Mẹ giờ già yếu lắm

Con chẳng còn bé thơ

Dẫu với đời ngạo nghễ

Thiếu mẹ cũng bơ vợ

Bạn vừa đọc xong mấy câu thơ ngắn về Mẹ. Tôi không dám nói đoạn thơ này hay hoặc không hay, nhưng tôi tin nó được viết với tất cả xúc động của tác giả và cũng tin nó đã ít nhiều tạo được những xao xuyến trong lòng mỗi chúng tạ Tình cảm của một người mẹ, cho dẫu có được diễn đạt thô sơ đến như thế nào cũng như những tiếng chuông êm ái, những gợi nhắc dịu dàng làm ấm áp lòng người. Bạn có đồng ý như vậy không? Bạn trẻ. Nếu phải, xin vui lòng nghe tôi nói và cũng xin vui lòng bằng cái xao xuyến mà ý thơ còn đọng lại trong lòng chúng ta, bỏ qua cho tôi những gì tôi sắp nói- được hiểu như những nhận xét ngay thật- mà có thể có nhiều bạn không hoàn toàn vui lòng.

Trước hết, xin mời các bạn đọc, và cùng suy nghiệm về cách hành xử của hai người mẹ sau đây:

Người thứ nhất là Triệu phu nhân, góa phụ của Xa Kỵ Tướng Quân Triệu Xa, nước Triệu, thời chiến quốc. Triệu phu nhân có một người con trai tên là Triệu Quát. Quát là một thiếu niên anh tuấn, từ bé đã giỏi về binh pháp, các sách lục thao tam lược đều đọc một lần là thuộc nằm lòng, vẫn thường cùng cha bàn việc binh, chỉ trời vạch đất có ý không coi ai ra gì. Khi Triệu Xa mất, nước Tầøn đưa binh sang đánh, vua Triệu phong cho Triệu Quát làm Thượng Tướng cầm binh chống giặc. Quát nhận lệnh, cho tổ chức duyệt binh, dương oai diệu võ rất hách dịch, rồi chở vàng bạc vua ban về dâng cho mẹ để báo tin mừng.

Triệu phu nhân nhận tin con được phong tướng nhưng lòng không vui, bà viết biểu tâu lên vua xin chọn người khác thay thế Quát. Vua lấy làm lạ cho đòi Triệu phu nhân vào triều hỏi lý dọ Triệu phu nhân tâu:

- Phụ thân Quát xưa làm tướng, được ban thưởng gì đều đem chia hết cho binh lính; ngày thụ mệnh bèn ngủ trong quân không hỏi đến việc nhà, cùng quân lính đồng cam cộng khổ, mỗi việc đều hỏi ý kiến mọi người, không dám tự chuyên. Nay Quát mới được làm tướng đã cậy mình làm oai, quan liêu hánh dịch không ai dám nhìn mặt; tự cao tự đại cho là không ai bằng mình, vàng bạc vua ban đều mang cả về nhà, làm tướng há khiông nên như thế. Quát cần học hỏi, tu sửa nhiều mới có thể thành nhân và đảm đương được trọng trách. Nếu bây giờ Quát làm tướng tất sẽ làm hại cho bản thân và gây tổn thất cho đất nước, xin bệ hạ xét lại.

Vua Triệu không nghe lời can, vẫn phong Quát làm tướng và nước Triệu bại trận, không phải do Quát kém tài mà do những khuyết điểm như Triệu phu nhân đã phân tích.

Người mẹ thứ hai là Tuyên Khương, nước Vệ. Tuyên Khương lấy Vệ Tuyên Công sinh được hai con trai là công tử Thọ và công tử Sóc. Trước đó, khi chưa lên ngôi, Vệ Tuyên Công đã lấy nàng Di Khương sinh được một con trai tên là Cấp Tử và khi lên ngôi phong cho Cấp Tử làm Thế tử để nối ngôi sau này.

Tuyên Khương, phần vì ganh ghét với địa vị của Di Khương, phần thương con, muốn cho con mình được nối ngôi nên đã lợi dụng sự mê đắm của Vệ Tuyên Công trước sắc đẹp của mình để dèm pha, tìm cách hãm hại mẹ con Cấp Tử. Kết quả là Vệ Tuyên Công đã nghe lời Tuyên Khương trách oan đến nỗi Di Khương quá uất ức phải tự tử mà chết và Cấp Tử bị phục kíùch giết chết theo sự sắp xếp của Tuyên Khương.

Về phần các người con thì Triệu Quát mặc dù rất thích được làm tướng nhưng anh ta không hề có ý buồn phiền hay giận trách gì mẹ khi bà đã nghiêm khắc khiển trách và thẳng thắng tấu trình để ngăn cản con đường tiến thủ của mình. Riêng công tử Thọ là một trường hợp đặc biệt rất đáng trân trọng. Là một hiếu tử, anh ta nghĩ phận làm con không có quyền phê phán hay chống lại quyết định của mẹ, nhưng là một người trọng nhân nghĩa và đạo lý, anh không đồng ý với âm mưu tàn độc và mờ ám của mẹ, mặc dù việc làm này mang lại quyền lợi vô cùng to lớn cho chính anh ta: được làm vuạ Công tử Thọ đã vẹn toàn hiếu nghĩa bằng cách phục rượu cho Cấp Tử say và cải trang thành anh, đi vào chỗ phục kích để bị giết chết, hy vọng việc làm này sẽ cứu được anh và cảnh tỉnh được mẹ.

Hai người mẹ, hai phong cách: Triệu phu nhân muốn con mình có nhân cách, bà mong Quát thành nhân chứ không ham quyền lợi hay địa vị; Tuyên Khương muốn con mình được ngay danh vọng và quyền lực, và bất kể thủ đoạn để đạt được điều đó. Một người vì nghĩa lớn, một người vì lợi riêng, một người đáng được kính trọng, một người đáng bị phê phán nhưng cả hai người có một điểm giống nhau là đều thương con và đều muốn con mình đạt được điềøu tốt nhất theo cách nghĩ của họ. Mỗi người đàn bà có thể tốt hay không tốt, nhưng lòng thương con của họ là một điểm sáng không thể nghi ngờ. Đó là điều chung nhất của mọi người mẹ. Xin bạn suy nghĩ và cho biết, bạn có nhận thấy như vậy không? Bạn trẻ! Nếu có, xin vui lòng nhớ cho tôi điềøu này. Tôi kể dông dài cốt để dẫn đến cái kết luận như vậy, chúng ta cần nó để suy nghiệm về trường hợp của chúng ta.

Chuyện người xưa là vậy còn mẹ và chúng ta thì sao? Bạn ngại không muốn trả lời phải không? Vậy thì, xin lỗi, cho tôi được nói dùm bạn. Tôi biết, không nhiều lắm nhưng cũng không ít một số trong các bạn, lúc này hay lúc khác đã nghĩ mẹ của mình là những người nhiều chuyện, thích xen vào chuyện riêng tư vốn được đề cao và tôn rọng ở xứ sở này. Mẹ còn là người độc đoán, muốn có ý kiến quyết định trong nhiều lãnh vực mà hầu hết các quyết định này đều nông cạn, sai lầm hoặc không thích hợp.

Với các bạn này, mẹ có thể còn nhiều điều “không thể chịu đựng được” nữa và các bạn đã phản khán lại, hoặc tiêu cực như phớt lờ, coi như không có mẹ trên cõi đời này hoặc tích cực bằng những cử chỉ hay lời lẽ thiếu tôn trọng đối với mẹ. Cả hai hình thức này đều làm đau lòng mẹ, đau lòng tất cả những người quan tâm đến tuổi trẻ.

Tôi hiểu những phức tạp và tế nhị của vấn đề, tôi không nghĩ như các bạn nhưng tôi cũng không có một kết luận nào hàm ý phiền trách các bạn, tôi chỉ xin các bạn bình tĩnh và chúng ta có thể nói chuyện thêm với nhau.

Mẹ không phải lúc nào và chuyện gì cũng đúng, tôi hoàn toàn chia xẻ với các bạn về thực tế này nhưng tôi mong các bạn biết rõ thêm về mẹ của chúng ta một chút, có như vậy, tôi tin các bạn sẽ cảm thông với mẹ hơn và sẽ có cách cư xử với mẹ thích hợp hơn.

Mẹ của chúng ta là ai? Có nhiều hoàn cảnh, giai cấp và trình độ khác nhau lắm nhưng tổng quát, mẹ có thể ở một trong các trường hợp sau:

- Những người lớn nhất trong họ được sinh ra vào thời điểm mà tư tưởng phong kiến còn ít nhiều chi phối xã hội của chúng ta, vai trò của người phụ nữ rất giới hạn trong sinh hoạt xã hội, họ được hiểu như là người quản xuyến gia đình, thờ chồng, nuôi con; hơn nữa, trong tình trạng đất nước chậm phát triển và tình trạng kinh tế khó khăn do hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn các mẹ trong giai đoạn này không có điều kiện đến trường hoặc đến rất ít. Mẹ không quen lý luận, không biết phân tích tâm lý, cũng không rành các phương pháp giáo dục, mẹ chỉ có tấm lòng. Mẹ sống, hành xử và nuôi dạy con cái trên căn bản tình thương, theo nề nếp của gia đình và dựa trên những khuôn mẫu đạo đức cổ truyền được xã hội tán dương và thừa nhận.

Triết lý sống của mẹ rất đơn giản: trọng điều tốt, ghét cái xấu. Mẹ sống được như vậy nhưng còn làm thế nào để giúp con nên tốt và tránh được cái xấu mẹ không rõ lắm; hay đúng ra, mẹ không có phương pháp hiệu quả lắm, không có đường lối thích hợp lắm để đạt được hiệu quả cao nhất; đặc biệt là trong tình trạng mà con cái đang sống và đã tiếp thu nhiều tư tưởng mới mẻ, phóng khoáng từ các xã hội Tây phương. Tấm lòng của mẹ lúc nào cũng rộng, trái tim của mẹ lúc nào cũng đầy ắp tình thương nhưng cái cách mẹ thể hiện có thể có nhiều sơ sót. Chả lẽ, chúng ta lại có thể phiền trách mẹ về những điều như thế?

- Chúng ta còn có một thế hệ những người mẹ trẻ hơn, mẹ được học hành đến nơi đến chốn, đã từng giữ nhiều vai trò then chốt trong nhiều lãnh vực và có thể cũng từng là những người tiền phong trong các cuộc cách mạng tế nhị, giải phóng con người khỏi những ràng buộc cũ không còn thích hợp nữa. Nói chung mẹ được hiểu như những người tân thời, tiến bộ, có đầy đủ kiến thức và năng lực. Tiếc thay, thảm kịch của đất nước hai mươi năm trước đã dìm mẹ xuống, đã đốn mẹ ngã. Rồi mẹ phải tảo tần nuôi chồng tù tội, nuôi con thơ dại; mẹ bị tước đoạt hết mọi thứ kể cả chút nhu cầu tinh thần tối thiểu là gần gũi, bắt kịp với đà tiến hóa của tư tưởng và đời sống con người.

Mẹ muộn màng và ngơ ngác đặc chân đến xứ người, tự biết tuổi tác và khoảng cách từ việc bị kiềm hãm lâu dài trong một chế độ đi ngược thời đại đã biến mẹ thành những kẻ đứng bên lề. Từ đó, tất cả tình thương và hy vọng mẹ đặt cả vào các con. Tình thương càng nhiều, kỳ vọng càng lớn, yêu cầu của mẹ đối với con cái càng cao. Mẹ không hề nghĩ là đã can thiệp nhiều, đã kiểm soát gắt gao, đã giáo dục nghiêm nhặt các con, mẹ chỉ biết là đang nổ lực hết sức để làm công việc của một người mẹ; được hiểu như một nghĩa vụ, một thiên chức cao cả nhất: Nuôi dạy con cái nên người. Mẹ có thể không hoàn toàn hợp lý trong phương pháp, nhưng việc làm của mẹ xuất phát từ một tâm thành trong sáng và muốn hướng đến một mục tiêu chính đáng và tốt đẹp. Các bạn, chả lẽ các bạn không thấy là mẹ đáng yêu và đáng quí trọng đến như thế nào hay sao? Và chả lẽ chúng ta lại có thể phiền trách mẹ khi mà mọi nổ lực của mẹ đều vì chúng ta gay sao?

- Chưa hết, chúng ta còn có những lớp người mẹ gần gũi với đời sống của chúng ta hơn, mẹ đã sống cùng chúng ta trong những ngày đầu hay đã sinh chúng ta trên đất nước này. Mẹ đã thành đạt, đã thăng tiến và trong một chừng mực nào đó đã hội nhập, đã âu hóa; nói chung, mẹ là những hình ảnh, những mẫu mực mà các bạn không thể nghi ngờ về các nhận xét và hướng dẫn của họ; tuy nhiên, hình như có nhiều lúc các bạn nhận thấy mẹ có “cái gì đó” và các bạn đã không hoàn toàn hài lòng. Dễ hiểu thôi, mẹ là những di dân thuộc thế hệ đầu tiên, một nửa trái tim của mẹ còn ở lại quê nhà, một nửa suy nghĩ và hành động của mẹ gần gũi với những truyền thống cổ truyền của dân tộc mình. Mẹ tiếp thu có lọc lựa, mẹ hành xử từ sự kết hợp của hai nền văn hóa. Mẹ không sai nhưng có lẻ có chút xa lạ với các bạn. Chả lẽ chúng ta lại có thể trách mẹ vì những điều như thế hay sao?

Dẫu sao, do những cách biệt về tuổi tác, môi trường xã hội, cũng như nền tản đạo đức và nguồn gốc đào tạo, tôi biết là ít nhiều đã có những khác biệt trong cách suy nghĩ và hành động giữa mẹ và thế hệ cháu con. Tuy thế, nói như vậy không có nghĩa là có sự cách biệt, đối nghịch, hay thậm chí thù nghịch trong quan hệ gia đình.

Thật là võ đoán, phiến diện và sai lầm nếu như cho rằng cái gì thuộc về và phù hợp với truyền thống cổ truyền của dân tộc chúng ta là tốt nhất; cũng võ đoán, phiến diện và sai lầm tương tự nếu nghĩ rằng đời sống thực dụng, với sự tôn trọng và đề cao cá nhân không giới hạn là tối ưu. Thực tế đòi hỏi một sự uyển chuyển và dung hợp.

Về phần mẹ, tôi tin là mẹ đủ nhận xét để lựa chọn, đủ kiên trì để cải sửa và đủ rộng lòng để chấp nhận - cho dù phải chấp nhận những điều không hoàn toàn như ý mẹ - miễn là điều ấy tốt cho con của mẹ và tạo được cho gia đình mẹ một sự ấm êm, hòa thuận. Còn về phía các bạn thì sao? Bạn trẻ! Tôi không đòi bạn phải riu ríu vâng lời, phải nhắm mắt chấp nhận mọi thứ, nhưng tôi mong bạn hãy biết hưởng cái nhỏ nhoi trước sự vĩ đại của mẹ, yêu cầu của tôi không phải vì mẹ đâu mà vì chính các bạn đó. Thực mà, hạnh phúc biết bao nếu được mãi mãi nhỏ nhoi trong tình thương yêu vô bờ, và sự chăm sóc quên mình của mẹ. Đừng làm “người lớn” với mẹ; đừng mong “thắng” mẹ.

Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao điều nho nhỏ có thể tạo được những niềm vui lớn cho mẹ mà không “mất” gì của chúng ta hoặc “mất” rất ít. Tại sao chúng ta không thể dâng cho mẹ chút niềm vui bình thường đó? Trong quan hệ gia đình cũng có quá nhiều phương cách để trình bày, để thuyết phục, để đạt được những gì chúng ta thấy đúng và cần thiết mà không làm tổn thương mẹ, không vượt quá cái giới hạn mà sự lễ độ và lòng tôn kính đối với mẹ cho phép. Các bạn đều là những người thông minh, tài giỏi và có lòng, các bạn thừa biết và cũng thừa sức để làm những chuyện như vậy. Thật đáng tiếc, thực tế vẫn có rất nhiều những giọt nước mắt lặng lẽ và tức tưởi của mẹ chảy ra. Bạn không muốn như vậy đâu phải không? Bạn trẻ! Tôi hy vọng như vậy và xin cảm ơn bạn.

Trong “Bông Hồng Cài Áo”, một tác phẩm viết về mẹ hết sức sâu sắc và giá trị của Nhất Hạnh, tác giả có viết một câu rất cảm động: “Ngày nhận tin mẹ tôi qua đời, tôi đã ghi vào nhật ký: Tai họa lớn nhất trong đời tôi đã xảy ra”. Cái “tai họa lớn nhất” đó, chắc chắn, sớm muộn gì rồi cũng có ngày sẽ xảy ra cho mỗi chúng tạ Hãy nhìn kỹ mẹ và hãy sống với mẹ thế nào để mai kia, khi mẹ vĩnh viễn bỏ chúng ta mà đi, ngoài nỗi buồn mất mẹ ta không có điều gì để phải ân hận. Một sự ân hận mà mãi mãi sẽ không có cơ hội để cải sửa hay bù đắp.

Hết