Lời nhận định

Giống như Gabriel García Márquez là ông hoàng đen vĩ đại của tiểu thuyết hiện đại, Kapuściński là vị phù thủy kiệt xuất của phóng sự.”

- John Le Carré

*

“Ryszard Kapuściński là một ví dụ hiếm hoi trong nền văn hóa của chúng ta về một nhà văn người-Ba-Lan-toàn-cầu. Ông, một công dân thế giới, luôn luôn chống lại việc dựng lên các rào ngăn đối với Người Khác, đóng sập cửa trước mặt họ. Dường như ông muốn nói: bài ngoại là căn bệnh của những kẻ khiếp nhược, bị mặc cảm về sự thấp hèn hành hạ, sợ hãi ý nghĩ đến lượt họ sẽ phải soi mình trong văn hóa của Người Khác.”

- Adam Michnik

“Chúng ta đang sống trong một thế kỷ nhiều thách đố nhất trong lịch sử thế giới, bản chất thực của nó còn là một bí ẩn tối tăm. Chúng ta rất cần những nhà giải mã như Ryszard Kapuściński.”

- Salman Rushdie

“Tôi nghĩ đến những cuốn sách ông đã viết với lòng biết ơn sâu sắc, và nghĩ đến những cuốn sách ông còn chưa kịp viết với nỗi buồn sâu sắc. Một nhà văn lớn, một con người cao quý, một người lữ hành không mệt mỏi qua thế giới đầy quyến rũ nhưng mãi luôn luôn bất an của chúng ta.

- Wisława Szymborska

“Tôi không biết bất cứ ai có viết với sự thấu cảm đến thế về Thế giới Thứ ba. Mỗi lần được tin giải Nobel được trao cho một người khác, tôi lại cảm thấy thất vọng. Tôi luôn luôn chắc chắn rằng Kapuściński sẽ nhận được giải thưởng này.”

- Tomas Venclova

“Ryszard Kapuściński đã viết một tác phẩm để đời: cuốn sách về châu Phi với nhan đề Gỗ mun. Cuốn sách của Kapuściński đặt chúng ta trước nhiều câu hỏi. Đó là những câu hỏi cốt yếu. Cuộc sống là gì, ý nghĩa của nó, đạo đức, tội ác, lòng kiêu hãnh và khiêm nhường, sự phản kháng hay chấp nhận số phận? Chúng ta vẫn luôn đặt ra những câu hỏi ấy trong văn hóa của mình, nhưng những lời giải đáp và phản ứng của chúng ta lại hoàn toàn khác.”

- Helena Zaworska

“Không trực tiếp, nhưng rất rõ ràng, Kapuściński luận chiến với hai lối nghĩ dĩ Âu vi trung rập khuôn về châu Phi: với khuôn mẫu khiến người ta nhìn châu Phi như một châu lục của những người man rợ thấp kém hơn về văn hóa, khó hiểu (vì chẳng đáng được hiểu); và với huyền thoại hậu thực dân đầy cảm tính (dù chỉ như trong Xa mãi Phi châu của Karen Blixen) nhìn thấy ở châu Phi thiên đường đã mất.”

- Piotr Bratkowski

 

Tôi đã sống ở châu Phi vài năm. Tôi đến đó lần đầu vào năm 1957. Sau này, trong suốt bốn mươi năm tiếp theo, hễ có dịp là tôi trở lại. Tôi đi rất nhiều. Tôi tránh các tuyến đường chính thức, các cung điện, những nhân vật quan trọng, giới chính trị cao cấp. Ngược lại, tôi thích đi nhờ những chuyến xe tải tình cờ, lang thang cùng dân du mục qua sa mạc, làm khách của những người nông dân trên thảo nguyên xa-van nhiệt đới. Cuộc sống của họ là sự cực nhọc, thống khổ vô bờ, nhưng họ vui vẻ chịu đựng nó với sự dẻo dai lạ lùng.

Vì vậy, đây không phải là cuốn sách về châu Phi, mà về một số người ở đó, về những cuộc gặp gỡ với họ, những khoảng thời gian bên nhau. Châu lục này quá lớn để có thể miêu tả nó. Đó là một đại dương riêng biệt, một hành tinh riêng, một vũ trụ vô cùng phong phú và đa dạng. Chúng ta gọi “châu Phi” chỉ là cho tiện, một cách vô cùng giản lược. Trên thực tế, ngoài cái tên địa lý, châu Phi không tồn tại.

R.K

*

Tiểu sử tác giả

Ryszard Kapuściński (1932 - 2007) học lịch sử tại Vacsava rồi làm báo, trở thành phóng viên chuyên viết phóng sự ở nước ngoài, trong khoảng bốn mươi năm phụ trách các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.  Ông được đánh giá là một cây bút đặc sắc đã góp phần không nhỏ cho văn học Ba Lan và văn học thế giới nửa sau thế kỷ XX với những tác phẩm gây tiếng vang lớn trong nước và trên khắp năm châu. Những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông gồm có Du hành cùng Herodotus, Imperium, Gỗ mun.v.v.