Dẫn nhập

Miyamoto Musashi là một nhân vật thực tại trong lịch sử Nhật Bản có nhiều đóng góp lớn về mặt văn hoá cho đất nước này và sẽ được giới thiệu bên dưới.
Khi đọc Koudan: Miyamoto Musashi thì trước hết chúng ta cần biến Koudan là gì.
Koudan (講談)là như thế này, từ Kou (講) mang nghĩa là lịch sử. Koudan tức là lối kể chuyện lịch sử dễ hiểu và lôi cuốn người nghe. Đây là một trong những cái " nghệ " truyền thống trong văn hóa Nhật Bản giống như Rakugo. Nhưng âm điệu của thể loại hài kịch Rakugo mang tính "kể" thì âm điệu bảy - năm của Koudan lại mang tính "đọc" và "miêu tả" nhiều hơn. Đề tài của Rakugo thường là chuyện những nhân vật không tên bình thường trong cuộc sống nhưng đề tài của Koudan thì rộng lớn, bao gồm cả quân ký (Gunki) kể chuyện quân sự, Vũ Dũng Truyện (Buyuden) kể những võ công vũ tích của các nhân vật anh hùng hào kiệt hay những chuyện rất bình thường trong cuộc sống gọi là Sewa Mono. Đối tượng nhân vật của Koudan rất đa dạng, có thể đó là các vị lãnh chúa như Tokugawa, Toyotomi hay những võ tướng như Sanada Yukimura, các bậc anh hùng như Yagyu Jubei hay những nhân vật không tên trong cuộc sống như anh Ất, chị Giáp.
Tuy đề tài chủ yếu của Koudan là những chuyện dựa vào lịch sử nhưng thực tế Koudan không phải lúc nào cũng tuân theo sự thực lịch sử. Nội dung chuyện kể Koudan chỉ mượn bối cảnh lịch sử, nhân vật lịch sử để xây dựng thế giới của riêng mình. Vì vậy trong phần Koudan : Miyamoto Musashi này chúng ta thấy nhiều chi tiết không hề có trong sử sách, những chuyện hoang đường như tiêu diệt hồ ly, hay những nhân vật mà chưa sử sách nào nhắc tới như Takemitsu Ryufuken. Tuy Musashi, Bokuden, Ganryu, Ito Ittosai,... là những nhân vật thực tại trong lịch sử nhưng có nhiều chi tiết xoanh quanh nhân vật do diễn giả cố tình dựng nên.
Koudan chỉ là tên gọi sau thời Minh Trị. Trước đó thể loại chuyện kể này được gọi là Koushaku ( 講釈 ) và diễn giả kể chuyện được gọi là Koushaku shi (講釈師), sau thời Minh Trị là Koudan shi ( 講談師 ). Diễn giả kể chuyện được phép ngồi trên bục cao ba thước so với thị chúng và sử dụng một cái quạt giấy để gõ nhịp cho lời kể chuyện của mình.
Thế Koudan hấp dẫn ở chỗ nào ?
Koudan hấp dẫn người nghe ở chỗ nó thuận theo âm luật của tiếng Nhật. Câu chuyện hay dở thế nào phụ thuộc phần lớn vào lối kể chuyện của Koudan shi. Thông thường Koudan shi là những người rất âm hiểu và nghiên cứu sâu vào vận điệu, nhịp điệu của ngôn ngữ và lôi cuốn người nghe bằng chính giọng điệu của mình. Do vậy mà một tác phẩm Koudan khi được dịch sang một thứ tiếng khác thì mất đi phần lớn giá trị. Chỉ có đọc nguyên văn tiếng Nhật thì mới có thể cảm hết cái hay của Koudan. Cái quạt trong tay của Koudan shi cũng là một vật nhiều tác dụng :
- Tạo nhịp điệu cho câu chuyện.
- Koudanshi đập quạt vào mặt bàn gây ra tiếng kêu khi đến những đoạn quan trọng, làm giấu nhấn cho câu chuyện. Việc đập quạt đúng lúc rất khó. Người ta nói phải luyện tập ba năm mới có thể gõ quạt đúng nhịp cho ăn khớp với mạch truyện.
- Tiếng đập quạt có tác dụng tập trung sự chú ý của người nghe.
- Tiếng đập quạt có thể khiến người nghe cảm nhận được sự di chuyển của không gian và thời gian trong câu chuyện.
Về phát âm, Koudan shi là những người sinh sống bằng cái lưỡi nên họ luyện phần này rất kỹ. Mỗi hơi phát ra cùng với hơi thở phải có tác dụng gây sự chú ý, tạo sự hứng khởi đối với người nghe.
Về cách kể chuyện : Koudan shi sẽ kể câu chuyện từ sự kiện này sang sự kiện khác mà trong đó từ ngữ được dùng không hề đối chọi nhau mà bổ trợ tương hỗ cho nhau. Nếu ai đã từng nghe "hô lô tô" của Việt Nam thì sẽ hiểu điều này. Ví dụ để miêu tả bề ngoài một cô gái đẹp thì Koudan shi có thể sử dụng lối so sánh ước lệ với những từ ngữ liên quan tới nhau : chim sa, cá lặn, hoa hờn, nguyệt thẹn, Bồ Tát Phổ Hiền tái thế, Dương Quý Phi tái thế, dáng đứng như Thược Dược, vẻ ngồi như Mẫu Đơn, tướng đi như hoa Bách Hợp. Nói chung là Koudan là một nghệ thuật truyền tải nội dung bằng lời nói có sự vận dụng, tinh chỉnh về mặt từ ngữ đến tinh mật. Cường điệu quá mức cũng là một đặc trưng của Koudan.
Lịch sử phát triển : Không ai biết chính xác Koudan xuất phát từ khi nào nhưng theo dân gian truyền thì vào thời Edo đã thấy có Akamatsu Houin (có lẽ là một nhà sư) kể chuyện Gempei Seisuiki về sự hưng thịnh và diệt vong của hai dòng họ Minamoto và Taira cho Tướng Quân Tokugawa Ieyasu nghe. Có lẽ nó đã có lịch sử khoảng năm trăm năm.
Nhưng nếu nghĩ kỹ thì có lẽ là mấy ngàn năm, không, mấy vạn năm. Kể từ khi con người biết sử dụng ngôn ngữ thì đã có nhu cầu truyền đạt lại những thể nghiệm của mình dưới dạng "câu chuyện" nên có thể xem Koudan đã có lịch sử từ khi loài người biết nói..... Mà cường điệu và phóng đại vốn là đặc tính của Koudan mà !! Một diễn giả đã bông đùa như thế khi nói về lịch sử của Koudan.
Đến thời Edo thì Koudan bắt đầu mở rộng và đề tài của nó không chỉ có những chuyện quân sự hay chính trị nữa. Những nhân vật không tên thuộc tầng lớp bình dân đã đi vào Koudan với những chuyện hết sức bình thường như một ngày nặng nhọc của người thợ mộc,... Tuy nội dung giản dị nhưng vẫn thu hút người nghe qua tài sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của Koudan shi. Lúc bấy giờ diễn giả thường kể chuyện ở góc đường nơi chợ búa nên còn được gọi là Tsuji Koushaku hay Machi Koushaku. Nhưng nhiều câu chuyện quá dài khiến người nghe mỏi mệt. Vì thế đã hình thành nên những cơ sở hạ tầng như dãy ghế dài cho người ngồi nghe, dựng lều chắng gió, che mưa nắng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của Koudan là khoảng thời gian cuối Edo đến thời Minh Trị. Lúc này có khoảng năm, sáu trăm người làm nghề Koudan shi và có những dinh thự to lớn để Koudan shi kể chuyện. Tới những năm Taisho, Showa, Heisei thì Koudan đã đi vào thời kỳ suy vi. Hiện tại chỉ có khoảng bảy mươi người hành nghề này và không có một địa điểm, hội trường cố định như trước. Nữ giới chiếm một phần ba trong số Koudan shi hiện nay. Hiện nay những Koudan shi này đã liên kết với nhau lập ra một hiệp hội về Koudan.
Ngày nay Koudan không còn được thịnh hành như trước là vì nhiều lý do. Nguyên nhân chính là : quá khó để trở thành Koudan shi và tốn rất nhiều thời gian để tu luyện trước khi vững vàng bước vào nghề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến những cái "nghệ" truyền thống khác của Nhật Bản ngày càng có ít người theo. Một yếu tố khác nữa có lẽ là sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông giải trí hiện đại.
Tuy thế ngày nay lại thấy một hướng mới của Koudan. Số là một số ký giả báo chí đi xem Koudan cảm thấy hứng thú đã ghi lại những lời kể chuyện này và đóng thành sách. Những quyển sách như vậy lại được nhiều người ưa chuộng đến nỗi ngày nay đã hình thành một thể loại " Koudan viết" nghiêng nhiều về văn chương hơn.
Koudan : Miyamoto Musashi vốn được diễn giả Ito Ryocho diễn trước chiến tranh Thế Giới thứ hai, sau được Koudansha đóng thành sách xuất bản mà mọi người đọc ngày nay.


Vài lời về Miyamoto Musashi

Như nhiều người đã biết, Miyamoto Musashi trước khi mất đã để lại hai bộ sách có giá trị là Gorin no sho và Dokkodo. Về Gorin No Sho thì đó là một quyển sách chỉ nam về kiếm thuật, nhưng người ở những giới khác nhau lại thấy được trong nó những giá trị khác nhau. Những nhà quân sự luôn xem đó là một quyển sách không thể thiếu trong tủ sách chiến thuật, binh thư trong khi những nhà mỹ thuật lại không thể xem nhẹ nó. Những nhà kinh doanh, giáo dục đều có những đánh giá cao về quyển sách viết về kiếm thuật này. Ở đây không có ý định đi sâu vào phần này mà xin để một dịp khác. Còn Dokkodo là quyển sách mang nhiều ảnh hưởng của Chứng Đạo Ca (Shoudouka), một quyển sách về Thiền, nó thể hiện nhân sinh quan của Musashi đối với cuộc đời trong cõi Ta Bà. Luôn đứng trên đôi chân của mình và đi trên đôi chân của mình, không dựa vào tha lực, không mong cầu vào tha lực. Nó thể hiện sự tinh tấn dũng mãnh cũng như tinh thần cầu đạo tích cực của Musashi. Musashi còn là một nhà mỹ thuật tuyệt vời mà người ta không thể không nhắc đến khi nói về tranh thuỷ mặc, điêu khắc và thư pháp. Rất nhiều tác phẩm của Musashi ở ba lĩnh vực nghệ thuật này còn được lưu giữ đến ngày nay. Trong số đó có nhiều hoạ phẩm Thiền không xa lạ với chúng ta, như bức Bồ Đề Đạt Ma (Bodai Daruma) và con hổ, Bố Đại (Hotei) với cặp gà chọi,... Musashi còn là đề tài bất tận cho không biết bao nhiêu loại hình nghệ thuật, giải trí như điện ảnh, văn chương, hội hoạ và ngày nay là đề tài cho nhiều tác phẩm Manga, Anime,Game...
Miyamoto Musashi còn đựơc biết đến nhiều qua bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yoshikawa Eiji sống vào thời Meiji. Ông viết rất nhiều, nhưng có lẽ chính bộ tiểu thuyết Miyamoto Musashi mới là thứ làm cho tên tuổi ông sống mãi với thời gian.
Có thể nói người trong Thiên Hạ đã quá quen thuộc với hình ảnh Miyamoto Musashi qua bộ tiểu thuyết này. Đó là hình ảnh một vĩ nhân, vâng, một vĩ nhân thực sự với xuất phát điểm rất bình dị như chúng ta, thậm chí có phần thấp kém hơn. Napoleon, Alexander, cùng bao nhiêu vĩ nhân khác, họ giống như những pho tượng đẹp đẽ mà chúng ta chỉ có thể từ xa đứng nhìn chứ không thể trực tiếp chạm vào. Nhưng đối với Miyamoto Musashi, chúng ta có thể thấy đựơc hình ảnh của chính mình trong nhân vật này qua một quá trình rèn luyện liên tục, lâu dài, từ cái ấu trĩ đi lên cái vĩ đại. Ngày hôm nay thấy mình tốt hơn hôm qua và ngày mai thấy mình mạnh hơn hôm nay. Ngay cả khi đã được xem là danh nhân trong Thiên Hạ, vẫn thấy mình còn quá nhiều yếu kém. Miyamoto Musashi chính là hiện thân của một tinh thần tinh tấn dũng mãnh, một tinh thần cầu đạo hướng thượng và là hình mẫu Samurai điển hình. Ngoài ra Musashi còn là một biểu tượng của sự phá chấp, huỷ bỏ hết mọi chấp ngã, trong suy nghĩ lẫn hành động. Ở điểm này có thể nói Musashi là một thiền sư lớn, một nhà sáng tạo, một người luôn có những cách tân và gần với những khoa học gia chân chính. Không đi theo lối mòn, luôn tìm kiếm cái mới, đả phá những cố chấp trong bản thân.
Nhưng có những cái nhìn khác nhau về Miyamoto Musashi. Yoshikawa viết trong tiểu thuyết của mình:
" Tori no naki oto mo, naku tokoro ni yotte chigau. Mata, hito no kokoro ni yottemo chigau."
Cùng là tiếng chim hót, nhưng hót ở những nơi khác nhau và tuỳ tâm trạng người nghe thì nó khác nhau. Cùng đối với một sự việc,nhưng ở từng hoàn cảnh, từng góc nhìn khác nhau thì chúng ta thấy khác nhau. Có nhiều sử liệu không thống nhất với nhau về nhiều chi tiết trong cuộc đời của Musashi nên từ đó phát sinh nhiều thuyết khác nhau về nhân vật này. Và một trong những thuyết đó được diễn giả Itou Ryocho đề ra trong quyển sách "Koudan Miyamoto Musashi".
Đây là quyển sách được Dai Nippon Yubenkai Koudansha (bây giờ là Koudansha) phát hành name Showa thứ tư do diễn giả Itou Ryocho diễn. Koudan (giảng đàm) là một hình thức hùng biện về các vấn đề lịch sử, nhân vật lịch sử mà qua đó các diễn giả trình bày những lý luận, sử liệu mình tìm đựơc về các nhân vật, sự kiện này. Đây là một loại diễn thuyết rất phổ thông thời Minh Trị.Quyển sách này với lời văn giản dị, mạch lạc lôi cuốn người đọc từ đầu chí cuối. Đây là một trong những quyển sách hấp dẫn nhất mà tôi từng đọc được, thú thật tôi đã không muốn buông tay ra mỗi khi cầm nó, như có một ma lực mãnh liệt khiến tay tôi lật từ trang này sang trang khác cho đến hết. Vì thế tôi thấy mình cần phải làm một việc gì đó có ích, có thể chỉ là để thoả mãn cho cá nhân tôi, nhưng tôi nghĩ ít ra nó cũng truyền tải được điều gì đến với bạn đọc Việt Nam.
Quyển sách được viết bằng ngôn ngữ cổ Nhật Bản nên việc chuyển nó sang tiếng Việt hiện đại là một vấn đề không đơn giản. Và cũng do quỹ thời gian rất hạn hẹp nên việc biên dịch rất sơ sài, không hề có bất cứ sự chuẩn bị nào và cốt chỉ để truyền đạt những thông tin chính đến độc giả. Rất mong bạn đọc thông cảm, lấy tinh thần làm trọng và bỏ qua cho những sai sót về tiểu tiết. Hy vọng trong thời gian gần tôi sẽ đăng tải nguyên bản tiếng Nhật để mọi người cùng đóng góp và sửa chữa cho những phần dịch không thích đáng.
(Quyển sách này có những từ ngữ, những tư tưởng không hợp với giá trị đạo đức, nhân quyền ngày nay nhưng xin được giữ nguyên)
Sài Gòn ngày 13 tháng 8 năm 2006.


Phần một: Thiên tài mười ba tuổi

(Nguyên văn: Jusansai nishite Gishin ni Iru)

Thời Chiến Quốc, nhất là vào những năm Genki, Tensho là thời quần hùng cát cứ, chư hầu tranh bá, là thời đại khốn nạn mà hễ kẻ có chút tài năng võ nghệ đều có thể xưng bá một phương, làm thành chủ một vùng. Miyamoto Musashi Masana, danh nhân Thiên Hạ thời Chiến Quốc, sau nhập đạo và lấy tên là Niten Genshin. Lúc trai trẻ là gia thần của vị Tướng Quân (Shogun) lừng danh Kato Higo no Kami Kiyomasa (gọi vắn tắt là Kato Kiyomasa). Sau khi nhà Kato bị diệt thì được nhiều chư hầu lớn nhỏ tranh nhau lôi kéo. Nhưng tôi trung không thờ hai chúa, đó là đạo lý của người võ sĩ nên Musashi đã lấy bút làm bạn với thơ, sống cuộc đời an nhàn cho đến khi mãn hạn trời. Thực đúng là một điển hình mẫu mực của võ sĩ thời Chiến Quốc.
Người này, vào thời Chiến Quốc có hàng trăm lưu phái võ nghệ khác nhau, đã khai sinh ra lối đánh song kiếm mang tên Shinmen Nitoryu được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Nói đến Musashi người ta không thể bỏ qua phái song kiếm Nitoryu này. Trong cuộc đời của mình, Musashi đã đấu hơn sáu mươi trận và chưa hề thất bại, thực đáng được tôn xưng là vị thần của võ nghệ. Và câu chuyện này sẽ kể về cuộc đời của vị tuyệt đại anh kiệt này từ lúc nhỏ cho đến khi thành nhân.
Cha của Musashi là Yoshioka Taro Zaemon, một hào sĩ văn võ song toàn (bunbu ryodou) làng Akamatsu xứ Harima. Có lần ông được Tướng Quân (Shougun) lúc bấy giờ là Ashikaga Yoshiteru cho vời đến dự cuộc ngự tiền tỉ võ cùng với mười bảy vị anh kiệt khác. Mười sáu người kia đều bại trận dưới tay của Taro Zaemon và đến người thứ mười bảy là Takemitsu Ryufuken thì trận đấu bất phân thắng bại, đến người thứ mười tám là kiếm sĩ nổi danh bay giờ là Tsukahara Bokuden cũng bất phân thắng bại. Tướng quân Yoshiteru rất đỗi vui mừng và phán rằng "Người đúng là thiên hạ không có hai " (thiên hạ vô nhị- Tenka Muni). Và từ đó đổi tên thành Yoshioka Munisai. Sau khi nhà Ashikaga diệt vong thì Munisai thờ họ Mouri vùng Geishu và có được hai người con trai. Con trưởng là Mondo, con thứ là Shichi No Suke mà sau này là Miyamoto Musashi, nhân vật chính của phần chuyện kể này. Con trưởng Yoshioka Mondo là người yếu đuối mang nhiều bệnh tật trong khi thứ nam Shichi No Suke lại là người tráng kiện chưa từng biết phong hàn cảm mạo là gì. Lúc bảy, tám tuổi thường đến võ đường luyện tập kiếm đạo và tỏ rõ khí thế của bậc thiếu niên anh hùng. Năm mưòi ba, muời bốn tuổi thì gia nhân rất kính sợ tài nghệ và cho rằng người nối nghiệp tiên sinh Munisai chỉ có thể là thứ nam Yoshioka Shichi No Suke. Lời đồn ra tiếng vào đến tai Munisai, ông nghĩ một đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi thì làm được những gì. Nhưng cũng phải kiểm tra xem thế nào. Rồi một ngày nọ
- Này, Shichi no Suke, Shichi no Suke !
- Dạ.
- Mang trà lại đây
- Vâng ạ.
Shichi No Suke mang trà lại thì
-Này Shichi no Suke, đằng kia có con mèo đang ngủ.
- Vâng ạ.
Trên nền đá ngoài sân là một con mèo đang cuộn tròn nằm ngủ.
- Hãy chém nó thử xem!
Shichi no Suke toan đứng dậy thì bị gọi lại
-Này này, chém làm sao đừng để lại tì vết trên viên đá.
-Vâng.
Cứ tưởng đứa con sẽ từ chối vì khi con mèo nằm áp bụng trên nền đá và nếu chém từ trên xuống thì mũi kiếm sẽ chạm nền đá và để lại tì vết ngay.
- Vâng con hiểu rồi.
Shichi no Suke không chút do dự nhận lời ngay. Munisai không biết nó sẽ làm thế nào để chém đứt đôi con mèo và vừa mới chớp mắt thì Shichi no Suke đã thoăn thoắt nhảy ra vườn, vừa cố ý đạp mạnh chân gây tiếng động khiến con mèo tỉnh giấc. Con mèo bị tiếng ồn làm mở mắt nhưng không bỏ chạy, nó vươn dài bốn chân và ưỡn người. Thật là khó nghĩ. Cố tình đánh thức con mèo đang ngủ để nó tỉnh giấc, vươn vai... Khi con mèo vừa vươn chân thì
- Eittt...!
Shichi no Suke trở tay chém một nhát, con mèo đứt làm đôi. Yoshioka Munisai trông thấy không khỏi ngạc nhiên và nhủ thầm
- A thằng này khá. Không ai để ý đến việc làm cho con mèo vươn vai thì một thằng nhóc mười ba, mười bốn tuổi lại có thể làm được sao. Nếu như nó trưởng thành vô sự thì nhất định sẽ trở thành danh nhân võ nghệ trong thiên hạ. Còn nếu như có sai sót gì thì sẽ không tránh khỏi phương hại cho họ Yoshioka.