Conradin nằm yên trên giường, mắt nhắm nghiền, giả vờ ngủ. Cậu bé nghe tiếng đóng nắp chiếc vali đồ nghề của ông bác sĩ già và tiếng bước chân dần xa.

Trong im vắng, Conradin nghe câu hỏi của bà Ropp sau cánh cửa khép hờ:

- Thưa bác sĩ, sức khỏe của Conradin thế nào ạ?

- Thật đáng buồn, nhiều nhất là 5 năm nữa. Cậu bé không thể sống lâu hơn.

- Ôi, tội nghiệp cho đứa em bé bỏng của tôi, nó mới có mười tuổi.

Giọng bà Ropp sắc và lạnh. Conradin cảm thấy buồn nôn. Đồ giả dối, đồ ác nhân, đồ gái già đê tiện. Cậu bé mở mắt lơ đãng nhìn ra cửa sổ, bầu trời đêm giăng mây mù không một ánh sao. Conradin thả hồn về quá khứ. Thưở ấy, ngôi biệt thự này chìm ngập trong những chuỗi ngày êm đềm hạnh phúc, ba má cậu yêu nhau say đắm, và cậu - đứa con trai duy nhất - chính là tinh hoa của mối tình thơ mộng ấy. Hẳn cậu sẽ được hạnh phúc trọn vẹn nếu trong nhà không có sự hiện diện của chị Ropp. Chị là con gái của người anh ruột ba cậu. Ba chị mất sớm, mẹ chị bỏ rơi chị để đi lấy chồng khác. Ông bà nội cậu đã đem chị về nuôi. Khi Conradin ra đời, chị Ropp đã gần 30 tuổi. Rồi ông bà nội mất, chị vẫn ở lại với ba má cậu, giữ nhiệm vụ săn sóc cậu. Ngay từ nhỏ, thể trạng của Conradin đã rất yếu, phải uống thuốc quanh năm. Và, tuy bệnh hoạn, cậu bé vẫn nhận ra sự giả dối trong ánh mắt người chị họ mỗi lần chị tỏ vẻ ân cần lo lắng cho cậu. Đến khi ba má cậu bị tai nạn máy bay, chị Ropp trở thành người giám hộ di chúc toàn bộ tài sản của ba má cậu, thì vẻ giả dối ấy đã bộc lộ không cần giấu giếm. Cái chết của song thân, cộng thêm sự căm ghét, bạc đãi, hững hờ của chị Ropp đã làm sụp đổ hoàn toàn niềm tin yêu cuộc sống trong tâm hồn cậu. Càng lúc, tinh thần cậu càng tuột dốc thảm hại. Cậu sắp gục ngã.

Conradin ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường. Không, không thể được. Con người tồi tệ ấy không thể chiếm đoạt mồ hôi nước mắt của ba má cậu được. Trước khi chết, nhất định cậu phải làm một cái gì đó để bà ta không thể đạt được ý nguyện. Thà cống hiến tất cả cho các tổ chức từ thiện, viện dưỡng lão, trại mồ côi...

Conradin thức giấc khi trời sáng tỏ nhưng cậu không buồn bước chân ra khỏi giường. Chị bếp bưng vào một tách trà và lát bánh mì khộ Cậu nhăn mặt:

- Em thích ăn bơ hoặc trứng cơ.

Chị bếp nhìn cậu, ái ngại:

- Bữa điểm tâm của cưng chỉ có thế. Đó là ý của bà Ropp.

Quỷ tha ma bắt mụ ta đi. Conradin muốn hất tung tất cả xuống đất, nhưng cậu kịp nghìm cơn giận dữ lại, cần phải tỏ ra ngoan ngoãn để đạt được mục đích của mình.

Cánh cửa phòng bật mở, bà Ropp bước vào trong bộ váy áo màu đen muôn thưở, xâu chuỗi ngọc nâu óng ánh trên cổ trông như những hạt dẻ vừa chín tới. Bà ta hất hàm nhìn cậu, hỏi trống:

- Sao, giờ này còn chưa chịu ăn điểm tâm à?

- Thưa chị, em ăn đây ạ.

Cậu bé bước xuống giường, đến bên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ. Ngoài kia là khoảng vườn hoang phế, cỏ mọc tràn đầy. Những cây đào, cây táo cằn cỗi đã ba năm nay không nở được một nụ hoa. Khác hẳn với mặt tiền ngôi biệt thự, được bà Ropp sai người săn sóc kỹ càng. Thật là độc ác, bà ta muốn cảnh vật chung quanh Conradin phải héo úa hoang tàn như chính cuộc đời cậu.

Chờ hai người lớn đi khuất, Conradin bám thành cửa sổ leo ra ngoài, chạy về phía cuối vườn, nơi có một ngôi nhà nhỏ bằng ván, dùng để chứa những đồ vật phế thải. Conradin đẩy cánh cửa ọp ẹp bước vào, bên trong là thế giới của cậu. Cậu thường ra đây để sống với những hồi ức về ba má, và đôi khi, cả ông bà nội của cậu nữa. Những kỷ niệm êm đềm: kia là cây vợt tennis của ba, chiếc mũ rơm má thường đội mỗi lần đi biển, cái ống píp của ông nội, cặp que đan của bà nội...

Đã nhiều lần, bà Ropp cấm Conradin vào chơi trong nhà kho với lý do là cậu phải giữ gìn sức khỏe, nhưng thật ra, bà ta muốn tỏ cái quyền đối với cậu. Điều này khiến cậu tức điên lên. Tuy nhiên, bà Ropp bận rất nhiều công việc, ít để mắt đến cậu và thường đi vắng luôn. Conradin biết rằng, bà Ropp đang dùng tiền bạc của cậu để kinh doanh, đem lợi tức về cho mình. Đừng hòng, vừa lẩm bẩm, cậu vừa đi đến góc nhà kho, nơi có một tấm màn che kín. Sau tấm màn là chỗ hai người bạn nhỏ của cậu: gà mái Houdan và một con chồn đặc biệt mà cậu đặt tên là Thượng Đế, với hy vọng nó sẽ giúp cậu thực hiện kế hoạch của mình. Cách đây nửa năm, Conradin đã mua hai con vật này từ tay con trai anh hàng thịt hằng ngày đem thực phẩm đến cho nhà cậu. Đứa nhỏ nhanh chóng trở thành bạn thân của cậu, nó mua lồng cho cậu nhốt hai con vật và cung cấp thức ăn cho chúng. Riêng lồng của Thượng Đế phải được đan bằng sắt kín mít vì nó rất nhanh nhẹn, dễ cắn đứt cửa lồng bởi hàm răng vô cùng sắt nhọn.

Thường thường, cứ mỗi thứ năm, bà Ropp thức dậy đi nhà thờ từ sớm, thì Conradin cũng tiến hành buổi lễ bí mật của cậu trong căn nhà khọ Cậu lập một hương án ngay trước lồng Thượng Đế với đầy đủ các loại cây trái hoa tươi do con anh hàng thịt đem lại, rồi cậu quỳ xuống lâm râm khấn nguyện. Thỉnh thoảng cậu gào lên:

- Hãy làm một cái gì đó giúp tôi, hỡi Thượng Đế!

Có một lần, bà Ropp nhức răng, Conradin lấy làm thỏa mãn. Cậu tổ chức hành lễ liên tiếp ba ngày trước lồng Thượng Đế và suốt trong ba ngày đó, bên má của bà Ropp sưng tấy lên vì bị cơn đau hành hạ. Conradin cho rằng, chính Thượng Đế đã kéo dài cơn đau ấy. Lúc nào, Conradin cũng tin tưởng vào Thượng Đế nên mỗi lần vào nhà kho, Conradin thường van xin Thượng Đế hãy giúp cậu loại bỏ cái gai trước mắt.

***

Bác làm vườn nhìn thấy bà Ropp trong nhà kho, trên đống rơm dơ bẩn, cổ bị thủng, xâu chuỗi hạt văng tung tóe. Bác sĩ khám nghiệp tử thi cho biết, hung khí là một cái móc sắt, thủ phạm đã mang khi trốn thoát.

Cảnh sát điều tra chưa vội kết luận, họ tiến hành những cuộc hỏi cung khởi đầu là bác làm vườn.

- Bác thấy bà Ropp lần cuối cùng vào lúc nào?

- Thưa, sáng hôm qua, bà Ropp sai tôi dọn dẹp nhà kho nhưng vì bận đưa thằng cháu nội đi bệnh viện nên tôi chưa làm được. Hồi tối, bà tìm tôi mắng cho một trận và dọa đuổi. Tôi sợ quá, bữa nay dậy thật sớm định bắt tay vào công việc, không ngờ lại gặp xác chết của bà ấy.

Anh hàng thịt cho biết thêm chi tiết:

- Tôi cũng vừa bị bà Ropp mắng chửi. Thật là vô lý.

- Anh nói rõ hơn.

- Thằng con trai tôi có quen với cậu bé Conradin ở nhà này. Cậu ấy bệnh hoạn, đôi lúc cần con trai tôi giúp đỡ như mua kẹo bánh hoặc trái cây chẳng hạn... Vậy mà mới hôm kia, bà ấy đã đuổi đánh con tôi, mắng cả tôi và đặt mua thịt nơi khác.

Chị bếp là người được hỏi sau cùng:

- Chị thấy bà Ropp lần cuối cùng vào lúc nào?

- Tối hôm qua, khi tôi đem cốc sữa vào phòng bà ấy.

- Gần đây, bà ta có xích mích với ai không?

- Bà Ropp rất khó tính. Cách đây vài ngày, bà và anh hàng thịt cãi nhau một trận kịch liệt.

- Lý do?

- Hình như là chuyện con gà của cậu bé Conradin nuôi trong nhà kho bị sổng chuồng nên bà Ropp trông thấy. Tội nghiệp cậu bé, từ lâu tôi đã che giấu cho cậu vì bà Ropp cấm cậu vào chơi trong nhà khọ Con gà này do đứa con của anh hàng thịt mang lại nên bà Ropp đã đánh mắng thằng nhỏ này, không mua thực phẩm nhà nó nữa.

Ngay từ ngày đầu tiên xảy ra án mạng, người ta tìm thấy cái móc sắt dùng để cào rơm sau một bụi rậm, cạnh nơi nghỉ trưa của bác làm vườn. Trên cán móc còn in hai dấu vân tay của bác làm vườn và của anh hàng thịt. Nhưng lời khai của họ thì quá rõ ràng. Chính bác làm vườn cho anh hàng thịt mượn cái móc này, khi đem đến trả thì xảy ra vụ cãi lộn với bà Ropp, nên thay vì đem để trong nhà kho, anh hàng thịt lại quăng cái móc vào bụi rậm cho hả cơn giận. Cuộc điều tra đi vào bế tắc. Chắc chắn không thể vì một cuộc cãi lộn bình thường, hai người đàn ông này lại nhúng tay vào máu. Hay thủ phạm là một tên trộm nào đó, mò vào nhà kho định khoắng một mẻ, thình lình bị bà Ropp bắt gặp? Giả thiết được bác bỏ tức khắc, vì sau khi thu dọn hiện trường, xâu chuỗi ngọc nâu quý giá bị đứt văng tung tóe được nhặt lại không thiếu một hột. Chị bếp đã cho biết điều này: "Chuỗi ngọc có 40 hột chẵn, sở dĩ tôi biết được là vì tuần trước, bà Ropp sai tôi xâu lại để thay cái móc bằng bạch kim".

***

Tại phòng khách, Conradin ngồi thoải mái trước khay thức ăn điểm tâm thịnh soạn: trứng, jambon, xúc xích, bơ tươi...

Cậu lan man nghĩ đến chiều chủ nhật vừa qua, lòng cậu như dao cắt khi nhận ra cái mồng nhỏ bị sứt một miếng quen thuộc của Houdan. Bà Ropp nhìn cậu bằng đôi mắt thích thú độc ác.

- Đây là món gà rô ti, con gà của em đấy, Conradin ạ.

- Chị ác lắm.

- Chị chưa hỏi tội em là may rồi đấy. Ai cho em vào nhà khỏ Chị đã cấm em ra khỏi phòng mà - Hàm răng bà ta khít rịt trong cửa miệng - Lại còn bày đặt nuôi gà nữa chớ.

Nước mắt Conradin ứa ra. Ôi gà mái Houdan yêu quý của cậu.

- Lại còn khóc nữa à? Thật là lố bịch. Lâu nay chị bận công chuyện không để mắt đến em, thế là em trở nên hư đốn chưa từng thấy.

- Em vào chơi trong nhà kho có gì là không phải chứ?

Bà Ropp nhún vai, trở cách xưng hô mỉa mai:

- Thưa cậu, cậu đang bệnh đấy. Cậu nên nhớ như thế. Tôi là người giám hộ cậu, tôi có bổn phận chăm lo sức khoẻ cậu.

- Im đi, chị đừng có đạo đức giả!

Bà Ropp lại đổi giọng:

- Mày im đi thì đúng hơn. Đồ hỗn láo. Ha ha, không lâu con ạ. Ngày mai, tao sẽ phá toang cái nhà kho ấy xem mày còn vui chơi chỗ nào.

Bỗng bà nhìn thẳng vào mắt cậu:

- Nè Conradin, còn cái lồng sắt kín mít ở góc nhà kho, mày nuôi cái giống gì thế? Hy vọng đó là một con heo Ấn Độ, chúng ta sẽ có một món ăn tuyệt vời.

Conradin căm hờn liếc nhìn bà Ropp, mụ ta táo tợn thật, dám xúc phạm đến Thượng Đế của cậu. Cậu nhìn chăm chú vào xâu chuỗi ngọc nâu trên cổ bà Ropp, đúng là những hạt dẻ vừa chín tới.

Cậu bé trở về phòng, cầu nguyện Thượng Đế:

- Hãy giúp tôi, hãy giúp tôi.

Cậu gào lên trong giấc ngủ.

***

Viên thanh tra cảnh sát bước vào, nhìn cậu ái ngại:

- Em bé ạ, vậy là ruột thịt cuối cùng của em đã không còn nữa. Xin chia buồn cùng em.

- Các ông không tìm ra nguyên nhân cái chết của chị tôi sao?

- Bà ấy chết vì một vật nhọn móc vào yết hầu. Chúng tôi đã cho dọn sạch sẽ nhà kho nhưng không thấy gì khả nghi cả. Ở đó toàn là rơm rác, bàn ghế gãy, chuồng gà và một cái lồng c ửa sắt mở toang.

Conradin cúi đầu. Vậy là Thượng Đế đã thoát. Sau những ngày bị bỏ đói, nó đã lầm lẫn xâu chuỗi ngọc và hạt dẻ. Lời khẩn cầu của cậu được Thượng Đế lắng nghe...

Viên thanh tra đứng dậy:

- Chào em bé. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc điều tra.

Conradin đưa bàn tay xanh xao ra:

- Chúc ông may mắn.

Thế rồi cậu bé bắt đầu phết bơ vào miếng bánh mì thơm.

H.H Munro