Tập 1

Hoàng hôn xuống dần. Nhìn mặt nước sông Tiền sóng sánh màu bạc thật thích mắt. Bé Bầu có đến hàng giờ ngồi dưới gốc cây bần ven sông để ngắm nhìn cái mà người ta gọi là “rừng vàng biển bạc”. Cô yêu cả dòng sông Tiền này vì nó là nơi đã nuôi sống cả gia đình cô.

Cô bé kéo cái đuôi tóc phe phẩy lên mũi, lẩm bẩm:

– Biển bạc, bạc màu nước hay bạc ánh của vảy cá nhỉ. Có lẽ là cả hai.

Bé Bầu khịt cười vì cảm thấy mình ngớ ngẩn, cô đưa mắt nhìn ra mấy chiếc phau trắng nổi bồng bềnh ven sông.

– Cái nghề đóng đáy gia truyền qua mấy đời mà có thấy ai giàu đâu. Sao ba mình không tìm một nghề khác chứ? Mai mốt thi vào Đại học, chắc chắn mình sẽ tìm một nghề nào để có thật nhiều tiền. Mình không thích cái nghề này tí nào.

Lúc nào cũng bắt tôm, giết cá. Hết cá, tôm thì còn gọi gì là biển bạc kia chứ!

Cô thả đôi chân xuống dòng nước mát rượi. Cái thú ngâm chân của bọn trẻ con miền sông nước này không dừng lại ở đấy. Thỉnh thoảng, đôi chân lại đu đưa làm mặt nước dờn dợn, có lúc lại đập mạnh cho nước văng tung tóe lên mặt, lên tóc mới chịu thôi. Cô bé đang cười tiu tít với thú vui của mình chợt có tiếng gọi ơi ới:

– Bé Bầu!

Cô bé giương đôi mắt to tròn nghe ngóng.

– Bé Bầu à!

– Dạ.

– Về ăn cơm!

Bé Bầu đưa tay làm loa cố nói to:

– Con chưa đói, chút nữa sẽ về.

Tiếng ông Năm Ngư vẫn oang oang:

– Còn đi kéo đáy lên nữa đấy!

Vẻ mặt phụng phịu, cô bé đáp tiu nghỉu:

– Dạ, biết rồi!

Ngày nào cũng thế, cứ theo con nước, Bé Bầu phải cùng cha rong ruổi trên sông Tiền này. Cái nghề chính nuôi sống cả nhà chỉ là đóng đáy. Bé Bầu là chị cả nên gánh vác công việc nhiều hơn các em. Vả lại, cái tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” mà lại. Cô bé chưa muốn về nên cứ chần chừ mãi. Nó đứng lặng yên nhìn ra phía chân trời. Ráng chiều vàng rực sau dãy núi màu xám xịt. Nó với tay hái vài lá đước thảy xuống dòng sông để từng chiếc lá trôi nhẹ nhàng theo dòng nước ra xa tít.

Rồi bỗng cô bé hướng mắt ra lòng sông, hét thật to:

– A ... a ...

Tiếng ngân dài vang cả dòng sông. Mỗi khi cô bé có điều chi phiền muộn nào đó, không biết tỏ cùng ai, cô bé thường hay ra cái nhánh bần to ngả tít ra xa mé sông mà hét to, như muốn trút hết cái giận hờn, cái u buồn của Bé Bầu xuống dòng sông vô tội này. Và như thế cô cảm thấy nhẹ nhõm cả người.

Đang đứng trầm tư, bỗng có một cái gì đó lành lạnh quấn thật chặt chân cô, Bé Bầu hoảng hốt la to:

– Á ...

Vừa la, cô vừa nhìn xuống chân thì ra đó là một bàn tay người.

Tim cô đập mạnh, cô ôm thật chặt nhánh bần và vùng vẫy:

– Buông tôi ra! Ba ơi!

Tiếng la của cô như nghèn nghẹn nên chẳng ai nghe thấy.

Một gã đàn ông ngoi đầu lên, trên mặt là một cặp mắt kiếng bơi lòi ra như con thòi lòi. Tim Bé Bầu đập thình thịch:

– A! Ma da! Trời ơi! Ma da xuất hiện!

Gã kia cởi mắt kiếng ra quát:

– Cái gì mà ma da. Ma da gì chứ?

Rõ ràng là con người, một gã thanh niên. Cô bé đưa tay lên ngực hít thở sâu:

– Hú hồn hú vía Bé Bầu!

Rồi cô quay phắt trừng mắt gã thanh niên kia:

– Anh là ma da đó. Ở đâu mà ngoi đầu lên làm người ta chết khiếp vậy?

– Chết khiếp à? Chả phải cô cũng đang muốn chết sao?

Bé Bầu trợn mắt:

– Cái gì? Ai muốn chết hả?

– Cô chứ ai?

– Tôi muốn chết hồi nào?

– Vậy chứ cô đứng trên ấy làm gì?

– Làm gì mặc kệ tui. Đồ điên!

Gã kia đập tay mạnh xuống nước:

– Thật đúng là làm ơn mắc oán mà!

Bé Bầu phùng má:

– Ê! Nói gì đó?

Gã lầm bầm:

– Biết vậy lúc nãy tôi để cô rớt xuống đây cho biết.

Mặt đỏ gay, Bé Bầu chống nạnh hét:

– Ê, đừng có vô duyên nha! Tôi còn chưa xử anh vì cái tội làm tôi hết hồn mà còn nói nhiều lời hả?

Nhìn nét mặt Bé Bầu thật kỹ, gã không nhận thấy nét gì là muốn tự tử. Gã chùng giọng:

– Ủa! Vậy chẳng phải cô ... muốn nhảy xuống đây sao?

Bé Bầu bặm môi:

– Ơ hay! Cái ông này! Nhảy xuống đó làm gì?

– Tự tử.

Cô bé bĩu môi nguýt dài:

– Trời! Anh rảnh quá há! Khi không tự tử. Bộ hết cách chết rồi sao? Rớt xuống dưới uống nước, chết phình bụng phình thây xấu thấy mồ.

– Hứ! - Chàng trai bật cười - Chết mà còn đẹp xấu gì?

Cô bé bướng bỉnh, nhìn thấy chàng trai còn trầm mình dưới nước liền dọa:

– Đấy! Ở trên cái sông này thỉnh thoảng người ta vớt vài cái xác phình to. Ờ, ngay chỗ anh đứng đấy. Tuần rồi mới vớt một xác ...

Gã thanh niên rùng mình, nhìn xuống sông, mặt anh tai tái, rồi chợt phóng tuốt lên cây bần.

Cô bé bị chao đảo khi cái cành bị rung động, nhưng lại vỗ tay cười thật to:

– Đúng là nhát gan mà bày đặt đi nhát người ta.

Mặt gã kia hơi meo méo, thấy thế, Bé Bầu càng thích thú:

– Anh tưởng là xác người à? Làm gì có. Là xác mấy con vật thôi. Ha ha ...

Đúng là nhát gan.

Anh chàng đỏ cả mặt vì mắc cỡ:

– Cô ... cô thật là ác.

Bấy giờ Bé Bầu mới nhìn kỹ bộ đồ bơi ôm sát người của gã kia và thắc mắc:

– Ủa! Mà anh ở đâu đến vậy?

Anh chàng cười phì:

– Thủy cung.

Cô bé trợn mắt hóm hỉnh:

– Ồ! Thủy cung cũng thời trang quá hén!

– Ừ, cũng hiện đại lắm!

– Ơ, mà ở dưới chưa thấy cái tử thi nào hết hay sao mà ... mới nghe đã xanh mặt vậy?

Anh chàng bị chọc trúng tim đen nên xấu hổ quay mặt đi, vừa định mở miệng hỏi cô gái điều gì đó thì tiếng ông Năm Ngư lại vang lên:

– Bé Bầu!

– Dạ, con về liền.

– Con nói chuyện với ai thế?

Cô bé gãi đầu như che giấu cuộc gặp gỡ này, nên đáp khe khẽ:

– Dạ .... với sâu chín đầu.

Anh chàng trố mắt nhìn theo cô gái đi xa khuất, lòng vừa cảm thấy tấm tức vừa cảm thấy vui vui. Đúng thật cô nàng đâu có vẻ gì muốn chết.

– Cũng tại mình xớn xơ xớn xác mà!

Hải Sang đưa mắt nhìn ra dòng sông và nhớ lại những gì vừa xảy ra, anh bật cười một mình:

– Nhưng tại sao cô ấy ở một mình mà hét to như thế, chả trách sao mình hiểu nhầm!

Sự việc thật hết sức tình cờ. Hải Sang vốn là đội trưởng của một đội bơi ở thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến về quê này cũng là một chuyến đi thực tế của đội. Ngoài việc du lịch, cả đội còn có một việc làm đầy ý nghĩa là dạy bơi cho những người dân nơi vùng sông nước này.

Với nhiệm vụ là đội trưởng, Hải Sang phải đảm bảo sự an toàn cho đồng đội và mọi người nên anh phải bơi trước để khảo sát địa hình. Đang lặn hụp, bỗng anh nghe tiếng hét rất thanh của một cô gái. Anh nhìn quanh và phát hiện ra Bé Bầu. Vì muốn cứu người nên anh không ngờ sự việc lại xảy ra nhầm lẫn như thế.

Trời sụp tối, đàn chim cuối cùng cũng quay về tổ ấm. Hải Sang cũng lững thững ra về mà trong đầu vẫn ẩn chứa hình dáng của một cô gái vùng quê.

Bé Bầu nằm ì trên giường, trùm chăn bông kín mít. Ông Năm đến bên cạnh kéo lại chiếc chăn cho thằng Út rồi hối Bé Bầu:

– Bé Bầu! Dậy đi con!

Cái giọng lè nhè của cô bé ngái ngủ thiết tha:

– Cho con ngủ tí nữa đi!

– Mặt trời lên rồi kia con à! Con ráng phụ ba một tay đi nào!

– Thôi! Hôm nay con bệnh rồi! Con không đi đâu!

Ông Năm lo lắng:

– Con bị làm sao thế Bé Bầu? Bệnh làm sao? Hay để ba đi mua thuốc cho con trước đã!

Cô bé ngồi bật dậy:

– Dạ, thôi khỏi ba ơi!

Thật ra cái tính trẻ con ăn chưa no, lo chưa tới vẫn còn trong Bé Bầu. Vì lười lại không thích cái nghề đóng đáy nên cô bé hay giả vờ bị bệnh để trốn tránh công việc. Nhưng rồi thương em, thương ba, cuối cùng cô bé cũng không trốn tránh được.

Mẹ cô mất cách đây hai năm vì căn bệnh tim. Ông Năm Ngư phải một thân một mình chèo chống để Bé Bầu và thằng Út được tiếp tục đi học.

Năm nay, Bé Bầu sắp vào đại học, ông lại càng lo lắng nhiều hơn. Dẫu biết con gái lớn rất khỏe mạnh nhưng ông không để cô làm gì nặng, chỉ giúp ông một tay chèo chống để ông kéo đáy lên mà thôi. Ông biết Bé Bầu cũng thương và lo lắng cho ông lắm. Ông đến xoa đầu vỗ về:

– Bệnh phải uống thuốc chứ con.

Cô bé xua tay:

– Không sao đâu ạ! Chút xíu con khỏe ngay mà!

– Được không con? Ba lo lắm!

– Ba đừng có lo. Con tập thể dục một chút là khỏe ngay.

Nói rồi, cô gái vùng dậy làm mấy động tác vươn vai rồi nhoẻn miệng cười:

– Ba thấy chưa, con khỏe rồi nè. Bây giờ đi phụ ba hén!

– Thôi! Hôm nay ba đi một mình cũng được.

Ông dợm bước đi, nhưng dừng lại nói với con gái:

– Mà này! Hôm nay chủ nhật con có đi học nhóm gì không?

Cô bé lắc đầu:

– Dạ không! Các bạn có công việc cả rồi!

– Vậy thì hay quá!

– Sao hay vậy ba?

– Ờ, hôm nay ba chị em giúp ba một việc.

– Việc gì vậy ba?

– Ờ, số là ... ba nghe nói mấy hôm nay có một đoàn vận động viên bơi về tập bơi ở khúc sông ta. Các con ra trông chừng kẻo họ phạm vào hàng đáy là hư hết.

Nghe chưa?

– Còn ba?

– Ba có việc nên mới nhờ các con.

– Dạ, ba yên tâm. Tụi con sẽ trông coi cẩn thận.

Ông Năm xoa đầu con, mỉm cười rồi xách thùng ra mé sông. Tiếng lách cách khua thùng, tiếng mái chèo khua nước làm tim cô xao động:

– Biết bao giờ ba mới được sung sướng hở ba?

Tia nắng đầu tiên rọi xuống hiên nhà. Bé Bầu đánh thức lũ em. Và ... một ngày mới bắt đầu ...

...

Mặt trời đã lên cao quá ngọn dừa. Lũ con nít xúm xít ngồi quanh cây cầu dừa ven sông hò hét, vỗ tay reo cười inh ỏi. Thì ra bọn chúng đang xem đội bơi biểu diễn.

Bé Bầu đến bên lắc vai đứa em út của mình:

– Cu Bi! Chuyện gì mà vui thế?

Thằng bé nhoẻn miệng cười răng sún nói vô tư:

– Chị Hai xem kìa, các anh kia đang bơi.

Nhìn đám người đang hướng vào bờ, Bé Bầu bĩu môi:

– Có gì lạ đâu? Thì chúng ta cũng biết bơi đó thôi.

– Không đâu. Các anh ấy bơi hay lắm, bơi đủ kiểu hết kìa.

Nắm tay em, Bé Bầu ra lệnh:

– Thôi, em về học bài đi, mai mốt chị Hai dạy bơi cho.

Đứa bé vùng vằng:

– Hổng chịu đâu! Chị Hai chỉ dạy em bơi chó thôi hà. Chị xem kìa, mấy anh đó vừa bơi vừa thở, bơi thật là xa. Út thích lắm. Mai mốt, Út sẽ nói ba cho theo mấy anh học bơi.

– Hả! Có chuyện đó sao?

– Thật. Tụi thằng Đông bảo các anh đó về làm từ thiện. Ai muốn học bơi, họ sẽ dạy mà!

Cô bé gật gù nhìn ra phía bờ sông. Đoàn bơi quả thật rất nhanh. Mới đó mà đã sắp sang bờ bên kia rồi. Nhìn cặp mắt kiếng “thòi lòi”, cô chợt nhớ đến gã “sâu chín đầu” hôm qua, miệng lẩm bẩm:

– Có lẽ hắn cũng có mặt đâu đây trong đoàn bơi này!

Tiếng vỗ tay của bọn trẻ lại vang giòn. Bé Bầu nhìn theo ánh mắt ngưỡng mộ của bọn chúng.

Đoàn thanh niên đã lên bờ cả đứng thành một hàng dài. Bé Bầu chưa kịp nhìn rõ đã đỏ mặt, nhắm hít mắt lại bối rối:

– Trời đất! Ăn mặc gì mà quái gở vậy chứ?

Cu Bi lắc tay chị:

– Chị Hai xem kìa! Anh nào cũng cao to khỏe mạnh. Đó đó! – Thằng bé chỉ tay về phía các anh - Út thích cái quần thứ ấy nữa. Ủa, mà đó là cái quần gì mà kỳ vậy chị Hai?

Bé Bầu càng đỏ mặt xấu hổ. Chẳng lẽ trả lời đó là cái quần xì. Cô bé lắp bắp trả lời:

– Đó ... là ... quần ... bơi!

Thằng bé vô tư gật đầu:

– Đúng rồi! Quần bơi! Bởi ở đây, dân mình đâu ai có cái quần đẹp và đầy màu sắc như thế!

Bé Bầu rùng mình, nhăn mặt:

– Trời ơi! Thấy mà ghê!

– Đâu có! Út thấy đẹp mà ... Chị Hai!

Tiếng gọi của Cu Bi làm Bé Bầu giật mình mở mắt ra, cô tránh né không muốn nhìn bọn người kia:

– Cái gì?

– Mai mốt, chị Hai đi chợ mua cho Út một cái quần như thế nghen!

– Trời đất! Cái thằng này ...

– Được không chị Hai?

– Không!

– Sao vậy?

– Út mà mặc vô xấu lắm!

– Không xấu. Chị cứ mua đi!

Bé Bầu tức giận liếc xéo mấy chàng trai đang bơi về phía bên này lầm bầm:

– Ai lại ăn mặc quái dị thế về vùng quê này chứ! Gã hôm qua mặc bộ đồ bơi thế mà dễ coi hơn. Báo hại thằng Út này đòi mua nữa!

Cu Bi nằn nì bên tai Bé Bầu:

– Út năn nỉ chị Hai đó. Mua giùm nha, chị Hai?

Biết không thể từ chối em, Bé Bầu dịu giọng:

– Ừ, được rồi. Nhưng mà chợ quê mình không ai bán cái quần thế đâu.

– Vậy ở đâu bán hả chị?

– Ờ ... chắc chợ thành ...

– Khi nào có dịp, chị nhớ mua cho Út nghen.

– Ờ!

Nghĩ là hứa thằng bé qua loa, nhưng Bé Bầu lại thương Cu Bi khi nghe em nói:

– Lớn lên, Út sẽ làm huấn luyện viên bơi lội cho xem. Út sẽ giống mấy anh này.

Bé Bầu mỉm cười lắc đầu chào thua thằng bé.

Chợt có tiếng gọi quen quen:

– Bé Bầu!

Ai mà biết tên mình nhỉ?

Đoàn bơi đã đến bên chân cầu. Họ ngóc đầu lên chào gọi các em nhỏ:

– Chào các em!

– Các em có thích bơi không?

Bọn trẻ hò reo:

– Thích ạ!

– Các anh hay quá!

– Các anh dạy tụi em bơi với nhé!

– Vâng, sẵn sàng.

– Bây giờ chứ? - Bọn trẻ nôn nao.

– Không, vài hôm nữa.

– Tại sao?

– Khi các em đã sẵn sàng.

...

Trong khi đằng kia ríu rít thì ở góc cầu, Hải Sang nhoẻn miệng cười. Cái răng khểnh lộ ra giúp Bé Bầu nhận ra anh ngay:

– Thì ra là sâu chín đầu!

Hải Sang vẫn cười vui vẻ:

– Chào Bé Bầu!

Mắt tròn xoe ngạc nhiên, Bé Bầu hỏi trống không:

– Sao biết tên tôi?

Anh chàng vênh mặt:

– Có khó gì, vì là sâu chín đầu mà.

– Hứ!

Cái nguýt dài ném về phía Hải Sang làm cả đám con trai cười to. Hải Sang vẫn lý sự:

– Chứ gì! Bọn họ có một cái đầu nên làm sao biết tên cô? Cũng nhờ Hải Sang này chín đầu.

Cu Bi ngơ ngác lắng nghe và hỏi tò mò:

– Anh chị nói gì thế? Út chẳng hiểu gì cả.

Bé Bầu lắc đầu:

– Không có gì!

Thằng bé vẫn tò mò:

– Chị Hai quen anh ấy à?

– Không quen!

– Sao anh ấy biết tên chị?

Nghe Cu Bi nói, Hải Sang bật cười chen vào:

– Anh và chị có quen mà.

– Thật sao?

– Thật.

– Vậy mà chị Hai cũng giấu nữa.

Cu Bi nhìn sang đã thấy cô chị lườm mình. Hải Sang cũng không vô tình:

– Em tên Cu Bi à?

– Dạ. Còn anh?

– Anh tên Hải Sang.

– Các anh bơi thật đẹp. Em rất ngưỡng mộ.

Có tiếng gọi đằng xa:

– Anh Hải Sang! Bơi nữa không?

– OK.

Rồi anh chàng quay nhìn Cu Bi:

– Có muốn nhìn các anh biểu diễn không?

– Dạ có. - Thằng bé nhanh miệng đáp.

Hải Sang đưa còi lên miệng thổi “hoét” và ra lệnh:

– Lên cầu!

Không kịp phản ứng gì. Đoàn bơi mười mấy người đã phóng tọt lên bờ, mặc cho tiếng Bé Bầu la oai oái:

– Không được lên cầu! Không được lên!

Tiếng cô gái the thé nhưng không đủ sức ngăn cản các anh chàng cao khỏe kia. Họ đứng dài trên cầu trước tràng pháo tay nhiệt tình của bọn trẻ. Chỉ có Bé Bầu là đỏ rần cả mặt vì xấu hổ khi nhìn những gã kia trần trụi.

Cô nhắm nghiền mắt lại lầm bầm:

– Đê tiện, xấu xa!

Đến khi nghe tiếng “hoét” “bùm, bùm ...” thì cô mới dám mở mắt ra. Và cô quắc mắt nhìn Hải Sang:

– Sao anh dám đem những hình ảnh xấu xa đồi trụy ấy đến trước mặt bọn trẻ thế?

Anh chàng ngơ ngác:

– Ơ hay! Sao lại nói thế?

– Chứ gì nữa. Người đâu mà ... chỉ có ... một miếng vải che thân thế kia!

Hải Sang tức mình nhảy phóc lên cầu với bộ ngực trắng phau và vạm vỡ. Bé Bầu bất ngờ quá, nhắm tít mắt la to:

– Ơ! Anh làm gì thế, con sâu chín đầu. Trở xuống nước mau!

– Sao chứ! Thế này mà đồi trụy à? Bộ cô không xem trên tivi đó sao? Các cô gái thi hoa hậu cũng mặc thế này đấy thôi!

Bị đuối lý, Bé Bầu vẫn lên gân cổ:

– Nhưng người ta đẹp!

– Tụi tui có gì xấu chứ?

Bé Bầu tức giận mở to mắt vì đang ở tư thế ngồi, còn Hải Sang đang đứng trước mặt nên cái gì không nên nhìn cô cũng đã nhìn ...

Đôi má bầu bĩnh của cô càng đỏ hồng vì xấu hổ.

– Á ...

Cô đứng dậy vụt chạy vừa chạy vừa hét to:

– Sâu chín đầu! Anh sẽ biết tay tôi!

Đám trẻ được một phen cười nghiêng ngả. Hải Sang cũng buồn cười nhưng lại thích thú với cái bối rối đáng yêu của Bé Bầu.

...

Cô nàng quá xấu hổ chạy về gốc bần. Tức giận, cô ném mạnh mấy lá bần vô tội xuống dòng sông.

– Thật xấu hổ chết được! Anh sẽ biết tay tôi.

Mặt sông dờn dợn nước. Đám lá bần bập bênh theo con sóng, Bé Bầu đưa mắt nhìn theo:

– Hù!

Lần này cô nàng không giật mình nữa mà nhìn lại Hải Sang, lạnh lùng:

– Sao tôi đi đâu cũng gặp anh vậy?

– Vì cô ngồi mé sông, không phải muốn gặp tôi chứ là gì.

Bé Bầu hất mặt:

– Đến đây làm chi?

– Chơi.

– Không rảnh! Sâu chín đầu thì kiếm ... “hà bá” mà chơi đi.

Mỉm miệng cười tủm tỉm, anh chàng hỏi:

– Bộ Bé Bầu không nói nhỏ nhẹ với anh được sao?

Cô bé nhún vai giả vờ:

– Ủa! Nói nhỏ nhẹ là sao, tôi không biết!

Ra vẻ ẻo lả, Hải Sang cố giả giọng con gái kéo dài:

– Như ... vầy nè! .... Anh ơi! .... Anh ... từ đâu ... đến? Anh tên gì vậy?

Đang bực tức, Bé Bầu bụm miệng cười, nhưng vì sĩ diện cô nàng cố gằn giọng nhìn Hải Sang, hỏi:

– Anh làm như thế người ta tưởng ... anh là gì biết không?

Anh chàng ngơ ngác lắc đầu:

– Là gì? Hát tuồng hả?

– Không.

– Té giếng?

– Không.

– Vậy là gì?

– Pê-đê!

Hải Sang cứng miệng với câu trả lời tỉnh queo của Bé Bầu. Cô nàng được thế tấn công:

– Tôi thấy anh có khiếu lắm đó. Hay là ... anh đổi nghề đi!

Hải Sang vẫn ngơ ngác vụng về trước mặt Bé Bầu:

– Đổi nghề?

– Ừ. Đừng đi bơi nữa!

– Vậy chứ làm gì?

– Làm “chị”.

– Hả! Em nói đùa vui quá chứ!

– Hứ! Nói thật đó!

– Anh muốn về đây dạy cho bọn trẻ bơi mà!

– Xì! Không có các anh, thì chúng cũng biết bơi vậy.

– Thế à?

– Ừ, như tôi đây, các anh có dạy đâu, tôi cũng biết bơi nè!

– Ồ, thật sao?

– Rảnh lắm sao mà đùa với anh.

– Hay ... Bé Bầu ... thử anh xem!

Nghe Hải Sang nói,cô bé trợn mắt đứng phắt dậy:

– Anh thách tôi à?

– Ồ! Không!

Nhưng chợt nghĩ ra điều gì đó, Bé Bầu cười khịt mũi:

– Tôi không dễ mắc bẫy anh đâu. Đừng có hòng!

Bất chợt, Hải Sang thụp người chìm xuống nước chỉ kịp giơ hai tay lên như cầu cứu. Nghĩ rằng anh chàng bị chuột rút, Bé Bầu bối rối. Hắn đang ở cạnh mấy cái đáy mà ba cô vừa đóng và kêu cô canh giữ. Lòng thương người không cho phép cô trơ mắt đứng nhìn. Cô nhảy tõm xuống sông bơi ra ngoài xa để cứu Hải Sang.

Do không được huấn luyện bài bản nên cô nàng bơi rất vụng về và chậm chạp.

Gần đến chỗ Hải Sang giơ tay lên, cô bé đã mệt đứt hơi. Bỗng Hải Sang trồi đầu lên cười to:

– A ha ... Bé Bầu bị anh dụ rồi nhé!

Vừa mệt, vừa hoảng hồn, cô nàng chới với hụt chân ngộp nước. Cuối cùng, cứu người lại phải nhờ người cứu.

Cánh tay lực lưỡng của Hải Sang dang ra đón lầy thân hình nhỏ nhắn của cô bé. Anh đưa cô vào bờ mặc cho cô vùng vẫy và càu nhàu:

– Anh không được đụng vào tôi. Buông tôi ra! Không cần anh cứu đâu!

Bé Bầu càng vùng vẫy, Hải Sang càng siết chặt cô đưa vào bờ.

– Bé đừng làm anh đau chứ!

Bé Bầu được đẩy lên bờ nhưng vẫn thấy ấm ức khi nghe gọi bé này bé nọ:

– Đã bảo anh buông ra mà!

Vừa thở hổn hển, anh chàng vừa trêu chọc:

– Bộ em muốn làm dâu vua Thủy tề sao mà bảo buông?

– Hứ!

Hải Sang chộp lấy tay cô gái:

– Anh thử bỏ em xuống đây lần nữa xem bơi được không nhé.

Bé Bầu vụt tay khỏi Hải Sang.

– Ơ, vô duyên! Cũng tại ai mà tôi mới nhảy xuống dưới đó chứ?

Chợt thấy mắt Bé Bầu long lanh, Hải Sang thấy xao động, giọng anh chùng xuống:

– Xin lỗi! Anh chỉ muốn thử xem em biết bơi thật không mà thôi.

Giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt bầu bĩnh ướt sũng:

– Thử gì mà ác thế! Làm người ta sợ hết vía hà!

Hải Sang ngồi dưới gốc bần vừa cười vừa nói:

– Mà em cũng thương người quá đi chứ, làm anh xúc động quá!

– Hứ! Làm gì xúc động?

– Ờ, thì ... thấy em cũng ... thương ... anh.

Bé Bầu quệt dòng nước mắt chảy dài rồi nghênh mặt:

– Ai thương anh chứ?

– Chứ gì? Nếu không, em đã bỏ mặc anh rồi.

– Là ai, tôi cũng làm thế thôi.

– Vậy à! - Anh chàng ra vẻ tiu nghỉu.

– Vả lại ... tôi cũng không muốn anh chết ở dưới đó ...

Hải Sang lại sáng mắt lên vui vẻ:

– Thấy chưa? Em không nỡ mà!

Bé Bầu gắt một hơi:

– Không nỡ gì chứ? Anh có biết ba tôi đóng đáy đằng kia không? Anh mà rơi vào đấy thì coi như ba tôi phải mất cả chì lẫn chài luôn rồi, và chị em tôi sẽ sống làm sao chứ. Nếu thương người, anh làm ơn tránh xa nơi này ra và đừng cho mấy người kia đến gần đây nữa có được không vậy?

Hải Sang há hốc mồm nghe Bé Bầu nói. Anh chẳng hiểu gì về phong tục tập quán của những cư dân nơi đây cả. Quả thật những người đóng đáy tối kị về việc này. Chính vì thế ông Năm mới bảo con gái mình phải canh đáy và đề phòng.

...

Nhìn cái vẻ ngơ ngác của Hải Sang, Bé Bầu càng tức giận:

– Còn không về đi. Ở đây làm gì?

– Ơ ... - Anh chàng như mất phương hướng - Anh phải về đường nào?

– Tùy anh!

– Anh không nhảy xuống đó nữa đâu. Hay ... em chỉ đường về giùm anh đi.

Bé Bầu tấm tức đưa mắt nhìn Hải Sang nhưng cô lại cảm thấy ái ngại vì dẫu sao lúc nãy anh ấy cũng cứu mình. Cái va chạm đầu tiên với một người đàn ông khiến cô không thể nào quên. Bé Bầu đưa tay chỉ về lối mòn:

– Theo lối này anh sẽ ra đến cây cầu ban nãy.

– Vâng cảm ơn em!

Hải Sang nhanh nhẹn bước đi, chợt Bé Bầu gọi giật lại:

– Này!

Hải Sang quay lại nhìn cô, mỉm cười thân thiện. Còn cô bé thì chống nạnh bặm môi:

– Cười gì chứ!

Nhún vai Hải Sang đáp:

– Em vừa gọi anh?

– Ừ! Anh ăn mặc như thế đi trên bờ coi chừng ... bị chó rượt đấy!

– Phì ... Thế nữa sao? Đáng sợ thật!

Bé Bầu cũng mỉm cười nhìn Hải Sang đi khuất xa rồi cô cũng bước đi về nhà trong bộ đồ ướt sũng.

... Cu Bi đang ngồi chăm chú bên vở bài tập nhưng thỉnh thoảng nó chớp mắt nhìn chị Hai như muốn hỏi điều gì đó.

Thấy chị Hai và chị Ba đang ngồi đọc sách, nó phải cố gắng lắm mới khều chị và cung cánh tay gồng lên thật mạnh:

– Chị Hai thấy dạo này Út khỏe ra không này!

– Ừ!

– Nhờ bơi đó nha! - Thằng bé tiếp tục lý sự.

Thúy Hằng quay sang hỏi em:

– Út học bơi có vui không?

Mắt Cu Bi sáng rực:

– Vui lắm. Học đông lắm nha! Mà phải chi hôm trước chị đồng ý đi học với Út?

Thúy Hằng lắc đầu:

– Thôi, chị là con gái mà, cần gì học bơi!

Thằng bé ra vẻ hiểu biết triết lý:

– Chị Ba này thật là quê! Con trai con gái gì mà chẳng cần học. Các anh ấy bảo, học bơi rất có lợi cho ta đó nghen.

– Lợi gì nào?

– Lợi lắm chứ! Học bơi sẽ cho ta sức khỏe nè, cơ thể dẻo dai nè. Biết bơi sẽ có lợi cho ta nữa. Khi có lũ lụt, mình không sợ bị chết đuối nè, còn cứu được người nữa đó. Biết chưa?

Bé Bầu mỉm cưới tán thán:

– Chà! Đi học bơi, biết bơi chưa không thấy, mà xem chừng lẽ sự quá rồi đó nghen.

– Ừ. Mà chị Hai nè. Bộ chị thân với anh Hải Sang lắm hả?

Bé Bầu trợn mắt:

– Ơ ... thân hồi nào?

– Vậy sao ảnh hỏi thăm chị hoài vậy?

Bé Bầu bối rối:

– Ơ ... chị đâu biết ...

Sự lúng túng của chị càng làm cho Thúy Hằng lấy làm mục tiêu trêu ghẹo:

– A! Vậy là ... anh ấy để ý chị rồi đó nha!

Cu Bi vỗ tay lên đùi đinh ninh:

– Chắc luôn!

Gõ lên đầu hai đứa em, Bé Bầu mắng yêu:

– Con nít mà bày đặt nè!

Thúy Hằng vờ ôm đầu nói tỉnh queo:

– Em mười lăm tuổi rồi còn gì.

– Mười lăm là đã lớn à?

– Ừ ... thì ở đây có mình chị lớn thôi mà. Vì thế nên mới có người ... để ý.

Hihi ...

Bé Bầu vừa định giơ tay ký đầu Thúy Hằng, cô bé đã chạy nép sang một bên. Cu Bi muốn bênh vực chị Ba nên nhảy vào làm ra vẻ quan trọng:

– Chị Hai! Út nói nghe nè!

Bé Bầu ngừng tay đưa mắt nhìn thằng Út:

– Cái gì?

Thằng bé đưa tay sờ lên cằm ra vẻ suy ngẫm của một ông lão:

– Út thấy anh Hải Sang có tài lắm nha!

– Xì ...

– Chị biết anh ấy làm gì trong nhóm không?

– Làm gì?

– Đội trường đó nha. Oai lắm!

– Hừ! Tưởng gì. Thì cũng cỡ chức tổ trưởng của Út thôi mà.

Cậu bé gật đầu lia lịa:

– Dạ, đúng đó.

Bé Bầu vênh mặt tự tin:

– Nhưng lại thua xa chức lớp trưởng của chị Hai, đúng không?

Cả hai đứa em đưa mắt nhìn chị bĩu môi, đồng thanh nói:

– Thấy ghê chưa ...

Cu Bi tiếp lời:

– Mà Út thấy anh ấy tốt lắm nha!

Bé Bầu hơi khó chịu gắt:

– Làm gì mà ca tụng dữ vậy?

– Thiệt mà! Anh ấy còn tặng quà cho em nữa đó!

– Tặng quà?

– Dạ đúng. Chờ Út một tí nha!

Thằng bé chạy đến kẹt tủ lấy ra con diều và quả bóng chìa trước mặt:

– Xem nè? Anh Hải Sang tặng cho Út đó!

Bé Bầu nhăn nhó:

– Út! Sao dám nhận quà của người lạ? Ba biết được thì chết!

– Suỵt - Cậu bé đưa tay ra hiệu rồi nói thật khẽ - Bởi vậy, Út mới giấu nè!

Chị đừng nói lớn thế!

Bé Bầu bỗng hét to:

– Nhưng chị cũng không đồng ý!

Tiếng Bé Bầu hơi to đến nỗi ông Năm nghe thấy. Ông gằn giọng:

– Các con lo học đi đừng nói chuyện ầm ĩ thế!

– Dạ.

Ra đúng vẻ chị Hai, Bé Bầu vừa trả lời cha vừa hất mặt ra lệnh các em:

– Trở về vị trí học bài đi!

Thúy Hằng tiu nghỉu vì thất vọng. Cô bé rất thích cái diều hình nàng tiên cá kia nên nguýt em trai trước khi về chỗ ngồi:

– Sao không đưa chị coi sớm! Hứ!

Theo thường lệ, Bé Bầu ngồi cạnh Cu Bi, vì khi học cu cậu hay lo ra. Nhưng hôm nay lại khác, người lo ra lại là Bé Bầu chứ không ai khác. Cô nàng tò mò hỏi khẽ vào tai Cu Bi:

– Anh ấy hỏi thăm chị cái gì?

Thằng bé như được phép, nói rù rì:

– Ảnh hỏi đủ thử ... Nào là chị bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, trường nào, học hành ra sao ...

Bé Bầu lẩm bẩm:

– Hỏi gì như công an điều tra vậy.

– Ờ. Anh ấy còn hỏi chị có bạn trai chưa?

– Rồi Út trả lời làm sao?

– Thì ... có sao Út nói vậy.

– Là nói sao?

– Thì chị cũng có anh chung lớp để ý, nhưng chị không chịu vì chê anh ấy quê lại học dở ...

Chưa kịp nói dứt lời, một cái cốc đầu đau điếng đã rơi trên đầu Cu Bi, giọng cô chị the thé:

– Trời đất! Nhiều chuyện nè!

Ngồi ghế bên kia, Thúy Hằng đang liếc nhìn chị. Vừa áy náy vì nghĩ mình mắng oan em, vừa xấu hổ, Bé Bầu đứng lên vội bước ra ngoài sân nhìn vầng trăng sáng trên bầu trời đêm.

Bé Bầu cùng Cát Tiên thả tản bộ dưới hàng phượng già. Cát Tiên nhìn bạn hỏi:

– Cô giảng thế mà bà đã chọn được trường cho mình chưa?

Lắc đầu một cách vô vọng, Bé Bầu đáp gọn:

– Chưa.

– Lại chưa. Lần nào hỏi cũng thế. Ai người ta cũng chọn lựa hướng đi hết rồi.

– Mình biết chứ, nhưng còn đang lưỡng lự.

– Lưỡng lự gì?

– Nghề nào dễ kiếm tiền nhất?

Cát Tiên im lặng bước theo lối mòn. Giọng Bé Bầu vẫn đều đều:

– Quê mình làm việc quanh năm mà ai nấy chỉ đủ ăn. Mình muốn tìm một việc gì đấy có thể trở nên giàu có để giúp ba và nuôi các em ...

– Ước mơ cao cả đấy. Nhưng con người có số cả.

– Mình không tin vào số phận. Nhưng thực tế trước mắt, chị Ngọc Minh học ngành kinh tế về mà vẫn chưa tìm được việc làm thích hợp.

– Chị Ngọc Minh nào?

– Chị ở Xóm Tre đó.

– Ờ, biết rồi. Bởi vậy mới nói giày dép còn có số, huống gì con người.

– Số phận gì! Là do mình cả.

Cát Tiên phớt lờ:

– Mà mình là con gái, sau này tìm một tấm chồng giàu có là yên thân ngay.

Cần gì học nữa kia chứ.

– Nè, bà đừng nghĩ cạn thế. Không nên sống phụ thuộc vào chồng mà hắn khinh.

– Ừ, cũng phải!

– Phải có kinh tế độc lập để khi chồng sa cơ còn có đồng lương của mình đở đần chứ.

Cát Tiên trố mắt ngạc nhiên:

– Chậc chậc! Suy nghĩ sâu xa nhỉ! Mà đó là suy nghĩ của bà thôi. Chị Tuyết Lâm con bà Chín ở chợ đấy, có làm việc gì đâu mà cũng được chồng dẫn đi du lịch khắp nơi theo đoàn có hướng dẫn viên phục vụ đó thôi. Nghe đồn, chồng chị ta giàu có lắm.

Bé Bầu đăm chiêu suy nghĩ về một điều gì đó. Cô nàng không hứng thú tranh luận với Cát Tiên nữa. Đến lúc Cát Tiên khều vai, Bé Bầu mới giật mình:

– Nè! Bé Bầu!

– Hả?

– Nghĩ gì thế?

– Mình đã nghĩ ra một trường rồi!

– Hả? Trường nào?

– Trường nào đào tạo ngành hướng dẫn viên du lịch. Xã hội phát triển, nhu cầu du lịch giải trí của con người cao. Vả lại, nghề này mình còn tiếp xúc được nhiều người trong nước ngoài nước, đủ giai cấp nghề nghiệp. Tha hồ lựa chọn.

Gật đầu tán thành, Cát Tiến nồng nhiệt:

– Đúng rồi! Quả đúng là đầu óc lớp trưởng có khác!

– Thôi đi bà, quá lời rồi đấy!

Cát Tiên hóm hỉnh:

– Bầu ơi!

– Gì thế?

– Chắc đêm nay Tiên mất ngủ quá!

– Sao vậy?

Cái giọng đãi đằng của Cát Tiên vẫn dìu dặt:

– Đêm nay Tiên phải gác ... chân lên trán suy nghĩ về những lời Bầu nói. Và ...

Tiên sẽ khăn gói lên đường bám sát bên Bầu. Bầu chịu hôn?

Nhìn Cát Tiên eo éo, Bé Bầu chợt nhớ đến Hải Sang bên bờ sông hôm nọ.

Cô bật cười, thốt lên:

– Có anh em sao mà giống ghê vậy ta?

Cát Tiên lấy làm lạ vì câu nói chẳng ăn nhập gì của bạn, cô nàng nghi vấn:

– Anh em với ai?

Bé Bầu biết mình lỡ lời nên nói trớ lại:

– À, không! Tui nói là ... hai đứa chung ngành về giành giật việc làm của nhau thì mất tình anh em ... vậy đó!

Nghe cũng chí lý, Cát Tiên gật gù:

– Ừ, vậy mà tưởng bà bị .... hết hồn!

Bé Bầu quắc mất:

– Bị gì hả?

– Ừ, thì bị .... bà con với ... té giếng.

Vẫn cái thói chị Hai, Bé Bầu rượt đuổi Cát Tiên cù léc cho hả giận.

Đang cười rúc rích, cả hai phải dừng tay vì nghe có tiếng gọi:

– Bé Bầu! Bé Bầu!

Cả hai quay mặt nhìn. Thì ra là hắn với nụ cười quen thuộc.

– Ơ ... là anh à?

Hắn cười tít mắt:

– Chào em!

Thấy người lạ, Cát Tiên ngơ ngác, hỏi khẽ:

– Quen hả?

– Ừ, cũng ... hơi quen!

Cát Tiên phật ý bắt bẻ:

– Quen thì bảo quen, còn ... hơi hơi quen!

Hơi bị quê, Bé Bầu trừng mắt:

– Hừm!

Vốn cái tính dí dỏm, Cát Tiên lại rỉ nhỏ vào tai bạn:

– Trời ơi! Cười dễ thương ghê kìa! Lượm ở đâu mà đẹp trai phong độ quá vậy?

Bé Bầu cau mày nhìn bạn, mặt giận dữ:

– Nè, thôi nha!

Không để ý đến thái độ của Bé Bầu, Cát Tiên trờ tới bên Hải Sang nghịch ngợm:

– Chào anh! Rất vui được gặp anh! Em tên là Cát Tiên. Còn anh tên gì?

Hải Sang đáp lời lịch sự:

– Chào Cát Tiên! Tên em đẹp lắm. Anh tên Hải Sang.

– Ồ! Tên anh cũng đẹp nữa!

Bé Bầu đứng lên tức giận ra chiều tự ái:

– Ừ, ở đây có mình tôi tên xấu hà!

Rồi cô nàng giận dỗi quay mặt bỏ đi.

Hải Sang đuổi theo bối rối:

– Bé Bầu! Bé Bầu! Chờ anh với!

Anh đuổi theo kịp nắm lấy bàn tay Bé Bầu:

– Anh có chuyện ...

Chưa nói hết câu, Bé Bầu vung mạnh tay Hải Sang ra làm anh chới với:

– Tên tôi xấu lắm, đừng gọi giữa đường như thế!

Cát Tiên cũng đứng bên cạnh Hải Sang, cười giả lả:

– Kìa, Bầu! Giận tụi tui sao? Mà trước giờ bà đâu có thế, sao nay lại vô cớ bắt bẻ hà!

Bé Bầu cộc lốc:

– Kệ tui!

– Thôi mà! Lần đầu anh Hải Sang đến, bà làm thế, ảnh giận đi về luôn đó!

– Sao bà biết lần đầu?

Thấy mình nói sai thật, Cát Tiên bặm môi im lặng như biết lỗi.

Hải Sang lên tiếng:

– Không sao đâu, Cát Tiên. Anh đã quen nhìn Bé Bầu như thế rồi.

– Nhưng ...

Không để sự việc tệ hơn, Hải Sang nhỏ nhẹ nói:

– Xin lỗi Cát Tiên, anh có chút chuyện riêng cần gặp Bé Bầu. Em cứ về trước, hẹn gặp em lần khác.

Lời nói của Hải Sang đã chặn cứng miệng Cát Tiên. Cô nàng đành phải cáo lui:

– Vậy ... hai người cứ tự nhiên nha! Em chào anh Hải Sang!

– Vâng, chào Cát Tiên!

Trước khi rời khỏi, cô bé nghịch ngợm không quên véo nhẹ vào hông Bé Bầu rồi quay mặt đá lông nheo với Hải Sang thật lẳng lơ.

Hải Sang chỉ biết mỉm cười rồi lắc đầu:

– Bạn thân em sao, Bé Bầu?

Cô nàng vẫn cộc lốc:

– Ừ. Thì đã sao?

– Bạn thân mà sao trái ngược hoàn toàn thế?

Câu nói của Hải Sang có thể gây hiểu nhầm cho người đối điện. Bé Bầu tròn mắt hỏi lại:

– Ý anh muốn gì?

Hải Sang vụng về giải thích:

– Ơ ... ý của anh là sao tính tình hai người khác hẳn vậy. Giá như ... em có một chút dịu dàng của cô ấy và bỏ đi một chút ...

– Thôi, thôi! Kệ tui. Tui là như vậy đó, nếu không thích thì xin tránh xa.

– Nhưng ... anh lại thích ... đến gần!

– Không phải anh đến chỉ để chê tui này nọ chứ?

– Ồ không! Anh cố tình đến đây ...

– Sao anh biết ở đây?

– Hỏi thì biết!

À, thì ra lại là cái tật bép xép của thằng Cu Bi. Cũng tốt, dù sao cô cũng muốn gặp anh. Bé Bầu vênh mặt nhìn Hải Sang:

– Có phải hôm nọ anh mang về một con diều và một quá bóng đến dụ nó không?

Hiểu ngay là cô nàng muốn nói tới Cu Bi, Hải Sang trả lời:

– Em muốn nói tới cậu Út đấy à? Phải, là của anh. Nhưng anh không có ý dụ.

– Còn chối hả?

– Không. Đó là sự thật.

– Anh đã hỏi nó đủ điều.

Hải Sang chối phăng:

– Không ...

– Có mà!

– Không! Anh đã hỏi gì nào?

– Anh hỏi ...

Thấy hơi ngại miệng, Bé Bầu im lặng bối rối trông thật dễ thương. Hải Sang nhẹ giọng:

– Anh biết buổi chiều nay em còn bận học ... nên anh cố tình đến ...

– Thấy chưa? Còn bảo là không! Anh đã điều tra tôi như một kẻ tội phạm.

Ánh mắt nhìn cô tha thiết, Hải Sang thừa nhận:

– Anh ... chỉ muốn tìm hiểu ... về em thôi mà!

Bé Bầu bối rối, cô nghe tim mình xáo trộn. Cảm giác ấy chưa từng có trong cô bao giờ. Cô muốn kiềm chế tim mình nhưng không sao làm được. Giọng cô chùng xuống:

– Khi không tìm hiểu người ta ...

– Anh ... thấy thích em.

Hải Sang nhìn cô say đắm, cái nhìn ấy càng làm tim Bé Bầu đập mạnh, má ửng hồng khiến cô càng xinh xắn.

– Tôi ... tôi ...

– Em cho anh được làm bạn của em nhé!

Bất giác, Hải Sang nắm lấy tay Bé Bầu làm cô cảm thấy sợ hãi.

– Không, không được! Em ...

– Sao thế, Bé Bầu?

Cô rụt tay ra khỏi Hải Sang. Bé Bầu chẳng phải là cô bé nhẹ dạ. Cô đề phòng tất cả các chàng trai đến gần mình. Cô còn e ngại hơn bởi Hải Sang là một người xa lạ, một chàng trai thành phố. Cái máu háo sắc lúc nào cũng có trong bọn con trai. Và còn vì một lý do nữa, cô rất sợ khổ vì tình.

Miệng cô lắp bắp:

– Em ... em chưa nghĩ đến chuyện ấy!

– Sao thế! Chúng ta chỉ là bạn thôi mà!

– Không! Em muốn mình thanh thản, không lo nghĩ vu vơ.

– Thì em đừng lo nghĩ.

– Được sao? Mà chúng ta hai người xa lạ, không hợp tính tình, đừng mong kết làm bạn.

– Ai bảo là ta không hợp tính tình?

– Linh cảm mách bảo như thế. Anh về đi!

– Nhưng anh ...

Giọng Bé Bầu dứt khoát:

– Em tự thấy mình chưa đủ lớn để nhận lời làm bạn với một người như anh.

Hãy cho em thời gian. Nếu có duyên, nhất định chúng ta sẽ gặp lại.

Hải Sang cúi đầu lặng lẽ:

– Anh định đến để ... từ biệt em.

Bé Bầu chợt thấy xót xa nhưng cố gượng giọng:

– Thế à?

– Ngày mai đoàn bơi sẽ trở về thành phố.

– Và anh cũng trở về với cuộc sống cũ ... bên người yêu cũ ...

Hải Sang không phủ nhận, anh thoáng buồn nhưng lại thầm thán phục. Một cô gái chân quê hằng ngày cộc lốc và dữ dằn, lại hiền dịu và suy nghĩ chín chắn như thế. Anh lặng im đi bên cạnh Bé Bầu để nghe lòng mình đang thật sự một cảm giác yêu đương dâng tràn mà đối với Mộng Giang trước đây chưa từng có ...

– Gặp nhau lần này rồi biết bao giờ mới lại gặp. Phải không anh Hải Sang?

Hải Sang vẫn im lặng vì anh cũng chẳng biết. Anh hãy còn dở dang năm học cuối trường Đại học Thể dục Thể thao. Công việc học, công việc làm thêm biết có cho phép anh trở lại vùng quê này không.

Cố gượng cười Hải Sang đáp:

– Như em vừa nói:

“Có duyên chắc chắn ta sẽ gặp nhau!”.

Cô bé phì cười:

– Dù sao cũng phải nói lời cảm ơn đến các anh. Các anh đến đã mang theo một luồng gió mới. Bọn trẻ nơi đây vui hơn và người lớn thì yên tâm hơn. Các anh đi rồi chắc sẽ có nhiều người nhớ ...

Hải Sang chợt hỏi:

– Thế ... em có nhớ anh không?

Bé Bầu đỏ mặt mỉm cười đánh trống lảng:

– Chắc Cu Bi sẽ nhớ anh nhiều hơn!

Rồi cả hai phì cười, bước dưới bóng mát những tán cây già, mỗi người chạy theo dòng suy tưởng của mình ...

Hải Sang nằm dài trên chiếc giường nệm nền xanh lơ. Căn phòng được bài trí gọn gàng và ngăn nắp. Đó là cách bài trí của bà Hoa Lệ, mẹ chàng.

Mặc dù trong nhà cũng có người làm, nhưng có vẻ bà quá kỹ tính nên chẳng hài lòng ai. Vốn là chủ của một doanh nghiệp trang trí nội thất nên bà càng thích thú với việc chăm chút, điểm tô cho gian phòng của hai đứa con thân yêu của mình.

Khác hẳn với phòng Hải Sang, căn phòng Thiên Kim vô cùng lộng lẫy mang rõ cái chất con gái nhẹ nhàng, yểu điệu. Mặc dù Thiên Kim đi du học đã khá lâu nhưng lúc nào căn phòng cũng sạch sẽ và ấm cúng. Mùi hoa tươi luôn thoang thoảng là điểm đặc biệt cỏa gian phòng này.

Hải Sang đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia, mặt trời lên khá cao. Cái rộn rịp của thành đô đã trở nên bình thường đối với anh. Chỉ có điều khác lạ là từ ngày đi thực tế trở về, đầu óc anh cứ mơ hồ nghĩ về một vùng quê an lành và hình ảnh cô thôn nữ với đôi gò má bầu bĩnh, cái mũi xinh xinh đang nhìn anh bối rối.

Sự tinh khôi e ấp ấy không dễ gì tìm kiếm được ở các cô gái thành phố này.

Đang mơ về một hình ảnh đẹp chợt có tiếng gõ cửa. Anh vùi đầu xuống gối để tiếp tục theo đuổi ảo ảnh. Ngoài kia, bà Hoa Lệ giọng ngọt ngào:

– Hải Sang ơi! Con dậy chưa?

Giả giọng lè nhè, Hải Sang lên tiếng:

– Dạ.

Bà Hoa Lệ đẩy cửa bước vào, giọng đon đả:

– Con trai mẹ hư quá đi! Biết bây giờ là mấy giờ rồi không vậy?

Liếc nhìn chiếc đồng hồ trên bàn, anh chàng trả lời tỉnh queo:

– Mới mười giờ mà mẹ!

– Trời đất! Con đáp nghe tỉnh bơ quá há! Mới mười giờ!

– Hôm nay là chủ nhật mà mẹ!

– Mọi khi con siêng năng thể thao lắm kia mà! Bộ về quê cực khổ lắm sao mà mẹ thấy mấy hôm nay con về coi có vẻ uể oải quá vậy? Cứ nằm ì ra hoài.

Hải Sang không trả lời. Anh kéo lấy chăn trùn kín lên đầu định ngủ tiếp, nhưng bà Lệ đã đến bên cạnh vỗ về:

– Con dậy đi! Mộng Giang đang chờ con dưới lầu.

Giọng anh chàng nhừa nhựa:

– Mẹ cứ bảo con ra ngoài giùm.

– Ơ, sao được! Mẹ đã lỡ bảo con bé chờ rồi.

Hải Sang ngồi bật dậy nhăn nhó:

– Ái chà! Vậy thì mẹ xuống tiếp đi.

Bà Hoa trợn mắt:

– Ơ hay! Nhưng Mộng Giang là người yêu của con mà. Các con lại làm sao rồi?

– Có sao đâu mẹ! Mà ai bảo mẹ, Mộng Giang là người yêu của con vậy?

– Ơ ... chẳng phải tụi con đang cặp bồ với nhau ư?

– Bồ bịch gì không biết nữa à!

– Vậy sao tụi con vẫn thường hẹn hò kia mà!

– Mẹ ơi! Có chàng trai nào lại từ chối chở cô gái đẹp đâu ạ!

Bà gõ đầu con và mắng yêu:

– Cũng có cái máu của ba cậu à! Thôi, tắm đi rồi xuống dưới, để Mộng Giang chờ.

Không để Hải Sang phản ứng, bà bước ra khỏi phòng, trong lòng đinh ninh:

– Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén thôi.

...

Hải Sang trong bộ đồ thể thao trắng trông thật cuốn hút bởi cái dáng khỏe mạnh của anh.

Mộng Giang đang sốt ruột ngồi chờ. Vừa thấy Hải Sang, cô nàng mừng rỡ:

– Anh Hải Sang sướng ghê!

– So bì gì nữa đây?

– Thì anh đó, lúc nào cũng được mẹ cưng chiều.

– Thì em cũng có thua gì anh chứ?

– Thôi, không thèm so bì với anh nữa.

– Hôm nay em rảnh sao?

– Anh còn hỏi? Sao anh trở về thành phố mà không gọi điện cho em?

– Ờ ... tại anh không khỏe.

– Báo hại ... em trông tin anh muốn chết được.

Hải Sang cười khịt mũi:

– Có nên tin không đấy!

– Sao lại không?

– Chứ chẳng phải em cũng rất bận bịu với nhũng chàng trai bu quanh em sao?

Mộng Giang lúng túng khỏa lấp:

– Làm gì có! Em chỉ có mình anh thôi.

Hải Sang chồm sát người Mộng Giang, nói khẽ:

– Anh có tai mắt đấy!

Cô nàng đỏ bừng mặt xấu hổ.

Hải Sang nói tiếp:

– Nhưng chẳng sao. Chúng ta sống trong thời buổi hiện đại mà. Anh không hề ràng buộc em gì cả.

Mộng Giang chợt bật cười:

– Vâng, tất nhiên rồi. Mà dẫu anh có muốn “ràng” em cũng không làm sao được.

Rồi cô sà vào lòng Hải Sang ẻo lả:

– Anh không định ra ngoài sao mà ăn mặc như thế này?

– Đi đâu?

– Ờ ... hay mình đi biển nha!

– Để làm gì?

– Đổi gió. Tắm biển chiều.

Hải Sang vờ ngẩn người ra ghế để tránh bớt tiếp xúc với da thịt và mùi thơm sực nức trên người Mộng Giang.

– Ôi dào! Anh đây ngán nước tới mũi rồi, còn bảo anh ra biển.

– Vậy tối nay anh chở em đến vũ trường đi. Chắc chắn anh sẽ thích.

– Phải. Nhưng hiện giờ anh mệt lắm, chỉ muốn ngủ thôi.

– Anh ăn sáng chưa?

– Chưa.

Cô kéo tay Hải Sang hối thúc:

– Đi theo em. Em chở anh đi ăn sáng nha. Em mới phát hiện một nhà hàng ngon tuyệt.

– Anh ...

– Còn gì nữa?

Vừa nói, Mộng Giang đã kéo tay anh ra tận cửa và nói vọng vào nhà:

– Bác ơi! Tụi con ra ngoài đây!

Cách cư xử quá thân mật suồng sã của cô khiến Hải Sang rất khó chịu. Anh chợt đem so sánh giữa hai cô gái, Bé Bầu vẫn luôn ưu trội hơn. Anh chợt khựng lại tìm cách từ chối:

– Nhưng ...

– Nhưng cái gì?

– Ờ ... Chẳng lẽ mặc đồ như thế này ra ngoài?

– Ôi! Không sao đâu! Với em, anh như thế cũng rất OK rồi. Lịch lãm và cuốn hút lắm!

Không để Hải Sang phản ứng gì nữa, Mộng Giang đã đẩy anh vào xe và ra hiệu tài xế chạy nhanh.

M ột mùa thi đã trôi qua nhanh. Giờ là lúc các thí sinh đang nôn nao chờ đợi kết quả học tập của mười mấy năm dài.

Khác hẳn với tâm trạng hồi hộp ấy, Bé Bầu có vẻ ưu tư và chán nản.

– Bầu ơi! Bầu ...

Giọng Cát Tiên hổn hển ngoài cửa:

– Tin vui nè ... Ra đây nhanh đi! ....

Cát Tiên thở phì phò nhưng nhìn thấy Bé Bầu thờ ơ nên trách móc:

– Xem kìa! Vui lên chứ! Bầu đã đậu rồi nè? Xém thủ khoa đó nghen.

Cô chìa hai cái phiếu báo trúng tuyển ra, miệng tíu tít:

– Tớ cũng được học chung với cậu nữa đó.

Bé Bầu vẫn không vui. Cầm mảnh giấy trên tay mà lòng sầu trăm mối. Cơm, áo, gạo, tiền đã ràng buộc cô mất rồi. Làm sao để có thể tung bay theo khoảng trời mơ ước của mình đây. Thấy bạn ưu sầu, Cát Tiên lắc nhẹ tay:

– Bé Bầu sao thế? Thi đậu mà không vui à?

Giọng cô nàng buồn xo:

– Vui à? Giờ mình cũng không biết nên vui hay nên buồn?

Đưa mắt nhìn vào nhà, ông Năm vẫn nằm yên trên giường như một người đang ngủ say, Cát Tiên chùng giọng hỏi:

– Bác vẫn chưa khỏe hả Bé Bầu?

Cô lắc đầu ảo não:

– Bị bán thân bất toại, bác sĩ bảo là cũng còn rất may. Giờ thì chỉ còn chờ vào nghị lực tập luyện của ba.

Cát Tiên gật gù ra chiều quan trọng:

– Chỉ là cảm sương thôi mà, thật là nguy hiểm nhỉ!

Bé Bầu sụt sùi:

– Cũng tại mình quá bất cẩn không nhắc nhở ba. Hôm mình đỗ tốt nghiệp, ba vui lắm nên mới lai rai cùng bác Chánh nhà bên. Tối về, ba nói nóng nực mới ra hành lang ngủ ... không ngờ ...

Nỗi bất hạnh ấy, Cát Tiên rất hiểu. Nhưng dầu sao Bé Bầu vẫn còn may mắn hơn cô, bởi ông Năm vẫn còn ở bên cạnh các con, vẫn còn hơn ba mẹ của Cát Tiên đã ra đi cả vì một tai nạn trên sông. Cuộc sống tạm bợ của cô phải nhờ vào người cậu và vài người bà con thương xót. Thế nhưng để sống với người mợ ích kỷ, Cát Tiên phải trở nên chai sạn, lì lợm lắm thì mới có được sự yên ổn ...

Cát Tiên nắm tay Bé Bầu, mắt long lanh:

– Cậu đừng buồn nữa. Bé Bầu! Hãy cố gắng lên, rồi chúng ta sẽ vượt qua khó khăn này!

– Chắc là mình phải bỏ lỡ việc đi học tiếp, Cát Tiên ạ!

Cát Tiên thảng thốt:

– Làm sao có thể ra đi trong lúc nhà gần như chẳng còn đồng nào. Ba lại chưa phục hồi, hai đứa nhỏ còn quá vô tư ...

– Cát Tiên có hơn gì Bé Bầu kia chứ. Mình còn chưa nghĩ ra lấy tiền đâu để đi học. Nhưng.. mình nhất định sẽ ra đi vì tương lai của mình!

– Rồi bà sẽ sống ra sao?

– Chưa biết ... nhưng nghe nói thành phố là nơi phồn thị, ta có thể đi làm để nuôi sống mình ...

Không khí im lặng trùm lên căn nhà nhỏ. Hai cô bạn đang chạy theo hai suy nghĩ trái ngược nhau. Cát Tiên bây giờ dường như chiếm hết cái đức tự tin, quyết đoán thấu đáo của Bé Bầu dạo trước. Và Bé Bầu giờ trở thành con bé rụt rè, nhút nhát tự ti.

Cát Tiên nhìn Bé Bầu, thuyết phục:

– Bà nên nghĩ cho kỹ, Bé Bầu ạ! Cơ hội không dễ đến với chúng ta, cho nên chúng ta phải nắm chặt lấy nó. Chỉ có đi học tiếp mới mong thoát khỏi cuộc sống âm u và nghèo nàn này.

Phải rồi! Đây chẳng phải là suy nghĩ của Bé Bầu ngày trước là gì. Sao giờ đầu óc cô quay cuồng như thế này, cô không nghĩ ra được gì nữa.

Thúy Hằng và Cu Bi uể oải về đến. Bọn chúng phải thay ông Năm mà kiếm ăn qua ngày. Thúy Hằng ngồi xuống bên hiên tò mò:

– Ngoài kia, em nghe người ta xôn xao về kết quả thi đại học đó, hai chị.

Bé Bầu chậm rãi chìa phiếu báo điểm cho em. Thúy Hằng liếc nhìn nhanh rồi reo to:

A! Chị Hai đỗ rồi!

Đưa tay ngoắc nhanh Cu Bi, Thúy Hằng nói như thông báo:

– Út xem nè! Chị Hai học giỏi ghê chưa?

– Cho Út xem với!

Thằng bé đưa tờ giấy trước mặt nhìn thích thú:

– Chị Hai đậu đại học à?

Thúy Hằng vụt trả lời:

– Tất nhiên!

– Học ở đâu vậy chị Hai?

– Dĩ nhên là ở thành phố Hồ Chí Minh rồi. Còn phải hỏi!

Nghe Thúy Hằng trả lời, thằng bé nũng nịu:

– Thật sao chị Hai?

Bé Bầu không trả lời mà hỏi em:

– Vậy, nếu là thật, Út thấy sao?

Cu Bi lắc đầu nguầy nguậy:

– Chị Hai đi rồi buồn lắm.

Cát Tiên nghe thế mỉm cưới xoa đầu cậu em:

– Thì còn chị Ba ở nhà.

Chu cái môi đỏ hồng, mắt thằng bé long lanh:

– Thôi, chị Ba chỉ ăn hiếp Út thôi hà!

Giơ tay định cốc đầu Cu Bi, Thúy Hằng gằn giọng:

– Gì nào? Chị ăn hiếp hồi nào?

– Đó đó, thấy chưa? Chị đánh Út kìa!

Thằng bé khôn ngoan chạy trốn sau lưng Bé Bầu. Cô vừa cảm thấy buồn cười lại vừa cảm thấy thương hai đứa em thơ.

Thúy Hằng là cô bé nhạy cảm, thấy nét mặt chị thay đổi, nó hiểu chị đang nghĩ gì. Nó dịu giọng kéo tay em đến dỗ ngọt:

– Thôi nào, Cu Bi đừng như thế! Chị sẽ không ăn hiếp Cu Bi nữa, chịu không?

– Ư ...

– Út phải ngoan nào. Để chị Hai còn yên tâm đi học.

– ...

– Này! Để chị Hai làm hướng dẫn viên du lịch, sau này về sẽ dẫn chị em mình đi du lịch. Được chưa nào?

Thằng bé như chưa tin lời chị Ba, nó đưa mắt nhìn Bé Bầu, cần lời xác nhận:

– Phải vậy không chị Hai?

Bé Bầu xót xa trong lòng, cô không trả lời, đưa mắt liếc nhìn chỗ ba cô nằm.

Thúy Hằng nhìn theo ánh mắt chị. Cô bé hiểu lắm ánh mắt lo âu của chị. Có nhiều đêm nó giật mình thức giấc, thấy chị ngồi bên cạnh ba mà nước mắt tuôn tràn. Thúy Hằng đến nắm tay chị an ủi:

– Chị Hai! - Nó gục đầu vào vai chị - Chị cứ yên tâm đi học, ở nhà em có thể lo được cho ba và Út mà ...

Vuốt lên mái tóc đen dài của em, Bé Bầu nói:

– Chị cám ơn em. Nhưng làm sao chị an tâm cho được. Em còn quá nhỏ. Việc học hành còn dang dở. Chị muốn em được học hành đến nơi đến chốn, có nghề có nghiệp vững vàng ...

– Còn chị?

– Chị sẽ ở lại với ba và các em.

Cát Tiên thảng thốt vì ý định của Bé Bầu vẫn không thay đổi. Cô định mở miệng ngăn cản nhưng Thúy Hằng còn nhanh miệng hơn:

– Không được! Chị Hai! Chị đang tính toán gì thế?

– Chị muốn tốt cho các em thôi!

Giọng Thúy Hằng phân trần:

– Tốt cho tụi em mà chị phải bỏ lỡ cơ hội của mình sao?

– Chị không quan tâm.

– Chị Hai? Đậu Đại học là mong muốn của biết bao nhiêu người đó! Chị bỏ hết để lo cho hai đứa em đi học. Rồi thì sao? Khi em lên lớp mười hai thì sao?

– Chị sẽ lo tiền cho em đi học.

– Chị nghĩ em sẽ đành lòng sao?

Bé Bầu im lặng nhìn em. Thấy Thúy Hằng nói có lý, Cát Tiên tán thành:

– Thúy Hằng nói đúng rồi đó Bé Bầu, hãy nghĩ lại đi.

Bé Bầu vẫn im lặng suy tư. Giọng Thúy Hằng tha thiết bên tai:

– Chị Hai! Tụi em đâu còn nhỏ nữa. Em có thể lo cho ba được mà! Chị đừng để tụi em khi lớn lên phải khó xử và cảm thấy ân hận ...

– Thôi được rồi! Thúy Hằng đừng nói nữa! - Bé Bầu cắt ngang lời Thúy Hằng – Chị hơi mệt. Chị muốn nghỉ ngơi. Các em tắm rữa rồi ăn cơm đi nhé!

Thấy chị quyết đoán, Thúy Hằng cũng không dám cãi lời. Cô bé ngần ngại dẫn Cu Bi vào trong. Nhận thấy mình cũng không nên ở lại, Cát Tiên lên tiếng:

– Mình cũng về đây, Bé Bầu ạ!

Trước khi về, cô không quên quay mặt nhắc nhở:

– Bé Bầu nên suy nghĩ thật kỹ rồi hãy quyết định nhé!

– Cám ơn Cát Tiên!

Cát Tiên đi rồi, chỉ còn Bé Bầu ở lại với không gian vô tận. Tiếng chim ngoài kia vẫn kêu ríu rít nhưng hôm nay như có vẻ hoảng loạn và xáo trộn như chính tâm trạng rối bời của cô.

Bầu trời hôm nay trong xanh, ánh nắng vàng xuộm ấm áp lạ thường. Bé Bầu khoan thai xách hành lý lên đường.

Cuối cùng thì mọi âu lo của cô cũng được giải tỏa. Điều làm cô vui sướng và thanh thản nhất là ba cô cũng tỉnh lại. Mặc dù ông không được khỏe hẳn, đi lại hơi bất tiện, nhưng ông đã nói được, ông nhìn được. Cũng chính vì lời khuyên răn của ông mà Bé Bầu mới yên tâm đi học tiếp.

Ngồi trên xe, cô nhớ như in giọng nói yếu ớt, cứng đờ của ba:

– Con nghe lời ba, cố gắng học tiếp. Đừng bỏ lỡ công sức mà ba đã bỏ ra suốt mười tám năm qua ... Ba vui vì con đỗ đạt, nhưng lại tiếc vì ba ra nông nỗi này ... Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng cố gắng để xứng đáng là con gái của ba ...

Cô vô cùng thương ba, bởi ông là một con người đôn hậu chất phác và yêu thương lo lắng cho con hết mực. Thật hạnh phúc cho cô vì may mắn được làm con của ông.

Bé Bầu bâng quơ nhìn ra cửa sổ. Một phụ nữ trung niên đứng bên đường đón xe. Trông chị ấy thật sang trọng trong chiếc áo màu đỏ rất hợp thời làm nổi bật làn da trắng.

Xe dừng, chị bước lên xe trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Là một cô bé quê mùa, Bé Bầu nhìn chị như một gã con trai háo sắc, càng nhìn càng say. Đến nỗi chị tiến đến kế bên mà cô cũng không hay. Chị mỉm chi cười, nhìn Bé Bầu, cất giọng nhẹ nhàng:

– Chị ngồi đây được chứ?

– Dạ .... dạ được chứ ạ!

Chị ngồi cạnh Bé Bầu, một mùi hương nhè nhẹ cứ thoang thoảng thật dễ chịu. Ngồi được một lúc, chị quay sang bắt chuyện:

– Em đi học à?

– Dạ.

– Em học ngành gì?

– Dạ, Du lịch ạ.

– Ồ, thích nhỉ!

– Dạ.

Bé Bầu cười xòa. Thấy chị kia vui vẻ, Bé Bầu cũng hỏi xã giao:

– Chị đi đến đâu ạ?

– Chị lên thành phố.

– Quê chị trên ấy ạ?

– Không! Chị làm ăn trên ấy. Còn em, quê ở đâu?

– Tiền Giang ạ!

– Ừ. Đến nơi ấy chủ yếu là du lịch miệt vườn, đúng không?

– Dạ, đúng. Nhất là chị sẽ được ngồi trên xuồng ba lá đi dọc theo các con rạch với hàng cây trĩu quả ạ!

Chị phì cười nhìn Bé Bầu:

– Em học mấy năm rồi?

Bé Bầu phùng má lắc đầu:

– Em là tân sinh viên ạ!

Chị ngả chếch người ra sau, hơi ngạc nhiên:

– Ồ! Thế mà chị tưởng ... em học năm cuối chứ!

Hơi nhíu mày, Bé Bầu thắc mắc:

– Sao chị nghĩ thế ạ?

– Ừ, vì em nói chuyện cứ y như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Cô bé cúi đầu bẽn lẽn vì lời khen và đáp khe khẽ:

– Cảm ơn lời khen của chị ạ!

– Em tên gì?

– Dạ, Bé Bầu ạ!

Nghe trả lời, chị có vẻ thảng thốt:

– Hả?

– Dạ, em tên Bé Bầu.

– Bé Bầu?

– Dạ.

– Đó là tên gọi ở nhà của em đúng không?

– Dạ không ạ. Tên khai sinh đấy.

Chị che miệng cười lịch sự:

– Cái tên của em cũng dễ thương như khuôn mặt của em vậy.

Bé Bầu cười tít mắt:

– Mẹ bảo lúc nhỏ mặt em rất bầu bĩnh nên đặt tên ấy cho em.

– Chị tên Khả Yên.

– Tên chị đẹp lắm!

– Thế em có ... thấy hơi xấu hổ với cái tên Bé Bầu không?

– Dạ không ạ! Dẫu sao đó cũng là tên mẹ ba đặt cho mình. Em không buồn gì cả, trái lại đôi lúc còn cảm thấy rất vui.

– Sao vui?

– Chị biết không? Nhiều lúc mấy bạn em cứ gọi tắt “Bầu ơi, Bầu à”. Có hôm ra chợ, chúng cũng gọi như thế, chị biết chuyện gì xảy ra không?

Chị Khả Yên mỉm cười:

– Không. Chuyện gì?

– Mấy bác đi chợ cứ nhìn chằm chằm vào mặt rồi vào bụng của em. Có người còn khó tính đến mức bảo:

“Con nít con nôi mà bày đặt bầu với mướp!”.

Hai chị em cười khúc khích. Bỗng nhiên Bé Bầu cảm thấy mình đối xử quá tự nhiên với một người xa lạ. Bé Bầu chợt khựng lại, nhưng Khả Yên thì cảm thấy con bé thật ngây thơ và vui tính. Cô chợt nhớ về tình cảnh của mình, tuổi trẻ bồng bột của mình ...

Chợt tiếng nhạc reo réo rắt. Khả Yên cầm điện thoại lên nói với giọng nhẹ nhàng:

– Dạ, em nghe, anh ạ.

– ...

– Em đang về đây.

– ...

– Anh không đi rước thì em phải đi xe đò vậy.

– ...

– Thôi được, anh bận thì em tha cho anh đấy. Về sẽ gặp anh nhé!

– ...

– Vâng. Chào anh.

Trong lúc Khả Yên nói chuyện, Bé Bầu tranh thủ quan sát kỹ người phụ nữ ấy. Chị trạc ba mươi lăm tuổi. Nét mặt trang điểm khá kỹ. Đôi mày tươm tất và đôi mắt rất đa tình. Đặc biệt là đôi môi mọng, đỏ hồng đầy sức sống của chị là nổi bật. Đôi bàn tay chị trắng trẻo và đầy đặn, móng tay không đỏ mà là màu hồng phấn nhẹ nhàng. Bé Bầu thầm nghĩ:

– Chắc chị Khả Yên là một người trí thức!

Kha Yên tắt máy thở dài.

– Chắc ... chị hạnh phúc lắm? - Bé Bầu tò mò.

– Sao Bé Bầu hỏi thế?

– Nghe cách nói chuyện, em nghĩ chắc ... chồng chị thương chị lắm!

Khả Yên có một chút xót xa. Cô lặng yên không trả lời mà đánh trống lảng:

– Trường của em ở đâu?

– Dạ .... Tân Bình ạ!

– Ồ, thế à! Em trọ ở đâu?

– Dạ .... chưa biết ạ. Trước mắt em có hẹn với nhỏ bạn. Tụi em sẽ tìm một chỗ ở ổn định.

– Nhà chị cũng ở Tân Bình. Tiếc là ... cách xa trường em lắm!

– Thế ạ? Chị có thể cho em địa chỉ không? Khi nào có dịp, em sẽ đến thăm chị.

– Ồ, chị rất vui được đón tiếp em. Đây là địa chỉ của chị.

Khả Yên đưa cho Bé Bầu cái danh thiếp. Cô bé đón nhận một cách trân trọng và cất cẩn thận vào cặp xách:

– Nhất định em sẽ tìm chị!

– Thật chứ!

– Thật. Em lên đây cũng chẳng quen ai nên ... chắc buồn tẻ lắm!

– Và em sẽ trút nỗi buồn với chị?

Cả hai phì cười. Bé Bầu khéo léo trả lời:

– Chia sẻ nỗi buồn với người khác sẽ tạo cho mình một niềm vui phải không chị?

Khả Yên nghe như mâu thuẫn nhưng lại cảm thấy chí lí, cô gật đầu:

– Cũng có thể! Mà Bé Bầu nè!

– Dạ.

– Em đến đây nhiều lần chưa?

– Hai lần ạ. Một lần đi thi và ... một lần làm thủ tục.

– Ít quá vậy?

– Dạ.

– Những lần trước em đi với ai?

– Với người bạn gái ạ.

– Ủa! Ba mẹ không đưa em đi à?

– Dạ ....

– Chắc ... họ bận rộn làm ăn.

– Dạ, ba em thì vất vả quanh năm.

– Còn mẹ?

– Mẹ em ... đã mất rồi ạ!

Khả Yên thấy hơi xao động trong lòng:

– Chị .... xin lỗi!

– Dạ, không sao đâu ạ!

– Em là một cô bé đầy nghị lực.

Bé Bầu cúi mặt lặng im, bởi cô cũng không biết mình có nghị lực không. Chỉ biết cô phải hết sức phấn đấu để tồn tại.

– Em có dự định gì cho những ngày sắp tới chưa?

– Dạ .... - Bé Bầu ậm ừ rồi chợt hỏi - Nghe nói ... ở thành phố ta có thể tìm việc làm dễ hơn phải không chị?

– Ừ, có thể là như thế.

– Sao chị bảo là có thể?

– Ờ, vì chị cũng không rõ lắm. Vả lại ...

Khả Yên chợt im lặng khiến Bé Bầu tò mò:

– Vả lại sao chị?

– Ừ, cũng tùy theo việc mà em cần tìm.

– Vâng, em có thể dạy kèm hoặc làm thêm gì cũng được, miễn sao có thể kiếm tiền đi học và ... gởi một ít về quê.

– Sao? Lại còn gởi về quê nữa à? Em hơi tham lam quá đấy!

– Không đâu ạ! Tại chị không biết đó thôi. Ở quê, em còn hai đứa em đi học và một người cha bệnh tật.

– Em khổ thế sao, Bé Bầu?

Mắt Bé Bầu đã rơm rớm tự lúc nào. Chợt cô thấy mình hơi quá suồng sã nên vội chặm khô mấy dòng lệ bối rối:

– Ấy, chết không? Em thật quá đáng khi nói cho chị nghe những chuyện đâu đâu ...

– Em đừng nói thế. Như em đã nói, chị sẽ có một niềm vui sau khi chia sẻ nỗi buồn của em kia mà.

Khả Yên lại mỉm cười duyên dáng.

– Chị Khả Yên!

– Gì thế Bé Bầu?

– Chị cười rất đẹp.

– Ồ! Thế à?

– Dạ.

– Thế mà ... “hồng nhan bạc phận” em ạ!

– Sao thế chị?

Khả Yên chợt gượng cười nhìn Bé Bầu:

– Chuyện dài dòng lắm. Khi nào có dịp, chị sẽ kể cho em nghe.

Thấy Khả Yên thoáng buồn, Bé Bầu cũng hơi ái ngại. Có một cái gì đó ở người phụ nữ này rất dễ mến nhưng nhiều bí ẩn.

Xe vẫn chạy. Bé Bầu nhìn ra ô cửa sổ và thấy lòng mình nao nao một cảm xúc mới lạ của một tân sinh viên. Cũng may là Cát Tiên hứa đón cô ở bến xe, vì Cát Tiên lên trước tìm chỗ ở. Bé Bầu bắt đầu lo lắng. Dòng đời vẫn chảy, không biết ngày hôm sau sẽ như thế nào ...

Trời về đêm, thành phố vẫn ồn ào náo nhiệt khác hẳn với khí trời thanh tịnh và yên bình của vùng quê sông nước. Ở nơi ấy còn có bóng hình của một người con gái mà Hải Sang không thể quên. Đã hai - ba lần anh trở lại khúc sông xưa mà không gặp cô bé có đôi má bầu bĩnh ngày nào. Lần cuối, anh tìm đến gặp Cu Bi, mới hay Bé Bầu đã lên thành phố học, không biết giờ này cô bé ở đâu và ra sao ...

Chợt Hải Sang nghe dưới nhà có giọng nói quen thuộc của Mộng Giang, cô ấy đã đến tự lúc nào.

– Bác thấy như thế nào ạ?

Giọng mẹ anh nghe chừng rất ưng ý và vui vẻ:

– Đẹp lắm, rất hợp với sở thích của bác.

– Bác thích là cháu vui lắm rồi.

– Cháu thật có khiếu thẩm mỹ nha!

Mộng Giang mỉm cười thật tươi:

– Ở đây còn nhiều kiểu áo rất đẹp ạ. Có dịp bác cháu ta đến đấy, tha hồ mà lựa chọn bác ạ.

– Thế à ... Ba mẹ cháu vẫn khỏe chứ Mộng Giang?

– Dạ, cảm ơn bác. Họ vẫn khỏe ạ. Từ ngày hai nhà ta hợp tác làm ăn, xem ra ba mẹ cháu rất hài lòng, có lẽ nhờ việc làm ăn thuận lợi vô cùng, bác nhỉ.

– Ừ, cũng nhờ có thêm phần vốn, công ty mới nhập được những mặt hàng ngoại chất lượng tốt và được mọi người yêu chuộng đến thế.

– Thế ạ! Vậy bác phải trả công cho cháu hậu hỉ đó nghen.

– Con bé này gớm thật! Cháu muốn gì nào?

Mộng Giang mỉm cười tinh nghịch vờ nghĩ ngợi:

– Hay là ... bác ... cùng tụi con đi du lịch một chuyến nhé!

Bà Hoa Lệ cười dễ dãi:

– Ồ! Yêu cầu đơn giản vậy sao?

Giọng Mộng Giang vòi vĩnh:

– Đi nha bác!

Bà nắm tay Mộng Giang trìu mến:

– Hay là ... mình chờ Thiên Kim về rồi cả nhà đi chung.

– Nhưng bao giờ chị ấy về?

– Khoảng một tháng nữa! Nghe đâu nó đang chuẩn bị tốt nghiệp bên ấy.

– Ồ! Thế thì càng thích. Nhưng mà lâu quá bác ơi.

Hải Sang đã xuống đến cầu thang tự bao giờ Anh tằng hắng:

– Lại vòi vĩnh mẹ tôi gì nữa thế?

– Kìa, anh Hải Sang!

Bà Hoa Lệ cũng lên tiếng:

– Con đã xuống rồi à! Thôi, con ngồi nói chuyện với Mộng Giang, mẹ lên lầu có việc.

Chờ mẹ đi khuất hẳn, Hải Sang mới ngả người ra ghế, hất mặt hỏi Mộng Giang:

– Hôm nay tiểu thư không đến bar hay vũ trường sao?

– Có chứ! - Cô nàng trả lời tỉnh queo - Định qua rủ anh đi nè!

– Thôi! Tôi không đi!

– Sao vậy?

– Đang tu.

– Trời! Anh tu? Lạ chưa?

– Sao lại lạ?

Mộng Giang bỡn cợt:

– Nếu thật, cho em biết anh tu chùa nào đi!

– Chi vậy, điều tra tôi à?

– Không.

– Vậy làm gì?

– Để xin đi theo. Tu hai đứa cho vui.

Anh chàng bật cười, mĩa mai:

– Mộng Giang mà vào chùa tu chắc ... Phật cũng nhảy xuống mà chạy.

– Ơ hay! Cái anh này!

Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của Mộng Giang, anh càng bật cười lớn. Cô phùng má hỏi:

– Cuối cùng anh có đi với em không?

– Không. Anh có hẹn với bạn đi uống cà phê.

– Bạn trai hay gái?

Hơi chau mày khó chịu với câu hỏi của Mộng Giang, anh muốn nói:

“Cô có quyền gì để hỏi điều đó?”. Nhưng anh cố dằn nén rồi trả lời cho bõ ghét:

– Bạn gái.

Mộng Giang giật mình trước câu trả lời của anh, bởi cô biết rõ nhóm bạn của Hải Sang đang chờ ở quán cà phê bên kia đường. Lúc nãy cô còn vừa trò chuyện với họ kia mà. Mộng Giang không thèm cãi lý với Hải Sang điều đó. Cô quay sang anh và dịu giọng hỏi:

– Việc học của anh sao rồi?

– Bình thường.

– Bình thường là sao?

– ... là bình thường.

Thấy Hải Sang vẫn khinh khỉnh, Mộng Giang hơi bực bội:

– Anh ... chẳng la làm sao cả. Người đâu mà ... hay xóc hông!

– Ừ, thế đấy!

– Nhưng em lại thích anh ở điểm ấy.

– Tại sao?

– Con ngựa khó thuần là con ngựa chiến mà.

– Chứ chẳng phải là vì. .... Mộng Giang cũng là ... một người chẳng ra làm sao à?

Mộng Giang đổ quạu thật, cô gắt:

– Anh mới chẳng ra làm sao đấy. Chị Hai thì được du học. Còn anh Ba thì ...

chẳng ra làm sao, ở nhà là phải!

– Ấy! Sao lại nói thế! Mẹ cũng năn nĩ tôi ra nước ngoài nhưng tại tôi không thích mà!

– Tại sao?

– Tôi yêu Việt Nam!

Mộng Giang ngồi xuống rồi nhìn Hải Sang, trách móc:

– Anh đó nha. Từ ngày về quê đi thực tế gì đó trở lên, em thấy anh lạ lắm đó!

– Lạ gì?

– Ừ, lạ lắm! Nhưng ... em chưa biết đó là gì. Em sẽ tìm hiểu. Còn bây giờ thì ...

Cô đưa mắt nhìn Hải Sang nói như ra lệnh:

– Anh thay đồ đi, nếu không muốn em kéo anh đến vũ trường trong bộ đồ ngủ thế này.

Hải Sang gằn giọng:

– Anh không đi.

– Không được.

– Anh đã có hẹn.

– Không sao. Em sẽ bảo với bọn họ là anh không đến.

– Em biết anh hẹn ai sao?

– Biết chứ. Bọn thằng Cảnh Quí chứ gì. Ừ, mà lúc nãy em có bảo bọn họ đừng chờ anh rồi.

– Em ...

Hải Sang hậm hực định trút cơn giận đã bị Mộng Giang chặn lại.

– Suỵt! - Cô đưa tay lên môi ra hiệu im lặng rồi quay mặt lên lầu nói như dằn mặt Hải Sang - Bác ơi!

Bà Hoa Lệ từ từ bước ra cầu thang nhìn xuống hỏi:

– Gì thế Mộng Giang?

– Bác cho phép cháu và anh Hải Sang ra ngoài đêm nay nhé?

– Gì mà đêm nay? - Hải Sang rít khẽ.

Bà Hoa Lệ mỉm cười lắc đầu:

– Ừ, hai đứa cứ đi!

Mộng Giang nhìn Hải Sang đắc thắng:

– Thấy chưa? Chuyện gì Mộng Giang này làm cũng được.

– Kể cả cái việc mà con gái không nên làm! - Hải Sang mỉa mai.

Mộng Giang vẫn hời hợt không hiểu:

– Việc gì?

– Lúc nào em cũng lên tiếng mời đi chơi. Em chủ động hoàn toàn trong việc đi chơi. Em xem anh như một người con gái trong tình yêu.

Mộng Giang không hề khó chịu, cô còn che miệng cười khúc khích:

– Tại vì em yêu anh chứ bộ!

– Em là con gái mà cứ nói hoài câu đó, em không thấy xấu hổ sao, Mộng Giang?

Cô nàng vẫn tỉnh queo:

– Có gì xấu hổ. Yêu thì nói yêu, thích thì nói là thích chứ!

– Thôi, anh thua em đó!

– Không nói nhiều nữa! Đi nào!

Hải Sang đứng lên đi thay đồ một cách uể oải. Không phải anh là một chàng trai yếu đuối, mà thật sự Hải Sang có hơi cả nể vì số vốn mà gia đình Mộng Giang hùn hạp với mẹ anh là không nhỏ. Mặt khác, Hải Sang và Mộng Giang từng là một cặp đẹp đôi trên phố khi chưa có sự xuất hiện của Bé Bầu trong anh.

Cát Tiên nằm vùi trên chiếc giường hai tầng, trong lúc Bé Bầu lúi húi tính toán cái gì đó, dường như là kế hoạch chi tiêu. Miệng cô lẩm bẩm:

– Học đã hai tuần rồi mà cũng chưa tìm được việc làm nữa!

Cát Tiên đập gối xuống giường, trách móc:

– Vậy mà người ta đồn trên này có nhiều việc để ta làm lắm.

– Thì việc nhiều thật nhưng nó lại không thích hợp với chúng ta. Thời gian học của mình cử lung tung lên.

– Ừ. Biết vậy, hồi trước không chọn ngành này. Các trường khác đâu đến nỗi như thế!

– Thôi, đừng có “đứng núi này trông núi nọ” làm chi nữa. Vấn đề là ta phải tính làm sao với số tiền ít ỏi còn lại này đây.

– Mệt quá đi, Bầu ơi! Mình cũng lo muốn chết đây này! Giờ thì đến đâu hay đến đấy đi.

Bé Bầu trợn mắt:

– Nói vậy nghe sao được nè! Làm sao đây ta?

Cô đăm chiêu suy nghĩ và chợt nhớ ra:

– À, mình nhớ rồi, chị ấy có thể giúp mình.

Cát Tiên tò mò:

– Ai?

– Một người quen.

Cô lục tìm trong cặp và lấy ra chiếc card visit xinh xinh và thầm đọc:

– Bar Friendship ... địa chỉ ... số điện thoại ...

Cô thoáng chau mày:

– Ủa! Sao kỳ vậy ta? Sao lại là bar? Mình có lộn không? Mà chỉ có chị ấy cho mình tấm card này chứ đâu còn ai nữa? ...

Cát Tiên giật lấy tờ danh thiếp xem qua rồi nhíu mày:

– Chà! Bé Bầu quen với những hạng người này nữa sao?

– Không ... không ...

– Vậy sao có cái danh thiếp này.

– Một người phụ nữ đã cho mình trên một chuyến xe.

– Bà ta dụ Bầu đến đó làm à?

– Không có. Thật ra, mình chẳng biết chị ấy làm gì, ở đâu ...

– Vậy còn tấm danh thiếp này?

– Mình ... chưa từng xem qua.

– Chị ta chắc chắn là người xấu rồi.

– Không đâu.

– Bé Bầu gặp chị ta bao nhiêu lần rồi?

Bé Bầu ngập ngừng đưa ngón tay lên:

– Một ... lần.

– Một lần?Vậy mà nghĩ người ta tốt sao?

– Mình không biết. Nhưng cách nói chuyện cho đến cử chỉ của chị ấy rất dễ làm quen và rất dễ mến.

– Dối trá cả đấy. Có biết bao bài báo nói về những mụ tú bà giả làm nai tơ để bắt mồi đó là gì.

– Nhưng sao ... mình thấy chị ấy không phải là người như thế.

– Bé Bầu định làm gì?

Mình có hứa sẽ đến thăm chị ấy.

– Không sợ à?

– Chị ấy chưa bao giờ mở lời bảo mình đến làm.

– Vậy sao đưa danh thiếp làm gì?

– Tại ... tại mình xin địa chỉ.

– À ...

Cát Tiên cũng chẳng dám quả quyết. Cô ái ngại nhìn Bé Bầu nói:

– Nếu Bé Bầu muốn đi, mình sẽ cùng đi!

– Ừ. Dù sao hôm nay mình cũng không có đi học ...

Hai cô gái đạp xe suốt một quãng đường khá dài rồi dừng lại trước tấm bảng to “Bar Friendship” Cát Tiên liếc nhìn qua khe cửa:

– Chà! Ban ngày mà cũng có người đến bar sao?

– Hả!

– Xe quá chừng trong kia.

Bé Bầu kéo tay Cát Tiên sang một bên, nhìn vào trong quả thật có nhiều khách ra vào toàn là xe đời mới láng bóng.

– Thôi về! - Bé Bầu quyết định.

Cát Tiên dùng dằng:

– Sao lại về? Mệt muốn chết rồi nè, lại khát nước nữa.

Chú bảo vệ bước ra nhìn hai cô gái, tò mò:

– Hai đứa muốn xin việc à?

Bé Bầu vội xua tay nói nhanh:

– Không, không phải ạ!

– Hay vào uống nước?

Cát Tiên ngạc nhiên:

– Ủa! Sao lại vào ấy uống nước hả chú?

– Đây là quán bar mà. Uống rượu chứ!

Chú bảo vệ cười thành tiếng nói:

– Uống rượu thì vào ban đêm. Chắc các cháu không biết rồi. Ban ngày nơi đây chỉ là một quán cà phê hộp lịch sự kín đáo mà thôi.

Cát Tiên gật gù:

– Thế à! Hèn gì ...

Giọng ngập ngừng, Bé Bầu hỏi thăm:

– Chú ơi! Ở đây phải có một chị tên là ... Khả Yên không ạ?

Người đàn ông trung niên nhìn Bé Bầu rồi đáp:

– Phải. Cháu quen cô ta à?

– Dạ, chị ấy cho cháu tấm card này.

Ông nhìn tấm bưu thiếp và mỉm cười:

– Bà chủ ở đây đấy.

– Thật thế ạ?

Bé Bầu không biết nên buồn hay nên vui bởi cô chưa từng nghĩ Khả Yên là gái chốn phong trần này.

– Hai cháu có muốn gặp cô ấy không?

– Dạ có ạ!

– Vậy cháu vào đi!

– Dạ, cám ơn chú!

Cát Tiên bám chặt tay Bé Bầu, thỏ thẻ:

– Cà phê trá hình à?

– Suỵt! Mình cứ vào một góc nào đó ngồi uống nước xem sao.

– Ừ, đúng đó. Dù sao cũng phải cẩn thận thì hơn há!

Các cô chọn một góc khuất vừa đủ tầm quan sát. Cát Tiên nhìn khắp và buột miệng nói:

– Trông cũng lịch sự lắm!

– Tiên muốn nói gì?

– Nhân viên.

– Khách và cả khung cảnh nơi đây nữa chứ!

– Ừ!

Họ gọi hai ly trà chanh và trong lúc chờ đợi, họ bàn bạc. Cát Tiên nói:

– Theo Bé Bầu ... chúng ta có thể xin vào đây làm được không?

– Không biết! Liệu chị ấy có chịu nhận mình không. Trước cửa đâu có treo bảng “cần tiếp viên”.

Dí tay vào đầu Bé Bầu, Cát Tiên mắng:

– Khờ quá! Sự quen biết của Bầu và chị ấy để làm gì?

– Nhưng ... mình cũng chưa thân lắm ... không biết ...

Chợt Bé Bầu nhìn chằm chằm ra cửa và nói:

– Chị ấy đấy?

Cát Tiên nhìn theo ánh mắt của Bé Bầu, thấy một cô gái đẹp ăn mặc thật khiêu gợi cùng đi với một ông trạc năm mươi tuổi trông họ thật tình tứ. Họ vừa đi vừa trò chuyện và trước khi rời khỏi cửa, họ hôn nhau ...

Bé Bầu bất giác rùng mình.

“Ông ta là ai?” - Cô thầm nghĩ.

Với sự tò mò, Bé Bầu vờ bắt chuyện với anh tiếp viên vừa mang nước đến:

– Ủa! Ra là ở đây có cả tiếp viên nam hả anh?

– Ừ. Sao lại không?

– Vậy mà em tưởng ở bar thì chỉ có nữ thôi chứ.

Chàng trai trẻ hóm hỉnh:

– Vậy trời sinh con trai để làm gì hả em gái?

Bé Bầu cười hì hì thật dễ thương. Anh chàng tiếp viên lịch sự mời mọc:

– Hai em gái dùng nước ngon miệng nhé! À, hai em cần gì nữa không?

Bé Bầu gãi gãi đầu rồi nói:

– Dạ, em đang chờ chị Khả yên.

– Thế à!

– Nhưng chị ấy đang tiễn một chú công an, chắc là khách của chị ấy?

Bé Bầu hỏi chặn đầu và hồi hộp chờ câu trả lời.

– Ồ! Em lầm rồi. Chồng của chị ấy đấy!

Cát Tiên đang uống ly nước cũng muốn sặc:

– Hả! Chồng chị ấy là công an?

– Ừ. Chắc em đến lần đầu hả?

– Dạ ....

– Xin việc à?

– Dạ ....

– Anh tên là Bá Tùng. Hay để anh gọi chị ấy đến nhé!

– Ơ ... ơ ...

Chưa kịp cản, Bá Tùng đã đi vào trong.

Cát Tiên nheo mắt nhìn Bé Bầu, cười mỉm:

– Tiên thấy khá yên tâm rồi đấy. Mình xin làm tạm đi, Bé Bầu!

Bé Bầu phân vân có nên nhờ vả hay không, nơi đây có thật sự an toàn không nhỉ?

Thấy một cô phục vụ đi ngang qua Bé Bầu khẽ gọi:

– Chị ơi!

– Xin hỏi, quí khách cần gì?

– Chị cho em hỏi:

sao ngoài kia ghi là bar mà trong này là giải khát hả chị?

Cô gái mỉm cười giải thích:

– Ở đây có đủ cả, ban ngày giải khát, ban đêm là bar, vũ trường. Ai muốn đến giờ nào cũng phục vụ. Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi mà!

– Nhưng chồng chị Yên là đại gia, sao chị ấy lại mở vũ trường hả chị?

– Điều đó em cứ gặp chị ấy mà hỏi. Chị chỉ biết vũ trường không phải là nơi nào cũng phạm pháp đâu, đúng không?

– Dạ, em cám ơn chị!

– À, không có chi!

Nghe cô gái nói rõ ràng thế, Bé Bầu cảm thấy yên tâm hẳn. Cô thở phào nhẹ nhõm:

– Kìa, Bé Bầu!

Tiếng Khả Yên thảng thốt:

– Cưng đến khi nào?

– Dạ .... em vừa đến ạ. Chị còn nhớ em sao?

– Ồ! Nhớ chứ. Vì sao, em biết không?

– Sao ạ?

– Vì cái tên quá đặc biệt của em đó!

Bé Bầu đỏ mặt bẽn lẽn:

– Chị cứ chọc em!

– Còn đây là bạn của em chắc?

– Dạ phải ạ! Đây là Cát Tiên!

Cát Tiên mải mê nhìn sự quyến rũ của Khả Yên, khi nghe nhắc đến tên mình, cô giật mình đứng lên lễ phép:

– Dạ, em chào chị ạ. Em tên Cát Tiên.

– Ờ, chào em! Hôm nay hai đứa không đi học sao?

– Dạ không ạ! Như lời đã hứa, em đến thăm chị đây.

– Vâng, cảm ơn em!

– Có gì mà cảm ơn ạ!

Khả Yên bỗng rối rít:

– Vậy là xem như hai em là khách của chị rồi. Không nên ngồi đầy. Đứng lên nào, chị mời hai đứa vào nhà.

Sự nhiệt thành của Khả Yên khiến cho hai cô khách nhỏ không thể từ chối.

Họ bước theo chủ nhà ra phía sau bar.

Đó là một ngôi biệt thự nằm lặng lẽ. Cát Tiên nhìn người phụ nữ còn quá trẻ kia xuýt xoa:

– Ái chà! Không ngờ chị còn trẻ mà có cả cơ ngơi đồ sộ thế này.

– Các em vào nhà đi.

Khả Yên mở cửa. Trong nhà, mọi vật đều sáng bóng và sang trọng. Bộ tràng kỷ được khắc chạm tinh xảo. Chiếc tủ buffet với những món đồ chơi thật lạ mắt và bên kia, một chiếc tủ kính trưng bày những thứ rượu Tây hảo hạng đắt tiền.

Có điều kỳ lạ là trên tường lại trang trí bằng những bức ảnh trẻ con cỡ bự.

Đó không phải là hình chụp mà là những bức tranh bán ở chợ mà Bé Bầu từng nhìn thấy chúng. Cát Tiên dè dặt hỏi:

– Dường như chị rất thích trẻ con?

– Phải.

– Chị có mấy cháu rồi ạ?

Khả Yên lắc đầu rồi im lặng như bị chọc đến nỗi đau.

Bé Bầu khá nhạy cảm. Cô nhớ lần trước khi nhắc đến chuyện riêng tư thì thái độ của Khả Yên cũng y như thế.

Cuối cùng rồi Khả Yên cũng tâm sự. Bé Bầu và Cát Tiên lặng yên ngồi nghe. Thì ra mười mấy năm về trước chị cũng có một thời tuổi trẻ vàng son và một tình yêu nồng cháy. Nhưng thật bất hạnh cho chị, vì cả tin chị đã trao thân lầm cho gã họ Sở kia, để rồi khi hoa tàn nhụy rữa, gã đột ngột đã quất ngựa truy phong. Chị khổ cực kiếm sống đến nỗi sẩy thai. Bác sĩ nói chị không còn khả năng sinh con nữa. Cũng còn may, nhờ có chút sắc đẹp, chị nương thân làm bé mọn cho một đại gia ở thành phố ...

Khả Yên kể mà hai dòng lệ tuôn dài. Bé Bầu và Cát Tiên cũng sụt sùi theo:

– Cuộc đời chị thật đáng thương!

– Các em còn trẻ, có thể lấy cuộc đời chị mà làm bài học cho mình.

Cát Tiên lên tiếng:

– Nhưng em lại thấy chị thật tài giỏi và đầy bản lĩnh.

– ...

– Thật đấy! Chị quản lý cả một đội ngũ nhân viên.

– Phải. Các em ở đây cũng dễ thương lắm! Và nhờ oai của ông ấy mà chẳng ai dám quậy phá ở đây:

– Thế thì tốt quá rồi!

– Ấy chết! Chị không nên nói nhiều về mình quá như thế! Các em học hành sao rồi? Bé Bầu bảo sẽ tìm việc làm thêm mà đã được chưa?

– Dạ .... chưa ạ!

– Thất nghiệp mới rảnh rang thế này ạ. - Cát Tiên hóm hỉnh và mạnh miệng mở lời - Tụi em định nhờ vả chị đấy ạ.

– Nhờ chị?

– Dạ. Chị xem ở đây có việc gì thích hợp thì chỉ tụi em với ...

Bé Bầu thục chỏ ra hiệu cho Cát Tiên im lặng và ậm ừ giải thích:

– Thật ra, ở gần trường cũng có việc làm nhưng không thích hợp với cái thời gian rối nùi của tụi em.

– Thời gian học của tụi em ra sao?

– Dạ. Ngành học của tụi em đòi hỏi phải tự thực tập nghiên cứu nên chỉ rỗi rảnh vào ban đêm. Nhưng mấy tiệm cơm gần đó chỉ bán ban ngày thôi.

Cát Tiên tiếp lời:

– Dạ, còn đi dạy kèm ban đêm thì chủ không chịu vì giờ đấy họ muốn nghỉ ngơi ạ.

Khả yên gật đầu:

– Chị hiểu. Cho nên khó tìm việc, đúng không?

– Dạ.

– Thế chị có thể giúp gì cho tụi em?

– Dạ ....

Thấy Bé Bầu còn ngập ngừng e ngại, Cát Tiên tiếp lời nói luôn:

– Không biết ở chỗ mình có cần người không ạ?

Khả Yên đưa mắt nhìn Bé Bầu:

– Hai đứa muốn xin làm ở đây à?

– Dạ ....

Bé Bầu đáp khe khẽ. Khả Yên dè dặt:

– Làm ở đây, hai đứa không ngại chứ?

– Ngại gì ạ?

– Gái bar. Gái vũ trường.

Có chút chần chừ, Bé Bầu đề nghị:

– Hay chị cho tụi em làm phục vụ hoặc rửa ly cũng được ạ.

– Thật ra ... ở đây không thiếu phục vụ em ạ ....

Hai cô bé vừa thoáng nghe đã xịu mặt vì thất vọng. Khả Yên nói tiếp:

– Nhưng chị có thể giúp tụi em!

Sự vui mừng đã quay lại trên nét mặt, hai cô bé đồng thanh:

– Thật hả chị?

Khả Yên gật đầu xác nhận:

– Thật!

Và cô ngả người ra ghế tâm sự:

– Thật ra, lần trước gặp cưng trên xe, nghe hoàn cảnh đáng thương của em chị muốn bảo em về làm với chị nhưng lại ngại ...

– Ngại gì hả chị Khả Yên?

– Cái nghề này có đẹp đẽ gì!

Bé Bầu nắm tay Khả Yên:

– Chị đừng nói thế. Đẹp xấu gì do mình cả ạ!

Khả Yên nhìn cô bé như dò hỏi. Bé Bầu thao thao nói tiếp:

– Cái tâm mình sẽ quyết định tất cả. Mình quyết định làm điều tốt thì dù áp lực thế nào mình cũng phải sống tốt. Em nhất định sẽ sống tốt ạ!

– Chị thì đã xong cuộc đời rồi. Chị lo cho hai em còn quá non dại ...

Cát Tiên lên tiếng:

– Mà em thấy giờ thì chị cũng quá sung sướng rồi. Có nhà cao cửa rộng, có nhân viên dưới quyền. Em chỉ mong ước được như chị .... dù có thiệt thòi một chút thì đã sao ạ!

– Vui sướng gì cuộc sống tạm bợ hả em?

– Chị nhận tụi em vào làm là rất quý rồi ạ!

– Bao giờ các em sẽ bắt đầu làm việc?

– Tối nay ạ!

– OK. Chị sẽ sắp xếp.

Xem như là đã có việc làm. Trong lòng Bé Bầu thoáng rộn lên một niềm vui xen lẫn sự lo lắng. Ngày tháng phía trước còn dài, cuộc đời rồi sẽ ra sao? ...

Bé Bầu cầm lá thư của Thúy Hằng gửi trên tay mà lòng dạ rối bời. Ba cô lại trở bệnh.

“Cái tiết trời lập đông như thế này càng làm ba thêm bứt rứt khó chịu chứ chẳng mát mẻ gì”. Từng dòng chữ Thúy Hằng hiện lên rõ rệt. Ba cô cần tiền để thuốc thang, các em cô cần phải sống ổn định để lo cho việc học.

– Mình phải làm sao đây?

Chợt có tiếng gọi:

– Hồng Ngọc!

– Dạ!

Hồng Ngọc, đó là mỹ danh của Bé Bầu trong cái bar này. Cái tên mà chị Khả Yên đặt cho cô để che đậy cái lớp quê mùa của con nhỏ tên Bé Bầu.

Vẫn một chai rượu, một cái ly nâng trên chiếc mâm nhỏ, nhưng hôm nay Hồng Ngọc cứ thẩn thơ, hay va chạm khách và thậm chí rót tràn cả ly rượu.

– Ê! Hôm nay làm sao thế?

Cát Tiên vỗ vai Hồng Ngọc hỏi. Cô không trả lời mà quay nhìn Cát Tiên trong bộ trang phục rất lòe loẹt và hở hang như mấy cô đi khách kia.

– Nãy giờ Tiên ở đâu?

Cát Tiên có vẻ lấp lửng muốn che đậy việc gì:

– Ơ ... ra ngoài ... có chút việc.

Một chút phấn son trên mặt làm Cát Tiên đẹp hơn. Vì nể Cát Tiên là bạn nên Hồng Ngọc thường xuyên nhắc nhở bạn giữ mình.

Những ngày làm việc ở đây, Hồng Ngọc quan sát rất kỹ. Ở đây có đủ hạng người. Chị Khả Yên bảo có thể xem đây là một sân chơi và các cô gái ở đây thì “có sức chơi có sức chịu”. Cái gì cũng có cái giá của nó. Có điều họ cư xử rất đúng luật. Chẳng hiểu chị Khả Yên có bí quyết gì mà họ rất sợ uy của chị, không ai dám hó hé quậy quạng gì. Mấy tay ăn chơi ngoài kia cũng thế.

Hồng Ngọc nói nhỏ nhẹ:

– Trông Cát Tiên có vẻ mệt mỏi đấy!

– Có gì đâu!

Và cô nàng sành điệu lấy điếu thuốc trên môi và bật lửa. Cái phong cách ấy đã biến Cát Tiên thành con người khác hẳn và xa lạ.

– Cát Tiên!

– Gì?

– Sao Tiên không an phận làm phục vụ?

Cát Tiên không đáp, cô chìa chiếc lắc tay xinh xắn trước mặt Hồng Ngọc khoe:

– Xem nè! Mình mới được tặng đó!

– Không ai cho không bao giờ!

– Chậc! Có gì đâu! Mấy chả chỉ sờ soạng thế thôi!

Hồng Ngọc khẽ chặc lưỡi lắc đầu. Cát Tiên sa ngã thật rồi! Đồng tiền đã làm mờ mắt một cô gái quê mùa. Cát Tiên từ nhỏ phải sống thiếu thốn dưới sự hà khắc của người mợ. Chưa bao giờ cô được sở hữu một số tiền như thế. Ấy vậy mà một bước lên mây, Cát Tiên đã bất chấp để đánh đổi lấy cơ hội này.

Hồng Ngọc chợt nhớ đến ánh mắt khao khát của Cát Tiên ngày đầu gặp chị Khả Yên. Một linh cảm xấu hiện lên trong đầu cô nhưng Hồng Ngọc đành bất lực:

– Hôm nay bà làm sao vậy? Không khỏe hả?

Hồng Ngọc lắc đầu:

– Không!

– Vậy tại sao ánh mắt thẫn thờ thế kia?

– ... Thúy Hằng ... mới gởi thư lên.

– Vậy à! Mọi người vẫn khỏe chứ? Bác Năm ra sao?

– Không khỏe.

Cát Tiên chợt chạnh lòng. Cô rít một hơi thật sâu và phà khói thuốc ra miệng, ra mũi, vẻ mặt bất cần đời:

– Lúc nào bà cũng hạnh phúc hơn tui.

– Sao?

– Thỉnh thoảng, Bầu còn được vài lá thư biết chuyện nhà, chuyện ấp. Còn mình ... chẳng ai gửi một lời thăm nào. Mình đi khỏi nhà ấy là họ mừng vô kể rồi. Thật là khốn nạn!

Mỗi lần nghe gọi đến cái tên cúng cơm của mình:

Bé Bầu, Hồng Ngọc dâng lên một niềm xúc động và hạnh phúc bởi cái tên ấy gắn liền với một tuổi thơ êm đềm, cho nên cô càng thông cảm cho tuổi thơ bất hạnh của Cát Tiên. Cô vỗ vai bạn an ủi:

– Cát Tiên ... Đừng như thế! Chúng ta mỗi người một cảnh, nhưng nhìn chung đều bất hạnh như nhau. Có điều ... hãy cố gắng sống đúng, đừng để một ngày nào đó phải hối hận.

Cát Tiên cúi đầu im lặng. Hồng Ngọc thở dài thông báo:

– Chắc mình sẽ tìm thêm việc làm.

– Sao thế?

– Mình cần có chút tiền gửi về quê cho ba trị bệnh.

– Trời! Lên đây đi học mà còn phải gửi tiền về.

– Biết làm sao. Cho nên mới nói Cát Tiên đừng so bì. Nhận thư thế này, mình càng lo thêm.

– Ừ ... mà bác làm sao?

– Hội chứng của bán thân bất toại ấy mà. Nghe Thúy Hằng bảo thế.

Nghĩ ngợi đăm chiêu một lúc. Cát Tiên mở bóp tay đưa cho Hồng Ngọc xấp tiền:

– Cầm lấy gửi về quê.

Hồng Ngọc xua tay phản ứng:

– Không, không được.

– Sao vậy?

– Là tiền của Tiên mà.

– Thì cứ như mình cho mượn vô thời hạn.

– Thôi, chưa cần đầu. Để mình từ từ đi làm ...

– Chê à?

– Không.

– Sợ tiền này dơ bẩn chứ gì?

– Cát Tiên đừng nói thế.

– Nếu không chê thì cầm đi.

– Nhưng ...

– Nhưng gì? Tiền lương tháng chị Khả Yên phát, còn nguyên đó. Cầm đi!

Cát Tiên dúi tiền vào tay Hồng Ngọc. Đúng là Cát Tiên chưa đụng tới. Chiếc kim kẹp giấy vẫn còn nguyên. Hồng Ngọc thắc mắc:

– Sao lại còn nguyên?

Cát Tiên phì cười ra vẻ sành đời:

– Dại gì dùng tới đồng tiền cực khổ của mình. Ăn có người lo, đi shopping có người chi. Phải biết tận dụng cái sắc đẹp mà trời ban cho mình chứ, Hồng Ngọc!

Hồng Ngọc chào thua với cái triết lý của bạn:

– Thôi thì cứ cho mình mượn số tiền này. Mình nhất định sẽ gửi trả lại cho Cát Tiên.

– Sao cũng được. Giờ mình phải ra ngoài có chút việc.

– Nhưng ... Tiên mới về mà!

– Chậc! Tại có hẹn. Đi nha!

Cát Tiên rời khỏi chốn ồn ào náo nhiệt để tìm khoảnh khắc riêng của mình, sống cho lý tưởng của mình. Bé Bầu nhìn theo, cô tự nhủ:

– Mỗi người có một cách sống. Ta không thể như thế!

Bé Bầu dừng xe đứng trước cánh cổng rào sơn màu đồng chắc chắn. Phía sau cánh cổng là căn nhà cao tầng sơn màu xanh nhạt thật sang trọng:

– Quả là thành phố có khác, nhà nào cũng đẹp.

Đưa tay bấm chuông và chờ đợi. Một người phụ nữ sang trọng bước ra nhìn cô và hỏi:

– Cô muốn tìm ai?

– Dạ, cháu chào bác! Cháu được một người quen giới thiệu đến đây ạ!

– Ai?

– Cô nhân viên ở trường cháu. Cô Ngân ạ.

– À!

– Bác đang cần ngưới giúp việc phải không?

– Phải, cháu vào đi.

Người phụ nữ nhìn cô có vẻ dễ chịu hơn:

– Cháu là sinh viên à?

– Dạ.

– Ờ, ngày nay sinh viên dưới quê lên hay tìm việc làm lắm!

– Dạ. - Cô chìa hai tay lễ phép đưa cho bà bộ hồ sơ - Hồ sơ xin việc của cháu đây ạ!

Bà phì cười:

– Ôi! Giúp việc nhà thôi mà. Cháu đâu phải xin việc ở trung tâm giới thiệu việc làm.

– Cháu làm thế để bác có thể tin tưởng mà giao việc cho cháu.

– Ồ! Cháu khéo nói chuyện lắm.

– Dạ, cám ơn bác. Cháu có thể gọi bác bằng thứ không ạ?

– Ừ, được chứ! Cứ gọi ta là bác Hai. Ông nhà ta thứ Hai.

– Dạ, bác Hai.

Bà chỉ cô ngồi xuống ghế và hỏi:

– Cháu có thể làm được việc gì?

Bé Bầu khéo hỏi lại:

– Vậy bác cần cháu làm việc gì?

– Dọn dẹp nhà cửa, lau nhà, giặt giũ.

– Dạ được ạ. Nhưng ... cháu chỉ xin một điều.

– Điều gì?

– Cháu có thể đến làm vào khoảng năm giờ sáng không?

– Tại sao?

– Để xong việc cháu có thể trở về trường cho kịp ạ!

– Ừ, cháu chăm lắm. Phải chi thằng con nhà bác cũng được một phần của cháu!

– Vậy là bác đồng ý, phải không bác Hai?

– Ừ, nhưng ... sao cháu không để chiều làm cho thảnh thơi chứ?

– Có hai lý do ạ.

– Hai lý do?

– Vâng ạ! Thứ nhất, nhà cửa dọn dẹp lau chùi vào buổi chiều thì sáng sẽ bị bụi bám nữa ạ. Khách đến cũng sẽ không hài lòng.

– Ừ phải. Vậy lý do thứ hai?

– Dạ .... vì ... cháu còn công việc ở nơi khác ạ!

– Chao ôi! Vừa đi học cháu phải vừa đi làm cả hai suất vậy sao?

– Dạ, tại ... ở dưới quê, ba cháu bị bệnh ...

– Còn mẹ?

– Mẹ cháu đã mất cách đây vài năm ạ!

Bà mủi lòng trước hoàn cảnh khổ sở của cô gái trước mặt.

– Cháu tên gì?

Nghe hỏi, Bé Bầu định trả lời nhưng chợt nhớ đến sự ngạc nhiên đến xấu hổ của Khả Yên hôm nọ, cô mỉm cười:

– Bác Hai cứ gọi cháu là bé Hai cũng được ạ!

– Ồ! Bé Hai à?

– Dạ, tại ở nhà cháu là chị cả, cháu còn hai đứa em nhỏ ở nhà.

– Ừ! Bé Hai.

Và rồi bà bắt đầu kể lể:

– Thú thật, cháu bảo làm rồi về, bác thấy cũng tiện. Bởi trước đây nhà này cũng có người làm công, ở tháng. Nhưng thật là tệ. Người đó không trung thực tí nào. Bác không vừa lòng nên cho thôi việc. Thế mà, thật tức thay. Ngày ra đi, nó dám lấy đi mất một số vật quý trong nhà.

– Dạ, cháu có nghe cô Ngân nói ạ.

– Ừ, cho nên bác cần một người làm trung thực.

Bé Bầu nắm tay bà, giọng trấn an:

– Cháu sẽ cố gắng hết sức để không làm bác thất vọng ạ.

– Được lắm! Thế bao giờ bé Hai có thể bắt đầu?

– Dạ, dù sao buổi chiều nay cháu cũng không đi học. Bác có muốn kiểm tra tay nghề của cháu không?

Bà phì cười giòn giã:

– Ồ, nếu cháu thích!

– Dạ, vậy cháu xin bắt đầu làm việc hôm nay ạ!

– Ừ, được lắm. Để bác sẽ hướng dẫn công việc cho nhé! Nhà mấy hôm nay vắng người. Một mình bác dọn dẹp thì cũng bề bộn lắm.

Bà dẫn Bé Bầu lên lầu giới thiệu các phòng và các việc cần làm:

– Ngoài hai phòng của các con bác thì cháu cứ làm sạch tất cả mọi nơi.

Bé Bầu chỉ muốn nghe lời chủ, không muốn hỏi thêm dài dòng, cô bắt tay vào việc.

Nhìn thái độ chăm chú miệt mài của Bé Bầu bà rất hài lòng. Bà chợt nhớ ra một điều:

– Bé Hai!

– Dạ.

– Thông thường, trước khi làm việc người ta thường thỏa thuận tiền lương.

Còn cháu, sao bác chẳng nghe hỏi gì?

Bàn tay Bé Bầu vẫn thoăn thoắt trên nền gạch. Cô vừa làm vừa đáp:

– Có việc làm là tốt rồi ạ! Vả lại, cháu nghĩ bác chẳng phải là người hẹp hòi gì. Phải không ạ?

Bà mỉm cười xoa đầu cô mắng yêu:

– Con bé này thật đáo để! Thôi được. Nếu cháu làm tốt, bác sẽ trả cho một triệu một tháng, được không?

Bé Bầu thảng thốt:

– Kìa, bác Hai! Cháu nghĩ mình không xứng đáng như thế đâu.

– Được rồi, được rồi. Cứ xem như đây là phần thưởng dành cho đứa con hiếu thảo như cháu đây. Được không?

– Dạ. - Bé Bầu run run một niềm xúc động - Cháu cám ơn bác ạ.

Như một niềm động viên, Bé Bầu cảm thấy vui sướng và càng hăng hái làm việc của mình.

...

Cát Tiên đã thật sự sa ngã. Đồng tiền đã làm thay đổi cô bé quê mùa ngày nào. Giờ đây Cát Tiên ăn xài phung phí. Cô không dùng trà chanh khi tiếp khách mà thay vào đó là những ly rượu lạt lẽo, cô không còn khoác lên mình chiếc áo sơ mi mà thay vào đó là chiếc đầm ngắn cũn cỡn. Mặt mày son phấn, áo quần lòe loẹt. Đẹp đấy, nhưng cái chân quê đã bay mất cả rồi.

– Cát Tiên!

– Gì đó Bé Bầu?

Cát Tiên trả lời với cái giọng nhừa nhựa của kẻ say rượu.

– Gần đây Tiên đi đâu mà về khuya quá vậy?

– Đi làm ăn.

– Làm ăn cái gì mà đến tận nửa đêm mới về. Có hôm còn đi suốt đêm nữa.

– Mặc kệ tôi!

Giọng Bé Bầu vẫn nhỏ nhẹ:

– Làm sao mình có thể bỏ mặc Tiên trước cách sống sai lầm như thế?

Cát Tiên bám vào vai Bé Bầu nói với vẻ tự tin:

– Yên tâm đi Bé Bầu. Con nhỏ này không sống sai lầm đâu. Xem nè! Nếu sống sai lầm sao mình có đồ đẹp, có vòng vàng hột xoàn, xe đời mới kia chứ?

Cái này đó hả, suốt đời người nhà quê mình cũng tìm không ra à nghen!

– Trời ơi! Sao Cát Tiên của tôi lại ra nông nỗi này kia chứ!

Cát Tiên xua tay:

– Thôi đi! Đừng có kêu trời đất làm chi. Mọi việc do mình chọn lựa cả. Có sướng khổ mình tự chịu, Bầu khỏi lo.

Bé Bầu vẫn cái giọng lo lắng không yên:

– Vậy Cát Tiên không nghĩ đến tương lai sao?

Cát Tiên phớt đời:

– Tương lai? Chẳng cần! Chỉ biết trước mắt anh Gia Khiêm của mình hứa sẽ mua cho mình một căn nhà.

– Và Tiên đã tin?

– Chứ sao! Anh ta và nhiều gã đàn ông khác sẽ cung phụng cho mình mà!

– Tiên ơi! Chẳng lẽ suốt cuộc đời Tiên có thể kiếm tiền bằng thân xác của mình được sao?

– Tới đó sẽ hay. Còn bây giờ mình ... đi ngủ đây!

Bé Bầu níu tay Cát Tiên nài nỉ:

– Không được! Tiên phải nghe lời mình đi, đừng sa ngã như thế nữa.

Cát Tiên chống nạnh nhìn Bé Bầu, nói có vẻ hơi khó chịu:

– Bà biết gì mà can ngăn tui.

– Ừ, cứ cho rằng mình chẳng biết gì đi. Còn chị Khả Yên thì sao? Chị ấy cũng nói với Cát Tiên nhiều lần rồi, sao Tiên không hiểu vậy hả?

Cát Tiên chau mày:

– Bà Khả Yên đó hả. Bà nghĩ rằng bả tốt đẹp lắm sao mà tôn sùng dữ vậy.

– Dù sao chị ấy cũng giúp đỡ chúng ta, sao Tiên lại nói thế?

– Nói vậy rồi sao? Chị ấy tốt lành gì? Cuối cùng cũng làm bé cho một người đã có vợ ....

– Tiên nói thế, chị ấy mà nghe được chắc chắn sẽ buồn lắm. Chị ấy là người từng trải. Phải! Chị ấy đã sai lầm. Nhưng chị ấy từng bảo chúng ta đừng đi theo vết xe đổ của chị ấy. Tiên nhớ không?

Thấy Cát Tiên lặng, Bé Bầu nói tiếp:

– Tiên biết điều chị ấy đau khổ nhất là gì không? ... Chị ấy không thể có con được nữa sau một lần hư thai ...

Cát Tiên ngồi bật dậy, giọng lạnh lùng:

– Thế sao chị ấy còn mở vũ trường, mở bar. Ở đó đâu phải chỉ có một mình Tiên tiếp khách. Còn khối con gái làm thế mà!

– Tiên không ở bar thường nên không biết. Chị ấy không hề ép ai làm điều ấy. Họ đến đây và xem vũ trường như một chỗ kiếm ăn và phần lớn họ là gái cơ nhỡ ...

Cát Tiên nhăn mặt gạt ngang lời của Bé Bầu:

– Nói xong chưa vậy. Tôi mệt quá rồi nè!

– Nhưng mà ...

– Thôi! Còn nói nữa, tôi bỏ đi liền bây giờ đó.

Cát Tiên đột nhiên cáu gắt khiến Bé Bầu cũng hơi ái ngại. Cô lặng im, chỉ biết nhìn cô bạn thân thuở học trò bỏ đi vào trong mà chưa kịp giao trả số tiền mình đã mượn hôm trước. Cô cầm xấp tiền trong tay mà cảm thấy xót xa:

– Tiền! Đồng tiền quả có ma lực. Vì nó mà con người ta đã quên bỏ cả sao?

Bé Bầu thổn thức trong tiếng thở dài khổ sở.

Vẫn như thường lệ, Bé Bầu đến làm công việc mà người ta gọi là osin thật sớm. Vừa đến trước cửa, cô thoáng thấy bóng dáng một chàng trai đi khỏi. Cô thầm nghĩ:

– Cái dáng này sao mình cảm thấy quen quen!

Nhưng cô không tài nào nghĩ ra được người quen đó là ai và cô tự nhủ mình:

“Chắc là con trai của bà chủ”.

Cô bấm chuông và vui vẻ bước vào nhà:

– Cháu chào bác Hai! Chúc bác một ngày vui vẻ!

Bà ta mỉm cười rồi hài hước:

– Sáng ra, gặp bé Hai là bác Hai này khỏe và vui liền hà!

Bé Bầu sung sướng:

– Thật hả bác?

Bà gật đầu:

– Thiệt!

– Hôm nay bác có đến cơ quan không ạ?

– Không. Bác muốn dành thời gian trang trí lại nhà cửa.

– Nhà có tiệc ạ?

Bà mỉm cười:

– Gần như là như vậy.

– Nghĩa là sao hả bác?

– Ờ. Số là ... con gái của bác du học sắp về, bác muốn tạo cho nó bất ngờ.

Bác muốn tự mình nấu mấy món ăn ngon mà con bé thích.

Bé Bầu gượng cười:

– Chị ấy thật hạnh phúc khi có mẹ.

Sợ cô bé bị tủi thân, bà nói lảng đi:

– Thôi, cháu làm việc đi. Bác sẽ cùng làm cho sớm, để bác còn đi chợ.

– Dạ.

Hai người lại vui vẻ bắt tay vào việc. Bé Bầu bắt chuyện:

– Gia đình bác thật là hạnh phúc.

– Ôi! Chưa hẳn cháu à.

– Sao vậy bác?

– Bác có hai đứa con mà tính tình chúng khác nhau hoàn toàn, cháu ạ. Chị gái hiền hậu ngoan ngoãn bao nhiêu thì thằng Út ngỗ ngược, cứng đầu bấy nhiêu. Thật ... bác không thể dạy được gì.

– Hình như ... anh ấy mới đi khỏi phải không bác?

– Ừ, hôm nào cũng đi thật sớm.

– Anh ấy đi đâu ạ?

Bà lắc đầu thở dài:

– Bác chẳng biết. Ban ngày thì đi tập thể dục, đi bơi, đi uống cà phê ... Ban đêm thì đi bar, vũ trường ... Tự ý nó, bác chẳng quản được.

Bé Bầu an ủi:

– Bác đừng buồn. Con trai thường hay thế ạ.

– Ừ. Ban đầu, bác cũng buồn, dần riết rồi quen luôn. Sáng, khi nó trở về là bác đã đi làm, mẹ con cũng ít gặp nhau ...

Bé Bầu bắt ghế lên cao lau tấm ảnh gia đình, cô hơi nhíu mày vì đứa bé trai và người đàn ông kia có nét quen quen. Cô thắc mắc:

– Bác Hai ơi!

– Gì thế?

– Cháu có thể tò mò một chút được không ạ?

– Sao con?

– Dạ, đây có phải là gia đình bác không?

– Ừ, đó là vào dịp kỷ niệm mười năm ngày cưới của hai bác.

– Cháu thấy, dường như nhà mình không treo ảnh gia đình.

– Ừ phải. Bác trai chỉ muốn chụp ảnh chung với các con. Nhưng thằng Út thì có tật mỗi khi chụp hình không biết vì sao nó cứ bị bệnh ...

– Lạ nhỉ! Cháu cũng có nghe vài trường hợp như thế!

Bà chợt nghĩ ra một việc liền nói luôn:

– Bé Hai hôm nay ráng thu xếp làm giúp bác một bữa nhé!

– Làm gì ạ?

– Dọn đẹp nhà cửa. Trang trí lại hồ cá kiểng. À, ra sửa sang lại hòn non bộ trước sân giùm bác luôn nhé! Bác muốn con bé về phải thật sự thoải mái.

– Dạ.

– Đây là tiền công của cháu.

Bà lấy trong túi ra cái bao thư, làm Bé Bầu thảng thốt cứ ngỡ mình sắp bị đuổi việc:

– Bác ... ý bác ...

Thấy vẻ mặt thất vọng của Bé Bầu, bà vội trấn an:

– Ồ! Cháu đang nghĩ gì thế? Đừng hiểu lầm. Cháu chỉ nghỉ vài hôm thôi. Bác muốn sống trong không khí gia đình. Bác không muốn ai làm phiền bọn trẻ trong thời gian này. Và sau đó, khi cần, bác sẽ lại gọi cháu đến, được chứ?

Bé Bầu thoáng buồn, nhưng không thể phản kháng gì, cô gượng cười:

– Vậy là cháu sẽ không được gặp bác trong vài ngày sắp tới!

– Cháu buồn à?

– Cũng chút chút ạ? Mỗi sáng cháu đến làm việc, được trò chuyện với bác giống như cháu có mẹ bên cạnh ...

Bà xúc động lặng nhìn cô gái. Đột nhiên Bé Bầu lấy lại nụ cười méo xẹo:

– Nhưng không sao. Rồi cháu sẽ lại gặp bác, đúng không?

– Ừ, ngoan nào!

Bà vỗ về Bé Bầu như một người mẹ trìu mến con gái của mình. Cái cảm giác êm dịu mơn man khắp da thịt mình lại trở về, cô thoáng nhớ về hình ảnh người mẹ quá cố kính yêu của mình.

...

Thiên Kim ngồi dán mắt vào chiếc laptop bên chiếc bàn nhỏ ngoài sân vườn lộng gió và ngạt ngào hương hoa. Không khí của gia đình thật có khác - Thật thoải mái và dễ chịu.

– Chị Thiên Kim đang làm gì thế?

Cô ngước mặt nhìn Mộng Giang trong chiếc jupe màu đỏ thắm:

– Ồ! Chào Mộng Giang. Em đến bao giờ?

– Em mới đến. Chị không ra ngoài sao mà ngồi đây?

– Ồ! Chị đang chat với các bạn. Ở bên ấy thì nhớ mẹ, về đây lại nhớ bạn.

– Vậy chúng ta ra ngoài đi dạo chứ!

– Ừ, tốt lắm. Chị cũng đang cần người tâm sự đây.

Thiên Kim đóng máy lại và tản bộ cùng Mộng Giang.

– Sao Mộng Giang không đi chơi với Hải Sang mà lại tìm chị?

Mộng Giang gượng cười:

– Chị ơi! Anh Hải Sang mấy khi ở nhà chờ em chị.

– Sao vậy?

– Em chẳng biết anh ấy đang nghĩ gì.

– Nghĩa là sao?

– Gần đây ... anh ấy lợt lạt với em lắm!

– Chẳng lẽ nó có người khác.

– Không.

– Sao em chắc thế?

– Thì ... em điều tra!

– Ừm ... ghê nhỉ!

– Chính xác là anh ấy không có ai ngoài bọn bạn trai của anh ấy. Nhưng ...

anh ấy tìm mọi cách để từ chối đi chung với em.

– Sao mẹ bảo hai đứa vẫn hay cùng ra ngoài.

– Là em chủ động cả.

Thiên Kim thở dài:

– Đàn ông thật khó hiểu thế sao?

Mộng Giang nhìn Thiên Kim, hỏi:

– Chị bảo đang có tâm sự mà.

– Ừ, chị cũng đang buồn như em.

– Anh ấy của chị cũng thế à?

– Ừ, trước ngày du học, chị và anh ấy đã thề non hẹn biển ... nhưng khi về nước, chị mới thấy anh ấy trở nên xa lạ.

– Anh ấy có người phụ nữ khác?

– Nghe đồn thế chứ chị không rõ.

– Sao lại không rõ? Chị phải làm cho rõ chứ. Chị đã chung thủy với anh ta mấy năm trời để rồi phải nhận sự phũ phàng thế sao?

– Chị sợ ....

– Sợ gì?

– Sợ đối đầu với sự thật! Nếu thật sự anh ta có người khác ...

– Thì chị sẽ quậy cho anh ta biết mặt.

– Mà ... anh ta là người như thế nào?

– Có học thức, có nghề nghiệp. Trước đây là một người vui vẻ, biết quan tâm đến người khác và rầt hiền ...

– Ái chà! Trong mắt chị, anh ta tốt thế kia đấy! Thế anh ấy tên gì?

– Gia Khiêm.

– Gia Khiêm? Cái tên nghe quen quá! .... Em cũng có một anh bạn làm ăn tên Gia Khiêm.

Thiên Kim có cảm giác hồi hộp, cô dừng chân hỏi:

– Anh ta kinh doanh hóa chất?

– Ơ ... Đúng vậy. Chẳng lẽ ... Anh ta mở công ty Gia Hưng phải không?

Thiên Kim thảng thốt:

– Em biết anh ấy sao, Mộng Giang?

– Biết chứ ạ!

– Bạn làm ăn à?

– Không ... Quen biết ở vũ trường.

– Vũ trường?

– Phải. Anh ta chẳng phải tay hiền lành như chị tưởng đâu.

– Em biết anh ta rõ thế sao?

– Rất rõ. Phải rồi. Anh ta đã phản bội chị. Anh ta đang cặp bồ với con nhỏ tên là ... tên là gì nhỉ? ... À đúng rồi, tên Cát Tiên.

– Trời! Thật sao Mộng Giang?

Thiên Kim vô cùng đau khổ vì bị phản bội. Ấy vậy mà mấy hôm trước cô còn tin tưởng mà giao cho hắn mượn một số vốn. Thì ra hắn là một tên đào mỏ, lường gạt người nhẹ dạ.

– Chị không thể nào ngờ ...

Mộng Giang thì nóng giận ra mặt:

– Tức thật! Không thể để yên cho họ được.

– Làm gì được chứ?

– Để xem bọn họ ở đâu, em sẽ dẫn chị đến đó cho chúng một bài học.

Trong lúc bốc đồng, Thiên Kim đã không ngần ngại nhận lời và hình dung một trận ẩu đả điên cuồng sắp xảy ra.

...

Bóng đèn màu pha rọi theo tiếng nhạc náo nhiệt. Đám trai gái quay cuồng theo bước nhảy. Mộng Giang và Thiên Kim bước vào bắt gặp ngay cặp tình nhân đang ngồi bên nhau âu yếm.

– Chị thấy chưa? Tin tức của em chính xác lắm mà!

Mắt Thiên Kim như nổ lửa, cô tiến đến bên, vỗ mạnh lên bàn:

– Anh Gia Khiêm!

Gia Khiêm đưa mắt nhìn Thiên Kim, thảng thốt:

– Kìa Thiên Kim! Em ...

Chát! - Một cái tát như trời giáng vào mặt Gia Khiêm, khiến Cát Tiên hoảng sợ:

– Cô, cô là ai mà ...

Thiên Kim từng mắt nhìn Cát Tiên:

– Sao? Đau lòng phải không? Hay tại mình chưa được phần?

Giọng Cát Tiên đanh đá:

– Cô dám?

– Dám à? Dám này, dám này!

Mỗi câu là một cái tát vào mặt Cát Tiên đau điếng. Gia Khiêm định nhào đến ngăn cản nhưng Mộng Giang và một gã cao to đã chụp lấy anh ta cho một trận.

Cả vũ trường nhốn nháo, và rối loạn hẳn. Đến lúc bảo vệ vũ trường xuất hiện thì Cát Tiên đã nằm mẹp. Thiên Kim dù bị nắm chặt tay nhưng vẫn cất cao giọng:

– Cho mày biết chị mày có dám không. Còn giả vờ hả. Con kia? Đứng lên mà vênh mặt với chị mày!

Thấy xôn xao, Bé Bầu và Khả Yên cũng chạy đến. Giọng Khả Yên vang vang:

– Chuyện gì thế?

Một anh trong trang phục vệ sĩ đáp:

– Có người đến phá vũ trường chị ạ!

– Ai mà to gan vậy? Rồi cô quay sang quầy ra lệnh - Gọi người anh Hai đến đây.

– Dạ.

Mặt Khả Yên đanh lại:

– Mấy người đến đây làm gì?

Mộng Giang lên tiếng:

– Tôi chỉ muốn cảnh cáo con đĩ này thôi.

Khả Yên quắc mắt:

– Đĩ nào? Đĩ điếm gì ở đây? Các người muốn đánh muốn giết ai cũng chừa nơi này ra chứ!

Thiên Kim hơi tái mặt nhưng vẫn cố lên gân cổ cãi lại:

– Tại sao lại phải chừa? Nó giật chồng người khác phải đánh dằn mặt nó.

Khả Yên rít khẽ:

– Cô là đứa nào? Chắc chưa biết tiếng vũ trường này phải không? Cô nhìn xem, khách đến đây đều là những người trí thức, lịch sự. Có ai như các người không? Nội chuyện đánh người của cô cũng đủ để cho cô ngồi gỡ lịch rồi đó.

Trong lúc đó. Bé Bầu sợ hãi đỡ Cát Tiên lên:

– Cát Tiên! Cát Tiên ơi có sao không?

Cát Tiên được đỡ lên, gương mặt rướm máu vì những vết cào.

– Trời ơi! Cát Tiên! Chị ơi! Cát Tiên bị thương rồi!

– Bắt tất cả bọn họ lại! Mọi người ở đây sẽ là nhân chứng.

Vừa lúc ấy, Hải Sang từ ngoài cửa hớt hải chạy vào:

– Chị Hai! Chị mới về nước mà quậy cái gì nữa đây?

Thiên Kim thảng thốt:

– Sao em biết chị ở đây?

– Mộng Giang gọi điện.

– Ờ, may là em đến kịp. Cứu chị với!

Mộng Giang cũng sà đến bên Hải Sang:

– Phải đó. Chị ấy chỉ muốn dằn mặt gã kia thôi. Ai ngờ ... đụng ổ ong vò vẽ!

Hải Sang đưa mắt nhìn gã thanh niên đang ngã sóng soài và cô gái là nạn nhân.

– Kìa! Cát Tiên! Bé Bầu!

Cát Tiên thều thào:

– Anh Hải Sang ...

Mọi người há hốc mồm vì ngạc nhiên.

– Em cũng biết cô ả này?

– Anh Hải Sang! Hay anh cũng giống ... Gia Khiêm?

Thấy cô gái ẻo lả, nắm chặt tay Hải Sang, Bé Bầu khó chịu kiếm cớ bỏ đi:

– Tôi đi lấy bông và thuốc.

Rồi cô bỏ đi một nước không thèm nhìn đến mặt Hải Sang.

Vừa lúc các chiến sĩ áo xanh kéo đến. Thiên Kim tái mặt núp sau em trai.

Hải Sang bước ra nhẹ giọng:

– Xin lỗi các anh, chỉ là hiểu lầm thôi. Các anh tha cho chị tôi ...

Anh công an nhìn Thiên Kim, Khả Yên rồi dừng mắt trước Gia Khiêm:

– Anh yên tâm! Chúng tôi đến không phải vì vụ xô xát lúc nãy, mà vì chúng tôi có lệnh bắt người.

Anh đưa ra lệnh bắt và nói:

– Gia Khiêm! Anh đã bị bắt vì tội buôn bán hàng lậu có tính chất nguy hiểm.

Mời anh theo tôi!

Gia Khiêm lắp bắp:

– Tôi ... tôi không có tội.

– Chuyện đó anh sẽ nói ở đồn công an. Mời anh!

Gia Khiêm đi rồi, bỏ lại sau lưng anh là niềm đau của hai cô gái.

Cát Tiên có cảm giác rát buốt trên mặt và trái tim cô thì tan nát. Tất cả đã tan tành theo mây gió. Niềm hy vọng của cô giờ đã thất vọng. Thì ra Gia Khiêm chỉ có cái vỏ bề ngoài. Hắn đến với cô chỉ là sự lợi dụng để sự việc làm ăn của hắn thuận lợi với các đối tác.

Còn với Thiên Kim, bấy lâu nay vì yêu, vì tin mà cô không ngần ngại đầu tư vốn cho hắn mà chẳng cần biết hắn làm gì. Giờ vỡ lẽ ra, tất cả đều đau khổ.