Con chim xanh

Ngày xưa có nàng Công chúa đẹp như hoa vàng và lành như suối ngọt. Người ta ca ngợi nàng như là tinh anh của trời đất để tô điểm cho bầu sông núi nghìn năm.

Kim Nga công chúa có hai tội làm cho Hoàng hậu ghét cay ghét đắng nàng: một vì nàng là con ghẻ; hai là vì nàng quá đẹp và nhân từ. Trái lại, con gái cưng của Hoàng hậu, Đan Tâm công chúa, là sự tương phản rõ rệt với Kim Nga từ dung nhan đến tánh hạnh. Đó là đầu mối để gây ra câu chuyện thê thảm của đôi giai nhân, và tài tử như sau đây:

Một vị Hoàng tử tên Hoa Lệ và chàng xứng với tên ấy - từ một nước xa đến tận ngai vàng để xin cưới Công chúa Kim Nga. Chàng là một trang tài tuấn, văn chương đã thông nhuần kim cổ, lược thao đã làm khiếp mặt anh hùng. Nhà vua lấy làm mừng; Kim Nga cũng thầm thỏa nguyện.

Nhưng một uy quyền hơn vua xen vào ngăn cản. Uy quyền ấy là Hoàng hậu. Mà với Hoàng hậu, nhà vua chỉ là một cái máy để cho bà sai khiến. Cho nên, một đêm, Hoàng hậu cùng đi với một tiên nữ, đến bảo chàng rằng:

- Chào Hoàng tử, đêm nay là đêm hoa chúc của Hoàng tử và Đan Tâm công chúa. Vậy Hoàng tử hãy mau sửa soạn để dự buổi tiệc hoa.

Hoàng tử Hoa Lệ, mắt lóng lánh như hai ngọn nến vàng:

- Thưa Hoàng hậu, Hoàng hậu không được trái lệnh vua.

- Hoàng tử lầm, lệnh ta tức là lệnh vua.

- Thưa Hoàng hậu, thần tử còn một lệnh thiêng liêng hơn mà thần không bao giờ quên: Kim Nga công chúa.

Hoàng hậu mỉm cười độc ác:

- Công chúa đã bị ta giam trên ngọn tháp. Hoàng tử không bao giờ còn thấy mặt nàng.

- Thần tử sẽ hóa làm chim xanh để đến gần Công chúa.

Hoàng hậu giận đỏ mặt, tiếng rang rảng lộng lẫy uy quyền:

- Hỡi chàng Hoàng tử đáng thương kia! Hoàng tử nên nhớ: “Giang sơn đâu, anh hùng đấy”. Không một ai trong giang sơn này lại dám trái lệnh ta.

Hoàng tử mỉm cười mai mỉa:

- Và vì trái lệnh nên Công chúa Kim Nga bị giam cầm trên từng tháp? Còn ta, thưa Hoàng hậu?

Với một cái vẫy tay của Hoàng hậu, nàng tiên nhẹ nhàng bước đến, tay cầm cây liễu phướng lấp lánh kim cương. Nàng tiên bảo:

- Còn chàng, thưa Hoàng tử, chàng hãy lập tức bay khỏi cánh cửa này, và trọn bảy năm chàng phải nhận lấy số kiếp con chim xanh về rừng thẳm, đúng theo ước nguyện của chàng ban nãy.

Nàng tiên vừa dứt lời, Hoàng tử đã biến cả hình dung. Hai cánh tay chàng trổ lông rồi biến thành hai chiếc cánh. Thân hình chàng thu nhỏ lại, vướng víu những đốm lông tơ màu xanh. Đôi mắt thu tròn lại, long lanh như hai vì sao. Mũi chàng hóa thành một cái mỏ ngà, và trên đầu mọc ra một cái mồng trắng như hoa tơ.

Con chim vừa thành hình, vội cất cánh bay khỏi cánh cửa, lạnh lùng buông lại một tràng tiếng não nề...

 

Gió sương không quyến cánh chim giang hồ, con chim xanh xinh đẹp - hay Hoàng tử Hoa Lệ trở về trên ngọn tháp với Kim Nga. Chàng đậu trên cành bạch dương, ngậm hoa vàng rải quanh thềm liễu.

Kim Nga công chúa âu sầu tựa cửa. Hoa bay theo gió thu. Hương mơ hồ trên lá ngọc.

Hoàng tử vội cất cánh bay lên ngọn dương, rồi cất tiếng gọi nàng:

- Công chúa! Công chúa!

- Ngươi là ai?

- Một vị Hoàng tử.

- Một vị Hoàng tử?

- Phải, hỡi nàng Công chúa xinh đẹp, một Hoàng tử đã yêu nàng tha thiết và không yêu ai nữa khác hơn nàng.

- Chàng nói gì? Phải chăng là một cạm bẫy của Hoàng hậu!

- Không, Kim Nga công chúa của ta ơi!

Dứt lời, chim xanh gieo mình như chiếc lá thu rơi cạnh cửa sổ. Công chúa hãi hùng nhận ra người nói chỉ là con chim xanh đẹp tựa tranh, lông mịn màng, lời nói êm như tiếng đàn thánh thót. Chim xanh nói:

- Cảm ơn đấng Cao cả đã cho ta gặp lại nàng.

- Nhưng chàng là ai, hở chim xanh hoa lệ?

- Nàng vừa nói đến tên ta, một vị Hoàng tử.

- Hoàng tử Hoa Lệ là con chim xanh xinh đẹp này ư?

- Ta là Hoa Lệ đây, Công chúa! Ta bị Hoàng hậu hóa kiếp làm chim xanh. Từ nay ta chỉ là con chim nhỏ bay liệng trên cành dương cho nàng xem những đêm trăng mờ...

Công chúa nghẹn ngào, nức nở. Con chim xanh đậu trên vài nàng.

- Công chúa ơi, ta cũng muốn khóc như nàng.

Đêm đã tàn. Trống tan canh đã điểm trong thành. Hai người đành quyến luyến xa nhau. Trước khi bay đi, chim xanh hẹn mỗi đêm sẽ trở về cùng nàng gặp gỡ.

 

Song Công chúa vẫn bâng khuâng lo sợ. Có ai giữ được cánh chim xanh ở một phương mà vương ở bốn phương? Biết đâu một ngày kia, một ngày thê lương nhuộm bức hoàng thành, con chim ấy sẽ không bay về với mũi tên trên cánh, máu ngày xanh nhuộm đỏ trên cành dương? Biết đâu một ngày kia, gió ngàn phương sẽ mang về vài chiếc lông tàn để đánh dấu một đời chim luân lạc?

Công chúa càng nghĩ ngợi, giọt châu càng tầm tã vạt áo xanh. Nàng khóc suốt ngày, cho đến giờ trở ra cửa sổ đợi chim xanh về chốn hoàng thành. Hai hồn xanh lại gặp nhau trên ngọn tháp.

Khi bình minh đem ánh vàng vào cung điện, ngọn tháp nguy nga loang loáng dưới sương mai, chim lại trở về với rừng thẳm. Nhiều khi chàng cất tiếng ca những điệu bổng trầm âm vang trong ngàn cây nội cỏ, giọng thảnh thót thâm trầm như suối ngọc, khiến người nghe có cảm giác buồn mang mang, buồn một cái gì trơ trọi cô liêu, một cái gì xa xăm từ ngàn xa thăm thẳm...

Nhờ chàng ẩn kín trong chòm cây kẽ lá, nên cầu sương điếm cỏ, khách qua đường chỉ nghe giọng ca não nuột như một âm hưởng huyền bí. Vì thế, người ta cho là một hồn ma lạc lõng, chạnh niềm xưa than thở dưới trăng mờ. Từ đó không còn ai lai vảng đến khu rừng. Và tiếng hát vẫn chơi vơi như chiếc thuyền ngư phủ...

Công chúa Kim Nga đã yên tâm, không còn sợ mũi tên oan nghiệt hay chiếc lông xanh theo gió bay về cung. Nhưng than ôi! Hạnh phúc của hai người chỉ mong manh theo đợt gió...

Một hôm, Hoàng hậu sai một con tì nữ đến để hầu hạ nàng. Công chúa biết tì nữ vâng lệnh Hoàng hậu đến dọ dẫm cử chỉ, hành động của nàng, nên từ đó đêm đêm công chúa không dám ra cửa sổ đón chim xanh. Nàng biết chim xanh còn quanh quẩn trên ngọn tháp, nhưng biết làm sao? Đợi một đêm, con tì nữ mỏi mệt vì luôn mấy ngày canh chừng Công chúa, thiếp đi trong giấc ngủ say sưa, nàng mừng rỡ mở cửa sổ ra, rồi cất tiếng gọi Hoàng tử:

- Chim xanh, chim xanh,

Trăng vàng giải ánh mong manh,

Người xưa chờ bóng chim xanh trở về...

Hoàng tử nhận đặng tiếng gọi, vội vàng đáp xuống cửa sổ. Hai người thổn thức nhìn nhau. Hai hàng lệ lăn tròn trên má đào Công chúa. Con chim xanh rầu rầu ngẩng đầu lên như để an ủi nàng:

- Công chúa, nàng đừng khóc nữa, ta sẽ cứu nàng ra khỏi ngọn tháp này.

Trăng lờ mờ trong vầng mây thăm thẳm. Tư bề êm lặng. Vài con chim ăn đêm trong rừng thẳm đưa ra những tràng tiếng não nề.

Công chúa đưa tay vuốt lông tơ mướt trên mình chim. Con chim được người âu yếm, thu hai cánh lại, lặng yên trong bàn tay êm thấm của Kim Nga công chúa.

Đêm sau, hai người lại mừng rỡ gặp nhau. Nhưng đến đêm thứ ba, con tì nữ chợt tỉnh dậy lúc nửa khuya. Nó thoảng nghe có tiếng người trò chuyện bên cửa sổ. Nó rón rén lại gần và thấy: dưới ánh trăng, công chúa đang âu yếm chuyện trò với chim xanh. Cho đến khi trăng xế, sương mờ, người và chim mới ngậm ngùi từ giã. Dường như linh tính báo trước một cuộc chia phôi sắp sửa, cả hai ngần ngại không muốn lìa nhau. Vầng lê dương đã le lói trên chòm cây, Công chúa đành phải trở về giường với đôi mắt đầy lệ.

Con tì nữ lén đem tin ấy cho Hoàng hậu, rồi lại trở về phòng giả ngủ mê, như không hay biết chuyện gì. Tội nghiệp cho Công chúa, nàng có hay đâu mưu kế độc ác của Hoàng hậu. Nên, như đêm trước, khi trăng lên treo lơ lửng trên cành bạch dương, nàng mở cửa ra cất tiếng gọi chàng:

- Chim xanh, chim xanh,

Trăng vàng giải ánh mong manh,

Người xưa chờ bóng chim xanh trở về...

Nàng chỉ nghe tiếng dội về của rừng thẳm. Bóng chim vẫn bặt trong ngàn cây...

Trong ngàn cây, chim xanh đã nghe tiếng gọi của nàng, nên vội tung cánh bay về. Như thường đêm, chim sa xuống cành dương chờ Công chúa. Hoàng hậu đã cho treo gươm sắc trên cành, nên chim xanh vừa đậu xuống liền bị chặt đứt một chân. Đau quá, nó té nhào xuống, lại vướng nhầm lưỡi gươm khác. Hai chiếc cánh tủa ra hai dòng máu. Biết nguy hiểm, con chim vội dùng chút tàn lực lẩn trốn về rừng. Và trong ngàn cây, nó còn nghe tiếng gọi não nùng của Kim Nga công chúa.

 

Không được tin tức gì của Hoàng tử, từ ngày chàng ra đi cầu hôn với Công chúa, nhà vua ái ngại. Triều thần đều lo sợ cho tai nạn có thể xảy ra cho chàng, nên tâu xin vua sai người đi tìm Hoàng tử. Người lãnh trách nhiệm ra đi là một vị đạo sĩ, bạn của Hoàng tử Hoa Lệ. Rất thông giỏi nhiều pháp thuật, thường luôn luôn ở cạnh ngai vàng để bảo vệ nhà vua.

Đạo sĩ ra đi, tìm khắp nơi không được tin tức gì của hoàng tử. Cho đến một hôm, qua một khu rừng hoang vắng, mà người ta đồn có nhiều hồn ma thường ca hát những đêm trăng. Chính khu rừng ấy là nơi ẩn của chim xanh. Đạo sĩ vừa đi vừa thổi còi vang khắp rừng, còi hiệu của đạo sĩ khi còn ở trong nước với Hoàng tử. Rừng sâu thăm thẳm, đạo sĩ phải gọi tên chàng.

- Hoàng tử, Hoàng tử Hoa Lệ...

Chim xanh đang ẩn trên cành cây. Nhận ra tiếng gọi của người bạn thân, chàng mừng rỡ trả lời:

- Đạo sĩ hãy lại đây, Hoàng tử đây mà… Đạo sĩ kinh ngạc nhìn khắp, không thấy tăm dạng người nào. Hoàng tử phải rán sức kêu, giọng thảm thiết:

- Đạo sĩ ơi, ta là con chim xanh đậu trên cành đạo sĩ không nhận ra sao?

Nghe lời ấy, đạo sĩ tìm gặp chàng đang hấp hối lên cành cây. Đạo sĩ vội bước đến, để chàng đậu trên vai. Ngài lấy tay thoa vết thương trên cánh cho Hoàng tử thì máu đã ngừng chảy. Ngài vội để chàng đứng yên trên tảng đá, rồi thoăn thoắt vào rừng. Một lát, đạo sĩ đem về vài thứ cỏ đắp vào mấy vết thương cho chàng, thế là chàng lại bình phục như xưa.

Hai người liền lên một chiếc xe cây, kéo bởi một bầy nhái biết bay. Và trong lúc Hoàng tử kể lại câu chuyện não nùng của chàng với Công chúa, xe đã đến lâu đài của đạo sĩ.

 

Trong lúc ấy, phụ thân của Kim Nga công chúa băng hà. Hoàng hậu và Đan Tâm công chúa thừa dịp cướp lấy ngai vàng.

Bấy lâu, dân chúng đều căm hờn sự lộng quyền của mẹ con Hoàng hậu. Nước tràn mãi rồi cũng phải vỡ bờ. Những cái gì uất ức tiềm tàng trong lòng họ, chỉ đợi dịp là bùng lên như làn khói lộng. Dịp đó đã đến.

Sau một hồi kêu gọi nhau đoàn kết thành một lực lượng kiên cố, họ kéo nhau tấp nập đến hoàng thành. Kẻ cuốc xuổng, kẻ giáo mác, họ reo hò, họ gầm thét. Cả thảy đều tranh nhau đập phá cửa thành.

Thấy có sự nguy biến, Hoàng hậu cho bắc thang lên mặt thành để trấn tĩnh lòng dân. Trấn tĩnh không đặng đến dọa nạt. Nhưng lòng dân công phẫn đã đến cực độ, không có lời hăm dọa nào lay chuyển nổi. Kế đó là những loạt súng từ hoàng thành bắn ra. Vài thây ngã bên dân chúng. Vài mươi người gạt thây xông lên, tiếp theo sau hàng vạn người.

Trận kịch chiến kéo dài bốn giờ đồng hồ thì cửa thành đổ. Dân quân tràn vô. Tất cả quân sĩ trong thành đều bỏ khí giới đầu hàng. Hoàng hậu và Đan Tâm bị phân thây trong rừng gươm giáo.

Sau ngày đảo chánh, vì tiên nữ xưa đã giúp lầm Hoàng hậu, trở về cỡi lớp chim xanh cho Hoàng tử Hoa Lệ.

Đôi mái đầu xanh ấy đã thắng trận cuối cùng với thuyết “Gieo nhân lành, gặt quả tốt” của nhà Phật.

Thẩm Thệ Hà