Trước Khi Vào Truyện

Đầu tháng mười năm 1978, tòa án nhân dân tối cao thành phố mở phiên tòa lưu động đặc biệt tại nhà hát Nghệ Đô, tỉnh Rạch Giá để xét xử mười ba người Việt Nam bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền. Những người đứng trước tòa thuộc lực lượng Liên tôn, đặc trách tổ chức và chỉ huy chiến đoàn quyết tử Kiên Giang.

Phiên tòa liên tục làm việc trong hai ngày, gay gắt lên án và mạnh mẽ buộc tội bằng một bản cáo trạng dài hai trăm bảy chục trang, chung thẩm phán quyết mười ba chiến sĩ sa cơ bằng một mức án tối đa: Ba tử hình, hai chung thân, sáu hai mươi năm, một mười bảy năm và một mười hai năm tù khổ sai.

Toàn bộ các bị cáo đều rất trẻ, người lớn nhất hai mươi sáu, người trẻ nhất chưa đến hai mươi. Những chiến sĩ quyết tử này không có lý do cá nhân nào để hận thù; họ cũng không có địa vị hay quyền lợi gì bị tước đoạt để riêng tư căm phẫn. Bầy phượng hoàng ngạo nghễ và lãng mạng này chỉ hành động từ sự thôi thúc của những trái tim nồng nàn tình yêu và đầy ắp trách nhiệm đối với tổ quốc và đồng bào mình. Họ tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh của chân lý nhưng cũng không ảo tưởng tin vào những thắng lợi ít cần đến hy sinh. Họ biết trước cái giá có thể trả và bình thản ngẩng cao đầu khi nghe tuyên án.

Trong số những người bị xét xử có một thiếu nữ hai mươi hai tuổi, sinh viên văn khoa, trưởng hướng đạo, biết viết nhạc, làm thơ, Tiểu đoàn phó tuyên vận kiêm đại diện chính thức của tổ chức địa phương trước bộ chỉ huy tối cao trung ương. Tên cô ta là Thái Ngọc.