Lời Giới Thiệu - Chương 1

Émile Zola là nhà tiểu thuyết nổi tiếng của nước Pháp nửa sau thế kỷ 19. Ông được xem như người sáng lập và nhà lý luận của chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Pháp, nhưng ông trở thành nhà văn lớn chính lại nhờ chỗ ông đã vượt lên trên được những nguyên lý của chủ nghĩa tự nhiên để tiến gần đến chủ nghĩa hiện thực, với một số điểm cách tân so với chủ nghĩa hiện thực phê phán cổ điển của Balzac và Stendhal, và mở ra thời kỳ của chủ nghĩa hiện thực phê phán hiện đại.

I. Đời sống và sáng tác

Émile Zola sinh năm 1840 ở Paris, là con một viên kỹ sư. Nhưng vì cha mất từ lúc ông lên bảy, ông qua thời kỳ thơ ấu trong cảnh túng thiếu ở một tỉnh miền Nam nước Pháp. Năm 1860 ông lên ở Paris. Ông có xu huớng văn chương, nhưng không thể hoàn toàn theo đuổi nghề viết văn được vì phải lo kiêm sống; Một thời gian, ông làm viên chức nhà nước, sau đó làm nhân viên đóng hòm, bọc sách cho nhà xuất bản Hachette, đồng thời ông bắt đầu viết báo. Năm 1864 ông cho xuất bản một tập truyện ngắn đề tài quái đản Truyện ngắn do Ninon. Sau đó, vài quyển tiểu thuyết viết theo phong cách lãng mạn tài tử.

Khoảng từ 1865, Émile Zola trở thành nhà văn chuyên nghiệp đứng đầu nhóm Médan [1] và bắt đầu xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa tự nhiên. Ông chịu ảnh hưởng sâu xa của nhà phê bình văn học thực chứng luận Hippolyte Taine, đồ đệ của Auguste Comte [2]; ông say mê nghiên cứu tác phẩm của nhà tiến hóa luận Darwin và của nhà bác học Claude Bernard, người khởi xướng phương pháp thực nghiệm trong khoa học. Nói chung, chịu ảnh hưởng của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên thời bấy giờ, nhất là sinh vật học và sinh lý học. Émile Zola muốn tìm lối thoát cho văn học đương thời bằng con đường khoa học trong nghệ thuật. Và ông viết cái gọi là “tiểu thuyết thực nghiệm”, lần đầu tiên được thể nghiệm trong tác phẩm Thérèse Raquin (1867). Trong loại tiểu thuyết này, tác giả ít quan tâm đến cốt truyện mà chú trọng nghiên cứu nhân vật về mặt tổ chức sinh lý, loại trừ hoàn cảnh xã hội của chúng, và ông quan niệm sự khủng hoảng tâm lý chỉ là biểu hiện của rối loạn về sinh lý. Trong tựa tiểu thuyết Thérèse Raquin, Émile Zola viết: “Mục đích của tôi trước hết là mục đích khoa học. Các bạn hãy đọc kỹ cuốn tiểu thuyết của tôi, các bạn sẽ thấy mỗi chương là một trường hợp kỳ lạ về sinh lý”.

Song, do ảnh hưởng của tình hình mâu thuẫn xã hội trở nên cực kỳ gay gắt về cuối thời Đế chính thứ hai, sự bất bình chung đối với trật tự hiện hành lên tới cao độ vào đêm trước Công xã Paris, Émile Zola duyệt lại lý thuyết về tiểu thuyết khoa học của ông để hướng nó mạnh hơn về phía những vấn đề xã hội học. Từ năm 1868, ông dự định viết một bản hùng ca rộng lớn phản ánh cuộc sống các giai cấp xã hội dưới thời Đế chính thứ hai, giống như Tấn trò đời của Balzac Đó là bộ tiểu thuyết mang tên Gia đình Rougon-Macquart với phụ đề Lịch sử tự nhiên và xã hội của một gia đình dưới Đế chính thứ hai. Bộ tiểu thuyết lớn đó bao gồm hai mươi cuốn, cuốn đầu, Vận số gia đình Rougon, ra đời năm 1871, và cuốn cuối cùng, Bác sĩ Pascal, ra đời năm 1893. Viết bộ tiểu thuyết này, Émile Zola nhằm hai nhiệm vụ - Một là dựa trên những cứ liệu mới nhất của sinh lý học, quan sát tác động của quy luật di truyền đối với những phần tử của cùng một gia đình mà sống trong những điều kiện xã hội khác nhau. Hai là, sau khi nghiên cứu đời sống ở nước Pháp dưới Đế chính thứ hai, vẽ lên một bức tranh rộng lớn của cả mọi thời kỳ và chỉ ra đời sống của các giai cấp xã hội khác nhau.

Trên thực tế, bộ tiểu thuyết Gia đình Rougon-Macquart kể từ lúc được thai nghén cho đến khi cuốn cuối cùng ra đời, trải qua hơn 25 năm. Trong thời gian dài đó, nước Pháp đã có những thay đổi lớn về mặt chính trị: nền Đế chính thứ hai từ đỉnh cao của nó đã suy sụp với cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, nước Pháp thất bại đã trải qua cuộc khởi nghĩa Công xã Paris rồi đi tới thiết lập nền Cộng hòa thứ ba. Cho nên bộ tiểu thuyết không chỉ đóng khung ở những sự kiện của nền Đế chính thứ hai, nó cũng không hợp thành một hệ thống thuần nhất, ngần ấy cuốn truyện như có một sợi dây liên hệ về mặt di truyền và lịch sử nhưng khá lỏng lẻo, cho nên mỗi cuốn lại có chủ đề và hình thức riêng của nó. Dù sao, bộ tiểu thuyết cũng đã đề cập đến những vấn đề xã hội quan trọng bậc nhất của nước Pháp nửa sau thế kỷ 19, nó bao trùm mọi tầng lớp xã hội, từ những giới chính quyền (Đại nhân Eugène Rougon), giới đại tư sản tài chính (Tiền), đến các tầng lớp nhân dân bình thường như thợ thủ công (Quán rượu), công nhân công nghiệp (Germinal), người buôn bán và nhân viên thương nghiệp (Hiệu Hạnh phúc các bà), Đặc biệt Germinal (1885) là cuốn tiểu thuyết Pháp đầu tiên mô tả cuộc đấu tranh của vô sản công nghiệp chống bọn tư sản. Trong bức tranh xã hội đồ sộ này, Émile Zola chứng minh rằng, mặc dầu một số hành động tàn ác, một phong trào nhân dân về căn bản bao giờ cũng nhân đạo, vì nó bảo vệ quyền lợi của đa số chống lại một thiểu số áp bức, và sự nổi dậy của quần chúng là một hình thức đấu tranh tự nhiên và chính đáng của công nhân để khôi phục quyền lợi của họ bị chà đạp.

Tuy nhiên, Émile Zola, về mặt chính trị chỉ là một nhà không tưởng. Sau bộ tiểu thuyết Rougon-Macquart ông viết hai bộ tiểu thuyết mang nhiều yếu tố chính luận: bộ thứ nhắt nhan đề Ba thành phố (1894-1898), chống Nhà thờ, bộ thứ hai nhan đề Bốn cuốn Phúc âm, mới chỉ viết được ba cuốn (1899-1902), trong đó cuốn Lao động nhằm thể hiện tư tưởng của nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Charles Fourier.

Ngoài tiểu thuyết, Émile Zola còn viết một số tác phẩm lý luận về chủ nghĩa tự nhiên như Tiểu thuyết thực nghiệm (1880) và Những nhà tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa (1881), trong đó ông tin ở sức mạnh vạn năng của khoa học và muốn sáng tác văn học áp dụng phương pháp như nghiên cứu khoa học tự nhiên. Và, ngoài hoạt động văn học, Émile Zola còn tham gia hoạt động chính trị, ông đặc biệt nổi tiếng trong vụ án Dreyfus với bức thư Tôi tố cáo - gửi cho Tổng thống Pháp đương thời, dũng cảm kết án chủ nghĩa sô-vanh của giới chính quyền.

Émile Zola mất năm 1902, một cách bất ngờ ở Paris, giữa lúc ông đang còn đầy sinh lực và đầy hứa hẹn trong sự nghiệp sáng tác của ông.

II. Émile Zola và chủ nghĩa tự nhiên

Trước Émile Zola, anh em Goncourt đã từng cho ra đời một cuốn tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa, tuy nhiên người ta vẫn coi Émile Zola là người sáng lập và thủ lĩnh của trường phái tự nhiên chủ nghĩa ở nước Pháp. Chủ nghĩa tự nhiên xuất hiện trong những điều kiện lịch sử đặc biệt của nước Pháp. Một mặt, đó là sự thất bại của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Pháp kể yừ những ngày tháng Sáu đẫm máu 1848 đưa đến sự thiết lập nền Đế chính thứ hai tối phản động và kết thúc bằng cuộc thất bại thảm hại của nước Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870-1871, liền đó là sự đầu hàng của giai cấp tư sản tàn bạo và cuộc đàn áp tàn bạo của nó đối với cuộc khởi nghĩa Công xã Paris trong tuần lễ đẫm máu 1871, tất cả những sự kiện đó làm người ta mất tin tưởng vào những lý thuyết xã hội chủ nghĩa, khi mà chủ nghĩa tư bản chuyển mình sang giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc. Mặc khác, đó là sự phát triển mãnh liệt của khoa học tự nhiên, đặc biệt là của sinh vật học và sinh lý học, trên cơ sớ đó xuất hiện chủ nghĩa thực chúng của Auguste Comte, học thuyết về di truyền và đào thải tự nhiên của Darwin, tất cả tạo nên khuynh hướng coi trọng những yếu tố sinh vật, yếu tố di truyền và coi nhẹ những yếu tố xã hội trong sự hình thành tâm lý con người. Chính trong hoàn cảnh đó, chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học đã đi vào con đường suy thoái kể từ Gustave Flaubert, và với Émile Zola, nó chuyển mình thành chủ nghía tự nhiên. Vì vậy những đặc điểm của chủ nghĩa tự nhiên là:

1. Thái độ khách quan chủ nghĩa, phi chính trị đối với thế giới, mượn cớ tôn trọng chân lý khoa học.

2. Giải thích những sự kiện xã hội theo quan điểm sinh vật học và đi tới một thứ chủ nghĩa định mệnh sinh lý.

3. Rời bỏ hình ảnh điển hình của thực tại để đi tới một thứ chụp ảnh những hiện tượng cá biệt.

Tựu trung, có thể xem chủ nghĩa tự nhiên như một biến tướng của chủ nghĩa hiện thực, khi nhà văn mất lý tưởng xã hội và không còn nhìn thấy viễn ảnh xã hội, do đó mất khả năng khái quát hóa, bị chìm ngập vào chi tiết, sự kiện vụn vặt chỉ nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng. Và chủ nghĩa tự nhiên sẽ áp dụng đơn thuần những quy luật tiến hóa của thế giới động vật vào xã hội con người, cuộc đấu tranh để sinh tồn được xem như quy luật vĩnh cửu của cuộc sống. Trên thực tế, đó chính là sự chứng nhận lối sống của xã hội tư sản được nêu lên thành nguyên lý tuyệt đối.

Đúng là Émile Zola, với những tác phẩm lý luận của ông đã kể ở trên, là nhà lý thuyết không chối cãi được của chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng, về mặt sáng tác nghệ thuật, thông qua những tiểu thuyết của ông, thì vấn đề không đơn giản. Đã đành, trong nhiều cuốn tiểu thuyết của Émile Zola, dễ dàng nhận ra những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa; chẳng hạn như sự sùng bái sự kiện và mối quan tâm trình bày sự kiện một cách khác quan, hay như ảnh hưởng của những học thuyết về di truyền và đấu tranh sinh tồn khiến nhà văn có phần mô tả con người như những nạn nhân thụ động thảm hại của sinh lý, của di truyền, hay của những bản năng sinh vật, đặc biệt là bản năng sinh dục. Và, không phải nhiều khi người đọc không cảm thấy bực bội vì sự ám ảnh của những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa loại đó, đi đôi với sự kiên cường trong vận dụng những lý thuyết sinh vật học đã nói ở trên để mô tả xã hội và con người.

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì Émile Zola đã không thể trở thành nhà văn lớn. Nếu những nguyên lý tự nhiên chủ nghĩa đã câu thúc những đồ đệ trung thành của trường phái và dẫn tới những tác phẩm đồi bại, bệnh hoạn, như của một Huysmans thì Émile Zola, người thủ lĩnh trường phái ấy lại không bị bó tay vì những nguyên lý của chính mình nêu lên để vươn tới gần một chủ nghĩa hiện thực sâu sắc. Ví như nguyên lý khách quan chủ nghĩa và phi - chính trị của chủ nghĩa tự nhiên, phải đâu trong tiểu thuyết của Émile Zola đã không vang lên mối phẫn nộ mãnh liệt đối với những bất công xã hội, nhất là khi mà bản thân Zola lại tham gia hoạt động chính trị tích cực, như trong vụ án Dreyfus, hay trong thái độ của ông bênh vực những chiến sĩ Công xã Paris đàn áp. Émile Zola cũng không hoàn toàn chỉ nhìn thấy tác động của sinh lý, của di truyền, bởi trong tiểu thuyết của ông vẫn ló ra những nguyên nhân xã hội tạo nên sự nghèo khổ hay sự sa đọa của con người dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Sự thật, Émile Zola không phải là người bi quan, ông không hẳn mất lý tưởng xã hội cũng như viễn ảnh xã hội. Ví như khi còn thai nghén bộ tiểu thuyết Rougon Macquart, lúc mà nền Đế chính thứ hai đang ở thời kỳ cường thịnh, nhà văn đã nhận ra sự suy sụp tất yếu của nó, và chính bộ tiểu thuyết của ông đã thể hiện một phần quy luật xã hội dẫn tới sự sụp đổ đó. Cố nhiên, lý tưởng xã hội của Zola bị hạn chế trong chủ nghĩa xã hội không tưởng của Charles Fourier, nhưng điều đặc biệt đáng chú ý là ông hoàn toàn đứng về phía những kẻ bị áp bức, các tầng lớp nhân dân lao động. Chính vì thế, cộng với tinh thần khách quan khoa học, ông đã đề cập tới phong trào đấu tranh của nhân dân lao động như thợ thủ công (Quán rượu) hay công nhân mỏ (Germinal)... Điều đặc sắc là trong Germinal, lần đầu tiên văn học Pháp vẽ lên được một bức tranh đồ sộ về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống bọn chủ tư bản, ở trong đó, cũng lần đầu tiên xuất hiện nhân vật tích cực, người anh hùng của thời đại mới là một công nhân, Echiên Lăngchiê, trở thành cán bộ công đoàn, đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân. Và, mặc dầu cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng cuộc thất bại của công nhân, có thể khẳng định rằng Émile Zola không hề mất tin tưởng ở tương lai của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhất là với những tác phẩm cuối cùng của ông, như tiểu thuyết Lao động (1901).

Vậy là Émile Zola, từ một nhà lý luận của chủ nghĩa tự nhiên, cuối cùng đã bước tới sát chủ nghĩa hiện thực với những điểm cách tân rất đáng kể so với tiểu thuyết hiện thực phê phán cổ điển, và, mặc dù Émile Zola vẫn tự xem mình kế thừa truyền thống của Stendhal, Balzac, có thể khẳng định rằng, ở thời kỳ nổi dậy của bão táp cách mạng vô sản cuối thế kỷ XIX, với những điểm cách tân của ông, Émile Zola đã mở đầu cho thời kỳ của chủ nghĩa hiện thực phê phán hiện đại sau này, với Anatole France, Romain Rolland, Henri Barbusse...

III. Tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà (1883)

Nếu những tiểu thuyết Quán rượu, đề cập tới đời sống của người thợ thủ công và Germinal, vẽ lên cuộc đấu tranh của công nhân mở mang nhiều yếu tố tự nhiên chủ nghĩa khiến cho bức tranh xã hội có phần đen tối vì một thứ quyết định luận sinh lý khá nặng nề, thì tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà, đề cập tới người buôn bán, tới thương nghiệp lại có thể xem như một tác phẩm vào loại sáng sủa, thậm chí lạc quan của Émile Zola, gần gũi với những tiểu thuyết cùng một đề tài của Balzac như Hiệu Chú mèo đánh vợt hay César Birotteau. Vả chăng, chính Zola đã viết trong phác thảo tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà như sau: “Tôi muốn làm một bài ca về hoạt động hiện đại (...) Vậy là, thay đổi hoàn toàn về triết lý: trước hết không còn chủ nghĩa bi quan, không đi tới kết luận về cái ngu xuẩn và nỗi chán chường của cuộc sống, trái lại kết luận về sự cần lao liên tục của nó. Nói tóm lại, đi với thời đại, biểu hiện thời đại nó là một thời đại hành động và chinh phục...”. Đây quả thật là một bước tiến trên tiến trình la7u dài của Émile Zola đi từ bóng tối tư tưởng triết lý bi quan của Schopenhauer [3] tới ánh sáng của một chủ nghĩa xã hội “cứu thế” thể hiện trong bộ tiểu thuyết Bốn cuốn Phúc âm mà Jaurès [4] đã đón chào. Cụ thể trong truyện Hiệu Hạnh phúc các bà, đó là tư tưởng của Mouret, giám đốc Hiệu Hạnh phúc các bà, thắng tư tưởng bạn anh ta là Vallagnosc, mà tư tưởng của Mouret một phần lại do cô gái Denise, nhân viên bán hàng bình thường mách bảo, được cô khuyến khích và củng cố.

Tựu trung, tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà gồm hai câu chuyện lồng vào nhau, dựa vào nhau và tiến triển song song: đó là một chuyện buôn bán và một chuyện tình yêu. Về câu chuyện buôn bán, Émile Zola viết: “Ý kiến đầu tiên của tôi là về một cửa hàng lớn thu hút, đè bẹp toàn bộ nền buôn bán nhỏ của khu phố (...) Tôi sẽ không khóc chúng (những cửa hiệu nhỏ), mà trái lại, là vì tôi muốn chỉ rõ sự thắng thế của hoạt động hiện đại; chúng không còn hợp thời nữa, mặc xác!”. Và quả thật, với ngọn bút hình ảnh sắc cạnh, như trong một bài bút chiến, nhà văn đã vẽ lên sự suy sụp thảm hại của nền thương nghiệp nhỏ trước bước phát triển mãnh liệt, không gì cưỡng lại được, như một quy luật khe khắt tất yếu, của nền đại thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, ở thời kỳ chủ nghĩa tư bản bước tới đỉnh cao của nó, chủ nghĩa đế quốc. Về mặt này, tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà có thể xem như một tư liệu lịch sử sinh động.

Nhưng không phải chỉ có thế, câu chuyện không chỉ mang tính chất kinh tế đơn thuần, mà cái chỗ sinh động của nó lại là ở mặt xã hội - tâm lý. Phải nói rằng Émile Zola đã thành công trong việc khắc họa tâm lý của cả một tầng lớp buôn bán nhỏ, với bao nhiêu trăn trở, quằn quại của nó, trên bước đường bị sự cạnh tranh của buôn bán lớn đưa tới chỗ hấp hối và giãy chết. Một mặt khác, Émile Zola cũng vẽ lên chỗ rõ nét cuộc sống của một lớp người làm thuê, những thư ký hiệu buôn, những nhân viên phục vụ cửa hàng, với số phận bấp bênh, luôn luôn nơm nớp bị ném ra vỉa hè, do sự quyết định độc đoán, tùy tiện của mấy kẻ trong ban giám đốc. Không phải không có bóng dáng cuộc đấu tranh của những người làm thuê đó, ở thời đại mà phong trào công nhân đã bắt đầu dấy lên sau khi chi nhánh Quốc tế lao động I được thiết lập ở nước Pháp (1866). Tuy nhiên, khác hẳn với cuộc đấu tranh sôi sục của công nhân mỏ được vẻ lên trong Germinal, cuộc đấu tranh của những nhân viên bán hàng bị chìm đắm trong bóng của một thứ chủ nghĩa tư bản gia trưởng, nó dễ dàng gắn bó với chủ nghĩa xã hội không tưởng. Hơn thế nữa, ở đây cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng tự phát nảy sinh ở một cô gái, tuy đã từng trải qua cảnh đau khổ của một nhân viên bán hàng, nhưng lại yêu ông giảm đốc hiệu buôn.

Đến như câu chuyện tình yêu ấy, nó có hơi hướng quyết định luận sinh lý quen thuộc của một Zola tự nhiên chủ nghĩa.

Ngay việc Zola cho cuốn tiểu thuyết của ông cái phụ đề Eros 1883 [5] cũng nói lên điều đó. Và, mới tình ám ảnh riết róng giữa Mouret và Denise quả là có cái gì như một định mệnh khe khắt. Nhưng, có điều là ở đây Émile Zola lại gắn cho cô gái rất mực đáng yêu đó cái chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng, cái chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông:

“Phải chăng là nhân đạo, phải chăng là công bằng khi mà bao nhiêu sinh mạng hàng năm bị tiêu phí kinh khủng ở các cửa hàng lớn. Và cô (Denise) biện hộ cho lợi ích cơ cấu cỗ máy không vì những lý do tình cảm, mà vì những lý do thuộc về chính lợi ích của các ông chủ (...) Đôi khi, cô cao hứng, cô nhìn thấy hiệu bách hóa to lớn lý tưởng, tổ chức thương nghiệp tập thể (phalanstère du mégoce) ở đó mỗi người có phần lãi đúng đắn của mình, tùy theo cống hiến, chắc chắn cho ngày mai, do một hợp đồng bảo đảm”.

Và, điều oái oăm, cô nhân viên bán hàng bình thường ấy trở thành một “quân sư”, hơn thế, một người chỉ đạo tinh thần với ý định chủ động biến ông giám đốc hiệu buôn thành “con người tốt”! Hơn thế, oái oăm hơn, rắc rối hơn là chính bản thân Mouret, rất mực xinh trai và lịch sự, hấp dẫn đối với phụ nữ, mưu mô khai thác cái nhược điểm ưa mua sắm, ăn diện của phụ nữ để làm giàu, lại bị chính ngay cô gái bình thường ấy chiếm lĩnh tâm hồn, như một sự trả miếng chua cay! Và cuốn tiểu thuyết có phần thấm đượm cái mùi mẫn yêu đương, như chất men làm dậy sức sống của câu chuyện. Hãy đọc:

“Ở gian hàng tơ lụa cũng đông (...). Những bà tái nhợt vì thèm muốn nghiêng xuống như để soi mình. Trước dòng thác tuôn trào đó ai nấy đứng yên với niềm sợ hãi âm thầm bị lôi cuốn vào cảnh xa hoa ngập tràn đến thế, và cả với nỗi khao khát không cưỡng nổi lao mình vào đó và đắm chìm ở đó (...). Nhất là ở gian hàng tơ lụa, trôi qua, một cơn lốc điên cuồng (...). Bản thân Mouret cũng thấy nhu cầu thể chất được tắm mình vào thành công. Anh hết hơi mà khoan khoái, ở đó, tay chân anh như được toàn thể khách hàng ôm hôn triền miên”.

Nếu như cái sức hấp dẫn “trai gái” đó, ở tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà, không trở thành cái gì nặng nề quá quắt như ở một số tác phẩm khác của Émile Zola, là vì nó làm nền cho hai cuộc đấu tranh gay gắt, căng thẳng, một là cuộc đấu tranh giữa buôn bán nhỏ và buôn bán lớn, như đã nói ở trên, được trình bày dưới hình ảnh huyền thoại hóa của cỗ máy quái vật nuốt dần cả khu phố, hai là cuộc đấu tranh nội bộ giữa những nhân viên bán hàng thể hiện cái học thuyết đấu tranh sinh tồn nằm trong tiến hóa luận của Darwin. Và ở đây, lại ló ra cái nhược điểm của Zola tự nhiên chủ nghĩa phần nào máy móc áp dụng quy luật sinh vật học vào cuộc sống xã hội của con người.

Cuối cùng, phải nói đến một ưu điểm thuộc về phong cách của Émile Zola, đó là sự phong phú về chi tiết đòi hỏi ở nhà văn công phu sưu tầm, đi sâu nghiên cứu như một nhà khoa học, khiến ông đã có thể dựng lên hình ảnh đồ sộ, mang tính sử thi, của một cửa hàng bách hóa, giải thích hùng hồn sự thắng thế của cái mà tác giả ca ngợi gọi là “hoạt động hiện đại”, thậm chí trước “bài ca thương nghiệp” đó, người đọc chúng ta ngày nay (đặc biệt là độc giả Việt Nam) vẫn không thấy là cái gì đã lỗi thời.

Tháng 8-1983

Trọng Đức

Chú thích:

[1] Médan: tên một câu lạc bộ văn học do Zola sáng lập để tập họp một số nhà văn đương thời như Guy de Maupassant.

[2] Auguste Comte (1798-1857): nhà triết học Pháp sáng lập chủ nghĩa thực chứng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện trong nghiên cứu khoa học, nhưng dừng lại ở hiện tượng mà không đi sâu vào bản chất, vào quy luật của sự vật.

[3] Schopenhauer (1788-1860), nhà triết học Đức, mà tư tưởng bi quan có ảnh hưởng lớn ở nửa sau thế kỷ 19.

[4] Jaurès (1659-1914): chính khách Pháp nổi tiếng, người sáng lập ra Đảng Xã hội Pháp.

[5] Eros có nghĩa là thần Ái tình, và cũng có nghĩa là tình dục.

 

Denise cùng hai em trai xuống tàu Cherbourg ở Saint Lazare, đi bộ sau một đêm ngồi ghế cứng trên một toa xe hạng ba. Nàng dắt tay Pépé, Jean đi theo sau, cả ba mỏi nhừ vì chuyến đi, kinh hoàng và lạc lõng giữa Paris mênh mông, hếch mũi lên như các nhà, ở mỗi ngã tư lại hỏi thăm về phố La Michodière, nơi có nhà ông chú Baudu. Nhưng cuối cùng, khi tới quảng trường Gaillon, cô gái đột ngột dừng lại ngỡ ngàng.

- Ôi! - Cô nói - Jean ơi, trông kìa!

Và họ đứng sững, siết chặt lấy nhau cả ba đều mặc đồ đen đã cũ vì sắp mãn tang bố. Cô gái, mảnh khảnh với tuổi hai mươi, vẻ con nhà nghèo, tay xách một gói nhẹ; còn phía bên kia thì đứa em nhỏ lên năm, níu lấy tay, sau lưng là thằng anh lớn, mười sáu tuổi, vênh vênh, phơi phới, đứng thõng hai tay.

- Chà, tuyệt, - Sau một phút im lặng cô nói - một cửa hàng như thế chứ!

Đó là, ở góc phố La Michodière và phố Neuve Saint Augustin, một cửa hiệu tân phẩm, hàng bày nổi bật lên những màu rực rỡ trong ánh ngày tháng mười dịu nhạt. Chuông nhà thờ Saint Roch điểm tám giờ, trên bờ hè chỉ có dân Paris dậy sớm, những nhân viên tới sở và những bà nội trợ chạy các cửa hàng. Trước cửa hiệu, hai viên thư ký bán hàng len trên một chiếc thang đôi, sắp treo xong những hàng len, còn trong một tủ kính phố Neuve Saint Augustin thì một viên thư ký khác, ngồi xổm và quay lưng đang thận trọng xếp nếp một tấm lụa xanh da trời. Trong cửa hiệu còn vắng khách mà nhân viên, thì mới đến lác đác, râm ran như một tổ ong thức dậy.

- Ui chao! - Jean nói - Nó đánh bạt Valognes... Hiệu của chị chẳng đẹp đến thế.

Denise lắc đầu. Cô đã hai năm làm việc ở đó, nhà Comai, tay bán tân phẩm số một thành phố; thế mà cửa hiệu này, cô bắt gặp đột ngột, nó thật là đổ sộ đối với cô, khiến cô hào hứng, xúc động, chăm chú, quên hết mọi sự. Trên vạt tường cách ngang nhìn ra quảng trường Gaillon, chiếc cửa ra vào, toàn bằng gương, cao tới tầng một, giữa những trang trí phức tạp, mạ vàng khắp lượt. Hai nhân vật biểu tượng, hai người đàn bà tươi cười, hở vú và ưỡn ra, trương lên tấm biển: Hiệu hạnh phúc các bà. Rồi những tủ kính chạy dài, suốt dọc phố La Michodière và phố Neuve Saint Augustin, ngoài ngôi nhà ở góc, chúng choán bốn ngôi nhà khác, hai bên phải, hai bên trái, gần đây mới mua và được tu sửa. Cả một cuộc triển khai dường như vô tận, mất hút theo đường viễn thị, với những hàng bầy ở tầng dưới và những tấm gương không tráng ở tầng trên, qua đó người ta nhìn thấy cả cuộc sống bên trong của các quầy hàng. Ở phía trên, một cô gái, mặc đồ lụa, gọt một chiếc bút chì trong khi hai cô khác, gần đấy, mở ra những chiếc măng-tô nhung.

- Hiệu hạnh phúc các bà - Jean đọc với nụ cười đằm thắm của gã thanh niên xinh trai đã từng có chuyện trai gái ở Valognes - Hay đây nhỉ? Có thế mới lôi kéo được thiên hạ chứ!

Nhưng Denise đứng mê mẩn trước hàng bầy ở cửa chính giữa. Ở đó, ngoài trời, ngay trên bờ hè, bày la liệt những hàng rẻ tiền, những hàng cũ khiến những bà khách qua đường phải dừng chân. Hàng đó từ trên đưa xuống, những tấm len và dạ, mérinos, cheviotte, molleton, từ tầng trên rơi xuống, phất phơi như cờ, với những màu pha xám đen, xanh nước biển, xanh ôliu, mà những mảnh nhãn hiệu điểm trắng. Phía bên, đóng khung theo ngưỡng cửa, cũng treo những dây da buộc lông thú, những băng kẹp làm dải áo, màu tro mịn của da lưng sóc, màu trắng ngần của lông bụng thiên nga những lông thỏ giả lông chồn, lông điêu. Rồi, phía dưới trong những ô, trên những bàn, giữa những rẻo vải chất đống, tràn ngập những hàng mũ áo đan bán rẻ mạt, găng và khăn len đan, mũ trùm vai, áo gi-lê, cả mặt hàng mùa đông màu sặc sỡ, tạp sắc, sòng sọc, với những chấm đỏ như máu. Denise thấy một mảng ta - tăng giá bốn mươi nhăm xăngtim [1], những băng da điêu châu Mỹ, giá một Frăng, và những bao tay giá năm xu. cả một cảnh bầy hàng chợ phiên ngồn ngộn, cửa hiệu dường như vỡ tung và ném hàng thừa ứ ra ngoài phố.

Họ quên mất ông chú Baudu. Cả Pépé, không rời tay chị, cũng trố mắt ra nhìn. Một chiếc xe bắt cả ba chị em rời nơi giữa quảng trường; và bất giác họ đi vào phố Neuve Saint Augustin, họ theo dọc các tủ kính, cứ đến trước mỗi nơi bầy hàng lại dừng lại. Thoạt đầu họ bị quyến rũ, bởi cách bầy rắc rối: bên trên, những chiếc ô, đặt chéo, làm thành như một mái lều thôn dã bên dưới là tất lụa, treo ở những ngáng sắt, phô ra những đường uốn tròn của bắp chân, chiếc này thì lốm đốm những cụm hồng, chiếc kia đủ màu sắc, những chiếc màu đen có giua, những chiếc màu đỏ thêu ở góc, những chiếc màu hồng cát mịn dịu như da người tóc hung vàng, sau hết, trên vải phủ giá bày hàng là những chiếc găng, bầy cân xứng với những ngón tay thon dài, lòng bàn tay hẹp của gái đồng trinh xứ Byzantine [2] cái vẻ đẹp cứng đơ và tưởng như thanh xuân ấy của những xống áo phụ nữ không ai mặc. Nhưng tủ kính cuối cùng giữ chân họ lâu nhất, cả một cuộc triển lãm những hàng tơ lụa, xa tanh và nhung đua nở với những màu sắc vi diệu nhất của các giống hoa trong một thang bậc uyển chuyển và rung động: trên hết là nhung màu đen sẫm, màu trắng sữa đặc, bên dưới là xa-tanh, xa-tanh hồng, xa-tanh lam, với những vệt sẫm chói, phai dần dần đến những màu nhạt dịu vô cùng, dưới nữa là tơ lụa, cả giải cầu vòng, những tấm xoăn hình vỏ trúng, xếp nếp như quanh một thân hình ưỡn ngực, trở thành linh hoạt dưới bàn tay khéo léo của những viên thư ký bán hàng, và, giữa mỗi môtíp, giữa mỗi sắc ngữ của hàng bày hòa theo một nét đệm kín đáo, một đường uốn éo nhẹ nhàng của khăn quàng cổ màu kem. Chính là ở tủ kính này, người ta bầy ở hai đầu, xếp thành chồng cao ngất hai mẫu lụa mà nhà hàng này độc chiếm, Paris-Hạnh phúc và Kim bi, những hàng đặc biệt sẽ làm một cuộc cách mạng trong thương nghiệp tân phẩm.

- Ôi chao! Cái lụa faille [3] kia giá năm phrăng sáu mươi! - Denise lẩm bẩm, sững sờ trước lụa Paris Hạnh phúc.

Jean bắt đầu thấy chán. Chú hãm một người qua đường lại.

- Hỏi thăm ông phố La Michodière.

Khi người ta chỉ cho hắn ngôi nhà đầu phía tay phải thì cả ba quay trở lại, vòng quanh ngôi hàng. Nhưng vừa bước chân vào phố, Denise lại bị lôi cuốn vì một tủ kính bày hàng may sẵn cho phụ nữ. Ở nhà Cornaille, tại Valognes, cô đặc trách về hàng may sẵn. Thế mà chưa bao giờ cô thấy như ở đây, và cô bị chốt trên vỉa hè vì thán phục. Phía trong cùng, một chiếc khăn choàng lớn bằng đăng-ten Bruge, giá rất đắt, trải qua như nằm che bàn thờ, dang hai cánh màu phơn phớt đỏ hoe; những viền đăng-ten dệt kim bày thành tràng hoa; rồi đến cả một suối đăng-ten đầy tràn đủ loại, hàng Marine, hàng Valencienne, hàng ghép Bruxelle, hàng dệt kim Venise, như tuyết rơi. Bên trái bên phải, những tấm da tối sẫm dựng thành cột đẩy lùi thêm chiều sâu của khám thờ. Và những đồ may sẵn bày đó, trong ngôi điện dựng lên để chiêm bái sắc đẹp phụ nữ đó: ngay chính giữa là một phẩm vật ngoại hạng, một chiếc măng-tô nhung với phụ nữ bằng lông cáo màu bạc; một bên là chiếc măng-tô tròn bằng tơ lót da sóc, bên kia là một chiếc áo bành-tô bằng da viền lông gà trống; sau hết, những đồ mặc dự khiêu vũ bằng cachemire trắng, bằng matelassé trắng [4] điểm lông thiên nga hay dải kim tuyến. Có hàng cho đủ mọi sở thích, từ những đồ khiêu vũ hai mươi chín frăng cho đến áo măng-tô nhung đề giá một nghìn tám trăm frăng. Những tượng gỗ vú tròn làm căng vải, hông mập, tôn quá mức nét lưng ong, đầu được thay bằng một nhãn hiệu lớn găm bằng ghim vào len tuyết màu đỏ của cổ áo. Trong khi đó những chiếc gương ở hai bên tủ kính, bầy có tính toán, phản chiếu và nhân mọi thứ lên vô tận, làm cho phố nhan nhản những mỹ nhân đem bán đó, với những biển giá ghi bằng chữ số to, thay đầu người.

- Các bà cừ thật. - Jean lẩm bẩm, chẳng biết nói gì hơn để tả niềm xúc động của mình.

Lập tức hắn lại đứng ngây ra, miệng há hốc. Cả cái mỏ đồ xa hoa của phụ nữ kia làm hắn đỏ mặt vì hứng thú. Hắn xinh như con gái, vẻ đẹp mà dường như hắn đánh cắp của chị hắn, da trắng nõn, tóc đỏ hoe và loăn xoăn, đôi môi và cặp mắt đượm âu yếm. Đứng bên hắn, trông bộ ngỡ ngàng, Denise có vẻ mảnh người hơn với khuôn mặt dài và miệng quá rộng, nước da mai mái, dưới làn tóc nhạt. Và Pépé, cũng tóc hung, màu hung của tuổi thơ, chứ càng xiết chặt lấy chị, như chợt thấy cần được vỗ về vì lo lắng, bối rối và choáng váng trước những mỹ nhân trong tủ kính. Ba chị em trông thật ngộ nghĩnh và thật đáng yêu trên đường phố, tóc màu hung, bận đồ đen tiều tụy, cô gái rầu rĩ giữa chú bé xinh xẻo và chàng trai vênh vênh, khiến người qua đường quay nhìn và mỉm cười.

Từ lúc nãy, một người to lớn tóc bạc, mặt rộng với nước da vàng, đứng ở ngưỡng cửa một cửa hàng, bên kia đường phố, nhìn theo họ. Ông ta đang đứng đó, mắt đỏ lên, miệng mím chặt, giận bừng bừng vì những hàng bày của hiệu Hạnh phúc các bà, chợt ông trông thấy cô gái và hai em khiến ông càng phẫn nộ. Ba đứa ngốc kia, chúng làm gì mà cứ ngây ra trước những phô trương của bọn làm trò quỷ thuật?

- Thế còn chú? - Denise chợt như thức tỉnh, thốt lên nhắc.

- Ta đang ở phố La Michodière, - Jean nói - chắc chú ở đâu đây.

Họ ngẩng đầu lên và quay lại. Thì ở ngay trước mặt họ, bên trên người to lớn kia, họ trông thấy một tấm biển hiệu màu xanh ve với chữ vàng lợt màu vì mưa: Vieil Elbeuf, dạ và flanelle, Baudu, kế nghiệp Hauchecorne. Ngôi nhà quét vôi màu rỉ đã cũ, xoàng xĩnh giữa những tòa nhà lớn kiểu Louis XIV ở bên cạnh, chỉ có ba cửa sổ phía trước mặt, mà những cửa đó, hình vuông, không có cửa chớp, chỉ kèm một lan can, hai gióng sắt làm thành hình chữ thập. Nhưng trong vẻ trần trụi đó, cái đập vào mắt Denise nhất, vì cô còn mang đầy hình ảnh của những hàng bày sáng sủa ở hiệu Hạnh phúc các bà, đó là cửa hàng ở tầng sát đất, bị trần nhà đè bẹp, và một tầng trên rất thấp, với những lỗ cửa bán nguyệt kiểu nhà tu. Một khung gỗ, cùng màu với biển hàng, màu xanh chai mà thời gian đã điểm sắc thổ hoàng và nhựa đường, đóng khung hai bên hai tủ kính ăn sâu, tối tăm, bụi bặm trong đó lờ mờ những tấm vải chất đống, cửa ra vào để mở đường như dẫn vào bóng tối ẩm ướt của một căn hầm.

- Đây rồi. - Jean lại nói.

- Thế thì vào thôi - Denise bảo - Nào Pépé lại đây.

Tuy nhiên cả ba đâm ra nhút nhát bối rối. Khi bố chúng qua đời, cũng do cái bệnh sốt đã mang mẹ chúng đi một tháng trước đó, ông chú Baudu, trong cơn xúc động vì hai cái tang liền, đã viết thư cho cháu gái rằng nhà ông lúc nào cũng dành một chỗ cho cô, khi nào cô muốn lên Paris cầu may. Nhưng bức thư đó đã viết từ ngót một năm trời nay, và bây giờ cô gái hối hận vì đã rời Valognes đi, trong một cơn liều lĩnh, mà không báo cho chú biết trước. Ông ta không biết mặt chúng vì ông chưa bao giờ đặt chân lại tỉnh nhà, kể từ khi ông ra đi lúc con trẻ măng, để vào làm cậu thư ký nhỏ ở cửa hàng bán da của ông Hauchecorne mà cuối cùng anh ta kết hôn với con gái ông này.

- Thưa, tôi hỏi ông Baudu? - Denise rốt cuộc quyết định hỏi cái người to lớn vẫn cứ nhìn bọn họ mãi, ngạc nhiên vì dáng dấp của họ.

- Chính tôi đây. - Ông ta đáp.

Thế là Denise mặt đỏ như gấc, ấp úng nói:

- Thế thì may quá!... Cháu là Denise, và đây là Jean còn đây là Pépé... Thưa chú, chúng cháu đến đây ạ...

Baudu có vẻ kinh ngạc. Đôi mắt to và đỏ đưa đi đưa lại trên bộ mặt vàng, tiếng nói chậm rãi, lúng túng. Rõ ràng ông ta hoàn toàn không ngờ tới cái chuyện gia đình này đến để rơi lên vai ông.

- Sao! Sao! Các cháu đây à! - Ông nhắc đi nhắc lại.

- Các cháu ở Valognes kia mà!... Tại sao các cháu không ở Valognes?

Cô gái, giọng dịu dàng, hơi run, phải nói rõ. Sau khi bố chết, mà ông ta thì đã ngốn đến đồng xu cuối cùng ở cửa hàng nhuộm của ông, cô phải làm mẹ hai đứa trẻ. Lương cô lĩnh được ở nhà Cornaille chẳng đủ nuôi ba miệng ăn. Tuy Jean cũng làm việc ở một cửa hàng sửa chữa đồ gỗ cũ nhưng hắn chẳng được lĩnh một xu nào. Thế nhưng, hắn đâm ham thích đồ cũ, hắn khắc hình trên gỗ; thậm chí một hôm, tìm được một mẩu ngà, hắn vui tay gọt một đầu người mà có một ông đi qua nhìn thấy; ấy thế là chính ông ấy đã khiến họ quyết định rời Valognes để lên Paris tìm cho Jean một chỗ làm ở một cửa hàng đồ ngà.

- Thưa chú, chú thấy đấy, ngay ngày mai Jean sẽ vào học việc ở nhà ông chủ mới. Người ta không đòi tiền, mà em cháu thì được ăn và ở... Thế là, cháu nghĩ rằng Pépé và cháu, chúng cháu thế nào cũng xoay được. Chúng cháu không thể khổ hơn ở Valognes.

Cái điều mà cô không nói, đó là chuyện trai gái của Jean, nào viết thư cho một cô thiếu nữ quý tộc ở thành phố, nào leo lên tường để hôn nhau, cả một chuyện tai tiếng khiến cô phải quyết định ra đi; nhất là cô đi theo em trai để trông nom hắn, cô đâm hoảng như người mẹ trước đứa con trai lớn xinh xẻo, tươi vui đến mức các cô gái mê tít.

Ông chú Baudu không bình tĩnh lại được, ông lại hỏi. Tuy nhiên, sau khi nghe cô gái nói về các em như thế thì ông xưng hô thân mật.

- Thế bố mày không để lại gì cho bọn bay sao? Tao thì cứ ngỡ ông vẫn còn ít tiền. Chà! Tao đã viết thư khuyên ông ấy bao nhiêu lần đừng có lấy cái cửa hàng nhuộm ấy. Con người tốt bụng, nhưng không có lấy vài xu đầu óc!... Con cháu thì mang hai đứa nhãi kia trên tay, cháu phải nuôi lũ nhỏ này!

Bộ mặt sa sầm của ông sáng ra, mắt ông không còn đỏ lên như khi nhìn hiệu Hạnh phúc các bà. Bỗng ông nhận ra là mình đứng chắn cửa.

- Thôi, - Ông nói - đã đến thì mời vào... Vào nhà, còn hơn là lảm nhảm những chuyện không đâu.

Và, sau khi bĩu môi giận dữ lần cuối cùng chĩa về phía cửa hiệu trước mặt, ông mở lối cho lũ cháu vừa đi trước vào cửa hàng vừa gọi vợ và con gái.

- Élisabeth, Geneviève đâu, ra đây có khách cho các bà đây.

Nhưng Denise và hai đứa nhỏ ngập ngừng trước bóng tối trong cửa hàng. Đang bị chói lòa vì ánh trời ngoài phố, họ chớp mắt như ở cửa một cái hang lạ, chân dò dẫm, bất giác sợ bước phải bậc thang hiểm độc nào. Và càng sát lại nhau vì nỗi sợ hãi mơ hồ đó, thằng nhóc vẫn níu lấy váy chị, đứa lớn phía sau, họ bước vào, duyên dáng, vừa tươi cười vừa lo lắng. Ánh sáng ban mai nổi bật lên hình dáng họ trong những bộ đồ tang, một tia sáng xiên chéo làm rực vàng những làn tóc hung của họ.

- Mời vào, mời vào. - Baudu nhắc lại.

Ông nói vài câu vắn tắt cho bà Baudu và con gái biết chuyện. Người thứ nhất là một người đàn bà bé nhỏ, hao mòn vì bệnh thiếu máu, trắng bệch, tóc trắng, mắt trắng, môi trắng. Geneviève, mang bệnh thoái hóa của mẹ còn nặng hơn, trông yếu ớt và nhợt nhạt như cây mọc trong bóng tối. Thế mà, làn tóc đen tuyệt đẹp, dày và nặng, mọc như chuyện thần kỳ trên tấm thân tiêu điều đó khiến cô có một vẻ đẹp rầu rĩ.

- Mời vào - Đến lượt hai người đàn bà nói - Quý hóa!

Và họ mời Denise ngồi sau một quầy hàng. Lập tức Pépé leo lên đầu gối chị, còn Jean đứng bên cạnh, tựa lưng vào khung gỗ. Họ đã bình tĩnh, nhìn cửa hàng, mắt đã quen với bóng tối. Bây giờ họ nhìn rõ cửa hàng với trần nhà thấp và ám khói, những quầy hàng bằng gỗ sồi dùng lâu đã nhẵn bóng, những ô ngăn cổ xưa nẹp sắt chắc chắn. Những kiện hàng tối om cao đến tận rầm nhà. Mùi dạ và thuốc nhuộm, một mùi hắc của hóa chất, dường như hăng lên gấp bội vì sàn nhà ẩm thấp. Trong cùng, hai viên thư ký và một cô gái đang xếp những tấm flanelle trắng.

- Chú nhỏ kia có lẽ ưng dùng cái gì đây? - Bà Baudu vừa nói vừa mỉm cười với Pépé.

- Thôi ạ, cám ơn thím - Denise đáp - Chúng cháu vừa uống một hộp sửa ở hiệu cà phê trước ga.

Và thấy Geneviève nhìn cái gói nhẹ cô để dưới đất, Denise nói thêm.

- Tôi để cái hòm mang theo ở ngoài ga.

Cô đỏ mặt lên, cô hiểu rằng người ta không rơi vào nhà thiên hạ với cung cách như thế. Ngay trên toa xe, khi tàu rời Valognes, cô đã cảm thấy hết sức hối hận; Chính vì thế, khi đến ga, cô đã để lại mấy chiếc hòm và cho các em ăn sáng.

- Nào, - Baudu đột nhiên nói - ta hãy nói chuyện cho gọn và nói cho hết... Chú đã viết thư cho cháu, thật đấy, nhưng đã từ một năm nay; thế mà, cháu gái tội nghiệp, cháu xem hàng họ chẳng chạy từ một năm nay.

Ông ngừng lại, nghẹn ngào vì một niềm xúc động mà ông không muốn để lộ ra. Bà Baudu và Geneviève vẻ nhẫn nhục, đã đưa mắt xuống.

- Chao! - Ông nói tiếp - Đây là một cơn khủng hoảng nó sẽ qua thôi chú rất yên trí... Song, chú đã giảm bớt nhân viên, ở đây chỉ còn ba người, mà nay thì chưa phải lúc lấy thêm người thứ tư. Rút cục, chú không thể nhận cháu như chú đã hứa với cháu, cháu gái tội nghiệp.

Denise lắng nghe ông, bàng hoàng, tái mặt.

Ông lại nhấn mạnh thêm:

- Thật chẳng ra quái gì hết, đối với cháu cũng như đối với nhà chú.

- Thôi được, chú ạ - Cuối cùng cô buồn rầu nói -Cháu sẽ cố gắng xoay xở cũng phải xong thôi.

Gia đình Baudu không phải những người xấu. Nhưng họ than vãn chẳng bao giờ gặp vận may. Thời buôn bán còn chạy thì họ phải nuôi năm con trai, mà ba đứa thì chết lúc hai mươi tuổi, đứa thứ tư đâm hư đứa thứ năm thì vừa đi Mexico với chức đại úy. Họ chỉ còn một mình Geneviève. Gia đình ấy ăn tiêu tốn kém, cuối cùng Baudu mua được ở Rambouillet, nơi quê bố vợ, một ngôi nhà như cái quán lớn. Vì vậy trong lòng chân thành lẩn thẩn của người buôn bán già, cả một niềm chua xót cứ lớn dần.

- Phải báo trước - Ông ta lại nói, mỗi lúc thêm giận về cái tính khắc nghiệt của mình - Đáng lẽ cháu phải viết thư cho chú, chú sẽ trả lời bảo cháu ở lại đó... Khi chú được tin bố chấu mất, khốn khổ! Chú nói với cháu cái điều mọi người thường nói. Thế mà cháu thì đùng một cái là đến, chắng báo trước. Rầy rà quá.

Ông ta lớn tiếng, ông ta khuây đi. Vợ và con gái ông ngồi nhìn xuống đất, như những kẻ phục tùng không bao giờ dám xen vào. Trong khi đó Jean tái mặt đi mà Denise thì xiết chặt vào ngực bé Pépé khiếp sợ. Cô để rơi hai giọt nước mắt to tướng.

- Thôi được, chú ạ - Cô nhắc lại - Chúng cháu sẽ đi thôi.

Thế là ông nén lòng. Một lúc im lặng bối rối. Rồi, ông lại nói giọng hậm hực:

- Chú chẳng đuổi các cháu đi! Bây giờ các cháu đã đến rồi, thì tối nay các cháu cứ ngủ trên gác. Rồi sau sẽ hay.

Bấy giờ thì bà Baudu và Geneviève, qua một cái đưa mắt, hiểu rằng họ có thể thu xếp ổn thỏa. Mọi sự sẽ đâu vào đó. Chẳng còn phải quan tâm đến Jean. Còn Pépé thì đến ở nhà bà Gras là tuyệt, bà già đó ở một tầng nhà sát đất rộng, phố Orties, bà cho các trẻ nhỏ trọ, tiền trọ cả suất là bốn mươi phrăng một tháng. Denise nói có đủ tiền trả tháng đầu. Như vậy chỉ còn tìm nơi làm cho bản thân cô. Chắc có thể kiếm được cho cô một chỗ trong khu phố.

- Có phải Vinçard đang tìm một cô bán hàng không nhỉ? - Geneviève nói.

- À! Đúng đấy! - Baudu kêu lên - Ăn sáng xong ta đi tới hắn. Phải tóm lấy cơ hội khi nó đến.

Không một khách hàng nào đến quấy rối cuộc phân trần trong gia đình đó. Cửa hàng vẫn tối om và vắng tanh. Phía trong cùng, hai viên thư ký và cô gái vừa tiếp tục công việc vừa nói khẽ xì xào. Bây giờ có ba bà khách vào, Denise ngồi một mình một lúc. Cô hôn Pépé, buồn rầu nghĩ đến lúc sắp phải xa nhau. Chú bé, ưng vuốt ve như mèo con, chúi đầu vào, không nói một lời. Khi bà Baudu và Geneviève trở lại thì thấy chú rất ngoan và Denise cam đoan rằng không bao giờ chú làm ồn hơn: cả ngày chú im lặng, sống bằng vuốt ve. Bấy giờ, chờ đến lúc ăn sáng, cả ba người nói đến trẻ con, công việc nội trợ, đời sống ở Paris và ở tỉnh nhỏ, lời nói ngắn ngủi, bâng quơ, như những người bà con phần nào lúng túng vì không biết nhau. Jean thì ra ngưỡng cửa đứng và không rời ra nữa, hắn chăm chú nhìn cuộc sống trên bờ hè, mỉm cười với các cô gái đẹp đi qua.

Đến mười giờ, người ở gái bước ra. Thường ngày, bàn ăn đó dọn cho Baudu, Geneviève và viên thư ký thứ nhất. Một bàn thứ hai vào mười một giờ dọn cho bà Baudu, viên thư ký kia và cô gái bán hàng.

- Đi ăn! - Lão buôn dạ vừa kêu lên, vừa quay lại phía cháu gái.

Và, mọi người đã ngồi trong gian buồng ăn chật chội phía sau cửa hàng, ông ta gọi viên thư ký thứ nhất đang còn kề ca.

- Colomban!

Người trẻ tuổi xin lỗi vì muốn xếp cho xong flanelle. Đó là một chàng trai to lớn hai mươi nhăm tuổi, nặng nề và láu lỉnh. Bộ mặt thật thà, cái miệng rộng mềm mỏng, với đôi mắt tinh ranh.

- Mặc xác! Công việc có giờ giấc của nó. - Baudu nói, ông ta ngồi chễm chệ, thái một miếng thịt bê nguội với một cách thận trọng và khéo léo của ông chủ, liếc mắt ước lượng nặng nhẹ từng phần, không sai lệch quá một gam.

Ông chia phần cho mọi người, thái cả bánh mì. Denise kéo Pépé lại cạnh mình để kềm nó ăn cho sạch sẽ. Nhưng gian buồng tối tăm làm cô lo ngại; Cô ngắm nhìn, lòng se lại, chẳng là cô quen với những phòng lớn, thoáng đãng, sáng sủa ở tỉnh nhà. Một cửa sổ duy nhất mở ra một sân nhỏ bên trong, thông ra phố bằng lối đi tối om của ngôi nhà; và cái sân đó, lầy lội, hôi hám, trông như một đáy giếng, ở đó ánh sáng lờ mờ soi xuống thành một vòng tròn. Những ngày mùa đông phải thắp đèn hơi từ sáng đến tối. Trời sáng không cần thắp lại càng buồn hơn. Phải mất một lúc Denise mới quen mắt và nhìn rõ những miếng thịt trên đĩa của mình.

- Chàng trai này ăn khá đây - Baudu nói khi nhận thấy Jean đã ăn xong miếng thịt bê - Nếu anh chàng làm cũng như ăn thì sẽ thành con người cứng đấy. Thế còn cháu gái, cháu không ăn à?... À, bây giờ mới nói chuyện được, cho chú biết tại sao cháu không lấy chồng, ở Valognes?

Denise đang đưa cốc lên miệng, liền đặt xuống:

- Ôi! Thưa chú, cháu mà lấy chồng! Chú không nghĩ ra đó!... Thế còn những đứa nhỏ?

Cô ngả ra cười, vì thấy ý kiến kỳ quặc, vả lại, có anh đàn ông nào lại muốn lấy cô, một đồng xu không có, không lớn hơn một con chim khuyên [5] mà lại không đẹp nữa? Không, không, không bao giờ cô lấy chồng, cô có hai đứa trẻ là quá đủ.

- Cháu lầm rồi, - Ông chú nhắc - một người đàn bà bao giờ cũng cần đến một anh đàn ông. Vì bằng cháu kiếm ra một chàng trai tốt thì cháu và các em cháu chẳng rơi vào đường phố Paris, như những kẻ lang thang.

Ông ngừng nói để chia một cách công bằng đến bủn xỉn một đĩa khoai tây nâu mỡ mà cô ở mang lên. Rồi lấy chiếc thìa chỉ vào Geneviève và Colomban, ông lại nói:

- Đây kia, cặp này sẽ kết hôn vào mùa xuân, nếu mùa đông này khấm khá.

Đó là lề thói gia trưởng ở nhà này. Người sáng lập là Aristide Finet đã gả con gái là Désirée cho viên thư ký thứ nhất Hauchecorne, đến ông Baudu, nhập tịch phố La Michodière với bảy phrăng trong túi, đã lấy con gái lão Hauchecorne, Élisabeth, và đến lượt ông, ông định trao con gái là Geneviève và cửa hàng cho Colomban khi nào việc làm ăn phục hồi. Nếu ông đã hoãn lại như vậy một cuộc hôn nhân quyết định từ ba năm nay thì là vì một mối băn khoăn thận trọng, một ý chân thành bướng bỉnh: ông đã tiếp nhận một cửa hàng thịnh vượng, ông chẳng muốn trao nó vào tay con rể, với khách hàng sút kém và hoạt động bấp bênh.

Baudu tiếp tục nói, giới thiệu Colomban quê ở Rambouillet, cũng giống như ông cụ sinh ra bà Baudu; thậm chí họ còn là chỗ họ hàng anh em xa. Một tay lao động cừ, từ mười năm nay chịu thương chịu khó làm ăn trong cửa hàng, và lên chức đều đặn. Vả chăng anh ta chẳng phải là kẻ vu vơ, anh là tay Colomban ăn chơi, một viên thú y nổi tiếng cả vùng Seine et Oise, một nghệ sĩ trong nghề, nhưng ưa nhậu nhẹt đến mức có bao nhiêu đổ vào miệng hết.

- Ơn trời, - Lão buôn dạ nói để kết thúc - nếu ông bố chè chén và săn gái thì anh con rể đã tìm hiểu được ở đấy giá trị của đồng tiền.

Trong khi ông nói, Denise ngắm nhìn Colomban và Geneviève. Hai người ngồi ăn bên cạnh nhau; nhưng họ ngồi rất bình thản, không đỏ mặt, không mỉm cười. Từ ngày vào làm, chàng trai đã tính đến cuộc hôn nhân đó. Anh ta đã trải qua đủ mọi giai đoạn, thư ký phụ hàng có bổng, cuối cùng được tham dự những chuyện riêng và những việc vui mừng của gia đình, tất cả một cách kiên trì, sống theo nhịp đồng hồ, coi Geneviève như một vụ làm ăn tuyệt vời và lương thiện. Lòng tin chắc lấy được cô ta khiến anh không ham muốn. Và cô gái thì cũng yêu anh ta như một thói quen nhưng với cái nghiêm trang của bản chất con người chịu đựng, và của một mối tình nồng nhiệt mà chính cô cũng không biết, trong cuộc sống tẻ lặng và sắp đặt hàng ngày của cô.

- Khi người ta ưng nhau là người ta có thể toại nguyện. - Denise cần thấy phải lên tiếng và mỉm cười để tỏ ra hòa nhã.

- Vâng, cuối cùng thì rồi cũng phải tới đó. - Colomban từ nãy chưa hé miệng liền vừa nói vừa nhai thủng thẳng.

Đến lượt Geneviève, sau khi đưa mắt nhìn anh ta chằm chặp, cô nói:

- Phải hiểu nhau, sau đó thì đâu vào đấy.

Mối tình của họ nảy nở trong tầng nhà sát đất của Paris cũ đó. Nó như bông hoa dưới hầm. Từ mười năm nay cô chỉ biết có anh ta, suốt ngày sống bên anh, đằng sau vẫn những chồng dạ ấy, trong bóng tối của gian hàng; và, sáng lại chiều, cả hai lại ngồi bên nhau trong gian buồng ăn chật hẹp, lạnh như đáy giếng. Có lẽ ở giữa nông thôn, dưới bóng cây, họ cũng không ẩn nấp, náu kín hơn. Chỉ duy một mối ngờ vực, một mối lo sợ ghen tuông là có thể làm cho cô gái nhận ra rằng mình đã hiến thân mãi mãi, giữa bóng tối đồng lõa kia, do lòng trống rỗng và đầu óc chán ngán.

Tuy nhiên, Denise tưởng như nhận thấy một niềm lo lắng chớm nở, trong con mắt Geneviève liếc nhìn Colomban, cho nên cô trả lời với vẻ ân cần:

- Chà! Khi người ta yêu nhau, bao giờ người ta cũng hiểu nhau.

Trong khi đó Baudu toàn quyền giám sát bàn ăn. Ông chia những miếng phó mát Bri xắt mỏng, và để mừng bà con, ông gọi lấy thêm món ăn tráng miệng thứ hai, một lọ mứt phúc bồn tử, sự hào phóng đó dường như làm Colomban ngạc nhiên. Pépé cho tới lúc này vẫn ngoan, đến món mứt thì lại hơi quấy. Jean nghe chuyên chú ý tới việc hôn nhân, nhìn chòng chọc Geneviève mà hắn thấy ủy mị quá, xanh xao quá, và trong thâm tâm hắn so sánh cô với một chú thỏ trắng nhỏ, có đôi tai đen và cặp mắt đỏ.

- Chuyện đủ rồi, để chỗ cho người khác! - Lão buôn dạ kết thúc, ra hiệu cho mọi người đứng lên - Chẳng nên vì một món ngoại lệ mà lạm dụng mọi thứ.

Đến lượt bà Baudu, viên thư ký kia và cô gái bán hàng vào bàn. Denise lại ngồi một mình, phía gần cửa ra vào, chờ ông chú dẫn tới nhà Vinçard. Pépé chơi bên chân chị, Jean thì trở lại ngưỡng cửa, đài quan sát của hắn. Và, trong gần một tiếng đồng hồ, cô chăm chú tới mọi việc xảy ra chung quanh. Chốc chốc lại có khách hàng vào: một bà tới, rồi hai bà khác, cửa hàng giữ cái mùi vị đồ cũ của nó, ánh ngày tranh tối tranh sáng của nó, ở đây lề lối buôn bán cũ, xuề xòa và đơn giản, dường như khóc lóc vì bị bỏ rơi. Trong khi đó, phía bên kia đường phố, cái làm cô mê mệt, đó là hiệu Hạnh phúc các bà mà, qua cửa mở, cô nhìn thấy những tủ kính. Trời vẫn âm thầm, một chút mưa là không khí ấm lên, trái với thời tiết; và trong ánh ngày trắng nhờ đó, với chút nắng như bụi lờ mờ, ngôi cửa hàng lớn nhộn lên, mua bán đang lúc náo nhiệt. Bây giờ Denise cảm thấy nó như một cỗ máy chạy với áp suất cao, làm lay động đến cả những hàng bầy. Chẳng còn là những tủ lạnh lẽo lúc buổi sáng; Bây giờ chúng như được hun nóng và rung chuyển theo nhịp chân động của bên trong. Thiên hạ ngắm nhìn; Các bà bị giữ chân chen nhau trước những mặt gương, cả một đám đông hung dữ vì háo hức. Và vải vóc sống dậy, trong cái cuồng nhiệt của vỉa hè: đăng-ten rợn mình, buông rủ và che giấu nơi cùng thẳm của cửa hàng, xao xuyến điều bí ẩn; cả những tấm dạ, dày và vuông, cũng thở, xả hơi thở cám dỗ; Trong khi đó những áo bành tô ưỡn thêm trên những người gỗ cũng dậy linh hồn, và chiếc măng-tô nhung lớn thì căng lên, mềm mại và nóng ấm, như trên đôi vai bằng da thịt, với tiếng ngực dập và lưng run rẩy. Nhưng hơi nóng nhà này bừng bừng trong cửa hàng phát ra nhất là từ nơi bán hàng, nơi quầy hàng xô đẩy mà người ta cảm thấy đằng sau những bức tường. Ở đó có tiếng ầm ầm liên tục của máy chạy, những bà khách hàng vào lò, chất đống những ngăn hàng, choáng váng vì hàng hóa, rồi bị ném ra nơi trả tiền. Và tất cả những cái đó được xếp đặt, tổ chức một cách chặt chẽ máy móc, cả một đám dân phụ nữ đưa mình vào thế lực và lôgích của guồng bánh xe.

Denise, từ buổi sáng, bị cám dỗ. Cửa hàng đó, cực kỳ rộng đối với cô, ở đó, cô trông thấy trong khoảng một giờ nhiều khách vào hơn là ở cửa hàng Cornaille trong sáu tháng, làm cho cô choáng váng và bị thu hút, và trong lòng ước vọng thâm nhập nơi đó có cái sợ hãi mơ hồ nó rốt cuộc quyến rũ cô. Đồng thời, cửa hàng của ông chú gây cho cô một nỗi khó chịu. Đó là một sự khinh miệt không suy lý, một mối kinh tởm tự nhiên đối với cái hố giá lạnh của lối buôn bán cũ. Tất cả mọi cảm giác của cô, nỗi lo lắng bước vào nhà, sự tiếp đón chua chát của bà con, bữa ăn sáng buồn thảm trong ánh ngày phòng giam, sự chờ đợi giữa cảnh hiu hắt buồn ngủ của ngôi nhà già nua hấp hối này, tất cả thâu tóm thành niềm phản kháng âm thầm, mối khát vọng cuộc sống và ánh sáng. Và, mặc dầu lòng tốt của cô, mắt cô vẫn cứ quay sang phía hiệu Hạnh phúc các bà, tưởng như con người bán hàng ở cô cần được sưởi ấm trong ánh rực rỡ của buôn bán lớn nơi kia.

- Chẳng gì đó cũng là nơi sầm uất. - Cô gái buột mồm nói.

Nhưng cô hối hận đã nói khi thấy gia đình Baudu đương gần cô. Bà Baudu ăn sáng xong, mặt tái mét, đứng đăm đăm nhìn con quái vật bằng đôi mắt trắng và, nhẫn nhục, bà không thể nhìn nó, bắt gặp nó như vậy ở bên kia đường phố, mà mí mắt bà không sưng lên vì một nỗi thất vọng âm thầm. Còn Geneviève thì giám sát Colomban mỗi lúc thêm lo lắng, anh chàng này, không ngờ mình bị theo dõi, cứ ngẩng mắt nhìn các cô bán hàng qua những tấm kính của tầng gác trên. Baudu tức điên lên, dằn giọng nói:

- Chẳng phải cứ cái gì hào nhoáng đều là vàng cả. Đợi đấy!

Rõ ràng cả gia đình nén xuống mối hận thù như sóng dâng lên tận cổ họng. Vì sĩ diện họ không bộc lộ quá sớm, trước những đứa trẻ mới đến lúc sáng. Cuối cùng lão buôn dạ tự kiềm chế, quay đi để khỏi nhìn thấy cảnh buôn bán phía trước.

- À thôi, - Ông lại nói - ta đến Vinçard xem sao? Bây giờ đâu có chỗ làm là người ta xô đến, để đến mai có thể lỡ mất.

Nhưng trước khi đi, ông ra lệnh cho viên thư ký thứ hai ra ga lấy chiếc hòm của Denise. Về phía mình, bà Baudu, được cô gái gửi Pépé, quyết định nhân cơ hội đưa chú bé tới phố Orties, nhà bà Gras, để nói chuyện và thỏa thuận. Jean hứa với chị không rời khỏi cửa hàng.

- Chỉ hai phút thôi - Baudu giảng giải, khi cùng cháu gái đi xuôi theo phố Gaillon - Vinçard đã chế ra một hàng tơ đặc sản đang còn chạy. Chào! Lão ta cũng gặp khó khăn như thiên hạ, nhưng đó là tay láu cá vét sành ra mỡ cho vừa đủ... Nhưng chú xem như lão đang muốn rút lui vì bị chứng tê thấp.

Cửa hàng đó ở phố Neuve des Petits Champs, gần lối Choiseul. Nó sạch sẽ và sáng sủa, sang trọng kiểu hiện đại nhưng nhỏ, và hàng hóa nghèo nàn. Baudu và Denise thấy Vinçard đang thương lượng đại sự với hai ông khách.

- Bác đừng bận tâm - Lão buôn dạ kêu lên - Chúng tôi không vội, chúng tôi chờ.

Rồi, khẽ quay ra cửa, ghé vào tai cô gái, ông nói thêm:

- Cái người gầy kia là quầy hàng phó quầy tơ lụa của hiệu Hạnh phúc, còn người lớn là một nhà chế tạo ở Lyon.

Denise biết rằng Vinçard định đẩy cửa hàng cho Robineau, thư ký bán hàng của hiệu Hạnh phúc các bà. Vẻ thật thà, mặt mày cởi mở, hắn ta hứa hẹn một cách dễ dàng như người không bó mình vì những lời thề. Theo hắn thì cửa hàng của hắn là món bở và khi mà sức khỏe ngồn ngộn của hắn phơi ra thì hắn lại ngừng lời để kêu rêu than vãn vì những cơn đau khỉ gió mà hắn lỡ chuyện làm giàu. Nhưng Robineau, nóng nảy và băn khoăn, sốt ruột ngắt lời hắn: anh này biết rõ hàng tân phẩm đang qua cơn khủng hoảng, anh kể ra một cửa hàng đặc sản tơ lụa đã bị giết chết vì ở bên cạnh hiệu Hạnh phúc. Vinçard nổi nóng lớn tiếng:

- Mẹ kiếp cái thằng Vabre đại ngốc ấy thất bại là phải. Vợ hắn ngốn tất. - Vả lại, cửa hàng tôi ở đây cách xa những hơn nửa cây số, còn thằng Vabre thì ở kề ngõ với thằng kia.

Lúc đó Gaujean, nhà chế tạo tơ lụa, xen vào. Người ta lại hạ giọng. Tay này thì đổ tội cho những thương điếm lớn đã làm phá sản ngành chế tạo Pháp: ba bốn cửa hàng khống chế nó, làm mưa làm gió trên thị trường; và theo ý hắn thì cách duy nhất để đánh chúng là khuyến khích ngành tiểu thương, nhất là những cửa hàng đặc sản mà tương lai sẽ thuộc về họ. Vì vậy hắn cấp vốn cho Robineau rất rộng rãi.

- Ông hãy xem nhà Hạnh phúc đối xử với ông như thế nào! - Hắn nhắc lại - Chẳng đếm xỉa đến công lao người ta, những cơ chế để bóc lột thiên hạ!... Cái chức quầy hàng trưởng hứa cho ông từ đâu, thế mà thằng Bouthemont, từ đâu đến và chẳng có danh nghĩa gì, lập tức giành được.

Vết thương của sự bất công đó hãy còn rớm máu ở Robineau. Thế mà anh ta vẫn do dự không chịu lập cơ sở riêng, anh giải thích rằng tiền không phải của anh mà là của vợ được hưởng gia tài sáu vạn phrăng, và anh giữ ý hết sức trước món tiền ấy, anh nói, chẳng thà anh tự chặt hai bàn tay còn hơn để mất mát những công việc kinh doanh thua lỗ.

- Không, tôi chưa quyết định. - Rốt cuộc anh kết luận.

- Để cho tôi thời gian suy nghĩ, chúng ta sẽ nói chuyện lại sau.

- Tùy ý ông - Vinçard nói mà làm vẻ xuê xoa để che giấu nỗi phật ý - Nếu vì lợi thì tôi không bán. Thế đấy, tôi mà không đau ốm...

Và, quay vào giữa cửa hàng:

- Ông có việc gì cần đến tôi đấy, ông Baudu?

Lão buôn dạ, nghe bằng một bên tai, giới thiệu Denise, ông ta nghĩ sao nói thế, kể chuyện cô gái, cô đã làm việc hai năm ở tỉnh nhỏ.

- Thế mà, nghe nói ông muốn kiếm một cô bán hàng ngoan.

Vinçard lam ra vẻ hết sức thất vọng:

- Ôi! Thật là không may! Quả thật tôi đã tìm một cô bán hàng cả tám hôm nay. Nhưng tôi lại vừa tóm được một cô cách đây không đầy hai tiếng đồng hồ.

Mọi người im lặng. Denise như bàng hoàng. Lúc đó Robineau chăm chú nhìn cô gái, chắc hẳn mủi lòng vì nét mặt tiều tụy của cô, anh tự ý mách.

- Tôi biết ở cửa hàng tôi người ta đang cần người vào gian hàng may sẵn.

Baudu không kiềm được tiếng la tự đáy lòng:

- Cửa hàng ông, a ha! Xin kiếu, ra thế đấy!

Rồi ông đâm lúng túng. Denise đỏ mặt tía tai, vào cửa hiệu to ấy, chẳng bao giờ cô dám màng tới! Và ý nghĩ được vào đó làm cô hãnh diện.

- Tại sao vậy! - Robineau ngạc nhiên nói. - Trái lại, đó có lẽ là điều may mắn cho cô đấy... Tôi khuyên cô sáng mai tìm gặp bà Aurélie, quầy hàng trưởng. Dở nhất thì cũng đến bị từ chối là cùng.

Lão buôn dạ, để che đậy sự phản kháng bên trong, xổ ra những lời lẽ mập mờ: Ông ta quen biết bà Aurélie, hay ít ra cũng là quen chồng ta. Lhomme, viên thủ quỷ, rồi một người to lớn bị xe buýt nghiến mất cánh tay phải. Rồi, đột nhiên trở lại chuyện Denise.

- Vả lại, đó là chuyện của cháu nó, không phải việc của tôi... Hoòn toàn là tùy ý nó.

Và ông bước ra, sau khi chào Gaujean và Robineau. Vinçard đưa ông ra tận cửa, vừa nhắc lại rằng lấy làm tiếc. Cô gái vẫn đứng giữa cửa hàng, rụt rè, ý muốn hỏi thăm viên thư ký cặn kẽ hơn. Nhưng cô không dám, đến lượt cô chào và chỉ nói:

- Xin cám ơn ông.

Trên bờ hè, Baudu không nói một lời với cháu gái. Như bị lôi cuốn bởi suy nghĩ, ông đi rảo bước, bắt cô phải chạy theo. Đến phố La Michodière, sắp sửa bước vào nhà thì một chủ hiệu hàng xóm, đứng ở cửa làm hiệu gọi ông. Denise dừng lại đợi ông.

- Gì thế bố Bourras? - Lão buôn dạ hỏi.

Bourras là một ông già cao lớn, cái đầu như bậc tiên tri, rậm tóc rậm râu, mắt sắc dưới hai hàng lông mày rậm. Lão mở cửa hàng gậy can và ô, sửa vá, khắc cả cán gậy, cán ô, thành ra nổi tiếng là nghệ sĩ trong khu phố. Denise liếc nhìn tủ kính cửa hàng, ở đó ô và can xếp thành hàng đều đặn. Nhưng khi ngước mắt lên thì ngôi nhà đặc biệt làm cô ngạc nhiên: đó là một căn nhà lều bị chèn giữa hiệu Hạnh phúc các bà và một tòa nhà lớn kiểu Louis XIV, nó mọc lên không hiểu bằng cách nào trong cái kẽ hẹp đó, phía trong cùng là hai tầng gác bị bẹp gí. Nếu không có hai bên trái bên phải chống đỡ thì có lẽ nó đã đổ, đá đen trên mái quằn lại và nát, mặt trước chỉ có hai cửa sổ đầy nứt nẻ, chìm lấp sau tấm biển gỗ bị hư phân nủa vì những vệt gỉ chạy dài.

- Ông biết không, họ đã biên thư cho chủ nhà tôi hỏi mua ngôi nhà. - Bourras vừa nói vừa đăm đăm nhìn lão buôn dạ với cặp mắt bốc lửa.

Baudu càng tái mặt và so hai vai. Cả hai người đứng lặng, mặt đối mặt, với vẻ đăm chiêu.

- Phải dè chừng hết thảy. - Cuối cùng ông lẩm bẩm.

Thế là ông lão nổi khùng, bứt tóc và bộ ria xum xuê.

- Họ cứ mua nhà, họ sẽ phải trả giá gấp bốn lần!... Nhưng tôi thề với ông, tôi mà còn sống thì một viên đá họ cũng không lấy được. Hạn thuê nhà của tôi còn hai mươi năm... Để xem, để xem!

Đó là một cuộc khai chiến. Bourras quay về phía hiệu Hạnh phúc các bà mà cả hai người đều không gọi tên ra. Một lát sau, Baudu lặng lẽ lắc đầu: rồi ông đi ngang qua phố để trở về nhà, hai chân rã rời, miệng chỉ lắp đi lắp lại:

- Ôi trời!... Ôi trời!

Denise đã nghe hết cả, đi theo chú. Bà Baudu cũng về với Pépé; và lập tức bà bảo bà Gras sẽ nhận đứa bé bất cứ lúc nào. Nhưng Jean thì vừa biến mất làm cô chị lo lắng. Khi anh chàng về, mặt mày phớn phở, hăng hái kể chuyện ngoài phố, thì cô nhìn hắn, vẻ buồn rầu, làm hắn đỏ mặt lên. Người ta đã lấy chiếc hòm của họ về, họ sẽ ngủ ở tầng trên sát mái.

- À, còn chuyện nhà Vinçard, thế nào? - Bà Baudu hỏi.

Lão buôn dạ kể lại cuộc chạy vạy mất công, rồi nói thêm rằng có người đã mách cháu gái một chỗ, và, chìa tay về phía hiệu Hạnh phúc các bà, với điệu khinh bỉ, ông buột ra mấy tiếng:

- Đầy kia kìa!

Cả gia đình lấy làm mếch lòng. Buổi chiều, bàn ăn thứ nhất là vào năm giờ. Denise và hai đứa trẻ ngồi vào chỗ cũ, cùng với Baudu, Geneviève và Colomban. Một ngọn đèn hơi soi sáng buồng ăn nhỏ sặc mùi thức ăn. Bữa ăn im ắng. Nhưng, lúc ăn tráng miệng, bà Baudu, ngồi không yên chỗ, rời cửa hàng tới ngồi phía sau cháu gái. Thế là, làn sóng bị tức từ sáng bây giờ vỡ ra, mọi người nhằm vào con quái vật mà đả cho nguôi giận.

- Đó là việc của cháu, hoàn toàn tùy ý cháu - Baudu thoạt tiên nhắc lại - Cả nhà chú không muốn ép cháu.

- Cơ mà, vì bằng cháu biết cái nhà đó như thế nào?

Từng lời nhát gừng, ông kể chuyện tay Octave Mouret. Thôi thì đủ mọi điều may! Một chàng trai từ miền Nam lên rơi vào Paris, với tính táo bạo hòa nhã của một tay giang hồ; và, ngay sau đó, những chuyện trai gái, liên tục lợi dụng phụ nữ, tai tiếng vì một chuyện bị bắt quả tang, mà cả khu phố còn nói đến, rồi thì chinh phục bà Hédouin một cách đột ngột và khó hiểu, bà ta đem lại cho hắn hiệu Hạnh phúc các bà.

- Cái bà Caroline tội nghiệp ấy! - Bà Baudu ngắt lời - Bà ta có chút bà con với tôi. Chà! Nếu bà ta còn sống, sự việc sẽ xoay ra một cách khác. Bà ta chẳng để cho hắn giết bọn tôi... Thế mà chính hắn đã giết chết bà ấy. Phải, ở nơi xây dựng của hắn! Một buổi sáng, bà đi thăm công trường thì ngã xuống một cái hố. Ba hôm sau, bà ta qua đời. Cái bà ấy chưa bao giờ ốm đau, thật khỏe, đẹp đến thế!... Có máu của bà dưới móng ngôi nhà.

Qua những bức tường; bà Baudu chỉ ngôi cửa hàng lớn, bàn tay tái nhợt và run run. Denise, lắng nghe như nghe chuyện thần tiên, bỗng rợn mình. Niềm sợ hãi nằm trong mối cám dỗ mà cô bị từ sáng, có lẽ là do máu của người đàn bà ấy, mà bây giờ cô tưởng như trông thấy ở chất vữa đỏ trát tầng hầm của tòa nhà.

- Có lẽ vận may mắn của hắn là ở đó. - Bà Baudu nói thêm mà không chỉ đích danh Mouret.

Nhưng lão buôn dạ nhún vai, coi khinh những chuyện bàn tán dông dài đó [6]. Ông trở lại câu chuyện, ông giải thích tình thế, trên quan điểm thương nghiệp. Hiệu Hạnh phúc các bà do anh em Deleuze sáng sáng lập năm 1822. Khi người anh cả chết, con gái anh ta là Caroline kết hôn với con trai người chế tạo vải gai là Charles Hédouin; Đến sau này khi chồng qua đời, cô đã lấy gã Mouret đó. Như vậy là cô ta đã đem lại cho hắn nửa ngôi hàng. Ba tháng sau cuộc hôn nhân thì đến lượt Deleuze em qua đời mà không có con; Đến nước, khi Caroline bị vùi xuống nền nhà thì gã Mouret trở thành người thừa kế duy nhất, chủ nhân duy nhất của hiệu Hạnh phúc. Thật là đủ mọi điều may!

- Một tay lắm ý kiến, một gã phá rối nguv hiểm, hắn sẽ lam đảo lộn khu phố nếu người ta để yên cho hắn làm! - Baudu nói tiếp - Tôi cho rằng Caroline đầu óc cũng có phần mơ mộng, đã bị chài vì những ý đồ ngông cuồng của thằng cha... Tóm lại, hắn đã khiến cô ta quyết định tậu ngôi nhà bên trái, rồi ngôi nhà bên phải; và bản thân hắn, khi chỉ còn một mình, đã tậu hai ngôi nhà khác; thành ra cửa hàng đã lớn lên, lớn mãi đến nước bây giờ nó đe dọa ngốn tất thảy bọn mình!

Ông ta nói với Denise, nhưng là nói vì mình: do một nhu cầu tự thỏa mãn gay gắt, ông nhai lại câu chuyện đó nó ám ảnh ông. Trong gia đình ông là người nóng nảy, hăng máu, tay lúc nào cũng xiết chặt thành quả đấm. Bà Baudu, ngay đơ trên ghế, không xen vào nữa, Geneviève và Colomban, mắt nhìn xuống, lơ đãng nhặt ruột bánh mì ăn. Trời ơi bức, ngột ngạt trong gian buồng nhỏ, đến mức Pépé ngủ ngay trên bàn, và cả Jean nửa mắt díu lại.

- Hãy kiên tâm! - Baudu đột nhiên nổi giận lại nói - bọn trí trá sẽ phải khuyu! Mouret đang qua cơn khủng hoảng, tôi biết. Bao nhiêu lãi hắn đã dốc hết vào những trò khuếch trương và quảng cáo điên rồ. Ngoài ra, để kiếm vốn, hắn nảy ra ý thuyết phục số lớn các nhân viên của hắn góp vốn vào cửa hàng của hắn. Vì vậy bây giờ hắn không còn một xu, mà nếu không xảy ra chuyện kỳ lạ, nếu hắn không tăng được số hàng bán ra lên gấp ba, như hắn hy vọng, rồi mọi người xem, phá sản ra trò!... A ha! Ta chẳng phải là ác, nhưng cái ngày ấy, ta sẽ chưng đèn thật sáng, lời thề danh dự!

Ông ta tiếp tục với giọng trả thù, tưởng đến như hiệu Hạnh phúc các bà mà quy thì phẩm giá của thương nghiệp bị tổn hại sẽ được khôi phục. Có bao giờ người ta thấy thế đâu? Một cửa hàng tân phẩm mà lại bán thượng vàng hạ cám thế! Thế là bán tạp hóa mất rồi! Cho nên nhân viên phải cho xinh xẻo: Một lũ đàng điếm hoạt động cứ như ở nhà ga, xử lý hàng hóa và khách mua như những gói hàng, chỉ vì một lời nói mà rẫy chủ hay bị chủ rẫy, không tình thương, không lề thói, không nghệ thuật! Và đột nhiên ông lấy Colomban làm bằng chứng: quả thật, Colomban được đào tạo tốt, anh ấy biết cách từ từ mà vững chắc như thế nào để đạt tới kỹ xảo, mưu thuật của nghề nghiệp. Nghệ thuật không phải là bán nhiều mà là bán đắt. Rồi, anh ấy có thể kể người ta đối xử với anh ấy thế nào, làm thế nào mà anh ấy trở thành người của gia đình, được chăm sóc khi ốm đau, có người giặt giũ vá may cho, được trông nom như con em trong nhà, rút cục là được thương yêu!

- Có thế, - Colomban lặp đi lặp lại - sau mỗi tiếng la của ông chủ.

- Anh là người cuối cùng, anh bạn trung hậu ạ. - Rốt cuộc Baudu cảm động tuyên bố - Sau anh, không ai được dào tạo như thế nữa... Chỉ có anh là khuây lòng tôi, là vì nếu ngày mai cái trò xô đẩy nhau như thế gọi là thương nghiệp thì tôi không còn hiểu gì hết, chẳng thà tôi rút lui.

Geneviève, đầu ngả xuống vai, tưởng như làn tóc đen dầy của cô dè quá nặng trên vầng trán tái xanh, cô ngắm nghía viên thư ký mỉm cười. Và, trong ánh mắt cô, có mối nghi ngờ, ý muốn xem Colomban có hối hận giày vò mà thẹn vì những lời đó không. Nhưng là một anh chàng lọc lõi về những trò đóng kịch trong thương nghiệp cũ, anh ta vẫn giữ nguyên tư thế ung dung, vẻ hiền lành, với nếp nhăn tinh quái trên môi anh.

Trong khi đó, Baudu la to hơn, kết án cái lối bày hàng bán dạo phía trước mặt, bọn man rợ ấy, chúng tàn sát lẫn nhau vì cuộc đấu tranh sinh tồn, đến mức phá hoại gia đình. Và ông kể về những người hàng xóm nơi thôn quê ông, gia đình Lhomme, bà mẹ, ông bố, con trai, cả ba đều làm công trong cái quán kia, bọn người không nơi tổ ấm, lúc nào cũng chạy bên ngoài, chỉ ăn ở nhà ngày Chủ nhật, chung quy là một cuộc sống cơm hàng cháo chợ! Quả thật, gian buồng ăn của ông không lớn, có thể phải cầu mong cho nó thoáng đãng, sáng sủa hơn; nhưng ít ra cuộc đời ông là ở đó, ông đã sống ở đó trong tình thương yêu của vợ con. Trong khi nói, ông đưa mắt nhìn quanh gian buồng nhỏ; và bỗng nhiên ông run lên, với ý nghĩ không nói ra rằng một ngày kia bọn man rợ, khi chúng giết chết cửa hàng của ông xong, chúng có thể tống ông ra khỏi cái hố này, nơi ông được ấm áp giữa vợ và con gái ông. Mặc dầu ông làm ra vẻ yên tâm, khi ông nói tới cuộc nhào lộn cuối cùng trong thâm tâm ông đầy kinh hoàng, ông cảm thấy rõ khu phố bị xâm chiếm, bị nuốt sống dần dần.

- Không phải nói để cháu ghét đâu - Ông lại nói, cố gắng được bình tĩnh - Nếu lợi ích của cháu là vào nơi đó thì chú là người đầu tiên bảo cháu vào đi.

- Cháu cũng nghĩ thế, chú ạ. - Denise, thờ người ra, lẩm bẩm nói, ước vọng của cô vào hiệu Hạnh phúc các bà càng tăng lên, giữa tất cả cơn cuồng nhiệt đó.

Ông đã tì khuỷu tay lên bàn, ông nhìn cô làm cô khó chịu.

- Nhưng mà cháu, cháu là người trong nghề, cháu hãy nói cho chú biết một cửa hàng tân phẩm mà đi bán thượng vàng hạ cám như thế có hợp lẽ không. Xưa kia, khi thương nghiệp còn đứng đắn, tân phẩm là hàng vải vóc, không có gì khác. Bây giờ họ chỉ còn ý nghĩ leo lên vai hàng xóm và ngốn tất. Đó là điều mà khu phố than phiền, là vì các cửa hàng nhỏ bắt đầu bị thiệt hại ghê gớm. Cha Mouret làm họ phá sản... Đây kia, Bédoré và em gái, cửa hiệu mũ áo đan ở phố Gaillon đã mất nửa số khách hàng. Nhà cô Tatin bán quần áo mặc trong ở lối Choiseul, đến nước phải hạ giá, bán rẻ để cạnh tranh. Mà tác động của tai họa đó, của ôn dịch đó lan đến tận phố Neuve des Petits Champs mà tôi dám nói rằng anh em ngài Vanpouille, bán lông thú không thể đương đầu nổi... Cửa hàng chúc bâu mà đi bán lông thú, hả? Thật kỳ quặc! Lại một ý kiến của Mouret!

- Cả găng nữa - Bà Baudu nói - có quỷ quái không? Hắn cả gan mở một gian hàng bán găng!...

Hồi tối qua phố Neuve Saint Augustin, Quinette đứng ở cửa, vẻ rầu rĩ đến nỗi tôi không dám hỏi thăm hàng họ có chạy không.

- Lại cả cô - Baudu tiếp - Đến thế là cùng cực! Bourras tin chắc rằng Mouret chỉ muốn nhận chìm lão; là vì, rút cục, cái đó thì ăn nhập gì, ô với vải?... Nhưng Bourras vững đấy, lão chẳng để người ta chọc tiết đâu. Một ngày kia, ta sẽ cười cho mà xem.

Ông nói đến những người buôn bán khác, ông điểm danh cả khu phố. Đôi lúc ông buột miệng thú nhận: đến Vinçard mà chịu bán cửa hàng thì mọi người chỉ có việc xếp khăn gói, là vì Vinçard như đàn chuột chuồn mau khỏi cái sắp đổ. Thế rồi lập tức ông lại tự cải chính, ông mơ ước một sự liên minh, hiệp đồng giữa các nhà buôn bán lẻ để đương đầu với tên bự. Từ nãy ông ngập ngùng không muốn nói về mình hai bàn tay cựa quậy, miệng mấp máy vì một chứng giật gân. Cuối cùng, ông quả quyết:

- Còn tôi thì cho đến nay, tôi không có cái gì để phàn nàn lắm. Chà! Thằng vô lại, nó làm hại tôi. Nhưng nó mới nắm các loại dạ phụ nữ, dạ mỏng để may áo dài, và những dạ dày hơn để may măng-tô. Người ta vẫn đến cửa hàng tôi mua những hàng cho đàn ông, nhưng may bộ đồ đi săn, may chế phục; không kể đến flanelle, molleton, mà tôi thách hắn có được hàng phối hợp trọn vẹn như thế... Song, hắn phá tôi, hắn tưởng làm tôi sợ hãi, vì hắn đặt gian hàng dạ của hắn ở trước mặt, kia kìa. Cháu đã xem hàng bầy của hắn phải không? Bao giờ hắn cũng trưng ở đó những hàng may sẵn dẹp nhất của hắn, đóng khung giữa những tấm dạ, một trò phô trương của bọn múa rối để níu kéo lũ con gái... Lời thề quân tử! Tôi thật xấu hổ nếu dùng những thủ đoạn như thế. Từ ngót trăm năm nay, hiệu Vieil Elbeuf đã nổi tiếng, và nó chẳng cần bầy ra cửa những trò bẫy người ngu như thế. Chừng nào tôi còn sống, cửa hàng sẽ y như lúc tôi tiếp thu nó, với bốn tấm mẫu hàng bầy bên phải và bên trái, không hơn!

Cả nhà đâm cảm động. Geneviève, sau một hồi im lặng, mạo muội lên tiếng:

- Khách hàng của ta mến ta, bố ạ. Phải hy vọng... Ngày hôm nay đây, bà Desforges và bà De Boves vẫn tới. Con đang đợi bà Marty đến mua flanelle.

- Tôi, - Colomban tuyên bố - hôm qua tôi nhận được com-măng của bà Bourdelais. Thật ra bà ta đã kể với tôi một loại cheviotte anglaise, phía trước mặt đề giá rẻ hơn mười xu, cũng loại như của nhà ta, thì phải.

- Thế mà, - Bà Baudu giọng uể oải lẩm bẩm - phải nói rằng mình đã từng trông thấy cái nhà đó to vừa bằng chiếc khăn bỏ túi! Thật đấy, Denise thân mến ạ, khi anh em Deleuze sáng lập nó, nó chỉ trần có cái tủ kính nhìn ra phố Neuve Saint Augustin, tủ ăn vào tường chính cống, trong bầy hai tấm vải hoa với ba tấm chúc bâu chen nhau. Cửa hàng chật đến nỗi trở mình không nổi... Hồi đó, hiệu Vieil Elbeuf, có từ hơn sáu mươi năm, đã y như cháu nhìn thấy bây giờ... Chao! Tất cả cái đó đã thay đổi hẳn!

Bà lắc đầu, cất lời chậm rãi nói lên tấn bi kịch cuộc đời bà: sinh ra ở hiệu Vieil Elbeuf, bà yêu nó đến cả những hòn đá ẩm ướt, bà chỉ sống vì nó và nhờ nó. Thế mà, xưa kia vinh hạnh vì cửa hàng đó, bề thế nhất, đông khách nhất khu phố, bà đã luôn luôn đau lòng trông thấy cửa hàng đối địch. Lớn lên dần dần, buổi đầu nó bị coi thường, rồi nó trở nên quan trọng ngang hàng, rồi nó tràn ra, uy hiếp. Đối với bà, đó là một vết thương luôn luôn há miệng, bà giãy chết vì Vieil Elbeuf bị sỉ nhục, bà còn sống như nó là do sức thúc bách, nhưng bà cảm thấy rõ ràng bước lâm chung của cửa hàng sẽ là của bà, và bà tắt thở cái ngày mà cửa hàng đóng cửa.

Mọi người im lặng. Baudu thoái lui với những đầu ngón tay di trên tấm vải đánh bóng. Ông cảm thấy mệt mỏi, gần như ân hận, vì một lần nữa tự nguôi lòng như thế. Vả chăng trong cơn phiền muộn đó, cả nhà lại bâng khuâng tiếp tục khuấy động những nỗi đắng cay trong lịch sử gia đình. Chưa bao giờ họ gặp may mắn. Lũ trẻ được nuôi dạy, giàu có đến nơi, đột nhiên cuộc cạnh tranh đưa tới phá sản. Lại còn ngôi nhà thôn dã mà lão buôn dạ từ mười năm nay ước mơ rút lui về đó, một đồ cũ, ông nói, một ngôi nhà cổ mà ông phải sửa chữa liên tục, mà ông đã quyết định cho thuê, và rồi những người thuê chẳng trả tiền nhà. Gần đây kiếm được bao nhiêu lại đổ vào đấy cả, ông chỉ phải mỗi một cái tật là lòng chân thành tẩn mẩn, cố chấp theo thói cũ.

- Kìa, - Đột nhiên ông tuyên bố - phải nhường bàn cho người khác... Thật là những lời vô bổ.

Mọi người thức tỉnh. Ngọn đèn hơi rít lên, trong không khí ngưng đọng, nóng bức của gian buồng nhỏ. Mọi người đứng dậy, làm tan cái im lặng buồn nản. Nhưng Pépé ngủ say đến mức người ta đặt nó nằm dài trên những tấm molleton. Jean ngáp dài đã quay ra chỗ cửa ra phố.

- Và, để kết thúc, cháu làm gì tùy ý - Baudu nhắc lại với cháu gái - Chú thím nói cho cháu biết mọi sự thế thôi... Còn công việc của cháu là công việc của cháu.

Ông nhìn cô như thúc ép, ông đợi cô giả nhời dứt khoát. Denise càng mê hiệu Hạnh phúc các bà vì những chuyện đó, không đánh lảng mà vẫn giữ vẻ bình tình dịu dàng, kỳ thực là ý chí bướng bỉnh của người xứ Normandie. Cô chỉ đáp:

- Để xem đã, thưa chú.

Và cô nói phải lên ngủ sớm với lũ trẻ, vì cả ba đều mệt lắm rồi. Nhưng sáu giờ mới vừa điểm, cô những muốn ở lại một lúc trong cửa hàng. Trời tối, cô lại thấy đường phố tối om, ướt át vì một cơn mưa nhỏ mà mau từ lức mặt trời lặn. Đó là điều làm cô ngạc nhiên: không mấy chốc mà mặt đường đã loang lổ những vũng nước, những rãnh cuốn đi nước bẩn, một lớp bùn dày bị chân dẫm nhớp nháp trên các bờ hè và, dưới cơn mưa rào tầm tã chỉ thấy diễu qua lộn xộn những chiếc ô, xô nhau, căng phồng y như những chiếc cánh lớn đen xẫm trong bóng tối. Thoạt tiên, cô lùi lại, vì bị lạnh, lòng càng thắt lại vì cửa hàng vào giờ này sáng lờ mờ, thê thảm. Một làn hơi ẩm hơi thở của khu phố cũ, từ ngoài đường thổi vào: dường như ô trôi thành suối tới những quầy hàng, nền đường với bùn và những vũng nước đột nhập, làm mốc cả tầng nhà đất cổ, trắng xóa diêm tiêu. Cả một quang cảnh Paris cũ ướt sũng nước khiến cô lạnh run, ngỡ ngàng đến não ruột thấy cái thành phố lớn giá lạnh và xấu xí đến thế.

Nhưng, bên kia đường, hiệu Hạnh phúc các bà đã thắp những dãy đèn hơi chạy dài. Và Denise bước lại gần, cô bị thu hút và dường như được sưởi ấm bởi cái trung tâm ánh sáng rực rỡ kia. Cỗ máy vẫn nổ ầm, vẫn hoạt động, xả hơi trong gầm rú cuối cùng, trong khi những nhân viên bán hàng gấp vải và những thủ quỹ đếm tiền thu nhập. Qua những tấm kính mờ đi vì hơi nước, nhan nhản đốm sáng chập chờn, cả một cảnh tượng hỗn độn bên trong nhà máy. Đằng sau màn mưa đang rơi, cái hiệu bị đẩy lùi, rồi nhòa đó mang vẻ một buồng đốt than khổng lồ, ở đó những bóng đen của thợ đốt là qua lại trên ánh lửa đỏ của nồi súp-de. Những tủ kính chìm biến đi, trước mặt chỉ thấy những đăng-ten như tuyết được những bóng mờ của một dãy đèn hơi làm cho màu trắng sáng rực lên; và, trên cái phòng miếu thờ ấy, những hàng may sẵn linh hoạt hắn lên, chiếc măng-tô nhung lớn viền lông cáo trắng mang đường nét của một người đàn bà không đầu, chạy dưới mưa rào tới cuộc hội hè nào đó, trong bóng đêm xa lạ của Paris.

Denise bị cám dỗ, bước sang tận cửa, không ngại nước mưa bắn tung tóe ướt cả. Vào giờ khuya này, với ánh rực rỡ như lò lửa của nó, hiệu Hạnh phúc các bà trọn vẹn mê hoặc cô gái. Trong cái thành phố lớn, tối đen và câm lặng dưới mưa, trong cái thành phố Paris xa lạ với cô, ngôi hàng sáng rực như một ngọn đèn pha, dường như chỉ duy nhất nó là ánh sáng và cuộc sống của đô thành. Ở đó cô mơ ước đến tương lai, có nhiều việc làm để nuôi dạy hai đứa trẻ, với bao nhiêu điều khác nữa, cô không biết nó là cái gì, những điều xa xôi mà ước vọng và sợ hãi làm cô rùng mình. Cô nhớ lại cái chuyện người phụ nữ chết ở nền nhà nơi đó; cô đâm sợ, cô tưởng như trông thấy những đốm sáng nhuốm máu; rồi màu trắng của đăng-ten làm cô nguôi đi, một niềm hy vọng trào lên, cả mối hân hoan tin chắc; trong khi đó mưa bay làm lạnh hai bàn tay vàn làm dịu nỗi bực dọc của chuyến đi.

- Bourras đây. - Một tiếng nói phía sau lưng cô.

Cô nghiêng đầu nhận ra Bourras, cô nhận ra Bourras, lặng đứng ở đầu phố, trước chiếc tủ kính mà sáng nay cô đã thấy trong đó những ô và can xếp thành cả một công trình khéo léo. Ông già cao lớn lẩn vào bóng tối, đắm đuối nhìn cái cửa hàng đắc thắng kia; vẻ mặt đau đớn, lão cũng chẳng cảm thấy mưa xối trên đầu trần, ướt đẫm làn tóc bạc.

- Lão ấy thật ngu xuẩn, - Tiếng nói kia nhận xét -lại đến ốm cho mà xem.

Bấy giờ, quay lại, Denise lại thấy gia đình Baudu đứng phía sau. Cũng như Bourras mà họ cho là ngu xuẩn, dù không muốn, họ vẫn trở lại chỗ đó, trước cái cảnh tượng xé ruột họ. Cả mối điên cuồng chuốc lấy đau đớn. Geneviève, mặt tái nhợt, đã nhận thấy Colomban nhìn phía tầng gác trên, bóng những cô bán hàng diễu trên những tấm kính; và trong khi ông Baudu nghẹn ngào vì mối hiềm thù thâm căn, mắt bà Baudu nhòa lệ, lặng lẽ.

- Ngày mai cháu sang đó phải không? - Rốt cuộc lão buôn dạ, băn khoăn ngờ vực, lên tiếng hỏi, vả chăng ông cảm thấy rõ cháu gái cũng bị chinh phục như mọi người.

Cô ngập ngừng, rồi dịu dàng nói:

- Vâng, thưa chú, trừ phi điều đó không làm chú quá buồn phiền.

Chú thích:


[1] Centime: đồng tiền Pháp bằng một phần trăm đồng phrăng (Franc), còn đồng xu (sou) thì bằng một phần hai mươi frănc.đồng xu nhỏ nhất

[2] Byzantine: Tên cũ của Constantinople thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

[3] Faille: tên một thứ lụa.

[4] Matelassé: thứ vải bông dầy có độn len cho ấm

[5] Nguyên văn là sơn ca.

[6] Nguyên văn: bàn tán của vú em.