Chiều nay nhân đọc truyện ngắn “Cái Bẫy Chuột” của Vô Tâm Thiện Anh Lạc, tôi lại nhớ đến câu chuyện Tý, đệ tử của tôi. Người xưa đã bảo “đồng bệnh tương lân”, cùng bệnh mới hiểu nhau, thông cảm nhau. Cảnh ngộ của tôi cũng có phần na ná cảnh ngộ của tác giả Cái Bẫy Chuột, nên tôi hết sức thông cảm. Vâng, chuyện nghĩ không có gì, chỉ là chuyện nhặt nhãnh trong đời thường, thế mà lắm lúc làm cho người ta ray rức khôn nguôi. Cũng từ ấy, tôi bắt đầu hiểu hơn và có kinh nghiệm sống hơn trong thế giới hữu tình này. Tôi viết câu chuyện “TÝ Đệ Tử” như một lời ăn năn và chia xẻ cùng các bạn chút kinh nghiệm ấy.

Khi tôi vừa chuyển đến phòng mới, tôi đã phát hiện trước phòng tôi có một cái hang to tướng, to đến nỗi tôi có thể để nguyên cả bàn tay tôi vào. Thấy rồi thôi, tôi cũng mặc nhiên.

Mấy hôm sau, sư tỷ của tôi đến thăm, cô giật mình khi thấy cái hang ngay trước cửa phòng, cô dè dặt nói:

- Cái hang của con gì vậy? Khéo ! Cẩn thận! Hay tìm cách lấp cái hang ấy đi.

Nghe sư tỷ dặn chừng và góp ý, tôi bắt đầu chột dạ, nói:

- Con nghĩ chắc đây là hang rắn. Nếu lấp hang phá nhà không cho chúng ở thì sợ tội, ngộ nhỡ còn mấy chú trong ấy bị chết ngộp lại càng nhẫn tâm hơn. Vả lại, gặp rắn mà lấp hang hay đụng đến các “nàng” thì có nước đổ hoạ, nên con cũng nghĩ để từ từ tìm cách cho “quý nương” đi sinh sống nơi miền đất hứa khác.

Đâu khoảng 2 tháng sau, tôi phát giác đất đùn ra trước miệng hang mỗi ngày mỗi nhiều, có hơn cả thúng đất đầy. Rồi thì chẳng phải một cửa hang mà các kỹ sư tài ba trổ ra đến 2, rồi 3 cửa. Tôi bắt đầu thấy lo lo trong lòng nhưng cũng chưa biết nên làm thế nào.

Mỗi lần ra vô, tôi lại ghé mắt nhìn đống đất, rồi lẩm bẩm: không biết hang gì vậy cà? Mấy chú Tý ở đây chăng?…

Cái gì đến, cũng sẽ đến. Đêm ấy, tôi lên giường được một lát, thì nghe có tiếng động lạ trong phòng. Tôi nghe có tiếng sột soạt phía chồng giấy báo, rồi dưới gầm giường, tiếng động mon men đến kệ sách. Không chịu nổi nữa, tôi choàng dậy, bật đèn. Chao ơi, một chú tý to không thể tưởng, tôi ước chừng chú nặng cũng 400 gr hoặc nửa kg chứ không phải đùa, chú trân mắt nhìn tôi không tỏ ra chút gì sợ hãi cả. Tôi đang loay hoay chưa biết phản ứng ra sao thì chú “lẫm đẫm” ngang qua cửa sổ, ra ngoài, tôi lật đật chạy theo, eo ơi, chú chui gọn trơn vào cái hang ấy. Thôi! Đích thị rồi, nhà chú đấy!

Ngay cửa sổ nhà bếp tôi có giàn hoa leo, mỗi tối hoa thường toa? mùi thơm, tôi lại vốn thích mùi thơm ấy nên tôi vẫn luôn mở rộng cửa sổ để vừa thơm nhà, vừa thoáng mát. Có lẽ chú theo đường ấy vào nhà.

Thương vật, không hại vật, nhưng nhìn mấy chú tự tại, ngao du trong phòng, lướt qua sóng chén, dò xét khắp nơi, thì thấy trong phòng nhơ nhớp và khó chịu quá. Tôi thấy không yên nhưng cũng chưa có phản ứng gì với chú cả. Tôi cố ý để xem như thế nào đã; tôi tính có gì ngày mai sẽ liệu cũng không muộn. Đêm ấy chú đi đâu chứ không trở lại phòng tôi.

Đêm hôm sau, cũng sau khi tôi tắt đèn lên giường được một lát, tôi lại nghe tiếng sột soạt trong phòng. Tôi bật đèn đi xuống phòng bếp, chú toan chạy ra cửa sổ, nhác thấy tôi, chú lại giương cặp mắt tí hon nhìn tôi.

Tôi đắn đo :

“Không biết có nên đặt bẫy không?”

Nhưng rồi không cách nào khác, tôi đành đặt bẫy.

Ngay đêm ấy, chú bị sập bẫy. Sợ giam chú lâu trong lồng, nên tôi đi thả chú ngay mặc dù lúc ấy trời còn rất tối, khoảng 3 giờ sáng. Tôi mang chú xuống đống rác để thả. Trên đường đi, tôi nói với chú:

“Nếu trong hang còn bạn bè, con cái, anh em của chú thì chị đưa cả nhà chú xuống đống rác này ở, no đủ hơn, chứ ở trên chỗ nhà chị thì bất tiện cho chú và cho bà con lắm.”

Đến nơi, tôi nhẹ nhàng mở cái lồng ra trả tự do cho chú. Nào ngờ, một lão chó ranh mãnh đi theo tôi từ lúc nào, đợi tôi vừa mở lồng, lão liền vồ lấy chú tý. Tôi vội đuổi theo lão chó, nhưng không kịp nữa rồi. Thấy tôi đuổi theo, chó ta thả miếng mồi ra, nhưng chú tý đáng thương đã tắt thở từ lúc nào. Tôi bàng hoàng rụng rời cả người.

Tôi chưa từng thấy chó vồ chuột bao giờ !

Vậy là vô tình tôi đã làm hại chú. Tôi ăn năn, thương xót, đứng tụng “Chú Vãng Sanh” một hồi lầu, mong chú hiểu cho tôi và nguyện cầu cho chú mau thoát thân động vật này.

Chuyện vẫn chưa hết, đêm sau không những một chú tý mà đến 2 chú tý to như chú tý đêm qua cùng vào phòng tôi. Khi tôi nhìn thấy hai chú, hai chú cũng rất tự nhiên, đủng đỉnh bò lên bàn đến bên cửa sổ để ra ngoài, mắt nhìn tôi đăm đăm, mấy chú chẳng sợ người ta, hay vì mập quá không chạy nhanh nổi ?! Chắc mập quá chạy không nổi đấy thôi! Nhớ lại cảnh chú tý đêm qua, tôi thấy buồn và thương xót lạ. Tôi lẩm bẩm hối hận và chia buồn với hai chú Tý này. Chắc chúng cũng trong một gia đình, nhiều lúc chúng chưa biết anh bạn đêm qua đi làm ăn ở đâu chưa về, chỉ có tôi là thủ phạm mới biết rõ mà thôi. Dường như 2 chú nghe lời tôi nói thì phải, hai chú đứng lại giương 2 cặp mắt đen tròn xoe bé xíu ngó tôi.

Tôi tự nói với mình, cũng như thể nói với mấy chú: Thôi từ nay tôi sẽ dẹp cái bẫy chuột ấy và mỗi tối tôi đem ít thức ăn bố thí cho mấy chú.

Cũng đêm ấy, tôi đóng cửa sổ phòng bếp và tôi thử đem nửa chén cơm để chỗ hang. Sáng hôm sau tôi ra thăm chừng và thấy chén cơm đã sạch nhẵn. Tôi đâu có bao giờ nghĩ, chuột sẽ ăn cơm, thường thì quý chú thích gặm nhấm, cứ nhấm cái gì vừa ý thì ăn, đâu ăn cơm chay lạt thế này!

Cũng bắt đầu từ ấy, mỗi đêm tôi lại cho mấy chú tý ăn. Và mỗi lần tôi đều chú nguyện mong mấy chú sớm thoát khỏi cảnh khổ thế này. Và cũng từ đêm ấy tôi vẫn thấy chú lảng vảng trước cửa lúc trời chập choạng tối nhưng mấy chú không bao giờ vào phòng tôi nữa. Chuyện cũng lạ thật!

Chiều hôm qua, sau giờ công phu chiều, Sư Tỷ tôi đến thăm. Thấy tôi lấy chén cơm nguội hồi trưa đem ra để trên miệng hang, Sư tỷ ngạc nhiên hỏi :

Ủa, làm gì vậy.

Tôi cười đáp:

Con cho mấy chú tý ăn cơm.

Sư Tỷ liền nói vui:

Thiệt sao? Vậy là từ nay Tiểu Khuê có đệ tử rồi, mấy đứa vậy? Làm lễ qui y cho nó chưa?

Tôi mới sực nhớ ra và thầm nghĩ:

Ừ nhỉ ! tôi phải qui y cho chúng để bớt nghiệp súc sanh chứ.

Sư Tỷ ôn tồn tiếp:

Quả thật người ta nói không sai ! Cọp, voi, rắn, chuột,… là những động vật có trực giác mạnh lắm, người ta vẫn nói nôm na là “linh” đấy. Chúng có thể biết được phần nào tâm cảm của con người. Cách đây vài tháng, nhà kế bên, bị một chú tý trả thù. Giống tý ấy không to như loại này. Chúng vào nhà gặm nhắm đủ thứ, ngay cả sách vở cũng nhắm luôn. Người nhà la mắng chú thậm tệ. Cô vợ bực mình bẫy chú và mang ra ngoài núi bên kia thả. Sau đó ít hôm, cả nhà có việc đi xa, nhà đóng cửa có cả mười ngày. Thế là chú ta quay lại và nhắm nham nhở hết mọi thứ. Chú chẳng ăn, chỉ nhắm cho hả giận rồi bỏ lại đó. Một thùng mì gói, chú nhắm không sót một bì nào. Đến cái computer, chú cũng không tha, chú cắn đứt cả dây máy in, bàn phím… . Khi trở về, vừa mở cửa, cả nhà mới tá hoa? ra.

Không biết các loài vật kia linh như thế nào, còn riêng mấy chú tý này thì tôi thấy chúng ngoan ngoãn thật. Lần nào cho chúng ăn, tôi lại thấy xót xa, hối hận cho việc làm hôm trước của mình. Vì tôi vô ý quá chú mới chết như vậy. Mà thật ra, lúc ấy tôi biết phản ứng với lão chó đen ranh mãnh kia làm sao chứ ! Để rồi lúc sự việc tệ hại xảy ra mới hối hận thế này.

Chuyện kể tưởng chừng như huyền thoại, nhưng quả đây là câu chuyện Tý của tôi, chuyện thật. Thế mới hiểu, loài vật cũng biết nghe đấy. Mình nói phải chúng đều nghe. Mấy vị pháp lữ khác nghe tôi kể chuyện Tý, ban đầu còn bỡ ngỡ tưởng chuyện không thật nhưng rồi các vị đó phải tin. Họ còn nói đùa tôi: Chà, nay Tiểu Khuê có thêm mấy đệ tử Tý nữa đấy.

Tôi cũng cười :

Có lẽ đúng vậy. À, biết đâu, sau này chúng sẽ mang đến cho tôi mỗi ngày mỗi đồng tiền vàng như chú chuột trong câu chuyện Con Mèo trong Jàtaka (Trong Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka), số 137 có ghi lại câu chuyện đức Phật là người thợ đẽo đá đã cho thức ăn con chuột và mỗi ngày con chuột đem đến cho Bồ-tát mỗi đồng tiền vàng... )?

Ai cũng cười và nói là tôi tham lam thật, chỉ cho có một tí cơm mà hy vọng mỗi ngày mang tới mỗi ngày một đồng tiền vàng. Nhưng tôi tự an ủi mình, lập luận là “nhân quả khó nói lắm.”

Mà tôi làm việc này có phải vì động cơ này đâu nhỉ ?

Hết