùm em nha. Chấn đi rồi cô không biết mình phải dừng lại bến nào cho đúng. Với Chấn đang hâm nóng tình yêu, còn Đằng thì biệt mù khơi không chút tin. Khanh vực dậy với sự chăm sóc của Chấn. Cô như điên cuồng nhận tour đi ngay dù còn trong tâm trạng buồn thảm không thể san sẻ cùng ai. Yêu Đằng vội vã với thời gian quá ngắn, nhưng đủ đọng lại trong cô nỗi đau ngút ngàn, giờ thì người nguyện cầu xin trời cao cho Đằng bình an là tâm niệm lớn nhất của cô. Cô nhớ lời mẹ Chấn: − Tướng cô sát phu, đừng lấy chồng chỉ gây vạ cho người thôi. Nếu Đằng còn sống, cô sẽ rời xa anh mãi mãi ôm mối tình này âm thầm mà sống.