Chàng và nàng cùng đi trên chuyến bay của hãng Alaska Airlines từ Seattle xuống Los Angeles. Chàng trở về sau mấy ngày dự khóa tu nghiệp do sở gửi đi. Còn nàng thì đi thăm gia đình người chị. Ngẫu nhiên số ghế của chàng và số ghế của nàng lại gần nhau. Ghế của chàng gần cửa sổ. Vì nàng nói nàng không biết là nàng không được ngồi gần cửa sổ, mà nàng lại thích nhìn ra ngoài trời để nhìn mây trôi và nhìn xuống thành phố bên dưới khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường, nên chàng vui vẻ nhường cái ghế của chàng cho nàng. Thế là họ quen nhau. Đơn giản thế thôi. Chàng mừng thầm là nhờ nhường cái ghế mà chàng quen được nàng. Chàng độc thân, và nàng cũng còn độc thân. Dân độc thân bị thiệt thòi về thuế má, về tiền đóng an sinh xã hội, tiền đóng bảo hiểm xe cô....Bạn bè chàng, người nào đã lập gia đình cũng đều trêu chàng như vậy.
Lúc cha chàng còn sống, ông thường khuyên chàng:
− Nếu con chỉ đeo đuổi theo gái, không lo ăn học, thì con sẽ không bao giờ gặp được một người con gái có ăn học, con nhà đàng hoàng để lấy làm vợ. Muốn gặp một người con gái như thế, con cũng phải có một sự nghiệp đáng kể.
Chàng nghe theo lời cha mải mê tạo dựng tương lai để bây giờ ở tuổi 35 rồi mà chàng vẫn chưa có người thương.
Chàng giúp nàng bỏ cái xách nhỏ của nàng vào cái hộc bên trên. Nàng mặc quần jean trắng, áo xanh da trời, loại thể thao tay ngắn. Tóc nàng ngắn, khuôn mặt chỉ có một chút phấn nhẹ. Nhưng chàng vẫn thấy nàng nổi bật vì đôi mắt to và làn da trắng mịn.
− Tôi đoán không lầm thì cô là người ở Seattle.
− Anh đoán không sai. Từ ngày qua Mỹ, tôi cứ ở lì một chỗ. Mà sao anh biết được?
− Vì khí hậu mát mẻ, mưa nhiều, con gái tiểu bang Washington thường có làn da đẹp như vậy.
Nàng có hơi thẹn vì lời tán bất ngờ của chàng. Chàng cũng không ngờ chàng lại được cái dạn dĩ đến thế, sẵn trớn chàng cố tỉnh bơ hỏi thêm:
− Bây giờ đi chơi LA?
− Tôi có người chị lập gia đình mới về dưới đó, thỉnh thoảng tôi xuống thăm.
Hai người mải trò chuyện thấy chuyến bay hơn hai tiếng đồng hồ đã đi qua thật mau. Lúc này thì họ đã biết về nhau nhiều đủ cho chàng xin số điện thoại của nàng và nàng cũng không ngại cho số phôn.
Thấm thoát mà chàng và nàng yêu nhau được một năm. Cả hai đã đề cập chuyện hôn nhân nhưng chưa định khi nào. Nhưng lần này lên thăm nàng, chàng có vẻ thờ ơ, lạnh lùng về chuyện làm đám cưới, chàng chỉ nói từ từ mà không cho biết lý do tại sao lại phải từ từ. Và từ từ cho tới khi nào? Chàng lại nói câu khó hiểu:
− Em hãy lo tương lai của em...đừng nghĩ tới anh.
Nàng về đến nhà, lăn mình xuống nệm. Cái đầu hơi bưng bưng, cơ thể mỏi mệt. Trời ơi, hình như nàng muốn bệnh. Chàng hay chọc, em chưa bệnh mà cả làng ai cũng biết em sắp bệnh. Thật ra, nàng đâu muốn bệnh lúc này, bệnh mà không có ai quan tâm săn sóc thì bệnh làm gì.
Phôn reng. Từ giường nàng nhoài người bắc phôn. Nhỏ Tần bên kia đầu dây:
− Chàng đi rồi phải không?
− Ờ!
− Nghe giọng của bà là biết ngay, khỏi phải hỏi. Muốn đi shopping với ta không? Sẽ quên nỗi nhớ ngay.
− Còn chờ phôn xem chàng đi về bình an không. Mà người lừ đừ chẳng muốn đi. Hay có rảnh thì xuống đây chơi đi, đang cần có bạn.
Con nhỏ cười lớn, đùa:
− Ừ, cũng được. Trong lúc chờ đừng làm gì bậy nghen.
− Thôi mà! Lúc này không giỡn nổi đâu!
− Trầm trọng vậy hả?
Nhỏ Tần hốt hoảng. Nàng cười nói nhanh:
− Ê, đời còn dài mà! Với lại chỉ mới nhớ nhung này nọ, chứ đã tình phụ đâu. Hơi nhức đầu một chút.
− Uống đỡ viên thuốc chưa?
− Chưa, còn chịu nổi. Khi nào chịu không nổi nữa thì mới uống.
− Take care. Sẽ xuống ngay.
Tần đến chơi lúc này là phải lắm, vì vừa tiễn chàng mà nàng không muốn nằm nghĩ ngợi lẩm cẩm để rồi thấy sự cô đơn của mình. Bản tính của Tần là hồn nhiên, ồn ào. Cô sẽ làm cho nàng vui lây. Cô sẽ không để nàng yên. Nàng quên dặn Tần ở đêm luôn. Chả sao, khi cô xuống rồi thì nàng sẽ nói. Hai người con gái cùng cỡ tuổi thì đâu có chuyện lỉnh kỉnh trở ngại nào. Không lâu Tần đã ồn ào lao vào nhà như cơn gió thổi. Bảo Châu phơi bày cõi lòng:
− Tần ơi, tao chịu thua rồi. I do nhớ chàng.
Nàng nằm dài trên sa -lông. Tần ngồi ngay trên chiếc ghế bên cạnh, rồi tiện tay cô cầm cái remote bấm đài TV lia lịa. Cô nói mà chẳng buồn nhìn nàng:
− Người ta đã bảo không đùa với tình yêu mà.
− Biết rồi, đang đau khổ thật, mi ở đó còn đùa.
− Có khổ sở cũng phải can đảm lên.
− Chắc tao lại thú nhận mình thua trận lần nữa.
− Ý đâu được! Có tao bên cạnh thì dễ gì để mi đầu hàng sớm thế.
Kỳ giận trước, nàng giận chàng: lý do cũng chẳng rõ rệt, nhưng sau cú phôn nàng thấy tủi thân, kể cho Tần nghe và được Tần dặn cặn kẽ, không gọi, không được gọi để xem chàng phản ứng ra sao. Mà sau đó chính nàng đã gọi trước. Rồi nàng gọi cho Tần thú tội, Tần ơi, I called him. Cô xỉ vả một cách dễ thương, biết mà, biết mà, dù sao...yêu đương mà, nói chuyện lý trí, con tim nó đâu có thèm nghe. Tần dặn những lúc muốn gọi cho chàng thì mi phải vội ra khỏi nhà đi shopping. Nàng cũng thấy đi vòng vòng một hồi ngắm những gian hàng áo quần, những gian hàng nữ trang là nàng quên ngay nỗi nhớ. Vừa đỡ tốn tiền gọi phôn và chàng cũng không có dịp “làm cao. Có thật là chàng đang làm cao đùa giỡn với con tim của nàng. Thấy chưa, yêu đương là mình khổ sở và tốn kém như thế đấy, ôi những mối tình long đistance! Tần đã cười hì hì cảnh cáo, chừng thấm đậm còn mệt nữa. Nàng đã chưa thấm đậm sao? Nhớ tới cái dạo nàng hay gọi chàng mỗi ngày mà nàng giựt mình, tưởng như nàng chẳng có gì để làm, cuối tháng phôn bill về tha hồ trả, gặp có tháng ít hơn những tháng khác, nàng lại gọi chàng để khoe, tháng này phôn bill ít lắm anh. Chàng hay nói, em cúp đi, để anh gọi lại.
Nàng thích nói chuyện với chàng, thích nghe giọng nói ấm áp hiền hòa của chàng. Nói chuyện xong rồi mới có thể làm những việc khác. Có lần chàng đùa bảo, ở đâu có bùa anh đi tìm để em mê anh mà không về lại xứ mưa đó nữa. Bây giờ nghĩ đến câu nói của chàng, nàng tự hỏi, ai mới thật là kẻ cần bùa ngải đây?
Trời đêm vẫn còn lạnh. Tần kéo hết cái chăn cuộn vào người. Thấy vậy, nàng đứng lên vặn thêm sưởi. Khuôn mặt nàng nặng trĩu. Tần đó, cô bạn thân thương từ thuở trung học lên đại học. Hai đứa từng chia nhau ổ bánh mì, nồi mì gói khi ở ký túc xá. Vậy mà nàng buồn quá, thấy lòng trống rỗng. Nàng thở dài:
− Tao muốn khóc quá.
− Thì cứ việc khóc đi, ai cấm đâu.
Câu trả lời đùa cợt của bạn vẫn không làm nàng cười được. Và nàng cũng chẳng khóc. Nàng đến ngồi gần bạn. Tần đưa tay qua choàng vai nàng:
− Buồn đến vậy sao Bảo Châu?
Lúc này thì nàng thật muốn khóc. Nàng cố giữ không cho những giọt nước mắt tuôn trào, nhưng chúng cứ chảy, chảy âm thầm xuống má. Nàng không muốn bạn biết là nàng đã thương, đã nhớ chàng đến như vậy. Tần không còn đùa nữa, ái ngại không biết an ủi bạn như thế nào, Tần chỉ biết đùa nghịch thôi, chứ nói chuyện nghiêm trang thì Tần không làm được. Nàng càng khóc, Tần càng lúng túng vụng về, Tần cứ vỗ bờ vai của bạn. Biết an ủi thế nào đây để bạn bớt thương, bớt nhớ? Ca dao xưa có câu thật đúng: “Nhớ ai nhớ mãi thế này, nhớ đêm quên ngủ nhớ ngày quên ăn.
Thật ra, chàng mới là người hay thúc nàng hãy nghĩ đến tương lai. Trời ơi, tương lai của nàng là phải với chàng kia. Chàng hôn nàng lên tóc, vỗ về nàng nơi lưng. Nếu chàng nói, từ từ mà em...rồi sẽ tính, thì may ra nàng còn có chút hy vọng mà nuốt trôi miếng tôm hùm chấm với nước bơ, cái món mà nàng ưa thích nhất. Nhưng chàng vẫn im lặng. Miếng tôm nằm chần chừ nơi miệng cuối cùng rồi cũng rơi được qua cổ họng. Chẳng lẽ chàng cứ bậm miệng như đứa trẻ làm biếng ăn, mặc cho mẹ dỗ dành. Mà chàng cũng đâu có dỗ dành nàng!
Cả hai người có những ngày yên lặng- Không nói sau đó. Nàng tránh đề cập chuyện chàng và nàng lấy nhau. Nhưng đầu óc nàng thì nghĩ mông lung ghê gớm, chắc anh không còn yêu nàng nữa nên không còn nghĩ chuyện cưới nàng? Hai người vẫn tiếp tục tảng lờ, bên ngoài vẫn là những câu hỏi qua loa, mà bên trong ruột nàng lại rối như tơ tằm, cho đến lúc chàng lên máy bay trở lại Cali. Nàng đứng nhìn theo khờ dại như người mất hồn, người đi một nửa hồn tôi chết, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ (thơ Hàn Mặc Tử).
Một trong những bí quyết của hạnh phúc lứa đôi là phải làm lành trước khi đi ngủ, còn chàng và nàng sao lại không nói hết những ấm ức trước khi chàng về lại Cali? Mà nàng biết nói gì? Sao chàng lại chẳng nói trước?
Lúc này trí nhớ của nàng thật dở, nàng không nhớ chàng đòi xin cái gì của nàng mà nàng bảo kiêng, không được, sẽ đưa đến sự xa cách, trừ phi chàng phải đưa nàng một đồng, giả như là mua. Nàng nghĩ bụng là khi về nhà nàng sẽ điện thoại hỏi chàng. Lúc này không biết chàng đang làm gì trên máy bay, đọc báo hay nhắm mắt ngủ, có đang nghĩ tới nàng chút nào không. Lần này, nàng là người đưa tiễn. Nàng ghét tiễn đưa. Sự chia tay nào cũng buồn bã, mà nhất là chia tay với người yêu. Rồi trở về lủi thủi một mình ra bãi đậu xe, tìm xe, rồ máy, trả tiền đậu, rồi ngậm ngùi lái về nơi chốn cũ, cảm thấy sự trống rỗng trong lòng, thật là đáng sợ. Trên xa lộ, dòng xe cộ vẫn tấp nập. Chàng hay dặn, khi lái xe em không được nghĩ gì vớ vẩn nghe chưa, phải chú ý lái xe. Nàng vừa vặn nhạc vừa nhớ chàng. Sương mù buông xuống, rõ rệt quanh những ánh đèn cột điện. Trời bắt đầu vào thu hơi lành lạnh. Mỗi lần đi với chàng, trời nóng hay lạnh, nàng không cần nói, chàng đã biết ý dù chỉ nhìn theo động tác của nàng, và chàng điều chỉnh hệ thống nóng lạnh ngay. Những nhỏ nhặt như thế thường hay làm nàng muốn khóc khi nhớ lại. Bên chàng, nàng thấy nàng bé nhỏ lại. Nhỡ không có anh, ai nhắc? Chàng nói như là trên đời này chỉ có chàng là người biết săn sóc nàng thôi. Chàng vừa nói vừa nhảy mũi lia lịa. Lúc này, nàng mới lên tiếng đùa, ai đang nhắc anh, không phải em, em đang ngồi bên cạnh anh mà. Chàng phì cười, ừ nhỉ! Em đang ngồi một bên. Những lúc này trông chàng thật thơ trẻ đáng yêu.
Khi ta buồn thì ta phải làm gì cho đỡ buồn, cho quên buồn? Chẳng lẽ la lên cho mọi người biết rằng ta đang buồn? Hưng ơi, em nhớ anh, nhớ anh thật muốn điên thôi!
Phôn reng làm nàng giật mình. Chàng gọi cho biết đã về đến nơi bình yên. Em đi ngủ đi, nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng buồn. Chàng cũng biết nàng đang buồn.
− Tần đang ở chơi với em.
− Vậy tốt!
Hai tuần rồi chàng không gọi phôn cho nàng. Nàng có gọi mấy lần mà không gặp được chàng. Bữa đó, tình cờ mẹ chàng lại nhấc phôn:
− Châu ơi, cháu không biết là Hưng mắc bệnh ung thư máu mấy tháng nay rồi hay sao?
− Hưng vẫn khỏe mà bác. Hưng chỉ xanh da mặt, vì anh ấy lo chuyện sở nhiều quá, thiếu ngủ đấy thôi. Cháu sẽ dặn anh ấy ăn ngủ đều đặn rồi da mặt sẽ hồng hào lại mấy hồi. Bác đừng lo!
− Cháu ơi, Hưng đã dấu cháu, cũng như nó đã dấu bác. Chị em nó dấu nhau. Hu! hu!...
Mẹ Hưng òa lên khóc. Nàng cũng khóc, kêu, bác bác, chuyện không thật đâu. Mà nếu thật thì anh sẽ được chữa khỏi, bây giờ y khoa tân tiến lắm, và bác sĩ họ cũng giỏi lắm, họ ăn học cả đời mà bác.
Nàng vội vã bay xuống LA. Chàng ngạc nhiên:
− Sao em xuống mà không báo cho anh biết trước?
− Cho anh biết trước thì anh có cho em xuống không? Sao anh lại dấu em?
− Ai cho em biết?
− Má anh cho em biết. Em phải cám ơn má anh. Anh không nên dấu em. Chuyện của anh là chuyện của em.
− Anh không muốn em lo.
− Em vẫn lo kia mà. Lo anh...thay lòng đổi dạ.
− Không đời nào có chuyện đó!
− Có phải vì bệnh mà anh khuyên em đừng nghĩ tới anh?
− Anh không muốn em khổ?
− Mình như đôi chim. Một con bỏ ăn thì con kia cũng ủ rũ thôi.
Nàng ở lại săn sóc chàng. Nàng bỏ công ăn việc làm. Nàng xin được bỏ tên nàng trên cái danh sách những người sẽ cho bone marrow. Nàng vừa đủ nặng 110 “pao, sức khỏe tốt, đúng tiêu chuẩn. Công việc lấy máu cho cái danh sách này cũng đơn giản, chỉ cần một giọt. Còn nếu nàng cho máu thì là một pint. Chàng không cần nàng thì ai đó, một người Á Đông, sẽ cần bone marrow của nàng, và nàng hy vọng là một ngày nào đó nàng sẽ cứu được một mạng người. Cái bone marrow registry cần nhiều người Á Đông tình nguyện như nàng.
Một hôm bác sĩ cho biết bệnh tình của chàng khả quan lắm.
Và không lâu...chàng đã được chữa lành mà chưa cần tới việc thay tủy sống.
Mùa hè năm sau hai người kết hôn. Hơn 5 năm bệnh không trở lại, vậy là chàng đã hết bệnh thật. Mưa gió qua rồi. Bây giờ chỉ còn lại những ngày quang đãng và hạnh phúc.