Huệ dựa lưng vào vách lá nhìn lơ mơ ra ngoài bãi đất sau nhà. Trên bãi đất pha sỏi và cát, những cây khoai mì vươn cao hơn hẳn những cây khác. Một giàn mướp đã tàn để lại những lá khô héo trên giàn, nhưng vẫn có những bông hoa nở vàng rải lưa thưa đây đó.

Xa xa là những căn nhà lá chìm ngập trong đám cỏ tranh và cây cối mới trồng. Màu xanh của cỏ, của cây, của núi rừng như nuốt chửng tất cả, lấn át tất cả những màu sắc khác. Một vài con bướm hiếm hoi bay lạc lõng trên những cánh hoa mướp nở muộn, nhưng rồi hình như cũng khám phá ra đó chỉ là những cánh hoa khô cằn, sắp héo, nên lại bay đi nơi khác.

Nhìn cánh bướm bay chập chờn trên đám cỏ tranh bao la không hiểu sao Huệ lại liên tưởng đến những người vượt biên, cũng với những con thuyền mong manh như những cánh bướm, họ đã băng qua đại dương và nhiều người đã đến được bến bờ.

Huệ chợt nhớ đến Cương, đến những người ra đi đầu tiên sau ngày đổi đời, và thấy số Cương đen đủi quá. Sau Cương có biết bao nhiêu người đi, và cũng không thiếu gì người bị bắt, nhưng ít có ai bị giam giữ lâu như Cương, đến bây giờ đã mấy năm rồi vẫn chưa thấy về.

Cương đối với Huệ là kỷ niệm vừa ngọt ngào vừa đắng cay, Huệ sực nhớ đến những lần đi chơi với Cương, chàng đã cho Huệ những rung động đầu đời mà nàng chưa hề biết, những rung động ấy như đọng mãi ở phần thân thể đã bị khuấy động. Chính những khuấy động ấy nên Huệ đã khổ sở khi không còn Cương trong cuộc đời nàng.

Trước đây, Huệ những tưởng muốn quên Cương chỉ việc tìm người khác thay thế chàng, nhưng nàng nhầm. Lực đến, tuy cũng gây một ít xôn xao trong lòng Huệ, nhưng những xôn xao ấy chỉ như cơn gió thoảng và hình như không để lại dấu vết gì. Hơn nữa, Lực bây giờ cũng đã ra ngoài tầm tay của nàng.

Ôi, Sài Gòn! Cái thành phố mà có thời Huệ đã chán ngấy, và có cảm tưởng chẳng có nơi nào để đi, chẳng có gì để chơi nữa, bây giờ lại là nơi Huệ ao ước được sống ở trong đó, được sống ở trong đó thôi đã là một hạnh phúc đối với nàng bây giờ.

Huệ nhớ con đường Lê Lợi tràn ngập những người qua lại, lúc nào cũng huyên náo như những phiên chợ ngày tết. Rồi đường Tự Do, với những phòng trà rập rình tiếng nhạc suốt đêm!

Huệ thèm được tắm trong cái không khí tưng bừng nhộn nhịp ấy ngay trong giờ phút này!

Một cơn gió thổi đến cuốn theo bụi bậm từ mấy luống rau mà đất đã khô vì thiếu nước tưới, khiến Huệ phải nín thở và nheo mắt lại, Huệ chợt thương cho làn da và mái tóc của mình.

Huệ ân hận khi nghĩ đến lần Nguyệt đưa cho nàng hộp phấn nàng lại từ chối, nói bảnh, kiểu "cùi không sợ lở" nữa. Nào ngờ, nói được mà làm không được, bây giờ chẳng lẽ xin chị ấy lại thì cũng kỳ. Nếu có Thái ở nhà thì cũng dễ, một thân một mình chị ấy làm sao lo hết cho người nọ đến người kia được!

Thật ra, lúc ấy Huệ chán đời quá nên không còn tha thiết gì nữa. Nhưng nỗi buồn nào cũng có ngày nguôi ngoai, và Huệ lại bắt đầu chú ý và chăm sóc cho nhan sắc của mình.

Thấy bố đi từ ngoài vào, bộ mặt tươi tỉnh hơn mọi ngày, Huệ đến gần hỏi:

-Hôm nào bố cho con về Sài Gòn chơi mấy hôm, con nhớ Sài Gòn quá!

Ông Thịnh đang đi, đứng lại nhìn Huệ, lưỡng lự một lúc, rồi nói:

-Về thì mày ở đâu?

-Con đến nhà chị Nguyệt.

Ông lắc đầu:

-Nó đang phải lo lắng đủ thứ: lo cho anh mày, lo cho ở đây, lo cho nhà nó, đừng có làm cho nó khổ thêm nữa!

Huệ chưng hửng:

-Vậy con không được về Sài Gòn luôn sao?

-Về chứ, nhưng để từ từ đã, rồi bố tính.

Huệ thất vọng bỏ đi. Để cho Huệ tính thì may ra còn nhanh được, chứ để cho bố tính thì biết đến bao giờ!

Ông Thịnh đã đi vào trong, bỗng quay lại:

-Mày đã nấu cơm chưa?

-Rồi, bố. Bố mẹ đói chưa để con dọn cơm? Cái con khỉ Quỳnh đâu rồi không biết. Bố xem nó suốt ngày xách đít sang nhà hàng xóm chơi!

Ông Thịnh xua tay:

-Nó còn nhỏ, mày không thương em một chút. Đang ở trong thành phố, nhà cửa như thế, bỗng phải sống trong hoàn cảnh này, cho nó đi chơi cho khuây khỏa.

-Thế còn con thì sao, bố làm như chỉ con Quỳnh mới biết buồn, còn con thì ở chỗ nào cũng được!

Ông Thịnh lại xua tay:

-Không phải thế, nhưng con lớn rồi may ra hiểu được, còn con Quỳnh nó làm sao hiểu được!

Bà Thịnh từ ngày lên đây được thêm bệnh sốt rét, cơn sốt vừa hạ thì lại nhức đầu, thấy hai bố con nói qua nói lại bà bực lắm nhưng chỉ nói:

-Nhức đầu thế này thì chết mất!

Nghe tiếng than của mẹ, Huệ im bặt. Bà dạo này khó tính, nói nữa không chừng bị mẹ chửi. Ông Thịnh chợt nhớ đến vợ, hỏi con:

-Mày nấu cháo cho mẹ mày chưa?

-Con tưởng mẹ ăn cơm cũng được.

-Thôi xuống nấu nồi cháo đi, mẹ mày còn yếu không nên ăn cơm.

Khi mới bắt đầu về đây, Huệ hình như không phải làm gì, mọi việc đã có Thái và bố, còn bây giờ mọi việc nàng đều phải nhúng tay vào, nhất là việc bếp núc.

Huệ không phàn nàn gì điều này vì biết rằng trước sau gì rồi cũng phải làm, nhưng điều nàng không ngờ là mình chỉ được thực tập trong một thời gian ngắn như thế thôi.

Nhìn thấy con gái lúi húi ở bếp ông Thịnh thương hại con, từ một cô gái không nhúng tay làm bất cứ việc gì bây giờ phải làm tất cả trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Ông biết là Huệ buồn, nên khi nó xin về Sào Gòn chơi ông đã toan cho, nhưng nghĩ lại thì chưa thể được, phải chờ cơ hội thuận tiện hơn.

Vừa rồi ông đi một vòng vùng kinh tế mới, khi thấy có nhiều nhà bỏ trống, ông hỏi người ta thì được biết, những người đó đã bỏ trốn về Sài Gòn rồi. Tuy không biết thực hư ra sao nhưng ông cũng mừng khấp khởi trong lòng. Như thế thì ông không đến nỗi phải vùi thây ở nơi này, ngày nào đó ông cũng sẽ về Sài Gòn sinh sống dù rằng không lấy lại được căn nhà.

-Này, bà!

Bà Thịnh thấy chồng gọi, ngước nhìn lên:

-Gì, ông?

-Nhiều người trốn về rồi đấy.

-Ở đâu trốn về?

Ông Thịnh hơi bực mình về sự chậm hiểu của vợ nhưng vẫn dịu giọng:

-Ở đây trốn về Sài Gòn.

-Ông có chắc không?

Ông Thịnh hơi lưỡng lự:

-Tôi hỏi thì người ta nói vậy, để chờ ít lâu nữa xem sao.

Bà vẫn có vẻ không vui;

-Mà trốn về rồi ở đâu mới được chứ, nhà mình người ta lấy mất rồi!

Nghe vợ nói ông cũng đâm phân vân. Trốn về với hai bàn tay trắng, rồi lê la đầu đường xó chợ, mà chưa chắc đã yên!

Nỗi vui mừng như chút lửa rơm mới bùng lên lại tắt lụi liền. Huệ Ở dưới bếp nghe bố mẹ nói chuyện với nhau vội chạy lên:

-Người ta về Sài Gòn hả bố?

-Tao nghe nói vậy.

-Thảo nào con thấy khu kinh tế mới dạo này vắng hẳn đi. Vậy mình cũng chuẩn bị về đi bố mẹ ạ. Ở đây có làm ăn gì được đâu. Chắc chỉ trồng được khoai mì, khoai lang, mà ăn mấy thứ đó hoài thì chịu sao nổi!

Bà Thịnh nói với Huệ:

-Nhưng về rồi ở đâu? Nhà mất rồi còn gì!

Huệ đang vui cũng chưng hửng bỏ xuống bếp lại. Nồi cháo bắt đầu sôi, nàng phải hạ bớt lửa xuống cho nó khỏi trào ra, nhưng một ít nước cháo màu trắng đục cũng đã tràn xuống làm ướt một góc bên ngoài nồi, nhưng vì cái nồi còn nóng quá nên nước cháo mới chảy ra đã khô lại rồi cong lên bên thành nồi.

Một làn khói mỏng và cả hơi nước từ bếp bay ra tan ngay trong không gian đang lộng gió chiều. Nắng đã nhạt màu trên rừng cỏ tranh trước mặt. Cảnh chiều ở đây hiu quạnh quá, Huệ có cảm tưởng gia đình nàng đang sống trong một thế giới biệt lập nào đó, xa cách hẳn với thế giới bên ngoài.

Bữa cơm chiều mọi người ăn một cách lặng lẽ, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng. Ông Thịnh nghĩ đến những người bỏ vùng kinh tế mới ra đi, họ về đâu? Ở đây thì chỉ có thể sang bên Miên thôi, mà bên ấy thì có khác gì Việt Nam, sợ còn khổ hơn nữa! Ông nghe nói Pol Pot giết cả hàng triệu người. Còn về Sài Gòn thì sống ở đâu khi nhà cửa đã bị tịch thu hết rồi. Đành rằng ông có thể bỏ tiền ra mua một căn nhà nhỏ nhưng làm sao yên ổn được. Thằng Thái chỉ vì không có hộ khẩu ở nhà vợ nó mà bị bắt, huống hồ là ở lậu cả một gia đình như thế này. Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác quay cuồng trong đầu óc ông mà ông không trả lời được.

Bà Thịnh thì nghĩ đến thằng con đang bị nhốt ở Sài Gòn, chỉ vì miếng ăn cho gia đình mà bây giờ nó phải chịu như vậy. Bỗng dưng bà thấy miếng cháo đang nuốt trở nên đắng hơn.

Riêng đối với Huệ, cái tin bỏ trốn vùng kinh tế mới trở về Sài Gòn là tin vui cho nàng thật, vì nếu người ta về được thì nàng cũng có thể trở về. Đối với nàng, chỉ cần về Sài Gòn được là tốt rồi, còn vấn đề ở đâu thì lúc đó tính sau. Nỗi vui khi nghĩ có ngày được về sống ở Sài Gòn làm Huệ phải lên tiếng, dù thấy cả bố lẫn mẹ đều có vẻ đăm chiêu suy nghĩ về một điều gì đó.

- Để chút nữa ăn xong con đi một vòng xem nhà nào đi rồi, nhà nào còn ở lại, nghe bố?

Ông Thịnh gật đầu cho qua:

-Ừ.

Quỳnh từ nãy đến giờ ngồi ăn, thấy chẳng ai nói gì cả, nó im luôn, bây giờ mới thắc mắc hỏi Huệ:

- Đi đâu hả chị Huệ?

-Về Sài Gòn.

Quỳnh buông đũa bát ôm choàng lấy Huệ:

-Vậy hả, em thích về Sài Gòn lắm, ở đây buồn quá!

Ông Thịnh chợt nhìn con rồi nhìn vợ. Nỗi vui của Quỳnh là nỗi đau của ông. Con ông chỉ mong ước một điều hết sức nhỏ bé mà ông không làm cho nó được. Từ ngày lên đây nó không học hành gì cả, suốt ngày chạy sang nhà hàng xóm chơi vì bên ấy cũng có đứa trẻ trạc bằng tuổi nó. Thương con ông không ngăn cản, vì giữ nó ở nhà cũng không được việc gì, mà muốn con đi học lại thì chưa có trường.

Trong mấy đứa con ông mến bé Quỳnh hơn cả, chỉ vì lý do nó bé bỏng nhất nhà lại chịu thiệt thòi nhất. Khi nó còn nhỏ ông gửi nó vào học trường đầm. Gọi là trường đầm mà thực ra không có đầm dạy, chỉ có mấy bà sơ dạy theo chương trình Pháp, với hy vọng là ông sẽ cho nó sang Pháp du học khi Quỳnh đã qua bậc trung học.

Vừa mới bập bẹ được mấy câu tiếng Tây thì biến cố ba mươi tháng tư xẩy ra. Con ông trở về học chương trình Việt như mọi đứa trẻ khác, nhưng rồi nó không may mắn, cả gia đình bị đẩy lên đây và việc học vì thế bị gián đoạn.

Nhìn con mà ông không biết nói với nó thế nào. Huệ đã cho nó nỗi vui to lớn và bất ngờ quá ông không nỡ lấy lại ngaỵ Nhưng rồi Quỳnh quay sang bố:

-Nhà mình về Sài Gòn hả bố?

Ông nhìn con ái ngại:

-Về bây giờ thì chưa được, nhưng rồi để bố tính dần.

Bà Thịnh cũng nhìn đứa con út, bà cũng mủi lòng như chồng và cũng hiểu là chồng bà đang nói để an ủi hai đứa con.

Tuy chỉ nghe bố nói có thế nhưng đối với Quỳnh đó là hứa hẹn hết sức tốt đẹp.

Quỳnh vừa ăn vừa vẽ vời tương lai theo trí tưởng tượng của nó và tô lên đó toàn màu hồng. Huệ thấy em như vậy cũng mủi lòng:

-Tí nữa ăn cơm xong hai chị em mình đi chơi một vòng.

-Quanh đây chẳng có gì chơi đâu chị Huệ Ơi!

-Mày ngu vừa thôi, ai chẳng biết quanh đây không có gì chơi, nhưng đi dạo mát cũng là đi chơi vậy. Với lại, có đi thì mình mới biết nhà nào đi, nhà nào còn ở lại.

Quỳnh không nói gì, nó nghĩ đến việc gia đình nó có về Sài Gòn hay không thôi, còn người khác có về hay không chẳng quan trọng gì đối với nó. Những người khác về mà gia đình nó còn ở lại thì có ích lợi gì cho nó đâu.

Ăn xong Quỳnh lại ra ngoài chơi, lần này nó không sang nhà hàng xóm chơi nữa, mà chơi một mình với mấy cái kẹo mẹ nó mới cho nó khi vừa ăn cơm xong.

Nó biết là nhà nó còn nhiều kẹo bánh lắm mà không biết chắc là mẹ nó để ở đâu, chỉ biết thỉnh thoảng mẹ nó lại cho nó vài cái. Hình như chỉ một mình nó được như vậy vì thấy chị Huệ chẳng có gì cả, vì vậy nó cũng không đem ra khoe ai, nhất là chị Huệ.

Cái kẹo chanh nó ngậm tan dần trong miệng, vị ngọt lẫn chua như quyện mãi vào nhau và quyện vào cái lưỡi nó, làm đê mê cả thân mình. Nó cứ ngậm cái kẹo như thế cho đến khi tan hết mới lại bóc đến cái kẹo khác.

Nó đi thơ thẩn một mình trên con đường cạnh nhà. Con đường đất ít người đi lại, cỏ mọc lan ra gần giữa đường, nhưng nó không sợ vì cũng là con đường quen thuộc.

Bước đi của nó làm động đám cỏ, và những con cào cào từ trong đám cỏ bung mình bay ra, kêu xành xạch, rồi lại đáp xuống. Đôi khi có cả nhái từ trong đám cỏ nhảy ra nữa.

Những cảnh tượng này Quỳnh không bao giờ thấy khi còn ở Sài Gòn, nên lúc đầu khi mới lên đây nó cũng thấy lạ mắt và vui vui, nhưng chỉ một lúc thôi là nó chán, nhưng cũng biết là không thể về Sài Gòn được vì không có nhà nữa.

Nó không hiểu tại sao cái nhà của bố mẹ nó ở Sài Gòn to lớn đẹp đẽ như vậy mà người ta lại đào bới rồi bắt tất cả nhà nó lên trên này ở. Nhiều lúc nó muốn hỏi, nhưng hình như mỗi lần nhắc đến chuyện ấy chỉ làm cho mẹ nó buồn thêm nên nó lại thôi.

Quỳnh đứng lại giữa đường nhìn xuống khu đất trũng ở phía dưới. Cũng vẫn cây cối và cỏ tranh mọc xen lẫn vào nhau, nhưng không có cái nhà nào ở dưới đó. Nó để ý đến chỗ cỏ tranh bị cắt làm hai và thấy một con suối chạy ngang qua đám cỏ tranh ấy.

Lần trước, vào mùa hè, nó với con Tâm đã đến đây rồi mà sao không thấy con suối ấy? Nó tự hỏi nhưng rồi đành chịu không trả lời được vì không biết tại sao. Bỗng một đám mây đỏ bay ngang và dòng suối cũng chợt đỏ lên nhưng chỉ một lúc là hết. Quỳnh muốn đi đến chỗ con suối ấy nhưng không dám vì bây giờ chỉ có một mình, khi nào có cả con Tâm nữa nó sẽ rủ con Tâm xuống.

Khi mấy cái kẹo tan hết trong miệng thì Quỳnh trở lại nhà, rồi không biết làm gì nó đứng thơ thẩn trước cửa nhìn ra. Vừa lúc đó thì Huệ từ trong nhà đi ra.

-Mày đi chơi không?

Quỳnh nhìn chị, lắc đầu:

-Em mới đi về, mỏi chân lắm rồi, em chẳng đi nữa đâu. Với lại trời sắp tối rồi, tối, em sợ ma lắm!

Huệ đứng chần chừ một lúc và rồi cũng thấy trời sắp tối thật vì đám mây đỏ ở phía tây đã chuyển sang màu đen, còn đám cỏ tranh phía trước thì màu đã sẫm lại.

Tự nhiên Huệ lại nhớ Sài Gòn, từ lúc nãy đến giờ hình ảnh Sài Gòn cứ ám ảnh nàng hoài. Sài Gòn với đường xá rộng thênh thang, với đèn điện sáng chưng giăng đầy các nẻo, với quần áo đẹp, với hàng quà ngon. Sài Gòn có nhiều thứ quá mà hình như thứ nào cũng quyến rũ cả. Vậy mà Huệ không được ở Sài Gòn. Cái hy vọng mong manh loé lên một chút ánh sáng đã tắt ngúm khi nghĩ đến căn nhà trên đường Trần Quốc Toản mà nàng không được trở về đó nữa. Căn nhà đó bây giờ họ cho ai ở hay làm gì? Huệ biết có một số căn nhà mà chủ nhân đã di tản sang Mỹ bây giờ làm trụ sở phường, hợp tác xã. Chắc nhà nàng cũng biến thành cái gì đó!

Huệ ao ước được nhìn lại căn nhà, để làm gì thì nàng không biết một cách rõ rệt, chỉ biết hình ảnh ngôi nhà đã gắn liền với cuộc đời Huệ, Quỳnh và tất cả mọi người trong gia đình nàng.

-Huệ Ơi, đốt đèn lên, tối quá rồi!

Nghe tiếng mẹ, Huệ lật đật trở vào nhà, Quỳnh cũng vào theo. Trong góc tối của căn nhà, Quỳnh thấy bố đang mở radio để nghe, nhưng ông mở rất nhỏ, nên Quỳnh chẳng nghe được gì. Quỳnh lại ngồi cạnh bố cũng cố lắng nghe nhưng tiếng được tiếng mất Quỳnh chẳng hiểu gì, chán quá, cô bé lại gần giường mẹ, rồi ghé lưng nằm xuống cạnh bà.

-Con đi đâu từ nãy đến giờ?

-Con đi chơi, nhưng trời tối quá không đi chơi được nữa.

Bà Thịnh ôm đứa con gái út vào lòng. Tự nhiên bà nghĩ đến cái chết của mình, chắc ngày ấy không còn xạ Bà thấy mủi lòng khi nghĩ đến Quỳnh, khi bà chết chắc Quỳnh vẫn còn nhỏ lắm chưa thể tự lo lấy cho mình được, bà chỉ hy vọng Thái sẽ thay thế bố mẹ chăm sóc đàn em mà bây giờ nó lại bị đi tù. Bà chợt quay nhìn chồng bà đang nghe radio ở góc nhà và bỗng thương hại ông. Bà vốn ốm yếu và bây giờ còn yếu hơn vì những cơn sốt rét bất chợt kéo đến, nên từ ngày lên đây, bà đành để cho ông và Huệ lo lắng hết. Chồng bà vốn không phải làm gì nặng nhọc, bỗng phải vác cuốc làm quần quật suốt ngày dưới ánh nắng như thiêu đốt, vậy mà ông cũng làm được.

-Mẹ Ơi, con muốn đi học, chả muốn ở nhà đâu, buồn quá!

Nghe Quỳnh nói, bà cúi xuống an ủi con:

-Mai mốt có trường thì con đi học chứ ở nhà làm gì, phải chờ người ta xây mới được.

-Sao người ta xây trường lâu quá vậy mẹ, mà xây ở đâu?

-Mẹ cũng chẳng biết, chỉ nghe nói có thế. Lúc nào rảnh con lấy sách cũ ra ôn bài chẳng mai mốt quên hết.

-Thỉnh thoảng con vẫn lấy ra học, nhưng học một mình chán lắm mẹ ạ!

Bỗng Quỳnh nhìn mẹ hỏi:

-Sao tự dưng mẹ lại khóc:

Bà Thịnh nói dối con:

-Mẹ có khóc đâu, chắc tại bụi vào mắt nên như vậy.

Quỳnh nằm chơi với mẹ một lúc rồi lăn ra ngủ, nhưng đêm hôm ấy bà Thịnh không sao chợp mắt được.

***

Huệ cố thu xếp công việc cho xong sớm để đi dạo một vòng kinh tế mới. Khi Huệ ra khỏi nhà thì mặt trời còn cao và ánh nắng gay gắt, nên nàng phải tìm một cái nón lá đội lên đầu.

Những ngày mới đến đây Huệ ít khi đội nón vì không quen. Hơn nữa, nàng nghĩ: "đã cùi rồi không còn sợ lở nữa!", nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, khi nhìn lại nhan sắc mình trong gương, nàng đâm sợ, và bắt đầu giữ gìn da mặt và trang điểm trở lại.

Ra khỏi nhà được một quãng, Huệ mới biết muốn đi một vòng khu kinh tế mới không phải là điều dễ dàng. Chỗ có đường đi như trước cửa nhà nàng mà có nơi cỏ tranh còn mọc bít luôn con đường, nếu không nhìn thấy đám cỏ tranh trên đường cao hơn đám cỏ tranh bên cạnh thì không thể phân biệt được đâu là đường đi. Hơn nữa, nhiều nhà không có đường đi đến. Huệ có nghe nói sẽ đắp đường chạy ngang chạy dọc như trong thành phố nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì, chẳng biết bao giờ mới có.

Huệ đã chán nản định bỏ về, nhưng chẳng lẽ đã chuẩn bị đủ thứ mà bây giờ lại bỏ về thì uổng quá nên vẫn ráng đi. Huệ đi hết con đường trước mặt nhà nàng, qua ngôi nhà nào Huệ cũng nhìn vào xem có người ở trong đó không. Có nhà, mới nhìn vào đã biết ngay là có người vì thấy quần áo đang phơi, nhưng có khi không thể biết chắc được mà tạt vào để hỏi thì chẳng có lý do gì.

Đến cuối đường thì Huệ nhìn thấy một thanh niên từ căn nhà tranh cuối dãy đi ra, nhìn thấy Huệ chàng ta mỉm cười, chào:

-Cô Hai, vô đây uống nước nói chuyện một chút. Bữa hôm gặp cô chưa kịp chào hỏi thì cô đi mất tiêu, hôm nay mới có dịp gặp lại. Về đây chắc cô Hai buồn, tôi cũng buồn, mình làm bạn cho vui.

Đề nghị làm bạn với nhau của anh thanh niên làm Huệ chới với. Mà sao chàng thanh niên này biết mình buồn? Huệ cười cười:

-Thôi đi "cha", tính dụ dỗ tôi hay sao đây?

Chàng thanh niên than:

-Trời đất! ai mà dụ dỗ được cô, cô ở Sài Gòn về đây chứ bộ Ở trên rừng xuống hay sao mà tính chuyện dụ dỗ được. Có điều tôi nghĩ mình cùng hoàn cảnh làm bạn với nhau cho đỡ buồn. Nói thật với cô, tính tôi không thích khách sáo nên nhập đề trực khởi vậy đó. Đừng hiểu lầm nhau mà tội nghiệp!

-Nhà anh ở đây hả?

-Nhà ở Sài Gòn mà bị tống lên đây ở, buồn chết được! Hình như gia đình tôi với gia đình cô đi cùng một chuyến mà!

-Sao hôm đó tôi không thấy anh?

-Nhiều xe lắm chứ phải một cái sao?

Huệ nhìn vào trong nhà:

-Bộ có một mình anh ở nhà sao?

Chàng thanh niên hơi mỉm cười:

- Đâu có, mình tôi sao làm được tới "tư sản mại bản", nhưng ông bà đi Tây Ninh chưa về, vô đây ngồi nói chuyện một chút.

Huệ cũng cười:

-Thôi đi, đừng có dụ khị.

Chàng thanh niên vẫn cười:

-Mình lớn cả rồi, ai mà dụ khị được ai, làm bạn với nhau cho vui vậy thôi.

- Đứng đây nói chuyện cũng được vào trong nhà làm gì, trời nóng muốn chết!

-Vậy thôi, để tôi chạy vào lấy hai cái ghế mình ngồi nói chuyện. À quên, tôi là Quyến, còn đằng ấy là gì nhỉ?

Huệ đáp cụt ngủn:

-Huệ.

Quyến lại cười:

-Chà, cái tên đẹp lắm đó. Quyến thích hoa huệ hơn tất cả mọi thứ hoa.

Dù biết anh chàng nịnh mình, Huệ vẫn thích, nhưng lại nói:

- Đừng có xạo nghe. Mới nghe nói cái tên đã nói thích cái nọ cái kia rồi.

-Thích thì nói thích chứ biết nói sao bây giờ. Thích cũng không cho nữa thì người đẹp Sài thành khó thật.

Quyến chạy vào nhà mang ra một cái ghế dài. Huệ nhìn cái ghế, hỏi Quyến:

-Sao nói mang hai cái ghế lại chỉ vác một cái ra?

Quyến cười:

-Huệ tính coi, một cái ghế này vác đã muốn xệ vai, mang hai cái gì nổi. Mà nói thật, cái "băng" này Quyến đóng đấy, mang ra khoe Huệ, ngồi thử xem có được không. Coi vậy mà chắc lắm, hai đứa ngồi không sao đâu, bảo đảm không thể gãy được.

Huệ cười, nói:

-Còn nếu gãy thì kể như bỏ, phải không?

Quyến không trả lời câu hỏi nhưng mời mọc:

-Thôi ngồi xuống đi, thử mới biết được, bảo đảm mà!

Quyến vừa nói vừa kéo tay Huệ nhưng Huệ giật tay ra:

- Đừng có lợi dụng chứ, mới nói mấy câu đã đụng tay đụng chân rồi.

Quyến làm bộ than trời:

-Trời đất! Đụng tay đụng chân thì có béo bở gì đâu. Phải chi tôi ôm Huệ hôn đại mới nói được là tôi lợi dụng.

Huệ chợt đỏ mặt, thằng cha chết tiệt này ăn nói nham nhở chưa bao giờ thấy, nhưng nàng cũng nhận là Quyến nói chuyện có duyên và thoải mái. Nàng ngồi xuống một đầu ghế, mắt nhìn dây mướp đang khoe mấy bông hoa vàng trên cái giàn quá lớn. Bên kia giàn, một bụi cây rừng còn sót lại, che bóng râm rợp cả khu đất nhỏ bé trước nhà.

-Ở đây mát mẻ, nhà Huệ chẳng có bóng cây nào ở trước cửa, buổi chiều nóng muốn chết!

-Vậy buổi chiều Huệ tới đây ngồi chơi, tụi mình nói chuyện với nhau cho vui.

Huệ cười vì thấy Quyến lợi dụng tối đa những sơ hở của nàng:

-Huệ tới đây ngồi chơi rồi anh lại nhà Huệ nấu cơm giùm, nhé?

- Đừng có chê khéo tôi là không biết nấu cơm. Nghề lắm đó! Từ ngày lên đây đến giờ đủ tốt nghiệp "đại học tổng hợp" rồi, làm được mọi chuyện. Nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà. À quên, không có lau nhà, nhà nền đất không cần phải lau, chỉ thỉnh thoảng quét sơ sợ Rồi còn nhiều nữa. Cái giàn khổ qua này là Quyến làm đó, trông vĩ đại không?

-Mới nghe sơ sơ là biết anh xạo không ai bằng. xạo quá là nghỉ nói chuyện đó, nghe?

-Mới nghe nói thì tưởng xạo nhưng không có đâu, người tính tình cởi mở thường hay bị tiếng oan, nhưng quen lâu rồi mới biết.

Huệ nói tiếp:

-Biết là xạo...

Quyến cười:

-Mới quen nhau mà chọc quê tôi quá vậy nè!

Huệ chợt hỏi:

-Lên đây ở buồn không?

-Buồn muốn phát khóc, có điều kẹt là con trai khóc coi nó kỳ quá nên ráng nín. Gặp Huệ mừng quá nói tía lia làm Huệ tưởng là mình xạo, đủ biết là mừng đến độ nào. Quên nữa, Huệ uống gì để Quyến lấy. Nói thật, nhà chỉ có nước đun sôi để nguội thôi, uống tạm nghe. Lần sau Huệ đến là có trà uống đàng hoàng. Ông bà hôm nay đi Tây Ninh về thế nào cũng mua trà, cả nhà ghiền trà nên uống chóng hết lắm!

-Thôi khỏi, anh nói nhiều chắc anh khát nước chứ Huệ không khát đâu.

Quyến nhìn Huệ tinh quái:

-Hoa hồng mới nhiều gai chứ hoa huệ có gai đâu mà sao tôi cứ bị gai đâm vào tay hoài nè!

Thấy Quyến có duyên, nói chuyện cũng đỡ buồn. Huệ nói:

-Vậy bây giờ mình nói chuyện đứng đắn nghe. Lâu lâu mình gặp nhau nói chuyện cho vui, nhưng Huệ không dám vào nhà đâu, mình đi vòng vòng nói chuyện thích hơn.

-Vậy chiều mai Huệ có rảnh không?

Huệ do dự:

-Huệ cũng không biết nữa, nếu rảnh Huệ sẽ đi vòng vòng ở đây hóng gió, nếu anh cũng rảnh thì ra nói chuyện chơi. Hay anh ra khu nhà Huệ đi, nhưng đừng vào nhà, trong nhà vừa nóng lại không có chỗ ngồi. Cả nhà có chút xíu bằng cái lỗ mũi, đặt hai cái giường là hết rồi!

Nói xong Huệ đứng lên ra về. Trên con đường cỏ tranh mới mọc thỉnh thoảng nàng lại bị vấp vì đầu óc luẩn quẩn toàn những hình ảnh của Quyến. Chợt Huệ thấy mình dễ dãi quá, đáng lẽ phải làm cao và tỏ ra lạnh lùng một chút. Nàng nghe nói đàn ông họ chỉ thích loại con gái khó khăn. Dễ dãi quá là họ chán nản liền. Huệ băn khoăn không biết điều người ta nói có đúng không. Có điều, đối với Huệ, cố giữ cho vẻ mặt mình trang nghiêm không phải là dễ, bên trong cái vẻ con gái của Huệ vẫn là con bé Huệ nhí nhảnh, dễ vui, dễ buồn, và cũng hơi dễ dãi với đám bạn trai.

Đêm hôm đó Huệ lại khó ngủ, trằn trọc mãi trên cái giường ở một góc nhà. Bên ngoài tiếng gió hú như âm vang từ cõi mơ hồ nào đó vọng lại, và tiếng côn trùng đủ loại đang hoà tấu một khúc nhạc chỉ có một nhịp điệu buồn buồn.

Bỗng Huệ nghe tiếng súng nổ, lúc đầu còn rời rạc, sau hàng loạt, xóa tan bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya. Lâu lắm Huệ không còn nghe tiếng súng, bỗng nàng nhớ lại những ngày xưa, nhất là những ngày ở Buôn Mê Thuột, đêm đến nàng thường nghe tiếng nổ ở đâu đó vọng lại, đôi khi tiếng súng nghe rất gần như ngay ở bên hông nhà.

Huệ chợt nghĩ đến Lan, mới lấy chồng rồi mất tích trên đường di tản. Hình ảnh Lan, Huệ tưởng sẽ không bao giờ quên, bỗng mơ hồ như sương khói, nàng không thể hình dung một nét nào rõ rệt trên khuôn mặt Lan, trừ cái nốt ruồi đen nhỏ trên má.

Khi Lan còn sống, ai cũng nói nốt ruồi đó là nốt ruồi duyên, Huệ cũng thấy nốt ruồi đó đẹp. Có lần Huệ lấy chút mực đen chấm lên má, giả làm nốt ruồi, nhưng chính Huệ lại chẳng thấy đẹp gì cả nên đành xoá bỏ liền.

Chợt hình ảnh Quyến hiện ra trước mặt cười cười nói nói. "Mỏng môi hay hớt!", mẹ Huệ thường nói vậy, và chắc là đúng với Quyến rồi! Môi Quyến cũng mỏng và hơi đỏ. Huệ chợt tủi thân khi nhìn đến môi của mình, nếu không có chút son tô lên trên thì chắc không đỏ bằng môi của Quyến!

Sáng hôm sau Huệ thức dậy trễ hơn nhưng vẫn thấy người nặng nề hơn mọi ngày. Cái cảm giác nặng nề của người mệt mỏi. Bỗng Huệ ngán ngẫm khi phải bắt tay vào làm những công việc hằng ngày nàng vẫn làm, mà trước đây nàng cảm thấy hình như nó nhẹ nhàng hơn.

(Trích trong truyện dài Trong Bóng Đêm, sẽ xuất bản)

Hết