Bà Hoa đi loanh quanh trong khu bán quần áo này không biết bao nhiêu là lần. Hình như nhiều lắm! Vì chân bà đã mỏi nhừ và bụng bà thì đã đói meo.
Khi bước chân vào cửa hiệu này, bà hăm hở bao nhiêu, thì bây giờ bà chán nản bấy nhiêu. Số tiền bà chắt bóp khi còn ở Việt Nam, định để dành khi cần đến, bà đã bấm bụng, rút ra một số, để mua áo ấm cho các con, mà rồi rốt cuộc bà cũng chưa mua được gì, vì giá cả quá đắt.
Hôm qua, trời trở lạnh. Tim bà đau thắt lại khi nhìn các con từ trường lớp trở về nhà với những nét mặt tái mét, chân tay run lập cập vì thiếu áo ấm và nhất là bé Luân vừa cởi cái áo len cũ, quăng xuống đất, vừa mếu máo nói:
- Mẹ bắt con mặc cái áo quỷ quái này làm mấy đứa con nít Mỹ nó chọc quê con. Con không thèm đi học nữa đâu.
Bà Hoa ôm con vào lòng, nghẹn ngào:
- Tội nghiệp con trai cưng của mẹ! Thôi, nín đi, mai mẹ đi mua áo mới cho.
Nét mặt bé Luân tươi hẳn lên:
- Mẹ nói thật hả mẹ?
- Có bao giờ mẹ nói dối con đâu?
- Ừ nhỉ, mẹ vẫn dạy con là không được nói dối mà. Nói dối xấu lắm, phải không mẹ?
- Ừ.
Nghĩ ngợi một lúc, bé Luân hỏi:
- Mẹ cho con đi chọn áo với mẹ có được không?
Bà Hoa biết số tiền nhỏ nhoi của mình sẽ không thể làm hài lòng con khi nó tự chọn cái áo mà nó thích nên bà ngập ngừng từ chối:
- Sáng mai con đi học, mẹ đi phố. Khi con ở trường về là mẹ có áo mới cho con, con chỉ cần cho mẹ biết là con thích màu gì thôi.
Mắt bé Luân ngời sáng:
- Con thích áo có màu của đội banh Redskin và có cả chữ Redskin ở đằng trước hay đằng sau nữa.
Cái miệng mếu máo, đôi mắt ngời sáng và mẩu đối thoại ngắn ngủi giữa hai mẹ con ngày hôm qua cứ lởn vởn trong đầu bà Hoa.
Nhiều lần, bà đã đi ra phía cửa, định đi về. Nhưng bà lại quay trở vào. Bà đi một vòng, hai vòng, ba vòng..
Bà sờ hết cái áo này đến cái áo khác. Bà chăm chú nhìn những con số ghi giá tiền trên những mảnh giấy gắn lòng thòng nơi các tay áo. Bà nhẩm tính số tiền phải chi ra để mua áo ấm cho năm đứa con. Bà mở lớn đôi mắt, thèm thuồng, nhìn những người đàn bà Mỹ chất đầy quần áo trên một cái xe, đẩy lọc xọc, len lỏi khắp nơi, khắp chốn. Cứ thế, cứ thế... bà Hoa đã xử dụng gần bốn tiếng đồng hồ trong cái cửa hiệu với một rừng quần áo này.
Cuối cùng thì bà Hoa cũng ôm được mấy cái áo ấm ra quầy trả tiền. Bà đếm thật cẩn thận những tờ giấy hai chục còn mới tinh, dính chặt vào nhau rồi đưa cho cô bán hàng và đón lấy cái túi giấy màu nâu to tướng có quai sách, bên trong có đựng những chiếc áo còn thơm mùi vải mới.
Sau khi trả tiền, bà Hoa còn tạt vào khu bán quần áo con trai một lúc rồi mới đi thẳng ra cửa.
Cái túi giấy tuy to nhưng không nặng. Thế mà bà Hoa cứ thay đổi tay xách luôn. Lúc thì bà dùng tay phải, khi bà chuyển sang tay trái. Chân bà bước vội vã trên lối đi có trải thảm màu xám nhạt.
Khi bà Hoa vừa ra tới hành lang cửa hiệu thì một người Mỹ to lớn, chặn bà lại. Ông ta nói xì xồ bằng tiếng Mỹ và ra dấu muốn xem tờ hóa đơn mua hàng và lục xét cái túi sách đựng áo của bà.
Nét mặt bà Hoa tái mét, bà líu ríu tuân theo. Mắt bà Hoa mờ đi khi bàn tay vạm vỡ của người đàn ông Mỹ lôi ra từ trong túi giấy một cái áo ấm màu của đội banh Redskin.
Rồi bà Hoa nặng nề cất bước, theo người đàn ông Mỹ vào văn phòng của cửa hiệu. Một cô bán hàng người Việt Nam được gọi vào để thông dịch.
Thấy người đồng hương, bà Hoa vừa xấu hổ vừa mừng. Bà xấu hổ vì bà biết bà đã phạm tội ăn cắp, một cái tội mà từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ bà vẫn cho là xấu xa lắm. Bà mừng vì bà có thể nhờ cô ta năn nỉ giùm để họ bỏ qua cho bà.
Cô gái Việt Nam có dáng người nhỏ nhắn, khoảng độ hai mươi tuổi. Cô mang bảng tên trên túi áo là Vân. Sau khi người Mỹ nói chuyện với cô, cô quay lại nhìn bà Hoa ân cần nói:
- Trời ơi! Sao bác dại quá vậy? Máy quay phim của họ gắn cùng khắp, bác làm gì người ta cũng biết hết, làm sao mà ăn cắp được?
Bà Hoa rơm rớm nước mắt:
- Tôi đâu có biết vậy. Tôi thấy vắng vẻ mà đồ đạc lại bày la liệt nên tôi mới lỡ dại. Chẳng nói dấu gì cô, gia đình tôi mới sang đây, chưa có việc làm. Số tiền tôi có không thể mua đủ áo ấm cho năm đứa con nên mới làm liều đó thôi. Nhờ cô xin họ thông cảm mà tha cho tôi.
Cô Vân nói líu lo một hồi bằng tiếng Mỹ với người đàn ông. Ông ta lắng nghe rồi lắc đầu, loay hoay viết vào tờ giấy và đưa cho bà Hoa ký.
Cô Vân nhìn bà Hoa thương hại:
- Họ nhất định làm biên bản bác ạ. Thôi, bác ký vào đây rồi lo luật sư sau vậy.
Bà Hoa hốt hoảng:
- Cô nói gì? Cô bảo tôi phải nhờ luật sư lo vụ này cơ à?
-Vâng ạ. Mấy năm nay tội ăn cắp bị xử phạt nặng lắm. Nhiều người chưa có Quốc tịch Mỹ, bị tòa kết án một năm tù là bị đuổi về Việt Nam nữa đấy.
Chân tay bà Hoa bỗng run lẩy bẩy. Bà không hoàn toàn tin lời cô Vân. Nhưng cái viễn ảnh cả gia đình bà bị đuổi về Việt Nam vì cái lỗi lầm của bà thật là khủng khiếp. Bà nhớ tới những tháng năm mẹ con bà sống chui, sống khổ, sống nhục ở Saigon trong khi chồng bà lết từ trại tù này sang trại tù khác. Bà nhớ tới chuỗi ngày dài đằng đẵng gia đình bà ngỏng cổ chờ đợi giấy tờ để được đi sang Mỹ theo diện H.O. Niềm vui đến được miền tự do chưa trọn vẹn thì tai họa lại đổ ập đến với gia đình bà. Bà hối hận, ăn năn vô cùng vì hành động vô ý thức của mình. Bà ứa nước mắt nhìn cái áo nỉ màu nâu màu vàng với dấu hiệu của đội banh Redskin nằm trên bàn. Bà nhớ tới bé Luân và lời hứa "Khi con ở trường về là mẹ có áo mới cho con".
Ngần ngừ mãi rồi bà Hoa cũng phải ký vào tờ biên bản. Ra khỏi văn phòng, bà Hoa hỏi cô Vân:-
- Tôi muốn trả lại hai cái áo lớn để mua cái áo Redskin có được không cô? Tôi lỡ hứa với thằng con út là khi nó đi học về thì tôi sẽ có áo đó cho nó.
Cô Vân nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Bác trả lại hết đi rồi cháu mua giùm bác cái áo Redskin vì cháu mua được trừ ba mươi phần trăm. Sau đó, cháu sẽ dẫn bác tới hiệu bán quần áo cũ ở gần đây để bác mua cho mấy đứa lớn. Nói là quần áo cũ nhưng còn mới lắm, đôi khi có cả những cái còn mới nguyên do các cửa hiệu tặng hội từ thiện để họ bán lấy tiền gây quỹ nữa, mà giá thì rẻ lắm!
- Thế cô không phải làm việc nữa ư?
- Cháu hết giờ làm từ nãy. Cháu đang đi lang thang trong hiệu để mua vài thứ lặt vặt thì họ nhờ cháu thông dịch giùm.
- May mắn cho tôi quá! Nếu không có cô, không biết tôi phải làm sao? Cảm ơn cô nhiều lắm.
- Không có chi bác à. Mình là người đồng hương, mình phải giúp đỡ nhau chứ. Chỉ tiếc là cháu không xin họ tha cho bác được.
Lời nói của cô Vân khiến bà Hoa cảm động. Bà không ngờ câu nói ấy lại thốt ra từ miệng một cô gái trẻ, văn minh như thế kia. Vì bà vẫn thường nghe người ta than phiền là đám trẻ Việt Nam ở Mỹ mất gốc, sống ích kỷ và không còn tình cảm.
Bà Hoa lo lắng hỏi cô Vân:
- Thế này thì họ sẽ đưa tôi ra tòa hả cô?
- Vâng, việc này cũng lôi thôi lắm. Bác có thân nhân ở Mỹ lâu không? Nếu có, bác nhờ họ lo giúp.
Bà Hoa thở dài:
- Có thì cũng có đấy. Nhưng từ hồi tôi sang, thấy họ cũng nhạt nhẽo lắm. Vả lại chuyện này làm tôi xấu hổ quá, đâu dám nói với ai.
Cô Vân nhanh nhẩu:
- Thôi, bác để cháu chỉ dẫn mọi chuyện cho. Bây giờ cháu đưa bác ra trả mấy cái áo, rồi bác ra ngoài kia đợi cháu một tí, cháu mua cái áo Redskin rồi ra ngay.
Bà Hoa theo cô Vân đến quầy trả lại những cái áo đã mua rồi ra ngoài hành lang, đứng tì tay vào thành lan can bằng sắt, lơ đãng nhìn xuống phía dưới của khu thương mại. Người qua, kẻ lại tấp nập. Các cửa hiệu san sát nhau với ánh đèn sáng trưng. Trước cửa hiệu Sears, cảnh trí thật huy hoàng lộng lẫy: một lâu đài, mái hình nhọn hoắt, lóng lánh kim nhũ. Ông già Noel áo đỏ, bụng bự, râu dài, ngồi chụp ảnh với trẻ em. Những mảng bông, giả làm tuyết, trắng xóa, gắn rải rác trên những cây cột cao, trên lối đi. Những gói quà to tướng, gói giấy hoa đủ màu sắc, thắt nơ đẹp đẽ chất chồng lên nhau, cao ngất ngưởng. Những cặp vợ chồng Mỹ choàng tay ôm nhau, ngồi bệt xuống các bậc thang trải thảm màu đỏ thẫm, ngắm các con chạy tung tăng, nhún nhẩy trên con ngựa gỗ hoặc vuốt ve con Sơn dương đang đứng ngơ ngác.
Nhìn cảnh thần tiên nơi trần thế, mắt bà Hoa long lanh ngấn lệ. Cảnh tượng trước mắt bà bỗng mờ hẳn đi. Bà thấy đàn con của bà đang co ro trước cơn gió lạnh trên đường từ trường về nhà. Bà nhớ đến cái áo lạnh Redskin mà đứa con trai út của bà vẫn hằng mơ ước.
Bà Hoa còn đang suy nghĩ miên man thì cô Vân đã đến bên, đưa cho bà cái túi giấy dầu lớn và vui vẻ nói:
- Cái áo Redskin của em đây bác. Bây giờ cháu đưa bác sang hiệu bán quần áo cũ nhé.
- Có gần đây không hả cô?
- Ở phía bên kia đường thôi bác ạ, mình đi bộ được rồi.
Khi bà Hoa và cô Vân xuống tầng dưới, đi ngang qua tòa lâu đài và ông già Noel, cô Vân nói:
- Hôm nào bác cho mấy em ra đây chơi, chắc chúng nó sẽ thích lắm đấy!
Bà Hoa thở dài:
- Vâng, chắc chúng nó sẽ thích, nhưng cũng buồn tủi lắm khi thấy những đứa trẻ khác được đầy đủ, sung sướng hơn chúng.
- Bác phải nhắc các em là những em bé ở Việt Nam còn khổ hơn gấp vạn lần, các em được như vậy là cũng có phước lắm rồi!
- Sự thật thì là thế đấy, nhưng tôi thấy, đôi khi, người lớn mình cũng chẳng có được cái suy nghĩ ấy, nói chi tới mấy đứa trẻ.
- Bác nói đúng đấy! Mấy ông bạn của bố cháu, lúc nào gặp nhau cũng thở ngắn than dài và nhắc lại thuở vàng son xưa cũ mà chẳng chịu so sánh cuộc sống bây giờ với những ngày bị tù tội. Cháu thấy như thế thì chỉ khổ thôi chứ chẳng ích lợi gì cả.
- Thực ra thì cuộc sống của những người mới sang theo diện H.O. cũng khó khăn lắm cô ạ.!
- Cháu biết chứ bác! này nhé, những người mới sang đều là những người đã ở trong quân ngũ, đương đầu với sự sống mỏng manh trước đạn bom trong lứa tuổi thanh niên, rồi mười mấy năm khổ cực trong lao tù, sang đây thì tuổi đã già, cộng thêm một tinh thần mệt mỏi, một thân xác bệnh hoạn, làm sao có thể thích nghi với cuộc sống mới ở đây cho được?
- Lại thêm vào cái mặc cảm bị những người đi trước, khá giả, khinh khi, nên các ông ấy xuống tinh thần lắm!
- Cháu thấy những người mới sang cứ tưởng tượng thế thôi, chứ ở bên này chẳng ai khinh ai đâu bác. Có điều là hai người ở hai thế giới khác nhau quá nên khó cảm thông nhau đó thôi.
- Cô nói cũng có lý đấy!
Bà Hoa và cô Vân vừa đi vừa nói chuyện thật là vui vẻ. Chẳng bao lâu, hai người đã vào bên trong cửa hiệu bán quần áo cũ.
Đúng như lời cô Vân đã nói, bà Hoa thấy quần áo ở đây rất nhiều và còn mới lắm. Mới đến nỗi nếu bà không được biết trước, thì bà sẽ nghĩ, đây là một hiệu bán quần áo như các hiệu ở trong khu thương mại hồi nãy. Nhìn giá treo lủng lẳng ở các tay áo, lưng quần, bà Hoa vô cùng thích thú. Bà thấy giá quá rẻ nên bà say mê chọn lựa để mua cho cả gia đình, vì thực ra từ hồi sang đây, gia đình bà đã dám mua sắm gì đâu. Đôi khi, bà thấy các con mặc không giống ai bà cũng thấy thương chúng nó lắm.
Bà Hoa vui mừng ra khỏi hiệu bán quần áo cũ với một túi quần áo khá lớn trên tay. Không những bà mua áo ấm cho cả gia đình mà bà còn mua thêm được cho mỗi người hai bộ mặc thường ngày nữa. Mua nhiều như thế mà trong túi bà Hoa vẫn còn tiền mang về. Bà Hoa tiếc là đã không ai chỉ dẫn cho bà điều này đến nỗi bà phải mang tội ăn cắp. Nhớ lại chuyện hồi nãy, nét mặt bà Hoa bỗng buồn hiu. Bà không biết sẽ phải ăn nói làm sao với chồng con? Và hậu quả của việc này sẽ đi đến đâu? Thật là nhục nhã quá! Nếu bà có thể độn thổ được, nếu bà có thể trốn đi đâu biệt tăm biệt tích được thì hay biết là chừng nào.
Trước khi từ giã, cô Vân đưa cho bà số điện thoại, dặn dò:
- Có chuyện gì cần, bác cứ gọi cháu. Ban ngày cháu đi làm, tối cháu đi học nên bác có gọi cháu thì gọi khoảng 11 giờ tối là chắc chắn sẽ gặp cháu.
Bà Hoa cảm ơn cô Vân rồi ra chờ xe buýt ở một trạm gần đó. Ngồi trên băng ghế dài trong cái lồng kính, bà thẫn thờ nhìn xe cộ ngược xuôi. Thỉnh thoảng, một cái xe buýt màu vàng chở học sinh chạy ngang khiến lòng bà vô cùng âu lo, bối rối. Chỉ một lát nữa, bà sẽ gặp các con. Chắc chúng nó sẽ vui mừng lắm vì mớ quần áo này. Nhưng rồi sau đó, sau đó sẽ ra sao nhỉ? Một cơn gió lạnh se người thổi qua. Bà đưa tay vào túi quần áo, lấy ra một cái áo len mà bà đã mua cho chính mình, khoác vào người. Bà bỗng mỉm cười khi nghĩ ngày mai các con sẽ được ấm áp lúc đi tới trường. Và đặc biệt, khuôn mặt bé Luân sẽ thật rạng rỡ khi nó mặc chiếc áo Redskin. Trong một khoảnh khắc, bà quên bẵng đi cái viễn ảnh phải ra tòa và bị đuổi về Việt Nam vì cái tội ăn cắp trong khu thương mại của mình./.