Người đàn ông ngồi im trên chiếc ghế kê sát tường. Ông mặc áo tang trắng nhưng đầu không chít khăn. Mặt ông buồn và nghiêm nghị, đôi mắt nhìn sững phía trước nhưng không nhìn vào cái gì rõ rệt.
Đứng cạnh ông là một người dong dỏng cao, hai mắt đỏ hoe, đầu hơi cúi xuống một chút và hai bàn tay đen sạm đan vào nhau, đặt trước bụng. Phía bên trái anh người vợ đứng gần như lẫn vào trong bóng tối của góc nhà, khóc thút thít bên đứa con trai nhỏ đang giương mắt nhìn mọi người.
Phía bên kia quan tài, gần sát tường là một thiếu nữ và một thanh niên chừng mười bảy mười tám tuổi. Họ đều mặc tang phục.
Trước mặt mọi người, trên bàn thờ là tấm ảnh của một người đàn bà quê mùa và khắc khổ. Hai cây bạch lạp cháy đã quá nửa chiếu ánh sáng lung linh, mờ nhạt trên khung kính nhỏ lồng ngoài bức hình người chết.
Gần mười một giờ trưa, một chiếc xích-lô đạp dừng lại trước nhà. Một người thanh niên chừng hai mươi lăm tuổi hấp tấp bước xuống xe và chạy thẳng vào. Anh rẽ đám đông trẻ con bu trước cửa và vào được phía trong. Cô gái kêu lên:
- Anh Hữu!
Nhưng Hữu không nghe tiếng kêu ấy, anh nhìn sững chiếc quan tài. Chiếc quan tài nhỏ, mong manh và im lặng một cách tàn bạo, bên trong là tấm thân ốm yếu gầy mòn xác xơ của mẹ anh. Không để lại một dấu tích. Hữu có cảm tưởng như mẹ anh không nằm trong ấy, đó chỉ là một cái hòm rỗng, xa lạ một cách kỳ dị đối với anh. Hữu im lặng ngồi xuống. Anh đặt tay trên nắp áo quan, ngước nhìn tấm ảnh mẹ trên bàn thờ rồi bật khóc.
Người cha nói:
- Đáng lẽ chôn hôm qua nhưng cha hoãn lại chờ con. Cũng may con về được.
Hữu hỏi:
- Mẹ mất mấy hôm rồi?
- Ba bữa, chết khỏe lắm, không đau đớn gì.
Hữu im lặng. Người cha tiếp:
- Hôm nay ngày tốt, cha định lo chôn cất cho xong. Mẹ con như thế cũng khỏe thân, con chớ nên buồn.
Hữu quay nhìn cha, ông vẫn nhìn đăm đăm vào quãng trống trước mặt, anh muốn nói một lời nào đó, có lẽ là một lời phản đối nhưng phản đối điều gì? Anh do dự, không biết mở lời sao, không biết phản ứng thế nào, nhưng có điều anh biết chắc là cái chết của mẹ anh không đơn giản như cha nói.
Người cha đưa mắt nhìn đứa con trai lớn, hỏi:
- Duy, con đã lo xong chưa?
Duy ngửng lên, buông thõng hai tay và buồn bã quay sang ngó vợ, người vợ nắm lấy tay đứa con và lẳng lặng đi ra phía sau.
Lát sau, một chiếc xe lam đậu lại trước nhà. Bọn trẻ con lảng đi nơi khác.
Mọi người có mặt đông đủ bên áo quan. Người cha khấn vái một lát trước vong linh người bạn đời rồi ra hiệu cho hai đứa con trai lớn khiêng áo quan, Duy đứng một bên, Hữu đứng một bên. Anh cúi xuống luồn hai tay dưới đáy hòm. Chiếc áo quan thô sơ, nhẹ, mặt gỗ sần sùi tạo cảm giác chắc chắn, vững vàng. Hữu cảm thấy như mình ôm tấm thân gầy gò của mẹ trong tay. Duy tránh không nhìn em, đôi mắt anh vẫn còn đỏ hoe và trũng sâu xuống khiến gò má anh như nhô cao thêm.
- Mình có thể chia xẻ gì với đứa em này không? Anh tự hỏi và ngước lên nhìn đứa em nhưng cũng chỉ thấy một đôi mắt đỏ hoe, buồn thảm. Anh không nhìn thấy gì thêm trong đôi mắt ấy. Cái nhìn của người em không hẳn xa lạ, không hẳn giận hờn nhưng có chút gì tẻ nhạt và chỉ cần một chút ấy thôi cũng khiến anh e sợ và vội co rút vào nỗi cô đơn cố hữu của mình.
Chiếc xe chở quan tài ra đến vùng đồng ruộng cạnh chân núi. Cơn gió mát làm lòng Hữu dịu lại. Anh ngồi tựa lưng vào thành xe. Cây bạch lạp cắm ở đầu quan tài đã bị gió thổi tắt, chỉ còn lại một cây ở đàng cuối, vẫn cháy chập chờn.
Chiếc quan tài được hạ xuống huyệt và lũ con rải những nắm đất đầu tiên xuống mồ người mẹ. Nắm đất khô, vàng cháy, có lẫn cát sạn, những hạt cát đen nâu chảy qua kẽ ngón tay chậm chạp, vô tình.
Vĩnh viễn mẹ không còn trên dương gian. Đống đất cứ cao lên dần, lở lói nghèo nàn và xấu xí.
Mọi người tản mát đi hết chỉ còn lại người cha và mấy đứa con. Người cha nói:
- Các con lạy mẹ một lần nữa rồi về.
Mọi người vâng lời làm lễ. Không ai nói với nhau một lời nào. Hữu ngồi bất động nơi một mô đất cao gần đó nhìn mọi người ra đi.
- Chia rẽ! Hữu lẩm bẩm, chia rẽ tất cả. Chia rẽ không cách gì cứu vãn nổi. Nhưng tại sao? Hữu biết rõ hơn ai hết tại sao. Tại vì… tại vì… một ngàn thứ tại vì, một ngàn thứ nguyên nhân, từ năm này dồn sang năm khác, từ đời nọ nối tiếp đời kia. Những nguyên nhân ấy chồng chất nhau, xoắn lấy nhau rối mù.
Hữu ngẩng lên. Tú, cô em gái của anh đang đi một mình trên gò cao đầy mộ bia. Chiếc quần xì-gà màu tím sẫm nổi bật trên màu áo tang trắng. Nó đang nghĩ gì? Mười sáu năm qua, một đứa bé mặt mũi tèm nhem đã trở thành như thế. Và thằng Cang, em út cũng chỉ biết chưng diện, chơi bời. Hữu nghĩ đến Nghi, đứa em trai kề mình bây giờ có lẽ đang trên đường trở về từ đơn vị của nó. Anh bỗng muốn gặp lại Nghi vô cùng. Đã quá lâu rồi anh không gặp mặt. Cuộc chiến tranh đã đem nó đi thật xa cũng như đã đem người anh cả của Hữu biền biệt mười mấy năm trời.
Tú trở lại bên Hữu, cô hỏi:
- Anh không về?
- Không.
- Chút nữa anh về ăn cơm với em?
- Không.
Tú cao giọng, hỏi:
- Tại sao anh lại giận tôi? Chính anh Ba và con vợ ảnh đã bỏ mẹ chết. Họ không nuôi mẹ nhưng họ vẫn không cho tôi nuôi. Rốt cuộc mẹ ở một mình và chết một mình.
Hữu chậm rãi nói:
- Tôi hiểu lắm rồi. Xin cô đừng nói gì thêm nữa.
*
Gần sáng Hữu thức dậy thì trăng sắp lặn nhưng vẫn còn lấp lánh trên lá cây ngoài cửa sổ. Anh thấy tỉnh táo và ngồi dậy nhìn ra ngoài trời, lắng nghe từng tiếng động nhỏ, kín đáo của đêm trăng. Đã lâu lắm anh mới lại có dịp sống một mình với đêm, với thiên nhiên huyền dịu và bóng trăng thơm mùi hoa lài…
Thời gian đi qua thật quá nhanh. Mười mấy năm mà như chỉ mới đây thôi. Một hôm nào đó mọi người bảo nhau là đã đình chiến. Người ta biết đình chiến qua những lời đồn đại và người ta tin lời đồn đại ấy qua sự vắng mặt của những chiếc máy bay mang cờ Pháp. Người ta thở ra, nhẹ nhõm và reo mừng.
Những ngày sau đó đã thấy những bác nông dân vác tre về dựng lại cái lều, lũ trẻ con, những cô gái đi lượm những hòn gạch bể, những tảng xi-măng bỏ vào một cái thúng lớn rồi xúm nhau khiêng lại cho người cha xếp lên làm tạm một bức tường chắn gió.
Dân làng lác đác trở về. Buổi chiều, trên cái sân gạch vuông được dọn sạch sẽ không còn chút nắng, lũ trẻ đã xúm nhau đẩy cái nong tre ra để giữa đó và người mẹ đặt chiếc nồi đất đầy cơm trộn ngô khoai và mấy cái chén, một dĩa cá rô kho, chén nước nắm ớt và dĩa rau luộc.
Người ta đã nghe vang lên tiếng cười của trẻ thơ. Buổi tối có tiếng đàn măng-đô-lin đánh thật nhanh theo giọng hát cố gắng giữa tiếng người nói cười, bàn tán.
Người ta vẫn tiếp tục bàn tán với nhau lúc trăng mọc. Bếp lửa được nhóm lên, nổ lách tách. Than hồng đỏ tươi ở một góc sân. Lác đác có tiếng giã gạo, tiếng cối xay kêu kít kít.
Làng xóm đã cựa dậy, đã sống lại.
Rồi người anh cả ở mặt trận trở về. Cuộc sum họp giản dị và cảm động bên bếp lửa, bên nồi khoai, những câu chuyện kể lể, lời giải thích hiệp định Giơ-neo, những hẹn ước và những giọt nước mắt ngày chia ly.
Hữu còn nhớ rõ cái màu xám bình dị thân yêu của chiếc áo trấn thủ mà người anh cả đã cởi ra để lại cho mẹ, nụ cười buồn của anh và những lời dặn dò gởi gắm lúc anh xuống tàu…
Hữu không hề có một tuổi thơ hoa mộng như bao nhiêu người khác, anh không hề có ý niệm gì về “tuổi ngọc”, “tuổi hồng” hay “tuổi thích ô mai” bởi vì tuổi thơ của anh bị tàn sát hàng ngày và phải phấn đấu không ngừng để sống. Nhưng Hữu đã không bao giờ tiếc rẻ quãng đời ấy. Trời ơi! Anh yêu quý cái quá khứ nghèo nàn và gian khổ ấy biết là dường nào! Có “tuổi ngọc” “tuổi hồng” hay “tuổi ô mai” nào bằng cái “tuổi-đất-đá-và-tro-than” ấy chăng?!
Câu hỏi ấy hiện ra lửng lơ.
Mặt trăng chưa lặn nhưng trời đã sáng. Những lá khoai trong vườn xanh thẫm màu, lay động nhẹ trong cơn gió sớm.