Chương I

ấy tháng gần đây ông ta ghét ban đêm. Chỉ mới gần đây thôi. Hễ màn đêm buông xuống là ông cảm thấy mình bất lực, không có gì che chở. Bất cứ một tiếng động nhỏ, kể cả tiếng động vô hại nhất, cũng khiến ông cảm thấy như điềm báo trước một nỗi hiểm nguy vô hình đang tới gần và ông không có cách gì ngăn lại được. Ông cố gạt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu óc, nhưng rồi nó cứ trở lại, gạt đi, nó trở lại, và ông không có cách gì thoát được nó.

Mà có gì làm ông ta phải sợ kia chứ? Trong nhà ông ta không có vàng bạc đá quý, chỉ có tiền đủ tiêu hàng ngày. Lĩnh được khoản nhuận bút nào là ông đem gửi ngân hàng ngay hôm đó, rồi cứ mười ngày lại ra lĩnh tiền lãi. Ông chỉ tiêu bằng số tiền lãi đó thôi, vả lại một người tàn tật như ông có cần tiêu gì nhiều? Hơn nữa, có ai cần đến ông đâu? Ông sợ cái gì kia chứ?

Ông không sao cắt nghĩa được. Vậy mà ông vẫn cứ sợ. Đêm nào cũng vậy. Rồi ông nguyền rủa tạo hóa đã ban cho ông cái tai thính. Không phải thính đặc biệt gì, chỉ đơn giản là thính. Thính như mọi người khác. Trên đời có bao nhiêu người, do bị tai nạn hay bệnh tật, tai giảm thính đi! Vậy tại sao ông không được như họ? Giá ông bớt thính tai đi một chút có phải ban đêm ông đỡ hồi hộp không? Nếu không nghe thấy gì, ông sẽ không phải sợ nữa. Nhưng ông lại không được như thế. Hai chân ông bây giờ không đi được nữa, quả thận làm việc kém, thậm chí mắt ông yếu hẳn đi, nhưng tai thì vẫn nghe rõ như khi ông còn nhỏ tuổi. Đúng là số phận trêu ông.

Ông trở mình, chọn tư thế thoải mái hơn trên tấm đệm êm ái. Chỉ một tuần lễ nữa là đến sinh nhật của ông. Tròn bốn mươi ba. Thế là nhiều hay ít? Ai mà biết được... Bước sang một tuổi mới, liệu có chuyện gì mới sẽ xảy ra với ông không?

Ông là người giàu có. Điều đó không phải nghi hoặc nữa. Một tòa biệt thự hai tầng trong khu Nam - Moxcva, khu toàn những biệt thự sang trọng. Lại có tài khoản tại ngân hàng.

Ông là một chuyên gia giỏi. Điều này cũng không phải nghi ngờ nữa. Chỉ cần nhìn lên giá xếp những cuốn sách mà ông là tác giả. Những công trình nghiên cứu về văn học Trung Hoa, về ngữ văn Nhật Bản, cùng rất nhiều cuốn truyện vừa, tiểu thuyết, ngoài bìa ghi dòng chữ: “Người dịch V.A. Xoloviov”, ông là nhà ngữ văn duy nhất thông thạo liền hai thứ tiếng khó nhất: tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật Bản.

Ông tàn tật, phải ngồi trên xe đẩy. Ông đi bằng nạng cũng được, nhưng rất vất vả. Ông chỉ dùng nạng để đi từ phòng ngủ sang buồng tắm, từ phòng làm việc sang phòng vệ sinh. Chỉ thế thôi. Tòa biệt thự này được xây theo kiểu đặc biệt, để thuận tiện cho ông. Cầu thang lên tầng hai không phải loại cầu thang bình thường, mà là một đường dốc dài thoai thoải để tiện cho xe đẩy. May mà đúng lúc chân ông bị hỏng thì ông đã khá giàu. Tiền giúp ông tránh được nhiều trường hợp phải hạ mình. Tiền giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp. Tiền đúng là tất cả.

Ông có một con trai, nhưng có thể coi như không có. Nó còn trẻ, mới mười chín tuổi, và nó không cần đến một ông bố tàn tật. Cho dù ông bố lắm tiền và có tòa biệt thự sang trọng. Con trai ông sống hoàn toàn thoải mái trong một căn hộ tốt, nó rủ lũ con gái đến, tổ chức nhậu nhẹt, chích ma túy và tha hồ làm tình. Từ khi vợ ông, bà Xvetlana mất, giữa hai bố con như dựng lên một bức tường ngăn cách. Khi mẹ mất, con trai ông mới mười lăm tuổi, mọi người xung quanh thương nó, tha thứ mọi hành vi cư xử xấu của nó. Thằng bé bị chấn thương tâm lý, các ông các bà thông cảm... cần phải nương nhẹ nó, thông cảm với nó. Ông đã thông cảm với con trai cho đến một hôm, ông thấy thằng bé đã lợi dụng một cách trắng trợn nỗi đau thương chung, bởi nó cho rằng không ai được quyền trách cứ gì nó cả. Bây giờ hai bố con không gặp nhau nữa.

Vả lại ông còn cuộc sống của bản thân, một cuộc sống bận rộn, một cuộc sống ông say mê. Ông say sưa làm cái công việc mang lại tiền bạc cho ông. Chưa kể dù muốn hay không thì ông cũng phải sống cuộc đời này. Ông hoàn toàn không muốn từ giã cõi đời khi mới hơn bốn mươi tuổi, ông còn muốn nhìn thấy xem liệu mình có gặp được một công việc nào thực sự say mê không? Hồi còn lành lặn, còn yêu cô này cô khác, ông tưởng rằng chỉ cần có một công việc mình say mê là đủ thỏa mãn hoàn toàn, nhất là nếu công việc ấy đem lại nhiều tiền. Vậy mà bây giờ, khi ông không có thứ gì khác ngoài cái công việc say mê và kiếm ra tiền này, ông lại cay đắng luyến tiếc cái thời hai chân ông còn khỏe, cơ bắp ông rắn chắc nhờ bỏ công luyện tập, cái thời phụ nữ vây quanh ông, những người ông có thể yêu để hưởng niềm sung sướng, đồng thời ban niềm sung sướng cho họ.

Ta sẽ làm gì ngày sinh nhật sắp tới? Nên tổ chức kỷ niệm hay không? Cũng chẳng cần thiết, bởi có phải năm chẵn đâu. Nhưng chắc khách sẽ đến, chẳng lẽ mình không có gì thết đãi họ? “Bộ ba” thân thiết ở Nhà xuất bản “Serkhan” nhất định thế nào cũng đến - Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh và Tổng biên tập. Bộ ba này chưa bao giờ quên chúc mừng ông. Họ đối xử rất chu đáo với các tác giả và dịch giả, không quên ai và chưa làm ai phải than phiền bao giờ. Còn ai nữa nhỉ? Đồng nghiệp và bè bạn, những nhà Trung Hoa học, Nhật Bản học, dịch giả, nhà ngữ văn, nhà văn, nhà báo... Ngày xưa, khi ông còn khỏe mạnh, ngày sinh nhật của ông khách khứa đến rất đông. Xvetlana là một bà chủ nhà tuyệt vời: xinh đẹp, niềm nở, vui tươi, chiều khách. Nhà của ông bà lúc nào cũng mở rộng cửa đón tiếp mọi người và được mọi người yêu quý. Sau khi Xvetlana mất, ông không tổ chức kỷ niệm sinh nhật nữa, vì không thấy có hào hứng, vả lại trước ngày kỷ niệm sinh nhật liền sau đó, ông đã bị hỏng chân rồi. Chỉ trong hai năm, lệ xưa bị xóa bỏ, như thể chưa bao giờ có cái lệ ấy. Chắc gì sẽ có ai đến nữa? Nếu có thì cũng chỉ vài ba người, không hơn. Mà không biết ông chủ nhà bên cạnh có nhớ không nhỉ? Năm ngoái, tình cờ ghé sang hỏi mượn thứ gì đó, ông ta đã sửng sốt thấy bàn tiệc bày sẵn đang chờ khách. Thế là Xoloviov đành phải nói rằng hôm nay là ngày kỷ niệm sinh nhật của ông. Ông chủ nhà bên cạnh ngượng nghịu nói lắp bắp câu xin lỗi, là vô ý vào mà không mang theo thứ quà gì để chúc mừng. Tuy nhiên, một tiếng đồng hồ sau, ông ta sang, mang theo một hộp rất sang, và một tấm thiếp ghi mấy câu thơ. Mấy câu rất hay, hóm hỉnh và vần gieo đạt một cách không ngờ. Hôm ấy Xoloviov đã mời ông ta ngồi vào bàn ăn, nhưng đúng lúc đó mấy vị trong ban lãnh đạo Nhà xuất bản “Serkhan” cũng vừa đến. Nghe thấy tiếng người ngoài cửa, ông hàng xóm chỉ nói câu chúc mừng rồi về ngay. Chà, không biết năm nay liệu ông ta còn nhớ ngày sinh nhật của mình không? Nói chung, ông ta có vẻ người nông thôn chất phác, đáng mến, và lẽ ra thời gian qua mình nên làm thân với ông ta hơn thì phải, hàng xóm láng giềng với nhau.

Mai phải bảo cậu Andrei, người giúp việc mới của ông, đón tiếp khách khứa, nếu như có. Sai cậu ta mua rượu ngon, rồi đến khách sạn “Praha” mua thức nhắm. Mua những thức ăn nguội, để lỡ khách không đến, có thể cất vào tủ lạnh ăn dần trong tuần tới. Khách không đến càng tốt, chẳng phải buồn bực làm gì.

Sau một thời gian sống trong ghế đẩy, cách nhìn đời của Xoloviov đã thay đổi hoàn toàn. Chẳng nên giận ai, nếu họ ngại tiếp xúc với một kẻ què quặt. Mà cũng không nên bắt họ đến thăm mình. Nơi này cách xa ga xe điện ngầm, xe buýt cũng không chạy ngang qua đây, ai muốn đến thăm Xoloviov là phải có xe ô-tô riêng. Chưa kể dù có ô-tô thì nơi này cũng quá xa trung tâm...

Lạy Chúa, nhưng sao cứ trời tối là mình lại sợ hãi thế nhỉ?

*

Còn bọn thiếu niên cứ tiếp tục mất tích. Từ tháng Chín năm ngoái đã có chín đứa rồi, tuổi từ mười bốn đến mười bảy. Tất nhiên không chỉ bọn trẻ này mất tích. Bao nhiêu ông bố bà mẹ đã gửi giấy đến báo tin con trai họ “đi đâu không thấy về”, số này còn đông hơn rất nhiều. Nhưng chín đứa này như thể đứng tách riêng ra. Trong số bị mất tích, chín đứa này có đặc điểm chung là chúng đều được tìm thấy, nhưng tất cả đều chỉ còn là những xác chết. Còn thêm một đặc điểm chung nữa: cả chín đứa đều giống nhau một cách kỳ lạ - da bánh mật, tóc đen, dáng người kiểu A Rập, mắt to và đen. Trông chúng giống như là anh em ruột của nhau. Nguyên nhân cái chết cũng lại giống nhau: đều do chích ma túy liều quá cao. Theo kết luận của các bác sĩ thì hậu môn của chúng đều có dấu vết chứng tỏ chúng thực hiện tình dục đồng giới rất bừa bãi. Về chuyện lạm dụng chất ma túy đến mức tử vong thì không có gì đáng lấy làm lạ. Xung quanh chúng ta thiếu gì tình trạng đó. Rồi chuyện ma túy dính liền với tình dục đồng giới cũng là chuyện phổ biến. Nhưng hình dáng của bọn chúng giống hệt nhau là điều đáng phải suy nghĩ.

Thế rồi có một tia sáng nhỏ khiến người ta hy vọng có thể lần ra đầu mối: rất nhỏ thôi, mà cũng không biết phải lần theo hướng nào ấy là trên đại lộ nối trung tâm Moxcva với khu vực phía Nam thành phố, một nhân viên Cục cảnh sát định chặn lại một chiếc ô-tô “Volga” vượt quá tốc độ quy định, gã lái xe mặc kệ tiếng còi cảnh sát, vẫn lao tiếp. Nhân viên này bèn gọi điện thoại báo cho trạm kiểm soát tiếp theo. Nhưng xe lại không chạy qua trạm kiểm soát này. Người trung sĩ cảnh sát, vốn đang mơ ước trở thành một nhà thám tử vĩ đại, đã nhận xét thấy ngồi bên cạnh lái xe là một thiếu niên tóc đen. Đột nhiên anh ta thoáng nghĩ đến một điều, liền gọi điện báo về sở Cảnh sát thành phố đóng trên phố Petrovka. Khi biết được là chiếc xe “Volga” kia không chạy qua trạm kiểm soát thứ hai, người ta lập tức tiến hành lục soát khu vực này của thành phố Moxcva. Họ tìm thấy chiếc “Volga” tương đối nhanh - nó bị bỏ lại tại một chỗ, giữa lúc chủ nhân chiếc xe đang chạy đến khắp các đồn cảnh sát trong khu vực Tây-Bắc thành phố đề nghị tìm hộ xe ô-tô của ông ta vừa bị mất cắp chiều nay. Gần chỗ chiếc xe “Volga” bị bỏ lại là khu biệt thự Nam Moxcva, có cái tên rất thơ mộng là khu phố “Mộng Mơ”. Đó là dấu vết duy nhất liên quan đến vụ việc khó hiểu về sự mất tích của chín đứa trẻ da bánh mật và tóc đen kia. Vài ngày sau, cơ quan cảnh sát nhận được thêm giấy báo của một gia đình nữa cho biết con trai họ “đi đâu không thấy về”, kèm theo tấm ảnh chụp đứa trẻ. Người ta đưa viên trung sĩ cảnh sát xem tấm ảnh, và theo đúng quy tắc, là cùng với ảnh của những đứa trẻ da bánh mật tóc đen trước đó.

Viên trung sĩ ngắm nghía chừng mười lăm phút các tấm ảnh rồi thành thực thú nhận:

- Tất cả những đứa này đều giống, nhưng cụ thể là đứa nào thì tôi chịu. Xe lao quá nhanh. Mắt tôi có tinh đến mấy thì cũng chỉ nhìn thấy những nét chính, chứ làm sao kịp thấy chi tiết được?

Dù sao thì có mối liên quan giữa những đứa trẻ bị giết kia với khu biệt thự sang trọng ở Nam Moxcva cũng vẫn còn hơn là hoàn toàn không có gì. Người ta bắt đầu tiến hành điều tra về những người cư trú trong khu biệt thự kia. Hai mươi tòa biệt thự, nghĩa là hai mươi gia đình.

Thông tin về những người cư trú trong các biệt thự này cứ hàng ngày tiếp tục được gửi đến, đặt trên bàn giấy của đội trưởng đội điều tra hình sự, nữ thanh tra Naxtia Camenxcaia. Đồng nghiệp của chị, anh chàng Colia, vốn có tính say mê các kiểu sơ đồ, đã vẽ một tấm sơ đồ to bằng cả bức tường, kể rõ cách bố trí của từng tòa biệt thự, và ở mỗi biệt thự anh ta ghim một chiếc phong bì, để đựng các thông tin về những người trong tòa biệt thự đó. Naxtia thấy cách làm đó hợp lý và chị biết ơn người trợ lý của mình về tấm sơ đồ kia. Chị liền treo tấm sơ đồ lên bức tường đối diện với bàn giấy của chị. Tuy nhiên người nữ thanh tra vẫn chưa tin rằng tấm sơ đồ giúp ích được gì nhiều cho việc điều tra.

Phần lớn các nỗ lực tập trung vào nghiên cứu hoàn cảnh sinh sống của những cậu thiếu niên bị hại kia. Hẳn phải có thứ gì chung cho cả chín đứa chứ! Chẳng hạn chúng hay giao du với ai? Chúng thích thú những thứ gì? Hôm chúng ra đi và không bao giờ trở về nữa, là chúng định đi đâu? Chúng có chơi môn thể thao nào không? Vô số câu hỏi được đặt ra, và mỗi câu hỏi chiếm mất bao nhiêu thời giờ, công sức, nhưng kết quả vẫn chưa có gì. Không hề có điểm nào giống nhau giữa chín đứa, khi chúng còn sống. Không một điểm nào. Trừ một điểm là hình dạng chúng giống nhau. Vậy hướng điều tra nên thế nào đây?

- Hay có một nhà chứa bí mật dành riêng cho bọn đồng tính nam? - Điều tra viên Corotcov hỏi.

Naxtia đáp:

- Nếu vậy thì nhà chứa đó chỉ dành cho một người khách duy nhất. Đàn ông, mỗi người đều có một ý thích riêng. Người thích loại tóc vàng, người thích loại tóc đen, tóc nâu, tóc bạch kim. Đằng này tất cả những đứa bị giết đều giống hệt nhau! Mà tại sao chúng lại bị chích ma túy nhiều đến thế? Để chúng ngoan ngoãn phục tùng chăng? Hay để chúng lúc nào cũng đờ đẫn, ngồi một chỗ và không còn nghĩ đến chuyện chạy trốn nữa? Tôi có thể đồng ý với anh nếu như hình dạng mỗi đứa trẻ kia mỗi khác, vì mỗỉ khách làng chơi có một ý thích khác nhau. Còn như nếu tất cả bọn trẻ kia đều giống hệt nhau, có nghĩa chỉ có một kẻ duy nhất sử dụng chứng. Như vậy không thể là nhà chứa được. Mà tại sao tên tội phạm dùng đến nhiều đối tượng làm tình thế? Mà lại toàn những đứa giống nhau. Hắn chỉ cần tìm một đứa hợp khẩu vị hắn, rồi hưởng cho thỏa thích là đủ, cần gì phải thay đứa khác?

- Cô Naxtia ạ, hắn là một thằng điên. Mà điều này thì rõ ràng tên tội phạm kia là một thằng mất trí. Nó đã mất trí thì làm gì còn lôgich để cô suy luận?

Người nữ thanh tra vẫn kiên quyết lắc đầu:

- Vẫn phải suy luận theo logic chứ! Bởi kẻ điên cũng có logic của chúng, có điều logic ấy khác logic của chúng ta.

- Cô cho rằng kẻ điên ấy sống trong một tòa biệt thự tại khu vực “Mộng Mơ”?

- Điều đó không nhất thiết. Có thể tay sai của hắn sống tại đó, tên tay sai hắn sai đi lùng con trai cho hắn. Nhưng anh nói cũng có lý đấy, Corotcov ạ. Tội phạm có thể là một kẻ điên, một kẻ cuồng điên. Hắn rất giàu, có tiền để thuê tay sai, hắn sẽ phải trả tên tay sai rất nhiều tiền. Bởi những đứa trẻ trai hắn làm tình đều có hình dạng giống nhau thì đúng hắn là một thằng điên. Anh xem đây này.

Naxtia đưa người điều tra viên xem một bảng kê, ghi ngày mất tích của từng đứa trẻ thiếu niên, và ngày chúng bị giết, vứt xác tại nhiều nơi khác nhau trong thành phố.

- Xem bảng kê này thì thấy trong khi chưa giết đứa này, hắn đã lùng và bắt cóc một đứa khác. Thậm chí không phải hắn chỉ giữ lại một đứa. Đây nhé. Đứa trẻ thứ nhất mất tích tháng Chín, chết vào tháng Mười Hai. Đến lúc này đã có thêm ba đứa trẻ khác nữa bị mất tích. Tại sao hắn tập trung tụi con trai thành như một hậu cung thế? Anh thử giải thích tôi nghe xem! Nếu như một đứa bị mất tích sau khi một đứa khác đã chết thì tôi còn hiểu được. Vì khi hắn chích ma túy cho một đứa, nhưng chích liều quá cao khiến thằng bé chết, thế là hắn đi kiếm một thằng bé khác giống như thằng trước. Chẳng là hắn chỉ thích một kiểu con trai mà. Nhưng còn trường hợp này thì nghĩa là sao?

Naxtia khoát tay nói tiếp:

- Ta chẳng nên ngồi suy luận mãi như thế này. Hãy làm công việc cụ thể thôi. Anh có đem thứ gì mới đến cho tôi không đấy, Corotcov?

- Tất nhiên là có. Những thông tin thêm về số người ở đó, qua những chuyện họ ngồi lê đôi mách với nhau.

Corotcov đặt lên bàn nữ thanh tra Naxtia Camenxcaia một tập giấy tờ. Bản sao các giấy biên nhận, chứng thực, trang sổ tay, cả những dòng chữ viết tắt vội vã. Naxtia vốn rất coi trọng từng thông tin dù rất nhỏ, tưởng như không có giá trị gì. Chị cẩn thận ghi vào sổ tay từng chi tiết một.

Nhìn chung, loại người sống trong những tờa biệt thự sang trọng kia là loại người nào? Tất nhiên là loại được gọi là người “Nga Mới”. Những người “Nga Cũ” thì làm gì có khả năng tài chính để lọt được vào đấy! Nhưng những người “Nga Mới” này khi chuyển đến đây, thường để cha mẹ ở lại căn hộ cũ của họ trong thành phố. Trong số hai mươi gia đình sống trong khu biệt thự, chỉ ba gia đình có ông bà già, làm nhiệm vụ trông cháu cho cha mẹ chúng hoạt động kinh doanh tại các văn phòng của họ. Naxtia thầm nghĩ, có lẽ tạm gác ba gia đình này lại sau, bởi tên tội phạm nào đó hẳn không dám đưa trẻ trai về nhà, khi có người già cùng ở. Còn mười bảy gia đình, vẫn hơi nhiều, nhưng chưa thể loại bớt được gia đình nào nữa.

Trong vụ này còn có thêm một chi tiết rất cản trở việc điều tra. Chuyện tách chín đứa trẻ thiêu niên “đi đâu mà không thấy về nhà” ra khỏi những người mất tích khác, chỉ các nhân viên trong đội điều tra hình sự đặc trách những vụ trọng án mới được quyền biết. Ngoài ra không ai biết, tất nhiên trừ bản thân những kẻ tội phạm trong vụ này. Năm ngoái, trên toàn nước Nga số người mất tích là 58 ngàn. Năm kia là 48 ngàn. Trong đó, số của Moxcva khá đông. Không ai để ý thấy là trong số người mất tích đông đảo kia có chín đứa trẻ trai da bánh mật, tóc đen này. Không ai, ngoài Naxtia Camenxcaia là người vốn thích phân tích các thông tin và biết phải làm những gì với chúng. Chị đã kể chuyện này với thủ trưởng, đại tá Gordeev, và sau khi nghe xong, ông đồng ý là ở đây có vấn đề cần tập trung làm sáng tỏ. Nhưng để đặt vấn đề ra thành nhiệm vụ chính thức thì lại chưa đủ cơ sở. Số thanh thiếu niên chết vì tiêm chích quá liều đâu phải ít? Và hiếm có đứa nào chết tại gia đình. Chưa kể, ai thấy xác chết là họ vội vã đem đi thật xa, bỏ trên đường phố, trong công viên hoặc dưới tầng hầm nào đó. Nhiều khi xác chết bị quăng cả xuống sông, hoặc đem ra vứt ở ngoại thành.

Hơn nữa, nếu vấn đề này được đặt ra chính thức, thì trách nhiệm rơi xuống đầu đại tá Gordeev cùng các thuộc cấp của ông sẽ rất lớn. Cấp trên sẽ liên tục hỏi xem vụ án đã tiến triển đến đâu. Cho nên cuộc điều tra này đành phải tiến hành theo cách âm thầm, và chỉ dựa vào một sự kiện duy nhất “chính thức” là mối liên quan giữa chiếc xe ô-tô “Volga” với việc một thiếu niên mười sáu tuổi tên là Dima Vinogradov bị mất tích. Còn tất cả chín đứa trẻ kia chỉ được điều tra theo kiểu “du kích” mà thôi.

Giở lần lượt từng tờ tài liệu, đột nhiên Naxtia đăm chiêu nhìn vào một tờ, bên trên ghi bằng mực đỏ: “Xoloviov Vladimir Alexandrovitr”. Bên dưới ghi:

“Năm sinh: 5 tháng Tư 1953

Nơi sinh: Moxcva

Nghề nghiệp: dịch văn học

Hoàn cảnh gia đình: vợ chết

Những người cùng cư trú:

Những người trong gia đình cư trú nơi khác: con trai, Igor Vladimirovitr Xoloviov, sinh năm 1976”.

Sắp đến ngày sinh nhật của anh ấy. Có lẽ ta nên đến thăm anh ấy, nữ thanh tra Naxtia Camenxcaia thầm nghĩ. Vừa để chúc mừng, vừa tận mắt ngó qua khu biệt thự nổi tiếng sang trọng này.

*

Cuộc họp thảo luận về việc quảng cáo những cuốn sách mới ra được ấn định vào mười một giờ sáng. Nhưng giống như mọi khi, phải đến gần mười một rưỡi cuộc họp mới bắt đầu được. Lạ một điều là những người cùng trong một cơ quan, phòng làm việc cùng trên một tầng, vậy mà không cuộc họp nào bắt đầu được đúng giờ. Họ chỉ phải đi vài mét, chứ đâu phải từ các nơi cách xa nhau trong thành phố.

Giám đốc Nhà xuất bản “Serkhan”, Exipov, còn trẻ, thấp, râu tóc rậm rì. Ông rất yêu nhà xuất bản, “con đẻ” của mình, và không tiếc công sức để xây dựng nó. Ông bước vào nghề xuất bản, lúc đầu làm biên tập viên cho một nhà xuất bản lớn, rồi rất ngẫu nhiên vố được cái mỏ vàng này. Ông lập tức nắm ngay lấy, tổ chức một nhà xuất bản riêng và chịu trách nhiệm hoàn toàn về thành bại của nó. Mỏ vàng này là văn học các nước phương Đông. Chính vì thế ông lấy tên Nhà xuất bản là “Serkhan”. Ai mà không nhớ đấy là tên con hổ Chúa Sơn Lâm trong kiệt tác “Truyện Rừng Rậm” của văn hào Kipling? Exipov khởi đầu bằng bộ sách “Kiệt tác Phương Đông”, lúc đầu nợ nần chồng chất. Những cuốn đầu tiên tiêu thụ rất chậm. Số độc giả Nga quan tâm đến văn xuôi phương Đông đâu có nhiều nhặn gì. Nhưng Exipov không nản chí, vững tin vào ngôi sao bản mệnh của mình. Ông hoàn toàn không có ý định lôi kéo độc giả Nga quan tâm đến thứ văn chương bóng bảy, cầu kỳ của phương Đông. Exipov bèn cho ra một loạt truyện vụ án và truyện giật gân để chờ thời cơ. Và cuối cùng, may mắn đã đến với ông. Độc giả Nga rút cuộc đã chán ngấy truyện vụ án và truyện giật gân, bắt đầu say mê đọc những cuốn “phương Đông” của ông, với bìa in hai chữ “P.Đ.” quấn vào nhau. Giám đốc Exipov trang trải hết nợ nần, thu hồi được vốn bỏ ra. Ông cho ra bộ thứ hai “Truyện tình phương Đông”. Và thế là bắt đầu thời kỳ huy hoàng mà ông đã kiên gan chờ đợi. Exipov phát hiện ra được bí quyết khiến những cuốn sách của ông thu hút đông đảo độc giả. Bí quyết đó là “u Châu hoá”. Mang tính chất thật sự phương Đông chỉ là tên tác giả và những chi tiết kỳ dị tô điểm cho tác phẩm. Còn câu chuyện chủ yếu diễn ra ở châu Âu hoặc châu Mỹ, thậm chí rất nhiều nhân vật cũng không phải người phương Đông. Tuy nhiên loại tác phẩm này không được độc giả tại quốc gia của các tác giả thích đọc. Tại Trung Hoa và Nhật Bản, người ta chỉ thích các tác phẩm truyền thông, là loại không cuốn hút độc giả hiện đại sinh trưởng trong các nước theo văn hóa châu Âu. Quả vậy, ngày nay làm gì có nhiều người Nga thưởng thức được những hình tượng cầu kỳ của văn học cổ điển phương Đông?

Nhà xuất bản “Serkhan” đứng vững và bắt đầu có tiền để bỏ vào quảng cáo. Đây là vấn đề tranh cãi gay gắt nhất giữa Giám đốc Exipov và Phó giám đốc kinh doanh Avtaev, ông này là người tính toán từng xu, rất thận trọng khi phải chi ra, dù chỉ một rúp. Hôm nay họ thảo luận vấn đề quảng cáo cho cuốn sách mới trong bộ “Kiệt tác Phương Đông”, và giám đốc Exipov đã chuẩn bị sẵn những lập luận hùng hồn để thuyết phục ông phó phụ trách kinh doanh của mình chịu chi khoản tiền này.

Phó giám đốc kinh doanh Avtaev giận dữ quát:

- Bộ sách này không cần quảng cáo cũng bán chạy lắm rồi! Tiêu thụ đã rất tốt và tôi cho rằng không cần phải quảng cáo cho thêm tốn kém.

Đúng vậy, nếu tiêu thụ mức trung bình thì sách để trong kho nhà xuất bản cũng không bao giờ quá bốn tháng. Còn nếu tiêu thụ tốt thì chỉ trong vòng hai tháng là bán hết. Điều này cho phép quay vòng vốn nhanh, đem lại lợi nhuận tức thì, và thu hẹp được ảnh hưởng của nạn lạm phát xuống đến mức tối thiểu.

Giám đốc Exipov nhẹ nhàng nói:

- Chúng ta phải nâng cao hơn nữa tốc độ tiêu thụ.

- Rồi sẽ như thế - Phó giám đốc Avtaev vẫn bướng bỉnh - Bộ sách đã khởi động và cỗ xe cứ tự nó chạy. Anh thừa biết nghề xuất bản là như thế. Khi ra một bộ, những cuốn đầu tiên thường bán chậm, nhưng rồi độc giả quen dần và sách càng về sau càng bán chạy, thậm chí một khi độc giả đã quen khẩu vị rồi thì chất lượng từng cuốn cao hay thấp không còn thành vấn đề. Quy luật là như thế. Tội gì ta chi thêm tiền vào đó mà chẳng để làm gì? Quả thật tôi không hiểu.

- Bởi vì tôi muốn tăng số lượng in. Nếu chúng ta thụ động đợi cho sách tăng dần số độc giả, thì chúng ta chỉ in được với số lượng tối đa là một trăm đến một trăm hai mươi ngàn bản là cùng. Nhưng tôi lại muốn ngay bây giờ tăng số lượng in lên gấp rưỡi, tức là hai trăm ngàn bản. Và tôi cam đoan với anh là chúng ta sẽ bán hết.

- Tất nhiên rồi - Phó giám đốc Avtaev hốt hoảng phẩy tay - Ta bỏ tiền in một số lượng in lớn như thế, đùng một cái ế thì sao? Lấy gì bảo đảm sẽ bán hết?

- Có thứ bảo đảm chứ, nếu chúng ta biết tổ chức tốt - Giám đốc Exipov quay sang Tổng biên tập - Anh đã lựa ra những trích đoạn để giới thiệu trước chưa?

Còn phải tranh cãi cả với anh chàng Tổng biên tập này nữa, không phải chỉ về một vấn đề mà hai. Xemion chuyên môn lựa ra những trích đoạn anh ta cho là hay nhất, nhưng lần nào Giám đốc Exipov cũng không tán thành.

Trong ba người, Giám đốc Exipov là người duy nhất biết nhìn xa. Còn Phó giám đốc Avtaev cũng như Tổng biên tập Xemion chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chỉ quan tâm đến việc xuất bản và tiêu thụ từng cuốn sách cụ thể. Rõ ràng muốn tiêu thụ tốt một cuốn sách thì cần giới thiệu trước một đoạn xuất sắc nhất. Rồi sau đó thì sao? Độc giả đọc trên báo thấy đoạn văn đó, đinh ninh toàn bộ cuốn sách được viết bằng thứ văn tuyệt vời kia. Tất nhiên họ sẽ đi tìm mua. Họ mở ra đọc và hiểu ra ngay rằng lời văn trong cuốn sách thua xa đoạn trích kia, và nội dung cuốn sách không nói về điều mà đoạn văn trích kia hứa hẹn. Họ thất vọng, ân hận là đã cả tin, và dự định sẽ không mua cuốn sách tiếp theo nữa, cho dù đọc quảng cáo thấy hay đến mấy. Đã một lần nói dối thì lần sau ai còn tin nữa? Giám đốc Exipov cho rằng để quảng cáo một cuốn sách sắp ra, cần chọn không phải đoạn hay nhất mà là đoạn gợi tò mò nhẩt, để độc giả nóng lòng muốn đọc cuốn sách xem cuối cùng ra sao. Đáng tiếc là Tổng biên tập Xemion không biết cách lựa ra một trích đoạn như thế. Khi trao đổi với các tác giả và dịch giả thì anh ta kiên trì và táo tợn, nhưng anh ta không hiểu gì về văn chương, và cũng không có chút năng khiếu nào. Anh ta tưởng cứ đoạn nào nhiều xác chết và máu me là đoạn ấy hấp dẫn nhất, trong khi lẽ ra một Tổng biên tập là phải nhìn thấy yếu tố gây tò mò, phải thấy xung đột, phải thấy “Câu đố” tác giả đưa ra cho người đọc.

Ngoài quảng cáo đăng trên báo chí, còn phải quảng cáo trên bìa những cuốn sách in trước đó, dưới dạng những lời nhận xét, bình luận, đánh giá, nhưng những thứ này Xemion cũng không biết cách soạn. Mấy lần anh ta viết những đoạn đó đều không đạt. Anh ta không biết rút ra cốt lõi của tác phẩm, không biết cách trình bày ngắn gọn súc tích, chỉ vài dòng mà làm người đọc hình dung ra tác phẩm, đồng thời thêm vào đó những lời khêu gợi, kích thích người đọc. Xemion đã thử nhờ dịch giả viết, nhưng cũng không hơn là bao. Cuối cùng, giám đốc Exipov khuyên anh ta đi tìm một người nào giỏi viết những đoạn giới thiệu kia rồi đặt người đó viết. Nhưng lại vấp phải ông Phó giám đốc kinh doanh: sao lại phải mất tiền vào đó nữa? Tổng biên tập viết được thì để anh ta viết, phải thuê ai làm gì nữa cho tốn tiền? Không đời nào tôi đồng ý.

Giám đốc Exipov đọc lướt qua trích đoạn Xemion đã chuẩn bị, định gửi đăng trên một tờ báo hàng ngày đang ăn khách, ông buồn rầu thầm nghĩ: vẫn thế. Đoạn này miêu tả cuộc đánh nhau giữa ba tay đều giỏi võ karatê dưới một tầng hầm tối tăm, lúc nhúc chuột. Khủng khiếp. Một trong ba tay đó là nhân vật chính, bị hai tên kia đánh gục, nằm chết thẳng cẳng dưới nền hầm. Và thế là điều bí mật chỉ anh ta biết sẽ không bao giờ lộ ra. Nhưng anh ta lại chưa chết! Ngồi dưới gian hầm tăm tối, giữa đám chuột lúc nhúc, anh ta nghĩ cách thoát ra. Liệu có ai đọc đoạn trích này mà muốn tìm mua cuốn sách không? Họa chăng chỉ người nào thích thứ truyện toàn đánh nhau từ đầu đến cuối, và thích cảnh những con chuột lúc nhúc trong bóng tối. Mà nếu có loại độc giả đó đi nữa thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Giám đốc Exipov gạt mấy tờ giấy đánh trên máy vi tính ra, ngẩng đầu lên hỏi:

- Cuốn sách này nói về cái gì?

- Về maphia Nhật hoạt động ở Holliwood. - Tổng biên tập Xemion đáp.

- Nhưng sao tôi không thấy bóng dáng cái nội dung đó trong đoạn trích? Maphia Nhật đâu? Holliwood đâu? Anh định quảng cáo cái gì vậy?

- Nhưng đây là đoạn ghê rợn nhất. - Xemion thật thà giải thích, anh ta chưa hiểu câu hỏi của Giám đốc.

- Lạy Chúa!

Exipov ôm đầu đau khổ.

- Tôi phải giảng giải bao nhiêu lần nữa anh mới hiểu ra được?

Cuối cùng Tổng biên tập Xemion hứa sẽ tìm một đoạn khác để trích đăng, nhưng Giám đốc Exipov thấy rõ anh ta vẫn chưa hiểu ông muốn gì ở anh ta. Chắc hẳn Xemion lại chọn một trích đoạn khác cũng vớ vẩn không kém. Khéo phải kiếm một người nào có năng khiếu văn học thay chân thằng cha này mất thôi.

- Thôi, bây giờ cho tôi xem bài giới thiệu của anh. - Giám đốc Exipov nói.

Bài giới thiệu Xemion viết cũng lại quá tồi tệ. Rõ ràng anh ta không biết viết văn.

- Không thể cứ tiếp tục thế này mãi, Avtaev ạ - Giám đốc Exipov nhăn mặt nói với Phó giám đốc kinh doanh - Phải tìm một chuyên gia rồi ký hợp đồng thuê anh ta viết. Quảng cáo kiểu này không được, chỉ tổ tai hại thêm mà thôi.

- Thì tôi đã nói rồi, không phải quảng cáo gì hết, cứ để yên rồi sách cứ bán chạy dần...

- Tôi đã quyết định, và tôi yêu cầu anh thi hành - Exipov xẵng giọng nói - Chỉ ít lâu nữa, anh sẽ thấy chúng ta bỏ tiền vào quảng cáo là đúng. Tôi cam đoan với anh là như thế. À, anh không quên thứ Sáu này là kỷ niệm sinh nhật Xoloviov đấy chứ? Anh đừng bố trí công việc gì vào buổi chiều hôm đó, chúng ta phải đến chúc mừng ông ta.

Phó giám đốc kinh doanh nhăn mặt. Đến chúc mừng sinh nhật dịch giả số một của nhà xuất bản là chuyện lại tốn kém kha khá đây. Bó hoa và chai rượu quý là không thể thiếu được rồi. Còn thêm một món quà giá trị nữa. Lấy tiền ở đâu? Lại rút từ vốn ra chứ gì? Đến sạt nghiệp với các vị mất thôi.

Nhìn theo Phó giám đốc kinh doanh Avtaev và Tổng biên tập Xemion đang đi ra cửa, Giám đốc Nhà xuất bản “Serkhan” chán nản thầm nghĩ, còn phải chịu đựng cái êkíp này đến tận bao giờ? Bây giờ thì không thể thay thế họ được, đã quá cấu kết làm ăn với nhau rồi. Chịu không còn cách nào thoát được họ nữa.

*

Xoloviov rất khó quen được với tính nết cậu giúp việc mới này. Từ ngày ông bị dính chặt vào xe đẩy, ông phải thuê người giúp việc. Anh ta một lúc kiêm cả chân thư ký, hộ lý, giao thông, sai vặt. Lúc đầu, mọi người khuyên Xoloviov thuê một phụ nữ. Dù sao thì những công việc kia đều là công việc phụ nữ, hầu như không có công việc nào thật sự của nam giới, nhưng Xoloviov biết chắc chắn rằng ông sẽ không chịu nổi một phụ nữ có mặt bên cạnh. Chị ta săn sóc ông và sẽ thương hại ông. Đã quá sâu đậm kỷ niệm về thời kỳ ông được phụ nữ thán phục và yêu mến vì ông khỏe mạnh, tràn nghị lực và đầy chất nam nhi.

Anh chàng giúp việc đầu tiên còn tạm được, mọi công việc đều làm tròn, nhưng lòng tự trọng bình thường của người đàn ông khiến anh ta không chịu đựng được lâu. Anh ta thấy làm ở đây không có triển vọng nào hết theo hướng phát triển sự nghiệp. Xoloviov đã trả công anh ta quá mức hào phóng, cho anh ta sử dụng máy chữ của ông, nhưng thật ra anh ta chịu làm chân giúp việc cho ông chỉ để có chỗ trú. Đến khi thấy có khả năng tìm được một căn hộ, anh ta liền xin thôi việc.

Người giúp việc thứ hai do nhà xuất bản giới thiệu, cậu ta vốn là nhân viên kho sách. Cậu này cũng không làm được lâu, tắt mắt và lại chậm hiểu, đôi lúc quên những việc Xoloviov giao cho.

Anh chàng hiện nay là thứ ba, cũng do nhà xuất bản tìm hộ. Sau khi hết lời xin lỗi Xoloviov về cậu giúp việc trước, nhà xuất bản bảo đảm người giúp việc mới này sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của ông.

Xoloviov giữ thái độ cảnh giác với người giúp việc này. Trong hai năm qua, ông đã thấy rõ chỗ yếu của mình là không thể kiểm soát được người giúp việc, và phải phó thác mọi thứ cho anh ta. Nếu như người giúp việc thứ nhất ít nhiều đã đạt yêu cầu thì người giúp việc thứ hai rõ ràng là hỏng. Vì vậy, việc đầu tiên ông thấy cần làm sáng tỏ là xem động cơ nào khiến Andrei chịu làm chân giúp việc cho ông lần này.

- Cậu bao nhiêu tuổi? - Ngay buổi đầu ông đã hỏi ngay Andrei.

- Hai mươi lăm.

- Có gia đình chứ?

- Tôi có bố mẹ, còn bản thân chưa lập gia đình.

- Cậu sống với bố mẹ à?

- Thưa, không. Tôi có căn hộ riêng.

- Cậu học đến đâu rồi?

- Cấp hai.

- Làm nghĩa vụ quân sự chưa?

- Thưa, rồi.

- Andrei này, tại sao cậu nhận làm cho tôi? Bởi làm ở đây không có cơ hội thành đạt gì đâu.

- Thì nơi khác cũng vậy thôi - Cậu ta cười - Tôi không đủ điều kiện. Muốn thành đạt phải khôn ngoan, xảo quyệt, táo tợn. Tôi tự biết mình không có được những thứ đó.

- Cậu sẽ phải ăn ngủ ở đây với tôi. - Xoloviov báo trước.

- Vâng, tôi biết. Các ông ở Nhà xuất bản đã nói với tôi rồi.

- Các ông ấy còn nói gì nữa?

- Rằng tôi sẽ phải lái xe, biết nấu ăn ở mức tối thiểu, không được uống rượu và phải sạch sẽ ngăn nắp. Phải làm đầy đủ và đúng đắn mọi việc ông chủ giao, không được bỏ sót thứ gì.

- Vậy cậu nghĩ sao? Cậu sẽ làm được chứ?

- Tôi hy vọng làm được. Mẹ tôi từng bảo giá tôi sinh ra là con gái thì đúng hơn.

Cặp kính trắng tạo cho Andrei có dáng vẻ nghiêm chỉnh và tháo vát. Và Xoloviov thầm nghĩ, mình cũng chẳng thể tìm được ai khác. Thế là Andrei đến làm chân giúp việc cho ông, tới nay đã sang tuần lễ thứ hai. Tuy chưa lần nào Xoloviov chê trách cậu ta, nhưng kinh nghiệm lần trước cho ông thấy chưa thể hoàn toàn yên tâm về cậu ta được. Hôm nay Andrei đi từ sáng sớm mua các thứ cho buổi kỷ niệm sinh nhật. Lẽ ra giờ này thằng cha phải về rồi, Xoloviov bực bội thầm nghĩ, trời đã sắp tối. Một mình trong bóng tối, ông thấy sợ.

Liền lúc đó có tiếng ô-tô đỗ dưới đường. Tiếng sập cửa xe, và tiếng mở cửa dưới nhà. Xoloviov ngồi trong phòng làm việc dưới tầng một, nghe rõ từng bước chân của người giúp việc. Không biết thằng cha đem các thứ vào cất trong bếp ngay hay biết vào đây báo cho mình là đã về.

Andrei biết cách, và nỗi bực tức của Xoloviov dịu xuống.

- Chào ông chủ. Tôi xin lỗi là đã về muộn.

Thì ra hắn cũng biết lỗi. Vậy là được.

- Cậu gặp chuyện gì rắc rối hay sao? - Xoloviov cố lấy giọng bình thản hỏi. Hẳn cậu ta phải thấy là cậu ta đã làm mình lo lắng.

- Khách sạn “Praha” không có sẵn một số thứ mà ông dặn mua, cho nên tôi phải chờ họ làm.

- Họ chịu làm riêng cho cậu à? - Xoloviov tỏ vẻ chưa tin.

- Không phải cho tôi mà là cho ông chủ - Cậu giúp việc cười - Tôi có tặng bà phụ trách quầy cuốn sách của ông chủ, và nói để bà ta biết hôm nay là ngày kỷ niệm sinh nhật ông chủ. Chồng bà ta đang say mê bộ “Kiệt tác Phương Đông” cho nên bà ta lập tức sai nhân viên làm các món cho ông chủ.

- Cậu lấy cuốn sách ấy ở đâu? Trong chồng sách bản quyền của tôi à?

- Thưa, không. Tôi mua ngoài phố.

- Cậu mua? Để làm gì?

- Tôi cứ mua sẵn để đấy. Và vừa rồi cuốn sách đã được việc.

Hắn ta có tính lo xa đấy, cẩn thận nữa. Tự bỏ tiền ra mua, mặc dù hắn ta có thể hỏi xin mình trước lúc đi, và hẳn là mình không từ chối.

- Dù sao, tôi cũng mua được đầy đủ các thứ ông chủ dặn. Cả rượu lẫn thức nhắm. Bây giờ tôi xuống nhà đem các thứ trong xe cất vào bếp. Sau đó tôi sẽ dọn bữa tối. Hay ông chủ muốn ăn tối ngay bây giờ, thì tôi làm các thứ kia sau?

- Không cần. Cậu ra cất các thứ vào bếp đi đã. Tôi chưa đói.

Andrei đi khỏi. Xoloviov tiếp tục dịch. Hạn nộp bản thảo là hai tuần nữa, vào giữa tháng Tư. Và công trình ông đã hoàn thành. Xoloviov không thích đến phút chót mới hoàn thành, mà ông thích làm xong trước thời hạn đôi chút để có thời gian soát lại bản thảo, sửa chữa nốt những sai sót cuối cùng.

Ăn tối xong, Xoloviov sang phòng khách, ngồi xem truyền hình. Đột nhiên ông sực nhớ:

- Andrei! Tôi quên sáng nay chưa dặn cậu bảo người chuyên xoa bóp.

- Tôi gọi điện thoại nhắc ông ta rồi - Người giúp việc nói ngay - Ông chủ đã dặn tôi trước đây hai ngày. Sáng mai ông ta sẽ đến đây vào chín giờ.

- Cảm ơn. - Xoloviov thở phào nhẹ nhõm, nói khẽ.

Người xoa bóp cứ cách một ngày lại đến, vào một giờ nhất định: năm giờ chiều. Nhưng ngày mai, giờ đó không thích hợp. Năm giờ khách có thể đã đến. Xoloviov không mời vào một giờ nhất định như mọi năm, ai muốn đến chúc mừng, có thể đến vào bất cứ lúc nào trong ngày. Nhưng ông lại không muốn bỏ một buổi xoa bóp, bởi sau mỗi lần xoa bóp, ông cảm thấy trong người sảng khoái hẳn lên. Vậy là thằng cha không quên. Đó cũng lại là một ưu điểm của hắn.

Ban đêm Xoloviov không sao chợp mắt được. Không hiểu tại sao, ngày mai lại làm ông bồn chồn đến thế. Mà có gì khác lạ đâu chứ? Cũng là một ngày như mọi ngày khác. Còn sinh nhật ư? Thì đây đâu phải ngày kỷ niệm sinh nhật đầu tiên, mà cũng chẳng phải ngày cuối cùng. Vậy ông hồi hộp về cái gì? Như thể một nỗi tai họa nào sắp sửa ập đến...

Phòng ngủ của Xoloviov dưới tầng một, phòng của Andrei trên tầng hai, ngay trên đầu phòng ngủ của ông. Xoloviov nhận thấy ánh đèn trên tầng hai hắt xuống. Andrei chưa ngủ, và điều này không hiểu sao cũng làm ông hồi hộp lo lắng. Đã quá một giờ đêm rồi, tại sao cậu ta khó ngủ vậy? Nếu thằng cha đúng như hắn tỏ ra, tức là không hề có tham vọng, có mong muốn gì, và không làm gì ngoài những việc ở đây, thì lẽ ra đêm đêm hắn phải ngủ say sưa chứ. Hay hắn cũng bị mất ngủ? Nếu vậy thì tại sao? Lương tâm hắn không trong sạch chăng? Hay hắn có nỗi đau khổ nào đó? Lạy Chúa, mình lại nghĩ lan man rồi.

Cuổi cùng đèn trên tầng hai tắt, khiến Xoloviov phần nào bớt lo lắng. Ông đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy tiếng chân người. Có ai rón rén bước theo dốc từ tầng hai xuống. Đúng là có người đi. Còn ai khác, nếu không phải Andrei? Xoloviov mở mắt, nhưng không thấy ánh đèn trên tầng hai hắt xuống. Tại sao hắn không bật đèn, nếu hắn muốn xuống tầng dưới? Tại sao hắn rón rén trong bóng tối? Tim ông đập thình thình đến nỗi ông nghe thấy cả tiếng đập.

Tiếng chân đến gần. Mặc dù bước rất thận trọng và khẽ, Xoloviov vẫn nghe thấy rõ. Không ghìm được nữa, ông hỏi:

- Andrei đấy phải không? - Miệng nói, tay ông bật ngọn đèn đầu giường.

Cửa lập tức bật mở. Andrei đứng giữa cửa, chỉ mặc quần cộc. Xoloviov nhận thấy gã giúp việc đi chân đất.

- Xin lỗi, tôi đã đánh thức ông chủ - Hắn lúng túng nói - Tôi tưởng ông chủ đang ngủ nên cố không gây tiếng động.

- Tôi vẫn thức - Xoloviov lạnh nhạt nói - Có chuyện gì vậy? Đêm khuya cậu dậy làm gì thế?

- Thưa ông chủ, tôi đã thiu thiu ngủ, nhưng sực nhớ ra là quên chưa cất lọ bơ vào tủ lạnh. Tôi gây tiếng động to lắm hay sao ạ?

- Không phải, mà là tai tôi rất thính - Xoloviov càu nhàu - Cậu cất bơ vào tủ lạnh rồi đi ngủ.

Xoloviov tắt đèn rồi kéo chăn lên đắp. Ông thấy tự xấu hổ với bản thân. Lạy Chúa, mình chẳng khác gì đứa trẻ, hơi nghe một tiếng động cũng đã hốt hoảng. Không được. Xoloviov khẳng định một lần cuối cùng, là ông không có gì phải sợ hết. Nhà không có tiền bạc hoặc thứ gì quý. Chẳng kẻ trộm nào mò vào đây. Nhát gan như vậy thật đáng xấu hổ. Phải cố trấn tĩnh chứ.

*

Trái với điều ông chờ đợi, lúc thức dậy, Xoloviov thấy trong người hoàn toàn khỏe khoắn. Nắng rọi vào cửa sổ, và hôm nay kỷ niệm sinh nhật của ông. Mặc xác chuyện mình tàn tật. Hôm nay là ngày vui, ông quyết định sẽ hưởng một ngày đúng là ngày vui.

Xoloviov định nằm luôn trên giường cho đến lúc người xoa bóp tới, rồi sau đó mặc quần áo một thể. Người xoa bóp đến lúc đúng chín giờ, như đã hứa. Bốn mươi phút sau, Xoloviov cảm thấy khắp người nóng bừng lên, cơ bắp sau lưng đang yếu ớt đột nhiên rắn chắc hẳn lên. Làm xoa bóp xong, ông tắm, xát xà phòng lên đầu, cạo râu, mặc chiếc sơ-mi soa, áo săng đay màu ghi sẫm rất đẹp, rồi sang phòng ăn dùng điểm tâm.

Một bó hoa lớn đặt giữa bàn đập vào mắt ông. Andrei nở nụ cười rạng rỡ, và Xoloviov nhìn thấy hai tay cậu ta bưng một gói to, trông rất sang.

- Chúc mừng ông chủ nhân ngày sinh nhật! - Cậu giúp việc trịnh trọng nói, hai tay nâng gói quà - Chúc ông chủ những điều tốt lành nhất, và mong ông chủ thật vui trong cả ngày hôm nay, để suốt một năm tới có cái nhớ lại.

Đột nhiên Xoloviov thấy niềm vui bừng lên, bao nỗi lo âu sợ hãi đêm qua tan biến, tưởng chừng như vĩnh viễn. Vậy là tốt, cậu Andrei này cũng chia sẻ với ông niềm vui và cậu ta cũng coi đây là một ngày hội.

Xoloviov từ từ mở gói quà, và ông suýt kêu lên sửng sốt. Một bức họa phong cảnh vẽ theo bút pháp quốc họa Nhật Bản. Ông chưa bao giờ coi mình là người am hiểu về hội họa, mà chỉ đánh giá mỗi bức tranh hoàn toàn theo ấn tượng tác phẩm gây ra cho ông. Bức tranh này ngay giây phút đầu tiên đã làm ông thích. Xoloviov bị nó chinh phục hoàn toàn.

- Cảm ơn cậu, Andrei - Ông nồng nhiệt nói - Rất cảm ơn cậu. Món quà tuyệt vời và bức tranh cũng tuyệt vời. Cậu thấy ta treo nó ở đâu thích hợp nhất? Tôi muốn treo nó trong phòng làm việc, đấy là chỗ tôi thường xuyên ngồi nhất, và tôi sẽ thích thú được ngắm nó.

- Đúng vậy, thưa ông chủ - Andrei bắt ngay lấy - Sau bữa điểm tâm tôi sẽ treo bức tranh này trong phòng làm việc của ông chủ. Còn bây giờ, xin dành cho ông chủ một sự bất ngờ.

- Lại thứ gì nữa? - Xoloviov ngạc nhiên.

- Vì bây giờ đã là mười một rưỡi, sẽ không phải là một bữa điểm tâm nhẹ như mọi khi, mà sẽ là một bữa ăn trưa nghiêm chỉnh theo đúng kiểu châu Âu.

Vừa nói, cậu giúp việc vừa kéo trong lò nướng ra một chiếc bánh pizza đồ sộ, khệ nệ bê đặt lên bàn ăn.

Chà thứ bánh “Quatro staggione” thích nhất của Xoloviov. “Bốn Mùa”! Nhưng làm sao cậu ta biết mình thích thứ bánh này?

- Mở đầu là món salat Italia, cà chua sống với pho mát, rồi cà phê với kem sữa. Và xin ông chủ ăn một cách ung dung, nhấm nháp, kéo dài sự hưởng thụ này ra hẳn một tiếng đồng hồ.

- Đồng ý. - Xoloviov gật đầu, đột nhiên cảm thấy đói bụng.

Cậu chàng này quả là nực cười! Làm sao cậu ta đoán được đúng tâm trạng và khẩu vị của mình?

Quả là Xoloviov thích nghệ thuật nấu ăn Italia. Rất có thể mấy vị ở Nhà xuất bản “Serkhan” đã báo cho thằng cha biết. Trước kia, khi ông bắt đầu cộng tác với nhà xuất bản này, họ đã mời ông đi một chuyến du lịch vòng quanh đất nước Italia. Xoloviov mang theo vợ, Xvetlana; Giám đốc Exipov mang theo cô bạn gái; còn Phó giám đốc kinh doanh Avtaev mang theo đứa con trai. Họ đã hưởng những ngày tuyệt vời. Thật cảm động là hôm nay họ lại quan tâm đến ông, bằng cách báo cho cậu giúp việc biết những ý thích của ông. Mấy ông bạn ở Nhà xuất bản quả là đáng yêu. Họ biết quý lao động có chất lượng cao của mình.

Món salat được làm theo đúng mọi quy cách, và lại một lần nữa làm Xoloviov ngạc nhiên.

- Món salat cậu tự làm đấy à? - Xoloviov hỏi, vừa lấy một suất nữa bỏ vào đĩa của mình.

- Tất nhiên, thưa ông chủ. Tôi làm theo chỉ dẫn trong cuốn sách dạy nấu ăn. Có chỗ nào chưa đúng ạ?

- Không, không. Rất ngon. Món salat tuyệt vời. Còn bánh pizza thì cậu lấy ở đâu ra?

- Tôi mua ở khách sạn. Vì tôi không biết cách nhào bột. Thưa ông chủ, sáng nay ông Giám đốc Exipov gọi điện hỏi, giờ nào tiện cho ông chủ tiếp các ông ấy? Tôi mạn phép ông chủ đã trả lời rằng sau năm giờ chiều thì lúc nào cũng được. Nhưng nếu ông chủ muốn vào lúc khác thì tôi gọi điện báo lại cho các ông ấy.

- Cậu trả lời thế là được. Để họ đến sau năm giờ chiều. Ngoài ra không còn ai gọi điện thoại nữa chứ?

- Thưa, không.

Xoloviov thoáng buồn. Xưa kia, vào dịp sinh nhật của ông, điện thoại réo liên tục suốt từ sáng sớm. Người ta gọi điện chúc mừng và hỏi xem bữa tiệc bắt đầu vào mấy giờ, rồi xin phép được đem theo một người bạn, hoặc bạn gái. Vậy mà bây giờ...

Xoloviov gạt đi những ý nghĩ không vui. Mọi thứ đó chỉ là chuyện bình thường, Xoloviov! Đừng cau có! Là con người, họ không muốn nhìn thấy điều bất hạnh, đấy là chuyện hết sức dễ hiểu. Chẳng nên trách cứ họ. Mà cậu thử nhớ lại xem, Xoloviov! Trong một năm qua, bản thân cậu đã gọi điện chúc mừng được bao nhiêu người? Chưa kể cậu dọn nhà đến đây, số điện thoại thay đổi. Tuy ở căn hộ cũ hiện nay còn thằng con Igor, nhưng chắc gì nó chịu mất công trả lời những người gọi điện đến, cho họ biết số điện thoại cũng như địa chỉ mới của bố nó? Chưa kể nó lúc nào cũng có bè bạn tụ tập nhậu nhẹt, khi nghe chuông điện thoại đứa nào chẳng nhấc lên được? Chúng chỉ trả lời là ông Xoloviov không còn ở đấy nữa, thế là xong.

Xoloviov gạt mọi ý nghĩ không vui đi, nói to:

- Ta ăn cho xong bữa điểm tâm rồi đi dạo. Thời tiết hôm nay tuyệt đẹp, ngồi nhà là có tội đấy.

*

Nhưng trong lúc dạo chơi, bỗng nhiên Xoloviov lại thấy mất hết mọi hào hứng. Không biết do đâu. Không ai trêu chọc gì ông, không ai làm gì xúc phạm đến ông, vậy mà ông vẫn thấy buồn chán. Xoloviov tưởng tổ chức sinh nhật sẽ làm ông vui lên, ai ngờ không ăn thua gì. Một kẻ tàn tật cô đơn lẽ ra chỉ nên sống âm thầm, chẳng nên cố vươn lên cho ngang tầm với những người khỏe mạnh, tự lo được cho bản thân, không cần ai giúp đỡ.

Andrei đẩy xe chở ông chủ trên con đường nhỏ rải nhựa chạy xung quanh khu “Mộng Mơ”. Khí trời mùa xuân ấm áp và thơm tho. Xoloviov hít làn không khí ấy vào đầy phổi, nhưng ông vẫn muốn quay về nhà, ngồi vào bàn tiếp tục dịch. Chỉ khi làm việc, ông mới thấy mình độc lập, nhất là thấy mình là người không ai thay thế được.

Xoloviov đã định bảo Andrei quay xe về, nhưng lại thôi. Ông không muốn để cậu ta biết ông đang buồn. Cậu ta đã cố gắng rất nhiều để tạo cho ông chủ một ngày vui tươi. Cậu ta đã mua quà, làm một bữa ăn tuyệt vời. Nếu Andrei thấy mọi cố gắng của cậu ta đều vô ích, hẳn cậu ta sẽ thất vọng lắm.

Nhưng rồi Xoloviov lại nghĩ: “Tại sao mình phải quan tâm đến chuyện hắn ta buồn hay vui? Thằng cha Andrei này đâu phải bè bạn, họ hàng của mình? Hắn ta chỉ là kẻ làm thuê. Mình hoàn toàn không phải lo cho tâm trạng hắn”.

- Có lẽ ta quay về thôi - Xoloviov nhẹ nhàng nói, cố không để lộ nỗi chán chường - Hôm nay tôi vẫn phải làm việc.

- Tất nhiên rồi, thưa ông chủ. - Andrei đáp và quay luôn đầu xe đẩy.

Về đến nhà, Xoloviov ngồi ngay vào bàn làm việc, và nỗi buồn nhanh chóng tan biến. Ông mê mải cắm đầu vào những chữ tượng hình, đọc và cố biến hóa chúng thành những câu văn tiếng Nga hoa mỹ, đồng thời vẫn giữ những tình tiết diễn biến cốt chuyện của tác giả. Đang mải mê dịch, ông chợt chú ý đến tiếng phanh ô-tô dưới đường, trước cửa nhà. Xoloviov ngạc nhiên nhìn đồng hồ. Chẳng lẽ đã năm giờ rồi sao? Mình mải mê làm quên cả thời gian. Nhưng kim đồng hồ mới chỉ ba giờ hơn.

Tiếng chuông reo ngoài cửa, tiếng chân Andrei chạy nhanh ra, rồi tiếng mở khóa cửa. Vẳng đến tai Xoloviov giọng nói phụ nữ lạ tai. Chắc người ta quên số nhà họ cần đến, nên vào đây hỏi, Xoloviov thầm nghĩ. Nhưng chỉ một phút sau, ông đã thấy cậu giúp việc đẩy cửa bước vào.

- Thưa, ông chủ có khách.

Xoloviov lăn xe đẩy sang phòng tiếp khách. Một phụ nữ dáng cao, tóc vàng đứng giữa phòng. Quần bó làm hằn lên bắp đùi thon chắc của cô. Cô mặc áo len dài tay trắng rộng thùng thình. Thoạt đầu, Xoloviov không nhận ra là ai. Hai người đã bao nhiêu năm không gặp nhau. Từ lâu lắm rồi, Xoloviov đã thôi không nghĩ đến cô nữa. Ông đã gạt ra khỏi ký ức một kỷ niệm thừa, vô ích.

- Chào anh Xoloviov - Khách nói khẽ - Chúc mừng anh nhân ngày sinh nhật.

Lưỡi ông như dính chặt vào vòm họng. Xoloviov đã nhớ ra người phụ nữ.

- Em đấy ư?

- Vâng, anh thấy rồi đấy.