Chương 1

Mới bước vô lớp đã thấy có gì lạ. Tụi nó đứa nào cũng cười vui như tết. Tôi nhìn Mỹ Yến dò hỏi, nó hất mặt về phía tấm bảng đen.

- Nhìn kìa.

Tôi nhìn lên bảng, đọc lẩm nhẩm “Đơn xin đăng ký yêu một người”. Trời đất, cái gì khôi hài vậy? Lại một trò đùa gì của Minh Quốc đây. Không biết lần này thằng quỷ ấy lại nhắm vào ai trong bọn con gái tụi tôi. Nó là vua phá và nghịch ngợm, cả khối 12 ai cũng biết.

Phía bên con trai thì thầm to nhỏ gì đó, rồi Trung thi sĩ la lên:

- Phương Nhi ơi, Quốc nó hỏi Nhi có nhận đơn của nó không, nếu chịu thì gật đầu cho nó vui.

Ơ … vô duyên. Tôi tròn xoe mắt nhìn Trung ròm. Đám con gái nhí nhố:

Chúa ơi, một lối tỏ tình model.

A, tên Quốc này bạo quá ta, ai cố vấn cho nó vậy?

Yêu quá chịu hết nỗi rồi chứ gì.

Ôi, khi người điên biết yêu.…

Ha … ha … hi … hi … Tụi nó cười thỏa thê, mỗi tên cười một kiểu, kiểu nào cũng mới lạ. Chỉ có Quốc là ngồi im như phỗng, mặt nghệch ra trông ngáo tệ. Mà cũng lạ, mọi hôm anh chàng là vua quậy, sao hôm nay kỳ vậy nhỉ?

Nếu chuông không rung thì có lẽ bọn tôi còn làm giặc trong lớp. Thầy Nam bước vô nhìn lên bảng, rồi nhướng mày, lại “ha …ha”, lại “hi…hi”, những âm thanh phát ra từ những cái miệng cười không biết mệt. Bọn tôi vui như điên.

Cả lớp cứ đinh ninh hôm nay sẽ được nghỉ. Thi xong rồi mà. Nhưng thầy tỉnh bơ viết lên bảng “The Past Continuous”. Bên con trai phản đối ầm ĩ:

Thôi thầy ơi.

Nghỉ thầy ơi, mới thi mà thầy.

Nhỏ Mỹ Yến ỏn ẻn:

- Thấy ghét, bắt người ta học hoài.

Tôi quay sang nhìn nó. Con nhỏ cắn môi, mặt hơi ngoảnh một bên điệu ơi là điệu. Tự nhiên tôi toét miệng cười, nó nhéo tôi một cái đau điếng.

Cười cái gì?

Đâu có gì đâu, đâu có cười.

Chết mày bây giờ.

Tôi biết Mỹ Yến phải lòng thầy Nam hồi đầu năm lận kia nhưng tôi không hỏi. Hình như con nhỏ cũng hiểu tôi đã biết điều bí mật thiêng liêng ấy, có điều nó ngoan cố không chịu công khai với tôi thôi.

Quả thực, không phải riêng Mỹ Yến, bọn con gái lớp tôi cũng lau nhau lóc nhóc quanh thầy Nam nhiều lắm. Thầy trẻ ơi là trẻ, và lúc nào cũng nghiêm nghị. Bọn tôi biết tỏng là thầy rất ngán bọn con gái trong lớp, thầy phải làm ra vẽ vậy thôi, chứ thầy mà khó khăn với ai. Mỹ Yến điều tra mới biết thầy mới ra trường và được phân công làm chủ nhiệm lớp tôi. Kể cũng lạ, vì tôi thấy thầy cô mới ra trường ai cũng chủ nhiệm lớp 10 hoặc 11. Có lẽ thầy Nam là một tài năng sư phạm hiếm có. Thầy dạy hay lắm. Đọc tiếng Anh nghe mà mê mẫn và tác phong rất chững chạc, thu hút. Chả vậy mà có lắm nhỏ đêm về nằm mơ.

Mặc cho gần 40 cái miệng chí chóe phản đối, thầy Nam tiếp tục viết xong tựa bài rồi mở sách ra đọc. Bọn tôi phản đối yếu dần rồi ngoan ngoãn mở sách ra dò theo thầy. Tôi liếc qua Mỹ Yến, nhỏ dò bài rất chăm chỉ, lông mày cau lại. Thấy nhỏ tức cười quá, tôi chống tay quan sát nó.

Thầy Nam đọc xong, nhìn tôi:

- Phương Nhi đọc lại.

Tôi giật mình đứng dậy, quýnh quáng nhìn mặt chữ. Rồi tôi phát ra những âm thanh có lẽ giống tiếng Miên ghê lắm, tụi nó cười rúc rích. Thầy Nam chặn lại:

- Thôi, em ngồi xuống, đề nghị em tập trung một chút. Minh Quốc đọc tiếp.

Cả lớp cười rần lên. Thầy Nam ngơ ngác nhìn lớp rồi nghiêm nghị:

- Chuyện gì vậy mấy em?

Bọn nó im thin thít. Thầy có vẻ bực:

- Trang, em cho thầy biết, có chuyện gì vậy?

Nhỏ lớp trưởng đứng lên:

- Thưa thầy, tại thầy gọi bạn Quốc đọc tiếp bạn Nhi nên mấy bạn cười.

Thầy Nam lắc đầu:

- Em ngồi xuống đi. Còn các em tập trung học nhé. Các em học xong rồi muốn giỡn lúc nào cũng được.

Tôi chống tay cuối gằm xuống quyển sách, vừa quê, vừa giận. Suốt buổi học tôi nghiêm trang như bà cụ, nhỏ Yến nhìn tôi mấy lần nhưng không dám hỏi.

Rồi cũng hết giờ học, thầy Nam ra khỏi lớp, Mỹ Yến rũ tôi xuống căn tin. Lúc trở lên lớp, tôi gặp thầy Nam ở phòng học vụ. Thầy gọi tôi lại:

làm gì mà buồn hiu vậy Phương Nhi, giận thầy hả?

Tôi buột miệng “ghét thầy” rồi bỏ chạy. Tôi nghe tiếng thầy cười.

***

Tan học, tôi với Mỹ Yến chạy rong trong thành phố rồi vô chợ ăn quà, ăn xong lại đi hết gian hàng này đến gian hàng khác ngắm nghía. Tôi không hứng đi chút nào cả, trưa nắng gắt mà đi dạo thì khó coi thật, nhưng nhỏ Yến đang “xuất thần”, không lẽ bỏ nó một mình đành bấm bụng đi theo nó.

Xuống đến chợ hàng bông có một ông khùng đi theo hỏi:

- Đi coi phim hả? Đi không?

Nhỏ Yến xụ mặt kéo tôi đi nhanh, một bà đi chợ nói nhỏ:

- Thằng đó ghê lắm, nhiều khi nắm tay người ta nữa. Coi chừng nó đi theo à.

Trời đất, thấy ghê. Hai đứa tôi hoảng hồn lấy xe ra về. Yến nó rũ lên Quan âm tu viện chơi … Điên cấp 3.

Về thôi Yến ơi, điên vừa thôi.

Mày về đi, tao đi một mình.

Tao năn nỉ mà, về đi.

Không, tao muốn đi lên đó một mình tao thôi, mày về đi.

Tôi đành rẽ qua đường khác. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp nhỏ Yến. Tưởng tượng nhỏ ngồi một mình ở Quan âm tu viện gậm nhấm nỗi buồn của nó, tôi thở dài. Nhưng thôi kệ, mỗi đứa đều có một cái điên riêng, qua phút xuất thần rồi nó sẽ trở lại bình thường. Bọn tôi đứa nào lại không trãi qua những lúc như vậy.

Càng về gần nhà tôi càng thấy ớn, bị dũa là cái chắc. Tôi thầm soạn một chương trình nói dối, có lẽ là phải nói cô đi thăm cô bị bệnh thôi. Không được, tuần trước mới nói thăm bệnh rồi, lỡ lần này mẹ hỏi thì đỡ không nỗi đâu. Thôi, kỳ này nói lớp ở lại họp đi, thế là chắc ăn nhất. Tôi cảm thấy yên tâm một tí … nhưng mà cũng hồi hộp.

Về nhà tôi thấy ba mẹ đang có khách, tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là không phải nói dối. Oi, cám ơn những vị khách cứu tinh. Tôi chào một cách lễ phép, bà khách nắm tay tôi, thân mật:

Con đi học về hả?

Dạ.

Mẹ tôi lên tiếng:

Sao nay về trễ vậy Nhi?

Tôi đọc thuộc lòng:

Dạ, trưa nay lớp con ở lại họp kiểm điểm.

Mẹ tôi không hỏi gì nữa, chỉ tôi:

Con chào anh Văn đi, anh Văn là con bác Tư.

Bây giờ tôi mới thấy một anh thanh niên ngồi ở sát tường, chỗ khuất lối đi. Hắn mang cặp kính cận dày cộp, dáng điệu đạo mạo. Tôi gật đầu chào, hắn gật đầu đáp lễ, nét mặt nghiêm trang. Tự nhiên tôi thấy hắn buồn cười hết sức. Tôi nhìn sang phía salon, thấy bốn người lớn không ai nhìn, tôi lè lưỡi nhát hắn một cái rồi đi vào nhà. Hình như hắn hơi bất ngờ.

Tôi đi lên lầu, Phượng Lam trong phòng tôi chạy túa ra thì thào:

Chị biết mấy người đó là ai không? Đi coi mắt chị đó.

Cái gì? Cái gì, nói lại coi.

Em nói hai cái bác đó ở thành phố xuống coi mắt chị, coi đặng cưới chị cho ông cận thị ngồi ở một góc đó, chị thấy không?

Trời ơ !

Tôi ngồi phịch xuống giường, ngơ ngẩn.

Tôi có người đi coi mắt? Oi thật kinh khủng.

Coi mắt chị hả?

Dạ.

Thật không, sao Lam biết?

Em nghe rõ ràng, hồi nãy ăn cơm, hai người đó nói với ba má đàng hoàng.

Nói cái gì?

Ơ … em không nhớ, đại khái là xuống cho chị với anh đó biết mặt, tìm hiểu gì … gì đó.

Ơi trời !

Tôi rên rỉ, hình như tôi đang bị bất ngờ và sợ sệt, hai tay tôi run lẫy bẫy.

Thằng em trai kế tôi bỗng thò đầu vào:

Chị Nhi, mẹ kêu chị pha ấm trà xuống dưới kìa.

Tôi đứng bật dậy, hoảng hốt:

Cái gì, pha trà hả, chi vậy?

Pha đem xuống dưới cho khách.

Thôi, chị không dám xuống đâu, Lam đi đi Lam.

Í, đâu được. Mẹ muốn chị đem chứ bộ.

Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

Thôi thôi, chị không dám xuống đâu, chị sợ lắm.

Thằng Phi với nhỏ Lam xúm lại thuyết phục tôi. Cuối cùng, cố trấn áp sự sợ hãi, tôi đi xuống bếp, hai tên cổ động viện lon ton đi theo. Phượng lam pha dùm tôi bình trà rồi đẩy tôi ra phòng khách. Oi, trời ơi, sao hôm nay đường từ nhà bếp ra phòng khách đầy chông gai thế này.

Tôi đặt bình trà xuống bàn, lóng ngóng. Mẹ tôi thấy vậy rót ra 3 ly, rồi đưa tôi 1 ly:

Con mời anh Văn uống đi.

Tôi lí nhí:

Dạ.

Rồi như trong mơ, tôi thấy mình đã đứng trước mặt ông cận thị, hình như tôi nói: “Anh Văn uống nước”. Thế rồi không hiểu làm sao tách trà bị rơi xuống đất vỡ toang, nước sóng sánh bắn tung tóe. Tôi thấy áo ông ấy ướt nhem, tôi tròn mắt nhìn ông ấy rút khăn ra lau.

Hình như có nhiều tiếng ồ phát ra cùng 1 lúc, rồi bà khách cười:

Không sao, cháu nó run quá mà.

Mẹ tôi bảo:

Thôi, con vô ăn cơm đi, kêu con Lam ra lau nhà cho con.

Tôi lại “dạ” 1 tiếng rồi đi vào. Tôi chạy ào lên phòng với Phượng Lam:

Chết chị rồi Lam ơi, hồi nãy chị làm đổ nước vô mình ông cận thị.

Phượng Lam tròn xoe mắt:

Trời ơi, sao vậy?

Tại chị run quá.

Rồi sao nữa?

Mẹ kêu Lam xuống lau gạch dùm chị.

Con bé nhìn tôi hết sức ái ngại rồi nó đi xuống. Còn lại một mình trong phòng, tôi nằm queo trên giường cảm thấy cả người lạnh toát. Oi, viễn cảnh có chồng mới hãi hùng làm sao.

* *

*

buổi tối tôi ngồi thơ thẫn trước bàn học, sao mà những dòng chữ cứ như nhảy tango trước mặt, chả học hành được gì cả. Rầu ghê, chuyện xảy ra hồi trưa vẫn chưa làm tôi hoàn hồn tí nào.

Chợt mẹ đi vô, ngồi xuống bên cạnh tôi:

Hồi trưa con làm sao mà đổ nước vậy?

Con run quá, con sợ muốn chết được.

Có gì đâu mà sợ, bác Tư cũng như người thân của mình thôi

Sao con không biết bác?

Tại sau này bác ít xuống đây. Hồi con còn nhỏ vợ chồng bác Tư thân với ba mẹ lắm.

Mẹ suy nghĩ 1 lát. Hình như mẹ hơi khó nghĩ. Tôi hồi hộp:

Hồi trưa vợ chồng bác xuống chi vậy mẹ, để coi mắt con phải không?

Con Lam nói với con hả?

Dạ.

Con nhỏ này, mau miệng quá.

Mà phải vậy không mẹ?

Ư.

Trời ơi, con chết mất, chắc con chết quá, ghê quá mẹ ơi.

Con nhỏ này, cái gì mà dữ vậy, có chồng chứ gì đâu mà chết.

Con mà có chồng là tụi nó cười con.

Ai cười?

Mấy đứa lớp con đó.

Cười cái gì, con gái lớn thì phải có chồng chứ sao.

Không được đâu mẹ ơi, con đang học mà.

Con nhỏ này, làm gì như giặc vậy, ba mẹ đâu có bắt con chịu đâu mà la bài hãi cái miệng.

Tôi bắt đầu lắng lại, yên tâm. Thế mà từ trưa giờ tôi không nghĩ ra. ờ, sao tôi không nghĩ rằng hỏi là quyền của người ta, còn gật là quyền của mình nhỉ?

Tôi bắt đầu tò mò:

Bác Tư là ai vậy mẹ?

Mẹ bắt đầu kể:

Hồi trước nhà bác Tư ở đối diện với nhà mình. Lúc đó ba mẹ còn nghèo lắm. Bác Tư trai giúp vốn rồi dẫn ba con đi buôn, nhờ vậy nhà mình mới khá lên.

Vậy là nhà mình mang ơn nhà bác Tư hả mẹ?

Ư.

Mẹ chợt nhìn tôi, cười tủm tỉm:

Hồi con còn nhỏ, thằng Văn cưng con lắm. Lúc mẹ mới sanh con thì nó được 6 tuổi, tối ngày nó cứ chạy qua đòi ẳm con, mẹ sợ té không cho ẳm thì nó khóc, về nó kêu bác Tư sanh cho nó 1 em bé nữa chứ.

Tôi phì cười, những mẫu chuyện tuổi thơ làm tôi thấy vui vui, ngộ nghĩnh. Mẹ thì hình như hào hứng khi nhớ lại kỷ niệm, nhất là khi có khán giả chịu nghe.

Hồi nhỏ con dễ thương lắm, cả xóm ai cũng giành ẳm con hết, nhất là bác Tư, cứ giữ con bên nhà bác suốt ngày, thằng Văn thì có bánh kẹo gì cũng để dành cho con.

Tự nhiên mẹ im lặng 1 hồi, tôi sốt ruột:

Rồi sao nữa mẹ?

Mẹ tôi cười:

Bác Tư nói với ba sau này phải để dành con cho thằng Văn để 2 nhà kết sui gia với nhau. Ban đầu thì nói chơi thôi, nhưng sau đó thì thành thiệt, trước khi dời nhà lên thành phố bác tư với ba mẹ có giao ước đàng hoàng.

“Như vậy là chuyện đã được sắp đặt rồi, nghiêm trọng quá.”, tôi nghĩ thầm. Thần kinh tôi lại thấy căng htẳng.

Hình như đoán được tâm trạng của tôi, mẹ trấn an:

Nhưng mà tùy 2 đứa bây, ba mẹ không ép. Con cũng đừng có sợ như vậy. chuyện gì cũng phải từ từ, cứ lo học đi.

Mẹ nhìn đồng hồ rồi đứng dậy:

Khuya rồi, con ngủ đi, đừng có nghĩ ngợi gì hết nghe.

Làm sao tôi không nghĩ ngợi cho được. Chuyện như 1 cơn lốc làm đảo lộn sự bình yên của tôi, ý nghĩ có chồng làm tôi thấy kinh khủng. Tôi chưa khi nào nghĩ đến chuyện có chồng cả. Tất nhiên rồi tôi cũng sẽ có gia đình, nhưng trong thâm tâm tôi, ngày ấy còn xa lắm.

Bây giờ Đình Văn như từ trên trời rơi xuống, rồi bay vèo vào đời tôi. Điều đó quá đột ngột. Tôi không sao làm quen được việc tiếp nhận 1 tên con trai đi vào đời mình, cảm thấy mình bị đe dọa đánh mất tuổi thơ. Nước mắt tôi ứa ra.

Tôi giấu biến nhóm tứ quái chuyện Đình Văn. Mấy ngày đầu tôi thấy khổ sở, nhưng không nghe ba mẹ nhắc chuyện đó và cũng không thấy bác Tư xuống nhà, tôi yên tâm, và tuần sau thì quên bẳng đi. Tôi lại tiếp tục nhởn nhơ rong chơi, nhấ là gần vào tết, không khí ngoài đường tấp nập vui nhộn không chịu được. Bọn tôi trốn học lia chia.

Sáng thứ bảy nghỉ giờ đầu vì cô Hoa bệnh, lớp tôi nhao nhao như ong vỡ tổ. Bọn nó tụm năm tụm ba bàn chương trình đi chơi tết. Nhóm tứ quái của tôi cũng lập hội nghị bàn dài, hào hứng tính chuyện đi chơi. Tôi chợt nảy ra 1 sáng kiến:

- Bây giờ mình kéo lại nhà Mỹ Oanh nấu chè ăn đi, xong rồi tắm sông, trưa về.

Chúng nó ré lên tán thưởng, chỉ có nhỏ Yến ngần ngừ. Tôi soi thấu tim đen của nó:

Còn con Yến thích ở lại học Anh văn thì ở, tao không ép.

Con này vô duyên, tao đi chớ sao không.

Tôi cười tinh quái, nhỏ nhìn tôi bằng đôi mắt mang hình viên đạn. Tôi biết nó đang sùng tôi lắm.

Tôi đứng dậy đi qua nhóm của nhỏ đại tá, rủ rê:

Ê, đi qua vườn Mỹ Oanh chơi không, trưa về.

Nhỏ Quỳnh Hoa và Mỹ Chi đồng ý ngay, chi có Nga bác sĩ và tổng biên tập Thanh Tuyền còn do dự. Tôi vẽ vời:

Nhà nó có vườn sát bờ sông, mình kéo qua hái chè rồi hái mận ăn, đứa nào muốn tắm thì tắm, không đi lỗ ráng chịu.

Thấy 2 đứa ngồi yên, tôi trấn an:

Tụi bây sợ hả, thi xong rồi chứ bộ.

Bọn nó không nhúc nhích, tôi cáu lên:

Thôi ráng ở lại học cho giỏi đi, mấy con thỏ đế.

Rồi tôi ngoe nguẩy bỏ đi, cả 5 tên cùng ôm cặp đứng dậy:

Tao đi với.

Tao đi nữa.

Khoan, chờ tao mượn tiền thêm đã.

Thế là bọn tôi 9 đứa lục đục ra khỏi lớp. Vì lớp tôi nằm ở góc cầu thang nên cuộc vi hành rất yên ổn. Dọc đường ngang hành lang phía sau, tôi chiêu nạp thêm hiền tài:

Ê, Thủy, đi vườn Mỹ Oanh chơi.

Đi thì đi, nhưng … chừng nào về?

Trưa

Bỏ 4 tiết sau hả?

Dĩ nhiên.

Con nhỏ diễn 1 màn “con cá chột nưa” trong đầu, rồi quyết định:

Đi luôn, chờ tao lấy cặp.

Oi, cuối cùng thì gian tà đã thắng chân lý!

Bọn tôi lục tục kéo xuống nhà xe, đang hí hoáy mở khóa thì thầy Linh đi tới:

Mấy em đi đâu vậy, sao lấy xe giờ này?

9 cặp mắt đổ dồn về tôi, hỏi ý. Tôi đành đứng ra làm trưởng đoàn ngoại giao:

Thưa thầy, tụi em đi uống nước. Lớp em nghỉ 2 giờ đầu lận thầy.

Mấy em đi xuống sân thì được, nhưng không được lấy xe ra cổng – nói rồi thầy quay đi.

Chúng nó cụt hứng, tiu nghỉu đi lên. Tôi kéo cả bọn ra 1 góc, bàn:

Tụi bây không được nản. Bây giờ chờ thầy lên văn phòng, 1 đứa đứng canh chừng, tao với con Yến, con Tuyền, con Nga leo ra cổng sau, tụi bây chuyền xe ra, nhất trí không?

Hết xảy. Nhỏ Phượng Nhi này mưa trí hơn người thật.

Rồi, tiến hành lẹ đi bây.

Thế là 4 đứa tôi hì hục leo qua tường, 5 đứa còn lại chuyền xe ra. Oi, con đường đi đến thiên đàng sao mà vất vả, bọn tôi mệt đừ, mồ hôi ướt cả áo, nhưng nguồn cảm hứng không vì vậy mà vơi đi.

Cả bọn đi chợ mua đường, đậu và đồ làm gỏi cuốn rồi kéo qua vườn Mỹ Oanh. Nhà nhỏ không có ai, bọn tôi sướng rơn. Chúng tôi quăng đồ ăn ra bàn rồi mỗi đứa xúm xít làm 1 thứ, vừa làm vừa cười nói hỉ hả.

Khi nấu nướng xong, Mỹ Oanh rủ:

Bây giờ mình ra vườn hái mận rồi ăn 1 lượt luôn.

Bọn tôi lại túa ra vườn, đùn đẩy léo nhéo. Mỹ Oanh leo cây rất chuyên nghiệp, đến cuối vườn thì nó đã hái đầy 1 giỏ mận, cả bọn định quay vào thì tôi phát giác ở bờ bên có 1 cây lựu trái chín đỏ hấp dẫn không chịu được, tôi kéo tay Mỹ Oanh:

Mình qua bên đó hái lựu đi.

Không được đâu, bên đó là vườn của người ta.

Có sao đâu, mình hái rồi về liền, đâu có ai biết.

Thôi, rủi người ta biết được họ chửi chết.

Tôi nằn nì:

Không sao đâu mà, không ấy tao ngồi đây luôn à.

Mỹ Oanh đành chìu ý tôi. Bọn tôi đứng bên bờ mương phân vân:

Làm sao nhảy cho nỗi?

Thực ra thì 2 bờ cách nhau không xa mấy, nhưng đứa nào cũng sợ té nên không dám nhảy. Mỹ Oanh đề nghị:

Bây giờ mình chịu khó đi vòng qua ngoài kia rồi băng qua, mương bên đó hẹp hơn.

Thế là kéo 1 dây băng qua vườn người ta. Bọn tôi đứng dưới góc lựu, trầm trồ. Mỹ Oanh leo vội lên bẻ cành có 2 trái to nhất. Chúng tôi đang cười hí hửng thì nghe tiếng quát:

Mấy con nhỏ đó, trời ơi.

Cả bọn hết hồn quay lại. 1 người đàn bà mập ú đang lượm cây củi chạy lạch bạch về phía chúng tôi. Không ai bảo ai, cả bọn túa chạy. Chéo … chéo … mỗi đứa bay vèo qua bờ mương cái vụt, đứa nào cũng quýnh quáng đến mức không nghĩ đến chuyện có thể bị té. Khi đã vào nhà rồi, cả bọn bắt đầu hoàn hồn lại. Tôi nhìn Mỹ Oanh:

Trái lựu đâu?

Con nhỏ ngồi tựa vách, thở không ra hơi:

Mất tiêu rồi.

Thanh Tuyền lườm tôi:

Giờ này còn lo lựu.

Tôi thở dốc, rồi nhó lại cảnh tượng lúc nãy, tôi cười nắc nẻ, cười nghiêng ngửa. Bọn nó nhìn tôi, khi hiểu ra chúng nó cũng cười lăn lóc. Chúng tôi mỗi đứa 1 vẽ, nằm ngồi lổn ngổn trên giường, cười rũ rượi.

Mỹ Yến nói ngắt quãng giữa cơn cười:

Công nhận tụi mình nhảy tuyệt chiêu luôn. Bờ mương hồi nãy sợ rộng, vậy mà bay cái chéo qua hết, hay quá … hi … hi…

Ừ, hay quá, tao phục tụi mình quá, tụi mình muôn năm

Cả bọn ùa lên “hoan hô” rồi vỗ tay lốp bốp.

Tôi đứng dậy:

Bây giờ mình mở tiệc mừng thành tích của mình đi.

Đúng rồi, bây giờ phải ăn mừng.

Chúng tôi nhí nhố bày đồ ăn ra vườn. Bây giờ mới thấy đói, cả bọn ăn sạch dĩa, cả nước mắm, cả rau cũng hết sạch. Xong món gỏi cuốn, chúng tôi quay sang tấn công món chè. Nồi chè cũng đi chung số phận với món gỏi. Cuối cùng còn lại giỏ mận, đứa nào cũng lắc đầu:

Thôi, tao no quá.

Tao nhét hết vô rồi.

Mỹ Oanh đề nghị:

Bây giờ để dành mận, lát nữa mỗi đứa đem về 1 chùm.

Tôi la oai oái:

Đem về nhà cho chết hả? Đã trốn đi chơi còn đem đồ vườn về. Khùng.

Bọn nó như sực tỉnh:

Mấy giờ rồi bây?

1 giờ.

Trời đất, sao mau quá vậy?

Thôi chết rồi, rút quân thôi, trễ 1 tiếng rồi.

Chúng tôi hối hả dọn dẹp rồi lui quân. Bây giở cả bọn mới bắt đầu thấy sợ, đứa nào cũng tiu nghĩu như mèo bị cắt tai. Ly Phương hỏi Mỹ Yến:

Về nhà mày nói mày đi đâu?

Tao chưa biết.

Nó quay qua hỏi tôi:

Mày nói mày đi đâu?

Đi thăm cô Hoa bệnh.

Nhỏ reo lên:

Có lý. Đúng rồi, hồi sáng cô Hoa nghỉ nè.

Vậy tụi mình rơ với nhau đi hé, ai hỏi thì nói đi thăm cô.

Rồi, nhất trí.

Thế là khối lo lắng nặng trĩu đã được cất đi, lương tâm chúng tôi nhẹ tênh, và chúng tôi lại trêu ghạo nhau chí chóe.

* *

*

Khi tôi về đến nhà, đã gần 2 giờ. Giờ này cả nhà đã ngủ rồi, tôi rón rén mở cổng đi vào sân, 1 chiếc honda dựng ở góc mận, chắc là đang có khách. Hình như bao giờ thượng đế cũng che chở cho tôi. Cứ mỗi lần tôi đi chơi về trễ là ở nhà lại có khách. Đội ơn ngài !

Bước vào phòng khách, tôi thấy Đình Văn ngồi ở salon, tờ báo trên tay đang mở. Ong ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi. Tôi giật mình hơn cả thấy ma, và tôi cứ đứng yên, tròn mắt ngó ông ấy. Rồi Đình Văn hỏi từ tốn:

Phượng Nhi đi học về hả?

Dạ. – im lặng 1 lát tôi hỏi: anh là con bác Tư phải không?

Ư – lại im lặng. Rồi Đình Văn tò mò:

Sao em về trễ vậy, gần 2 giờ rồi. – anh nhìn đồng hồ.

Dạ, … ơ… em mắc đi họp.

Em hay họp quá nhỉ?

Giọng ông ấy tỉnh queo, nhưng hình như có 1 chút … gì đó không bình thường, tôi không nhận ra ngay được.

Dạ.

Em vô thay đồ đi, rồi dọn cơm anh ăn với.

Cái gì? trời ơi, tôi phải ăn cùng với Đình Văn? Sao mà ông ta tư nhiên như ở nhà mình vậy? Đây là nhà tôi mà, tôi hấp tấp nói:

Em không ăn, em no rồi.

Em ăn gì mà no?

Gỏi cuốn, chè và mận.

Trước khi tôi kịp nhận ra mình nói gì, Đình Văn đã cười, gật gật đầu:

Vậy là anh biết em họp để làm gì rồi. Chắc lớp em hay họp lắm hả Nhi?

Tôi im lặng nhìn Đình Văn, ông ấy cũng nhìn tôi chăm chú:

Đúng không?

Anh Văn biết cái gì mà hỏi?

Biết chứ, biết nhiều thứ lắm.

Anh nói thử coi.

Có phải trưa nay em đi chơi không?

Tôi hết hồn, liếc vào nhà:

Anh nói nhỏ 1 chút, mẹ em nghe bây giờ.

A, trốn học đi chơi mà còn nói dối nữa kia.

Tôi đứng im.

Mai mốt em đừng đi chơi rong như vậy nữa, nghe không Nhi?

Tôi vẫn im lặng ngó ông ta.

Em bắt đầu là người lớn rồi, tập nghiêm chỉnh lại là vừa. Bác có nói gì với em chưa?

Chưa, em không muốn nghe cái gì hết, em không muốn biết gì hết. – tôi nói hấp tấp và quay lưng bỏ chạy vào nhà.

Lên phòng, tôi quăng cặp trên bàn, ngồi phịch xuống giường, đầu óc rối loạn, ngẫm nghĩ về cuộc đối thoại lúc nãy, tôi cứ tưởng như chiêm bao. Lần đầu tiên nói chuyện với Đình Văn tôi cảm thấy bất mãn vì bị xem như đứa con nít cần phải dạy dỗ, la rầy. Đình Văn có quyền gì mà cấm đoán tôi đi chơi chứ. Ong ấy có vẻ độc đoán quá đáng, tôi không thích mấy người có tính như vậy.

Vậy mà hôm nọ tôi lại lè lưỡi nhát ông ta, sao mà hối hận quá. Đình Văn không phải loại con trai dễ ăn hiếp, hút đầu vào ông ta chỉ tổ bị gẫy sừng mà thôi

Suy nghĩ chán chê, tôi đứng dậy thay đồ, rồi nhớ lại lúc nãy ông ấy chờ tôi về ăn cơm, tôi lại rơi vào trạng thái bối rối. Phượng Lam đã ngủ, tôi không thể nhờ nó xuống dọn cơm cho ông ta, cũng không thể bỏ mặc ông ta 1 mình, nhưng nghĩ đến chuyện đối mặt tôi lại sợ hãi. Thật muốn điên lên được.

Tôi nhón gót đi xuống nhà dưới, rồi rón rén nép sau tấm màn xem Đình Văn làm gì. Ở ngoài kia, ông ta bình thản đọc báo, tôi định đi lên thì chợt ông ấy quay lại:

Anh thấy em rồi, em ra đây đi.

Tôi đành bước ra, đứng vịn vào thành ghế.

Đình Văn ra lệnh:

Em ngồi xuống đi

Anh Văn có muốn ăn cơm thì em dọn, chứ em không ăn.

Tôi vẫn đứng yên nhìn ông ta

Đình Văn phẩy tay:

Thôi, dẹp chuyện đó đi, em ngồi xuống đi cho anh hỏi thăm.

Tôi bước lại, ngồi đối diện với Đình Văn. Thấy con mèo nằm dưới gầm bàb, tôi ẳm nó để lên chân, vuốt nhẹ cái đầu bé xíu của nó, nó ngoan ngoãn kêu meo meo rồi lim dim ngủ. Đình Văn nhìn con mèo 1 lát rồi lên tiếng:

Em thi xong chưa?

Dạ rồi.

Làm bài được không?

Em nghĩ là được.

Tốt. Mình chơi thì chơi, nhưng chủ yếu là phải lo học.

Tôi hếch mặt lên, định nói: “Bẩm ông, vâng.” nhưng thấy gương mặt nghiêm nghị của Đình Văn t6i chùng lại, không dám.

Đình Văn ngã người về phía trước, quan sát tôi:

Em muốn nói gì, sao tự nhiên lại không nói nữa?

Tôi lắc đầu

Em có định thi đại học không?

Em sẽ thi sư phạm, nhất định là như vậy.

Ư, cũng được, anh thích con gái đi theo nghề đó. Con gái mà chen vai với nam giới làm kinh tế chỉ tổ rắc rối.

Tôi phản đối:

Anh nói vậy không đúng. Tại vì em không có khả năng, chứ nếu có em sẽ thi vào đại học kinh tế, em thích phụ nữ làm kinh tế hoặc chính trị.

Phụ nữ mà có địa vị xã hội cao quá sẽ mất đi tính thùy mị dịu dàng của phái yếu. Anh không thích như vậy.

Tôi nói ngang:

Không thích thì kệ anh.

- Em tập chín chắn 1 chút đi Nhi, bàn chuyện gì thì phải bàn cho đến nơi, đừng có không thích là nói đâm ngang như vậy.

Sao lúc nào ông ta cũng nói chuyện với tôi như nói với con nít vậy. giá mà ông ta nổi sùng cãi tay đôi với tôi thì có lẽ dễ chịu hơn. Tôi không dám nói ngang nữa, nhưng cứ ấm ức trong bụng, tôi mím môi bóp mạnh con mèo 1 cái, nó giật mình kêu “ngao” 1 tiếng rồi phóng chạy.

Đình Văn nhìn tôi lắc đầu (hình như trong mắt ông ấy tôi thuộc loại hết thuốc chữa thì phải). Tôi cóc sợ, cóc cần. Ong ta muốn đánh giá tôi ra sao thì ra, miễn cuối cùng tên tôi vẫn là Phượng Nhi thì thôi.

Tôi ngồi im, cắn cắn móng tay, mắt ngó lơ ngắm bức tranh trên tường, như thể không có Đình Văn ở đó. Tôi muốn ông ta phải xuống nước năn nỉ tôi, tôi muốn ít ra phải được nghe cái câu “ giận anh hả Phượng Nhi”. Thế mà ông ta ngồi tỉnh queo. Hình như Đình Văn không phải tuýp con trai ga lăng. Oi, 1 thầy tu.

Phượng Nhi.

Nghe anh hỏi không?

Cái gì?

Anh muốn hỏi là … em có nghe mẹ em nói gì chưa?

Anh Văn mà hỏi chuyện đó nữa thì em sẽ không nói chuyện với anh đâu.

Đình Văn thở dài:

Em trẻ con quá, thật khó mà nói chuyện được với em.

Tôi nổi giận:

- Sao anh cứ cho em là con nít hoài vậy? Nói thật cho anh biết em lớn rồi. Tại anh chưa tiếp xúc với em nhiều nên anh không biết. Trong lớp bạn bè không ai nói em như vậy hết. Anh làm em tự ái dễ sợ. Nếu bây giờ em nói anh là trẻ con anh có tự ái không?

Tôi nói 1 hơi, càng nói càng thấy tức vì không diễn đạt được ý mình. Đình Văn gật gù ra vẽ đã hiểu, tôi hả dạ vô cùng.

- Anh nhớ hồi nhỏ em cũng như bây giờ, nghĩa là vẫn hay xù lông lên mỗi khi bị trái ý. Trong mắt anh lúc nào em cũng còn bé, nhưng anh xem chừng ra em thích làm người lớn, khó xử cho anh thật.

Tôi vung tay:

- Nếu mà anh đừng coi em là con nít thì anh dễ thương lắm, em nói thật đó. Em thích được đối xử bình đẳng, nói chuyện với mấy người đạo mạo chán chết.

Đình Văn kiên nhẫn ngồi nghe, như muốn nghiên cứu tính tình của tôi rồi bỗng cắt ngang:

Ngoài giờ đi học, ở nhà em làm gì?

Em ngủ, xong rồi đọc sách hoặc học bài.

Ai nấu cơm?

Mẹ nấu, em phụ với mẹ.

Em có biết nấu cơm không?

Biết ít ít.

-Không được. Em phải tập bếp núc cho quen. Em lớn rồi không nên dể cái gì cũng để mẹ lo. Sau này em sẽ quán xuyến trong nhà của em, nên tập từ từ là vừa.

Tôi bắt đầu nổi sùng:

- Em chẳng việc gì phải tập bếp núc cả. Chuyện đó không học làm cũng được.

Đình Văn điềm nhiên:

Nhưng em không học thì không làm được gì đâu.

Tôi nhăn mặt:

- Sao mà cứ gặp tôi thì anh bắt tôi phải thế này, phải thế kia hoài vậy. Phượng Lam đó, sao anh không giỏi nói nó đi. Anh là 1 ông cụ, anh thấy ghét lắm.

Rồi tôi đùng đùng bỏ vào nhà. Bực mình không chịu được.