- I - Tinh thần tương trợ

Hôm nay Phi đi học với vẻ mặt vô cùng buồn bã. Thường ngày, Phi cùng đi với Phong, dọc đường hai trẻ chuyện trò vui vẻ. Nay nó đi đơn độc một mình, bảo không buồn sao được.

Phi đến trường thật sớm, nhưng các bạn còn đi sớm hơn nữa. Đến nơi, nó đã thấy bọn thằng Thái, thằng Liêm, con Lê, con Hạnh đang ngồi dước gốc xoài, bàn tán chuyện gì có vẻ rất quan trọng. Khi thấy bóng Phi, thằng Thái gọi to:

- Phi ơi, lại đây!

Con Lê cũng lên tiếng:

- Sao hôm nay lẻ bồ vậy? Còn Phong đâu?

Phi không đáp vội, đặt chiếc cặp sách xuống cỏ rồi ngồi xuống cạnh thằng Liêm. Làn cỏ còn đượm sương mai, những cánh hoa trinh nữ nở khắp đó đây điểm những màu hồng, trắng trên nền cỏ xanh.

Thằng Liêm nhắc lại:

- Thằng Phong đâu?

Bây giờ Phi mới đáp, giọng thật buồn:

- Phong không đi học được. Má nó vừa chớm bịnh.

Bốn gương mặt ngây thơ bỗng lộ vẻ lo lắng, sợ hãi. Con Hạnh nhanh nhẩu hỏi:

- Hồi nào, hở Phi?

- Mới hồi khuya này.

- Mà phải bịnh ấy không?

- Không biết.

Chữ “bịnh ấy” Hạnh nói ra với một giọng mất bình tĩnh rõ rệt, chứng tỏ bọn trẻ đang bị ám ảnh bởi những hình ảnh gì ghê gớm.

Thằng Thái đếm khẽ trên đầu ngón tay rồi mới xác nhận:

- Làng mình có đến mười ba người chết vì bịnh đó rồi.

Con Lê cũng nhẩm tính:

- Mà chỉ mới gần hai tuần nay thôi.

Con Hạnh le lưỡi, lắc đầu:

- Thật khủng khiếp!

Cả năm đứa im lặng một lúc, như đang tưởng tượng đến những thảm trạng vừa xảy đến cho dân làng Gia Lộc, quận Trảng Bàng. Gần hai tuần này, làng Gia Lộc phải trải qua một cơn bão lốc dữ dội vì một chứng bịnh truyền nhiễm vô cùng độc hại, bịnh dịch hạch. Bà Tám đầu làng đang mạnh giỏi phây phây, bỗng lâm bịnh bằng những cơn sốt mê man, vài ngày sau hạch nổi lên ở háng rất đau đớn, khi hạch chưa kịp chảy mủ thì bịnh nhân đã chết. Chị Năm bán hột vịt trên chợ cũng bị và chết giống y như vậy. Cơ quan Y tế đến khám nghiệm và xác nhận bịnh dịch hạch đang khởi sự hoành hành. Họ thiết lập ngay hàng rào Y tế để ngăn ngừa chứng bịnh truyền nhiễm ấy lan tràn ra khỏi làng, đồng thời tiêm thuốc ngừa và chữa bịnh cho đồng bào. Nhưng cho đến nay, người thứ mười ba đã bỏ mạng.

Vì lẽ đó, lúc này hễ nói đến bịnh là người ta lo sợ và nghĩ ngay đến chứng bịnh nguy hiểm ấy. Bọn trẻ đang có tâm trạng đó. Hay tin má Phong bị bịnh, không bảo nhau mà cả bọn đều nghĩ đến bịnh dịch hạch. Và chúng ái ngại, lo lắng giùm bạn.

Thái phá tan sự yên lặng:

- Bọn này đang bàn một việc.

Phi hỏi nhanh:

- Việc gì vậy?

- Việc “Người thứ mười ba”.

- Mầy làm như là truyện gián điệp! Tao không hiểu gì cả.

- Việc “Người thứ mười ba”. Vừa chết vì bịnh dịch hạch ấy mà.

Phi nhếch nụ cười méo xệch trên môi:

- Tưởng là chuyện gì quan trọng!

Liêm tiếp lời bạn:

- Quan trọng chớ mậy. Vì người thứ mười ba là ba con Liên.

Phi kinh ngạc, sửng sốt:

- Trời! Ba con Liên chết rồi à?

- Phải, mới trưa hôm qua.

- Liên có đi học không?

- Nó xin phép ở nhà để lo đám tang.

Liên là bạn gái đồng học lớp Nhất với bọn chúng. Gia đình Liên rất nghèo. Ba nó làm nghề khuân vác hàng hóa cho các xe hàng; má nó bán bánh canh ở đầu chợ mỗi sáng. Nay ba nó mất đi, gia đình Liên càng phải cơ cực nhiều hơn.

Phi dàu dàu hỏi:

- Bây giờ chúng ta tính sao đây?

Lê dịu dàng nói:

- Chúng tôi vừa bàn với nhau, lát nữa bọn mình xin phép thầy góp tiền các bạn trong lớp để đi điếu ba chị Liên.

Phi tán thành ngay:

- Phải, đó là việc nên làm. Rồi sau này mình còn phải tìm cách giúp đỡ chị Liên để biểu lộ tinh thần tương thân, tương trợ.

Hạnh vẫn chưa hết lo lắng:

- Còn má anh Phong?

Phi cố lấy giọng bình tĩnh để trấn an bạn:

- Chưa biết chắc má anh ấy bị bịnh gì. Để chúng mình hỏi thăm lại xem.

Tiếng trống trường nổi lên, báo hiệu tới giờ vào học. Bọn trẻ ôm cặp đứng dậy, mặt vẫn lộ vẻ bâng khuâng. Thầy giáo Minh đứng trước cửa, trông chừng học sinh sắp hàng đôi từ từ vào lớp. Gương mặt thầy trông vừa hiền lành, vừa nghiêm khắc.

Hôm nay tới giờ Sử ký, thầy giảng thao thao rất hấp dẫn, nhưng bọn Phi không thấy hứng thú chút nào. Tâm hồn chúng còn vấn vương vì cái chết của ba chị Liên, căn bịnh của má anh Phong và chứng bịnh truyền nhiễm đang cướp mạng người ngày này qua ngày khác.

Tuy giảng hăng say nhưng thầy đoán biết tâm lý lũ trẻ ngây thơ. Thầy muốn phá tan sự sợ hãi của chúng, nhưng thầy đã hoài công. Sự lơ đãng của chúng hôm nay rất hợp lý. Dứt bài giảng, thầy đưa mắt khoan dung nhìn bọn trẻ, cất giọng hiền từ khả ái:

- Thầy thấy mấy em có vẻ khác thường. Có chuyện gì vậy?

Phi bạo dạn đứng lên:

- Thưa thầy, ba trò Liên đã chết vì bịnh dịch hôm qua.

Thầy Minh buồn buồn nói:

- Thầy biết rồi.

Phi không còn rụt rè nữa, giọng nó tràn đầy cảm xúc:

- Chúng em xin phép thầy cho chúng em góp tiền đi điếu ba chị ấy.

Thầy giáo thương mến nhìn lũ trẻ, đôi mắt thầy chan chứa bao cảm tình. Không còn gì cảm động, sung sướng hơn được thấy học trò mình biết tình, biết nghĩa, biết giúp đỡ lẫn nhau. Thầy dịu dàng nói:

- Mấy em có lòng, thầy rất cảm động. Thầy đã nghĩ đến việc đó nhưng thầy muốn chính tự mấy em nói lên.

Cả lớp lặng im nghe lời thầy, lòng dạt dào niềm kính mến. Thầy ôn tồn nói tiếp:

- Mấy em cử đại diện quyên tiền, thầy cũng góp một phần trong đó. Chiều nay, thầy cùng vài em đại diện đi điếu ba trò Liên.

Được thầy cho phép, bọn học sinh mừng rỡ, nhao nhao lên. Sau một hồi bàn tán, chúng bằng lòng cử các bạn Phi, Thái, Tâm, Lê, Hạnh làm đại diện. Nhờ học sinh từ lâu đã quen thuộc lối bầu Trưởng lớp, Trưởng toán, nên việc cử Đại diện và quyên tiền được diễn ra nhanh chóng trong trật tự tuyệt đối. Thầy giáo rất bằng lòng. Thầy chỉ dẫn bọn trẻ mua lễ vật phúng điếu. Khi mọi việc đã sắp xếp xong xuôi, thầy mới nghiêm giọng bảo:

- Bây giờ mấy em qua cơ quan Y tế tiêm ngừa. Không em nào được trốn đấy.

Sỡ dĩ thầy phải nghiêm giọng dặn kỹ, vì mỗi lần có trồng trái hay tiêm ngừa, những đứa sợ đau hay tìm cách trốn tránh.

Một học sinh đứng lên lễ phép, thưa:

- Thưa thầy chúng em đã tiêm ngừa rồi.

Thầy mỉm cười giảng giải:

- Hôm nay mấy em tiêm ngừa lần thứ nhì, vì muốn phòng ngừa chắc chắn, theo đúng phương pháp, phải tiêm ngừa hai hay ba lần cách nhau tám ngày.

Một em khác đứng lên:

- Tiêm ngừa chắc chắn khỏi bị bịnh dịch, phải không thầy?

Thầy đáp nhanh để làm an lòng bọn trẻ:

- Phải, em nào trốn thì theo ba trò Liên đấy.

Thằng Thái lém lỉnh hỏi:

- Sao họ bảo bịnh dịch là do Thần Ôn dịch gây ra. Việc ấy có thật không thầy?

- Đó là việc huyền hoặc, dị đoan. Có dịp, thầy sẽ giải thích rõ ràng về vấn đề này. Thôi, mấy em Trưởng lớp, Trưởng toán hướng dẫn các bạn em qua Chi Y tế. Phải sắp hàng đôi và đi cho có trật tự.

Học sinh ngoan ngoãn vâng lời thầy, không em nào trốn tránh như những lần trước. Một phần vì cảnh chết chóc xảy ra hàng ngày làm cho chúng sợ hãi, một phần vì chúng tin tưởng ở lời giải thích của thầy.

Chiều hôm ấy, Đại diện lớp Nhất A là Phi, Thái, Tâm, Lê, Hạnh theo thầy Minh đi phúng điếu ba trò Liên. Ở nhà tang nhân về, bọn trẻ thấy lòng buồn vô tả. Nhà Liên rất thưa thớt người đến điếu, có lẽ người ta sợ bị truyền nhiễm nên ít ai dám đến, trừ những thân bằng quyến thuộc.

Bọn trẻ đi về ngang phố chợ, chứng kiến cảnh thê lương của một làng bị dịch. Nhà nào đã có người chết thì cửa đóng kín, vôi trắng rải khắp từ nhà trong đến sân ngoài, trên cửa lại vẽ những dấu thập trắng trông thật rùng rợn. Những nhà chưa bị Thần Chết đến viếng cũng rải vôi khắp nơi, đó là chưa kể những lớp bột sát trùng DDT được nhân viên y tế xịt khắp nhà cửa, bàn ghế. Đâu đâu cũng nhuộm màu trắng toát, một màu tang tóc, ảm đạm, thê lương...

Hạnh rùng mình nói khẽ:

- Thấy ghê quá!

Lê cũng nói khẽ, giọng run run:

- Không biết Thần Ôn Dịch còn đến viếng nhà ai?

Phi làm ra vẻ dạn dĩ, cất giọng trêu đùa:

- Gần đến nhà Lê rồi đó.

Lê háy mắt, mắng ngay:

- Anh quỷ này nói lảng. Đến gần nhà anh thì có.

Biết mình lỡ lời làm cho bạn thêm sợ, Phi hối hận xin lỗi:

- Tôi nói đùa đấy, Lê đừng giận.

Lê ngảnh mặt, không thèm đáp. Mắt nó chớp chớp, cơn giận dỗi, cơn sợ hãi đang dồn dập trong tâm hồn ngây thơ, chất phác.

Về đến nhà Phi, bọn trẻ thấy trước sân nhà có bày một mâm cỗ. Tâm hỏi Phi:

- Nhà mầy hôm nay có cúng kiến gì đó?

- Tao không biết. Để vào hỏi ba tao xem. Còn sớm, tụi bây vào nhà tao chơi một lát.

Thái cười đùa:

- Có cỗ, mầy không mời, chúng tao cũng vào.

Dứt lời, Thái nối gót ngay theo Phi. Cả bọn vào nhà, thấy ba Phi đang ngồi một mình, vẻ mặt buồn rầu lo lắng. Bọn trẻ cúi đầu chào. Ba Phi cố gượng nở nụ cười:

- Các cháu đi điếu về đấy à?

Thái đáp thay các bạn:

- Vâng.

Phi hỏi ngay:

- Hôm nay cúng ai vậy ba?

- Ba cúng Thần Ôn Dịch đó.

Bọn trẻ ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Phi cũng ngạc nhiên không kém.

- Thần Ôn Dịch là ai vậy ba?

- Là vị Thần đang gieo bịnh dịch ở làng ta.

Lê bày tỏ cảm nghĩ chân thành của mình:

- Người ta sợ Thần Ôn Dịch đến viếng nhà, sao bác làm mâm cỗ để rước Thần đến?

Ba Phi vốn là người bình dân chất phác, rất tin tưởng ở thần quyền. Ông quên mất cơn sợ hãi, ôn tồn giải thích.

- Các cháu chưa biết ngày mai này, làng ta có tổ chức một cuộc lễ “Tống Thần Ôn” rất trọng thể hay sao? Bác cũng phải làm cỗ để tống tiễn Tướng quân Ôn Dịch chớ.

Hạnh vui vẻ hỏi:

- Cuộc lễ chắc vui lắm, phải không bác?

Không đợi ba Phi trả lời, Tâm lại hỏi tiếp:

- Lễ “Tống Thần” tổ chức ở đâu vậy bác?

Ba Phi phải trả lời một lượt cho hai đứa:

- Cuộc Lễ tổ chức ở hai đền Quan Công và Thánh Công và diễn hành khắp phố cho dân chúng chiêm bái. Ngày mai là Chúa nhật, các cháu đi xem cho biết. Chắc vui lắm.

Lê tò mò hỏi:

- Tại sao gọi là Tướng quân Ôn Dịch, hở bác?

- À, đó là do sách vở ghi chép lại. Các cháu hãy ngồi xuống chơi, bác sẽ kể chuyện ly kỳ này cho mà nghe.

Bọn trẻ ngoan ngoãn ngồi xuống bộ ván bu quanh ba Phi. Người đàn ông đứng tuổi, da rám nắng vì lao động, mắt sáng rỡ một niềm tin, cầm ly rượu để lên nhấp một hớp. Ông “khà” một tiếng ngon lành rồi mới bắt đầu vào chuyện.