Thời gian lúc này với Nhung thật nặng nề chậm chạp. Dường như Nhung ngồi yên như thế đã lâu lắm rồi. Trong đám cỏ cao hơn nửa thân người, nàng cố gắng thu mình cho nhỏ hơn nữa. Nhung nghe rõ tiếng tim đập loạn xạ trong lồng ngực và chân tay lạnh giá. Mùi cỏ mục và mùi bùn hăng hắc thoảng trong sương đêm. Dưới hai bàn chân trần, Nhung cảm thấy nước và bùn ướt nhẹp. Quái ác hơn nữa, những cơn gió dù rất nhẹ cũng đủ gây thành tiếng động làm cho những con cào cào nhảy loạn. Một con nhái nhỏ nhảy đến ngồi ngay trên lưng bàn chân Nhung. Giá phải như lúc thường thì Nhung đã nhảy nhỏm và la chói lói. Cảm giác lành lạnh ươn ướt từ con vật thấm qua da chân làm Nhung càng thêm khiếp đảm. Một cái gì ơn ớn chạy dọc theo chiều xương sống. Nhung rùng mình. May quá, nhờ cái rùng mình, con vật thấy động hốt hoảng nhảy đi. Tuy vậy, Nhung vẫn cảm thấy còn quá sức căng thẳng. Căng thẳng vì sợ hãi. Nàng sợ hãi không phải chỉ vì con nhái nhỏ bé kia mà vì đám công an, du kích đang ở đó không xa. Cách nàng chừng vài trăm thước, những ánh đèn pin vẫn loang loáng trong đêm. Tiếng gọi nhau, tiếng quát tháo, tiếng chửi thề tục tĩu của đám du kích xã vọng lại từ phía bãi cỏ gần bờ lạch tùy theo chiều gió nên nghe lúc rõ lúc không. Cách Nhung chừng vài thước phía bên mặt, anh Long và đứa con trai cũng cố nép mình thật thấp. Nhung đoán chắc họ cũng sợ hãi không kém gì nàng. Phía bên trái, gần Nhung hơn là chị Thanh và Thảo, chị em bạn dì với Nhung. Thảo vai lớn nhưng vì cùng tuổi lại học chung trường nên hai đứa gọi nhau bằng tên từ bé. Bỗng đâu, trong lúc bất ngờ nhất, một tiếng cười nhỏ vang lên. Sau đó, Nhung nghe chị Thanh rít qua kẽ răng bực bội: - Cái con này. Lúc này mà mày còn cười được thì tao chịu! Không có tiếng trả lời nhưng tiếng cười vẫn tiếp tục nổi lên. Đúng ra, không phải là tiếng cười mà chỉ là những tiếng gió đi qua ống mũi nghe "hích hích" . Hình như Thảo đã lấy tay bụm cả mũi miệng lại để cố giữ không cho những tiếng "cười" đó bay thoát ra ngoài. Qua tiếng cười của Thảo, dù không biết lý do nhưng Nhung cũng cảm thấy không khí nhẹ đi đôi chút. Không lâu, một mùi xú uế thoảng xông lên. Nhung chợt nhớ mẹ kể rằng chị Thanh phải cái bệnh cứ sợ qúa thì chị lại đau bụng đi ngoài. Xưa, hồi mới lấy chồng, chị đến đơn vị thăm anh, chẳng may đêm đó bị VC pháo kích, chị "đũn" ra quần. Chị mắc cở khóc suốt đêm. Ông chồng dỗ mãi chị cũng không chịu nín. Sáng sớm, chị đòi anh đưa ra bến xe đò chuyến sớm nhất về thẳng nhà mẹ Ở đến cả tuần. Từ đó, dù anh Lân bận hành quân mấy tháng không về được, nhớ vợ nhớ con, nhắn chị đến thăm, chị cũng nhất định không đi. Nghĩ đến đây Nhung cũng không nhịn được cười. Nàng vội đưa tay bụm miệng và thấy mình rung cả hai vai. "Ừ nhỉ. Sao lúc này mà mình cười được nhỉ". Nhung nghĩ thầm. Trời vừa xẩm tối là Nhung và Thảo đã từ Saigon đi chuyến xe chót đến nhà ông Cả. Ông Cả làm nghề đánh cá ở Chu Hải từ lâu. Ông lại khá giả, tốt bụng và hay giúp đỡ người cơ khó nên rất có uy tín với xóm giềng. Ông bà Cả có bảy người con, năm trai, hai gái. Các con ông, tất cả đã thành gia thất và ông có một bày cháu nội ngoại đến gần hai chục đứa. Sau biến cố 75, ông nghỉ đi biển. Con ông, ba người con trai, một con rể nối nghề của bố. Mấy năm sau này cứ chờ lúc thuận tiện ông lại tổ chức một chuyến vượt biên cho con cháu ông đi. Do đó, họ hàng thân quen ông, ai biết chuyện đều gởi gấm con cháu họ Anh Long, cháu gọi mẹ Nhung là cô, vợ anh là cháu gọi ông Cả bằng bác nên khi mẹ Nhung thấy Long đi, bà nhất định gởi Nhung và chị em Thảo đi theo vì trước đó, Nhung đã bị lừa và đi hụt mấy lần. Theo sự sắp xếp của ông Cả, chị Thanh đến nhà bà Tư, em gái ông từ sáng sớm để "ăn giỗ" ông Tự Anh Long và Mạnh, thằng con trai lớn mười bảy tuổi của anh thì nằm ở kho chứa lưới và vật dụng phế thải đã hai hôm. Đợi Nhung và Thảo vào hẳn trong nhà, Ông Cả bảo chị Thêm, người con dâu thứ hai, đưa sang nhà bà Tư bằng cửa sau để chờ nửa đêm lên ghe ngay tại con lạch nhỏ sau nhà. Con lạch nhỏ này chỉ có những ngày nước lớn ghe mới đi lại được mà phải là loại ghe nhẹ nên không ai nghĩ đó là một khởi điểm tốt cho những cuộc vượt biên của con cháu ông Cả. Cũng bằng con lạch nhỏ này, chỉ có người trong xóm như gia đình ông Cả mới dùng làm con đường tắt ra bến, nơi ông neo tàu đánh cá cho gần. Những ngày nước cạn phơi cả lòng đất nứt nẻ, không ai qua lại nên bọn công an và du kích xã không lưu tâm đến. Cho đến một hôm thấy đám con cháu ông vơi dần, bọn công an hỏi, ông mua lòng heo, rượu đế cho chúng ăn uống rồi ông mượn cớ say chửi toáng lên là con cháu ông hư hỏng, chê nghề đánh cá của ông nắng nôi tanh tưởi nên bỏ lên Saigon làm du đãng. Ông giận nên không thèm ngó mặt và cũng không thích ai nhắc đến những đứa con, đứa cháu hư hỏng ấy nữa. Được ăn uống no say, bọn công an phường chẳng tìm hiểu gì thêm nhưng bọn du kích xã thì bắt đầu để ý. Chuyến vượt biên mới đây, ông Cả phải chi cho bọn chúng hai chục cây vàng để chúng lờ đi. Lần này cũng vậy. Lúc nãy Nhung nghe anh Long nói là ông Cả đang bị hai phe công an và du kích tranh ăn với nhau nên ông phải chi cho cả hai phẹ Ấy vậy mà chúng vẫn còn cố bới móc lẫn nhau. Bữa cơm tối dọn ra vội vã và ai cũng chỉ ăn qua loa. Cô Nhàn, con gái bà Tư vừa rửa xong chén bát thì có người đứng ngoài cửa sổ làm tín hiệu gọi anh Long, bảo rằng tất cả phải đi ra bãi cỏ phía sau nhà mà trốn vì có tin là bọn du kích sẽ kiểm tra hộ khẩu. Thế là tất cả hoảng hốt bỏ cả guốc dép, nối đuôi nhau ra đây. Chỉ còn hai đứa con nhỏ của chị Thanh đang ngủ nên đành để lại trong nhà. Đột nhiên trong gió, một giọng đàn ông vọng lại làm Nhung trở về thực tại: - Các đồng chí chỉ nghe tin thất thiệt rồi làm chúng ta phí công vô ích. Hồi chiều này đội tôi đi công tác ở đây có thấy gì đâu. Vả lại, các đồng chí du kích ai cũng đề cao đạo đức cách mạng, noi gương Bác mà canh gác kỹ lưỡng thế này thì bọn phản động nào mà dám đưa đầu vào rọ cơ chứ. - Ấy, đồng chí trưởng ban công an nói thế thì rất phải nhưng tụi ngụy nó ghê lắm, phản động lắm. Mình cứ đề cao cảnh giác là hơn. Hồi chiều tôi được nhân dân báo cáo là bọn nó tổ chức đi "tắc xi" từ đây cơ đấy! Một tên khác xen vào: - Hay là tụi nó ẩn nấp ở nhà nhân dân đấy. Mình đi kiểm tra xem. Giọng nói đầu lại ồm ồm: - Ý kiến của đồng chí Bảy cũng tốt thôi. Nhưng tôi chỉ sợ là mất công mà chẳng thu được thắng lợi gì. Mà đi kiểm tra thế, không khéo lại phải làm kiểm điểm vì trễ buổi họp trên xã tối nay đấy. Nghe đến đây, chị Thanh hoảng hốt thầm thì: - Thôi chết rồi. Nếu lỡ tụi nó khám nhà bà Tư, thấy mấy đứa nhỏ lạ nằm ngủ mà không có người lớn, nó hỏi, mẹ con bà Tư luống cuống, nó túa ra đây thì chết cả đám. Thảo ơi, Nhung ơi. Để chị vào với cháu. Thảo vội vàng: - Thế lỡ tụi nó hỏi thì chị nói thế nào? - Chị nói là cho con về nhà bà cô ăn giỗ và đưa giấy phép đi đường chứng minh cho chúng nó là xong chứ gì! Hơn nữa, ông Cả đã lo lót cho thằng trưởng toán rồi. Chắc không đến nỗi nào đâu! Thảo làm ra vẻ sành đời: - Ấy, thế mới chết. Nếu thằng này ăn mà thằng kia nhịn, chúng nó ganh nhau thì mình mệt. Nghe chị em Thảo bàn tính và thấy chị Thanh có lý, lại thấy quãng đường từ chỗ núp đến cửa sau nhà bà Tư nếu "đi" theo kiểu "ngồi" thì tốn độ năm bảy phút. Nhung phụ họa: - Đúng đấy chị Thanh ạ. Thấy trẻ con lạ mà không thấy bố mẹ chúng nó nghi ngay, lúc đó, nó ra đây lục soát thì nguy cả đám. Nhất là anh Long. Anh ấy mới đi học tập về. "Được lời như cởi tấm lòng" chị Thanh vẫn theo thế ngồi, dùng hai tay vẹt nhẹ từng đám cỏ, cẩn thận "đi" về phía nhà bà Tự Nhung và Thảo hồi hộp nhìn theo dấu chị. Mỗi "bước" chị "đi" qua, đám cỏ lao xao nhưng mau trở về vị trí cũ. Lại cũng may là có gió. Những cơn gió đồng lõa với những tiếng xào xạc của cỏ làm sự di động của chị khó ai nhận biết. Cỏ lại cao nên chị chỉ "đi" được vài "bước" là đã mất dấu. Đoạn đường ngắn ngủi nhưng thời gian chờ đợi thì lại thật dài. Sau cùng, Nhung và Thảo cũng nghe được tiếng cửa mở rít lên. Đến lúc ấy, Thảo mới hoàn hồn, cô nhích lại gần Nhung. Hai tiếng thở phào cùng vang lên một lượt. - Tội nghiệp bà Thanh. Nhung biết không, sợ qúa, bà ấy... bà ấy... Nhung không nói, gật đầu thông cảm. Chuyến đi ấy vẫn không thành. Nhung chán nản tính bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần nhận thư và tiền Lâm gởi về cùng những lời bóng gió giục giã là Nhung lại nôn nả tìm mối này, mối nọ. Liên tiếp trong ba tháng Nhung nhận cả chục lá thư của Lâm làm nàng càng thêm bấn loạn. Nàng thương nhớ Lâm nên rất mong đi được để gặp lại chàng. Lâm và Nhung yêu nhau từ hồi nàng còn học trung học và được cả hai gia đình chấp thuận. Lâm bị động viên, vừa ra trường khóa Trừ Bị Thủ Đức và Nhung vừa học xong sư phạm chưa kịp cưới thì mất nước. Tuy vậy, Lâm cũng phải đi học tập gần ba năm. Đến khi gia đình Lâm chưng đủ bằng chứng quốc tịch Pháp và đút lót khá nhiều Lâm mới được thả về. Lâm theo gia đình xuất ngoại do sự can thiệp đặc biệt của toà đại sứ Pháp ngay sau đó. Trước khi Lâm đi, họ đã đính hôn. Nếu không vì lập gia đình mà Lâm phải ở lại thì họ đã làm đám cưới. Mẹ Lâm dù thương Nhung nhưng bà lại không muốn con trai bà bị kẹt lại trên mảnh đất có một chế độ qúa ư quái gở này. Bà khuyên Lâm nên đi trước rồi tìm đường cho Nhung qua sau vì như thế vẫn dễ hơn. Lâm vâng lời mẹ vì chàng nhận thấy mẹ chàng có lý. Khi đến nơi, Lâm liên lạc ngay với các cơ quan liên hệ. Ở đâu Lâm cũng chỉ được trả lời là chưa có chương trình bảo lãnh cho vợ chưa cưới. Lâm thì chưa đủ điều kiện và thời gian định cư cần thiết để có thể về cưới Nhung mà đem nàng đi được. Hoặc nếu có thì ngày ra đi của Nhung cũng trong vòng chờ đợi và không ai biết là chờ đợi đến bao giờ. Thấy Lâm buồn, gia đình cũng như bạn bè Lâm bàn với chàng rằng đề nghị Nhung vượt biên. Bàn đi tính lại thì Lâm thấy chỉ có cách ấy là hay hơn cả. Mặc dù nguy hiểm thật nhưng nhiều người làm và đã thành công. Thế là dự định được thi hành. Thư và quà ngoại quốc gởi về đều chịu sự kiểm soát rất gắt gao. Có khi Nhung nhận lá thư đã bị bóc ra mà cũng không dám kêu ca gì. Để qua mặt được sự kiểm soát đó, Lâm và Nhung phải viết cho nhau bằng những mật mã đã dặn nhau từ trước và chỉ có họ mới biết được là họ muốn nói gì. Đọc thư Lâm, Nhung hiểu là Lâm muốn nàng tìm cách ra đi. Mỗi lần nghĩ đến đi, Nhung lại ngần ngại và xót xa thương cha mẹ. Ông bà Đức chỉ có hai người con, Hải và Nhung. Như bao thanh niên cùng lứa tuổi, Hải đang ở trong trại cải tạo. Rã ngũ chạy về, Hải đem vợ con về nhà cha mẹ. Khi trình diện học tập cải tạo, chàng thật thà tin tưởng rằng chỉ có mười ngày như lời họ nói. Chàng an ủi vợ: - Em ạ, mười ngày thôi thì cũng chẳng nhiều nhặn gì. Em và con cứ an tâm ở với ba mẹ. Anh về rồi mình tính. Thế mà gần năm năm rồi vẫn chưa thấy Hải trở về. Ông bà Đức thương con, thương dâu, thương đàn cháu ngoan bốn đứa nên đầu ông cứ bạc thêm, mắt bà cứ yếu thêm vì khóc. Chút tiền bạc dành dụm được của những ngày ông làm cán sự Ở bịnh viện từ từ biến thành quà thăm nuôi cho con trai, bù đắp cho bày cháu nhỏ. Hạnh, vợ Hải, dù có giỏi giang tần tảo thì cũng chỉ kiếm thêm rau mắm giữa thời buổi gạo châu củi quế. May mà bà Đức còn khoẻ mạnh, săn sóc được cho lũ trẻ để Hạnh rảnh rang buôn bán. Còn ở nhà, Nhung còn giúp đỡ cha mẹ lo cho bày cháu chút đỉnh, nhưng nếu Nhung đi, bà Đức sẽ mất đi một cánh tay và chắc chắn là sẽ buồn hơn nữa. Nhưng nếu nàng đi được, nàng sẽ có điều kiện giúp cha mẹ và chị dâu được nhiều hơn. Ấy là chưa kể sau này biết đâu nàng chẳng bảo lãnh được cho ông bà Đức. Người ta chẳng vẫn đồn rằng có con cháu đi ngoại quốc là sẽ có cơ hội bảo lãnh cho gia đình, cho cha mẹ là gì. Cứ như thế, Nhung với trăm ngàn nỗi suy tính thiệt hơn, cộng với sự hối thúc của Lâm làm Nhung như điên lên được. Cuối cùng, Nhung cũng vượt khỏi hải phận VN. Qua một đêm lắc lư theo tàu mệt lả, đến trưa hôm sau thì ai cũng ngất ngự Sóng cấp bốn và mưa như trút. Chủ tàu nói phải ra đi vào lúc thời tiết xấu như thế thì mới có nhiều hy vọng thoát được sự kiểm soát gắt gao của bọn công an biên phòng. Phải liều mới được! Xế chiều hôm sau thì trời ngưng mưa nhưng mây vẫn âm u dày đặc và gió vẫn dữ dằn. Một số đàn ông gốc hải quân hoặc đi biển đã quen, ít say sóng hơn nên đã dắt dìu vợ con, anh em họ lên khỏi hầm tàu. Gần phân nửa là đàn bà trẻ con. Họ nằm ngồi la liệt trong lòng tàu và ói mửa lên nhau. Số người qúa say sóng, không lên trên được, nằm lịm trong hầm tàu có cả Nhung. Ở đây, nước biển, dầu máy, và các thứ từ trong bao tử cho ra trộn lẫn vào nhau thành một thứ nước bầy nhầy, đen ngòm, nồng nặc, hôi hám và dơ bẩn. Vũng nước ấy giận dữ xô đẩy nhau theo sự lắc lư nhiều ít của con tàu và đôi lúc chồm tới, phủ lên tóc, lên mặt, thấm vào quần áo những người nằm lại không chút xót thương. Đã thế, những gì có được từ trong bao tử của những người ở phiá trên cũng đều cho ra sạch sẽ. Những thứ ấy hoà cùng nước tiểu khai nồng của người lớn cũng như trẻ con đã len qua kẽ ván lòng tàu chảy cả xuống đầu, xuống mặt, xuống quần áo những người ở dưới. Cũng may mà Nhung quá say sóng để biết thế nào là dơ bẩn, nếu không, trong hoàn cảnh đó, chắc Nhung cũng đến chết đi vì ghê sợ. Tàu đi được hai đêm một ngày thì sóng bắt đầu êm. Sang ngày thứ ba, bầu trời trong lại. Người trên tàu đã hết ói nhưng vẫn nằm như cá hộp. Nhung cũng đã lên được khỏi hầm. Quần áo Nhung đã khô đổi màu lem luốc và cứng nên mỗi khi cử động kêu lên sột soạt. Mái tóc dài óng ả của Nhung không còn óng ả nữa mà dính bết lại từng chùm. Nhung đưa tay vuốt, nàng có cảm tưởng như chạm phải những sợi dây thừng ẩm. Một chất dinh dính bám vào tay làm Nhung thấy ghê ghê, nhờn nhợn. Nhung không thấy đói, chỉ thấy dã dượi, mệt và khát nước. Mọi người chuyền tay nhau bình nước bằng nhựa và mỗi người chỉ được uống mỗi lần một cái nắp bình đầy và uống ba lần một ngày để cầm chừng. Đầu óc trống rỗng, mệt mỏi, Nhung ngồi dựa lưng vào thành tàu nhìn ra biển cả. Trước mặt nàng bát ngát một màu xanh thật đẹp. Nắng buổi sáng rực rỡ long lanh trên mặt nước. Không có đường chân trời mà biển và trời là một màu xanh hài hoà kỳ diệu. Ở tận cùng tầm mắt, biển và trời như nối liền lại với nhau. Biển quá đỗi hiền hòa. Hiền hòa như chưa từng bao giờ có sóng. Biển như một hồ nước mênh mông xanh thẳm với mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Biển với hai cánh tay bao dung ôm lấy con tàu như hai cánh tay mẹ hiền dang ra đón lấy đứa con với vô vàn yêu dấu. Biển nên thơ và trong lành vô tội, Biển thật đầy, thật đẹp. Đẹp như tình em cho anh đấy, Lâm ơi. Nghĩ đến Lâm, Nhung thấy lòng êm hẳn lại. Cuối cùng, em đã bỏ hết để ra đi. Em sắp gặp được anh rồi Lâm ạ. Nhưng cũng vừa nghĩ đến đây niềm vui vừa tới đột nhiên biến mất. Nhung chợt thấy lòng mình buồn bã. Ồ, thật thế sao? Có phải mình đã thật sự rời khỏi quê hương mình sao? Mình rời xa cha mẹ mình thật rồi sao? Ơi Mẹ! Một người mẹ hiền hoà cả đời nhẫn nhục hy sinh cho chồng con. Đời mẹ như không có niềm vui riêng và chỉ lấy niềm vui của chồng của con làm niềm vui của mình. Ơi Cha! Một người cha hiền lành lúc nào cũng thương yêu gia đình rất mực. Lúc nào cũng tiện tặn phần mình để nhường đồng lương bé nhỏ của mình cho no con, đủ vợ. Ơi những đứa cháu ngoan ngoãn dễ thương luôn luôn chạy theo gọi "cô Nhung, cô Nhung... ". Ơi, bạn bè, ơi tuổi xanh và ơi kỷ niệm! Nói đến kỷ niệm, Nhung lại nhớ da diết chiếc bàn học cũ với bao buồn vui của phần đời. Đó là chiếc bàn cũ kỹ kê ở góc phòng từ những ngày còn là học trò cho đến khi là cô giáo. Những buổi tối học thi, và lá thơ tình vụng dại đầu đời được Nhung viết viết, xé xé cũng trên chiếc bàn đó. Cũng chiếc bàn đó những lúc Lâm đến thăm, hai người đã ngồi hằng giờ tâm sự. Những chồng vở đem từ trường về cũng được chấm trên đó. Những đêm soạn bài khuya cũng trên bàn đó và những thư từ của Lâm cũng được xếp gọn gàng trong ngăn kéo đó... Tất cả đã xa thật rồi sao? Ôi! Việt Nam... Việt Nam, một mảnh đất thân yêu nhưng cũng đầy đau khổ. Đến bao giờ... có bao giờ mình được trở lại quê hương tội nghiệp của mình không? Ngôi trường với khuôn sân rộng và bốn cây phượng đầy hoa đỏ ở bốn góc sân mỗi độ hè về... Hình ảnh và khuôn mặt từng đứa học trò xinh xắn, dễ thương cứ chờn vờn trong trí tưởng... Thật thế không? Từ đây, tất cả chỉ còn là dĩ vãng? Đôi mắt Nhung cay sè. Cơn đau ập đến và Nhung thấy lòng mình xót xa chìm đắm vào nỗi tiếc thương. Bất chợt, nàng nghĩ đến mấy câu thơ: Ngoái nhìn quê cũ lòng đau Bao hải lý, bấy nhiêu sầu, nước ơi Mênh mông những biển cùng trời Một ranh trời biển chia đôi muôn trùng... Người bên ấy nhớ ta không??? Ba ơi, Mẹ Ơi, phương ấy ba mẹ có nhớ con không? Còn con, con nhớ ba mẹ lắm. Cu Bi, cu Tèo, bé Nhè, bé Mũm ơi, cô nhớ các bé quá. Chị Hạnh ơi, em nhớ chị. Chị về làm dâu ba mẹ thì em mới bắt đầu học lớp Đệ Lục. Chúng ta là chị dâu em chồng mà thương nhau như chị em ruột. Chị có nhớ những lần em nấu canh mặn, cơm khô bị mẹ trách, chị nhận cho em không? Chị có nhớ lúc em mới quen Lâm, ba bảo em còn nhỏ, cấm em. Nhớ Lâm quá em buồn ngơ ngẩn. Chị tội nghiệp, hẹn Lâm đến nhà bạn chị và xin phép ba mẹ cho em đi chơi với chị để em gặp Lâm không? Ôi... bao giờ... bao giờ em mới lại về. Bao giờ gia đình ta mới lại đoàn tụ như xưa?... Mặc cho những giọt lệ theo nhau tràn xuống má, Nhung thấy mặn ở môi nhưng không buồn lau nước mắt. Chưa lúc nào Nhung thấy bơ vơ, nhỏ bé và bất lực như lúc này. Nàng cảm thấy một mất mát quá lớn lao và lòng tràn đầy đau khổ. Giá của hai chữ Tự Do quá lớn. Nàng phải đánh đổi bằng cả tình thương yêu và sự đoàn tụ của một gia đình. Biển xanh vẫn đẹp nhưng nàng không còn cảm thấy vẻ đẹp của nó nữa. Tự nhiên, nàng cảm thấy một nỗi tức giận trào dâng. Nàng giận cho chế độ tham tàn để Lâm và nàng phải ra đi. Nàng giận luôn cả biển. Giận bọn người dã man làm đất nước đau thương thì nàng hiểu được nhưng giận biển thì thật là phi lý. Nàng biết mình vô lý nhưng không thể phân tích. Ừ, đúng rồi. Cũng biển. Biển đã đưa mình đi xa để không còn được ở bên những người yêu dấu. Biển đã chôn sống biết bao người dân Việt Nam vô tội. Biển làm bộ hiền lành để che giấu dữ dằn nghiệt ngã của sóng gió thê lương. Biển giả dối lắm. Giả dối như những con người từng khoe là nhân đạo, từng khoe là chiến thắng. Họ chiến thắng gì và chiến thắng ở đâu? Ừ, thì cứ cho là họ chiến thắng như họ khoe đi nữa nhưng thật sự trong tình cảm và lý trí người dân trên mảnh đất bị họ chiếm đoạt kia, họ hoàn toàn chiến bại. Nếu không, sao bao người phải bỏ họ mà đỉ Bởi họ, chính họ. Họ chứ không phải biển. Họ là nguyên nhân của sự chia lià. Họ là nguyên nhân của những cái chết đau thương tức tưởi. Càng nghĩ, Nhung càng cảm thấy nỗi đau lớn quá. Bên cạnh nỗi nhớ thương cha mẹ, ý nghi về những kỷ niệm thân yêu bỗng chốc trở thành quá khứ làm Nhung như người bị rơi vào khoảng chân không. Dù có chuẩn bị tinh thần cách nào đi nữa, Nhung cũng vẫn không thể chấp nhận mau chóng một đổi thay mất mát to lớn quá trong đời. Bây giờ, Nhung mới hiểu rằng tại sao lúc trước nhiều người đã bước xuống tàu rồi mà bỏ cuộc. Rằng tại sao ngày 30/4 có những con tàu đã ra đến hải phận quốc tế mà sau đó lại trở lại nơi họ nhổ neo. Và chính Nhung, nàng đã mất bao nhiêu tiền bạc, công sức để chỉ mong cuộc vượt trốn thành công. Nay, những giờ phút kinh hoàng nguy hiểm đã qua và con tàu đang tiến về miền đất hứa thì cớ sao lòng nàng lại không vuỉ Nhung sắp gặp lại Lâm rồi mà. Trước khi đi, Nhung vẽ cho mình bao nhiêu là hình ảnh mộng mơ hạnh phúc khi vượt thoát. Chẳng phải là Nhung từng ước mong được Lâm ôm chầm lấy bằng hai cánh tay thương yêu của chàng và Nhung sẽ khóc trong lòng chàng cho thỏa niềm thương nhớ đó sao? Chẳng phải là ai cũng ôm mộng ra đi, dù biết rằng đi như thế cái chết rình rập và có thể đến với họ bất cứ lúc nào đó sao? Những ý nghĩ miên man mâu thuẫn cứ thi nhau chiếm trọn tâm hồn Nhung. Nàng cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Nghĩ đến sự tàn bạo của những con người CS Nhung lại thầm cảm ơn Thượng Đế đã đưa con tàu ra khỏi hải phận Việt Nam, đã đưa nàng rời xa quê hương khốn khổ. Niềm vui dù to lớn thật nhưng vẫn không đủ làm tan đi bao xúc cảm buồn đau của kẻ phải rời bỏ những gì thân yêu nhất. Chưa bao giờ Nhung thấy thấm thía về ý nghĩa của hai chữ QUÊ HƯƠNG như lúc này. Cũng như gia đình, quê hương là một thực thể hiện hữu mà ai cũng có từ lúc chào đời. Vì thế, những hình ảnh gia đình, quê hương đã thấm vào dòng máu, hoà tan trong hơi thở và gắn bó với tâm hồn. Có xa quê mới thấy quê hương là một nơi chốn con người đặt bao tình cảm thiêng liêng và thương nhớ khôn nguôi. Bởi thế nên qua bao nhiêu thế hệ, các bậc anh hùng liệt nữ trong lịch sử VN đã chẳng ngại ngần hy sinh cả mạng sống mình cho quê hương đó sao. Thế mà từ nay, với Nhung, quê hương chỉ còn trong trí nhớ vì đã xa cách ngàn trùng. Nhung biết là mình đã có cái may vượt thoát khỏi gông cùm cộng sản. Đúng. Trên một phương diện nào đó và chỉ ở một phương diện nào đó thôi, nàng đã vượt thoát. Nhưng cùng một lúc, nàng chìm đắm và không thể vượt thoát đươc sự tù đày của dằn vặt nhớ thương. Một vệt sóng dài nối cái đuôi tàu với miền xa tắp rồi chìm trên mặt biển. Cuối vệt sóng đó là quê hương. Quê hương mỗi lúc một xa và mịt mùng trong màu xanh của trời, của biển. Lòng ngổn ngang mâu thuẫn, Nhung thấy xót xa thương những người không may mắn còn ở lại và thương cả kẻ may mắn đã ra đi. Càng nghĩ, càng buồn. Nhung ngồi bất động, dựa lưng vào thành tàu, hai cánh tay vòng lại ôm lấy hai đầu gối như cố giữ lại chút hình ảnh cuối cùng. Nàng vẫn nhìn thẳng nhưng không còn thấy rõ màu tươi xanh của biển trời trước mặt. Mắt Nhung lại mờ đi. Hình như những dòng nước mắt lại âm thầm chảy dài trên má và Nhung lại cảm thấy mằn mặn ở một góc môi.