Chương 1

Áp mặt vào khung cửa kính xe hơi , Xuyến Nhu bỡ ngỡ nhìn cảnh vật lạ lẫm bên đường cứ vùn vụt lướt qua mắt mình . Mà ngoại cảnh có lạ đến đâu cũng không sao sánh bằng cảnh ngộ bất ngờ đang xảy ra cho cô hiện tại . Tất cả giống mơ chứ không phải sự thật .

Mới một ngày trước đây thôi (hay chính xác hơn là khoảng 12 tiếng đồng hồ), cô vẫn là một cô gái làng chài quen với thuyền , với lưới cùng những con mực , tôm cua, cá ... mà giờ đây đã là người thừa kế chính thức của ông Huỳnh Bửu Điền , một tỷ phú ngành địa ốc , có cơ ngơi đồ sộ trên mọi miền đất nước , và điều bất ngờ nhất với cô là cho đến tận lúc này cô mới biết sự thật về thân phận của mình . Chứ không thì cô vẫn yên phận cạnh má Năm - người mẹ nuôi hiền lành suốt 20 năm rồi . Nếu như không có sự xuất hiện của ông Hồng , người mà cô gọi là cậu theo danh nghĩa mà ông ta tự xưng với cô và cũng được má Năm xác nhận - vào buổi sáng hôm ấy thì cuộc đời cô vẫn trôi qua phẳng lặng như mọi ngày khác trên ngôi làng hiền hòa ven biển này ...

... Đang lúi húi phơi tấm lưới lên sào , Xuyến Nhu giật mình khi nghe tiếng cười trong trẻo của Thoại Lan , cô bạn hàng xóm ngay cạnh mình .

− Sắp tới lễ hội Nghinh Ông rồi , đã sắm sửa gì chưa Xuyến Nhu ?

Xuyến Nhu cười đáp lại:

− Chưa , nhưng anh Hai hứa là khi nào lãnh tiền công xong kỳ này sẽ dẫn Nhu lên thị trấn sắm đồ , sẵn mua tivi cho má luôn.

Thoại Lan đi vòng qua hàng dãy phơi đến cạnh bạn , sôi nổi bảo:

− Nè , hiếm có ông anh trai nào cưng em như anh Thiện vậy đâu nghe . Ai làm vợ ảnh chắc có phước dữ lắm , cưng em một thì cưng vợ phải gấp đôi à .

Xuyến Nhu tủm tỉm cười , nói nửa đùa nửa thật:

− Vậy bà xung phong làm chị dâu tôi đi .

Thoại Lan đỏ mặt , đấm thùm thụp vào vai bạn , kêu lên:

− Nói bậy bạ ! Anh Thiện nghe được thì cười chết luôn .

Xuyến Nhu chọc tới:

− Ảnh nghe được thì càng tốt chớ sao . Không thôi , có người "thương ai bổi hổi bồi hồi , như ngồi chảo lửa như ngồi trong trách rang" vậy đó .

Thoại Lan ré lên:

− Bữa này mày ăn ớt hay sao mà lột lưỡi nói dữ vậy ?

Xuyến Nhu chúm môi:

− Tui nói đâu trúng đó chứ có nói thêm nói bớt gì mà sợ chứ .

Thoại Lan háy lại:

− Giỏi vậy sao không làm thầy bói đi , ở đó kiếm chuyện chọc ghẹo người ta hoài .

Xuyến Nhu làm bọ mặt trịnh trọng , hắng giọng:

− Tại chưa gặp thời thôi . Nếu không , tui xây nhà lầu mất rồi .

Thoại Lan sặc cười:

− Nè , mấy ngày nay có người cứ đi vòng vòng xóm ngoài hỏi thăm một phụ nữ tên Diễm Xuân mà không ai biết . Nhu có tài thì bói một quẻ kiếm tiền đi , nghe họ hứa thưởng lớn đó , thấy giàu có lắm .

Mặt Xuyến Nhu bỗng tái mét lại , cô hỏi lại bạn như bị hụt hơi:

− Lan nói là có người đi tìm bà Diễm Xuân à ? Họ là ai vậy ?

Thoại Lan gật đầu , ngạc nhiên hỏi lại:

− Ừ, nghe nói vậy đó . Mà sao nhình Nhu lạ vậy ?

Xuyến Nhu khàn giọng đáp :

− Vì đó là mẹ ruột của mình.

Giữa lúc Thoại Lan còn ngồi ngẩn người bàng hoàng trước sự kiện bất ngờ này , thì ông trưởng thôn đã xăm xăm bước đến trước ngôi nhà nhỏ của mẹ con Xuyến Nhu , cất tiếng gọi to:

− Thím Năm ! Có khách quý từ xa tới tìm nè . Tôi phải lên huyện lục hồ sơ cũ coi lại mới tìm ra tung tích đó .

Nhìn chiếc xe hơi bóng loáng , sang trọng đang chầm chậm dừng lại , rà tìm chỗ đậu dưới mấy rạng phi lao cho mát , Thoại Lan giật tay áo Xuyến Nhu , nói nhỏ:

− Đúng là họ rồi . Thật linh ghê , phải nhắc tiền nhắc bạc thì đỡ biết mấy.

Xuyến Nhu chẳng còn lòng dạ nào hưởng ứng câu chuyện đùa vui với bạn nữa , đầu óc cô đang rối tung lên vì sự xuất hiện của những người xa lạ dò hỏi về mẹ ruột của cô nàng . Họ là ai ? Tìm mẹ cô với mục đích gì khi bà đã mất gần hai chục năm nay kia chứ ?

Trông thấy mấy người đàn ông sang trọng từ trên xe bước xuống , theo gót ông trưởng thôn đi vào nhà mình , Xuyến Nhu vội vàng bảo Thoại Lan:

− Bồ ở lại đây nghe , tui chạy vô trong coi chuyện gì vậy ?

Chưa dứt lời thì cô đã thoăn thoắt chạy vào vô chái bếp , nép bên vách lắng nghe câu chuyện giữa bà Năm (mẹ nuôi cô) và mấy người khách lạ.

Ngồi trên bộ ghế mây đơn sơ giữa những ông khách sang trọng hoàn toàn tương phản với khung cảnh giản dị của căn nhà , bà Năm bỡ ngỡ đưa mắt nhìn hết người nọ đến người kia , ngập ngừng cất tiếng hỏi:

− Xin lỗi , mấy ông là ai ? Tìm tôi có việc gì ?

Người đàn ông trẻ tuổi hơn có vẻ nóng nảy đáp lời bà:

− Chúng tôi đi tìm bà Diễm Xuân chứ không phải tìm bà . Nghe nói bà ấy đã từng sống ở đây nên chúng tôi đến hỏi thăm vậy thôi .

Bà Năm "à" một tiếng , tỏ ra đã bình tĩnh lại , gật gù trả lời:

− Thì ra là vậy . Tôi không chối chuyện cô Diễm Xuân đã ở đây . Nhưng tôi cũng không thể cho các ông biết điều gì về cô ấy nếu như không biết các ông là ai , tìm cô ấy làm gì ?

Đến phiên người đàn ông lớn tuổi ra mặt . Ông ta đưa tay ngăn người trẻ tuổi lại , không cho anh ta nói tiếp và ung dung nở nụ cười , cất tiếng chào bà Năm:

− Cả hai mươi năm trời không gặp mặt nhưng chỉ qua cách nói năng cũng cho tôi biết chắc mình không tìm lầm người . Cô vẫn khỏe chứ , Kim Xuyến ?

Bà Năm giật mình khi nghe gọi đúng tên riêng của mình , đưa mắt nhìn kỹ người vừa đối thoại và buột miệng kêu lên thảng thốt:

− Anh Hồng ! Thì ra là anh . Vậy là ông chủ sai anh đi tìm cô Xuân phải không ?

Đứng bên trong , Xuyến Nhu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác như người trên cung trăng rớt xuống . Tuy vẫn nghe rõ từng câu , từng chữ họ đối đáp với nhau , nhưng cô lại chẳng hiểu chút xíu nào về nội dung của nó cả. Những chuyện họ đề cập đến như thuộc về một thế giới xa lạ nào đấy , chẳng chút liên quan đến cuộc sống hiện tại của má con cô ở cái làng chài này cả.

Ông Hồng trầm giọng:

− Nếu ông chủ sai đi tìm thì tôi đã xuất hiện trước mặt cô từ hai mươi năm nay rồi , chứ đâu phải chờ đến lúc này.

Bà Năm hoang mang hỏi lại:

− Vậy là sao ? Bao năm nay không tìm , giờ mới kiếm , nhưng lại không phải do ông chủ sai đi thì là ai ?

Ông Hồng nói dằn từng tiếng:

− Ông chủ mất rồi , bà chủ mới dám sai tìm cô con gái cưng về đó .

Giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng . Bà Năm đã hiểu và Xuyến Nhu cũng không đến nỗi ngu khờ để không đoán ra phần nào nội dung câu chuyện , tuy rằng chẳng rõ đầu đuôi ngọn ngành như những người đang thảo luận ngoài ấy thôi .

Giữa lúc cô đang ngẫm nghĩ thì bà Năm lên tiếng bảo ông Hồng:

− Giải quyết muộn màng thì hậu quả nhận được cũng lỡ làng . Anh đã đến trễ gần hai mươi năm rồi .

Ông Hồng gặng lại

− Cô đừng đánh đố nữa . Cô Xuân đâu rồi ?

Bà Năm thong thả đáp:

− Chết rồi ! Chết vì nghèo , vì sanh khó không có điều kiện cứu chữa .

Ông Hồng thốt lên với vẻ ngỡ ngàng:

− Thật vậy sao ? Thật tội nghiệp quá !

Người đàn ông trẻ tuổi đi theo ông Hồng bỗng lên tiếng hỏi:

− Vậy người con của bà ấy còn sống không ?

Bà Năm không trả lời mà hỏi ngược lại:

− Anh có liên quan gì đến gia đình này và hỏi như thế để làm gì ?

Ông Hồng liền đỡ lời:

− Anh ấy là luật sư Cao Phong , được ủy nhiệm việc thực hiện di chúc của ông chủ . May là có anh ta nhớ đến việc người con của cô Diễm Xuân chứ tôi cũng quên bẵng .

Bà Năm cau mày đầy vẻ khó nghĩ . Im lặng suy nghĩ một lát , rồi bà dè dặt hỏi lại ông Hồng:

− Nhưng ý bà chủ định giải quyết ra sao về đứa con của cô Diễm Xuân?

Cao Phong lên tiếng trước khi ông Hồng kịp mở miệng:

− Bà cứ yên tâm ! Trở ngại lớn nhất là sự cứng rắn của ông Bảo Điền không chịu tha thứ cho con . Nay ông không còn và bà mẹ đã ra tay đón con về thì lẽ nào lại gây hại cho cháu ngoại sao ?

Lý lẽ xác đáng của anh ta đưa ra đã đánh tan mọi nghi ngại trong lòng bà Năm . Bà trút bỏ sự dè dặt từ nãy đến giờ mau mắn đứng lên bảo khách:

− Để tôi kêu nó ra .

Xuyến Nhu toan chạy trốn sau nhà , nhưng không kịp , má nuôi cô đã đến trước mặt cô , kéo tay cô ra ngoài , vắn tắt giới thiệu với ông Hồng , và Cao Phong .

− Nó là Xuyến Nhu con của cô Diễm Xuân đó .

Trong lúc Cao Phong đưa mắt quan sát , cô gái đang quíu người đến phát khóc trước mắt mình một cách kỹ lưỡng chứ không hề phát biểu gì , thì ông Hồng lại hồ hởi kêu lên:

− Giống Diễm Xuân như hai giọt nước vậy đó ! Không trộn lẫn vào đâu được . Chắc chắn bà chủ sẽ rất vui mừng khi gặp lại cháu ngoại , nhìn cô ấy như thấy con gái vậy mà .

Bà Năm ngập ngừng dọ ý:

− Anh muốn đưa Xuyến Nhu về vớ họ Huỳnh à ?

Ông Hồng gật đầu:

− "Lá rụng về cội" mà . Tuy bà chủ không dặn , nhưng tôi tin chắc là bà sẽ rất vui khi biết được mình có một đứa cháu ruột trên đời.

Kế đó , ông nghiêng người nói nhỏ với bà Năm:

− Mất một nguồn vui thì phải có thứ khác thế vào cho cân bằng chứ.

Bà Năm lặng lẽ gật đầu xác nhận . Về tình hay về lý thì việc đưa Xuyến Nhu trở về bên bà Bảo Điền lúc này đều là chuyện đúng đắn , không phải bàn cãi lôi thôi nữa, dù nó xảy ra vô cùng bất ngờ . Dù trong lòng đang dẫy đầy nỗi buồn vì phải xa cách đứa con nuôi mà bà hết dạ thương yêu như con ruột , đã chăm bẵm từ lúc mới lọt lòng đến tận ngày nay nhưng bà vẫn gượng làm vui bảo Xuyến Nhu :

− Nãy giờ chắc con cũng nghe ít nhiều câu chuyện liên quan đến thân thế của con rồi . Giờ thì con theo cậu Hồng về gặp bà ngoại nghe Nhu .

Xuyến Nhu lắc đầu quầy quậy , nhìn bà bằng ánh mắt van lơn , nói như muốn khóc , cô hỏi dồn dập:

− Con có nghe nhưng không hiểu gì hết . Tại sao mẹ con lai bỏ nhà ông bà ngoại để ra ngoài sanh con mà ông bà ngoại không hề tìm kiếm ? Rồi phải đến hai mươi năm sau ông ngoại mất đi thì bà ngoại mới dám đi tìm ? Và như vậy thì chuyện ba ruột con đi biển bị đắm tàu mất tích là thật hay giả ? Rồi bây giờ gia đình bên ngoại sẽ đối xử ra sao với đứa cháu chưa hề được biết đến sự tồn tại trên đời này đây ?

Ông Hồng hắng giọng , xen vào:

− Xuyến Nhu à ! Ta là con nuôi của ông bà ngoại cháu , nên có thể lấy tư cách của người cậu để đảm bảo rằng gia đình của mẹ cháu rất vui mừng đón cháu về nhà .

Bà Năm gật đầu , khuyến khích đứa nuôi con:

− Đúng rồi . Má là má của con , không lẽ thấy chỗ nguy hiểm mà vẫn xúi con đâm đầu vô mà con sợ?

Xuyến Nhu vẫn lắc đầu đầy bướng bỉnh:

− Khi chưa biết hết sự thật về cha mẹ con thì con sẽ không đi đâu hết.

Bà Năm đành phải quay ra nhìn ông Hồng và Cao Phong tìm sự thông cảm .

− Xin lỗi để mọi người phải chờ thêm lát nữa . Tôi cần nói chuyện riêng với Xuyến Nhu .

Nhận được cái gật đầu thông cảm của họ, bà yên tâm đưa Xuyến Nhu vào căn buồng nhỏ bên trong để giải tỏa mọi thắc mắc của cô.

Ngồi trên chiếc giường nhỏ của Xuyến Nhu , bà Năm bùi ngùi vuốt tóc cô , cất tiếng kể.

− Má là người giúp việc trong nhà ông bà ngoại con ngày xưa , hay nói đúng hơn là người hầu riêng của Diễm Xuân , mẹ ruột con . Mấy cô con gái nhà giàu thời đó vẫn có người chăm lo mọi việc bên cạnh mình như thế , kiêm luôn bạn tâm tình vì hiếm khi được bước chân ra khỏi cửa để giao tiếp với bạn bè được thoải mái như bây giờ . Mẹ ruột con vừa đẹp vừa ngoan hiền lại học giỏi nên được ông bà ngoại con cưng vô cùng , nhất là chẳng có người con nào nữa nên lại càng quản lý nghiêm ngặt để tìm một chàng rể xứng đáng , giao hết gia tài . Thế mà chẳng hiểu vì sao mà một ngày nọ mẹ con khóc và thú thật với má là đã có thai , không thể tiếp tục ở lại ngôi này được nữa , ông ngoại con chắc chắn sẽ không bao giờ tha thứ chuyện dại dột này . Biết vậy nên má lén dẫn mẹ ruột con về đây , quê của má sống tạm để chờ xem sự việc diễn biến ra sao . Không ngờ me con lại vắn số ra đi ngay lúc sinh con . Từ đó đến nay , con sống với má và thằng Thiện đã hai mươi năm , má đối với con ra sao thì con cũng biết rồi đó . Nay , bà ngoại con cho người đón con về , má đâu có quyền giữ con lại chịu nghèo khổ với má . Con nên về sống với ngoại là tốt nhất , Xuyến Nhu ạ.

Nói đến đây , không kiềm được lòng , bà òa lên khóc khiến Xuyến Nhu cũng khóc theo .

Vừa khóc , cô vừa hỏi bà Năm:

− Vậy cha con đâu ? Mẹ con không hề nói gì cho má biết sao ?

Bà Năm lắc đầu:

− Lúc đó mẹ con yếu lắm nên má không dám gợi chuyện sợ cô ấy buồn thêm , đến chừng đột ngột ra đi chỉ thấy để lại chiếc nhẫn có khắc chạm rất đẹp - là quà sinh nhật năm mười tám tuổi của cô ấy . Sẵn đây má đưa lại cho con làm kỷ niệm nè .

Vừa nói bà vừa đứng lên mở tủ đưa cặp nhẫn cho Xuyến Nhu .

Xuyến Nhu hỏi gặng lại:

− Má không đoán ra cha ruột con là ai thật sao ?

Bà Năm lắc đầu và tìm lời an ủi cô:

− Đã hai mươi năm nay không có ông ấy con vẫn sống đường hoàng đó thôi , đâu có sao ? Huống gì bây giờ con lại được nhận bà ngoại , cần gì ông ta chứ ?

Xuyến Nhu im lặng . Cô không tranh cãi nhưng trong lòng vẫn bứt rứt , không đồng tình với lập luận của bà . Tuy thế , với một ngày xảy ra quá nhiều biến động như thế này thì không thể ôm đồm đủ mọi thứ vào lòng được . Cô tạm gác vấn đề cha mình lại , nhận nhẫn và ngậm ngùi bảo mẹ nuôi .

− Con nghe lời má . Để con soạn ít đồ , thử theo về gặp bà ngoại xem sao . Có gì thì con lại trở về với má . Má sẽ không đuổi con đi chứ ?

Bà Năm cười mà nước mắt ràn rụa:

− Dĩ nhiên rồi , con là con của má . Nhưng không đời nào bà ngoại con chịu cho con về đâu .

Phút chia ly dù có bịn rịn đến đâu thì cũng phải chấm dứt . Bà Năm phụ Xuyến Nhu sắp xếp đồ đạc vào giỏ xách với đầy đủ lời dặn dò , mà thật mà hành trang của cô đâu có gì nhiều , chủ yếu là giấy tờ và vật dụng cá nhân thôi .

Vậy mà lúc Xuyến Nhu khoác giỏ đi ra ngoài thì ông Hồng còn nhăn mặt , kêu ầm lên:

− Tự dựng đi "chở củi về rừng"! Về với bà ngoại đâu có thiếu thứ gì mà đem đồ theo cho mệt vậy .

Bà Năm không vui nhưng vẫn gượng cười bảo Xuyến Nhu :

− Đúng rồi , mấy thứ rách rưới này đem vô nhà giàu có người ta cười chết . Để lại đi con !

Xuyến Nhu lắc đầu , rắn rỏi đáp lại:

− Không có xưa làm sao có nay ? Nếu má không chắt chiu từng chút để nuôi con thì làm gì con có được ngày nay ? Dù chỉ là một mảnh vải rách con cũng trân trọng giữ gìn chứ đừng nói là cả một túi đồ đầy ắp như thế này .

Bà Năm lại chảy nước mắt nhưng lại là những giọt nước mắt mừng vui vì ấm áp cả cõi lòng .

Lần đầu tiên , từ lúc gặp gỡ đến giờ , Cao Phong mới đưa mắt nhìn Xuyến Nhu một cách thú vị chứ không dửng dưng như ban đầu nữa .

o0o

− Sắp đến nhà rồi đó Xuyến Nhu .

Tiếng ông Hồng đột ngột vang bên tai Xuyến Nhu , cắt ngang dòng hồi tưởng của cô gái . Xuyến Nhu giật mình quay lại nhìn ông và bắt đầu nghe tim đập thình thịch trong lồng ngực .

Cô thành thật thú nhận với ông - người thân duy nhất ở cạnh mình lúc này:

− Con run quá cậu ơi . Rủi bà ngoại không nhìn con thì sao ?

Ông Hồng tìm lời động viên cô gái trẻ:

− Còn có cậu mà. Không lẽ bà không tin cậu sao chứ ?

Cao Phong đang ngồi ở băng ghế trên , cạnh người tài xế , chợt quay xuống lên tiếng:

− Về mặt pháp lý , cô là người thừa kế duy nhất của bà Diễm Xuân , mà bà ấy lại được thừa hưởng phân nửa di sản hiện tại của họ Huỳnh do ông Bảo Điền để lại , bởi lẽ ông bà Huỳnh Bảo Điền chưa hề tuyên bố cắt đứt quan hệ cha mẹ với bà Xuân hay truất quyền thừa kế . Vì thế , nếu giấy khai sinh của cô được xác nhận là thật thì dù bà cụ Huỳnh không nhìn nhận cũng chẳng sao , cô vẫn được nhận phần gia tài của mình một cách hợp pháp .

Mắt ông Hồng bỗng lóe lên một tia rất lạ nhưng không ai phát hiện ra . Tuy vậy , từ lúc này ông vẫn giữ im lặng và tựa sâu vào lưng ghế để tránh cho hai người nọ đừng chú ý đến mình và tập trung tinh thần lắng nghe câu chuyện trao đổi của Xuyến Nhu với chàng luật sư .

Xuyến Nhu lắc đầu:

− Tôi không quan tâm đến khía cạnh tiền bạc , bởi lẽ bao năm nay tôi vẫn sống thanh thản trong cảnh nghèo khó nên đồng tiền chẳng có ma lực ghê gớm khiến tôi phải sống chết vì nó . Nhưng tình cảm ruột thịt của gia đình mới là thứ tôi cần có . Vì thế , câu nói của anh nếu đảo ngược lại thì sẽ phù hợp với ước mong của tôi , rằng tôi không cần quyền thừa kế nhưng lại muốn được bà ngoại nhìn nhận là cháu ruột .

Lông mày của ông Hồng máy động liên hồi , nhưng ông vẫn kiên nhẫn sự yên lặng theo dõi câu chuyện .

Cao Phong cười nhếch mép:

− Mọi việc đều phải tuân theo quy luật tiểu thư ạ. Tôi là kẻ duy lý , chỉ nhìn nhận sự việc trên cương vị luật sư của mình , và thực hiện những gì mà trách nhiệm đòi hỏi chứ không thể chiều theo sở thích của người khác được.

Xuyến Nhu thở hắt ra:

− Đầu óc tôi đang lộn tùng phèo vì những từ ngữ cao siêu của anh đây nè . Anh có thể nói năng cho dễ hiểu thêm chút nữa được không ? Đừng xem tôi như một đồng nghiệp có quá nhiều chữ trong đầu giống anh vậy chứ .

Lần này thì không riêng ông Hồng mà cả Cao Phong cũng phải bật lên tràng cười thú vị trước sự thú nhận ngây thơ và thẳng thắn của cô gái .

Phải hắng giọng mấy lượt để lấy lại sự nghiêm trang cần thiết , Cao Phong bảo Xuyến Nhu với vẻ mặt lạnh lùng:

− Rồi đây cô sẽ phải hấp thụ cả một khối lượng kiến thức vô cùng lớn đấy chứ không đùa đâu . Người thừa kế của họ Huỳnh không thể đứng dưới tầm mọi người được .

Xuyến Nhu xịu mặt trước viễn cảnh đầy khủng bố ấy.