Bà Chánh ôm cháu vào lòng, vừa hôn hít vừa âu yếm nựng:

- Cháu bà ngoan quá! Cháu bà hãy ăn nốt bát cơm nào!

Rồi bà xúc thìa cơm trắng như bông đổ vào mồm Tâm - tên cậu bé. Nhưng Tâm vội ngửa đầu ra đằng sau để tránh thìa cơm của bà, hai chân giẫy lên đành đạch, miệng mếu máo:

- Tâm không ăn cơm đâu nào!

Bà Chánh đặt bát cơm xuống sập, dỗ dành:

- Thế Tâm ăn cháo trứng gà nhé?

Tâm không giả lời, vẫn khóc, bà Chánh lại dỗ:

- Hay Tâm muốn ăn nhãn? Tâm nín đi để bà bảo ra cây trẩy cho Tâm một chùm nhãn thật to nhé!

Tâm vẫn không nín. Mỗi câu hỏi của bà Chánh lại làm cho cậu khóc to thêm để tỏ vẻ không thuận. Bà Chánh sờ tay lên trán Tâm, bỗng bà hốt hoảng gọi:

- Mợ Tú đâu?

Một thiếu phụ ăn vận lối mới ở ngoài hành lang bước vào. Bà Chánh nghiêm sắc mặt hỏi:

- Sáng nay mợ có cho chú Tâm uống nước thải không?

Mợ Tú ngẫm nghĩ một chút rồi giả lời:

- Thưa đẻ hình như có. Con đã bảo con vú...

Bà Chánh lớn tiếng gắt:

- Mợ bận lắm thế kia, mà việc gì cũng sai con vú. Con chết trương chết thối ấy thì nó chỉ có nhớ ăn, chứ nó lại có nhớ cho cháu tôi uống nước thải à? Khổ chưa! Thằng bé nóng như hòn than thế này, thảo nào mà chẳng khóc?

Rồi bà dằn dỗi:

- Tôi đã bảo mợ không thể nuôi được con ấy nữa, mà mợ không nghe lời tôi. Mợ không thấy đấy à? Từ ngày cháu tôi bú sữa nó đến giờ cứ gầy rạc đi. Mợ có biết tại sao không?

- Con không được biết.

- Phải! Mợ còn biết cái gì nữa. Mợ còn bận đọc tiểu thuyết với nói chuyện xã hội kia mà! Mợ gọi nó lên đây cho tôi.

Ba phút sau, mợ Tú lên với người vú em. Người này trạc ngoài đôi mươi, nhưng trên nét mặt xanh xao đã thoáng có vẻ già. Chị ta đứng núp mình sau cái cột nhà ở đầu sập, cam lòng đợi những tiếng gay gắt của bà Chánh. Vì từ ngày chị ta đến ở đây, không bao giờ được nghe nửa lời êm ái của bà.

Bà Chánh nhìn trừng trừng vào bụng chị, cất giọng đanh thép hỏi:

- Chị có biết tại sao chú Tâm hồi này gầy còm thế không?

Chị vú vẫn nhìn xuống đất, giả lời:

- Thưa bà, về mùa hè, trẻ con đứa nào chẳng lắm bệnh.

Bà Chánh giọng giận dữ:

- Chị nói thế mà tai chị nghe được à? Chị tưởng con cái nhà chúng tôi cũng như con cái nhà các chị phải không? Về mùa hè hay về mùa đông thì từ trước đến giờ cháu tôi có yếu thế này bao giờ đâu.

- Thưa bà, từ ngày con đến đây hầu hạ Ông bà và cậu mợ thì chú Tâm vẫn không được khỏe.

Không nhịn được nữa, bà Chánh xỉa xói vào mặt người vú:

- Im ngay! Chị đừng gái đĩ già mồm. Chị có biết cháu tôi yếu là vì bú phải sữa phạm phòng của chị không? Chị thử cúi xuống xem cái bụng chị làm sao thế kiả Chị tưởng giấu được tôi mãi hay sao?

Người vú vẫn cố cãi:

- Thưa bà, con không phải chửa.

- Chị không chửa, thế bụng chị làm sao trương lên như cái trống làng thế.

Rồi bà mát mẻ:

- Hay là ăn no quá!

- Thưa bà, vì từ hôm con ở cữ thằng cháu nhỏ đến giờ, con không kiêng khem được nên bụng dưới nó xổ ra thế.

Bà Chánh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Nếu chị không phải chửa thì chị thử vắt sữa cho tôi xem.

Người vú tái mặt đi, chị ta vạch yếm ra, một tay run run nâng vú lên, bóp thật mạnh vào giữa, một tay cầm chén hứng. Nhưng chiếc vú nở nang kia chỉ thỉnh thoảng rớt xuống chén được một giọt sữa loãng tinh như nước lã.

Bà Chánh mỉm cười, chua chát hỏi:

- Chị còn chối nữa hay thôi? Chị không chửa thì sữa đi đâu mất cả. Thôi, cho chị xuống, thế là đủ rồi.

Người đàn bà khốn nạn cố giữ một giọt lệ đã đọng lại ở khóe mắt, nói như van vỉ:

- Thưa bà, con mới mất tia sữa từ hôm qua.

Nhưng bà Chánh không nghe nữa. Bà bế Tâm đứng lên, chửi bâng quơ:

- Cha mẹ giống đĩ, đi ở cho người ta còn lần về với chồng. Thôi hết tháng này, có đường có nẻo thì cút.

Người vú lủi thủi đi ra, vừa khóc vừa nói như để phân trần:

- Khổ thân tôi! Chồng tôi ốm đã ba tháng nay, tôi có làm gì đâu mà chửa.

*

* *

Xuống đến nhà dưới, chị Ban - tên người vú - ngồi phệt xuống cối giã gạo, hai tay ôm mặt nức nở. Cái ngày mai đói rét hiện rõ rệt trước mắt chị với bộ mặt đáng kinh sợ của nó, làm cho chị mất hết can đảm. Bây giờ đây tuy chị có công việc làm, có mỗi tháng hơn đồng bạc lương mang về nuôi chồng, nuôi con, tình cảnh nhà chị cũng đã cùng khổ lắm rồi. Huống hồ lại đến lúc chị không có công ăn việc làm nữa, thì cả nhà chị biết sống bằng cách gì? Chồng chị không phải là hạng người ăn bám, nhưng từ đầu tháng ba đến giờ anh bị Ốm liệt giường liệt chiếu, thuốc thang không có, nhiều khi còn phải nhịn đói nữa, thì không chết là maỵ Hai đứa con chị thì thằng cu Nhớn đã lên tám, nếu đi ở chăn trâu cho người ta thì cũng được rồi, nhưng còn phải ở nhà bế em. Chúng nó chỉ sống bằng những miếng cơm thừa, canh cặn mà chị Ban bớt mồm bớt miệng để dành cho, nên đứa nào cũng gầy xác như vẹ Mà rồi đây, chúng còn gầy hơn thế nữa, cơ cực hơn thế nữa; chúng nó sẽ phải chịu chung cái số phận của dân vùng này từ năm kia đến giờ, nghĩa là chết dần chết mòn ở trên nắm đất cằn cỗi này đã hai năm giời rồi chưa đẻ ra hạt thóc nào.

Phải! Nếu không gặp ba vụ mất mùa liền, nếu không gặp hồi chồng ốm, thì chị Ban chẳng thiết gì cái chân vú em ở nhà bà Chánh. Nhưng trong lúc này biết làm thế nào? Chị lo lắng sờ vào bụng. Trời ơi! Chị chửa thật rồi. Chị vừa nghe thấy đứa bé máy ở trong...

*

* *

Trong óc chị Ban, một quãng đời quá khứ vừa sống lại, rõ ràng và đau đớn. Chị còn nhớ, cách đây bốn tháng, một đêm chị đương ngủ với chú Tâm ở trong buồng, bỗng thấy có một vật gì nằng nặng đè lên mình. Chị tỉnh dậy, cố giãy giụa nhưng hai cánh tay lực lưỡng đã ghì chặt lấy chị và những cái hôn nóng hổi đã bay khắp trên mặt chị, một cặp môi ướt đẫm tình dục đã gắn chặt vào môi chị. Chị toan kêu thì cậu Tú - vì chính cậu - đã rót vào tai chị những tiếng ngọt ngào uyển chuyển, những lời đường mật viển vông.

Song, những lời hứa ấy đã theo cơn say sưa của xác thịt mà qua ngaỵ Bây giờ, cậu Tú chỉ còn để lại cho chị một "mối tình" mỗi ngày một to và trăm nghìn nỗi đắng cay, nhơ nhuốc. Còn cậu thì... sau đêm đó mấy hôm đã đi Hà Nội làm việc, và đến nay vẫn chưa về. Nhưng nếu cậu có về thì chị cũng không hy vọng gì cậu giữ lời hứa trước. Cái nét lãnh đạm của cậu hôm ra đi đã bảo chị rõ ràng như thế...

Đêm hôm ấy, vì chú Tâm khó ở, nên bà Chánh tự bế lấy. Bà để cho chị Ban ngủ một mình, còn có ý nghĩa là không cần đến chị nữa. Đó là cái tính riêng của bà, khi bà giận ai thì không hỏi han sai bảo gì đến.

Chị Ban cũng biết thế nên càng thêm lo lắng. Chị không dám vào trong buồng ngủ, vì gian buồng với giường màn ở trong ấy là chỉ để cho chú Tâm thôi. Khi nào chị nằm ở đấy một mình, chị thấy băn khoăn như sợ phạm một điều lỗi gì mà tự chị cũng không hiểu.

Phải chăng cuộc đời nô lệ đã làm cho người ta quên cả giá trị của mình?

Đêm đã khuya, chị Ban vẫn ngồi ủ rũ ở bên cạnh cối giã gạo. Chị luôn luôn nghĩ đến cái ngày mai đã vạch rồi, cái ngày mai tối tăm, rùng rợn mà đường nào chị cũng phải qua.

Thôi thế là hết. Chị đành lấy số phận - cái số phận ghê sợ của những kẻ bị hắt hủi, đầy đọa trên đường đời - để an ủi mình. Nhưng đến gần sáng, chị bỗng nẩy ra một ý tưởng táo bạo.

Phải! Chỉ có thực hành cái ý tưởng ấy, chị mới tránh được những cảnh đau khổ đương đợi chị và chồng con của chị Ở ngoài bậc cửa. Chị khẽ lầm bầm nói như thể để kết luận: thì còn tiếc gì! Ta có thể mang cái thai này mà nhịn đói được đâu. Chẳng chóng thì chầy nó cũng phải chết, chi bằng ta cho nó ra sớm được ngày nào, đỡ khổ được ngày ấy. Mà lại khỏi mất công ăn việc làm...

Nhưng làm thế nào để cho nó ra được?

Cầu cứu đến các thầy lang chăng? Quyết là không nên. Vì chị chẳng từng nghe thấy nói chuyện lắm người chửa hoang đi cân thuốc xổ thai, mà lại hóa ra phải thuốc dưỡng thai đấy ư?

Vậy làm thế nào? Chị Ban cắn môi nghĩ ngợi. Bỗng một tia sáng thoáng qua óc chị, chị vừa nhớ đến việc con dâu ông Bá năm ngoái bị xổ thai chỉ vì bước hụt ở trên bậc hè xuống sân.

Chị còn đợi gì không bước hụt như thế?

Nghĩ cái hành động kinh khủng ấy, chị Ban thấy rùng mình và ruột gan chị như bị vò xé ra. Chị đặt tay lên bụng, thấy đứa bé vẫn thỉnh thoảng máy, bất giác chị Òa lên khóc thảm thiết như một người khóc một đứa con sắp chết...

Bên ngoài, trên vòm trời tím ngắt, các ngôi sao theo nhau mờ đi dần. Một điểm trắng đã hiện lên ở đằng đông và cứ loang ra mãi. Bên ngoài gà đã gọi sáng... Nhớ đến phận sự hàng ngày, chị Ban đứng dậy đi xuống bếp thổi cơm. Nhưng vừa ra đến cửa, chị lại nghĩ đến việc xổ thai của con dâu ông Bá. Những ý tưởng táo bạo, liều lĩnh lại dồn dập trong đầu óc chị. Chị đăm đăm nhìn xuống dưới cái sân lát gạch ướt mờ trong sương đêm, nền sân thấp hơn bờ hè gần hai thước tây, nhưng lúc ấy chị Ban thấy nó sâu như một cái vực thẳm. Tóc gáy chị dựng lên, bên tai chị văng vẳng như có tiếng trẻ khóc, chị nhắm nghiền mắt và bước mạnh xuống...

Một tiếng "huỵch" ghê sợ tiếp theo những tiếng rên rỉ rồi im hẳn.

Sáng mai, người ta thấy chị Ban nằm hấp hối trong một vũng máu đã đông lại, một cái bào thai còn vướng ở trong quần.

Báo Tin tức, tháng 7 - 1938

Hết