Phần thứ nhất - Chương I

uy hãm xe, tắt máy rồi quay sang phía Nga nói:

- Còn kịp chán. Tầu đường này bao giờ cũng chậm ít ra là nửa giờ.

Vừa mệt vừa chán, Duy thở dài một cái thật mạnh rồi quặt hai tay chống vào lái xe, yên lặng đợi Nga nhặt các thức lặt vặt rơi trên đệm. Nga đưa mắt nhìn Duy, nói đùa:

- Cấm anh không được buồn đấy. Em về cố lên ngay.

Duy vội vàng mỉm cười và tươi tỉnh nét mặt, nhưng việc cỏn con ấy chàng thấy sao nặng nhọc, khó khăn thế! Không phải chàng buồn vì tiễn Nga đi. Sau bao nhiêu ngày gần gụi Duy đã chán hẳn Nga, người mà lúc mới gặp chàng tướng có thể yêu mãi mãi chứ không như những tình nhân trước. Thấy Nga đòi về Hà Nội vì có việc nhà, chàng sung sướng như được thoát nợ. Duy dựa vào câu nói của Nga làm như mình buồn sắp từ biệt Nga để khỏi phải cố vui gượng:

- Vui làm sao được. Chắc đâu còn gặp nhau nữa.

Câu nói khách sáo ấy chàng đã nhiều lần dùng để đuổi nhẹ các cô tình nhân hay bám riết, nhưng lần này là lần đầu chàng ngượng mồm vì đã nói dối; cái nguýt lẳng lơ của Nga đáp lại câu nói sao chàng thấy trơ trẽn thế và chàng tự thẹn với mình khi nhận thấy mình cũng trơ trẽn như một con đĩ khi tiễn khách đi. Duy nói dối không phải vì sự ngượng với Nga; chàng có thể giở mặt với Nga như không được nếu trước sau chàng vẫn khách sáo với Nga cũng như với mọi người khác; nhưng lần này, trong khi còn mê man người mới, chàng đã nói sẽ yêu Nga trọn đời, mãi mãi mà nói một cách rất thành thực; chàng phải cố gượng để khỏi nhận thấy sự thay đổi rất nhanh chóng của mình, để khỏi ngượng vì mình đã giở mặt với chính mình.

Nga cũng hiếu rằng Duy có ý muốn đuổi mình. Nàng không yêu Duy, nàng về ở với Duy vì Duy là một người tình nhân dễ chịu, giàu có và tính hào phóng. Nếu Duy thực tình yêu nàng thì nàng cũng có thể bỏ cái đời ăn chơi để trở lên một người vợ rất ngoan của Duy được. Nhưng hôm đầu, nàng đã phải cố làm ra cao thượng, không để ý gì đến tiền của, vì nàng thấy Duy đối đãi với mình như đối đãi với một người vợ rất yêu thương. Bây giờ nàng thật hết hy vọng; nàng biết chắc là Duy đã chán rồi và dẫu nàng có quay lại Vĩnh Yên, Duy cũng trốn tránh không để nàng gặp mặt nữa. Duy cũng chỉ như những người đàn ông khác đã gặp. Nàng không buồn và cũng không tiếc, vì dẫu sao nàng cũng đã được sống một cách rất dễ chịu bên cạnh Duy trong bấy lâu.

- Mấy giờ rồi anh?

- Năm giờ kém mười lăm, còn thong thả chán.

- Thế à? Thích nhỉ!

Nga vừa nói vừa để ý nhìn cái đồng hồ đeo tay của Duy, cái đồng hồ vàng nàng đoán đáng giá trăm bạc.

Xuống xe, Duy nhường Nga đi trước; mấy người đàn ông mặc âu phục đứng trong ga nhìn Duy và Nga đi lại. Họ thì thầm nói với nhau, mắt vẫn nhìn về phía hai người. Đã quen rồi nên Duy không thấy ngượng khi biết có người ngắm nghía mình; chàng đi có phần mạnh bạo hơn. Tấm khăn (san) mong manh của Nga theo gió đưa ngang qua mặt Duy, với một luồng hương thơm của phấn và nước hoa. Dưới bước chân nhẹ của Nga, bụi hồng là là bay từng làn trên mặt đường. Gió buổi chiều lành lạnh ở phía bắc thổi về phía Tam Đảo; chàng không nghĩ hẳn đến một cảnh nào nhưng chàng thoáng thấy ở đâu rất xa, như ở trong sương mù, một nỗi buồn không cỗi rễ vẫn yên lặng đợi chàng và hiện ra mỗi khi chàng quên những cái bên ngoài, âm thầm nghĩ đến lòng mình. Khi chợt nhận thấy mình nghĩ sâu vào trong như vậy, Duy vội vã đập mạnh hai bàn tay vào nhau như mọi lần để thôi khỏi nghĩ.

Tuy trong lòng như vậy mà chàng vẫn có cái thú tự kiêu lúc bước vào nhà ga, bên cạnh một thiếu nữ đẹp và sang trọng, Những người đứng gần cửa, Duy thấy họ lùi lại sau, để nhường chỗ cho Nga và chàng bước qua. Thoáng thấy có người quen, Duy tự nhiên khó chịu; chàng muốn lánh mặt và chàng thấy Đạm cũng có ý lùi lại sau, trốn tránh, nhưng cả hai người đều không kịp, đành phải gượng cười giơ tay bắt tay nhau.

Đạm giới thiệu Duy với các bạn:

- Ông Duy... một nhà doanh nghiệp.

Câu giới thiệu ngập ngừng và giây phút yên lặng theo ngay sau rất khó chịu cho Duy. May sao vừa lúc ấy Nga cất tiếng giục lấy vé.

Đạm hỏi:

- Ông xuôi Hà Nội?

- Không, tôi ra tiễn... người nhà.

Ra đến ngoài, Duy rủ Nga đi về phía “ghi”.

Chàng chỉ mong xe lửa đến ngay lúc đó, nhưng chuyến xe lại chậm hơn nửa giờ. Duy đứng lại lấy mũi giầy hất những hòn sỏi, thẫn thờ nói:

- Có lẽ hôm nay chín giờ tàu mới đến Hà Nội.

Mắt Nga bỗng long lanh nhìn vào chiếc đồng hồ ở cổ tay Duy:

- Anh xem lại mấy giờ.

- Hơn năm giờ. Xem mãi thì tàu đến chậm vẫn đến chậm như thường.

Nga cười rồi mở ví lấy bông đánh phấn:

- Em không chừa được cái tính hay hỏi giờ luôn. Trước em có cái đồng hồ của anh ấy cho tốt quá, đánh mất ngay.

Duy nói luôn:

- Cái đồng hồ này cũng tốt. Em cầm lấy dùng tạm, hôm nào lên lại đem trả lại anh.

Biết là Nga có ý muốn xin mình cái đồng hồ nên Duy vồn vã đưa ngay để Nga khỏi phải ngượng ngập lựa lời nói cho ý rõ thêm, Chàng mừng rằng tìm được một cách trả nợ Nga mà không phải tủi tay đưa tiền. Hai người nhìn nhau. Duy nói:

- Em hay xem giờ thì hay nghĩ đến anh.

Nga cười bỏ đồng hồ vào ví. Duy thấy sung sướng lộ ra nét mặt và chính chàng cũng sung sướng, nhẹ hẳn người đi. Duy chắc rằng nhờ cái đồng hồ, Nga không bao giờ trở lên với chàng nữa. Chàng vụt nhớ đến hôm nào cùng Nga ngồi bên bờ suối ở cánh đồng Ba Xứ và câu chàng nói với Nga:

- Trong đời chúng mình yêu nhau mãi như thế này.

Duy thấy cái gì cũng giả dối; chàng muốn cố tìm cho mình một cái chân thật mà rồi lần nào chàng cũng phải trở nên dối trá với mình. Chàng muốn cố bám vào một thứ gì vững chải nhưng chỉ hời hợt, bấp bênh. Đã bao lần như thế rồi nên chàng không tin ở chàng nữa, đành cứ chịu sống cái đời mà chàng đã chán nhưng yên trí trời đã định cho mình.

Tiếng còi xe lửa làm cho Duy và Nga đều giật mình. Duy nói:

- Hôm nào em lại cố lên nhé?

Nga rút khăn tay, nói rất khẽ như nghẹn ngào:

- Giá em cứ được ở mãi trên này với anh có hơn không? Em sợ về thì đẻ em không cho đi nữa.

- Số giời định như thế. Hôm qua anh cũng vừa nhận được thư nhà gọi về gấp nhưng phải giấu em.

Duy thấy những câu nói không thật của cả hai người đều có giọng cảm động như những câu từ biệt của đôi tình nhân rất thương tiếc nhau. Nga giơ khăn tay lên mặt. Duy vội can và giục Nga lên xe. Nga vừa kịp ló đầu ra cửa là xe chạy. Nàng giở khăn vẫy; Duy đứng yên nhìn theo cho đến khi xe đi vòng vào con đường sẻ qua đồi. Cả chuyến xe chỉ còn như một mảng vuông từ từ nhỏ dần rồi khuất hẳn.

Duy thấy một sự yên tĩnh mông mênh ùa vào tâm hồn; bao giờ cũng vậy, khi một cuộc vui mê mệt với các bạn đến lúc hết, chàng thấy trơ vơ đứng một mình ở đời, mệt mỏi, và có một sự yên tĩnh hiện ra, sừng sững như một dãy núi cao lớn, nặng nề mà người bộ hành về chiều thấy đứng dựng trước mặt khi dừng chân ngửng đầu lên nhìn.

Duy ấn gót giầy xuống sỏi, xoay người một vòng rồi thổi sáo miệng nhìn ngang ngửa. Chàng tự hỏi thầm:

- Mình làm cái gì bây giờ?

Chàng thọc hai tay vào túi quần rồi thong thả đi ra khỏi ga. Nhớ chưa có diêm, Duy chạy lại quán hàng nước; chàng ngồi xuống ghế, lật bát và lấy một cái bánh bóc ăn.

Ánh trăng thượng tuần soi mờ mờ xuống sân. Trên con đường về tỉnh bụi bay lên lúc nãy vì xe tay đi qua, trông mơ hồ như sương tỏa. Duy muốn cử động chân tay cho đỡ bứt rứt; nghĩ vậy, nhưng Duy chỉ ngồi yên, thừ người ra, hai tay chống lên đùi, bàn tay bỏ thõng, và đầu gục xuống, mỏi mệt như không bao giờ còn có sức cất lên được.

Mấy người nhà quê gày gò vào ngồi cạnh chàng; bà hàng nước vui vẻ hỏi chuyện:

- Chuyến này đi khá không, ông cụ?

- Cũng chả có gì, bà ạ. Vất vả hơn mọi lần nhiều mà chẳng ăn thua gì cả.

Ông cụ nhìn đứa bé đương bú, hỏi bà hàng:

- Bà mới ở cữ!

- Vâng, cháu được hai tháng. Nó thứ tám đấy, ông cụ ạ. Hàng bán một ngày một ế ẩm mà con thì lốc nhốc một lũ. Không biết ông giời có cho đủ lực mà nuôi không.

- Lo gì. Giời sinh voi giời sinh cỏ.

Duy ngồi yên như không để ý đến. Song những mẩu chuyện vẫn lọt vào tai chàng, những câu ca thán về đời sống hàng ngày không có gì đáng kể ấy sao chiều hôm nay lại vang động vào tâm hồn chàng một cách thấm thía đến thế. Duy không buồn riêng gì cho họ; chàng buồn là buồn cho tất cả cuộc đời sống bao la và chán nản, trong đó có chàng. Duy thấy lạnh ở vai; chàng tưởng như một mình chàng phải chịu tất cả những nỗi buồn của hết thảy các cuộc đời trên thế gian. Sau những khi mải vui chơi, uống nhiều rượu và thức suốt đêm dòng, chàng vẫn có cái cảm tưởng ác nghiệt và vô lý ấy. Chàng thường tự nhủ nếu thôi không chơi bời quá độ nữa thì cảm tưởng đó sẽ mất, nhưng lần này chàng lại chắc không phải vì cớ ấy nữa rồi. Duy lẩm bẩm:

- Tại sao vậy, vì lẽ gì?

Không hiểu rõ vì lẽ gì nên chàng lại mất cả ý quyết định chừa chơi bời đã mấy tháng nay. Chàng trả tiền, đứng thẳng dậy và trong trí ẩn ra cái ý phóng ô-tô lên Việt Trì rủ mấy anh em bạn đi hát, rồi vui đùa cho hết cách, uống rượu cho thật say, cho quên hết đi. Chàng vẫn sợ những cái thú tai hại ấy, nhưng cái sợ đó không thấm đâu với cái sợ vừa thoáng qua óc chàng; cái ý tưởng quyên sinh mà chàng thấy lẩn quất đâu đó như một kẻ gian náu hình trong bóng tối. Quên, quên đi được, đó là điều cần thiết nhất cho chàng lúc đó.

Đi hết dãy phố Vĩnh Thịnh, Duy cho xe phóng thật nhanh. Nhìn về phía ấp nhà, chàng sực nhớ đến bức thư giục chàng về ngay. Đã lâu lắm chàng chưa về thăm nhà.

- Về thì chẳng có chuyện gì. Thêm buồn cho tất cả mọi người, mà nhất là buồn cho mình. Chịu sao nổi!

Trên lưng chừng sườn núi, ánh đèn điện ở Tam Đảo trông như một sợi dây kết bằng sao lấp lánh. Chàng lại tưởng như một đám rước đèn Trung Thu, nhất là đêm hôm ấy trời sáng trăng. Duy chợt nghĩ đến những ngày còn thơ đi rước đèn trên những con đường trắng xóa dưới ánh trăng rằm. Sao những ngày ấy chàng dễ vui thế; một cái đèn xếp màu hoa lý cũng đủ khiến chàng sung sướng được đến mấy ngày. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ đến nỗi tức bực của chàng khi mẹ chàng bắt nhường cái đèn hoa lý cho Thơ, vì Thơ ít tuổi hơn.

Những ngày ấy bây giờ đối với Duy thực là xa lắm rồi.