Chương 1

Bí mật ngôi nhà hoang

Giới thiệu bộ truyện

Biên niên sử về Narnia viết về một thế giới tưởng tượng, những phép màu và một thế giới song song cùng tồn tại với thế giới của chúng ta. Biên niên sử về Narnia dựng nên một thế giới tưởng tượng, kỳ ảo nhưng có những cơ sở của hiện thực - điểm khác biệt với Harry Potter. Biên niên sử về Narnia là một tác phẩm hư cấu có giá trị nghệ thuật cao trên nhiều phương diện:

Một tác phẩm có cấu trúc cân đối, hoàn chỉnh, tính tư tưởng quán xuyến từ đầu đến cuối ; là tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa, cho con người, đặc biệt là một tình yêu thiên nhiên, hoà mình với thiên nhiên, coi cỏ cây hoa lá, muông thú cũng có tính bản thiện và có nhu cầu được cộng sinh trong thế giới của muôn loài và cho muôn loài. Một tư tưởng rất nhân bản và đang được nhân loại đề cao. Bộ sách giúp bạn đọc có ý thức tốt hơn về môi trường thiên nhiên cũng như môi trường văn hoá. Và đặc biệt có thể nhìn cuộc đời với một đôi mắt “ngây thơ” hơn.

Tác phẩm hấp dẫn nhờ một cốt truyện cổ điển, có mâu thuẫn, cao trào và giải quyết mâu thuẫn, thể hiện một trí tưởng tượng rất cao, mang dấu ấn của cá tính sáng tạo của nhà văn. Từ tập 1 đến tập 7, thế giới tưởng tượng được xây dựng và phát triển một cách vừa khác biệt vừa nhất quán với toàn bộ và theo cấp độ tăng tiến, khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những hình tượng độc đáo, kỳ thú không hề bị lặp lại.

Tác phẩm đưa ra một hệ thống nhân vật phong phú, có cá tính : không có nhân vật nào lẫn với nhân vật nào, dù là con vật hay con người đều có những nét đặc biệt đáng ghi nhớ. Lối giải quyết mâu thuẫn của tác giả, tự nhiên, không gượng ép và đặc biệt là nhẹ nhàng, thoải mái không gây nên những cảnh quá dữ dội có thể ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ.

Theo bình chọn của tạp chí Big Reader : Biên niên sử về Narnia có tên trong danh sách 21 cuốn sách được độc giả Anh yêu thích nhất (trong danh sách 100 tiểu thuyết thế giới).

Bộ truyện được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh trở thành là bộ phim ăn khách của thế kỷ 21.

Đôi nét về tác giả C.S. Lewis

C.S. Lewis (Clive Staples Lewis) sinh năm 1898 tại Belfast. Ông làm nghiên cứu sinh và là trợ giảng bộ môn Văn học Anh tại trường Magdalen, Oxford và sau này là giáo sư bộ môn Văn học thời kỳ Trung cổ và Phục hưng tại Đại học Cambridge, nơi ông làm việc cho đến khi qua đời vào năm 1963.

Ông viết rất nhiều sách về phê bình văn học và Đạo cơ đốc, với tác phẩm nổi tiếng “The Screwtape Letters”, cùng với bốn cuốn tiểu thuyết khác dành cho người lớn. Những tác phẩm của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng và bán được hàng triệu bản. Bộ truyện bảy tập “Biên niên sử Narnia” là bộ truyện duy nhất ông viết cho trẻ em và đã xuất sắc trở thành một trong những tác phẩm kinh điển trong dòng văn học thiếu nhi thế giới.

CÁC NHÂN VẬT TRONG BỘ SÁCH NÀY

Aslan: Vua, chúa tể của cả khu rừng và là con trai của vị hoàng đế thống trị cả một vùng biển. Aslan là một con sư tử, một con sư tử vĩ đại. Nó đến và đi khi nó muốn; nó tới để đánh lại mụ phù thủy và cứu Narnia. Aslan xuất hiện trong cả bảy tập truyện.

Digory Kirke: Digory có mặt từ ngay tập đầu Cháu trai pháp sư và nhân vật này cũng xuất hiện trong tập Sư tử, phù thủy và cái tủ áo. Nếu không từ sự dũng cảm của Digory, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ được nghe về Narnia. Hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao ở tập Cháu trai pháp sư.

Polly Plummer : Polly là người đầu tiên rời khỏi thế giới của chúng ta. Cô ấy cùng với Digory xuất hiện ngay từ đầu trong tập Cháu trai pháp sư.

Jadis: Hoàng hậu cuối cùng của Charn, một vùng đất bị chính bà ta hủy diệt. Jadis tới vùng đất Narnia cùng với Digory và Polly trong tập Cháu trai pháp sư và thống trị vùng đất này trong vai trò là mụ Bạch Phù Thủy trong tập Sư tử, phù thủy và cái tủ áo. Một kẻ quỷ quyệt, bà ta là một người rất nguy hiểm, thậm chí cả trong tập truyện Chiếc ghế bạc.

Bác Andrew: Ngài Andrew Ketterly nghĩ ông ta chính là một pháp sư nhưng giống như tất cả những người nhúng mũi vào pháp thuật, ông ta không thực sự biết mình đang làm gì. Kết quả là một điều khủng khiếp xảy ra trong tập Cháu trai pháp sư.

Những đứa trẻ nhà Pevensie

Peter Pevensie: Vua Peter Dũng mãnh

Susan Pevensie: Nữ hoàng Susan Hiền dịu

Edmund Pevensie: Vua Edmund Công chính

Lucy Pevensie: Nữ hoàng Lucy Can đảm

Bốn đứa trẻ nhà Pevensie đến thăm vùng đất Narnia vào mùa đông khi vùng đất đang bị Bạch Phù Thủy cai trị. Chúng đã ở đó trong nhiều năm của Narnia và thiết lập một thời đại Vàng cho Narnia. Peter là anh cả, kế đến là Susan, rồi tới Edmund và Lucy. Các nhân vật này xuất hiện trong tập Hoàng tử Caspian. Edmund và Lucy còn có mặt trong tập Trên con tàu Hướng tới Bình minh; Edmund, Lucy và Susan có mặt ở tập Con ngựa và cậu bé; Peter, Edmund và Lucy xuất hiện ở tập Trận chiến cuối cùng.

Shasta: Có một bí mật về đứa con nuôi của người ngư dân Calormene. Thực ra đó là một cậu bé rất khác thường và chính cậu phát hiện ra điều này trong tập Con ngựa và cậu bé.

Bree: Con chiến mã này cũng rất đặc biệt. Nó bị bắt khi còn là một con ngựa con trong khu rừng của Narnia và được bán làm ngựa thồ ở Calormen, một đất nước ở bên kia của Archenland và nằm xa phía nam của Narnia. Chuyến thám hiểm của nó thực sự bắt đầu khi nó cố bỏ trốn trong tập Con ngựa và cậu bé.

Aravis: Một cô gái Calormen quý tộc, nhưng cô lại có rất nhiều tính tốt và những đức tính này tỏa sáng trong tập Con ngựa và cậu bé.

Hwin: Một con ngựa tốt bụng và thông thái. Một nô lệ bị bắt khỏi vùng đất Narnia, nó và Aravis kết bạn với nhau trong tập Con ngựa và cậu bé.

Hoàng tử Caspian: Là cháu trai của vua Miraz và là Caspian 10, con trai của Caspian và là vị vua thực sự của Narnia (Vua của người Narnia cổ xưa). Cậu cũng được gọi là người Telmarine của vùng đất Narnia, chúa tể của Cair Paravel và hoàng đế của Quần đảo Đơn Côi (Lone islands). Cậu ta xuất hiện trong các tập: Hoàng tử Caspian, Trên con tàu Hướng tới Bình minh, Chiếc ghế bạc và Trận chiến cuối cùng.

Miraz: Một người Telmarine của vùng Telmar, một nơi nằm bên kia dãy núi phía tây (Tổ tiên của người Telmarine nguồn gốc là đến từ thế giới chúng ta) và là người cướp ngôi báu cai trị Narnia trong tập Hoàng tử Caspian.

Reepicheep: Là Con chuột thống lĩnh. Nó tự phong cho mình là một người hầu khiêm tốn của hoàng tử Caspian, và có lẽ là một hiệp sĩ dũng cảm nhất của vùng Narnia. Phong cách hiệp sĩ của nó cùng với sự dũng cảm và kỹ năng dùng kiếm thì không ai có thể vượt qua được. Reepicheep xuất hiện trong các tập: Hoàng tử Caspian, Trên con tàu Hướng tới Bình minh và Trận chiến cuối cùng.

Eustace Clarence Lông Vịt: Là một người họ hàng của gia đình Pevensie, người mà Edmund và Lucy phải đến thăm. Cậu ta đã sốc khi thấy Narnia. Nhân vật này có mặt trong các tập: Trên con tàu Hướng tới Bình minh, Chiếc ghế bạc và Trận chiến cuối cùng.

Jill Pole: Một nữ anh hùng trong tập Chiếc ghế bạc. Cô đến Narnia cùng với Eustace trong chuyến đi thứ hai của Eustace đến vùng đất này. Cô ấy cũng xuất hiện để trợ giúp trong tập truyện: Trận chiến cuối cùng.

Hoàng tử Rillian: Con trai của vua Caspian 10, Rillian là hoàng tử bị lạc trong vùng đất Narnia, xuất hiện trong tập: Chiếc ghế bạc.

Puddleglum: Sống ở Khu đầm lầy phía đông của Narnia. Ông ta rất cao và hình thức khó coi của ông ta che đậy một trái tim nhân hậu và sự dũng cảm tuyệt vời. Nhân vật này xuất hiện ở tập: Chiếc ghế bạc và Trận chiến cuối cùng.

Vua Tirian: Cao cả và dũng cảm, Tirian là vị vua cuối cùng của Narnia. Cùng với người bạn Jewel, một con kỳ lân, vua Tirian đã chiến đấu trong Trận chiến cuối cùng.

Shift: Một con khỉ già cụt đuôi xấu xí. Shift quyết định là nó nên cai quản Narnia và bắt đầu làm những việc mà bản thân nó không thể dừng lại được trong tập Trận chiến cuối cùng.

Puzzle: Một con lừa không bao giờ làm hại người khác, không được thông minh cho lắm. Và Shift đã lừa nó trong Trận chiến cuối cùng.

***

Đây là câu chuyện kể về một sự kiện đã xảy ra lâu lắm rồi. Ngày ấy, ông nội bạn vẫn còn là một đứa trẻ. Đây cũng là một câu chuyện hết sức quan trọng bởi vì nó cho biết chuyện gì đã xảy ra giữa thế giới của chúng ta với mảnh đất Narnia từ buổi khai thiên lập địa.

Vào thời điểm ấy, thám tử tài ba Sherlock Holme vẫn sống ở đường Baker còn Bastables thì đang tìm kho báu ở đường Lewisham. Thời ấy, nếu bạn là một cậu bé, bạn sẽ phải mặc áo cổ cồn kiểu Eton thít chặt lấy cổ còn bọn học sinh ấy mà, đúng là được xếp thứ ba trong việc quậy – chỉ sau ai thì bạn biết rồi đấy. Nhưng các món ăn thì ngon hết biết, còn kẹo bánh thì… Thôi, tôi chả nói nó rẻ và ngon đến mức nào đâu, e sẽ làm bạn chảy nước miếng vì thèm mất thôi.

Phải vào thời ấy, có cô bé tên là Polly Plummer.

Cô bé sống trong một căn hộ nằm trong một dãy nhà liên kế dài. Một sáng nọ trong lúc ra vườn sau chơi cô thấy một thằng nhóc đang trèo lên bức tường nhà bên cạnh. Polly lấy làm thắc mắc bởi vì cho đến lúc ấy nó chưa hề trông thấy một nhóc nào ở nhà bên ngoài ông già Ketterley và cô Ketterley, vốn là hai anh em ruột – một ông già độc thân và một bà cô không chồng. Vì thế khi ngóng cổ nhìn sang, trên mặt con bé mang một dấu hỏi to đùng. Mặt cậu bé kia thì nhem nhuốc như hề. Khó có thể làm cho mặt nó bẩn hơn, kể cả khi nó nghịch đất nghịch cát rồi vì một lí do gì đó khóc nức nở và đưa hai tay lên lau mặt. Nhưng thật ra thì đó gần như là điều mà nó vừa làm.

- Xin chào. – Polly lên tiếng.

- Chào bạn. – Thằng bé nói. – Tên cậu là gì?

- Polly. Còn cậu?

- Digory.

- Tôi có thể nói, đó là một cái tên thật buồn cười. – Polly nói.

- Cũng không tức cười bằng nửa cái tên Polly.

- Tên cậu mới ngốc nghếch làm sao.

- Không phải như vậy. – Digory cãi lại.

- Dù sao thì tôi cũng sẽ đi rửa mặt. – Polly bực bội nói. – Đó là điều mà bạn cần làm, nhất là sau khi… - Nói đến đây, cô bé dừng lại. Nó định nói sau khi đằng ấy vừa vãi nước mắt ra, - nhưng đã kịp dừng lại vì nghĩ nói như thế không được lịch sự cho lắm.

- Được thôi, tôi cũng đang định… – Digory nói, giọng vùng lên, đúng cái kiểu một thằng con trai đau khổ đến mức không thèm quan tâm đến việc có người biết nó vừa mới khóc nhè. – Cậu… cậu cũng thế thôi, - nó tiếp tục, - nếu cậu đã sống từ hồi nào đến giờ ở nông thôn… làm bạn với một con ngựa non và một dòng sông chảy qua vườn nhà rồi lại bị bốc đến sống trong một cái hốc bẩn thỉu như thế này…

- London không phải là một cái hốc. – Polly nói giọng phẫn nộ.

Nhưng Digory, đau khổ đến mức đâu còn quan tâm đến người đối diện, đã nói tiếp:

- Nếu cha cậu phải đi sang tận Ấn Độ… cậu phải đến sống với một bà dì và một ông bác khùng (ai mà thích như thế?)… với một lí do họ phải chăm sóc mẹ cậu – và nếu mẹ cậu bị ốm nặng và sắp… sắp… chết. – Nói đến đây mặt nó méo xẹo đi như cái kiểu người ta cố kìm lại những giọt nước mắt.

- Tôi không biết. Tôi xin lỗi. – Polly nhún nhường. Rồi vì không biết phải nói gì và cũng vì muốn Digory chú ý đến một đề tài khác vui vẻ hơn, nó hỏi:

- Thế ông Ketterley khùng thật sao?

- À… có thể là bác ấy khùng, - Digory nói, - cũng có thế bác ấy đang có một bí mật nào đó. Bác ấy có một phòng nghiên cứu ở gác xép và dì Letty cấm tôi không bao giờ được bước chân lên đấy. Phải… những việc này ngay từ đầu đã có một cái gì rất ám muội. À, mà có một chuyện này nữa. Mỗi khi bác ấy cố nói một điều gì đó với tôi trong bữa ăn – trong khi bác ấy thậm trí chưa bao giờ nói chuyện với em gái thì dì Letty bao giờ cũng cố chặn bác ấy lại. Dì nói “Không phải lo cho thằng bé đâu, Andrew” hoặc “Em chắc là Digory không muốn nghe chuyện đó” hoặc là “Nào, Digory, cháu có muốn ra ngoài vườn chơi không?”

- Thế bác ấy cố nói chuyện gì vậy?

- Tôi không biết, bác ấy không bao giờ đi quá xa. Nhưng còn có chuyện gì nữa… Một đêm – thực ra là đêm hôm qua – trong lúc tôi đi ngang qua chân cầu thang dẫn lên phòng áp mái để về phòng ngủ (tôi cũng chẳng thích thú gì cái chuyện đi ngang qua đấy đâu) tôi nghĩ mình nghe một tiếng kêu hốt hoảng.

- Có lẽ ông ấy nhốt một người vợ điên ở trên ấy.

- Phải, tôi cũng cho là thế.

- Hoặc giả ông ta đang làm tiền giả.

- Hoặc cũng có thế bác ấy là một tên cướp biển. Giống như người đàn ông ở đoạn đầu câu chuyện Đảo giấu vàng nên phải trốn chui trốn lủi tránh những tên đồng bọn cũ.

- Ái chà, tất cả những chuyện này có cái gì thật kích động đây! – Polly reo lên. – Thế mà tớ chưa bao giờ nghĩ là nhà bên ấy lại có gì hấp dẫn đâu.

- Cậu có thể nghĩ là nó thú vị. – Digory buồn bã nói. – Nhưng cậu sẽ không thích thế đâu, nếu buộc phải sống ở đó. Làm sao cậu thích được khi nằm nín thở lắng nghe tiếng bước chân của bác Andrew rón rén đi dọc hành lang vào buồng ngủ của cậu? Mà bác ấy có đôi mắt trông đến sợ.

Chuyện xảy ra vào những ngày đầu mùa hè. Năm ấy, cả hai đứa trẻ đều không đi nghỉ mát ngoài biển nên hầu như ngày nào chúng cũng gặp nhau.

Đó là một trong những mùa hè ẩm ướt và lạnh lẽo nhất trong bao năm qua. Thời tiết buộc chúng phải chơi những trò chơi trong nhà: bạn có thể gọi đó là những khám phá trong bốn bức tường. Tuyệt vời biết bao khi bạn có thể đi thám hiểm trong một ngôi nhà rộng hoặc trong cả một dãy nhà với một mẩu nến.

Từ lâu, Polly đã phát hiện ra rằng nếu nó mở một cánh cửa nhỏ trong gian phòng áp mái đựng đồ linh tinh, nó sẽ tìm thấy một cái bồn chứa nước và một góc tối sau bồn chứa, một nơi mà nó có thể vào được bằng cách bò cẩn thận từng chút một. Cái chỗ tối tăm ấy rất giống một địa đạo sâu hun hút, bức tường gạch ở một bên và mái nhà dốc thoai thoải ở bên kia. Có vài khe hở nhỏ trên mái nhà, giữa những viên đá đen, cho phép một vài tia sáng lọt vào. Không có sàn nhà ở lối đi này. Bạn phải đặt từng bước chân lên các rui nhà mà giữa các rui chỉ có vữa. Nếu đặt chân lên đấy bạn sẽ thấy mình rơi tọt xuống trần nhà phía dưới. Polly đã dùng một phần lối đi ngay bên cạnh bồn chứa như một cái hang của những kẻ buôn lậu. Nó tha đến đấy nào mấy hộp đựng đồ đã cũ mèm, mấy cái ghế bị gãy trong nhà bếp và những vật dụng tương tự. Nó gác những vật đó từ thanh rui này sang thanh rui khác làm thành một lối đi mới. Trong hang, nó cất giữ một cái hộp đựng tiền, có chứa nhiều vật lặt vặt khác, có cả một câu chuyện mà nó đang viết và thường là một vài trái táo. Nó cũng thường lặng lẽ uống một chút bia gừng ở đây: những cái chai cũ làm cho nơi này giống một cái hang của bọn buôn lậu thật sự.

Digory thích cái hang này (Polly không để cho bạn đọc câu chuyện nó đang viết) nhưng nó còn thích thám hiểm hơn.

- Coi này, - một hôm nó nói – cái lối đi này kéo dài đến đâu? Tớ muốn nói không biết có phải nó chỉ nằm trong khu vực nhà cậu không?

- Không, - Polly nói, - tường không xây cao đến tận mái nhà. Lối đi thông qua hai nhà, nhưng tớ không biết nó dài bao nhiêu.

- Nếu vậy chúng ta có thể đi suốt chiều dài của cả dãy nhà này.

- Có thể. – Polly nói. - Ồ, tớ muốn nói…

- Nói cái gì?

- Chúng ta có thể đi vào những căn nhà khác.

- Phải, và để bị tóm như những kẻ đào tường khoét ngạch. Không, xin cảm ơn.

- Đừng có suy diễn như thế. Tớ đang nghĩ đến căn hộ cạnh nhà cậu.

- Có chuyện gì vậy?

- Chuyện gì à? Thì nó là nhà hoang. Bố tớ bảo, nó bị bỏ hoang kể từ ngày nhà tớ dọn đến đây.

- Nếu vậy, tớ cho rằng chúng mình cũng nên thử nhìn qua một cái xem sao. – Digory nói. Nó còn dễ bị kích động hơn là bạn tưởng nếu căn cứ vào cái cách nó nói. Bởi vì nó đang hình dung ra tất cả những lí do – cũng như vào lúc này chắc bạn cũng đang nghĩ – là tại sao căn nhà lại bị bỏ hoang lâu đến thế. Cả Polly cũng vậy, tuy không đứa nào nói ra cái câu là nhà – có – ma. Cả hai đều cảm thấy một khi đã nói ra thành lời thì chúng đích thị là những đứa hèn nhát nếu sau đó không dám thám hiểm ngôi nhà này.

- Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu ngay bây giờ chứ? - Digory hỏi.

- Ừm… được…

- Thôi nếu bạn chưa sẵn sàng, thì thôi vậy. – Digory gợi ý.

- Tớ dám liều nếu cậu cũng có gan. – Polly rắn rỏi đáp.

- Nhưng làm sao chúng ta biết được khi nào chúng ta bước sang ngôi nhà kế tiếp? – Hai đứa quyết định chúng sẽ đi ra khỏi phòng chứa đồ và cứ tiếp tục đếm từng bước khi đi qua các rui nhà. Bằng cách ấy chúng sẽ biết có bao nhiêu rui nhà trong một gian phòng. Sau đó chúng sẽ tính thêm bốn cái rui nữa, lối đi giữa hai gian phòng áp mái trong nhà Polly và cũng một con số tương tự như thế cho phòng cô hầu gái và phòng chứa đồ. Như vậy, chúng sẽ ước lượng được chiều ngang ngôi nhà. Khi đi gấp đôi khoảng cách đó, chúng sẽ đi hết nhà Digory và bất cứ cánh cửa nào mở ra sau đó sẽ dẫn chúng đến ngôi nhà áp mái của ngôi nhà không có người ở.

- Nhưng tớ không mong là nó bỏ hoang chút nào. – Digory nói.

- Thế cậu mong cái gì nào?

- Tớ muốn có một ai sống lén lút trong đó, chỉ đến và đi vào ban đêm, với một cái đèn lồng che kín. Có thể chúng ta sẽ khám phá ra một băng tội phạm nghiêm trọng và nhận được một phần thưởng. Tất cả tình trạng mục nát này đều nói lên rằng ngôi nhà bị bỏ hoang bao năm qua, trừ phi có một bí mật nào đó.

- Bố tớ nói có thể đó là do các ống nước. – Polly nói.

- Chà! Người lớn bao giờ cũng nghĩ ra những lời giải thích chán chết. – Digory nói.

Lúc này chúng đang đứng nói chuyện ở phòng áp mái, dưới ánh sáng ban ngày chứ không phải dưới ánh nến trong hang buôn lậu nên mọi chuyện dường như đơn giản hơn và cái ý nghĩ ngôi nhà bị ma ám xem ra không có sức thuyết phục.

Khi hai đứa đo đạc phòng áp mái, chúng dùng đến bút chì và làm nhiều việc khác. Đầu tiên, hai đứa đặt ra những câu trả lời khác nhau cho vấn đề này và kể cả khi chúng nhất trí với nhau thì tôi cũng không chắc là những vấn đề chúng đặt ra có đúng không nữa. Hai đứa nóng lòng muốn bắt đầu cuộc khám phá bí mật ngôi nhà hoang.

Chúng ta không được gây ra tiếng động. – Polly nói trong khi hai đứa trèo ra sau bồn nước. Đây là một trường hợp quan trọng, mỗi đứa cầm một ngọn nến (Polly có cả một kho nến dự trữ trong hang).

Lối đi vừa tối tăm, bụi bặm, vừa khó đi và chúng bước từ cái rui này qua cái rui khác mà không nói một lời, trừ một vài lần thì thào những câu như: Chúng ta đang đối diện với phòng gác mái nhà cậu – hoặc – chắc đã đi được nửa đoạn đường.

Không một đứa nào bị trượt chân và nến cũng không tắt. Cuối cùng hai đứa cũng đến đích và chúng thấy một cánh cửa nhỏ trổ ra từ bức tường gạch bên tay phải. Không có then cửa hoặc tay cầm ở phía bên này vì tất nhiên cái cửa được làm ra chỉ để đi vào chứ không phải để đi ra, nhưng có một cái móc (như bạn thường thấy ở bên trong một cái cửa tủ) và bọn trẻ cảm thấy yên tâm, thế là chúng có hai đường thoát lui.

- Để tớ vào nhé. – Digory nói giọng ngập ngừng.

- Tớ cũng sẽ liều nếu cậu dám. – Polly lặp lại câu nó đã nói lần trước. Cả hai đều cảm thấy chúng đang tiến gần đến một cái gì khá nguy hiểm, nhưng không đứa nào muốn rút lui trước. Digory mở cái móc một cách khó khăn. Cánh cửa bật mở và bất thình lình ánh sáng ban ngày làm cho chúng lóa mắt. Rồi với một sự kinh ngạc cao độ, chúng thấy trước mắt không phải là một cái phòng áp mái bỏ hoang mà là một căn phòng được bày trí đồ đạc, mặc dù khá trống trải và căn phòng chìm trong một sự im lặng đầy chết chóc. Sự tò mò của Polly đã thắng, nó thổi tắt ngọn nến và bước vào căn phòng kì lạ, không gây nên một tiếng động to hơn của một con chuột nhắt.

Tất nhiên căn phòng này chính là phòng áp mái nhưng lại được bày biện như phòng khách. Nhiều khoảng tường được kê kín bởi các kệ sách và nhiều kệ sách chất đầy sách vở. Một ngọn lửa bập bùng cháy sáng trong vỉ lò (xin bạn nhớ cho, đó là một mùa hè ẩm ướt và lạnh lẽo). Trước lò sưởi và quay lưng về phía hai đứa là một cái ghế bành lưng cao. Giữa cái ghế và Polly, và gần như nằm giữa phòng là một cái bàn lớn bày la liệt đủ loại sách in, tập vở, lọ mực, sáp dán thư và một cái kính hiển vi. Nhưng vật đập ngay vào mắt Polly là một cái khay gỗ màu đỏ tươi đựng mấy cái nhẫn. Nhẫn được sắp thành từng cặp, màu xanh đi đôi với màu vàng, chừa một khoảng trống rồi lại đến một cặp nhẫn tiếp theo. Những chiếc nhẫn này không lớn hơn những chiếc nhẫn bình thường và không ai không nhận ra bởi vì những chiếc nhẫn này phát sáng. Có thể nói đó là những vật nhỏ lấp lánh và đẹp nhất mà bạn có thể hình dung ra được. Nếu Polly nhỏ hơn một chút, hẳn nó sẽ muốn ngậm một cái trong miệng.

Căn phòng yên ắng đến mức bạn sẽ nhận ra ngay tiếng tích tắc đều đặn của một chiếc đồng hồ. Tuy vậy, bây giờ Polly nhận ra là căn phòng không hoàn toàn yên lặng. Có một tiếng rù rì rất mảnh, rất mơ hồ, rất khẽ khàng, khiến nó khó lòng nhận ra được. Nếu máy hút bụi được sáng chế ra vào thời ấy hẳn Polly sẽ nghĩ đó là tiếng động của một cái máy hút bụi hiệu Hoover đang hoạt động ở xa – cách đây mấy căn phòng và ở dưới mấy tầng lầu. Nhưng đây là một âm thanh dễ chịu hơn nhiều, giàu nhạc điệu hơn, chỉ có điều nó quá nhỏ để bạn có thể nhận ra ngay.

- Ổn rồi, không có ai ở đây hết. – Polly ngoái đầu lại nói với Digory. Giọng nó chỉ to hơn tiếng thì thào một chút. Digory bước vào phòng, hai mắt hấp háy, cả người nhem nhuốc như vừa trong lỗ chui ra – thực ra thì cả Polly cũng vậy.

- Thế này thì không ổn rồi. – Digory nói. – Hoàn toàn không phải là nhà hoang. Tốt nhất hãy ra khỏi đây trước khi có người tới.

- Cậu nghĩ kia là cái gì? – Polly hỏi, chỉ vào những cái nhẫn lấp lánh.

- Ồ, thôi đi, càng sớm… - nó còn chưa kịp nói hết câu thì đã có một chuyện xảy ra.

Cái ghế bành lưng cao trước lò sưởi bất thần chuyển động và từ đó đứng lên – giống như một con quỷ lao ra từ một cái cửa sập trong kịch thần thoại – chính là cái bóng dáng u ám đầy đe dọa của bác Andrew. Thế là không phải chúng vào ngôi nhà hoang mà là đang đứng trong nhà Digory và ở trong căn phòng cấm. Cả hai đều ồ lên một tiếng, khi nhận ra sai lầm của mình. Chúng cảm thấy lẽ ra chúng phải biết trước là không nên đi quá xa như thế.

Bác Andrew cao lòng khòng, gầy trơ xương, khuôn mặt dài thòng, nhẵn nhụi không râu, với cái mũi nhọn hoắt, đôi mắt sáng long lanh và mái tóc bạc rối bù.

Digory ớ người ra không thốt lên được tiếng nào bởi vì trông bác Andrew một ngàn lần dữ tợn hơn bất cứ lúc nào trước đó. Tuy lúc đầu Polly không sợ hãi bằng bạn, nhưng chẳng bao lâu cô bé cũng hoảng thật sự. Bởi việc đầu tiên bác Andrew làm là đi đến cửa phòng, đóng sập cửa lại, quay chìa khóa trong ổ. Đoạn ông quay lại nhìn hai đứa chằm chặp: đôi mắt sáng quắc, những thớ thịt trên mặt nhúc nhích, ông nhe ra tất cả 36 cái răng.

- Bây giờ thì cô em gái ngu ngốc của ta sẽ không làm gì được các cháu.

Mọi việc thật dễ sợ và không hề giống bất cứ cái gì mà người ta chờ đợi ở một người lớn. Trái tim Polly thót lên đến tận cổ, nó và Digory quay lại nhìn chằm chằm vào cái cánh cửa mà chúng vừa chui qua. Bác Andrew hành động rất nhanh. Ông đi vòng ra sau lưng hai đứa, đóng sập cánh cửa lại và đứng chắn ngang. Đoạn ông xoa hai tay vào nhau, bẻ đốt ngón tay răng rắc – ông có những ngón tay dài, trắng xanh, thanh nhã.

- Bác rất vui khi được gặp các cháu. Hai đứa đúng là người mà bác cần.

- Làm ơn, thưa ông Ketterley, - Polly năn nỉ. – Sắp đến giờ ăn trưa rồi và cháu phải về nhà. Xin ông làm ơn cho chúng cháu ra ngoài.

- Chưa phải lúc này, một cơ hội tốt như vậy làm sao ta có thể bỏ qua được. Bác muốn cả hai đứa. Các cháu thấy đấy, bác đang tiến hành một thí nghiệm hết sức vĩ đại. Bác đang thử với một chú chuột bạch và nó dường như có tác dụng. Nhưng một con chuột bạch thì không thể nói với các cháu bất cứ điều gì. Và các cháu cũng không thể giải thích với nó khi nó quay lại.

- Coi này, bác Andrew, - Digory nói, - đã đến giờ ăn rồi và mọi người sẽ đi tìm chúng cháu. Bác phải để cho chúng cháu ra khỏi đây.

- Phải ư? – Bác Andrew hỏi lại.

Digory và Polly liếc nhìn nhau. Chúng không dám nói thêm điều gì nhưng những cái liếc mắt có nghĩa là: - Thôi lần này thì tiêu rồi – và – Chúng ta cố chịu đựng một lúc xem sao.

- Nếu bác để cho chúng cháu về nhà ăn trưa ngay bây giờ, - Polly nói, - chúng cháu sẽ trở lại đây sau bữa ăn.

- Ờ, mà làm sao ta biết chắc là các cháu sẽ làm như thế hả? – Bác Andrew nói với một nụ cười rất láu, nhưng sau đó ông có vẻ nghĩ lại.

- Thôi được, thôi được, nếu các cháu nhất định phải về thì bác cũng cho là các cháu nên đi đi. Bác cũng không dám hi vọng là hai bạn nhỏ như các cháu lại thấy có gì vui vẻ trong việc nói chuyện với một lão già vô dụng như ta. – Ông thở dài và nói tiếp. – Các cháu không biết đôi khi ta cảm thấy cô đơn như thế nào đâu. Nhưng không hề gì, cứ về ăn cơm đi. Nhưng mà này, ta phải cho cháu một món quà trước khi cháu ra về chứ? Không phải ngày nào ta cũng gặp một cô bé trong căn phòng làm việc cũ kĩ bẩn thỉu này đâu… nhất là, ta có thể nói… một cô bé đáng yêu như cháu.

Polly bắt đầu nghĩ rằng ông già này không hề điên chút nào.

- Cháu có muốn một cái nhẫn không cháu gái? – Bác Andrew nói với Polly.

- Có phải bác muốn nói một trong những chiếc nhẫn vàng hoặc xanh lá cây kia? Trông chúng thật đẹp ạ.

- Không phải nhẫn xanh lá cây. – Bác Andrew nói. – Bác e rằng, bác chưa thể cho cháu một cái nhẫn màu xanh. Nhưng bác rất vui được tặng cháu bất cứ chiếc nhẫn màu vàng nào… với tất cả tấm lòng quý mến của bác. Lại đây đi, thử một cái xem nào.

Lúc này Polly đã vượt qua được nỗi sợ hãi, nó biết rõ là ông già này không điên, và chắc chắn là những chiếc nhẫn kia có một sức hút không thể cưỡng lại được. Cô bé bước đến gần khay gỗ.

- Sao thế nhỉ? Cháu dám nói là những tiếng rù rì này nghe to hơn. – Polly nói. – Hình như chính những chiếc nhẫn phát ra cái tiếng rù rì này.

- Chỉ là một trò chơi vui vui của trí tưởng tượng, cháu yêu ạ. – Bác Andrew nói với một tiếng cười cụt lủn. Một tiếng cười bình thường không có gì đáng nói nhưng Digory đã nhìn thấy một vẻ háo hức gần như là tham lam trên gương mặt ông.

- Polly! Đừng ngốc như thế! – Nó thét lên. – Đừng chạm tay vào!

Quá trễ rồi. Đúng lúc nó bật ra thì Polly đã đưa tay ra chạm vào một trong những cái nhẫn. Và lập tức Polly biến mất không phát ra một tia chớp, một tiếng động hay một lời cảnh báo nào. Chỉ còn lại Digory và bác nó trong phòng.