Chương 1

Em khoan khoái nhìn căn phòng vừa được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng dễ thương. Kể ra khiếu thẩm mỹ của em cũng hách chán, chỉ tại tính em lười biếng, nằm trên giường đọc sách, để luôn quyển sách trên giường, tối ngủ buồn chân đạp xuống đất, và quyển sách nằm đó mãi cho đến hôm nào cao hứng quét phòng lại nhặt nó lên. Uống nước xong, vất cái ly trên thành cửa sổ; con dao ăn xoài liệng trên bàn học, sách vở nằm chẳng có theo một thứ tự nào cả và trên bàn học ngổn ngang là viết máy, viết bic và năm sáu lọ mực đủ màu, đủ sắc. Viết bic phải có bốn cây, bốn màu khác nhau, vỏ đỏ thì ruột đỏ, màu vert, xanh nhạt và đen; ba cây bút máy bơm mực tím, xanh da trời và hồng nhạt. Tụi bạn thấy màu mực em viết thích thú lắm, cứ hỏi mua ở đâu và nhờ mua hộ. Nhưng làm sao mà tìm cho ra những màu mực dễ thương như vậy ngoài tài pha chế. Một ít nước lạnh một ít sirop, một ít màu nước là em có đủ những màu mực dễ thương như ý thích. Nhỏ Tích Hương bắt chước về pha, sánh hôm sau lên trường nhăn nhó là em dấu nghề, nhỏ pha mãi mà viết không được, lem nhem xấu xí. Ngự Đàn thì cứ dụ khị em san cho một ít mực tím để chép thơ. Hạnh Nhân thì đòi mực xanh da trời để viết thư cho có vẻ … Nha Trang một tí.

Trên bàn học, em dẹp bớt những quyển sách không cần thiết vào tủ và sắp lại gọn gàng. Chiếc bình hoa với một đóa Thúc Anh lênh khênh bằng vải tím nằm chơ vơ tội nghiệp. Em lau bụi và chưng cạnh đó. Tủ truyện cũng được sắp lại gọn gàng và em thích nhứt là chiếc kệ nhỏ ở đầu giường, chiếc đèn ngủ bằng vỏ ốc lớn, con chó xù lông trắng và ba bốn cô poupées xinh xắn.

Phải sửa soạn đàng hoàng để đón tiếp khách quý chứ bộ. Chị Diễm con bác Phúc ở Phan Rang ra trọ học. Tuần trước đã gởi thư ra, em mong chị Diễm, năm ngoái gặp chị Ở Sàigòn nhân dịp nghỉ hè, em đã mến cái vẻ dịu dàng của chị biết bao.

Em nhìn công trình của mình lần cuối, tốt quá rồi. Em khép cửa phòng và sửa soạn đi học. Gặp mẹ Ở phòng khách, mẹ dặn:

- Hoàng Ngâu nhớ dọn chỗ cho chị Diễm. Hai giờ ba mươi chị đến đấy.

Em chu môi:

- Mẹ yên chí. Xong xuôi cả rồi.

Mẹ còn nghi ngại:

- Đâu, mẹ vào coi thử. Cô thì lười nổi danh mà.

Em nhăn mặt:

- Mẹ cứ chê con.

Đưa mẹ vào phòng, em kể công:

- Một buổi sáng đó mẹ. Phần con cửa sổ bên này, chị Diễm cửa sổ bên kia.

Mẹ gật gù:

- Được đó chứ.

Em cười thật tươi:

- Hoàng Ngâu mà!

Mẹ đưa tay định cốc vào đầu em, em nghiêng đầu tránh, lấy mấy quyển vở ở trên bàn, em thưa:

- Mẹ con đi học.

- Ừ, về là Ngâu thấy chị Diễm rồi.

Em hát nho nhỏ, và ra sân lấy xe.

* * *.

Vừa dựng chiếc xe đạp là thầy đã vào lớp, em không kịp khóa vội vàng chạy vào:

- Thưa thầy con đi học trễ.

Thầy gật đầu, em phóng về chỗ mình, xô Hạnh Nhân vào trong, nhỏ cằn nhằn:

- Làm gì dữ vậy ?

Em nghinh mặt:

- Tưởng người ta nghỉ hở ? Xí chỗ liền hà, mau lắm.

- Trời ơi, người gì mà đanh đá.

Em mỉm cười, lật quyển tâm lý ra ôn bài. Hạnh Nhân xích tới:

- Ê, sao đi trễ vậy ?

- Chuyện hay lắm. Tí nữa nói. Để ôn bài một chút đã.

Thầy bắt đầu giở sổ điểm danh:

- Vũ Thị Ngự Đàn.

- Thưa thầy có.

- Đỗ Tích Hương.

- Dạ có.

- Nguyễn Khoa Hạnh Nhân

- Dạ có

- Trần Thị Hoàng Ngâu

- Dạ thưa thầy không vắng.

Cả lớp phá lên cười. Thầy Tuyên cũng hơi mỉm cười, nhưng không quên mắng nhẹ:

- Cô trưởng ban báo chí nghịch nhất lớp đó nhé !

Em cười cười dạ nhỏ. Ngự Đàn ngồi sau níu vai em:

- Tí nữa mi sẽ bị đọc bài. Cứ yên trí như rứa đi !

Em lắc đầu:

- Bữa nay học tâm lý chứ gì, bài khuynh hướng ta học kỹ như cháo, không sợ.

Hanh Nhân bĩu môi:

- Hách nhỉ !

Em cười:

- Dĩ nhiên.

Thầy gấp sổ kiểm diện và bắt đầu lật quyển sổ điểm. Cả lớp nhao nhao:

- Tha một bữa đi thầy.

- Con có “khuynh hướng” không thuộc bài, thầy đừng dò con nghe thầy.

- Bỏ bài khuynh hướng, dạy đam mê đi thầy, cho nó hấp dẫn.

Thầy gõ cây thước xuống bàn:

- Các cô ồn ào quá đi, ai xung phong lên đọc bài đi.

Câu nói thường lệ trước khi dò bài của thầy không được nhỏ nào hưởng ứng. Bài thuộc thì thuộc làu nhưng vẫn ngại: Tốt lắm, bây giờ em cho một ví dụ ngoài bài đi. Ghê gớm. Thầy thấy cả lớp yên lặng, lên tiếng mị dân:

- Nghe đồn 12A1 học giỏi nhất trường cơ mà. Sao chẳng ai xung phong. Dở tệ, không ai xung phong thì tôi kêu vậy ?

Cả lớp vẫn im, chẳng đứa nào dám nhúc nhích, sợ thầy lôi lên chào cờ thì khổ. Thầy Tuyên nhìn quanh, mỉm cười:

- Hồi nãy ai đi trễ ?

Hạnh Nhân nhéo vai em, em cười:

- Dạ, Trần Thị Hoàng Ngâu.

- Hồi nãy ai dám phá lớp?

- Dạ, cũng Trần Thị Hoàng Ngâu.

Cả lớp nghe em trả lời tỉnh bơ, bấm nhau cười khúc khích. Thầy cũng tỉnh không kém:

- Chà, Trần Thị Hoàng Ngâu nhiều tội quá, lên đọc bài đi.

Em cầm cuốn vở lên bục, thầy ký lên cuốn vở hỏi:

- La Rochefoucauld định nghĩa khuynh hướng ra sao ?

Em thuộc làu, thầy có vẻ hài lòng:

- Pradines phân khuynh hướng ra làm mấy loại ?

- Dạ ba, khuynh hướng cảm tính, cơ thể, tinh thần.

- Được lắm !

Thầy cho về chỗ, em liếc thấy con số 16 trong sổ điểm thật tròn và dễ thương.

- Thầy nói đúng không ?

Ngự Đàn hỏi, em gật đầu nhẹ. Trên bục thầy đang bắt nhỏ trưởng lớp An Như đọc bài. Hạnh Nhân ngồi sát tới:

- Rồi, chuyện gì nói đi.

- Ừ, ta đi trễ vì mắc dọn dẹp phòng...

- Xí, tưởng gì ! Vậy mà cũng kể.

- Ơ hay, chưa nói hết mà. Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải chàng mà vướng phải anh.

- Thôi đi, thơ với phú. Kể tiếp !

- Ta dọn phòng để tiếp đón thượng khách.

- Ai vậy ?

- Chị Diễm. Trần Thị Hoàng Diễm.

- Cái tên đầy nữ tính, chị Diễm ở đâu.

- Ở Phan Rang, nhưng học ở Saigon bậc Trung Học và muốn ra Nha Trang học đại học cộng đồng duyên hải.

- Sao không học đại học ở Saigon?

- Tao cũng không biết. Chắc phải có lý do.

- Mi hết than buồn rồi.

- Ừ, có chị Diễm chắc vui lắm.

- Chị Diễm đẹp không?

- Rất, ai cũng mê. Công dung ngôn hạnh đầy đủ.

- Đừng quảng cáo, tao đâu phải con trai.

Em cấu hắn:

- Nếu con trai thì mi chỉ đáng để chị Diễm nhéo tai, vuốt mũi thôi. Chị Diễm 21 tuổi đó nhóc ạ.

- Ta có ông anh 26 tuổi.

- Dẹp anh em nhà mi qua một bên.

- Nha sĩ mà chê ?

- Ông anh nha sĩ của mi chỉ vặt răng sâu cho thiên hạ ngon lành gì đâu mà khoe.

- Đau nhỉ ?

Trên bảng thầy tô đậm bài học mới, cái đề hấp dẫn: ĐAM MÊ.

* * *.

- A, chị Diễm.

- Bé Hoàng Ngâu lớn quá chị nhìn không ra.

Em dựng xe và chạy đến chỗ chị Diễm đang ngồi nói chuyện với mẹ.

- Hoàng Ngâu học lớp 12 hở ?

- Dạ. Ban A.

- Chắc học giỏi lắm.

- Đâu có, Hoàng Ngâu lười kinh khủng.

- Lười vẫn giỏi chứ bộ !

- Sao chị nghĩ vậy ?

- Nhìn Hoàng Ngâu.

Nhìn Hoàng Ngâu, chị Diễm có lối nói chuyện hay hay ngồ ngộ. Em thường được thiên hạ khen giỏi về khoa ăn nói mà vẫn cảm thấy phục chị Diễm. Rồi mình sẽ học hỏi nhiều; nơi chị Diễm em tìm thấy những nết là lạ. Cũng cái vẻ dịu dàng đơn sơ, nhưng quyến rũ người đối diện không kém những vẻ đẹp sắc nước hương trời. Điểm đặc biệt nhất ở chị Diễm là đôi mắt màu nâu nhạt, trong veo, “trong như hồ thu”, em chưa biết hồ thu như thế nào cả, nhưng chắc dễ thương tuyệt vời thiên hạ mới mất công ca tụng. Có lẽ đôi mắt chị Diễm cũng là đôi mắt hồ thu.

- Nghĩ gì vậy Ngâu ?

- Nghĩ đến chị Diễm.

Chị Diễm nheo mắt:

- Chà cảm động.

- Không phải như thế. Ngâu nghĩ rằng không biết ở Phan Rang ra chị có mang gì cho Ngâu không ?

Mẹ cười:

- Có chứ, chị Diễm thương Ngâu lắm, đem ra đủ thứ.

Em sáng mắt:

- Ô sướng quá, gì thế mẹ ?

- Mấy ký tỏi, ớt và hành tây.

Em dụi đầu vào vai me:

- Ghê, con đâu thích mấy thứ đó, chị Diễm cho mẹ chứ bộ.

Chị Diễm cười nhỏ trêu chọc, em dị quá, chạy về phòng.

Buổi tối rủ chị Diễm ra sân thượng hóng gió. Chị Diễm nhìn những ngôi sao nhấp nháy nói nhớ nhà, nhớ mẹ.

- Ở Saigon, chị có nhớ không ?

- Cũng có, nhưng không bằng, ở đây không khí tĩnh mịch giống Phan Rang lắm. Ở Saigon, tiếng động ồn ào thâu đêm suốt sáng làm mình quên hết những gì đáng nhớ.

- Em không thích ở Saigon.

- Sao vậy ?

- Ở đó ai cũng xa lạ nhau.

- Đồng minh với chị.

- Sao chị học ở đó 3 năm trung học ?

- Hoàn cảnh bắt buộc, ba chị đổi vào Saigon trong lúc mẹ phải coi sóc nhà cửa ở Phan Rang. Chị phải vào để … nấu cơm cho ông già.

- Rồi sau đó ?

- Chị nghỉ 2 năm đi làm ngân hàng, đột nhiên thèm học lại vì thấy tiếc đời mình. Ra đời quá sớm chỉ khổ mình thôi.

- Mai mốt chị học gì ở đây ?

- Ghi danh vào ban Hải Dương, được không nhỏ ?

- Được chứ, môn đó toàn mấy ông con trai học, chị sẽ là hoa khôi.

- Không ham điều đó rồi, cô bé.

- Em thì ham lắm, mai mốt thi đậu, em sẽ học ngư nghiệp.

- Rồi ra làm gì ?

- Không biết, nhưng học Ngư nghiệp đi chơi hoài hoài, Hòn Yến, Hòn Tre, Phan Thiết, Mũi Né, Vũng Tàu …đã lắm.

- Thế thì Ngâu phải gắng, tụi con trai thường học giỏi, thi vào chung với tụi nó sợ mình lỗ.

- Ngâu không sợ, con trai thì tính theo …. con trai chứ bộ.

Chị Diễm cười thích thú:

- Nhỏ hơi kiêu rồi đó. Nhưng không sao, một tính tốt theo chị nghĩ.

Em tròn mắt:

- Kiêu mà tốt hở chị ?

- Theo chị nghĩ thôi mà. Vì có một cái gì đó hơn người ta mới kiêu căng được.

- Em không có hơn ai cái gì cả !

- Tại em không nhìn rõ. Em đã kiêu căng một cách hết sức dễ thương khiến người ta không giận được. Rồi em sẽ sung sướng.

* * *.

Trên chìếc mini xe đạp màu hồng phấn, em và chị Diễm đi một vòng thành phố, hai chị em thay phiên nhau chở. Chị Diễm nói:

- Nha Trang có một điểm đặc biệt là biển nằm ngay trong thành phố, … không nơi nào như vậy cả, Phan Rang, Qui Nhơn, Đà Nẵng... biển đều ở cách xa thành phố.

Em hát cho chị Diễm nghe: Nha Trang ngày về mình tôi trên bãi khuya tôi là con ốc, bơ vơ nằm trên cát để... nghe chị Diễm phàn nàn cái thành phố của chị quái đản đến chẳng ai thèm đặt một bài thơ, bản nhạc. Em yêu Nha Trang, thời thơ ấu của em qua dần nơi đây. Tất cả đều quen thuộc đến nỗi em không dám nghĩ đến một cuộc chia xa. Từng con đường xanh in bóng lá, từng hàng phượng rực rỡ mùa hè, từng hàng ngâu vàng tươi mùa lạnh, và biển và cát. Kỷ niệm đã gởi hết cho Nha Trang. Nha Trang em vẫn gọi một cách rất thơ mộng là Nhà Trắng để có lần người bạn ở Vĩnh Long viết thư về hỏi bộ Hoàng Ngâu ở cô nhi viện hay tu viện gì đó hở ? Những nhỏ bạn thân dần dần tiêm nhiễm hai chữ dễ thương ấy mặc dù em đòi độc quyền và trưng cái nhãn hiệu đã cầu chứng tại tòa ra mà hăm dọa.

Còn ngôi trường Thánh Tâm, trái tim rất thánh ! Em vẫn nghĩ một cách chủ quan rằng không có trường nào tên lạ bằng trường em, Kim Yến, Văn Học, Đăng Khoa, Bá Ninh, Võ Tánh... thường quá đi. Kể cả trường nữ trung học đang dự định sang năm sẽ đổi tên Trần Huyền Trân nữa. Tên đẹp nhưng không đặc sắc. Thánh Tâm, Sacré Coeur, biểu tượng là trái tim Chúa, đầy yêu thương và thánh thiện. Em nhìn thấy tình thương bao la này ở các Soeurs. Những vị Soeurs áo xám đáng kính đã cầm tay em viết chữ e chữ u năm nào xa lắc và cũng làm em sợ hãi bằng những ngọn roi dài mặc dù em chưa nếm thử lần nào.

Giữa sân trường là tượng Chúa, cao vút uy nghi. Chung quanh là bốn cây khuynh diệp lênh khênh cao ốm. Bây giờ chúng đã khá cao. Năm đệ tam, em cứ ngày ngày ra đó thử “đứa nào” cao hơn, nghỉ hè ba tháng hắn bỗng bỏ em xa lắc, nhập học nhìn bốn cây khuynh diệp, ngẩn ngơ buồn. Rồi còn những lớp học thân quen với chỗ ngồi quen thuộc. Nhớ năm 11 học trúng phòng cũ của lớp 9 xưa, mừng muốn khóc. Đứa nào cũng đòi ngồi lại lớp chỗ cũ của mình dẫu rằng tự cảm thấy mình không còn những hồn nhiên ngày cũ.

Ngừng xe trước Lys, em rủ:

- Vào đây chị Diễm. Ngâu đãi chị kem Nha Trang.

Chị Diễm tròn mắt:

- Hách nhỉ !

Hai chị em bước vào quán. Chị Diễm uống coca chanh muối trong lúc em ăn một cốc kem 4 màu. Bạn em vẫn chê em con nít và nhà quê quá, gì mà 4 màu với 5 màu. Nhưng họ có biết đâu chủ trương của em, muốn ăn ngon thì cần phải đẹp mắt trước đã. Nói theo ban A: những giây thần kinh thị giác bị kích thích sẽ dẫn truyền luồng thần kinh lên trung khu, từ đó phát xuất những giây thần kinh cảm giác đi đến miệng, thực quản, dạ dày, ruột non... Học ban A, nhưng em ghét và lười học Vạn Vật, chẳng biết lý luận như thế có đúng sách đúng vở không, nhưng tụi bạn nghe xuôi tai... bèn chấp nhận. Em vẫn được tiếng là có khoa ăn (và) nói cơ mà.

- Nha Trang dễ chịu nhỉ, có thể tự do vào quán Café ngon lành, không ai nói gì cả. Ở Phan Rang ngại lắm, tỉnh nhỏ.

Em ngẩng đầu lên:

- Không ai nói vì em đi với chị. Chứ nếu em cặp tay anh chàng nào vào đây thì mọi chuyện sẽ khác ngay.

Chị Diễm cười:

- Khác ra sao ?

Em so vai:

- Đồn đãi, ghét ghen, dèm phạ.. ! Đủ thứ.

- Thế Ngâu đã theo anh chàng nào vào đây chưa ?

- Đây thì chưa, nhưng ở Chiều Tím và Hoàng Thị thì hoài hoài.

- Ai vậy ?

- Bạn Ngâu, bạn anh Tiên, đôi khi mấy ông anh họ Ở Saigon ra nữa.

- Ngâu có bị gì không ?

- Dĩ nhiên là có, nhưng Ngâu bất cần thiên hạ sự. Sống cho mình chứ đâu phải sống cho thiên hạ. Hơi đâu mà nghe lời ông tiếng ve ?

- Khá lắm.

Em lại nói một câu quen miệng:

- Hoàng Ngâu mà !