Chương 1

Tiếng nhạc dìu dặt, trầm êm một khúc tình ca bất hủ, Yên lắng nghe say sưa rồi cất tiếng hát theo khe khẽ, giọng hát của cô thật ấm áp, không gian trong căn phòng chợt như lắng đọng để hòa nhập và cảm nhận.

Bên kia bàn, Duy đăm đắm ngắm khuôn mặt yêu kiều của Yên, anh chợt thấy khao khát một nụ hôn lên đôi môi mọng đỏ kia. Trông cô để hết tâm trí vào ca khúc mà anh thấy ganh tỵ, cô chẳng hề nhìn anh, làm như anh không có mặt bên cô vậy.

– Nè! Nè!

– Hử?

– Đáng ghét!

Yên chỉ nhướng mày rồi lại tiếp tục thả hồn theo dòng nhạc. Duy bực dọc rồi gọi to:

– Tiếp viên!

– Anh cần gì ạ?

Cô gái nhanh nhẹn đến bên bàn cất giọng hỏi. Anh mỉm một nụ cười thật quyến rũ rồi nói:

– Anh muốn uống thêm một ly nữa, nhưng không biết uống gì. Lúc này anh thấy khát đến cháy cổ.

– Vậy thì chanh Rhum nhé? Nó sẽ giúp anh đỡ khát!

– Theo ý em vậy. Nhưng nếu không giải được cơn khát của anh thì em bắt đền cho anh nhé?

Cô gái nhìn về phía Yên, mỉm cười ý nhị:

– Em nghĩ em không đủ khả năng bằng bạn gái của anh đâu.

– Cô ấy không quan tâm đến anh.

Yên ngồi bên kia nghe thấy tất cả, chau mày chồm sang khó chịu:

– Không cần chanh Rhum, cô cho một chai nước suối to là được rồi. Cám ơn.

Hứ! - Chờ cho cô gái đi khỏi, Yên quắc mắt với Duy - Hừ! Còn anh đó liệu hồn, may mà có em ở đây, anh còn thế, chẳng xem em ra gì phải không?

Duy hờn dỗi:

– Anh hay em? Xem anh như phỗng đá, chỉ biết có anh chàng ca sĩ đó thôi.

– Đó là thưởng thức nghệ thuật, anh có hiểu không?

– Không!

– Khó chịu! Nhỏ mọn!

– Phải! Tình yêu mà không ích kỷ nhỏ mọn mới là lạ. - Nói em nghe nhé, anh còn muốn hô biến cho em bé tí lại để bỏ vào túi không cho ai ngắm nữa kìa.

– Ôi trời! Em đúng là người bạc phước.

– Bậy! Ai nói? Mỗi ngày mỗi đón em đi chơi, đi làm, đi ăn rồi nghe nhạc, rồi mua sắm. Ôi! Lung tung chuyện hấp dẫn thế mà bạc phước ư? Em chỉ nói điêu.

– Vừa kể lể, vừa đáng ghét, dám mắng em hử?

– Chỉ chứng minh thôi. Mà này, sao em hay chê anh thế? Dù gì cũng là người em yêu mà.

Yên mỉm cười mắt lém lỉnh:

– À há! Thôi nhé!

– Mô phật!

– Đừng báng bổ Thần Thánh. Chết! - Yên xem đồng hồ rồi kêu lên - Trễ rồi về thôi, kẻo ba em chửi chết.

Duy nhìn đồng hồ rồi gật:

– Ừ, về thôi, kẻo lần sau lại ba không cho gặp em thì khổ.

Chiếc xe len lỏi vào con hẻm nhỏ và dừng lại trước căn nhà nhỏ màu xanh cũ kỹ.

Yên vẫy tay chào Duy rồi bước vào nhà.

– Đi đâu đến giờ này mới về?

Yên lấm lét nhìn cha:

– Dạ, con đi uống nước với anh Duy.

– Cái thằng đó! Lúc này ta thấy nó năng đến đưa đón mày quá, nó con nhà ai thế?

Yên ngập ngừng rồi thưa:

– Dạ, ba má anh ấy kinh doanh.

– Kinh doanh à?

– Dạ!

– Lớn hay nhỏ?

– Dạ ....

– Sao?

– Dạ, làm chủ một công ty xuất khẩu hàng mỹ nghệ.

– Cũng được! Nhưng tao nói trước, tao cấm không quen với con nhà “gốc”.

nhé:

– Dạ!

– Tao nói từ lâu rồi đó, đừng để tao biết là chết với tao, điều đó là điều cấm kỵ của cái nhà này hiểu không?

Yên giấu tiếng thở dài, cô khẽ đáp:

– Dạ vâng, nhưng ...

– Nhưng gì?

– Nhưng sao ba lại ác cảm với họ?

Mặt ông Hùng nhăn nhúm, mắt lộ sự oán hờn:

– Mày có biết vì sao cha mày ra nông nỗi này rồi. Hừ! Nếu như không có bọn họ, tao đâu có tệ hại nông nỗi thế này.

Yên ái ngại nhìn cha, rồi nói:

– Chuyện đã qua lâu rồi, sao ba cứ để trong lòng? Bây giờ chẳng lẽ chúng ta không sống thoải mái đó sao?

Ông Hùng chợt gầm lên:

– Mày biết gì mà nói! Ngày xưa tao đường đường là một quận trưởng hét ra lửa, muốn thế nào ra thế ấy. Còn giờ thì sao? Hừ! Từ cái thằng oắt con cũng vênh mặt với tao, gọi tao thằng cha này thằng cha nọ.

Yên ái ngại rồi nhìn cha, khẽ nói:

– Ba cay cú mãi làm gì? Lịch sử đã sang trang rồi, ba có cay cú mãi cũng không đổi thay được. Bây giờ gia đình mình cũng ổn định, cũng có cơm ăn áo mặc, sao ba không chịu chấp nhận.

– Chấp nhận cái gì khi mà tao ra nông nỗi này! Nếu như lúc đó không bận bịu má con mày, tao đã đi rồi. Còn má mày nữa, vì đâu mà bả chết?

– Ba!

Ông Hùng nuốt nghẹn lắc đầu khi Yên nói:

– Má chết vì bệnh chớ có ai hại má đâu mà ba cứ nhắc, rồi cứ oán.

Yên nhìn lên ngoài cửa sổ những vì sao vẫn nhấp nháy sáng rực giữa bầu trời đen thẳm. Cuộc sống đối với cô không hề bạc đãi, mặc dù sau khi mẹ chết, ba trở nên bẳn tính. Nhất là những năm mà ông mới trở về, lúc đó cô còn nhỏ nhưng những ấn tượng không vui vẫn luôn in hằn trong tâm trí cô. Mẹ thì phải cần bán các đồ quý giá trong nhà, còn đau yếu triền miên. Ba thì cứ uống rượu rồi hận đời rồi đập phá. Cứ mỗi lần nhìn mẹ cam chịu ngồi khóc, cô luôn nghĩ, mai này cô quyết không yếu đuối không để nỗi buồn phiền quật ngã mình. Cô phải sống khác mẹ, phải vươn lên bằng chính sức lực của mình cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Mười sáu tuổi, cô theo mẹ ra chợ buôn bán nhưng lúc nào cũng là người học đứng đầu lớp. Chạy bàn quán cà phê cho bà Tư đầu ngõ nhưng tối về thì ôm cuốn sách học cho đến gần sáng, rồi tốt nghiệp, rồi vào đại học, rồi đi làm, cô tự hào vì những gì mà mình làm được, không có điều gì phải phàn nàn bất mãn.

Nhưng còn ba cô vì ông không chịu quên quá khứ.

– Ê! Ông Hùng, ra làm vài ly lai rai chơi ông.

Ông Hùng kéo chiếc ghế ngồi xuống. Đĩa mồi là vài ba khúc cá đuối khô chấm với tương đen. Ông nói:

– Hôm nay mới lãnh lương hả?

Ông Ba Soạn gật đầu:

– Ờ! Thằng Hai nó cho mấy trăm, lương lậu gì.

– Nghỉ bốc xếp giờ làm cha cán bộ.

– Hà hà! Oải quá! Con cái nó lớn cả rồi, mình không phải lo nữa. Vậy chớ lâu lâu nhớ nghề ra chợ phụ mấy bà bán hàng, bị xấp nhỏ nó rầy rà hoài. Chậc!

Thời gian qua mau thiệt! Hồi nuôi tụi nó, tui ớn tận cổ không biết đến chừng nào tụi nó mới lớn. Nhớ lại thấy mình cũng giỏi thiệt. Mà anh giờ cũng sướng rồi, con Yên nó có công ăn việc làm ngon lành dư sức nuôi anh mà.

– Nuôi con mẹ gì! Tui không chờ nó nuôi tui. Hừ! Nếu như lúc xưa thì giờ nó cũng ở bên Mỹ, bên Pháp chớ có ở cái xóm eo xèo ọp ẹp này đâu.

– Lại nữa!

Ông Soạn cười lục khục vì biết ông Hùng lại sắp nổi cơn. Ở cái xóm này chẳng ai là không biết họ, còn gọi trêu ông Hùng là “ngài cố quận trưởng” nữa kia. Ông Hùng nổi xung vì kiểu cười của ông Soạn:

– Ông cười cái gì! Cái ngữ như ông ngày xưa đố dám đi ngang mặt tôi nữa là. Hừ!

– Phải! Tôi là thằng phu bốc vác ở chợ này từ thời xưa, nhưng lúc xưa thì làm bao nhiêu cũng không đủ no, không đủ cho con cái đi học vì phải nộp cho bọn “đầu gấu”, tụi “bảo kê”. Nhờ giải phóng mà con tui mới được như ngày nay, đứa trưởng phòng, đứa cán bộ, tui cũng không dám nhắc đến nghề cũ, sợ con cái nó không vui.

– Sợ mất mặt chứ gì?

– Ờ!

– Quận trưởng như tui còn phải làm cu ly đây.

– Anh đừng cay cú nữa, đời chúng ta như thế cũng có hậu rồi. Nghĩ lại thấy đúng:

“lao động là vinh quang”, muốn có thành quả thì phải làm việc.

Ông Hùng khó chịu:

– Uống rượu với tui đừng có chêm ba cái chính trị vô đây nghe.

Ông Soạn cười khề khà rót thêm cho ông Hùng một ly:

– Sống đến bây giờ anh còn nghĩ về quá khứ làm gì! Cho nó qua đi, nhắc có được gì đâu, chẳng phải bây giờ chúng ta rất thảnh thơi đó sao?

– Hừ!

– Muốn ăn thì ăn, muốn nói thì nói. Con cái nên người, cuộc sống yên lành.

Ừ! Mấy lúc gần đây nghe nói con Yên của anh nó có bạn trai, thằng đó tui cũng gặp rồi. Được đó cho tới luôn đi!

– Tới cái gì! Chưa biết nó xuất thân từ đâu, con cái nhà ai thì tui không gả.

– Anh đó, cứ gây khó cho nó! May là nó lành tính, chứ nếu không, anh nuôi cháu ngoại không cha lâu rồi.

– Anh nói gì?

– Đừng nóng, đây là anh em góp ý!

– Tui đâu cần ý của anh.

Ông Soạn cau mày xẵng giọng:

– Cứ ngang tàng ngược ngạo, anh tưởng anh là ai chứ? Thằng nào anh cũng chê, anh làm như con gái anh cao sang lắm vậy.

– Nè! - Ông Hùng sừng sộ - Cao sang hay không thì tui biết, cái ngữ như nhà anh thì đừng hòng!

– Xì! - Ông Soạn mỉa mai - Phải! Cho nên bây giờ thằng Tân nhà tui đã có con bồng con ẵm, còn con gái anh thì quá lứa quá thì. Cứ tưởng! Rồi có ngày ế chẳng ma nào thèm nhìn!

– Mẹ! Này, thì ế này!

Ông Hùng tạt ngang ly rượu vào mặt ông Soạn. Thế là cả hai đứng bật lên như hai con gà chọi, sửng cồ hét vào mặt nhau rồi túm áo, túm cổ gây náo loạn cả lên, làm cho bà Tư béo hớt hải chạy ra can thiệp:

– Ôi trời! Tụi bây phụ một tay kéo hai ông thần này ra giùm tao coi! Đúng là rượu vào lời ra, uống thì chẳng bằng ai động tí lại gây sự phá quán người ta. Cái đồ mắc toi, mắc dịch gì không hà! Kéo hai cha về nhà giùm tao coi!

Ông Hùng ngật ngưỡng chân nam đá chân chiêu đi theo thằng Toản về đến cửa nhà:

– Chị Yên ơi, chị Yên? Ra đỡ ông Hai “dzô” nè! Trời đất! Ổng uống xỉn quá gây lộn với ông Soạn tùm lum ngoài quán bà Tư, làm bả chửi quá trời luôn.

Yên lật đật chạy ra dìu cha vào trong:

– Ba sao rồi?

Ông Hùng gạt tay con gái, khệnh khạng vào nhà:

– Sao trăng gì kệ tao. Hừ! Lúc nãy mà tao túm được thằng đểu đó thì tao đập cho nó một trận rồi. Mẹ nó! Đúng là thời thế thay đổi, “cóc mặc áo quan”! Nó là cái thá gì chứ, chỉ là thằng bốc xếp. Hừ! Nó ỷ có đám con làm phó phòng, trưởng phòng là nó lên mặt với tao à? “Cò là cò mà quạ là quạ”, đúng là khốn nạn!

– Ba!

– Ba cái gì!

– Ba lại nói lung tung rồi. Ba vào nghỉ đi!

Ông Hùng thở ra, mùi rượu nồng nặc. Ông nấc cục rồi đưa ánh mắt lờ đờ nhìn con gái:

– Yên này! Đừng tưởng ba say. Ba không say đâu con. Thật ra, ba chỉ muốn con được sung sướng, nhưng giờ ba chẳng làm được gì cho con. Ba thật bất tài vô dụng.

– Ba đừng nói vậy! Ba đi ngủ đi, mai còn phải đi làm.

– Làm! Hừ!

Ông nhếch môi cay cú:

– Làm cái gì chứ? Làm thằng cu ly, thích thì làm, không thích thì nghỉ.

– Ba không làm thì cũng ngủ cho khỏe.

– Yên này!

– Dạ!

– Ba tệ lắm phải không?

– Dạ đâu có!

– Chắc là con xấu hổ vì ba lắm phải không?

– Ba đừng nói vậy! Ba là ba của con, sao con lại xấu hổ vì ba chứ.

– Đời ba xuống dốc khiến cho con phải khổ lây, đến cái nhà cũng không được tươm tất. Nay mai ba chết đi chẳng có gì để lại cho con. Ứ hự! Má con chết cũng nhẹ phần bà ấy. Chờ đợi ba mấy năm trời. Lúc ở trại cải tạo ra, ba cứ ngỡ là bà ấy đã theo người khác.

Yên ngồi xuống cạnh cha, rồi mơ màng nhớ lại ngày xưa:

– Có lẽ vì con mà má đã không bỏ đi được. Năm đó con về ở với cậu, ba bỏ đi mấy năm cũng không thấy về. Cậu mợ lo cho con ăn học.

– Cậu con là người tốt.

– Cậu cũng mất rồi.

– Chẳng còn ai cả! Chẳng còn ai cả ...

Nói rồi, ông lững thững bỏ vào giường. Căn nhà chìm vào trong đêm tối.

Yên buồn bã ngồi dựa cửa nhìn ra ngoài. Đêm xuống đã lâu, con hẻm không một bóng người, sự yên ắng đến tịch mịch. Yên chẳng buồn bật đèn hiên, bóng cô chìm lẫn vào trong bóng tối. Gương mặt khuất trong làn tóc đen mượt, gương mặt đã in dấu ấn thời gian nhưng vẫn còn giữ lại vẻ đẹp khó che giấu.

Đã gần ba mươi tuổi mà cô vẫn chưa biết đến đàn ông là gì. Đã gần ba mươi tuổi vẫn chưa biết được sự rung động của bờ môi. Có đôi lúc chợt giật mình thức giấc nửa đêm, cô thảng thốt bởi cái lạnh cái trống trải quanh mình. Cô thèm một vòng ôm rắn chắc mạnh mẽ của người đàn ông. Tuổi thanh xuân cứ qua đi, qua đi trong nỗi khao khát mong mỏi đó.

Nhưng rồi lòng cô cũng yên ắng, cũng thôi bớt khát khao mong mỏi. Cô nghĩ là số phận đã định, thôi thì đừng mong mỏi chờ đợi nữa làm gì. Tìm kiếm mãi hư không cũng là hư không.

– Yên! Yên bước ra. Duy đã đứng chờ cô ngoài ngõ. Cô nhìn vào trong lấm lét. Cô đóng vội cửa, rồi nói:

– Sao lại đến đây?

– Lạ chưa, đến chở người yêu đi làm có gì sai sao?

Yên nhăn mặt:

– Cứ đứng ở chỗ cũ chờ em là được rồi.

– Anh thích vào nhà. Em cũng lạ, quen với nhau đã mấy tháng rồi mà không cho anh ra mắt gia đình.

Yên thở dài:

– Anh muốn chia tay em sớm à?

– Em nói gì lạ vậy?

– Thôi, đi nhanh đi!

Duy khẽ chau mày, không hiểu vì sao Yên cứ sợ hãi thập thò với anh. Dường như cô không muốn anh đến nhà, cứ lén lút như một kẻ trộm. Chẳng lẽ cô có điều gì không thể nói ra.

Chiếc xe ra khỏi con ngõ, Yên mới thở ra nhẹ nhõm. Cô cằn nhằn Duy:

– Lần sau đừng liều lĩnh như thế nữa nghe không? Ba em mà thấy được thì chết.

Duy không vui vì câu nói của yên, nhất là cái kiểu cô lên xe ngồi mà cứ giữ khoảng cách với bờ lưng của anh.

– Em sao vậy? Ngồi gần anh sợ lây virút à? Anh đến đón em đi làm chớ có làm gì sai trái đâu mà sợ. Em không muốn anh đến chào gia đình sao?

Yên thở dài:

– Ba em khó lắm. Em không muốn mất anh.

– Em nói gì lạ vậy?

– Em đã gần ba mươi rồi, chúng ta chỉ mới bắt đầu và em không muốn kết thúc.

– Kết thúc ư? Em làm cho anh thật buồn.

– Anh yêu em và tình yêu đó không vì lý do gì mà tan biến, chỉ trừ khi em không nghĩ tới anh nữa thôi.

Yên khẽ thở dài sau lưng Duy. Cô rất sợ mất Duy. Đối với cô và Duy, tất cả chỉ mới bắt đầu, cô không dám tin vào chính bản thân mình, làm sao cô có thể khẳng định tình yêu mà Duy dành cho cô. Nếu như lỡ mất Duy ... Yên sợ hãi khi nghĩ đến những tháng ngày cô đơn lạnh lẽo qua, cô không muốn. Quả thật là cô không có can đảm sống lại những ngày tháng đó, thui thủi một mình để thèm khát và mong mỏi một vòng ôm.

Yên lén lút dựa nhẹ vào bờ lưng rộng và rắn chắc của Duy. Cái hương hơi thật ấm áp, cái chất ấm áp của người đàn ông sao mà quyến rũ đến lạ kỳ, nó khiến cho cô cứ rạo rực, cứ xốn xang ...

– Đi ăn gì đây Yên?

Yên giật mình sau câu hỏi của Duy. Cô bối rối ngồi ngay lại:

– Em sao vậy?

– Có sao đâu.

– Người em nóng hực vậy?

– Em ... em thấy bình thường mà.

– Không bình thường chút nào.

Duy ngừng xe trước tiệm ăn, anh không vội vào mà đứng lại quan sát Yên đăm đăm:

– Má đỏ, tay nóng, người nóng, mới sáng sớm mà thế hay là em bị sốt?

– Không có!

– Đưa trán anh xem.

Yên luống cuống né bàn tay Duy:

– Người ta nhìn kìa, kỳ quá! Em có sao đâu. Vào ăn nhanh kẻo trễ giờ làm bây giờ!

Duy chưa hết lo ngại, nhưng cũng theo Yên vào trong. Anh vẫn không rời mắt khỏi gương mặt đỏ hồng của Yên:

– Em không sốt thật chứ?

– Ừm!

– Thế thì trông em hôm nay thật lạ.

– Lạ gì chứ?

Duy nghiêng đầu ngắm Yên rồi mỉm môi cười:

– Trông đẹp lắm, má không phấn mà đỏ, mắt không kẽ mà cứ lóng lánh mê hồn. Này! Phải có gì rồi không, nói cho anh nghe xem!

Má Yên càng đỏ hơn vì thẹn:

– Nói cái gì, chỉ giỏi đoán mò. Ăn nhanh còn đi làm!

Duy không thôi mà còn trêu già hơn:

– Người ta nói đúng, thật là con gái càng thẹn càng đẹp. Yên này! Hôm nào đến nhà anh chơi nhé, anh muốn em gặp ba má anh:

– Hử?

Yên suýt sặc vì câu nói đột ngột của Duy:

– Anh nói thật! Ba má anh dễ thương lắm, em gặp là biết ngay.

– Thôi đừng đùa nữa! Tới giờ vào làm rồi, đi thôi anh!

Yên băn khoăn suốt dọc đường, cô không biết Duy đùa hay thật. Quen với nhau chỉ mới mấy tháng, Duy luôn bông lơn đùa tiếu, lúc thì gọi cô là người yêu, lúc thì vợ xinh, bây giờ lại bảo cô đến gặp ba má anh, chắc chỉ là bốc đồng thôi, nhưng sao cô cứ bâng khuâng mãi.

– Này!

Yên quay lại chờ Duy:

– Chuyện gì nói mau lên, em còn vào làm.

– Chiều nay anh đến đón em đến nhà anh nhé!

– Cứ đùa!

– Không đùa đâu! Chiều nhé!

– Này!

Nhưng Duy đã phóng xe đi mất. Yên đứng lại nhìn theo một lúc rồi mới vào cơ quan.

Thời gian hôm nay như đi nhanh hơn. Yên nhìn đồng hồ rồi xếp lại hồ sơ đứng lên ra về.

– Đi ăn không yên?

Yên lắc đầu từ chối lời mời của người bạn đồng nghiệp:

– Không! Mình phải về cơm nước cho ba nữa.

– Vậy bọn mình đi nhé!

– Đi đi! Người ta có tài xế đưa đón mà, không cần mày lo.

– Ờ há! Mình quên? Hí hí ... Chúc vui vẻ nghe!

Yên lúng túng cười rồi né đường cho bọn họ qua. Cô đứng nép bên hàng rào cơ quan và Duy không để cô chờ lâu, chiếc xe quen thuộc của anh đã ngừng lại bên Yên:

– Lên xe đi, ngày đầu tiên ra mắt không nên đến trễ.

Yên lo lắng:

– Anh định đưa em về nhà thật sao?

– Ừ! Ai đùa với em.

– Không được đâu! Vả lại, em ăn mặc thế này coi sao được.

– Em đến nhà anh chứ có phải đi trình diễn thời trang đâu mà lo.

Nói rồi, Duy cho xe lao vút đi. Thôi thì cứ đến nhà anh xem sao, coi như đi thăm nhà người bạn như Kim, như Thúy thôi. Đừng quá lo Yên nhé! Yên tự trấn an mình rồi theo Duy về nhà.

Căn nhà của Duy thật sang trọng và bề thế khiến cho Yên thoáng chùn chân ngại ngần. Duy nheo mắt nắm tay Yên kéo vào:

– Sao thế, đừng nói là em sợ nhé!

– Nhưng quả là em đang sợ thật mà.

– Tội nghiệp không! Mẹ anh hiền lắm. Vào đi! Hôm nay ba cũng có ở nhà.

Mọi khi ba ít về giờ này lắm, coi như em may mắn.

Yên cười gượng rồi rụt rè ngồi xuống chiếc ghế. Trong khi Duy chạy vào trong thông báo, Yên đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng thật rộng và trang trí rất nhã, không lòe loẹt phô trương nhưng vẫn toát lên sự sang trọng và sự giàu có của chủ nhân.

– Cháu mới đến à?

Yên giật mình đứng bật dậy chào người đàn bà vừa hỏi mình. Ngoài sự suy nghĩ của cô, mẹ Duy trông thật bình dị và cởi mở thân thiện. Bà mặc bộ đồ bằng vải hoa, tóc kẹp gọn sau gáy, nụ cười của bà trông thật ấm áp và hiền hậu. Bà hỏi:

– Cháu là Yên?

– Dạ phải.

– Ngồi đi! Bác nghe thằng Duy nó nói về cháu hoài. Cháu thật xinh.

Má Yên đỏ hồng vì lời khen của bà:

– Cháu cám ơn bác. Hôm nay cháu đường đột đến thăm bác, cháu có mua ít trái cây biếu bác.

– Mai mốt đừng mua sắm gì nữa nghe không, đến thăm bác là quý rồi. Lát ở lại dùng cơm với bác.

– Dạ, cháu ...

– Không được từ chối! Bác nghe thằng Duy báo là bác đã chuẩn bị cơm nước ngay. Không biết thì thôi, biết rồi bác xem cháu như thằng Duy, cứ hễ rảnh rỗi thì đến chơi với bác.

– Dạ, vậy để cháu xuống bếp phụ bác.

– Ừ, xuống đây!

Chẳng mấy chốc Yên đã thấy tự nhiên, thoải mái. Không còn vẻ ngượng nghịu như lúc đầu nhờ vào sự cởi mở thân thiện của bà Linh, mẹ của Duy dành cho cô.

Gia đình của Duy thật đầm ấm. Đã lâu lắm rồi, cô không có được cái không khí gia đình ấm áp này. Lúc trước, khi sống cùng cậu mợ, cô cũng không có được cái cảm giác như hôm nay. Mẹ Duy đối xử với cô thật thân tình, tuy ba anh hơi ít nói.

Sau bữa cơm, Duy chưa vội cho Yên về. Anh đưa cô đi dạo qua các con đường quanh xóm. Anh thọc hai tay vào túi quần, cái dáng cao lớn lêu nghêu trông thật tự mãn. Anh nheo mắt nhìn cô khi thấy cô ngoan ngoãn đi bên anh.

– Em thấy sao?

– Thấy sao là thấy sao?

Duy cười:

– Ba mẹ anh?

– Rất tốt và dễ mến.

– Không chỉ có thế mà còn rất thích em.

– Em không tự huyễn hoặc mình.

– Anh nói thật! Xem như anh và em đã qua được vòng đầu.

– !!!

– Làm gì mà ngơ ngác thế cô?

– Anh đừng làm cho em chóng mặt! Em và anh ... gì gì đó.

– Gì gì chứ! Đừng có mập mờ từ ngữ! Chúng ta yêu nhau, em yêu anh và anh yêu em.

– Em?

Duy vờ ngơ ngác nhìn quanh:

– Chẳng lẽ còn ai khác?

– Em ... em chưa hề nghĩ đến chuyện nghiêm túc đó.

Duy dừng lại chau mày:

– Em nói vậy là sao?

– Anh ... - Yên bối rối giải thích - Anh lúc nào cũng đùa giỡn. Em nghĩ chúng ta chỉ là bạn bè ...

Duy ngăn lời Yên:

– Em ngốc thật hay vờ vĩnh để làm khó anh đấy?

– Em ... quả thật em chưa chuẩn bị để đón nhận điều anh nói.

– Vậy thì bây giờ hãy đón nhận đi cũng đâu có muộn.

– Anh ...

– Anh không đùa.

– Yên tựa lưng vào gốc bàng như tìm một điểm tựa để trấn tĩnh lại mình và cũng như nhận định cho rõ ràng hơn những điều xảy ra trước mặt. Một điều kỳ diệu mà bấy lâu nay cô luôn khao khát mong chờ:

– Một lời tỏ tình thật sao? Cô cấu vào tay mình và thấy đau nhói.

Cô không nằm mơ, mà tất cả đúng là sự thật. Duy đứng trước mặt cô hiện hữu sinh động, không là mơ. Cái dáng cao lớn của anh như phủ lấy cô, đôi mắt với đồng tử lấp lánh đang đau đáu nhìn cô không chớp. Nhất là mùi hương, cái mùi hương nồng nàn ngọt ngào đã bao lâu như muốn quyện lấy cô, như mời gọi, như làm mụ mị cô.

Hạnh phúc đã đến làm cho cô choáng ngợp và run rẩy:

– Em sao thế?

– Em ... em không biết! Em chưa từng đươc ai nói với em những điều đó.

Những lời tỏ tình khiến cho em rất đỗi bất ngờ và hạnh phúc.

Duy chợt hiểu ra và anh mỉm cười cúi xuống bên cô thì thầm:

– Giờ thì em đã biết rồi, cô gái ngốc. Em run rẩy và làm cho anh lo muốn chết vì sợ em từ chối.

Yên ngước nhìn lên bằng đôi mắt không cần lời nói rồi thì thào:

– Không đời nào! Tại sao em lại từ chối điều mà em luôn mong muốn từ bấy lâu nay. Không còn bao lâu nữa em đã ba mươi rồi, anh biết không?

– Anh biết! Điều đó chẳng là gì hết. Anh yêu em, bấy nhiêu đó là đủ rồi.

Duy kéo Yên vào lòng, vòng tay anh thật rắn chắc. Yên ngước đôi mắt đắm đuối nhìn anh. Gương mặt thật đàn ông cái mũi cao, cái hàm vuông mạnh mẽ, tất cả mọi cái nơi anh đều toát lên một sự cuốn hút lạ kỳ. Anh cúi xuống bờ môi đang run rẩy của cô. Cô thì thào run rẩy:

– Em chưa biết hôn.

– Anh sẽ dạy cho em.

Câu nói vừa dứt thì môi cô đã bị khóa chặt trong đôi môi tham lam nồng nhiệt của Duy. Một cảm giác thật kỳ lạ chạy suốt người cô, cô bấu chặt vai anh.

Một luồng điện mạnh mẽ từ anh truyền sang làm nóng ran người cô. Ôi! Sao mà anh tuyệt vời đến thế! Cô lịm đi không rõ là bao lâu, khi Duy rời cô thì cô thấy đau đau trên vành môi.

Ánh mắt láu lỉnh của Duy lướt qua cô với nụ cười đáng ghét. Anh khề nhẹ cánh mũi cô và nói:

– Quả là em chưa biết hôn.

Cô đỏ mặt đáp:

– Trông em ngốc lắm à?

– Không, nhưng rất thú vị. Xem ra anh còn phải dạy em nhiều thứ nữa.

Má Yên nóng ran lên:

– Em không cần.

– Cần chứ! Có những điều thay lời muốn nói rất hiệu quả, em phải học dần đi là vừa. Bây giờ anh dạy em điều thứ hai.

Yên xô vai Duy thẹn đến chỉ muốn chui xuống đất, thế nhưng vòng tay anh đã khóa chặt lấy lưng cô. Lại thêm một lần nữa cô biết thế nào là cảm xúc khi được cọ xát vào làn da đàn ông, cô đê mê mụ mị trong bài học thứ hai của anh ...