Quá nửa đêm, đường phố giao lại cho những kẻ ngủ ngày và những kẻ ăn sương. Xe taxi vàng, trắng như rùa ngủ đậu nối dài trước các quán karaoke đã xuống đèn mờ. Từng tốp xe hai bánh, nam nữ thay nhau lái để mượn lưng làm giường cho thời gian trôi theo tiếng máy.

Công viên góc ngã tư tán lá che phủ nên ánh sáng mờ, nhiều cô gái ăn mặc diêm dúa đứng lố nhố chờ khách vãng lai.

Một chiếc ba gác máy từ chợ Cầu Muối chở hàng bỏ mối cần xé chất cao, tài xế phải nghểnh cổ nhìn đường tha hồ cho cỗ máy tháo bô lướt tới. Nào ngờ giỏ trái cây trên cao mất thăng bằng lật nghiêng, những quả cam tuôn xuống đường lăn lóc tứ phía, kéo dài đến nơi xe hết trớn dừng lại.

Như đàn chim, các cô gái túa ra đuổi theo những quả cam, tha hồ nhặt. Có cô kéo vạt áo làm túi đựng. Người đi đường chứng kiến không khỏi thương cho anh ba gác chở thuê phen này mất trắng.

Nhưng không, khi đã đầy tay, các cô đứng lên, cử chỉ rất tự nhiên cùng hướng về chiếc xe, bước vội vì còn phải trở lại nhặt tiếp cho nhanh, kịp thời chưa có chiếc xe tải nào trờ tới. Các cô còn phụ đỡ ràng buộc lại cẩn thận đến khi xe nổ máy lên đường, mới trở về với nghề.

Nhiều người cho là sự cao thượng vẫn còn trong những mảnh đời lầm lạc, nhưng chắc chắn các cô gái này không hề nghĩ sâu xa thế, thấy việc là giúp tự nhiên thôi mà!

Một chiếc Dream trờ tới, chống bằng chân dép. Một cô gái bước tới đon đả mời:

- Đi với em không?

Sau cuộc mặc cả chóng vánh, khách trở bộ chờ cho cô gái lên yên, nhích ga. Chưa được bao lâu, cô đã trở về trên chiếc xe ôm đèn tròn.

- Mày đạp thằng đó xuống đâu mà về nhanh vậy, Lý?

Lý hé túi cho mọi người thấy một chiếc ví:

- Lột hết thì về, ở làm chi? Vì cái này mà tao trốn muốn nín thở. Hắn biến mất rồi, chờ tao không thấy, chạy xe tới lui bao nhiêu lượt.

- Vậy mày trốn ở đâu?

- Tao để hắn tô hô sau gốc cây, bảo chờ tao mấy phút, rồi rúc sau quầy của quán cà phê lều bỏ trống...

- Được bao nhiêu? Nhiều hôn?

- Đủ cho mỗi chị một tờ xanh, còn bao nhiêu kệ em! Chơi vậy đẹp chứ?

Sáu Tri ở miệt rẫy Long Khánh, lâu ngày xuôi Sài Gòn một chuyến. Cà phê của ông già chờ giá chất đống trong rẫy, chôm một vài bao ra chợ Phương Lâm bán giá bèo làm lộ phí, đổ xăng vù hai tiếng là tới nơi, kiếm một em mát mẻ, làm sao biết được sẽ bị lừa. Bây giờ, mất tiền không tiếc, tiếc giấy tờ tùy thân, thẻ đăng ký xe cũng mất. Trời sắp sáng, phải có mặt trong rẫy trước khi tía ở nhà vào.

Qua cầu Sài Gòn, mở hết tốc độ trên xa lộ, chở theo tâm trạng hậm hực vì thua trí con gái. Tuồng như xui xẻo cũng biết rủ rê nhau, gần đến ngã ba Vũng Tàu xe bất chợt loạng choạng tay lái, bánh trước bị rải đinh xẹp lép không còn tí hơi nào. Cái sướng phóng hết tốc độ gió mát bên tai sao bù được nỗi khổ đẩy xe trên đường trường, không còn bạc lẻ vá bánh, lại chẳng còn chứng minh thư để ký cược mang tiền đến chuộc. Bọn sửa chữa bên đường cũng tỏ ra bực mình vì lỗ mất một cây đinh.

Ai có phận sự ấy, người dưới đất cứ gò lưng đẩy, mặt trời trên trển cứ lên cho dẻo nhựa đường. Đói đã đành, khát khô cổ chẳng có nước uống. Về tới Dầu Giây mới có tiệm quen gửi xe lội bộ thêm mười cây số về nhà lấy tiền. Chuyện người nhà rủa cho xin miễn nói. Tất nhiên chuyện bát nháo ở thành phố ai dại gì tiết lộ.

Ba ngày sau, kẻ bại trận lại xuất hiện nơi chiến trường xưa. Không phải để báo thù, chẳng qua sốt ruột vì số giấy tờ tùy thân. Vừa dừng xe, đã có mụ quá thời ra vẻ đàn chị tới gần cười tở mở:

- Cậu đấy à! Tìm con Lý hả? Thấy cậu từ xa nó sợ hết hồn, chuồn rồi.

- Chuyện nhỏ thôi mà.

- Cậu không giận nó thật sao?

- Tiền bạc của chồng, vợ cất có sao đâu? Chỉ sợ cô ấy hời hợt làm mất giấy tờ của em thôi. Vua nước Sở mất cung cũng người nước Sở dùng, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.

- Cậu này nói ngộ quá. Có thiệt không đó?

- Dân đồng rẫy mà chị. Thật thà lắm, xa nhau có ba ngày mà em cứ nhớ cô ấy, làm việc gì cũng uể oải.

- Đừng giỡn chơi nghe! Tôi gọi nó ra mà cậu trở quẻ là không xong với tôi đâu đó.

Vừa nói chị ta vừa nhìn ra góc đường có ba tay xe ôm lấy yên làm ghế vệ sĩ.

- Lý, ra đây đi! Đem giấy tờ trả cho cậu ấy làm phước. Con nhỏ vậy mà tử tế, nó vẫn giữ nguyên giấy tờ cho cậu. Phải hậu tạ cho đẹp nghe!

Lý e dè bước tới:

- Anh không khinh em à?

- Khinh em rồi ai khinh anh. Nhớ! Nhớ thấy mồ... Còn đủ giấy tờ như vậy hậu tạ em mới phải. Đi chơi lâu nghe! Tối mai anh đưa em về, nhớ muốn chết... Bằng này, tiền trăm hai tờ mới cáu, đủ chưa?

Cô gái cười trừ rồi bước lên yên.

Xe lại qua cầu Sài Gòn nhằm hướng miền Đông trực chỉ. Gió mát trăng thanh, thú nào bằng cánh tay ôm eo, bộ ngực mềm mại áp sát lưng nghe tim đập. Vượt qua Hố Nai tới khoảng vắng trước khi đến Trảng Bom, xe dừng lại để thư giãn. Đi đường trường, những lúc xuống xe thế này, phái nữ bao giờ cũng chậm.

Khi nghe xe nổ máy, Lý chưa kịp ngẩng lên thì Sáu Tri đã rú ga phóng đi bỏ cô ở lại. Ánh đèn pha xa dần rồi tắt hẳn. Cái túi xách treo trên tay lái cũng theo hắn đi rồi. Bốn bề tối như bưng, thân gái dặm trường. Rõ ràng là hắn muốn trừng phạt.

- Đồ đểu!

Chửi rồi cô dậm chân. Lẻ loi, cô đơn, khiếp sợ xâm chiếm, cô chỉ có nước mắt, không xe, không tiền, không ai quen biết. Lâu rồi không quen đi bộ mà đường về thành phố hơn bốn mươi cây số. Chớp giật trên trời hình như sắp mưa. Có chiếc xe hàng chiếu đèn, cô đưa tay vẫy, xe vù qua vô cảm. Cô lầm lũi bước, dù sao cũng đi cho mau đến nơi dân cư tập trung, nhưng sao lâu đến vậy.

Một chiếc hai bánh lướt qua bên kia đường, cô không kịp gọi vì họ không chớp đèn, kinh nghiệm dân đi xe đêm qua vùng nguy hiểm sợ bọn trấn lột biết có xe từ xa.

Sau đó lại có một chiếc xe sáng đèn ngược chiều lại, cô phải nép sát đường sợ bị tông. Xe ép sát dừng lại. Hắn cười nham nhở:

- Nào! Có chịu lên không?

Cô ngoan ngoãn leo lên. Chờ cho xe lăn bánh cô mới đấm liên hồi, véo lên cổ hắn.

- Thôi đi! Vợ hư thân mất nết, chồng dạy cho bài học không được sao?

- Ai vợ chồng với anh?

- Thì anh vợ chồng với em. Có chịu yên không hay muốn xuống đi bộ?

- Anh ác lắm!

- Ai bảo lấy bóp người ta.

- Ai bảo lấy thân xác người ta rẻ rúng, người ta phải lột lại chứ.

- Vậy dành dụm được bao nhiêu rồi?

- Tay trắng hoàn trắng tay, tương lai mù mịt.

Sáu Tri chỉ vào chỗ đựng trái tim mình:

- Vậy thì chỗ ổn định là ở đây nè.

- Xạo!

- Nếu xạo hồi nãy người ta đã bỏ cho đi bộ rục xương, ai quay lại rước làm gì tốn xăng.

Khi qua đồi Mẹ Bồng Con, trời đổ mưa như trút nước. Hắn lại trịch thượng:

- Lạnh lắm đó, đừng cằn nhằn nữa, có chịu ôm eo ngồi sát vào cho ấm không? Hay để đau ốm làm khổ chồng.

Về đến chợ Long Khánh đất địa của hắn rồi, hắn lủi vào cửa tiệm nước dựng xe, chọn một cái bàn tròn có đủ dấm ớt.

- Em ngồi đây nghe! Chờ anh một lúc.

Hắn bước qua gian kế cận vỗ cửa, mua đem về một bộ quần áo dân làm rẫy và một chiếc khăn:

- Vào toilet thay áo đi cho ấm. Xì thẩu có túi nhựa không cho xin một cái.

- Hà! Có ngay.

- Quần áo ướt bỏ vào túi này đem về giặt.

Lý vào một lúc trở ra, tóc chải gọn ghẽ, quần áo vải thô nên rất ấm. Vừa lúc hủ tiếu bốc hơi nóng bưng lên. Cô đón đôi đũa từ nơi hắn, gắp ăn ngon lành, từ đầu hôm đến giờ chưa ăn uống tí gì, lại phải một cơn hú vía. Vét cạn đến sợi bánh cuối cùng, đặt đũa lên miệng tô, hít hà ớt cay, cô buột miệng khen:

- Chợ Long Khánh này hủ tiếu ngon quá... Tối hôm đó, được tô hủ tiếu này đời em đâu đến nỗi khổ.

- Qua nay, nói câu này nghe được.

- Em nói thật đó, không phải giỡn đâu. Nhà em tận Long Xuyên, lũ lụt mất trắng. Nghèo quá em định lên thành phố học may, kiếm nghề làm ăn, xuống xe bị bọn cô hồn giựt sạch, khóc hết nước mắt, đi khắp phố phường không ai thuê mướn, muốn trở về xứ không có tiền mua vé xe. Đói quá phải liều, bán rẻ thân xác cho thằng sở khanh bằng một tô hủ tiếu.

- Ê! Tôi mời hẳn hoi nghe.

- Hí hí ! Em xin lỗi. Em nói là nói tô hủ tiếu hồi đó, chớ có chạnh lòng.

- Vậy ăn thêm tô nữa nghe.

- Để em ăn há cảo, bánh bao.

Sáu Tri nhấp ngụm cà phê, rít liền mấy hơi thuốc, trầm ngâm nghĩ ngợi. Đàn ông vốn dễ mềm lòng.

- Anh lo ra gì vậy?

- Hay ở luôn trên này với anh đi, anh nuôi. Rồi anh cho tiền em gửi về ba má.

- Thôi đi ông nội. Cọp cái nhà ông xé xác tôi ra.

- Làm gì có! Không thấy người ta phải xuống tận thành phố sao?

- Còn ba má anh?

- Ổng bả dễ lắm. Ba má anh gốc gác Cai Lậy, Mỹ Tho, trốn lính dắt díu nhau lên đất này lập nghiệp. Anh Hai của anh cáp với chỉ ở ngoài Trung vào làm cỏ mướn, ba má anh đâu có cấm. Thôi! Không nói dài dòng nữa, bây giờ đi với anh ra chợ mua thịt cá về nấu cơm ăn. Anh đưa em vào rẫy. Nhà lớn anh ở ngoài xóm, anh coi rẫy trong trại có một mình. Ba anh lâu lâu mới vào, có hỏi cứ nói em xin ở làm thuê hái cà phê, rồi sẽ tính. Chỉ sợ em buồn không chịu ở thôi! Nhưng cuộc đời em khổ, em không tự cứu, ai cứu?

Đêm Noel, người đi xem lễ về rồi, một chiếc xe chở đôi, lái thẳng lên vỉa hè bên kia vườn hoa. Chị em tủa đến vây quanh.

- Con quỷ! Trốn biệt đi đâu cả mấy tháng nay?

- Vợ chồng em về thăm mấy chị.

- Có xạo không đó mậy?

- Hỏi ổng thì biết. Tay em đây, rờ coi. Tuốt cà phê chai hết trơn. Thăm mấy chị rồi mai em về Long Xuyên ra mắt ba má em ở quê. Lúc trở lên em mời các chị đi nhà hàng, nhớ nghe! Có quà cho các chị đây, một bao xoài, xoài muộn mà ngọt lắm và một bao sầu riêng. Cây nhà lá vườn, rẫy nhà em ba mẫu, lâu lâu em xuống tiếp tế các chị ăn mệt nghỉ.

- Trước sau gì rồi chị em mình cũng cần có gia đình, các chị mừng cho em.

Xe hai người lên đường. Khi vấp ngã làm sao ngã cho khéo được, nên ai cũng đau đớn như nhau. Nhưng khi gượng dậy tự mỗi người một kiểu riêng. Các chị em đứng vỉa hè nhìn theo. Họ nghĩ gì làm sao ta biết được?

Hết