Lời giới thiệu

Cánh Cửa Mở Rộng

Tủ sách hợp tác giữa

Nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt với Nhà xuất bản Trẻ

Tủ sách CÁNH CỬA MỞ RỘNG được thực hiện nhằm mục đích giới thiệu những đầu sách có giá trị của thế giới và trong nước đến bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ, góp phần thúc đẩy việc đọc sách, tinh thần hiếu học, coi trọng trí thức và những giá trị sống. Các tựa sách trong tủ do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu.

Tủ sách được phân thành ba mảng: văn học, khoa học xã hội - kinh tế, và khoa học tự nhiên; trước mắt cấu tạo tủ sách gồm 80% các sách có khả năng tiếp cận đông đảo bạn đọc và 20% cho các sách chuyên ngành.

 

Lời giới thiệu của

Nhà toán học Ngô Bảo Châu và Nhà văn Phan Việt

Thay lời tựa

Mẹ gửi Zazie lên Paris cho cậu Gabriel trông. Zazie không quan tâm đến những cung điện tráng lệ, những di tích văn hoá và lịch sử mà chỉ thích đi tàu điện ngầm.

Bạn đang cầm trong tay mình cuộc phiêu lưu của cô bé mới có mười ba tuổi nhưng đã đủ tinh ranh để mọi người xung quanh, trong đó có vũ công Gabriel, hồng hộc chạy theo cả tuần.

Đây còn là cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ hàng ngày được Raymond Queneau nhào nặn thành những tổ hợp cũng ngộ nghĩnh, tinh ranh không khác gì Zazie. Khi tiếng lóng bị buộc vào những cấu trúc trừu tượng của ngữ pháp, nó làm chúng ta bật cười, một nụ cười hồn nhiên, vô tư, không hề gợn mỉa mai, chua chát.

Cả tôi và bạn đều cần cái nụ cười ấy lắm, để còn có sức khoẻ mà sống với cuộc sống xung quanh, một cuộc sống nhiều khi chỉ toàn một màu xám xịt.

NGÔ BẢO CHÂU và PHAN VIỆT

 

THAY LỜI TỰA

“Hoidaumahoithe” như một tiếng sấm mở đầu cho Zazie trong tàu điện ngầm. Raymond Queneau trở nên danh tiếng và được tán thưởng, đặc biệt trong giới trẻ  đang khao khát nổi dậy.

Bởi vì, chúng ta phải nhớ tới nước Pháp của năm 1959, năm mà tác phẩm ra đời, là một đất nước đang bị gò bó như thế nào trong những quan điểm xã hội hết sức cứng nhắc và hẹp hòi về phương diện giáo dục và tình dục... Phải nhớ lại cái nước Pháp xám xịt như màu áo đồng phục học trò của các trường tiểu học và trung học phổ thông thời ấy để hiểu được sự đón nhận hào hứng mà bạn đọc đã dành cho tác phẩm.

Zazie, với vốn ngôn ngữ sống sượng của mình (như thói quen thường xuyên chêm ba chữ "cái đít tôi" khi bộc bạch chẳng hạn), đã trở thành mẫu mực cho lớp trẻ nổi loạn và ngạo mạn, đang đấu tranh để phá rối những quy chế, luật lệ, và làm phát triển những tư tưởng “từ thiện”, “phải đạo”. Lớp trẻ ấy, mười năm sau, vào năm 1968 đã xuống đường để thay đổi bộ mặt của xã hội. Và Zazie hẳn là đã có mặt trong đoàn người ấy!

Nhưng thành công văn học này không chỉ là kết quả ngẫu nhiên của hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: ở thời điểm này, Raymond Queneau đã là một tác giả có tầm cỡ trên văn đàn. Rất trẻ, khi mới ở tuổi 20, ông đã đứng vào hang ngũ, hay nói đúng hơn là đã đi theo xu hướng của chủ nghĩa siêu thực. Rời khỏi xu hướng này vào năm 30, ngược lại với André Breton, “giáo hoàng” của trường phái siêu thực, ông coi tiểu thuyết như một phương tiện diễn đạt, biểu cảm hiện đại. Chỉ ba năm sau, với cuốn Le chiendent (tạm dịch là Cỏ hoang), Queneau đã nhận được giải thưởng đầu tiên của ông và cũng khánh thành giải thưởng văn học này, Les Deux Magots, tên một quán rượu nổi tiếng ở Saint Germain des Prés. Hơn thế nữa, đấy chính là đại bản doanh của Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nơi được coi như một ngôi đền của chủ nghĩa hiện sinh và của trí tuệ Pháp.

Cũng như vậy, Raymond Queneau trở nên danh tiếng và được công nhận là một trong số những người có vai trò quan trọng trong nền văn hóa Pháp giai đoạn sau chiến tranh. Ngay thời kỳ đó, ông đã bắt tay vào một công trình có tính chất nền tảng: khai thác và sử dụng một chất liệu ngôn ngữ đã hoàn toàn trút bỏ những gì thuộc về kinh điển. Loại ngôn ngữ mà ông coi là tiếng Pháp tân hiện đại.

Theo ông, cần phải có một loại cú pháp và từ vựng gần gũi với tiếng nói, một chất liệu và phong cách ngôn ngữ mà văn học không nên xa vời. Và nếu cần thiết, ông sẽ áp dụng một cách thích thú, rất lâu trước khi SMS xuất hiện, lối viết theo phiên âm. Lối viết này được ông khai thác rất rộng rãi để sáng tác Zazie trong tàu điện ngầm, điển hình là những “câu” và những từ như: “doukipudonktan” (D'où qu'ils puent donc tant / Từ đâu mà họ hôi đến vậy), “essmefie” (Elle se méfie / Con bé cảnh giác), “gzactement” (exactement /chính xác)... Được viết theo ý tưởng trên, Zazie trong tàu điện ngầm là một cuốn tiểu thuyết để đọc thành tiếng... Ông không ngần ngại Pháp hóa những từ tiếng Anh, biến những “blue jeans” thành “bloudjinnze” (quần jean xanh), “glass” thành “glasse” (ly cốc) và sáng tạo ra những từ như “factipersialité”, một từ mới “nghe” qua có vẻ thông thái nhưng lại là một từ không có thật, có thể hiểu là “những sự việc vụn vặt”. Loại ngôn ngữ này chỉ tồn tại trên đường phố, được sử dụng nơi chợ búa, sinh sôi nẩy nở trong những quán rượu. Ngôn ngữ “vỉa hè” chứ không phải ngôn ngữ “thính phòng”. Một ngôn ngữ không giống như bất cứ một loại ngôn ngữ nào.

Dịch Queneau, đặc biệt là dịch Zazie, như thể khai phá một vùng đất lạ, nơi mà chiếc địa bàn chỉ định được một hướng Bắc rất mơ hồ. Bản dịch cần tìm lại không chỉ nội dung mà cả nhạc điệu của từ ngữ trong tác phẩm nguyên bản. Và về khía cạnh tinh thần: một cú đá đít thật mạnh vào những thể chế và quy định già cỗi!

Và thế là Raymond Queneau, với “ngôn ngữ hiện đại mới của Pháp”, đã trở thành đồ đệ của Victor Hugo vĩ đại, người đã tuyên bố trong bài thơ Trầm tưởng của mình:

Trên trận chiến của những vần thơ Alexandrine khuôn sáo

Tôi làm bùng dậy ngọn gió cách tân táo bạo

và chụp chiếc mũ đỏ tươi lên cuốn từ điển cũ kỹ cỗi cằn...

Tác giả vốn hết sức tò mò này quan tâm đến mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực toán học (ông đã gia nhập Hội Các Nhà Toán Học năm 1948) và áp dụng môn khoa học này vào văn học. Và dựa trên ý tưởng đó, ông sáng lập một nhóm văn học quan trọng, nhóm Oulipo. Tập hợp quanh ông là những nhà văn như Italo Calvino, như Goerges Perec (người đã viết cuốn tiểu thuyết La Disparition, tạm dịch là Biến mất, mà không hề sử dụng một chữ “e” nào), những nhà thơ như Jacques Roubaut và những nhà toán học danh tiếng.

Theo những người có nhiệt huyết không muốn nền sáng tạo nghệ thuật đi theo lối mòn, thì các nghệ sĩ phải luôn luôn đưa ra cho mình những khó khăn, thử thách  và tìm tòi mới. Chỉ có như thế thì sự tự do sáng tạo nghệ thuật mới có thể phát triển và người ta mới có thể hình dung ra những hình thức biểu cảm mới. Họ tóm tắt ý  tưởng này như sau: “Những con chuột xây cho mình con đường xoáy trôn ốc mà chính chúng đặt ra nhiệm vụ là phải tự thoát ra được”

Raymond Queneau, khi cho ra đời Zazie, đã nắm vững được tất cả các thể loại văn học. Trong một tác phẩm ngay trước đó, với tựa đề hết sức minh bạch là Exercices de style (tạm dịch là Thử nghiệm phong cách) đã chứng minh cho chúng ta điều đó. Ông đã thích thú kể’ lại bằng 99 kiểu khác nhau một câu chuyện nhỏ rất đỗi bình thường về cuộc gặp gỡ trên một chuyến xe buýt. 99 phong cách văn học khác nhau: ly kỳ hay mạo hiểm, lãng mạn hay thô thiển trắng trợn, hiện đại hay cổ điển như thể’ loại Alexandrine, v.v.

Không nghi ngờ gì nữa: Zazie trong tàu điện ngầm là một tác phẩm văn học rất kỳ công. Dưới một hình thức cấu trúc có vẻ hơi lộn xộn là một câu chuyện được xây dựng hết sức chặt chẽ với các tình huống khác nhau, trong đó nhân vật chính phải vượt qua nhiều thử thách.

Câu “Con già đi!” kết thúc truyện như tiếng còi báo hiệu thời thơ ấu của cô bé Zazie đã đi qua.

Đây cũng là một hình thức “road movie” (phim hành trình). Trong cuộc chạy đua ấy, bằng những lời lẽ rất “phóng khoáng” và cái nhìn trong sáng của mình, Zazie  đã đương đầu với thế giới người lớn, với những lời dối  trá, những bộ mặt giả tạo của họ.

Zazie trong tàu điện ngầm lẽ ra có thể được viết như  một bi kịch: Queneau kể lại câu chuyện của một bé gái  khoảng 10 - 13 tuổi được mẹ gửi cho người cậu (có thể  là đồng tính luyến ái) để đi với người tình. Còn bản thân  cô bé cũng từng là con mồi nhục dục của chính cha mình, rồi người yêu của mẹ mình... Nhưng bằng nghệ thuật và tài năng của Queneau, qua thứ tiếng Pháp tân hiện đại, loại ngôn ngữ đường phố ấy, đã biến hóa câu chuyện bi đát buồn thảm này thành một chuyện khôi hài lấp lánh ánh sáng vui tươi.

Ông đã không ngần ngại vượt qua những điều cấm cản của xã hội Pháp vào giai đoạn ấy: xuyên suốt tác phẩm, bằng một giọng văn hài hước, tác giả đã khéo léo đề cập đến những vấn đề động chạm đến tình dục dưới những bộ mặt khác nhau. “Đồng tình luyến ái là gì?”, Zazie chất vấn cậu Gabriel, ông cậu mà người vợ là chị Marceline dịu dàng, kín đáo bỗng trở thành anh chàng Marcel khi câu chuyện kết thúc! Một mối "bòng bong" vui nhộn làm chối tai, chướng mắt những cơ cấu thể chế và nhà thờ vào giai đoạn mà đồng tính luyến ái bị coi như một tội ác và bị luật pháp trừng phạt như một tội ác.

Queneau, qua Zazie trong tàu điện ngầm, đã cho chúng ta thấy bộ mặt thật của một xã hội người lớn hết sức dung tục với những bộ máy han gỉ, với những lời lẽ không bàn cãi được và sự hèn hạ hiển nhiên. Và một xã hội mà ta ngầm hiểu là phải thay đổi ấy.

Đôi dòng về tác giả Raymond Queneau:

Raymond Queneau (1903 -1976) là một nhà toán học, nhà văn và nhà thơ. Ông là tác giả của 14 cuốn tiểu thuyết, 1400 bài thơ, và lời thoại của hai bộ phim truyện La Mort en ce jardin (tạm dịch là Cái chết trong khu vườn, Luis Bunuel) và Monsieur Ripois (tạm dịch là ông Ripois, René Clément). Ông cũng viết lời cho một số bài hát rất nổi tiếng của nhóm Anh Em Nhà Jacques và nữ ca sĩ Juliette Gréco như ca khúc “ơi cô bé, nếu em hình dung, ơi cô bé...” (đã được Gabriel sử dụng để đối thoại với Zazie).

Ông giữ một vị trí chủ chốt trong nền văn học Pháp như Giám đốc Thư viện La Pléiade, một tủ sách quý giá của nhà xuất bản Gallimard, và thành viên Ban Giám khảo Giải thưởng Goncourt.

Michel STRULOVICI

Nhà văn, nhà báo, phóng viên thường trực Nhật báo Humanité tại Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1978, cựu Trưởng ban Ban Biên tập Văn hóa Nghệ thuật Đài truyền hình France 2.

(Cẩm Thơ dịch)