Theo Edgar Poe

Sự tai họa khác nhau, nỗi khốn khổ trên mặt đất này có nhiều hình trạng, phủ khắp chân trời mênh mông như mống cầu vồng bảy sắc đủ màu rõ rệt phân biệt, và nhịp nhàng lẫn lộn.

Tôi kể ra đây một câu chuyện mà thực thể đầy rùng rợn. Nếu không phải là một ký sự về cảm giác mà là về tình ái thì tôi không nhắc lại làm gì.

Tên tẩy lễ của tôi là Hoàng Linh, tên thật, tôi xin giấu. Trong xứ tôi không có một lâu đài nào cũ kỹ và nhiều tiếng tăm hơn là chốn u nghiêm lâu đời của tôi ở. Từ lâu người ta gọi gia đình tôi là một dòng ảo tưởng, do nhiều điều tế toái hiển nhiên - trong hình thể cái dinh thự huy hoàng, - trong những tấm nệm quý giá ở phòng ngủ, - trong những đồ chạm trổ vũ khí, và đặc biệt nhất là những bức cổ họa ở hành lang, - trong cốt cách của thư viện, - và sau cùng là tinh thần kỳ đặc của những sách ở thư viện.

Kỷ niệm những năm còn trẻ của tôi liên lạc mật thiết với phòng này và những sách ở đây. Mẹ tôi đã chết ở đây. Tôi đã ra đời tại đây. Nhưng đừng nói rằng trước đó tôi đã không có, linh hồn không có một tình trạng tồn tại từ trước. Bạn không công nhận ư? Ta không nên cãi lẫy về mặt này. Tôi đã tin chắc và không thiết dẫn chứng chắc chắn cho người ta phải nghe theo.

Tôi đã ra đời ở trong phòng này. Hiện ra giữa đêm trường, rơi thình lình vào cõi huyền ảo, - lâu đài không tưởng, - trong những cảnh giới lạ lùng của trí tưởng và chốn bác học kỳ bí, - tôi ngắm quanh mình với con mắt kinh hãi và nồng nàn,- nơi mà tôi tiêu phí tuổi thơ trong sách và hoang phá tuổi trẻ mơ màng. -Năm, năm qua, giữa thời tôi còn sống trong chốn u nghiêm của tổ tiên, có một sự lạ là sức lực mạch đời tôi như ngưng trệ, - phẩm tính những tư tưởng thông thường nhất của tôi biến cải hoàn toàn. Những thực tế của đời cảm nhiễm tôi như những ảo tưởng, và chỉ là những ảo tưởng, trong khi những ý tưởng huyền hồ của thế giới mộng ảo, trái lại, chẳng những là chất sống của sự tồn tại hằng ngày mà chắc chắn là cả sự tồn tại hoàn toàn duy nhất của tôi nữa.

Hoàng Hoa và tôi là anh em họ, cùng lớn lên trong chốn u nghiêm bên nội. Nhưng mà chúng tôi phát triển khác hẳn nhau, - tôi thì yếu đuối và ẩn dật trong sầu não, - nàng lại nhanh nhẩu, kiều diễm và chứa chan năng lực; trong lúc nàng ca hát chạy nhảy trên đồi thì tôi mê man học hỏi trong thư viện; tôi sống hẳn trong tim, hiến cho mình cả xác lẫn hồn, đắm duối trong những suy nghiệm cao siêu và trừu tượng, - nàng lang thang không lo nghĩ qua cuộc đời, chẳng tưởng đến những bóng trên đường hay là thì giờ u tối lặng lẽ đi mau. Hoàng Hoa! - Tôi gọi tên nàng, Hoàng Hoa! - Và từ những đổ nát đen xám của trí nhớ vụt nổi dậy theo tiếng gọi ngàn vạn kỷ niệm trập trùng. A! Hình ảnh nàng hiển hiện ra trước mắt ta như trong những ngày hớn hở, vui tươi của nàng! ôi! Sắc đẹp diễm lệ mà hư ảo của nàng! ôi! Nữ thần bên bờ suối! Thế rồi, - thế rồi tất cả điều bí mật và kinh hoàng, một câu chuyện không đáng kể lại. Một sự đau đớn, - một sự đau đớn tàn khốc đã xô đổ thể cách tôi như một cơn gió bão; và chính trong khi tôi ngắm nàng, tâm trí biến đổi nhập vào nàng và ghê gớm nhất là làm rối loạn cả căn bản của nàng! Than ôi! Kẻ phá hại đến và đã đi, - nhưng mà nạn nhân, Hoàng Hoa, nàng đã trở nên thế nào? Tôi không biết nàng ngày nay hay là tôi không còn nhận ra nàng là Hoàng Hoa nữa.

Trong các bệnh mỗi ngày càng tăng đã làm sôi nổi cả xác thịt lẫn tâm thần em tôi, phải kể bệnh đau đớn và bất trị nhất là một thứ trúng phong thường làm cho toàn thân cứng đờ, - bệnh giản quyết giống hệt như chết mà nàng tỉnh dậy một cách đột nhiên, bất ngờ. Trong lúc ấy thì bệnh sầu não của tôi trầm trọng mau chóng, và những cơn biến đổi hóa nặng bởi dùng thuốc phiện quá độ, cuối cùng đổi sang tính cách tinh thần thác loạn với một hình trạng mới mẻ lạ thường, - từ giờ, từ phút bệnh lấn khí lực và kéo dài chiếm cả người tôi với một sức đè nén rất là khó hiểu. Bệnh tinh thần thác loạn làm cho tâm trí bị một ý tưởng duy nhất ám ảnh - tôi phải cắt nghĩa như thế - là tại sự kích thích âm u các tác dụng tinh thần mà triết học gọi là "tác dụng chú ý". Không thế nào có một ý nghĩ chắc chắn về độ lực gân cốt của tác dụng tinh thần, nhưng theo trường hợp của tôi, tác dụng trầm ngâm thích dụng và nhập vào trong sự lặng ngắm các vật tầm thường nhất ở thế gian.

Suy nghĩ hàng giờ không mệt, chú ý đến vài hàng ngờ nghệch ở ngoài lề hay trong sách, đem hết tâm lực gần suốt cả ngày hè vào trong một cái bóng kỳ quái ngã dài ra trên nệm hay nền nhà, - quên mình suốt đêm ngồi canh ngọn đèn bạch lạp hay lửa hồng trong lò sưởi, - mơ mộng hàng trọn ngày trên mùi hương của một cái hoa, - nhắc nhở đều đều vài chữ tầm thường cho đến khi tiếng cứ nhắc lại mãi hết hiện ra trong trí một ý nghĩ gì, - mất cả tư tưởng vận động hay là sự tồn tại của xác thịt trong một lối yên nghỉ hoàn toàn, - đấy là vài hiện tượng thác loạn thông thường và ít nguy hiểm của năng lực tinh thần tôi.

Sự chăm chú dị thường, mãnh liệt và âm u bị kích thích bởi những vật hão huyền không có tính cách lẫn lộn với sự mơ màng thông thường mà những người có sức tưởng tượng nồng nàn vẫn ham mệ Sự chăm chú ấy cũng không phải như người ta tưởng là một sự mơ màng thái quá, mà còn khác hẳn về căn nguyên và bản chất.

Trong trường hợp này, người mơ tưởng bị chú trọng đến một vật thường, mất lần vật ấy qua sự suy luận và cảm hứng bao lạ Sau khi tan những cơn mơ tưởng, người bệnh ngất đi và quên hẳn những nguyên nhân đã kích thích mình, như trong trường hợp của tôi. Tóm tắt lại, năng lực trí tưởng kích thích khác thường ở tôi, như đã nói trên, là năng lực chú ý, còn ở người mơ mộng thường là năng lực trầm ngâm và những sự trầm ngâm không bao giờ đem lại khoái trá.

Về độ này những sách của tôi, nếu không dùng một cách chắc chắn để kích thích sầu đau, thì cũng dự vào một phần lớn trong những tính cách đặc sắc chính của sầu đau, với cái tinh thần huyền hoặc, dị kỳ.

Sự thăng bằng của tinh thần bị những đều vô nghĩa lý quấy rối, lý trí tôi tương tự như thứ đá biển trơ trơ trước những cơn thịnh nộ ghê gớm của sóng gió, và chỉ run rẩy khi hoa nhật quang lan đụng tới. Sự biến đổi trong trạng thái tinh thần của Hoàng Hoa bởi cái bệnh đáng thương hại, đáng lẽ phải đem lại cho tôi lắm đầu đề để thực hành sự nghĩ ngợi mãnh liệt và dị thường, nhưng tuyệt nhiên không có gì hết.

Trong lúc cảm thấy rõ sự suy nhược của mình tôi rất phiền muộn cho cái bệnh khốc hại của Hoàng Hoa: sự gẫy đổ hoàn toàn kiếp sống đẹp đẽ, dịu dàng của nàng cảm khích tôi tận đáy lòng. Tôi nghĩ ngợi chua chát về những con đường bí mật và kỳ dị mà một sự biến đổi lạ lùng, bất ngờ như thế đã có thể xẩy ra ở đây. Nhưng những suy nghiệm ấy không dự vào đặc tính sầu đau của tôi mà cũng như trong những trạng luống tương tự đối với người thường. Còn bệnh của tôi, cố thủ theo tính cách riêng, biến đổi kinh ngạc hơn, biểu diễn trong cơ thể của Hoàng Hoa - trong sự động kinh lạ lùng và khiếp đảm.

Trong những ngày rực rỡ nhất của Hoàng Hoa với cái sắc đẹp tuyệt kỳ, thật ra chưa bao giờ tôi đã yêu nàng. Trong lệ ngoại lạ lùng về tình trạng tồn tại của tôi, những cảm tưởng của tôi không bao giờ phát sinh ra ở trái tim, và những ham mê của tôi luôn luôn do ở trí não mà ra. Qua những sắc trắng của hoàng hôn - ban trưa, trong những bóng chi chít của rừng - và tối lại giữa im lặng ở thư viện - nàng đã thâu qua mắt tôi, và tôi thấy nàng, - chẳng như Hoàng Hoa tươi sống mà là Hoàng Hoa trong mộng; chẳng như một hình thể ở trần gian, một hình thể bằng xương bằng thịt, mà như không tưởng của hình thế ấy; chẳng như một hình thể để cảm thán mà là để phân tích; chẳng như một đối tượng ái tình mà như đầu đề của sự trầm ngâm vừa khó hiểu và bất thường. Và bây giờ, - bây giờ tôi run rẩy trước nàng, tôi tái nhợt khi nàng đến gần; tuy nhiên trong than vãn khổ não cho tình trạng sa ngã đáng thương của nàng, tôi nhớ lại nàng đã yêu tôi lâu dài, và trong một lúc không may, tôi đã nói với nàng về việc lấy nhau.

Sau cùng, ngày tân hôn của chúng tôi sắp đến, thì một buổi chiều mùa đông, - một trong những ngày bất trắc, nóng, yên lặng và trời mù, tôi ngồi trong phòng đọc sách, tưởng có một mình. - Nhưng ngước mắt lên, thấy Hoàng Hoa đứng thẳng trước mắt tôi.

Có phải vì trí tưởng của tôi bị kích thích, - hay ảnh hưởng của không khí mù, - hay hoàng hôn chập chờn, - hay làn vải u ám phủ khắp người nàng, đã cho nàng một hình thể run rẩy và mơ hồ như thế? Tôi không thể nói được. Có lẽ nàng đã lớn ra từ khi mắc bệnh. Nàng không nói một lời; và tôi không nói gì hết. Một sự rùng rợn chạy khắp chân thân; một cảm giác lo sợ không chịu nổi dồn ép lấy tôi; một sự hiếu kỳ nung nấu thấm đượm tâm hồn; và ngã người ra trên ghế, tôi nín thở và không cử động, hai mắt dính chặt vào người nàng. Than ôi! Nàng đã gầy mòn quá chừng, không có một dấu vết gì của người cũ còn sống lại và ẩn trong nàng. Sau cùng, mắt tôi nồng nàn đặt lên mặt nàng.

Trán cao, nhợt nhạt và thản nhiên lạ thường; tóc ngày trước đen xám phủ xuống trán một phần và in bóng hai màng tai sâu hóm, làn tóc bây giờ đen hơn lông quạ mà tính cách huyền hoặc phản lại với vẻ u sầu chiếm cứ mặt nàng. Hai con mắt hết vẻ sống tinh anh, hình như không có con ngươi, và vô tình tôi đưa mắt ngắm xuống đôi môi mỏng cứng để tránh cái nhìn trắng đục của nàng. Đôi môi hé mở ra và trong một cái cười ý nghĩa ghê gớm, những răng của Hoàng Hoa hiện dần ra trước mắt tôi. Thượng đế! Tôi không bao giờ nhìn đến, hay là nhìn, thì tôi phải chết!

Một cánh cửa khép lại làm tôi giật mình, và ngước mắt lên, tôi thấy em tôi đã ra khỏi phòng. Nhưng gian phòng bị phá rối, con ma trắng ghê gớm của răng nàng không ra khỏi phòng và không muốn đi. Không một chấm đen trên mặt răng, - không một bóng ở men răng, - không có một đầu nhọn ở răng mà chỉ cái cười thoáng qua đủ in sâu vào trí nhớ tôi! Bây giờ thì tôi thấy rõ rệt hơn vừa rồi nhiều. - Những răng! - Những răng!- Chúng ở đấy, và - đây nữa, - và khắp cả, - thấy rõ, sờ được ở trước tôi; dài, nhỏ và trắng quá chừng, với đôi môi nhợt nhạt vòng quanh, giãn ra một cách ghê sợ chưa đời nào thấy. Đương lúc ấy thì cơn thịnh nộ mãnh liệt của tinh thần thác loạn đến, tôi không thể chống cự lại nổi, và chỉ nghĩ về những răng. Tôi cảm thấy ở chốn này một ham muốn điên cuồng. Tất cả đều chú trọng vào sự trầm tưởng duy nhất ấy. Những răng- chỉ những răng thôi- hiện ra trước mắt lý tưởng, và sự đặc hữu riêng tây ấy thành ra tinh túy của đời tinh thần tôi. Tôi nhìn chúng mỗi ngày. Tôi xoay trở chúng khắp chiều. Tôi tìm tòi tính cách của chúng. Tôi nhận xét những dấu vết riêng. Tôi trầm ngâm trước hình thể chúng. Tôi rùng mình khi cho chúng một năng lực cảm giác và tư tưởng trong tưởng tượng, và không có đôi môi, một thế lực biểu hiện luân lý. Người ta nói rất đúng rằng những bước đi của nàng Sa lệ là những cảm tưởng, tôi thì tin chắc rằng ở Hoàng Hoa, tất cả những răng đều là những ý nghĩ. Những ý nghĩ! à! Đấy là những tư tưởng hão huyền đã làm chìm đắm tôi! Những ý nghĩ! à! Bởi đây mà tôi đã khát vọng răng điên cuồng ghê gớm! Tôi thấy rằng chỉ chiếm được chúng thì tôi mới có thể yên ổn và gây dựng lý trí lại.

Và tối đến trên người tôi, - và bóng tối dày đặc lại, rồi đi, - và một ngày khác hiện ra, - và những mù tối một đêm thứ hai nhóm lại chung quanh tôi, - và luôn luôn tôi ở trong căn phòng hiu quạnh này, - luôn luôn ngồi lặng, luôn luôn chìm đắm trong sự trầm ngâm, - và luôn luôn con ma răng giữ gìn sự ảnh hưởng ghê gớm đến điểm linh động quái lạ nhất, nó phất phơ qua ánh sáng và những bóng biến đổi trong phòng. Sau cùng, giữa những cơn mơ của tôi, một tiếng hét rùng rợn và hãi hùng vỡ lở, rồi ngừng, tiếp theo một tiếng nói bi khổ quá chừng, đứt đoạn bởi những giọng rên xiết đau đớn thê thảm.

Tôi đứng dậy và, mở một cánh cửa thư viện, thấy ở trước phòng người đầy tớ giàn giụa nước mắt, nói với tôi rằng Hoàng Hoa không còn nữa. Nàng đã bị trúng phong ban sáng; và bây giờ, đến tối lại, địa huyệt đang đợi nàng, tất cả những đồ tang liệm đã sắp đặt xong.

Trái tim đầy thống khổ và kinh sợ dồn ép, tôi oán hận đi đến phòng người chết nằm. - Gian phòng rộng rãi và sẩm tối, mỗi bước tôi đi đụng nhằm đồ liệm - những màn ở giường, người đầy tớ nói với tôi, đã phủ trên quan tài, và trong quan tài, hắn hạ giọng xuống, Hoàng Hoa nằm dài.

Có ai đã hỏi tôi không muốn nhìn người chết? - Tôi chẳng thấy ai hé môi; tuy thế câu hỏi đã xong, và tiếng dội mấy lời cuối cùng còn kéo dài trong phòng. Không thể từ chối được, rồi với một cảm giác nghẹn thở, tôi lê mình đến một bên giường. Tôi nhẹ nhàng giở những màn sẫm lên; nhưng, khi thả rủ xuống trên vai, những màn sẫm chia cách tôi với cuộc đời bên ngoài, nhốt tôi vào tình trạng khăng khít với người chết.

Không khí khắp phòng thoảng mùi chết; nhưng hơi đặc biệt của quan tài làm cho tôi khó chịu, và tôi tưởng tượng một mùi độc đã tự thây ma bốc lên. Tôi đổi hết đời để trốn thoát chạy xa sự ảnh hưởng nguy hại của cái chết lối này; để thở một lần nữa không khí thanh khiết của trời bất diệt. Nhưng tôi không còn sức mà động đậy, hai đầu gối lung lay, và tôi đã cắm rễ dưới đất, nhìn chăm cái xác cứng đờ nằm sóng sượt trong hòm mở toang.

Trời ơi! Có thể thế ư? Trí não tôi đã đến cơn thác loạn rồi chăng? Hay là ngón tay người chết cử động trong vải trắng lấp phủ? Run rẩy với một nỗi lo sợ khó tả, tôi dần dần ngước mắt lên để nhìn mặt thây mạ Người nhà có để một dải bịt chung quanh miệng; nhưng mà không biết làm sao, tôi thấy đã lỏng sút. Đôi môi uốn cong thành một vẻ cười, và qua cái khung cảnh bi thảm ấy, những răng của Hoàng Hoa, trắng, sáng ngời, ghê gớm, còn nhìn tôi với một vẻ linh động dữ dội! Tôi giật chân tay ra khỏi giường, và không một lời, tôi phóng mình như một người điên ra khỏi gian phòng bí mật, rùng rợn đầy tử khí.

Tôi lại thấy mình ở trong thư viện, ngồi một mình. Hình như tôi vừa ra khỏi một giấc mơ ghê gớm, hỗn độn và kịch liệt. Tôi nhận ra rằng đã nửa đêm, và tôi đã dè dặt cẩn thận để chôn Hoàng Hoa sau khi mặt trời lặn; nhưng tôi không giữ được trí nhớ chắc chắn và rõ rệt việc gì đã xảy ra trong khoảng rờn rợn này. Tuy trí nhớ đầy cả mơ hồ - một nỗi khủng khiếp mà sự ngờ vực làm cho càng thêm ghê gớm- Thật như một trang ghê sợ trong cuốn sổ đời tôi viết toàn bằng những kỷ niệm u tối, ghê gớm và bí hiểm. Tôi đã cố gắng phân giải ra mà không được. Tuy thế mà từng lúc giống như linh hồn một tiếng bay đi, một tiếng la nhỏ và sắc - một giọng đàn bà - hình như thì thầm trong tai tôi. - Tôi đã vừa làm một việc gì: - nhưng có gì đâu? Tôi tự hỏi lớn và tiếng dội trong phòng thì thầm với tôi như trả lời: có gì đâu?

ở trên bàn, gần bên tôi, một ngọn đèn nến cháy, và gần đấy, một cái hộp nhỏ bằng mun. Không phải là một cái hộp có dáng kiểu đáng chú ý, và tôi đã thường thấy, vì là của viên thầy thuốc ở gia đình. Nhưng tại sao cái hộp ấy lại đến đây, ở trên bàn tôi, và bởi đâu tôi rùng mình khi nhìn nó? Đó là một vật không đáng phải mất công giữ nữa. Nhưng sau cùng, mắt tôi rơi vào trên trang mở rộng của một cuốn sách và trên một hàng chữ gạch. Đây là những chữ lạ lùng mà rất thường của một thi sĩ, nhưng bởi đâu tóc trên đầu tôi dựng đứng và máu giá lạnh trong mạch huyết khi đọc lên những dòng chữ này? Những dòng chữ nói đến việc phá hoại thể xác một người yêu bị chôn sống?

Có tiếng gõ nhẹ Ở cửa phòng đọc sách và tái mét như một người ở dưới mồ chui lên, một tên đầy tớ nhón gót đi vào. Hai mắt lờ lạc đi vì khủng khiếp và hắn nói với tôi bằng một giọng rất thấp, run run, chặn ở cổ. Hắn đã nói gì với tôi? Tôi nghe vài câu đây đó. Hình như hắn kể lại với tôi, một tiếng hét ghê sợ đã làm rùng mình im lặng ban đêm - mà những tên đầy tớ họp lại - mà người ta đi tìm về phía tiếng kêu- và sau cùng giọng hạ thấp của hắn thành rõ rệt vì run rẩy khi hắn nói đến một việc phá hoại xác chết - một cái xác bị hư hại, tìm thấy trên lỗ huyệt, một cái xác đã bị chôn lấp, mà còn thở, còn thoi thóp - còn sống!.

Hắn đưa tay chỉ quần áo tôi dính bùn và máu. Tôi không nói gì hết, hắn nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi; tay có những vệt móng tay người cào. Hắn dẫn tôi chú ý đến một vật dựng ở vách. Tôi nhìn vật ấy vài phút: đấy là một cái mai đào đất. Hét lên, tôi lao mình trên bàn và chụp lấy cái hộp bằng mun. Nhưng tôi không có đủ sức để mở ra, và trong khi tôi run rẩy, cái hộp trong tay sút ra, nặng nề rớt xuống vỡ ra từng mảnh, và thoát lăn ra với một tiếng ồn của sắt vụn cũ, vài khí cụ nhổ răng, và ba mươi hai vật nhỏ trắng, giống như ngà, rải rắc trên nền nhà.

Rút từ tập Trăng xanh huyền hoặc,

Nxb. Đông Phương, Hà Nội, 1941

Hết