Trong hình dung của tôi, ông ta là một người đàn ông thực sự đáng yêu. Những chuyện kể của cô út và nhất là nhật ký của cô khiến tôi không thể có suy nghĩ nào khác hơn. Thế nên khi ông ta ra mở cửa sau tiếng chuông, tôi lùi lại, hơi lúng túng:

- Xin lỗi, cháu muốn gặp chú Hoan.

Ông ta nhìn tôi, gật đầu:

- Tôi là Hoan đây. Mời cô vào nhà.

Tôi bước vào ngôi nhà hai tầng, kín đáo nhìn lướt qua mọi thứ. Tất cả đều cũ kỹ, bình thường đến mức tầm thường, giống như người đàn ông này vậy.

- Cô tìm tôi có việc gì không? - Ông đặt ly trà trước tôi, hỏi với giọng của một công chức trong phòng làm việc.

- Cháu... cháu kêu cô Khuê là cô ruột... Cháu đến thăm chú cho biết... - Tôi khó khăn để giới thiệu về mình, cảm thấy mình đã sai lầm khi đến đây.

- Khuê à? Khuê... ? - Ông ta kêu lên, rồi dựa người vào ghế, thở ra nhè nhẹ, đầu gục xuống.

- Vì cháu nghe cô Khuê kể nhiều về chú...

Câu nói của tôi hẳn làm ông chạnh lòng:

- Tôi bây giờ là thế này đây...

Ông ta càng cúi gằm xuống, như thể xấu hổ. áo may- Ô cháo lòng, quần pi-ja-ma mỏng tanh vì giặt quá nhiều, mặt vêu vao nhàu nát, tóc hình như chẳng bao giờ chải, ông ta là hiện thân của sự tàn tạ thảm hại. Tôi tự hỏi làm sao cô tôi có thể yêu nổi một người thế này. Cô út tôi, người bao giờ cũng tinh tươm tươi tắn, thơm ngát, thần tượng suốt đời của tôi!

Đúng lúc ấy, bà ta bước vào, sau tiếng máy xe ầm ầm, tiếng guốc chát chúa. Tôi đứng lên chào, nhưng bà ta chỉ lườm tôi một cái, rồi hầm hầm đi luôn ra nhà sau. Chỉ giây lát bà ta trở lên, mặt sưng sỉa, giọng khàn khàn chì chiết:

- Cháy mẹ nó nồi cá rồi. Khét lẹt thế mà không ngửi thấy à? Đúng là đồ vô tích sự!

Ông ta nhìn bà, miệng há ra định phân bua, nhưng mãi không có tiếng nào lọt ra được. Còn bà ngoe nguẩy trở vào nhà, ném lại một câu:

- Thấy gái là không còn biết khôn dại gì nữa...

Mặt tôi nóng bừng, đầu nhức sưng lên. Tôi đứng lên ngay:

- Cháu xin lỗi, cháu phải đi đây...

Như chỉ chờ có thế, ông ta vội vàng theo tôi ra cửa, gần như thì thầm:

- Cô đang ở đâu, tôi sẽ đến chỗ cô.

Tôi nói tên khách sạn mình đang trọ, thầm nghĩ chẳng bao giờ còn gặp lại ông ta làm gì. Những điều vừa diễn ra khiến tôi ghê sợ.

- Tôi xin lỗi, bà nhà tôi tính tình không được vui vẻ lắm.

- Không sao ạ, cháu không để bụng đâu.

Trong khi đứng chờ xe, tôi vẫn nghe tiếng bà vợ xỉa xói chồng.

Giọng ông chồng run rẩy van xin bà ta nhỏ tiếng lại kẻo người ta nghe được... Tôi bước thật nhanh cho xa cái ngôi nhà ghê rợn nọ, nước mắt bỗng trào ra. Cô út tôi đã dành trọn cuộc đời cho một con người như thế đấy...

*

* *

Không hề chờ, nên khi nhìn thấy ông ta ngồi ở tiền sảnh khách sạn, tôi thật sự ngạc nhiên. Nom ông ta khác hẳn hôm gặp ở nhà. Sơ-mi trắng dài tay, đã cũ nhưng sạch sẽ, phẳng phiu, bỏ trong quần ủi ly hẳn hoi, có lẽ là bộ cánh khá nhất. Tóc chải vuốt ra sau khiến mặt ông ta sáng ra, tuy nét khổ sở nát nhàu vẫn hằn rõ ở vô số nép nhăn sâu khắp mặt.

- Cháu chào chú!

Tôi nói bằng giọng vui vẻ, cố để ông ta quên đi chuyện hôm trước. Ông ta cũng cười thật tươi, có vẻ linh hoạt hẳn:

- Cô có thích tìm chỗ nào đó ngồi uống nước không, tôi rất muốn được nghe chuyện về Khuê.

Nhớ tới bà vợ đáng sợ của ông, tôi đáp:

- Có lẽ lên sân thượng của khách sạn cũng được, chú à, trên đó có thể nhìn xuống sông Sài Gòn, đẹp lắm.

Ông đồng ý ngaỵ Lên đến nơi, ông gọi cho mình một ly cốc-tay, còn tôi kêu cà-phê đen. Đó là thức uống mà ngày trước tôi được cô út dạy cho cách phân biệt thế nào là ngon là dở. Ngồi đối diện, và trong ánh nắng trong lành của buổi sáng, tôi mơ hồ nhận ra ở ông đôi nét còn sót lại nơi người đàn ông của cô tôi. Gương mặt thanh tú, cung cách điềm đạm ông gây cho tôi một thiện cảm bất chấp ấn tượng từ cuộc gặp đầu tiên. Một lúc lâu rồi ông mới bắt đầu:

- Tôi biết tôi có tội với Khuê, tội rất lớn. Nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội nói điều đó với Khuệ Cô ấy nhất quyết không cho tôi gặp, suốt bao năm trời.

- Cô cháu như vậy đó. Cái gì cũng rõ ràng, dứt khoát, đã nói là làm.

- Tôi yêu Khuê cũng vì lẽ đó. Người ta có thể tin ở cô ấy như tin vào lẽ phải. Có cô ấy ở bên tôi thấy mình mạnh hơn, đủ sức làm được mọi điều. Cho nên khi không còn Khuê, tôi cũng mất luôn niềm tin ấy...

Tôi nhìn ông ta một cách nghiêm khắc. Tôi không thích nghe câu nói ấy. Sao cứ cho phép mình làm những điều tồi tệ rồi sau đó lại tìm cách biện minh?

- Cô cháu không trách gì chú đâu. Ngay trong nhật ký, cô cũng chẳng hề trách, dù chỉ một dòng.

Câu an ủi của tôi không ngờ khiến ông ta đau đớn hơn:

- Cô có biết như thế nghĩa là sao không? Là tôi không còn tồn tại nữa, cô ấy đã hoàn toàn quên tôi, như chưa từng có tôi. Đó là cách trừng phạt của cô ấy, còn đáng sợ hơn là giận dữ hay căm ghét.

Ra ông ta mới là người hiểu đúng cô tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn cô út ở góc cạnh ấy. Nên trước đây tôi vẫn thường tự hỏi vì sao sau rất nhiều điều bất như ý trong đời cô vẫn sống hoàn toàn tự tại, thanh thản. Tôi đã tưởng bởi cô là người khéo che giấu. Suốt buổi sáng, ông ta kể tôi nghe rất nhiều về những năm tháng xa quê dài dằng dặc, nhớ nhà, nhớ cô út, sau đó là những năm tháng trở về đầy tủi hổ vì thấy mình là kẻ chẳng ra gì. Ông cũng hỏi tôi về căn bệnh và sự ra đi của cô út, hỏi kỹ đến từng chi tiết nhỏ. Khi biết cô út chỉ cảm cúm rất thông thường, nhưng không hiểu sao cô nằm luôn không trở dậy và từ đấy cô ra đi một cách dễ dàng, thì ông ngồi lặng đi rất lâu và sau đó lầm thầm một mình: "Tại tôi, chỉ tại tôi cả". Tôi quan sát từng thay đổi trên gương mặt ông và hiểu được vì sao cô út đã chờ ông đến suốt cuộc đời: Tình yêu ông dành cho cô bộc lộ trên từng ánh mắt, từng cái chau mày, từng nếp nhăn trên mặt... Đến gần trưa, ông ta giơ tay xem đồng hồ, rồi đứng lên nói ngượng ngập:

- Xin lỗi, tới giờ tôi phải về. Từ khi nghỉ hưu, tôi phải giúp bà nhà tôi các việc trong nhà... Trước khi cô rời thành phố, tôi có thể gặp lại cô không? Tôi vẫn muốn được nghe thêm nhiều chuyện về Khuê.

- Vâng, cháu sẽ gọi cho chú.

Đưa ông ta ra cửa khách sạn, nhìn ông với chiếc xe đã tã chìm vào giữa dòng người, tôi hình dung tới những việc bếp núc khốn khổ đang chờ ông ở nhà, bên cạnh một bà vợ dữ dằn khủng khiếp. Rồi tôi trở lên phòng, lấy tập nhật ký của cô út ra săm soi. Cô không ghi chuyện của mỗi ngày mà chỉ viết cách quãng về những ngày đáng ghi nhớ. Cả cuộc đời cô chỉ gom lại trong một quyển sổ nhỏ mà phần quan trọng nhất dành cho người đàn ông giờ đây hiện ra trước mắt tôi như thế.

Mối tình đã nảy nở giữa cô gái mười bảy tuổi với anh học trò ở trọ bên hàng xóm. Nhưng tất cả chỉ là những cuộc hẹn ngắn ngoài bờ sông, những cái nắm tay làm xây xẩm mày mặt và vài lời hứa mà chỉ mặt trăng là kẻ làm chứng. Lần đầu tiên cô út để ông ta ôm hôn mình là buổi tối trước khi ông ta lên tàu tập kết. Họ chỉ có rất ít thì giờ và không nói được gì nhiều. Ông ta hứa là sau hai năm nhất định sẽ quay về, còn cô út nói rằng mình sẽ chờ, dù thế nào đi nữa thì cô cũng vẫn chờ. Rồi thời gian hai năm qua đi mà không thể có cuộc tái ngộ. Lời hứa bị kéo dài ra, đến chục năm, rồi mười lăm năm, rồi hai mươi năm... Cô út tôi vẫn đẹp xinh với gian hàng vải trong ngôi chợ giữa trung tâm thành phố. Bao nhiêu đàn ông rắp ranh, ngấp nghé, có người đã dở dang, cũng có người hãy còn son rỗi. Nhưng cô út bao giờ cũng có cách thoái thác. Cô biện giải với mẹ tôi:

- Em thấy sống thế này cũng ổn lắm rồi, thay đổi làm gì. Lỡ gặp người không hợp rồi chịu khổ thì có phải vô lý không, khổ cái không đáng khổ.

Mẹ tôi vẫn nói khi không có cô rằng, sao cô khờ dại quá, đàn ông biết thế nào mà tin, biết thế nào mà chờ. Biết lúc nào đất nước mới hòa bình, thống nhất, lúc nào những người ra đi mới trở về, đó là chưa kể việc ông ta có thể đã trở về nam đánh nhau và đã chết... Mẹ tiếc cho thời xuân sắc tươi đẹp của cô, tiếc cho những cơ hội cô đã để trôi qua, tiếc cho tấm lòng thủy chung của cô không hề được người cô yêu thương biết đến. Chỉ một lần, cô xiêu lòng trước một người mà gia đình hết lòng vun đắp, một ông chủ sự bảnh trai, gia đình danh giá, kén chọn mãi đến ngoài ba mươi vẫn chưa tìm được vợ. Ông ta đến nhà, chiều từ ông bà nội tôi cho đến lũ cháu trai cháu gái, chỉ muốn được cưới cộ Thế mà sau cả nửa năm đi lại, chuẩn bị ăn hỏi thì cô bảo thôi. Bà nội tôi nổi trận lôi đình:

- Mày tưởng mày con vua cháu chúa gì hay sao mà ghê gớm vậy. Thế gian này cũng đâu có thiếu người. Con gái hơ hớ đầy ra đó, chỉ tại người ta biết nghĩ nên không ham vợ trẻ, mày lại tưởng trên đời chỉ có mình mày.

- Đơn giản là vì con thấy không hợp. Về ở với nhau con lại làm khổ người ta thì còn tệ hơn. Thà dứt khoát trước... - Cô nói rất nhũn nhặn.

Nhưng với mẹ tôi thì cô kể thật mọi chuyện. Để chứng tỏ sự ưng thuận và tin cậy của mình, cô đã không chống lại những đòi hỏi của ông chủ sự. Khi biết mình là người đàn ông đầu tiên, ông ta hết sức vui sướng, nhưng sau đó ông lại bắt đầu thay đổi. Hình như ông cho rằng sau việc cô thất thân với ông, ông muốn gì cô cũng phải tuân theo. Ông bộc lộ với cô thứ quyền lực áp chế đầy chất gia trưởng của một người phong kiến tây học cho đến khi cô thấy không thể nào chấp nhận nổi. Cô báo cho ông biết cô không đồng ý tiến hành mọi việc nữa. Ông ta, lúc đầu thì la hét giận dữ, thấy không có tác dụng ông lại xuống giọng năn nỉ, và khi được cô cho biết lý do thật, ông thay đổi hẳn thái độ, hứa rằng suốt đời sẽ không bao giờ làm điều gì để cô phải buồn. Thế nhưng đã quá muộn, cô không thay đổi quyết định và ông đành bất lực lui bước. Ngay sau đó ông đi cưới một cô gái tuổi mới ngoài đôi mươi khiến bà nội tôi càng tự ái và bực bội với cộ Trước mọi chuyện, cô út không hề bộc lộ bất kỳ thái độ nào, chỉ nói với mẹ tôi rằng cô sẽ không cho phép mình sai lầm thêm lần nào nữa. Và cô chấm hết mọi liên quan đến việc mối mai chồng vợ từ sau chuyện đó.

Thế rồi miền nam giải phóng. Cô út giấu kín mọi cảm xúc buồn vui của mình, bởi cặp mắt bà nội vẫn luôn nhìn cô một cách dò xét đầy nghiêm khắc. Nhưng cuối cùng, tin tức về ông Hoan cũng đã đến. Một người đồng hương tập kết tới chơi nhà, nói như thể vô tình về chuyện ông Hoan vừa lấy vợ chỉ mới vài năm. Đó là một chuyện tai tiếng mà tất cả bè bạn, đồng nghiệp đều tiếc cho ông. Ông đi học nước ngoài về, là một kỹ sư giỏi và vẫn sống độc thân cho tới tuổi bốn mươi. Thế rồi sau một lần bị bệnh kéo dài, ông được cô nhân viên cùng cơ quan tự nguyện đến chăm sóc giúp, một cô gái phóng đãng từng dan díu với một nửa số đàn ông trong cơ quan. Ban đầu cô ta cũng vờ giữ ý, thăm nom đúng phép. Nhưng sau đó cô ta tự ý ở lại đêm tại phòng ông trong khu tập thể cơ quan, và cô đem chuyện này báo cáo lên công đoàn, phụ nữ, xem như hai người đã công khai mối quan hệ. Sau khi bình phục, ông mới biết chuyện. Ông tức điên lên, đến phòng tổ chức phản đối quyết liệt nhưng phản ứng này chỉ làm xấu thêm mọi chuyện, bởi người phụ nữ ghê gớm này đã làm ầm lên, dọa sẽ tự tử, dọa sẽ kiện tới lúc nào ông mất hết mọi thứ, nếu ông dám từ bỏ cô tạ Ông ta sợ hãi, rụt lại. Và kết cuộc là người phụ nữ không chỉ xấu người mà còn có đủ mọi thứ xấu ấy đã trở thành vợ Ông, sau một đám cưới lấy lệ buồn như đám tang. Cô ta đẻ ngay một đứa con gái, biến ông thành người cha bất đắc dĩ của tất cả những điều bất đắc chí.

Miền nam giải phóng khiến ông nung nấu ước mơ được tháo cũi sổ lồng. Ông đi phép về quê, tìm cách liên lạc với cô út. Cô không đồng ý cho ông gặp mặt, thư ông gởi cô cũng trả lại. Cô không muốn nhìn thấy ông, không muốn nhắc lại bất cứ điều gì. Ông chờ đợi cô một cách vô vọng cả tháng trời không được, liền quay về nhà, được vợ báo tin sắp có đứa con thứ hai. Hiểu rằng mình không thể còn cơ hội làm lại cuộc đời, ông xin chuyển công tác vào miền nam, nhưng ở xa vùng đất mà cô út không chấp nhận cho ông trở lại.

"Trời ơi, H. sắp trở về rồi. Tưởng như là chuyện chiêm bao. Nhưng giấc chiêm bao này dài quá, dài đến hết cả đời người tạ Thật may là mình vẫn còn đây để chờ anh ấy, dù không còn trọn vẹn như trước nữa. Mình sẽ kể tất cả mọi chuyện với H., nếu anh chấp nhận được, tha thứ được thì mình sẽ vô cùng hạnh phúc, còn anh không chấp nhận, không tha thứ được thì mình sẽ sống cuộc đời của mình mà không có gì phải trách giận, vì rõ ràng mình có lỗi. Thật ra, nếu mình đã lấy ông N., mình cũng sẽ bỏ ông ta để về lại với H., vì bao giờ mình cũng là của H. Anh ấy đã thay đổi như thế nào, có già đi nhiều không, có còn giống như anh của ngày xưa không? Trời ơi, mình muốn nhanh được gặp, muốn sớm được nhìn thấy anh biết bao... ".

"Không thể nào tin được H. đã phản bội mình. Sao anh lại làm như thế, anh quá thiếu thốn tình cảm, hay chỉ vì anh cần một người đàn bà? Bởi cái người mà anh lấy làm vợ nghe đâu lại là một phụ nữ chẳng ra gì. Như vậy anh có hạnh phúc không hay chỉ đau khổ, anh có bao giờ nghĩ tới mình không, có biết là mình vẫn chờ đợi anh không? Sao anh lại làm như thế, sao anh không biết giữ mình, không phân biệt được cái gì nên làm, cái gì không nên. Anh không đủ sức vượt qua hay vì anh không muốn, không dám? Mình căm thù sự yếu đuối của anh, căm thù khoảng cách đã không cho mình đến bên anh, căm thù sự bất lực của chính mình khi không thể làm gì cho anh được nữa... ".

"Mình đã làm rất đúng, đã yêu anh rất đúng, đã chờ anh rất đúng, đã xua đuổi anh rất đúng. Với tất cả mọi điều mình chưa bao giờ dối trá, chưa bao giờ phải ân hận. Mình không muốn nhìn thấy H., càng không muốn để anh nhìn thấy mặt mình. Không bao giờ. Anh sẽ đi con đường anh đã chọn, còn mình sẽ sống cuộc đời của mình, cuộc đời từ nay sẽ hoàn toàn yên tĩnh, hoàn toàn trống vắng, chẳng còn chờ đợi, chẳng còn hy vọng, chẳng còn ngạc nhiên, chẳng còn thất vọng, chẳng còn nghĩ ngợi, chẳng còn vướng bận, chẳng còn gì nữa... ".

Những trang cuối cùng, cô út chỉ viết cho chính mình. Cô diễn tả những cơn đau của mình, như thể đó là điều duy nhất cô còn chú ý. Cô theo dõi mình trên đường đi tới cõi hư vộ Cô bình thản và lặng lẽ đi về cõi chết.

Những trang nhật ký này, tôi đã định một ngày nào đó, khi tìm gặp được người đàn ông mà cô yêu, tôi sẽ đưa ông xem để ông biết được ông đã đánh mất một người đàn bà trọn vẹn đến mức nào, một tình yêu bền chặt đến mức nào... Nhưng gặp ông Hoan rồi, tôi hoàn toàn đổi ý. Tôi có thể chấp nhận những sai lầm của ông, chấp nhận ngay cả sự phản bội nếu có, nhưng tôi cần được thấy rằng ông thật sự là người xứng đáng với những gì cô út tôi cất giữ. Ngay trong sai lầm của mình, ông cũng vẫn phải là ông. Ông có thể sa sẩy vì bị lừa dối, có thể miễn cưỡng phản bội cô tôi, nhưng ông không thể đánh mất mình đến mức ấy, không thể bệ rạc thảm hại như cái người tôi đang nhìn thấy. Không thể được. Một sự xúc phạm không sao tha thứ được.

Dù sao, trước hôm rời thành phố, tôi vẫn giữ đúng lời điện thoại cho ông. Người bắt máy lại là bà vợ Ông.

- Cô có việc gì cần không? - Giọng bà ta đầy vẻ gắt gỏng.

- Cháu chỉ là người bà con xa thôi. - Tôi đáp, chỉ muốn vứt ngay ống nghe.

Tôi nghe tiếng bà ta gọi chồng: "Có con trẻ nào gọi này, lão già". Sau đó, ông ta cầm máy, nói rụt rè:

- A lô, xin lỗi, ai gọi tôi đó?

Tôi bảo rằng tôi sắp lên đường, nên gọi cho ông, ông nhận ra tôi, liền vội vã:

- à chú cảm ơn ba má cháu đã hỏi thăm. Cho chú gởi lời thăm lại ba má. Cháu vào công tác trong này có lâu không, gia đình ngoài ấy thế nào...

Tôi ngẩn ra một lúc mới hiểu được: ông ta đang làm động tác giả với bà vợ. Và thế là tất cả thiện chí còn sót lại của tôi lập tức rơi rụng cả. Tôi bảo rằng chỉ nửa tiếng nữa tôi sẽ lên đường, nên không thể gặp lại ông. Tôi rất tiếc và hy vọng lần công tác khác sẽ có dịp cùng ông trò chuyện nhiều hơn.

- Chú... chú cảm ơn cháu... - Ông ta lập cập chẳng ra lời.

- Cháu cũng cảm ơn chú. Chúc chú sống khỏe, sống vui. Cháu đi đây!

Tôi cúp máy, ngồi tần ngần một lúc lâu mới ra khỏi trạng thái nặng nề mà ông ta gây ra. Buồn quá, tôi lấy tập nhật ký của cô út ra lật xem, rồi trong một phút bất chợt, tôi châm lửa đốt luôn. Để lại phỏng có ích gì. Tôi là người ngoài cuộc duy nhất đã đọc nó và định làm một điều gì đó cho cô, cho cả người cô từng yêu. Nhưng điều đó giờ đây chẳng còn ý nghĩa, nó sẽ xúc phạm ghê gớm cả cô và tình yêu của cộ Và nó sẽ mang lại cho ông ta một bi kịch còn lớn hơn nhiều. Thôi thì hãy trả nó về với tro bụi, như cô út tôi cũng từng chôn chặt nó dưới những tro bụi thời gian trước lúc ra đi.

Nghe điện thoại báo có người gặp, tôi đi xuống và kinh ngạc thấy ông ta đang ngồi chờ, trong bộ quần áo nhàu nát mặc trong nhà. Chắc ông ta vội đến đây ngay sau khi gác điện thoại.

- May quá, tôi chỉ sợ cô đi mất rồi... - Ông ta vừa nói vừa thở dốc.

Tôi hơi ngượng vì rõ ràng không phải tôi sắp lên đường như tôi vừa nói dối ông. Nhưng hình như ông không hề để ý.

- Cô cho tôi gởi cái này về cho Khuệ Cô mua giúp hoa quả thắp hương bàn thờ Khuê và mua thêm ít trầm nữa. Tôi biết Khuê rất thích đốt trầm...

Bàn tay gầy gò của ông run run đặt cái phong bì trước mặt tôi. Tôi nói ngay:

- Cháu sẽ làm điều đó, nhưng chú cất cái này đi. - Tôi cầm phong bì trả lại cho ông.

- Tôi xin cô hãy nhận giùm tôi. Khuê đã nhất định không cho tôi gặp, còn cô xin hãy châm chước cho tôi. Cuộc đời tôi giờ chỉ còn duy nhất điều này là có ý nghĩa để giúp tôi sống. Đây là tấm lòng ân hận của tôi gởi đến Khuê, tôi mong Khuê thấu hiểu, tha thứ một phần. Còn tôi sẽ cố gắng để lúc nào đó đủ điều kiện tôi sẽ đi phép ra thăm mộ Khuê, thắp hương cho Khuê...

Vài giọt nước mắt bỗng rơi xuống khiến tôi sững sờ. Nước mắt của đàn ông, một người đàn ông hoàn toàn thất bại trong cuộc đời này. Có lẽ suy cho cùng, ông ta cũng chỉ đáng thương thôi.

- Được rồi cháu sẽ cầm về và làm như chú muốn. Cháu hy vọng cô út cháu cũng sẽ hiểu được tấm lòng của chú.

Tôi nói để chấm dứt. Nhiệm vụ tôi tự giao cho mình cũng chấm dứt. Không còn bất cứ điều gì tôi có thể làm cho cô út, cho cả ông nữa.

- Tôi cảm ơn cô! Rất cảm ơn!

Ông ta quày quả quay lưng như chạy trốn. Tôi nhìn theo cái lưng còm cõi của ông, tự dưng đau thắt cả ngực. Nếu tôi chưa thiêu hủy tập nhật ký, tôi sẽ gọi ông lại và đưa cho ông đọc. Cái tình yêu nhỏ bé đó đã mang lại cho hai con người này quá ít hạnh phúc so với vô vàn đau khổ nó đã gây ra, vậy mà không hiểu sao sau mấy mươi năm, khi một người đã bỏ đi ra khỏi cuộc đời, nó vẫn cứ còn đó, cứ đau đáu sống trong con người khốn khổ còn mắc lại, nó vẫn cứ tồn tại bất chấp mọi thứ, bất chấp ngay những gì tồi tệ nhất mà tôi trót là người chứng kiến...

Hết