-Ra đây, ra đây, phải khai hết từ đầu tới cuối, không dấu chỗ nào hết nghen con.
Kim bắt tôi làm một màn tự thú. Tôi cười, ngồi thu gọn trong chiếc ghế đẩu, rồi từ từ kể. Có gì đâu, tôi chỉ mới gặp Huân một lần tại cái ghế đá trước Whitney Hall, nói chuyện bâng quơ trời đất hôm sinh nhật của Khoa. Lúc giã từ, Huân tỉnh queo dúi tấm danh thiếp có số phôn của chàng vào xách tay của tôi, nói nếu thích cứ gọi vì khi chàng hỏi số phôn của tôi, tôi không cho, nhưng tôi không gọi, rồi một hôm không hiểu ở đâu ra Huân biết số phôn của tôi và gọi xin cuối tuần được đến chơi. Câu chuyện ngắn ngủi chỉ có thế, muốn khai dài dòng cũng chẳng biết khai chi...
Thứ bảy, chuông cửa reng. Kim ồn ào bảo tôi:
-Mày cứ thong thả sửa soạn cho đẹp, để bà làm con ở ra mở cửa mời khách cho.
Tôi vừa sấy tóc xong, mái tóc còn nghe thơm thơm mùi trái dâu tây của thuốc gội đầu, hình như tôi có hơi cẩn thận hơn mọi bận, cứ mân mê mái tóc dài óng mượt phân vân không biết mình nên rẽ tóc về hướng nào. Mắng thầm rõ lẩn thẩn.
Tiếng Kim oang oang từ bên ngoài:
-Trời ơi! Điệu thế! Đến chơi còn đem hoa hồng nữa chứ. Này nói thật, ăn trộm vườn nhà ai, phải không?
Giọng Huân vui vẻ tự nhiên:
-Sao chị rành quá vậy! Thì hồng trước cửa nhà manager của chị chứ đâu.
-Trời! Bộ anh muốn hại tụi này thiệt à? Ổng quí mấy bụi hồng đó lắm, ổng mà thấy, ổng đuổi tụi này liền hà... Xin tự giới thiệu tôi là Kim, bạn chung nhà với Bích Chuyên.
-Huân, Vũ minh Huân. Rất hân hạnh được biết chị.
-Cũng hân hạnh được biết anh. Xin mời anh ngồi, cứ tự nhiên như trong nhà.
Đợi cho hai người giới thiệu xong thì tôi mới bước ra phòng khách. Kim hỏi ngay:
-Sao Hạnh, cắm hoa nơi bàn để mọi người cùng ngắm được chứ?
Huân có vẻ ngạc nhiên với cái tên mà Kim mới gọi tôi. Chắc tưởng tôi nói xạo tên Bích Chuyên với chàng chăng? Nhưng trong thoáng giây chàng cười, “À, nicknamẹ” Tôi bối rối gật đầu chào Huân - mà sao lại bối rối chứ? - rồi trả lời Kim:
-Chỗ đó tốt rồi.
Huân đang dựa lưng trên ghế xa-lông, vẫn với vẻ thoải mái như bữa đó tôi đã gặp chàng, còn Kim thì loay hoay rót nước. Lâu ngày nhỉ? Huân chỉ nói thế rồi thôi. Tôi lại không biết nói gì, rồi lúng túng không biết phải làm gì, chẳng lẽ lại dành Kim rót nước? May quá, Huân vừa nhìn thấy mấy tờ báo Văn ở dưới bàn, chàng hỏi liền, vừa hỏi vừa khom người xuống, lấy một tờ báo:
-Ồ! Mấy cô cũng đọc báo Văn hả?
Kim cười giải thích:
-Của một người bạn mua tặng Kim mà Kim không đọc, chữ nghĩa chằng chịt, in lại nhỏ như con kiến. Không có kiên nhẫn. Tặng cả năm rồi. Cũng may là còn có người đọc, không thì phí cái tình của người ta.
Người đọc là tôi. Thích đọc, cứ thấy sách báo là ngấu nghiến đọc quên ngủ quên ăn. Chữ Mỹ có, chữ Việt có, từ chính trị, kinh tế, biên khảo, triết lý khô khan... đến tình cảm ướt át, éo le, gossip bình dân, lá cải... tôi đọc tưới hột sen. Tờ báo đó do Vinh mua tặng. Kim và tôi đã cười một trận. Rõ là anh chàng vì mới theo đuổi người đẹp nên chưa biết tính của Kim, con nhỏ chỉ thích đi xi-nê, bát phố, đi biển, và ăn tiệm. Nó cười muốn bể bụng. Trời ơi! Bà đâu phải thứ dân đó. " Dân đó" là dân nào? Là dân lúc đi học thì cứ chúi đầu vào mấy đống sách, bây giờ ra đời thì lúc nào cũng có mấy cuốn sách báo kề kề bên cạnh. Là dân hay chữ, nhưng thảy vào đời thì vụng về hết sức. Tôi cãi lại. Chưa chắc nghe bạn! Chỉ vì bạn không có cái thú đọc sách nên bạn ganh tị đấy thôi, tìm kiếm đi, ở cái xã hội máy móc chạy đua này có cái thú nào làm ta thanh thản, thoải mái bằng thú đọc sách, đâu đã già mà vui thú chăm sóc cây cỏ, làm vườn. Diễm Châu, bạn hồi UW, cùng nhóm với Kim và tôi, đi làm về chỉ vui với mảnh vườn nhỏ, không bạn bè, không bồ bịch, không có cả một cô bạn gái thân thiết để mà tán dóc, nghe kể Diễm Châu nhất quyết không lấy chồng, bà mẹ thấy con ở vậy một mình thì lo, thở ngắn thở dài, nhưng biết sao đây, xứ này đâu có cảnh ép mỡ ép duyên, trói buộc ai được! Nhưng chuyện này không phải là lý do chính khi biện luận với Kim về sở thích, thú vui của từng người nên tôi không nhắc cho Kim nhớ - Kim bĩu môi chê, nhưng mà dân văn chương chữ nghĩa thường không thực tế, sống xa với đời. Tôi giải thích, tại họ trọng đời sống tinh thần hơn vật chất. Kim cứ kêu trời ơi, có tiền đi shopping, đi ăn nhà hàng cũng thú vậy. Tôi cười ừ, mà làm thân trâu ngựa kéo cày trả nợ cho ba cái thứ vật chất, xa xỉ phẩm cũng khổ, rồi tôi đi xa thực tế khi nói cảnh đôi tình nhân đi bên nhau, vừa đi vừa tâm sự, một đoạn đường dưới ánh trăng vàng, cũng đủ hạnh phúc vậy. Kim tiếp lời châm biếm, một túp lều tranh, hai trái tim vàng, uống nước lã mà yêu nhau... thì... hạnh phúc nhất. Bữa đó khi bàn cãi đến đây là tôi biết tôi vừa trật đường rầy!
Huân lật lật, đọc những trang báo. Kim lém lỉnh nhìn tôi:
-Hạnh à, có người giống Hạnh kìa. Thế là có đồng minh rồi, thích nhé!
Huân vô tình không nhìn thấy cái nhìn của Kim nên nói:
-Tôi mê sách báo từ nhỏ. Qua bên này thích nhất là hệ thống thư viện, muốn đọc gì cũng có, muốn khiêng mượn về nhà bao nhiêu cũng được, mỗi lần tới trăm cuốn, sợ không có sức đọc thôi. Chỗ tôi ở không có cộng đồng Việt, thành phố nhỏ nên không đi câu cá thì tôi vào thư viện đọc sách... sống luôn trong thư viện cũng được!
Kim nghe mà hết hồn. Lại câu cá nữa! Mấy cái mục này Kim không ham. Là bạn thân của nó khá lâu, tôi biết rõ con nhỏ này. Nó cười hỏi ngay Huân:
-Chắc là anh thích đi câu lắm. Chớ trời ở tiểu bang này lạnh thấy mồ, lại phải dậy sớm lạnh lẽo, hay ngồi suốt đêm, ngồi kiên nhẫn chờ cá cắn câu, co ro khổ sở. Kim chỉ thích đi ở chỗ đông đảo, phố xá chợ quán nhộn nhịp, cứ tưởng tượng chung quanh hoang vắng chỉ thấy sông nước là đủ thấy sợ rồi. Ra siêu thị câu cho khỏe đi, anh Huân à! Nói dại chớ... nhỡ rớt xuống sông. Mới năm ngoái đây nè, có một cô đứng xo ro làm sao trượt chân ngã xuống sông, ông bồ nhảy xuống cứu rồi mất tiêu luôn. Cả hai cho đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Dòng sông Columbia nước chảy xiết lắm.
Huân ra trường từ Washington State University, dĩ nhiên chàng lạ gì về dòng sông này:
-Nó nằm trên đường đi Pullman, ở ngã ba quẹo nam đi Pullman, quẹo bắc đi Spokane, cảnh trí thật là hùng vĩ, có đập GranđCoulee, đèo cao quanh co, thung lũng, đồng bằng. Dòng sông nổi tiếng có nhiều cá sturgeon, loại cá vừa giống catfish vừa giống cá mập, miệng nằm dưới bụng, nấu canh chua ăn hết sẩy, xương cá ăn như ăn gân, sụn. Mới nhìn qua tưởng dòng sông hiền hòa êm ả chảy, nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, ai ngờ đã cướp đi mất hai người đồng hương của tôi.
"Đồng hương", đã lâu lắm rồi tôi mới nghe lại cái danh từ này, chàng nói với một giọng rất tha thiết, chân tình. Chỗ Huân ở vắng bóng người Việt nên chàng thèm thấy người Việt cũng như thèm ăn nước mắm.
-Bây giờ tôi chỉ câu ở hồ, hồ nhỏ, cho đỡ buồn.
Kim còn chọc chàng một câu:
-Cũng như Khương thái Công câu cá chờ thời?
Chàng chỉ cười, rồi quay sang tôi hỏi:
-Bích Chuyên có thích câu cá không?
Tôi lắc đầu. Tôi muốn chàng vui, cũng mong là có cùng một sở thích với chàng, nhưng thật ra giống Kim, tôi cũng không thích câu cá, tụi tôi cũng ít ăn đồ biển nữa chứ nói chi chuyện câu cá. Con nhỏ Kim mỗi lần về nhà bố mẹ nó, đi ngang qua bàn ăn thấy mẹ dọn cá là kêu, cơm chẳng có gì ăn, rồi ra ngoài ăn hamburger với french fries... để sau đó nghe bà già chửi hoài, "tụi bay Mỹ hết đi". Tụi tôi "Mỹ" là tại những năm tháng ở nội trú nhiều quá, chứ đâu phải mấy bà mẹ không nấu cho ăn đồ ăn Việt Nam.
Chàng đến rủ bọn tôi đi ăn sáng. Kim cứ nằng nặc đòi đãi Huân món điểm tâm Tây phương với ham, bacon, trứng, nó vừa mới học được. Nhưng Huân lại muốn đi tiệm, món của Kim đành để dành dịp khác. Thôi vậy càng khỏe, Kim làm bộ lầm bầm.
-Chắc chắn là Kim với Bích Chuyên rành đường sá và tiệm quán ở đây hơn tôi.
Kim cười trả lời:
-Thật ra, Port Angeles chỉ cách đây 3 giờ lái xe chứ đâu xạ Biết bọn Kim rồi thì cứ weekend hay lễ lộc thì về đây chơi chứ nằm tu những nơi vắng vẻ như thế coi chừng quên tiếng Việt đó.
Tôi cười trong bụng, con nhỏ khéo lo chuyện thiên hạ, mình cũng bí chữ hoài, có khi vài ngày sau thì cái chữ mình bí đó bỗng dưng xuất hiện. Nụ cười nhẹ tôi nghĩ là kín đáo cũng không qua mắt Huân. Chàng nhìn tôi thắc mắc hỏi. Tôi phải giải thích:
-Kim nói cho chính cô ả nghe đấy. Nó là đứa quên tiếng Việt nhiều nhất, Hạnh phải để cuốn tự điển Việt ngay xa-lông đây. Mới đầu Hạnh còn sửa sai nó, giờ thì chính Hạnh cũng quên, cả ngày 8 tiếng tiếp xúc với Mỹ mà. Chữ dang dở, công việc dang dở mà nó dám viết là gian dở, gian của chữ ăn gian, thế thì có chết không. Ngày xưa đường đường là dân ban C.
-Thôi cứ phiên phiến qua đi, viết sao chả được, miễn là người ta hiểu được cái ý mình chuyển đạt là tốt rồi -Kim lý luận.
Tôi cãi:
-Nhưng nếu mình dùng chữ sai, sao người ta hiểu được?
Ở nhà hàng Tàu ăn tỉm sắm cứ tiếp tục bàn cãi tiếng Việt. Mỗi khi thức ăn được đẩy qua, Huân hay nhìn tôi hỏi ý kiến. Vì mới quen hay tôi có hân hạnh được sự chiều chuộng đó? Dù sao cũng cho tôi cái cảm giác là được chăm sóc, làm ấm lòng. Tôi vẫn hay cảm động vì những chuyện lẩm cẩm như thế...
Nhà hàng đông khách rộn rịp. Mỗi chiếc xe đẩy qua một vòng là hết sạch, rồi phải đợi đợt sau nếu mình chần chừ, nên món nào, Huân cũng nhìn tôi hay Kim hỏi thử không. Kim cười đùa, ăn không hết đem về, được không? Tôi có thói quen ăn thật chậm, lối ăn cầm khách, luôn luôn là người sau cùng đứng lên nhưng thật ra nói về lượng thì chẳng có bao nhiêu. Phải để ý thì mới biết, không thì tưởng tôi ăn nhiều vì vẫn còn ăn cho tới cuối bữa. Lối ăn sẽ hiệu nghiệm cho dân muốn giữ eo, kiêng cữ, mà tôi có kiêng cữ chi đâu. Chắc Huân đang để ý tôi dữ vì chàng vừa nhận xét:
-Bích Chuyên ăn chậm quá nhỉ!
Kim gật đầu đồng ý:
-Nữ thực như miêu mà.
Có lần ăn cơm nhà bác Sắc, thấy tôi ăn uống nhỏ nhẹ, bác Sắc hỏi:
-Bích Chuyên tuổi con mèo phải không?
Tôi đã ngây thơ nghiêm trang trả lời:
-Không, cháu con dê, bác ạ.
Sáng thứ bảy trời đẹp, nắng nhẹ lung linh trên những hàng cây bên kia đường. Phố xá tấp nập người đi bộ. Chuyến xe buýt nào đi ngang qua cũng đầy nhóc những người. Xứ này, mưa nhiều, được dịp nắng là thiên hạ túa ra đường, cứ như chim chóc, đến mùa lạnh thì biến mất. Cảnh này làm tôi nhớ tới Ngân, thư Ngân từ Cali gởi về, “ mùa hè không đâu đẹp bằng Washington của mình, khí hậu ôn hòa, cây cỏ xanh tươi. Khoảng tháng năm thì Scotchbroom dại nở vàng ngập hai bên xa lộ, cái thứ bụi cỏ vào mùa đông thì trần trùixám xịt xấu xí chỉ làm vùng Tây Bắc thêm ảm đạm, thê lương nhưng cuối xuân thì dễ thương vô cùng, và với nắng chiều, trên đường đi làm về... thấy một vùng hoa vàng bát ngát, trời ơi, cũng đủ cho tâm hồn thơ thới, nhớ không Hạnh? Từ ngày xuống đây, hình như tao chỉ nhớ có 2 thứ về Washington: hoa đào nở khắp đường phố vào những ngày đầu xuân và Scotchbroom của những ngày tháng năm, là tháng sinh nhật của tao. Washington cũng có những cánh đồng uất kim hương, daffodils nổi tiếng vào tháng tư... Nhưng nói cho cùng... vẫn còn sợ những ngày mưa của Washington ! ” Năm ngoái, cô nàng đã đính hôn với một anh chàng dân Cali, như vậy là đóng rong mọc rễ ở dưới đó rồi, tiểu bang này lại mất đi một đứa con gái. Hồi nó được giốp dưới đó, tụi tôi đã cười bảo là Washington sắp mất một đứa con, thì nó khăng khăng, “không đâu, tao đi làm vài năm có kinh nghiệm rồi tao trở về”. Bây giờ Cali được thêm một nàng dâu.
Ở tiệm HongKong ra, chúng tôi thả bộ dọc theo phố chính, hòa vào đám đông đang ngược xuôi tấp nập, đôi khi đụng vào nhau. Kim vui vẻ ồn ào, tung tăng theo làn sóng người:
-Trời ơi! Trời đẹp quá hả?
Có thế mà hắn cũng trời ơi làm tôi tưởng có chuyện gì quan trọng. Tôi cũng có niềm rạo rực với nắng ấm với đám đông như Kim. Kim nói tiếp:
- Đi vòng vòng ngắm tiệm quán chơi.
Huân cười dễ dãi:
- Được chứ, mà Bích Chuyên có thích không?
Tôi cũng cười nhẹ nhàng, gật đầu. Kim đi sát bên tôi, tinh nghịch nói nhỏ:
- Đáng lẽ phải để anh chị đi với nhau, đương không tao lại xía vô thêm dư, mà tại mi tử tế mời chi.
Tôi đánh nhẹ vào vai Kim:
-Bày đặt!
-Em xin lỗi!
Lỗi phải gì! Chắc hẳn con nhỏ lại rơi vào những ngày lẩm cẩm?
Qua tiệm hột xoàn, tôi chỉ cho nhỏ Kim chiếc vòng cẩm thạch mà tôi rất thích và định một ngày nào đó sẽ muạ Tôi nói:
-Chắc mẹ tao sẽ bằng lòng.
-Sao mẹ mi phải bằng lòng?
-Mua cho mẹ tao mà. Bà thích cẩm thạch.
-Cỡ tuổi mình đeo cũng đẹp vậy, trông thanh tao.
Tôi lắc đầu nói:
-Hơi nặng, lại không biết giữ gìn, dễ bể, uổng tiền.
-Mi thật là...
-Chứ không phải sao, đồng tiền xứ này đâu dễ kiếm. Ê Kim, nhìn chiếc nhẫn này xem, xinh xắn quá hả?
-Emerald đó! Tao chỉ thích những viên sáng ngời kia thôi, chắc phải kiếm chồng giàu. Mà ở đây biết ai giàu!! Kỹ sư Boeing (lương) thì cũng chỉ đủ trả tiền nhà, nuôi vợ nuôi con... Mà không có mới ham, chừng có sẽ hết ham, đời sẽ chán đi.
Tôi cười:
-Không có gì? Kim cương hay chồng giàu?
Nhỏ Kim hôm nay lại triết lý nữa chứ, ở đó mà chán, sẽ quay sang ham thứ khác chứ, và hạnh phúc là khi mình muốn cái gì thì được cái nấy, khi mình không muốn, không thích mà có thì cũng chẳng thú gì. Tôi nói tiếp:
-Sợ không có mà đeo chứ ở đó mà nói chán.
Hai đứa tôi cứ thế mà tranh luận chuyện nữ trang, chuyện... đời, bỏ mặc Huân lững thững một mình, lúc tôi chợt nhớ mới ngó quanh quẩn tìm chàng thì thấy chàng đang ngắm khỉ biểu diễn trò hề trên hè phố. À, thì ra ít nhất cũng có gì cho chàng giải trí trong lúc đợi chờ. Chợt Kim nhìn chăm chăm vào mặt tôi rồi la nhỏ:
-Trông mi có vẻ mệt mỏi quá vậy Hạnh?
-Tối qua không ngủ được!
-Tại cái hẹn ngày hôm nay, phải không?
- Đâu phải! Cũng chẳng hiểu tại sao mấy hôm rày thức giấc luôn!
-Hay tại mi còn nghĩ đến cái chết của chị Loan với anh Thành?
-Cũng hết nghĩ rồi, thỉnh thoảng có nhớ nhưng không còn bận tâm như trước. Người nó làm sao ấy, chan chán, chẳng biết nữa!
- Đôi khi đời sống quá trầm lặng cũng làm mình mệt mỏi nữa.
-Trầm lặng cái khỉ gì, cũng lo đủ thứ.
Khi nói chuyện này thì tôi đang nghĩ đến việc nghỉ dưỡng sức vài ngày cuối tuần ở cái cabin trên đảo Bainbridge của bố mẹ Thy; tuần trước bất ngờ một tối Thy điện thoại hỏi chừng nào Kim với tôi rảnh ba đứa họp mặt ở căn nhà gỗ nấu nướng ăn uống nói chuyện tầm phào chơi. Sẵn hôm nay tôi nhắc Kim chuyện đó. Kim nói, “thay đổi không khí ở chơi vài ngày thì được, ở luôn chắc tao chịu không thấu, không ưa thành phố nhỏ, yên tĩnh làm tao sợ”. Nó còn nói nếu nửa đêm nhỡ thèm chicken soup thì không biết mò đâu ra.
Hai đứa mãi nói chuyện mà quên Huân. Kim kêu:
-Trời ơi, tao có quên thì mày cũng nhớ chứ, sao bỏ anh chàng một mình ngắm phố, còn mình đứng miết ở đây - “Ở đây” là trước cửa tiệm nữ trang Jade - đừng thấy người ta hiền mà mình bất lịch sự không được đâu đó.
Kim và tôi nhìn quanh quẩn một hồi mới thấy được Huân trong đám đông, hai đứa đến xin lỗi rối rít. Chàng chỉ cười cười:
-Sao? Cô nào sắp lên xe hoa mà lựa nhẫn kỹ thế?
Chàng nói lựa mà không nói muạ Kim lắc đầu:
-Ngắm chơi chứ làm gì có tiền mà mua với lựa! À mà chừng nào anh lấy vợ, tụi này đi xem chọn giúp cho.
Tôi cười mắng yêu con nhỏ:
-Bộ người đẹp của ảnh không biết lựa sao mà nhờ đến bọn mình?
-Ừ nhỉ! Kim cũng cười.
Tôi nghĩ bụng. Với lại việc đi chọn nhẫn là một việc hết sức riêng tư, chỉ giữa hai người, mỗi lần nhìn cảnh hai người sắp lấy nhau dẫn nhau đi chọn nhẫn, chú rể nào trông cũng có vẻ dễ dãi, chiều vợ sắp cưới với thái độ sao cũng được, cứ nghe anh chàng nói " tùy em... " là con tim tôi cứ bồi hồi, cảm động, chuyện người ta mà mình cảm động.
Ở Carnival, Kim chơi những trò chơi thẩy vòng, bắn nước rồi đi spider roller coaster, xong đi xe lửa. Đi vòng vòng tôi đã thấy mệt nên ngồi nghỉ trên ghế đá, theo dõi Kim. Tóc của nó phất phơ trong gió, mặt nó xanh lè khi xe lửa xuống dốc, miệng thì la hét, hết khúc quanh co lại cười toe toét. Vậy mà chưa ngán, còn đi lần thứ hai. Trong khi có nhiều tên con trai mặt không còn tí máu! Những lần đi hội chợ, tôi cũng chỉ chơi được những trò chơi nhẹ thôi.
Huân mua nước và french fries đến cho tôi. Chàng nói chàng thấy tôi ngồi dựa ghế đá, chàng nghỉ tới bữa đầu chàng và tôi cũng gặp nhau ở ghế đá, chàng thắc mắc hình như lúc nào tôi cũng chọn được cô đơn, cô đơn giữa đám đông, chứ không phải cô đơn thật cô đơn.
-Coi bộ cô Kim nhiều “energy” hơn Bích Chuyên hả?
Tôi cầm lấy ly coke, gật đầu đồng ý:
-Anh nhận xét đúng đấy. Kim không thuộc loại ngồi không, khi làm, làm không biết mệt, khi chơi, chơi hết mình, sợ nhiều ông không khỏe bằng nó, nó làm cái gì cũng giỏi.
Thật ra, nó còn ham chơi hơn ham làm, từng nói, chỉ thích đi chơi thôi, ra ngoài ăn uống, có quen anh chàng nào thì cũng phải có mục này. Có lẽ sống như thế mà đời nó ít chán hơn đời tôi, “live a full life” hơn? Hay cũng có những nỗi buồn bên trong? Mà con khỉ ấy có buồn gì lâu!
-"Hạnh thì chuyên chậm chạp", tôi lập lại nguyên văn câu con nhỏ vẫn thương hại tôi, "chẳng làm ăn gì được", rồi tôi tiếp, nhiều khi chạy theo hắn muốn hụt hơi. Hai đứa Hạnh ví như con thỏ với con rùa, Kim là con thỏ mà Hạnh là con rùa.
Huân bóp nhẹ vai tôi, chàng nói, giọng thật ấm:
-Rồi con rùa tới đích trước mà.
-Thật không? Đáng lẽ hai đứa là con thỏ với con rùa hiện đại, trong câu chuyện mới này, con thỏ vẫn tới trước vì tuy nó có rong chơi nhưng nó cũng ma lanh hơn biết dùng đường tắt hay bám vào một phương tiện nào khác để đạt tới mục đích, còn con rùa vẫn chậm, vẫn bị bỏ sau lưng, bị những con thỏ chạy qua gạt rớt xuống mương, cuối cùng có đến nơi thì cũng là kẻ đến sau, chỉ thấy chợ đã tan và trong cuộc thi đã có những mục tiêu mới.
Huân cười:
-Tôi không nghĩ như vậy.
Tôi không cười, vẫn thản nhiên nói tiếp:
-Thật mà, nhưng Hạnh sẽ không ráng chạy theo đâu, vẫn giữ với tốc độ của mình thôi, chỉ tránh đừng để bị những con thỏ khác đạp chết dẹp là được, cứ tà tà, để còn nhìn đời nữa chứ, bon chen cho lắm cũng thế thôi.
Sao tôi lại dùng chữ bon chen, với ám chỉ gì?
Những câu nói khó hiểu, Huân chẳng bao giờ hiểu được. Huân vẫn là một người lạ, dù tôi đã tự cho, là Huân có thể là bạn của Kim và tôi được, chàng có nụ cười hiền lành, chàng có giọng nói ấm chân thật và tiếng cười trong trẻo vô tự Tôi vẫn không giải thích gì thêm, đứng lên, đi chọn một trò chơi. Huân lững thững bước theo, chàng cũng không nói gì. Tôi nhẹ nhàng như bước chân mèo, đẩy nhẹ cái thanh sắt mỏng sao cho nó di chuyển để hất dần những đồng 25 xu về phía cuối cho chúng lọt xuống, để ăn những đồng 25 xu này, hay thế tiền bằng con gấu nhồi bông hay con búp bê xinh xinh. Tôi nín thở đẩy nhẹ. Đồng bạc cắc vẫn nằm một chỗ. Tôi làm lại. Đồng bạc cắc vẫn không nhúc nhích. Tôi thở một cái mạnh, rồi làm nữa. Lần này có tiếng rớt lộp độp, một đồng rồi hai đồng. Gặp lúc hên, tôi ăn đủ những đồng 25 xu để đổi được hai con gấu.
Theo dõi tôi chơi, Huân nói:
-Coi bộ Bích Chuyên cũng kiên nhẫn dữ hả!
-Ờ há! Ít nhất thì tôi cũng có đặc tính này, kiên nhẫn thì tôi có thừa. Tôi đổi thế dựa cho khỏi mỏi, mắt vẫn chăm chú vào thanh sắt:
-Cũng hao bộn tiền mới luyện được cái tính ấy chứ bộ! Còn anh, cứ tưởng tượng anh ngồi câu cá giờ này qua giờ khác cũng... phi thường vậy! Nè, muốn thử cái trò chơi này không?
Huân kêu tôi chơi được thì chàng chơi cũng được, nhưng một phút sau là Huân đầu hàng, tay chàng quá dư thừa cho trò chơi tỉ mỉ, khéo léo này.
Nhỏ Kim đã trở lại, nó cười khì khì rồi trêu Huân:
-Gì mà dở thế! Rồi lên giọng an ủi, đừng" tủi thân", cái thứ này bày ra chỉ cho nhỏ Hạnh chơi thôi.
Tôi cười thích thú:
-Rứa à, buồn ghê hí.
Thấy tay Huân ôm hai con gấu nhỏ, Kim la lên khi Huân bảo tôi đã "ăn" được:
-Trời ơi, rồi chất ở đâu đây? Cái apartment thì nhỏ, dọn không hết, còn “tha” về nữa!
Nó làm tôi như mèo, hay tha xương cá về nhà, mà không công nhận những thứ này là thành quả xuất sắc của tôi, đồng ý là tôi có bày chật nhà thật, nhưng tôi hay tiếc, không biết liệng cái nào giữ lại cái nào. May là nhỏ chưa méc việc tôi còn đặt tên cho những con gấu mà tôi ưa thích nữa, rồi tôi cũng hay ôm gấu vừa xem TV, chẳng lẽ chuyện gì cũng đi méc hết sao, rồi chàng sẽ cười vì tôi quá trẻ con, nhưng sao tôi nghi quá, không sớm thì muộn đó thôi.
Buổi chiều, nắng vẫn dịu dàng. Trời tháng năm, xứ này bao giờ cũng đẹp. Công viên đông người. Chúng tôi thả bộ theo bờ vịnh. Gió thổi ngược làm tóc tôi tung baỵ Một thanh niên đang ngồi bên giá vẽ, sửa vài nét chấm phá cảnh núi non biển nước trước mặt. Kim khen chàng họa sĩ vẽ đẹp, chàng ngẩng đầu mỉm cười rồi nói chàng chỉ là họa sĩ tài tử thôi. Huân bảo ngày Trung học chàng cũng chọn hội họa cho môn nhiệm ý, điểm lúc nào cũng tầm thường vì không có khiếu. Kim vui miệng cũng nói hồi nhỏ nó thích nhất là vẽ những đám mây, có khi vẽ nhiều đám mây nhỏ rời rạc mà nghĩ là những hột bắp rang. Á chà! Tôi chưa bao giờ nghe nó thố lộ chuyện này. Nó cười chúm chím, thuở mới lớn mà, thứ gì cũng thích... Thuở đó, Thế mê hội họa. Tôi tập tành học cách thưởng thức nghệ thuật... có lẽ vì chàng? Nghĩ tới đây, tôi thấy ngực mình đau nhói - Thế vẫn còn có khả năng làm tôi đau nhói... sau bao ngày tháng lòng bảo lòng tôi phải quên chàng.
Huân ở lại ăn cơm tối với Kim và tôi. Heo quay ăn với bánh hỏi, đó là ý kiến của Kim. Heo quay mua ở tiệm Tàu nằm trên đường King. Thy cho địa chỉ, vì con heo mua ở tiệm này hôm lễ hỏi của nó ăn thật ngon. Bánh hỏi tự làm lấy ở nhà, luộc bún nhỏ, xếp thành những mảnh bún nhỏ thoa bột năng rồi đem hấp nhẹ, xong bôi mỡ hành. Thật dễ, mà trông cũng ngon lành như ở tiệm. Ăn lạ miệng nên Huân khen ngon. Thấy thịt đâm ngán, tôi chỉ ăn một ít bánh hỏi với nước mắm chanh. Kim cười cho là tôi sợ ăn mỡ nhiều làm nghẽn mạch máu, nên lựa ra cho tôi những cục thịt nạc. Nhìn những miếng có mỡ dính cũng ghê quá chứ, ăn ngày qua ngày biết đâu lại chẳng làm nghẹt mạch máu?
Huân có duyên kể chuyện lôi cuốn người nghe. Chẳng hay do đâu mà câu chuyện lại hướng sang chuyện ma, và nhờ vậy mà tôi biết được tài kể chuyện ma của chàng...
Đêm đã khuya. Ngoài kia trăng lên sáng vằng vặc, qua cửa sổ rọi vào nhà. Tôi bâng khuâng nghĩ, rằm rồi phải không?
Rồi tôi lại buồn. Tôi dễ buồn. Sao tôi lại nghĩ đến chuyện ngày mai, có thể mỗi đứa mỗi nơi. Huân, Kim và tôi. Tôi đã trải qua những lần chia tay, nên chỉ nghĩ là đã thấy buồn thấm. Tôi phải tự mắng mình, sống ngày nào vui ngày đó.
Tiễn Huân ra về rồi, tôi vào nhà trở nên trầm lặng. Kim chọc tôi để tôi cười hỏi, hôn chàng chưa, hay chàng hôn mi chưa? Chúng tôi vẫn chưa hôn nhau... có còn sớm quá chăng? Tình cảm chỉ mới là giọt nắng lung linh đầu mùa.