Chưa bao giờ Mỹ ngửi thấy một mùi vị thức ăn ủ ê, gây cho cô cảm giác buồn nản như vậy. Và, cái mùi vị đó không ngờ lại là dư hương để về sau này, mỗi khi nhớ tới chị Vân, cô lại nhớ tới nó...

Trưa hôm đó, chị Vân dọn ra một thố canh dưa cải nấu với sườn non và một dĩa đậu phộng chiên giòn. Hai món xoàng xĩnh được đặt lên cái bàn ăn có mặt kiếng màu xanh biếc, sáng loáng sang trọng; góc bàn còn dán cái logo của hãng Serrano, xuất xứ từ Italia. Thố canh nóng hổi, bốc làn hơi chua chua mằn mặn, màu dưa cải đã úa chín không gợi được sự ngon mắt thèm ăn. Mỹ thấy thất vọng vì vậy. Cô đã tưởng đâu sẽ được thết đãi một bữa cơm ngon lành ngay trong ngày đầu tiên đến ở đậu nhà dì Tuyến vài ngày nhân một chuyến công tác. Nào ngờ dượng dì của cô đi ăn cưới tận Bình Dương, anh Quyền tranh thủ gặp gỡ đối tác làm ăn vào ngày nghỉ cuối tuần. Còn lại chị Vân và thằng bé Qúy ở nhà. Mỹ nghĩ thầm, đành có gì ăn nấy vậy. Chị Vân bẽn lẽn nói:

- Còn một ít dưa cải trong hũ, đổ đi thì phí của trời đất, chị nêm nếm gia vị vào ăn cũng tàm tạm... Em ăn đỡ bữa nhé.

Mà thật, ăn cũng tàm tạm. Nhìn cậu công tử - cháu đích tôn của ông bà chủ một công ty kinh doanh địa ốc, con trai của một nhà doanh nghiệp trẻ đang làm ăn phát đạt - nhai cơm ngon lành với hai món bình dân ấy, Mỹ lấy làm lạ. Rồi, bữa ăn cũng qua đi, mùi canh dưa cải để lại ấn tượng.

Chị Vân hí hoáy một nhoáng đã rửa xong mớ chén đũa. Mỹ ngồi uống nước, bâng quơ nhìn ra mảnh sân nhỏ phía sau bếp, có mấy bụi thủy trúc rung rinh gió vờn. Có tiếng ai kêu bên ngoài cái cổng nhỏ đằng góc sân sau (cái cổng mở ra sẽ thấy một con hẻm nằm sau lưng ngôi biệt thự của gia đình dì Tuyến). Qúy reo lên:

- Mẹ Ơi, bà Tư bán ve chai đến kìa!

Chị Vân lôi ra từ cái hốc dưới chân cầu thang một cái túi lớn chứa đầy vỏ lon bia. Cu Qúy lăng xăng bên mẹ, nó bê ra mấy cái thùng carton. Hai mẹ con lúp xúp bước ra cổng sau trước con mắt tò mò của Mỹ. Mỹ phóng mắt theo dõi cảnh mua bán đồ phế thải. Nhà giàu thế này mà còn ky cóp nhặt nhạnh. Bà Tư quảy gánh đi rồi, chị Vân đóng cổng laiå. Thằng Qúy tay cầm mấy tờ bạc nhàu cũ chạy ù vô bếp. Mỹ hỏi:

- Bán được nhiều tiền không?

- Dạ, hai mươi bốn nghìn, cô ạ.

Giọng thằng bé giòn giã trả lời. Nó mở một cánh cửa ở dàn kệ bếp, lấy ra một con heo đất đỏ chói, nhét lần lượt từng tờ bạc vào lỗ khe.

- Tiền bỏ ống này cháu để dành làm gì?

Đáp lại sự xét nét của Mỹ là nét hồn nhiên của thằng bé lên bảy tuổi, nó liến thoắng nói:

- Để cứu trợ người nghèo, cô ạ.

Chị Vân nói:

- Bà nội cháu vẫn bảo vất ra thùng rác cho người ta nhặt. Nhưng chị cứ để dồn vào đấy, bán cũng được tiền cho cháu bỏ ống làm việc thiện, cũng là cách cho cháu biết quý trọng đồng tiền, không phí phạm của trời đất.

Mỹ không hỏi gì thêm.

° ° °

Những tiện nghi vật chất thường đem lại cho người ta cảm giác thoải mái, tin cậy. Mỹ đã không một chút phân vân khi chọn nhà dì Tuyến làm nơi tá túc. Mọi thứ đều như sẵn có và dư dật. Trong nhà xe, có hai chiếc xe con cùng hiệu Toyota, màu trắng là của ông dượng, màu xanh da trời là của anh Quyền. Dì Tuyến có chiếc Future màu xám bạc. Chị Vân thì sử dụng một chiếc Cub 81 trông thảm hại khi nằm bên cạnh những chiếc xe hào nhoáng kia. Hình như cái gì có liên quan đến chị Vân đều tương phản với những thứ sở hữu của gia đình chồng chị. Mỹ không hiểu có sự phân biệt đối xử nào dành cho chị Vân không. Thời gian ít ỏi trú ngụ Ở đây, Mỹ cũng kịp nhận ra một nếp sinh hoạt khác thường và có nhiều điều lạ lùng mà cô không tiện hỏi.

Dì Tuyến đưa chiếc Future cho Mỹ mượn chạy lui chạy tới các nơi liên hệ công tác. Đi buổi sáng, về đã trưa trật trưa trầy; đi buổi xế, về đã tắt nắng lên đèn; Mỹ ghé vào quán xá dọc đường ăn lấy bữa, chỉ về nhà để tắm táp, nghỉ ngơi. Cô cũng không kiếm đâu ra dịp để hàn huyên với một ai đó trong gia đình này. Mỗi khi Mỹ đi đi về về, chạm mặt người nào trong nhà thì chỉ trao đổi một nụ cười hoặc một câu hỏi han chiếu lệ; Mỹ lại thấy như đang ở trong một loại khách sạn tự phục vụ. Chẳng biết mọi người quan tâm và chăm sóc nhau lúc nào? Ai cũng có nỗi lo toan tất bật riêng. Dượng dì thì xoay mòng với các phi vụ mua bán nhà đất và những giao tế đối đãi với người cùng cánh làm ăn. Anh Quyền hầu như vắng nhà suốt ngày, khuya khoắt mới nghe thấy tiếng giày khua trên cầu thang. Thằng Qúy học ngày học đêm, lại có hai buổi tối trong tuần đi học võ nữa. Chị Vân có vẻ nhàn hơn cả, một tuần năm ngày làm việc theo giờ hành chính ở văn phòng ủy ban quận; thời gian thừa chị đọc sách báo, học Anh văn lớp ban đêm. Không thường xuyên có bữa ăn gia đình. Ai nấy cơm bụi cơm hàng cơm bán trú. Gian bếp tân kỳ tiện nghi mà lạnh tanh vì thiếu hơi lửa và hương vị thức ăn nồng ấm lan tỏa.

Mỹ thấy lạ rằng chị Vân ngủ riêng một mình một phòng. Tầng trệt có hai phòng ngủ, chị Vân một, một dành cho khách thì Mỹ đang sử dụng. Tầng lầu có ba phòng ngủ, dượng dì chung một phòng, hai bố con anh Quyền mỗi người một phòng riêng. Ngay trong buổi tối đầu tiên ở đây, Mỹ đã chứng kiến: vào khoảng mười giờ, anh Quyền về, say mềm người, ngã nhoài lên chiếc sofa ở góc phòng khách. Chẳng biết anh đang thở hay đang rên nữa, những tiếng hừ hừ phát ra ngồm ngộp trong cổ họng. Mỹ chưa ngủ được vì cái tật xa nhà lạ giường, cô mở cửa phòng nhìn ra. Phòng bên cạnh, chị Vân cũng đang thò đầu ra bên cửa. Thấy Mỹ chị thụt đầu vào và đóng cửa lại. Mỹ tự thấy kỳ cục nên cũng đóng cửa, trở lại giường. Một lúc sau, cô nghe giọng anh Quyền lè nhè:

- Này, cô làm gì đấy!?...

Giọng chị Vân cằn nhằn:

- Anh nằm nửa trên nửa dưới, em kéo chân lên cho ngay ngắn chứ làm gì!

Lại giọng lè nhè:

- Đừng có léng phéng nhé... cứ tưởng được dịp là động vào tôi à...

- Đã thế thì nằm đấy cho dơ dáng!

Giọng lầu bầu của chị Vân đi vào phòng. Hồi lâu, nghe tiếng giày lượt sượt đi lên lầu. Mỹ khó ngủ lại càng khó ngủ. Cô ang áng phỏng đoán điều lý giải vì sao đôi vợ chồng trẻ này không ở chung phòng. Cô đặt câu hỏi trong lòng chứ không dám đưa ra chạm vào riêng tư của người khác.

Vào ngày Mỹ hoàn thành công tác, cô mới được thấy cả nhà ngồi quanh bàn ăn. Vì hôm ấy nhằm ngày giỗ mẹ chồng dì Tuyến. Chỉ vắng thằng Qúy đang ở trường bán trú. Thức ăn đã được đặt nhà hàng đem tới. Mọi người chỉ việc về nhà sớm hơn mọi khi để bày mâm và dâng hương lên bàn thờ. Bữa ăn khá vui vẻ với những câu hỏi và sự quan tâm dành cho Mỹ. Chị Vân không nói gì và không ai nói gì với chị. Bỗng, chuông điện thoại reo. Dì Tuyến đứng lên ngay, đến nhấc cái máy nghe gắn trên vách. Dì quay lại với vẻ mặt dàu dàu, nói:

- Quyền kìa, bên ấy lại gọi con đấy... Thu An nó lại lên cơn rồi!

Anh Quyền đứng bật dậy, chạy vụt ra nhà xe, phóng chiếc xe màu xanh da trời đi mất. Mỹ lơ ngơ nhìn người này sang người kia, chẳng biết có nên hỏi câu gì hay không. Dì Tuyến vẫn dàu dàu. Ông dượng cau mày và lắc đầu. Mặt chị Vân trắng bệch ra, đôi mắt chị dán vào chén cơm. Bữa ăn rơi vào sự im lặng ngượng ngùng. Mất vui... Mỹ phụ giúp chị Vân dọn bàn rửa chén. Cô cứ liếc nhìn chị Vân, muốn buột câu dò hỏi nhưng thấy chị thâm trầm, cô lại ngại. Độp một cái, chị Vân quay sang nhìn Mỹ, hỏi:

- Em về bằng tàu, phải không? Mấy giờ tàu chạy?

- Bảy giờ kém, chị a...

- Ừ, tối nay chị sẽ chở em ra ga.

Ngủ trưa dậy, Mỹ bắt gặp chị Vân ngồi một mình ở bậc thềm sân sau. Chị khóc. Từng tiếng nấc nghẹn nhấn vào không khí tĩnh lặng. Mỹ nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, giọng ân cần:

- Chị có sao không? Có chuyện gì vậy, chị cho em biết được không?

Chị Vân gạt nước mắt, gượng gạo cười:

- Có thể dịp sau em vào, chị không còn ở đây... chị em mình không gặp lại nhau nữa...

- Ủa? Tại sao vậy, chị?

Mỹ ngạc nhiên thật tình. Cô nhìn chăm chăm vào chị Vân. Tiếng nấc đã thôi. Nước mắt đã khộ Trên gương mặt chị chỉ còn nét buồn phiền.

- Em không biết đấy thôi, chị và anh Quyền đang sống ly thân. Chị gắng ở đây cho đến hết thời hạn hòa giải, tranh thủ để gần gũi, chăm sóc và dạy dỗ cháu Quý. Nhưng, chị không chịu đựng nổi thấy anh ấy dành bao tâm trí, thì giờ cho cô ta... Thu An là bồ của anh ấy đấy. Hai năm nay, anh ấy quan hệ với cô tạ Cô này mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ bảo vô phương cứu chữa. Anh ấy quá yêu cô ta nên tự rước khổ vào mình...

- Chị Ơi, nhất thời anh ấy si mê, qua một thời gian anh ấy sẽ quay lại thôi mà...

Mỹ cố nói lời hàn gắn. Chị Vân nhếch môi cười:

- Không em ạ, anh ấy không còn yêu chị, chị biết. Khi nộp đơn xin ly hôn, chị đã chấp nhận để cháu Qúy sống với bố, cho cháu được sung sướng và tương lai được bảo đảm hơn. Chị sẽ ra đi một mình, không níu kéo tiếc nuối gì cả... Níu kéo tiếc nuối mà làm gì khi không còn tình yêu! Cuộc đời còn lại của chị mới là đáng giá, là của trời đất ban cho chị sẽ không để hoài phí đâu.

° ° °

Bốn tháng sau... Mẹ của Mỹ vừa vào chơi thành phố Hồ Chí Minh về, kể:

- Hai đứa chúng nó đường ai nấy đi rồi. Dì Tuyến mày nửa bênh con nửa bênh dâu, chỉ muốn chúng nó tái hợp thôi. Mà tái hợp thế nào được, cậu Quyền đã phải lòng người khác, cô Vân thì chẳng dễ tha thứ. Ngày ấy chúng nó yêu nhau từ thời trung học kia, đợi cùng tốt nghiệp đại học mới tổ chức cưới. Yêu nhau lắm đấy mà bỏ nhau cũng dễ thế! Các cô các cậu bây giờ cứ là ly hôn...

- Còn cô nàng Thu An ra sao rồi, hở mẹ?

- Thì đấy, dăm tuần vài bữa lại phải nhập viện. Cậu Quyền lại chạy đôn chạy đáo lên mà lọ Cô nọ vào viện thì cậu ta lại uống rượu giải sầu. Rõ cái nợ gì mà phải mang thế không biết!

Mỹ chặc lưỡi, cô thấy thương cho cả chị Vân lẫn anh Quyền. Bà mẹ đủng đỉnh kể tiếp:

- Dì Tuyến mày nhắc tới con dâu thì cũng thương. Thương nó biết vun vén, không phung phí nhưng cũng không bòn rút của cải nhà chồng. Dì Tuyến mày kể: Nó mở miệng ra một điều là “của trời đất”, hai điều là “đừng phí phạm”...

Mỹ bật cười:

- Thì con đã kể với mẹ rồi đấy!...

- Cô Vân là con nhà nghèo, tằn tiện quen nết từ nhỏ. Cậu Quyền nhà mình là công tử nhà khá giả, tiêu xài rộng rãi quen rồi; mấy năm nay ăn nên làm ra lại càng hào phóng, sính ăn chơi. Cứ mỗi chuyện chi tiêu đồng tiền là hai anh chị đã cự nự nhau rồi. Huống hồ lại bồ bịch linh tinh.

- Bây giờ chị Vân ở đâu, mẹ?

- Ở chung cư Nguyễn Kiệm, mãi trên tầng bạ Nghe dì Tuyến mày kể, khi ra tòa ly hôn, cô Vân chẳng đề cập gì đến chuyện phân chia tài sản, chỉ đặt điều kiện là sẽ đón thằng bé Qúy về chơi vào mỗi thứ bảy hàng tuần. Tòa hỏi đến chuyện tài sản, cô Vân nói ngay là sẽ đem theo chiếc Cub 81. Dì mày kể: Đó là chiếc xe chúng nó đèo nhau đi từ hồi còn học đại học. Xem ra, con này cũng còn chung tình. Dượng dì mày cũng thương nó, buộc cậu Quyền bỏ tiền mua căn hộ chung cư cho nó có nơi ở, chứ không thì biết về đâu, cha mẹ hưu trí cả rồi nhà lại đông người chật hẹp...

Mỹ nhớ lại gương mặt buồn phiền của chị Vân. Mùi canh dưa cải lại như thoang thoảng. Nhưng cô nghĩ, chị Vân sẽ không chịu sống ủ ê, buồn nản.

Hết