Hồi 1

Người Đến Từ Quan Ngoại

Dương Châu trấn thật nhộn nhịp trong những ngày chuẩn bị đón tết nguyên đán. Không khí ở đây thật là tấp nập, mọi người xem ra có vẻ tất bật hấp tấp để đón những ngày đầu xuân, nhưng có lẽ hơn hẳn mọi cư dân trong Tương Châu trấn là khu trang viên của Thiên trang chủ Duy Thiếu Văn.

Tấm bảng “Phi Yến Thiên Trang” đã được đổi lại tấm bảng mới hơn, được sơn son thếp vàng trông thật rực rỡ. Trong trang viện, những dãy đèn lồng được treo thành hàng dọc từ cổng vào đến gian đại điện có đôi kỳ lân bằng đá hoa cương trông vô cùng sống động. Đôi kỳ lân này đã có mặt ở đây ngay từ buổi đầu có tòa “Phi Yến Thiên Trang” này. Chúng là món quà tặng độc nhất vô nhị chủa quần hùng Bạch đạo kính cẩn dâng lên vị đại hiệp Duy Thiếu Tôn trong ngày qui ẩn giang hồ. Kể từ đó đôi kỳ lân đã trở thành chứng nhân cho cuộc đời và sự nghiệp của Duy Thiếu Tôn. Trong võ lâm, ai cũng biết đến vị Trang chủ “Phi Yến Thiên Trang” và mãi chẳng bao giờ quên nên tôn vinh “Phi Yến Thiên Trang” là “Thiên hạ đệ nhất trang”. Mặc dù Duy Thiếu Tôn không còn nữa, nhưng thiên hạ đệ nhất trang vẫn tồn tại trong giới võ lâm giang hồ. Nó trở thành niềm tự hào của võ lâm Bạch đạo mà đứng đầu là Thiếu Lâm Tự, Võ Đang phái.

Theo lệ hàng năm, cứ đến ngày Trung Nguyên, mọi bang phái thuộc giới Bạch đạo đều hướng đến tòa Trang viên “Phi Yến Thiên Trang” để tế phần vong hương của Duy Thiếu Tôn, không chỉ có võ lâm Bạch đạo mà ngay cả những nhân vật Hắc đạo cũng thường đến mỗi khi đến ngày giỗ, hay những ngày tết lớn, chính những lý do đó mà “Phi Yến Thiên Trang” thật nhộn nhịp trong những ngày này.

Tất cả mọi người trong võ lâm bất kể Bạch đạo hay Hắc đạo đều đă hội về tòa chính sảnh, nơi đặt bài vị dại hiệp Duy Thiếu Tôn. Cuộc tế lễ vong hương vị đại hiệp được cử hành thật long trọng. Khi tiếng trống nổi lên, cũng là lúc một lữ khách cỡi con la gầy còm hối hả đi qua cửa Tây hướng về tòa trang viên nổi tiếng nhất trong Dương Châu trấn.

Con la gầy còm tội nghiệp như thể đã phi vượt qua một chặng đường dài mới đến được Dương Châu trấn. Nên đến đây thì những bước chân của nó thật uể oải, thậm chí đi không vững, những tưởng té quỵ bất cứ lúc nào.

Nhưng cuối cùng rồi con la gầy còm, mệt mỏi cũng đưa được gã lữ hành có bộ mặt bệnh hoạn xanh nhợt nhưng ẩn tàng những nét khôi ngô, anh tuấn và phong tình đến được cửa tam quan của tòa “Phi Yến Thiên Trang”.

Y đứng một lúc trước ngôi tam quan với nét mặt lưỡng lự. Chẳng biết y đến đây làm gì trong ngày đại hỷ của “Phi Yến Thiên Trang”. Nhất định không phải y đến để tìm chút rượu thừa, cơm cặn, bởi lẽ bề ngoài của gã mặc dù có nét tiều tụy nhưng đích thị không giống với những tên Cái bang.

Tiếng pháo nổ dòn dã từ phía cửa đại sảnh dội đến, nhưng ngay cả những tiếng pháo kia cũng không khiến được gã thư sinh bệnh hoạn vội vã hay có biểu hiện gì khác, có lẽ y là một người dửng dưng, dửng dưng đến độ lạnh lùng và xa cách.

Một gã gia nhân bước ra tiến đến trước mặt gã.

– Công tử có thiệp mời không?

Y lắc đầu:

– Không.

– Nếu không có thiệp mời thỉnh tôn giá đi nơi khác.

Y nhìn gã gia nhân từ tốn nói:

– Tại hạ không có thiệp mời, nhưng nếu Thiên trang chủ Duy Thiếu Văn không gặp được tại hạ thì sau ba ngày người sẽ chết.

Gã gia nhân trợn mắt nhìn thư sinh bịnh hoạn.

Thư sinh bịnh hoạn từ tốn nói tiếp:

– Túc hạ hãy tin vào lời của tại hạ.

– Làm sao tin được?

– Cứ để tại hạ vào túc hạ sẽ biết.

– Không có thiệp mời, ta không thể cho túc hạ vào được. Trong kia đều là những nhân vật đức cao vọng trọng, những người vô danh tiểu tốt không có thiệp mời của thếu gia thì không được vào. Dù kẻ đó là ai.

Thư sinh buông tiếng thở dài:

– Dù tại hạ không có thiệp mời mừng ngày đại hỷ của Duy thiếu gia nhưng thiếu gia sẽ phải tiếp tại hạ.

Gã gia nô lưỡng lự một lúc rồi nói:

– Túc hạ chờ ở đây, để tôi vào báo cho thiếu gia biết. Nếu người đồng ý ...

– Túc hạ vào báo Duy thiếu gia có Quan Thiên Vũ từ quan ngoại đến.

– Tôi sẽ vào báo với thiếu gia.

Gã gia nô bỏ đi vào trong. Quan Thiên Vũ chấp tay sau lưng ngẩng mặt ngắm nhìn tấm bảng sơn son thếp vàng “Phi Yến Thiên Trang”, chàng mỉm cười nhẩm nói:

– Duy Thiếu Văn thấy bút tự của mình. Không biết y còn muốn tiếp mình không đây?

Thiên Vũ quay lại nhìn con la đang gặm những lọn cỏ. Nó có vẻ thật thong thả, tận hưởng những khoảnh khắc thư thái sau một chặng đường quá dài đến đuối sức.

Từ trong “Phi Yến Thiên Trang”, Duy Thiếu Văn, dáng người tầm thước, nét mặt khôi ngô, hối hả bước ra, theo sau Thiếu Văn là hai gã gia nhân vận sắc phục nghi lễ.

Thiếu Văn dừng bước cách Thiên Vũ ba bộ. Hai người nhìn nhau gần như không chớp mắt. Mãi một lú lâu, Thiếu Văn mới thốt được:

– Đại ca ...

– Tưởng đâu Duy đệ không còn nhận ra kẻ lãng tử này nữa chứ.

– Làm sao đệ không nhận ra đại ca được.

Duy Thiếu Văn vừa nói vừa bước đến. Hai người ôm chầm lấy nhau.

– Đại ca.

– Duy đệ.

Hai gã gia nô cứ sững người ra nhìn hai người.

Thiên Vũ nắn vai Thiếu Văn.

– Lời hẹn của huynh hôm nào rời Phi Yến Thiên Trang không sai chứ?

– Đệ những tưởng đâu mãi mãi huynh chẳng bao giờ quay lại Phi Yến Thiên Trang sau khi ra quan ngoại tìm đến “Tử cốc đoạn hồn”.

Thiên Vũ vỗ vai Thiếu Văn:

– Nhất định huynh phải quay lại, nếu không quay lại hóa ra lạ kẻ bội tín với đệ sao.

Thiếu Văn nhìn Thiên Vũ từ đầu đến chân.

– Huynh thay đổi nhiều quá.

– Nhưng Duy đệ vẫn nhận ra Thiên Vũ.

Thiếu Văn bật cười sang sảng, rồi nói:

– Dù bất cứ thay đổi nào, Thiếu Văn vẫn nhận ra huynh.

Hai người sóng bước tiến vào trang viên, hướng thẳng đến đại sảnh đường, Thiếu Văn vừa đi vừa nói:

– Lúc nào Dao Bội Tuyền cũng nhắc đến đại ca.

Thiên Vũ nhìn sang Thiếu Văn.

– Có Duy đệ ở bên cạnh rồi, Bội Tuyền còn nhắc đến huynh ư?

Thiếu Văn nhỏ giọng ôn nhu nói:

– Đệ nòi thật đó. Hình như Bội Tuyền không bao giờ quên được Quan đại ca.

– Đệ tưởng tượng quá thôi đấy.

– Nếu Bội Tuyền có nhắc đến huynh thì chẳng qua cũng nghĩ đó là tình huynh muội.

Thiếu Văn mỉm cười:

– Có lẽ vậy.

Thiên Vũ nghĩ thầm:

– “Chẳng lẽ Bội Tuyền vẫn không quên được mình sao. Không ... Nàng phải quên, mình đến Phi Yến Thiên Trang lần này và chẳng bao giờ quay lại lần thứ hai. Thiếu Văn rất xứng đôi vừa lứa với Bội Tuyền, mình không có quyền xen vào để Thiếu Văn và Bội Tuyền phải đau khổ”.

Thiếu Văn và Thiên Vũ vừa bước vào đại sảnh, quần hào Bạch đạo đều dồn mắt nhìn hai người. Ánh mắt của họ ánh lên cái nhìn e dè chẳng biết bởi Thiếu Văn hay Thiên Vũ. Nhưng chắc chắn sự xuất hiện của Thiên Vũ đã khiến cho không khí đang rộn ràng trong gian đại đường bất giác trang trọng hẳn lên.

Thiếu Văn ôn nhu nhưng lớn tiếng nói:

– Các vị trưởng bối ... Phi Yến Thiên Trang hôm nay xin được mạn pháp giới thiệu với các vị Tà Thần, người mà trước đây đã cùng với gia phụ giao thủ một trận kinh thiên động địa trên đỉnh Kim Sơn, để rồi sau đó đã trợ lực cùng với gia phụ khắc chế “Bạch Cốt Giáo Chủ”.

Thiên Vũ ôm quyền hướng về các vị trưởng bối từ tốn nói:

– Tại hạ rất ngưỡng mộ Duy đại hiệp, còn công thì không dám nhận. Đại công của thiên hạ đệ nhất Duy đại hiệp khắc chế Bạch Cốt giáo chủ, võ lâm ai cũng biết. Còn Thiên Vũ chẳng qua chỉ là kẻ hầu hạ cho Duy đại hiệp mà thôi.

Thiếu Lâm phương trượng đại sư chấp tay niệm phật hiệu:

– A Di Đà Phật ... Thiện tai ... Thiện tai ...

Lão tăng Thiếu Lâm bước đến trước mặt Thiên Vũ.

– Bần tăng nghe nói Quan công tử đã ra quan ngoại quy ẩn giang hồ.

Thiên Vũ gật đầu:

– Tại hạ đã ra quan ngoại quy ẩn giang hồ nhưng hôm nay quay lại Phi Yến Thiên Trang vì có lời hứa với Duy Thiếu Văn thiếu gia.

– A Di Đà Phật ... Thiện tai ... Thiện tai ... Sự có mặt của Tà Thần ở đây khiến quần hào Bạch đạo vô cùng phấn khích. Từ trước đến nay chưa bao giờ Hắc Bạch hai đạo lại có mối tương hòa như hôm nay. Hẳn đây là thời khắc yên bình cho bá tính võ lâm.

Thiên Vũ ôm quyền xá:

– Đa tạ đại sư có lời khích lệ tại hạ. Nhưng tại hạ đến rồi sẽ đi ngay không dám làm phiền đến các vị anh hùng võ lâm Bạch đạo.

Thiếu Văn nhướng mày:

– Hê ... Sao lại thế ... Huynh từ quan ngoại đến rồi lại đi ngay à? Đuy Thiếu Văn đâu cho huynh đi dễ như vậy. Sau khi tế vong hương cho gia phụ, thì đệ sẽ tiến hành đại lễ song hỷ của mình. Nếu huynh bỏ đi thì Thiếu Văn hóa ra người như thế nào.

Thiếu Văn mỉm cười tiếp:

– Dù thế nào thì huynh cũng phải lưu lại Phi Yến Thiên Trang để dự đại lễ song hỷ của đệ với Dao Bội Tuyền. Có như thế gia phụ mới tận hưởng được trọn niềm vui dưới suối vàng.

Thiên Vũ lưỡng lự rồi khẽ gật đầu.

– Thôi được ... Sau đại lễ song hỷ của Duy đệ, Thiên Vũ sẽ lên đường.

– Huynh định đi đâu?

– Giang hồ mênh mông, nếu huynh không quay lại quan ngoại thì cũng du lãm ngắm danh lam cẩm tú của Trung thổ.

– Hunh đúng là một lãng tử phong trần.

Mọi người quay trở lại chỗ của mình.

Thiên Vũ chọn cho mình một chỗ tận trong góc đại sảnh để tránh những ánh mắt e dè của các vị anh hùng Bạch đạo. Dù muốn hay không, dưới con mắt mọi người, Tà Thần cũng là một sát tinh Hắc đạo mà tất cả mọi cao thủ đều e dè khiếp sợ mỗi khi phải đối mặt.

Ba hồi phèn được gióng lên.

Thiếu Văn xuất hiện cùng với Dao Bội Tuyền. Hai người vận y trang hiếu tử, chậm rãi bước về phía bàn hương án, nơi đặt bài vị của Duy Thiếu Tôn, vị đại hiệp đã được anh hùng sùng bái kể từ sau khi khắc chế được Bạch Cốt giáo chủ.

Lúc bước vào đại sảnh đường, đôi thu nhãn to lóng lánh như hai viên huyền ngọc của Dao Bội Tuyền thoạt liếc về phía Quan Thiên Vũ.

Cái liếc mắt của nàng vô tình trúng chạm vào mắt Thiên Vũ. Hồi ức về một khoảng thời gian mà hai người đã có với nhau khiến trái tim Thiên Vũ đập thình thịch cùng với một cái nhói buốt. Chàng vội cúi mặt nhìn xuống mũi giày để tránh ánh mắt của nàng.

Thiên Vũ nghĩ thầm:

– “Thế là mãi mãi ta và nàng có một khoảng cách chẳng bao giờ được gần lại nhau. Bội Tuyền ... Lần cuối huynh chúc muội, mãi mãi được hưởng những niềm hạnh phúc nhất trên cõi đời này”.

Nghĩ như thế, nhưng Thiên Vũ lại buông một tiếng thở dài. Trong tận cùng sâu thẳm, Thiên Vũ cảm nhận một nỗi buồn nặng trĩu mà mãi mãi chẳng thể nào quên được.

Bội Tuyền và Thiếu Văn tiến đến trước bàn hương án, cùng nhau khấn nguyện rồi hành đại lễ trước bài vị của Duy Thiếu Tôn. Ai nấy cũng đều xúc cảm bởi hành động hiếu nghĩa của Thiếu Văn và Bội Tuyền tạo nên bầu không khí vô cùng trang trọng.

Sau khi hành đại lễ xong, hai người đứng qua hai bên bàn hương án để dành khoảng trống phía trước cho những bậc trưởng tôn các môn phái bang hội.

Phương trượng Thiếu Lâm Giác Huệ đại sư là người đầu tiên bước đến bàn hương án bái tế Duy Thiếu Tôn.

Đại sư nói:

– A Di Đà Phật ... Lúc sinh thời Duy đại hiệp là bậc chính nhân quân tử, đầu đội trời chân đạp đất, mặc dù đã viên tịch nhưng mãi mãi để lại cho hậu nhân một tấm gương anh hùng. Bần tăng xin nghiêng mình cúng tế Duy đại hiệp. Mong ba nén hương này sớm đưa Duy đại hiệp đến cõi vô luân niết bàn.

Sau Phương trượng Thiếu Lâm là Xung Hư đạo trưởng. Lão đạo sĩ Võ Đang trông thật thành kính trước bệ thờ của Duy Thiếu Tôn. Lão đạo sĩ Võ Đang khấn xong bước đến trước mặt Duy Thiếu Văn.

– Duy thiếu hiệp ... Phi Yến Thiên Trang trong thời Duy đại hiệp đã là thiên hạ đệ nhất trang, đâu đâu trong võ lâm cũng đều ngưỡng mộ đức tài của Duy đại hiệp. Bần đạo mong rằng hổ phụ sinh hổ tử, Duy thiếu hiệp sẽ tiếp nối con đường chính nghĩa của Duy đại hiệp. Nếu có cần đến Võ Đang, bần đạo sẽ hết mình ủng hộ.

Thiếu Văn ôm quyền xá.

– Vãn bối sẽ hết lòng vì sự quang minh chính đại của Phi Yến Thiên Trang.

Và mãi mãi không bao giờ quên lời của đạo trưởng.

Xung Hư đạo trưởng vuốt râu nhìn Thiếu Văn:

– Bần đạo tin ở Duy thiếu hiệp.

Lão đạo trưởng nói xong lui về chỗ cũ. Lần lượt tiếp nối theo Xung Hư đạo trưởng tới Bang chủ Cái Bang Dương Chủ, Chưởng môn Côn Luân, phái Trương Gia Kỳ, Chưởng môn Hằng Sơn Bắc Kiếm phái Diệu Tuệ, Chưởng môn Tung Sơn Chu Diệp, Chưởng môn Thanh Thành phái Lư Nhất Hạp, Chưởng môn Hành Sơn Nam Kiếm Dĩ Kinh.

Các nhân vật thành danh trên võ lâm thuộc Bạch đạo có Thần Chung Huyền Đế Du Thái Hòa, Phán quan Thiết bút Tạ Lĩnh, Truy mệnh Thương độc hành hiệp Cao Thành Dục ... cùng vô số những đại cao thủ khác nữa.

Buổi tế vong hương của Duy Thiếu Tôn mãi đến trưa, và người cuối cùng là Quan Thiên Vũ. Sửa lại y trang vốn đã bạc màu bởi đoạn đường dài từ quan ngoại đến Dương Châu, Thiên Vũ chậm rãi từ từ tiến đến trước bàn hương án của vị Thiên hạ đệ nhất trang Duy Thiếu Tôn.

Chàng đứng thật lâu nhìn bài vị của Duy đại hiệp cứ như hồi tưởng lại những gì chàng và người đã cùng trải qua trong một thời gian cùng ở bên nhau.

Thiên Vũ cắm ba nén nhang trang trọng ghim lên bàn hương án. Chờ cho nhang tàn được một phần ba, Thiên Vũ mới bước đến trước mặt Thiếu Văn.

– Duy đệ ... Huynh kỳ vọng vào sự thông minh và bản lĩnh của đệ, mãi mãi Phi Yến Thiên Trang tồn tại trong võ lâm dưới vầng quang minh của lão nhân gia.

– Đa tạ đại ca ... Thiếu Văn sẽ không phụ lòng đại ca mong mỏi.

Thiên Vũ mỉm cười khẽ gật đầu.

Chàng bước qua Dao Bội Tuyền. Hai người đối mặt nhìn nhau.

Thiên Vũ bất giác cảm nhận tim mình đập như trống trận và cũng nghe cả tiếng tim của Bội Tuyền.

Thiên Vũ nhỏ giọng nói:

– Muội muội ... Hy vọng rằng muội sẽ bảo hộ cho Thiếu Văn.

Bội Tuyền khẽ gật đầu:

– Muội ghe nhớ lời của huynh.

Thiên Vũ mỉm cười.

Bội Tuyền nhỏ giọng nói:

– Huynh bảo trọng nhé.

– Huynh tự lo cho mình được.

Thiên Vũ nói xong quay về chỗ cũ.

Thiếu Văn trịnh trọng nói:

– Các vị trưởng tôn, chư vị đại hiệp, các vị không quản ngại đường xa khó nhọc, từ khắp mọi nơi quay về Phi Yến Thiên Trang để dự ngày tế vong hương phụ thân, Phi Yến Thiên Trang đã chuẩn bị đại yến khoản đãi chư vị anh hùng.

Mong chư vị anh hùng và các bậc trưởng tôn cùng với vãn bối chung với nhau chén rượu nhạt, gọi là sự cảm ơn của Phi Yến Thiên Trang đối với các vị.

* * * Buổi đại yến thật rôm rả. Quần hào cùng chén thù chén tạc. Họ kháo với nhau về công đức của vị Thiên hạ đệ nhất trang Duy Thiếu Tôn. Ai nấy cũng đều phấn khích khi đã có men rượu trong người. Những lời hay ý đẹp nhất đều được quần hùng dâng tặng cho vị đại hiệp họ Duy. Trong lúc đó, Duy Thiếu Văn đi hết bàn này đến bàn khác để nhận lời chúc mừng đó. Tất nhiên sự có mặt của Thiếu Văn đến bàn nào thì bàn nấy càng trở nên sôi động hẳn.

Trong bữa đại tiệc chỉ có một người duy nhất, ngồi biệt lập trong góc đó là Quan Thiên Vũ. Bầu rượu ba cân đã trống rỗng, thế nhưng xem chừng vẫn chưa muốn thôi.

Thiếu Văn bước đến bàn Thiên Vũ:

– Quan huynh ... Đệ thấy huynh ngồi một mình không được vui.

Thiên Vũ ngẩng mặt nhìn lên:

– Đệ đừng lo cho huynh. Hãy lo cho những vị bằng hữu Bạch đạo của Duy đại thúc. Huynh ngồi một mình cũng được.

– Huynh ngồi uống một mình không cảm thấy buồn à?

Thiên Vũ lắc đầu:

– Không đâu.

– Đệ chỉ lo cho huynh mà thôi.

– Huynh đã uống một mình tại Quỷ Cốc Đoạn Hồn quen rồi. Có thêm người thứ hai đôi khi huynh lại chẳng cao hứng. Với lại ở đây đều là những anh hùng Bạch đạo danh chấn trên giang hồ, còn huynh lại là Tà Thần, một nhân vật Hắc đạo.

– Họ phân chia Bạch đạo hay Hắc đạo nhưng còn đệ thì không. Bạch đạo hay Hắc đạo cũng đều là những anh hùng của võ lâm Trung thổ. Cũng đều là những kẻ trọng nghĩa khí võ lâm.

– Đệ có lối suy nghĩ giống như Duy thúc thúc xưa kia. Chính cách suy nghĩ đó mà huynh và thúc thúc trở thành tri âm tri kỷ, mặc dù người Bạch đạo, kẻ Hắc đạo. Người già kẻ trẻ.

– Như thế mới hay chứ.

Thiên Vũ mỉm cười.

Thiếu Văn hỏi:

– Quan đại ca đã gặp Dao Bội Tuyền chưa?

Thiên Vũ lắc đầu.

– Không cần thiết đâu.

Chàng đứng lên đặt tay trên vai Thiếu Văn:

– Huynh thấy đệ và Bội Tuyện rất xứng đôi. Hai người quả là một đôi hiền khang lệ duy nhất trên đời này.

– Đa tạ huynh quá khen.

Thiếu Văn ôm quyền.

– Huynh tự nhiên, đệ phải hầu tiếp những vị trưởng tôn. Ngày mai là đại lễ song hỷ của đệ và Bội Tuyền.

– Huynh đã chuẩn bị một món quà cho đệ. Mong rằng Duy đệ sẽ không từ chối.

– Nhất định đệ sẽ không từ chối món quà của Quan huynh.

Thiếu Văn rời bàn Thiên Vũ đến bàn các vị chưởng môn các đại phái như Hoa Sơn, Thiếu Lâm, Võ Đang, Hằng Sơn, Côn Luân, Tung Sơn và cả Bang chủ Cái Bang.

Thiếu Văn vừa bước đến thì mọi người cùng bưng chén lên mời. Bang chủ Cái Bang Dương Chủ là người cao hứng nhất. Lão Bang chủ bưng chén cao giọng nói:

– Dương lão phu kính Duy thiếu gia. Nếu sau này Duy thiếu gia có chuyện gì cần đến Cái Bang xin cứ nói. Dương mỗ này sẽ cho huynh đệ Cái Bang đến giúp thiếu gia.

– Vãn bối không dám làm phiền đến Dương bang chủ.

– Hê ... Nói vậy Dương lão phu đây hổ thẹn quá. Nếu Cái Bang không được Duy đại hiệp ra tay giúp đỡ, hẳn bây giờ tan tác như chim rã đàn, trâu tan nghé bởi độc thủ của Bạch Cốt giáo chủ.

Dương bang chủ chìa chén rượu tới trước mặt Thiếu Văn.

– Chén rượu này lão phu mượn tạm của Phi Yến Thiên Trang kính Thiên trang chủ gọi là lòng của Cái Bang đối với Duy đại hiệp.

– Vãn bối xin nhận chén rượu của Bang chủ.

Hai người cùng uống rượu.

Dương Chủ đặt chén rượu xuống bàn, trang trọng nói:

– Đã mang ơn thì phải trả ... Sau này thiếu hiệp có cần gì tới Cái Bang, chỉ nói một tiếng thôi, huynh đệ Cái Bang sẽ không tiếc thân với Phi Yến Thiên Trang.

– Đa tạ Bang chủ.

Từ ngoài cửa đại điện một đại hán có dáng người tầm thước, mắt sáng ngời bước vào. Đang vui vẻ, mọi người quay mặt nhìn người đó.

Thiếu Văn reo lên vừa ôm quyền xá.

– Thiên Bôi Tuý đại hiệp ...

Thiên Bôi Tuý đại hiệp bước đến trước mặt Thiếu Văn.

– Tưởng đâu Duy thiếu gia quên Lỗ Tung này rồi chứ.

– Thiếu Văn sao quên được Thiên Bôi Túy Lỗ đại ca.

– Nếu thiếu gia có quên thì Lỗ mỗ cũng tìm đến ngay. Làm sao Lỗ mỗ quên được cái ngày này. Huống chi Lỗ mỗ nghe nói còn có thiên hạ đệ nhất độc nhân Tà Thần đến đây nữa.

Thiếu Văn nhìn Lỗ Tung cười mỉm.

– Quan đại ca đến ngay từ sáng sớm ... Người ngồi biệt lập trong góc đại sảnh đàng kia.

– Lỗ mỗ phải đến gặp y.

– Nhưng Lỗ đại ca cũng phải uống với Thiếu Văn một chén rượu chứ.

– Được ...

Thiếu Văn vỗ tay hai cái. Ngay lập tức một ả a hoàn bưng đến bầu rượu đặt trên mâm bạc. Thiếu Văn bưng bầu rượu chuốc ra chén của Lỗ Tung.

Y khoát tay.

– Không cần. Duy thiếu gia đừng quên Lỗ mỗ là Thiên Bôi Túy kia mà.

Thiếu Văn mỉm cười nói:

– Các chư huynh đệ lục lâm trên giang hồ có đến cùng Lỗ huynh không?

– Ngày mai họ sẽ đến dự đại lễ song hỷ của Duy thiếu gia.

Lỗ Tung nói xong, dốc chỏng bầu rượu tu ừng ực. Chỉ trong một hơi y đã uống cạn bầu rượu rồi đặt xuống chiếc mâm bạc. Y nói:

– Rượu của Phi Yến Thiên Trang đúng là hảo tửu độc nhất vô nhị trên chốn giang hồ.

– Đa tạ Lỗ huynh đã cho lời khen.

Lỗ Tung cao hứng nói:

– Một chút nữa, Lỗ Tung ta sẽ đến uống với Duy thiếu gia.

Thiếu Văn gật đầu.

Ả a hoàn bưng mâm bạc có bầu rượu lui gót, trong khi Lỗ Tung bước thẳng đến bàn Quan Thiên Vũ.

Y không đợi mời mà thản nhiên ngồi xuống đối mặt với Thiên Vũ rồi trịnh trọng nói:

– Tôn giá hẳn có nghe nói đến tên của tại hạ?

Thiên Vũ nhìn Lỗ Tung:

– Lỗ huynh là Tổng trại chủ lục lâm trên chốn võ lâm thì ai mà không biết.

Thiên Vũ vô cùng khâm phục uy danh của Lỗ huynh.

– Tôn giá quá khen, nhưng lục lâm thì sao sánh bằng Tà Thần Quan Thiên Vũ. Kính cái danh của túc hạ, Lỗ mỗ kính túc hạ một chén được chứ?

Thiên Vũ gật đầu.

– Tổng trại chủ đã mời, Thiên Vũ đâu dám từ chối.

Lỗ Tung rút bầu rượu đeo bên hông, chuốc ra chén của Thiên Vũ. Màu rượu xanh nhạt, tỏa mùi thơm dìu dịu. Nhìn chén rượu Thiên Vũ nói:

– Rượu của Tổng trại chủ có màu xanh lạ lùng quá. Hẳn đây là một loại rượu cực kỳ quí trong thiên hạ.

Lỗ Tung bật cười nói:

– Rượu Lỗ mỗ mời túc hạ chỉ đúng có một chén thôi. Không có chén thứ hai đâu.

Y vừa nói vừa trút ngược bầu rượu. Quả nhiên chẳng còn giọt rượu nào trong bầu cả.

Lỗ Tung nói tiếp:

– Khi túc hạ dùng chén rượu này sẽ biết giá trị của nó như thế nào.

– Một cái chết chăng?

– Lỗ mỗ nghĩ túc hạ sẽ không chết. Chẳng lẽ một Tà Thần, người dụng độc công như thần cả võ lâm đều phải nể mặt lại chết bởi chén rượu pha bằng mật của con cóc tía sao? Nếu túc hạ uống chén rượu độc này mà chết thì những lời đồn đãi của thiên hạ đều ngoa ngôn.

Thiên Vũ mỉm cười nói:

– Tổng trại chủ thừa biết mật của con cóc tía có thể khiến cho người uống nó phải chết chẳng có thuốc nào chữa được. Sao lại muốn tại hạ uống?

– Bởi túc hạ là Tà Thần. Đã là độc chủ thì sao còn sợ độc.

Thiên Vũ nhìn chén rượu nói:

– Tại hạ không phải sợ độc, mà chỉ tiếc cho chén rượu quí này.

– Tiếc là sao?

– Tổng trại chủ tìm được một con cóc tía chẳng khác nào gặp được kỳ duyên nhưng lại không biết dùng. Mà lại phí hoài đưa cho tại hạ. Tổng trại chủ không biết tiếc thật sao?

Lỗ Tung nhướn mày.

– Độc cóc tía chẳng lẽ lại là dược thảo quí hiếm?

– Nếu biết dùng nó.

Lỗ Tung cười khảy.

– Lỗ mỗ nghĩ khác. Chẳng qua túc hạ sợ độc của con cóc tía nên nói như vậy. Nếu túc hạ sợ thì Lỗ mỗ xin lấy lại, xem như chén rượu mình mời độc chủ quá vô duyên nên độc chủ không nhận.

Y cười khẽ với vẻ dè bỉu.

Tất nhiên trong khi đối đáp, Lỗ Tung cốt nói lớn để cho mọi người có mặt trong gian đại sảnh cùng nghe những lời gã đã thốt ra.

Tất cả ánh mắt đều dồn về bàn Thiên Vũ.

Thiếu Văn nhìn Thiên Vũ gần như không nháy mắt. Ánh mắt của y vừa sáng vừa phảng phất vẻ khích lệ Quan Thiên Vũ.

Thiên Vũ nói:

– Tại hạ không uống chén rượu này thì sẽ bất kính đối với thịnh tình của Tổng trại chủ.

– Lỗ mỗ không tiếc lá gan cóc tía có một không hai đó đâu.

Thiên Vũ mỉm cười:

– Tổng trại chủ đã không tiếc thì tại hạ mạn phép được uống vậy.

Thiên Vũ bưng chén rượu áp vào môi mình. Quần hào căng mắt nhìn Thiên Vũ. Họ chờ đợi một kết cục sẽ đến ngay lập tữc. Kết cục đó chính là cái chết của Tà Thần Quan Thiên Vũ.

Đặt chén rượu độc xuống bàn, Quan Thiên Vũ nhìn Tổng trại chủ Lỗ Tung.

Lỗ Tung quan sát Thiên Vũ, nghiêm giọng nói:

– Tôn giá thấy trong nội thể thế nào?

– Vùng đan điền của tại hạ như có một ngọn hỏa diệm sơn đang bùng cháy dữ dội.

– Đúng rồi. Đó chính là chất độc của gan con cóc lửa đó. Chỉ một lúc sau đan điền lẫn ngũ tạng của tôn giá sẽ bị đốt cháy thành tro, rồi tôn giá biết chuyện gì sẽ đến không?

– Tại hạ sẽ chết.

Thiếu Văn bước lại bên bàn Thiên Vũ.

– Quan huynh ... Huynh đã biết đó là chén rượu độc cực mạnh sao còn uống để làm gì? Ngày mai là ngày đại hỷ của đệ, đệ đâu muốn huynh phải chết.

Thiên Vũ nhìn Thiếu Văn.

– Dù biết đó là chén rượu cực độc nhưng huynh vẫn phải uống. Bởi huynh không uống thì Lỗ trại chủ cho rằng huynh bất kính với y. Với lại đó là chén rượu mời mà trại chủ Lỗ Tung đã bỏ công đi tìm rất khó.

– Nhưng huynh sẽ chết.

– Duy đệ nghĩ huynh có chết không?

– Chưa một ai thoát chết một khi ngửi phải hơi độc của cóc lửa chứ đừng nói là lá gan của con cóc đó.

Thiên Vũ đứng lên, nhìn Thiếu Văn nói:

– Nếu huynh chết thì không dự được ngày đại hỷ của đệ. Nếu huynh chết thì hóa ra cái danh Tà Thần chỉ là hư danh thôi sao.

Thiên Vũ mỉm cười.

– Huynh sẽ không chết.

Thiên Vũ vừa nói vừa xòe hữu thủ đến trước mặt Thiếu Văn. Từ trung tâm bản thủ, độc khí tỏa ra xanh rờn rồi từ từ tụ lại, cuối cùng là một hòn độc dược màu xanh biếc nằm gọn trong giữa lòng bàn tay Thiên Vũ.

Thiên Vũ nhìn lại Lỗ Tung.

– Xem như hoàn dược độc này Lỗ trại chủ đã tặng cho tại hạ ... Tại hạ được quyền giữ nó chứ?

Lỗ Tung cứ tròn mắt nhìn Thiên Vũ rồi lại nhìn hoàn độc dược cực mạnh trên lòng bàn tay phải của chàng. Y không thể nào tin được trên đời này lại có người trục được độc dược ra ngoài giống như Thiên Vũ. Hình như Quan Thiên Vũ trục độc mà chẳng tốn chút công lực nào. Bí thuật mà chàng vừa thi triển để trục độc thì quả chưa một ai trong võ lâm làm được.

Giác Huệ đại sư chứng kiến mọi sự chấp tay niệm phật hiệu:

– A Di Đà Phật ... Thiện tai ... Thiện tai ...

Thiên Vũ chuốc một chung rượu từ bầu ra chén, rồi bưng chén lên mời Lỗ Tung.

– Đến lượt tại hạ mời Lỗ trại chủ. Tại hạ đã uống rượu độc của người vì sợ bất kính với trại chủ. Còn đây chỉ là hảo tửu của Phi Yến Thiên Trang, mong trại chủ đừng từ chối.

Mời người rượu độc cực mạnh, giờ được người mời lại bằng chính hảo tửu của Phi Yến Thiên Trang nhưng Lỗ Tung vẫn toát mồ hôi trán. Bởi Lỗ Tung thừa biết, bất cứ thứ gì một khi đã qua tay Tà Thần thì đều có thể trở thành độc công lấy mạng người trong chớp mắt. Điều đó thì gần như khắp giang hồ đều biết đến, chính vì thế mà võ lâm cao nhân phải e dè Tà Thần.

Lỗ Tung nhìn chén rượu chằm chằm mà tuyệt nhiên chẳng dám đón lễ.

Thiên Vũ mỉm cười nói:

– Lỗ trại chủ yên tâm, chẳng có độc công hại trại chủ đâu. Tại hạ đã từ bỏ độc công quy ẩn về quan ngoại, không muốn chen vào chuyện thị phi nữa.

Lỗ Tung gắt giọng nói:

– Không một ai tin được lời nói của một độc vương Hắc đạo.

– Vậy tôn giá không nhận chén rượu của tại hạ?

Mặt Lỗ Tung đỏ ngất vì thẹn. Hắn vô cùng bẽ bàng bởi tình thế mình tự buộc mình.

Quan Thiên Vũ nhếch môi nói:

– Tổng trại chủ đã không nhận chén rượu mời chủ tại hạ thì xin đừng ngồi chung với tại hạ. Tại hạ với trại chủ là hai người xa lạ thì chẳng cần thiết phải đối ẩm.

Lỗ Tung nghe câu nói này càng sượng sung hơn. Y gắt giọng nói:

– Bổn trại chủ đã mời tôn giá chén rượu độc, giờ tôn gia mời lại chẳng lẽ bổn trại chủ không dám nhận sao.

Y hừ nhạt một tiếng rồi nói tiếp:

– Cho dù đây là chén rượu độc, thì bổn trại chủ vẫn uống để giữ uy khí của Bạch đạo.

Thiên Vũ mỉm cười.

– Lỗ trại chủ cứ yên tâm. Trong chén rượu này không có độc là không có độc. Nếu như có độc thì tại hạ cũng sẽ giải độc cho trại chủ. Chẳng lẽ tại hạ để chuyện xảy ra đáng tiếc trong ngày hoan hỷ của Phi Yến Thiên Trang sao?

Lỗ Tung đón lấy chén rượu toan uống nhưng Thiếu Lâm Phương trượng Giác Huệ lên tiếng:

– Khoan ...

Mọi người nhìn về vị cao tăng Thiếu Lâm.

Giác Huệ đại sư lần chuỗi bồ đề định nhãn nhìn Quan Thiên Vũ.

– A Di Đà Phật ... Quan thí chủ khẳng định trong chén rượu người mời Tổng trại chủ Lỗ Tung là chén rượu không có độc công?

Thiên Vũ mỉm cười. Nụ cười mỉm của Thiên Vũ khiến ai nấy càng hoài nghi hơn. Thiên Vũ từ tốn nói:

– Tại hạ nói đây là chén rượu không độc, tất không có độc. Nếu Lỗ trại chủ đây e ngại thì đừng uống.

Lỗ Tung hừ nhạt gay gắt nói:

– Nếu Lỗ mỗ không uống thì người xem thường Bạch đạo anh hùng rồi.

Y nhìn thẳng vào mắt Thiên Vũ nói:

– Tà Thần nhìn đây.

Lỗ Tung dốc chén rượu cho vào miệng uống cạn. Mọi người chăm chú nhìn y trong khi Thiên Vũ ôm quyền từ tốn nói:

– Đa tạ Lỗ trại chủ đã nhận chén rượu giao hảo với tại hạ.

Lỗ Tung gần như không nghe Quan Thiên Vũ nói mà tập trung vào vận công, dụng chính nguyên ngươn của mình khắc chế số rượu vừa uống trong nội thể. Y giật mình cảm nhận có luồng hỏa khí trồi lên trong đan điền. Cảm nhận đó khiến y biến sắc vận dụng toàn bộ chân khí có được mà dồn vào đan điền để cô lập số rượu vừa uống. Vì vận dụng chân khí đến hết sức bình sinh để khống chế số rượu vừa uống không biết có độc hay không mà bụng họ Lỗ phồng to lên như một con ễnh ương thế mà y vẫn cố vận công. Cuối cùng như thể không chịu nổi mà phát ra một tiếng trung tiêu, đũng quần ướt đẫm.

Lỗ Tung thẹn chín cả mặt.

Quần hùng Bạch đạo thấy Lỗ Tung như vậy không dằn được, mạnh ai nấy cười. Họ cười mà chẳng còn giữ được vẻ lịch lãm lúc ban đầu. Tội nghiệp họ Lỗ cứ đứng đực ra như một pho tượng thằng hề làm trò trước mặt mọi người.

Thiên Vũ đứng lên bước đến trước mặt Thiếu Văn:

– Duy đệ ... Huynh cáo từ ra ngoài khách điếm. Ngày mai huynh sẽ đến dự lễ đại hỷ của đệ.

Thiếu Văn khoát tay.

– Huynh đừng đi đâu cả ... Thiếu Văn đã chuẩn bị cho huynh một thư phòng qua đêm.

Không chờ Thiên Vũ có đồng ý hay không nhưng Thiếu Văn đã ra lệnh cho một ả a hoàn.

– Đưa Quan đại ca về thư sảnh của thiếu gia.

Thiên Vũ chau mày.

Thiếu Văn khoát tay:

– Huynh đừng ngại. Thư phòng của đệ cũng như thư phòng của huynh thôi.

Khi thân phụ còn sống, huynh đã từng ở gian thư phòng đó.

Thiên Vũ ôm quyền xá:

– Huynh vô cùng cảm kích. Đa tạ Duy đệ đã có lòng với huynh.

– Huynh đừng khách sáo. Nếu đệ không lo thì thân phụ khó mà có nụ cười nơi suối vàng. Nếu có chuyện gì cần, Quan huynh cứ sai ả a hoàn này.

– Huynh hẳn không cần gì đâu.

Thiên Vũ bước đến trước mặt Thiếu Lâm Phương trượng Giác Huệ và các vị trưởng tôn.

– Thiên Vũ xin cáo từ.

Chàng ôm quyền xá, rồi nói tiếp:

– Các vị trưởng tôn cứ yên tâm, Lỗ trại chủ bị như vậy chẳng qua vì quá hoài nghi và sợ chết bởi độc công, chứ tuyệt nhiên chẳng có độc dược nào trong chén rượu mà tại hạ đã mời y.

Thiếu Lâm đại sư Giác Huệ lần chuỗi hạt niệm Phật hiệu:

– A Di Đà Phật ... Thiện tai ... Thiện tai ...