Chương còm ngáp dài một cái gần toác đến mang tai. Gã vạch cổ tay áo, nhìn đồng hồ. Gã thoáng giật mình, đã 2 giờ sáng. Thế là gã đã ngồi mọc rễ trước chiếc máy điện toán gần 8 tiếng đồng hồ. Không biết từ bao giờ, Chương còm đâm ra "ghiền" cái trò chơi "xa lộ tin học" này. Cũng như người dùng ma-túy lâu năm, liều lượng chỉ có tăng chứ không có giảm.

Ngày xưa, lúc mới được giới thiệu với cái trò chơi này, Chương còm bắt đầu bằng cách tham gia mạng lưới thông tin của nhóm Việt Nam, có tên gọi là "VietNet". Cái diễn đàn này hợp với bản tính tò mò của Chương còm. Trên đó thiên hạ hàng ngày đăng tải cả trăm lá thư điện tử, những lá thư đôi khi viết bằng tiếng Anh, đôi khi bằng tiếng Việt. Nội dung của những lá thư này rất đa dạng; có người mang chuyện chính trị, tôn giáo lên đó mà bàn cãi, cũng có những mầm non văn nghệ chia sẽ với thiên hạ những mẩu truyện ngắn, những bài thơ con cóc, cũng có kẻ lại mang chuyện tư thù lên đó mà giải quyết.

Thời gian sau Chương còm đi xa hơn một bước là trực tiếp liên lạc với người gửi thư, thay vì đi qua diễn đàn. Sở dĩ gọi xa hơn một bước là vì trường hợp này có vẻ riêng tư hơn. Cũng nhờ cái trò chơi này mà Chương còm làm quen được vài cô, mà cũng không biết có phải là mấy cô thiệt không hay là lại mấy gã giả gái. Dễ quá mà, không thấy mặt nhau thì có trời mới biết được kẻ ở đầu bên kia là ai, và chỉ cần biết sơ về hệ thống điện toán thôi là người ta có thể dễ dàng sửa cái tên trên máy cho nó có vẻ nữ phái một tí. Có ai ngờ được những người vẫn tự xưng trên máy là Bích, Kim Anh, Loan, Liên, Mai, Ngọc, Uyên, hay Yến là mấy gã đực rựa chính hiệu. Cũng có trường hợp bé cái lầm vì trên bàn máy tiếng Mỹ không có bỏ dấu, như Hoa chính là Hòa, Dung là Dũng, Truc và Van tưởng là Trúc và Vân nhưng lại là Trực và Văn! Đó là chưa kể trường hợp những cái tên Việt Nam đều có thể là trai hay gái cũng được.

Thời gian sau này có người mách cho Chương còm về một dịch vụ mới của xa lộ tin học, gọi là "Internet Relay Chat (IRC)". Với dịch vụ này người ta có thể đi thẳng vào những băng tần, tương tự mấy băng tần của đài phát thanh, để mà nói chuyện trực tiếp với nhau bằng cách gõ vào bàn máy. Theo quảng cáo, với dịch vụ này, người dùng có thể liên lạc với nhau từ khắp bán cầu mà không tốn một xu tiền điện thoại. Chương còm quan niệm chỉ có cách liên lạc như vậy gã mới có thể phần nào đoán được người đang gõ máy là nam hay nữ. Thế là Chương còm tham gia vào dịch vụ IRC này không một chút do dự. Cho đến hôm nay cái hậu quả của việc làm này thật là tai hại, không lường được. Chương còm vẫn ý thức được sự tác hại này, nhưng gã không thể dứt được, cũng như người nghiện thuốc lá, biết là hại phổi nhưng vẫn cứ hút. IRC có một mảnh lực ghê hồn, nó chiếm hết mọi sinh hoạt thường nhật của Chương còm. Hàng ngày gã dính chấu IRC từ sáng đến tối, không lo học hành gì hết. Chương còm hiện đang còn là sinh viên. Năm nay chỉ mới là năm thứ hai đại học của gã, nhưng gã có triển vọng được mời ra trường sớm nếu cái đà học hành này cứ tiếp tục. Nhưng mặc kệ. Chương còm bất chấp. Gã vẫn quan niệm "học mà không chơi hại đời tuổi trẻ". Năm nay Chương còm mới tròn 25 cái xuân xanh.

Cũng nhờ làn sóng IRC này mà Chương còm đã làm quen được một vài cô bé Việt Nam. Trong số đó, Chương còm có cảm tình nhất với Oanh. Phút đầu gặp gỡ trên máy, Chương còm đã chú ý tới Oanh ngay; với một lối đàm thoại dễ thương và hoạt bát, Oanh đã nổi bật lên so với các nàng có mặt trong IRC hôm đó. Thế là Chương còm bắt đầu tiến hành kế hoạch tán tỉnh trên máy. Gã bắt đầu bằng cách bắn đến địa chỉ thư điện của Oanh một loạt thơ tình, trích ra từ cuốn Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến của Nguyễn Tấn Long. Gã còn bỏ thời giờ ngồi vẽ trên máy những đóa hoa hồng để gửi đến nàng. Chỉ có nhiêu đó thôi cũng đủ gây được sự chú ý của Oanh. Thế là Chương còm thành công. Qua tìm hiểu trên máy điện toán và thư từ qua lại, Chương còm biết được Oanh hiện đang sống và làm việc ở Schenectady, một thành phố nhỏ, tọa lạc phía Bắc của tiểu bang New York. Nàng sang Mỹ được 5 năm, tuổi đời 24, tức là thua Chương còm 1 tuổi. Cổ nhân có câu: "Gái hơn hai, trai hơn một!" Như vậy là rất xứng đôi vừa lứa, Chương còm nghĩ thầm. Sau này, nhận được hình của Oanh, gã càng thấy nàng gần gũi và thân thương hơn. "Khi yêu quả ấu cũng tròn, bồ hòn cũng ngọt!" Chương còm có cảm tưởng hoa hậu Hoa Kỳ, cô Heather Whitestone, đẹp lắm thì cũng chỉ bằng Oanh của gã là cùng.

Ba tháng trời trôi qua, mối quan hệ mật thiết giữa gã và Oanh thật là gắn bó. Thoáng đó mà cái Tết Nguyên Đán đã gần kề. Tết năm nay Chương còm nhất định sẽ thực hiện cái kế hoạch mà gã đã nung nấu suốt ba tháng trời naỵ Như bao nhiêu cái Tết Ta trôi qua trên xứ người, ngoại trừ những vùng đông Việt Nam như Cali hay Texas, ai cũng biết rõ những tiểu bang miền Đông băng giá làm gì có chuyện ăn mừng Tết âm Lịch, và cái thành phố quê mùa Schenectady cũng không phải ngoại lệ. Kế hoạch của Chương còm trong mấy ngày Tết nhất này là bay lên tận vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, cho người tình "điện toán" của gã một cái ngạc nhiên. Suốt mấy tháng trời qua Chương còm đầu tắt mặt tối, cày một lúc hai "job", cuối cùng gã cũng dành dụm đủ tiền cho chiếc vé máy bay khứ hồi và vài trăm để tiêu vặt, dẫn người yêu đi chơi. Chỉ mới tưởng tượng ra cái cảnh ôm Oanh trong vòng tay, ngắm nhìn tuyết rơi bên ngoài khung cửa thôi mà gã đã cảm thấy châu thân nóng bừng. Và Chương còm âm thầm thi hành kế hoạch. Gã mua vé máy bay, đáp xuống phi trường Albany, thủ phủ của tiểu bang New York, vào đúng đêm Giao Thừa.

"Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi." Đêm ba mươi, Chương còm khăn gói quả mướp đến thăm người tình điện toán của mình. Theo địa chỉ trên phong bì Chương còm tìm ra nhà dễ dàng, cũng nhờ ở đây đất rộng người thưa, nhà cửa phân chia rõ rệt. Chương còm ghé tai vào trong khe cửa, gã nghe rõ có tiếng trẻ con Việt Nam đang nô đùa bên trong. Gã mừng thầm là đã tìm đúng nhà. Chương còm hít một hơi dài lấy bình tĩnh trước khi gõ cửa. Ra mở cửa là một thằng bé khoảng trên dưới 10 tuổi. Thằng nhỏ nói tiếng Việt khá sõi:

"Dạ thưa chú kiếm ai?"

"Cho hỏi đây có phải là nhà của cô Oanh không?"

Có một đứa bé gái, trông có vẻ lớn hơn thằng bé, thò đầu ra:

"Mợ cháu đi ra chợ có việc, mời chú vô nhà ngồi đợi, tí xíu mợ về."

Chương còm tưởng mình đi lầm nhà. Theo gã biết, Oanh mới có 24 tuổi, làm sao mà có được những đứa cháu lớn tồng ngồng như thế được! Chắc có lẽ là họ hàng xạ Gã nhìn lại địa chỉ một lần nữa, không thể lầm được. Gã tự nhủ: "Thôi thì đã lỡ đến đây, cứ vào trong cái đã, mọi chuyện sẽ hạ hồi phân giải." Có điều gã lấy làm lạ là dân tình ở đây có vẻ hiếu khách, người lạ mới gặp lần đầu mà dám mời vào trong nhà.

Chương còm bước vào phòng khách. Chiếc máy điện toán đặt trên bàn đập vào mắt gã trước tiên. Gã đi đến tò mò dò xét. Hình như người dùng vừa mới xài IRC xong, dấu tích còn ghi lại trên màn ảnh. Rồi Chương còm giật bắn người. Tấm ảnh người con gái mỹ miều mà gã nhận được cách đây mấy tháng, đang bày ra đầy dẫy trên bàn. Nhìn kỹ thì thấy đây là những bản chụp lại trên giấy cứng. Tấm ảnh gốc được cắt ra từ một tờ tạp chí người mẫu á Đông. Chương còm nhặt nhanh một tấm, đi đến hỏi 2 đứa bé:

"Đây có phải là mợ Oanh của mấy cháu không?"

Hai đứa bé lắc đầu. Chương còm hỏi tiếp:

"Trong nhà có tấm hình nào của mợ Oanh không?"

Thằng bé chạy nhanh vào phòng ngủ, một lát sau trở ra, trên tay là một khung hình lớn, cỡ cuốn tập học trò. Chương còm đỡ lấy khung hình từ tay thằng bé. Hai mắt gã bỗng trợn trừng, chân tay cảm thấy rụng rời. Hỡi ôi! Trước mắt gã là chân dung của một thiếu phụ Ở lứa tuổi tứ tuần với nhan sắc của một người đàn bà mà "trời bắt phải xấu".

Có tiếng xe đỗ lại trước nhà. Chương còm sực tỉnh. Gã phải thoát nhanh ra khỏi đây. Gã chào hai đứa bé rồi phóng nhanh ra cửa sau. Trước khi mất dạng gã còn nghe rõ mẫu đối thoại từ trong nhà vang ra.

"Hồi nãy lúc mợ đi vắng có người đến tìm mợ." Đứa bé gái lên tiếng.

"Vậy họ đâu rồi?" Chương còm đoán đây là giọng nói của Oanh.

"Chú ấy vừa mới đi khỏi thì mợ về đến."

"Thế à?" Có tiếng đóng cửa. Và giọng nói của thiếu phụ tiếp tục:

"Dạo này trộm cướp tợn lắm đấy! Lần sau mợ đi vắng, các con tuyệt đối không được mở cửa cho người lạ vào nhà nghe chưa?"

Hóa ra Oanh là mẹ của hai đứa bé kia, chỉ vì người Bắc gọi mẹ bằng mợ vậy mà Chương còm cứ thắc mắc nãy giờ. Gã băng qua đường, đón tắc-xi trở về khách sạn tạm trú, chờ ngày rời khỏi cái vùng khỉ ho cò gáy này. Tuyết đang lất phất rơi, tô điểm thêm trên bầu trời lãng mạn mùa xuân. Theo lẽ thường thì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Nhưng bây giờ, thậm chí đứng trước khung cảnh mùa xuân vui tươi rộn rã, lòng Chương còm vẫn tan nát, trong một tâm trạng mất mát, cả chì lẫn chài.

Xuân 95

Hết